Trường Thiên Hựu Huế - Một vinh dự trong cuộc đời

Thứ hai - 01/08/2022 08:32
Tôi có mơ cũng không thể nào được học ở một trường danh tiếng và danh giá như Trường Thiên Hựu (Institut de la Providence) Huế, nếu tôi không “đi chủng viện”. Nhưng khi tôi đang học ở đó thì không hề cảm thấy vinh dự gì cả vì quá bận “chúi mũi” vào việc học.
 
Về sau khi lên Đại Học tôi có nghe nói thầy này thầy nọ đã từng là học sinh của Trường Thiên Hựu. Toàn là các giáo sư nổi tiếng lúc bấy giờ: Dương Thiệu Tống, Bùi Xuân Bào, Lê Thanh Minh Châu, Tôn Thất Thiện, Lý chánh Trung… Tôi còn nghe nói Trịnh Công Sơn cũng là cựu học sinh Thiên Hựu nữa. Sau 75 tôi lại nghe ông Tạ Quang Bửu từng dạy ở Trường Thiên Hựu. Hai vị dạy ngôn ngữ học ở miền Bắc khá nổi tiếng là Phan Ngọc và Cao Xuân Hạo cũng “tự hào” đã từng học ở Trường Thiên Hựu, tuy chỉ học một hai năm đầu trung học mà thôi. Hai ông này “khoe” là đã học tiếng Latinh và tiếng Hi Lạp ở trường này. Ông Phan Ngọc rất hãnh diện vì đã được học hai cổ ngữ này ở trường Thiên Hựu. Tôi không biết ông đã học được gì trong thời gian ngắn ngủi này vì sau đó ông phải đi ra Bắc. Ông Cao Xuân Hạo thì bảo rằng cái vốn tiếng Anh và ngôn ngữ học của ông sở dĩ khá lên được là nhờ học ở trường này, nhờ được học tiếng Anh và đọc sách ngôn ngữ học bằng tiếng Anh trong khoảng thời gian học ở Trường Thiên Hựu. Tôi chưa kịp hỏi ông vì sao chỉ mới học ở những lớp đầu cấp mà tìm ra sách và đủ sức đọc sách ngôn ngữ học bằng tiếng Anh như thế thì ông đã qui tiên mất rồi. Nhưng dầu gì thì các vị đó cũng rất đề cao Trường Thiên Hựu.

Thế nhưng tôi không tìm đâu ra những tài liệu viết về Trường Thiên Hựu Huế. Duy nhất chỉ có một bài của cha Lefas đăng trong Bulletin des M.E.P. năm 1951. Cả đến khi phương tiện vi tính khá thịnh hành ở Việt Nam này, nghĩa là sau năm 2000, tôi cũng chỉ tìm được một bài tương đối hoàn chỉnh viết về ngôi trường này, và thực tế thì bài đó có trọng lượng nhờ bản dịch bài viết của cha Lefas đính kèm sau đó. Đó là bài “Nhớ về Thiên-Hữu Học-Đường” của Phạm Nguyên Hanh. Tôi có tìm trên mạng ở Archives des MEP nhưng chỉ tìm được những thông tin rời rạc về Institut de la Providence mà thôi. Gần đây tôi có đọc được, rất tiếc, chỉ một vài trích đoạn bài viết của anh Nguyễn Xuân Hồng, một cựu học sinh của trường, về chuyến du hành của cha Lefas lần cuối cùng về Việt Nam (10-25/5/2001). Và chỉ có thế. Có điều lạ là hiện nay có rất nhiều blog, website viết về các ngôi trường cũ, nhưng các cựu học sinh của ngôi trường nổi tiếng và kỳ cựu Thiên Hựu thì vẫn im hơi lặng tiếng. Cũng may gần đây tôi đã tìm được mailbox của một số bậc đàn anh cựu học sinh Thiên Hựu và do đó có bài viết này. Quả thật Trường Thiên Hựu không phải là “thùng rỗng” nên không “kêu to”.

Thật ra con cái của một giáo làng nhà quê nhất nước như tôi thì không thể nào có cơ hội được học ở một trường danh giá như Thiên Hựu Học Đường nếu không “đi chủng viện”. Nói ra thì thật rắc rối. Nhưng dù có thế nào thì tôi cũng sẽ nói ra. Bố tôi ngày xưa có đi Tiểu Chủng Viện Làng Sông Qui Nhơn đến hết lớp Cinquième [Lớp 7 hệ giáo dục Việt Nam – Nguyễn Đính chú thích] thì “xuất”. Theo lệ thường người Công Giáo Việt Nam thì nếu bố “xuất” thì con trai lại tiếp tục “nhập” chủng viện. Vì thế tôi có mặt ở Tiểu Chủng Viện Sao Biển (Petit Séminaire Stella Maris) thuộc Giáo phận Nha Trang từ năm 1960. (Nhưng tôi lại “xuất” năm 1969 mà con tôi thì không thể nào “nhập” được vì là “nữ nhi”. Vì thế qui trình “xuất nhập” kia bị gián đoạn.) Truyền thống của TCV Sao Biển Nha Trang là theo chương trình Trung học của Pháp, ngắn gọn thường gọi là “chương trình Pháp”. Mà quả thật phải như thế vì đa số các giáo sư của TCV này là các linh mục người Pháp thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris (M.E.P.). Thế nhưng ở đây thường thì các chủng sinh chỉ học đến thi xong Brevet, tức từ lớp Huitième đến hết lớp Troisième [Ở đây có thể tác giả nhầm giữa Huitième với Sixième bởi hệ thống giáo dục Pháp bậc Trung học đệ nhất cấp chỉ có các lớp xếp từ thấp đến cao như sau: 6è, 5è, 4è, 3è (tương tự lớp 6, 7, 8, 9 hệ Việt Nam)], sau đó thì được gửi “du học” ở những trường khác có dạy chương trình Pháp ở trong nước cho đến hết lớp Terminale [Lớp cuối bậc Trung học], tức thi xong Baccalauréat [Tú tài].

Trước 1975 thì có nhiều trường nhưng vào thời chúng tôi, ở trong Nam này chỉ còn các trường, Marie Curie Saigon, Yersin Dalat, Adran Dalat, Providence Huế là còn dạy chương trình Pháp ở deuxième cycle, tức từ Seconde đến hết Terminale [Bậc Trung học đệ nhị cấp hệ Pháp gồm 3 lớp từ thấp đến cao: Seconde, Première và Terminale (tương ứng với lớp 10, 11, 12 hệ VN)]. Tôi được “du học” ở Providence. Trước chúng tôi, vào những năm năm mươi, Giáo phận Nha Trang cũng đã từng gửi các chủng sinh ra học ở Trường Thiên Hựu Huế rồi, và một số chủng sinh ngày xưa ấy nay đã trở thành những linh mục “sáng giá” của Giáo phận Nha Trang. Thật ra thì đã có nhiều linh mục thuộc hai Giáo phận Huế và Nha Trang đã từng học ở Trường Thiên Hựu. Đối với tôi, việc được học ở Trường Thiên Hựu, nói theo ngôn ngữ “nhà đạo” bây giờ, thì đây là Sự Quan Phòng (Providence). Vì rất coi trọng điều này, và có thể nói là coi trọng nhất, cho nên tôi mới lấy bút danh là Thiên Hựu. Thế là đầu năm học 1966-1967 tôi được diện kiến các cha: Georges Lefas, Modeste Duval, Jean Oxarango, Mary Cressonnier, và thầy Lâm Toại. Tôi có thấy cha Henri Petitjean ở đó nhưng tôi không được học với ngài vì ngài chỉ dạy lớp Troisième. Trong ban giáo sư còn có hai cha người Pháp của Giáo phận Nha Trang gửi ra là các cha: Joseph Larroque và René Gantier. Lúc bấy giờ cha Nguyễn Văn Trong làm hiệu trưởng và cha Nguyễn Văn Phước làm quản lý. Bên chương trình Việt tôi còn thấy có cha tiến sĩ Nguyễn Tiến Huynh và cha sử gia Nguyễn Phương, nhưng tôi không được học với các vị này. Khi nói đến hay nghĩ đến Trường Thiên Hựu thì tôi nghĩ ngay đến các cha, Lefas, Duval, Oxarango, Cressonnier, Larroque, và thầy Lâm Toại, vì các ngài trực tiếp dạy tôi và gây ấn tượng nhiều nhất.

Cha Georges Lefas được chính Đức Cha Lemasle đặt cho tên tiếng Việt là Phước, người Việt thường gọi cha là Cố Phước. Cha tiếp xúc với chúng tôi nhiều nhất vì ngài dạy ba môn, Littérature, Histoire và Géographie [Văn chương, Lịch sử và Địa lý]. Nói về cha Lefas thì có nhiều chuyện để nói lắm, không đủ chỗ để viết ở đây, đành chỉ nói một vài điều thôi. Bạn bè tôi có chế ra một từ mà chắc chắn trong Larousse không hề có. Đó là từ Lefasisme. Ngài nói dài lắm. “Nói có dây có nhợ”. Ngài đi dạy Littérature thường “rinh” theo cái tourne-disque [máy đĩa] to đùng từ phòng của ngài ở tầng 2 dãy nhà chính leo lên tầng 2 dãy phòng classe. Và ngài chỉ cho chúng tôi nghe không quá 5 phút vào cuối giờ một đoạn kịch, một đoạn văn, hoặc bài hát nào đó. Rất nhiều lần ngài nói đến quên mất giờ giấc, có khi ngài vừa để kim chạm đến đĩa thì có tiếng chuông báo hết giờ, và ngài chỉ thở ra: “C’est dommage!” [Thật đáng tiếc!] Và chấm dứt. Ngài chấm dứt thì lúc nào cũng đúng giờ! Giáo án của ngài là một tờ giấy to đã ngã màu vàng có dán chồng chất nối tiếp những mảnh giấy nhỏ bổ sung. Chúng tôi nghĩ rằng các đại huynh của chúng tôi ngày xưa đã từng thấy tờ giấy này, vì chắc là ngài đã dùng giáo án này từ thời các đại huynh của chúng tôi. Phương pháp analyse littéraire của ngài là “en trois colonnes”. Ngài rất chú ý đến các métaphores. Về histoire và géographie, ngài đã từng đậu cử nhân về histoire-géographie ở Sorbonne, ngài rất chú trọng đến các chi tiết. Các trận đánh của Napoléon đều có ghi giờ giấc chính xác từng phút! Vùng nào sản xuất thứ gì rõ ràng đâu ra đó. Ngài có một thói quen “rất ư là dễ thương” là khi viết bảng sai chữ nào ngài không dùng chiffon mà dùng nước miếng để xóa đi rồi viết lại. Khi có bạn bụm miệng cười ngài lỡ nghe được, ngài ngơ ngác quay lại: “Mais quoi çà?” Tôi có người bạn cùng lớp đứng sau tôi mỗi lần chào cờ buổi sáng thứ hai cứ hát nho nhỏ câu: “Père Lefas a la barbe rousse…” trong khi lúc đó hàm râu của cha đã muối tiêu chứ không đỏ. Thỉnh thoảng cha lại cào cào trên chòm râu mắt nheo nheo sau đôi kính trắng trông ngồ ngộ. Cha đã “sống chết” với trường Thiên Hựu (1937-1975). Có thể nói, nói đến Trường Thiên Hựu là nói đến cha Lefas. Tôi có nghe nói cha dạy thì dài dòng cặn kẽ như thế nhưng cha thường nhắm vào trọng tâm để các học sinh của cha “trúng tủ” trong các kỳ thi. Thực hư thế nào thì tôi không biết vì tôi chỉ học với cha trong hai năm Seconde và Première mà thôi, nghĩa là những năm không có thi, vì vào lúc ấy bên chương trình Pháp bỏ thi Bac I rồi, chỉ thi Bac II ở cuối lớp Terminale mà thôi. Có điều tôi cảm nhận được là tuy cha nói dài nhưng chúng tôi vẫn chú ý lắng nghe và những kiến thức chúng tôi nhận được trong những giờ dạy của cha thì chắc chắn, chính xác, rõ ràng, và không thể nào quên được. Thỉnh thoảng cha cũng có những cử chỉ, động tác hay lời nói gây cười. Tôi nghĩ tính hài hước là một trong những đặc tính của một hướng đạo sinh. Cha Lefas là một huynh trưởng hướng đạo kỳ cựu mà. Tôi có nghe nói cha có huy chương về giáo dục dưới thời Bộ trưởng Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh. Tôi nghĩ cha Lefas của chúng ta xứng đáng hơn nhiều, nói chi đến một huân chương. Ai đã từng đọc bài viết “Une expérience scolaire au Vietnam. L’institut de la Providence de Hué” đăng ở tờ Bulletin des M.E.P. số năm 1951 từ trang 315 đến trang 323 mới thấy cha Lefas quả là một nhà giáo dục có tầm nhìn chiến lược. Nếu Đức Cha Allys là người đưa ra sáng kiến thành lập Trường Thiên Hựu, hai Đức Cha Chabanon và Lemasle là những người cố công thực hiện sáng kiến này với sự trợ giúp của hai cha Dancette và Doucet thì cha Lefas có thể được xem là linh hồn của Trường Thiên Hựu. Cha đã sống với Trường Thiên Hựu cho đến ngày Trường Thiên Hựu bị xóa tên để rồi sau đó mang tên là Trường Đại Học Khoa Học Huế. Ngày 19/5/2001 Cha Lefas đã có dịp nhìn lại căn phòng của cha ngày xưa, cạnh thư viện của Trường, bây giờ đã trở thành phòng của các giáo sư. Cha đã nhận ra ngay và đã chụp hình làm kỷ niệm. Thật là cảm động!

Một cha giáo sư khác không thể không nhắc đến mỗi khi nghĩ hoặc nói đến Trường Thiên Hựu là cha Modeste Duval. Hiện tại nếu nhắm mắt lại tôi vẫn có thể thấy hình ảnh của cha. Một linh mục người Pháp cao lớn, mặc áo dòng đen, tóc bạc, mang kính, chân đi sandale, tay cầm cuốn sách Mathématiques của C.Bréard, đang giảng một bài toán. Cha cầm sách nhưng không nhìn vào sách vì cha đã thuộc lòng cả rồi, và cứ thế cha nói và viết các phương trình lên bảng. Cha rất hài lòng đối với một bạn học của tôi là Nguyễn Văn Tiến, con của giáo sư toán học Nguyễn Văn Hai, khoa trưởng Đại học Khoa học Huế lúc bấy giờ, vì mỗi lần được gọi lên bảng Tiến bao giờ cũng giải ngay, nhanh, xuất sắc bài toán. Con nhà nòi mà. Như thể anh ta đã được học trước với bố ở nhà vậy. Cha Duval quả là một hiện tượng lạ đối với tôi. Cha rất nghiêm nhưng hiền. Tôi chỉ thấy cha nổi giận một lần trên lớp. Hôm đó một thằng bạn không giỏi toán của tôi bị gọi lên bảng, nó chẳng làm được gì, cha giảng giải xong buông thõng một câu: “Fichez moi le camp!” [Ra khỏi lớp của tôi!]. Chỉ có thế. Cha không bao giờ cười khi đang giảng bài trong lớp. Nhưng ngoài lớp thì tôi thấy cha cười rất tươi, nhất là mỗi khi cha làm xong chìa khóa valise cho chúng tôi mỗi khi chúng tôi báo mất chìa khóa. Biết thế có nhiều đứa bạn của tôi giả bộ mất chìa khóa đến báo với cha, thế là cha đến ngay nhà ngủ, đeo kính một mắt của thợ đồng hồ vào, nhìn vào ổ khóa, rồi cha phát ra tiếng cười kha kha. Ngày hôm sau “khổ chủ” có ngay một chiếc chìa khóa, khi thì hình khẩu súng rouleau, lúc thì hình con dao cái kiếm, hay một thứ gì đó. Cha rất khéo tay. Tôi thấy cha Duval cười duy chỉ một lần trong giờ lớp. Hôm đó cha đang giảng bài thì thằng bạn ngồi bên cạnh muốn nhảy mũi. Nó sợ quá nên cố bụm mũi miệng lại. “Sức người có hạn”. Và một âm thanh lạ phát ra. Cha Duval đứng trên bục nhìn xuống thấy được, cha nở một nụ cười rất tươi đầy thông cảm. Đó là nụ cười duy nhất. Tôi gọi đó là “nụ cười hai niên khóa”, vì tôi chỉ được học toán với cha ở hai lớp Seconde và Première mà thôi. Sau Biến cố Tết Mậu Thân 68 chúng tôi phải rời khỏi Trường Thiên Hựu. Tôi luôn tiếc không được học toán lớp Terminale với cha Duval. Vì tôi luôn nghĩ rằng cha là một nhà toán học rất cừ. Có lần tôi mò vào phòng cha để xem cha làm chìa khóa. Đúng là nhà bác học! Đồ đạc trong phòng bề bộn lắm. Trên bàn viết một mớ hổ lốn giấy tờ sách vở! Giường ngủ? Ôi thôi! Hình như cha bận đến người khác nhiều hơn là bận đến con người của cha. Có lúc tôi lại thấy cha đang khom lưng sửa xe cho ai đó ở trước trường. Cha Duval luôn là thần tượng toán học đối với tôi. Và có lẽ tôi mê toán cũng vì cha Duval. Ngày nay các học sinh ít có được các thầy thần tượng và ít chọn các thầy cô làm thần tượng của mình mà thường chọn các diễn viên, ca sĩ, người mẫu; lý tưởng hơn thì chọn nhà doanh nghiệp, nhà chính trị. Tình hình này có nguyên do hai chiều.

Nhân vật thứ ba nổi tiếng ở Trường Thiên Hựu là cha Jean Oxarango. Cha là một giáo sư kỳ cựu hai mươi năm (1948-1968) ở Trường Thiên Hựu. Tôi chỉ được học với cha trong một thời gian ngắn vì hai môn Physique, Chimie về sau được giao lại cho một cha chi viện của Giáo phận Nha Trang, cha Joseph Larroque, một cha người breton cao lớn có cử nhân physique-chimie hẳn hoi. Có lẽ cha Oxarango nổi tiếng vì sự kỳ cựu của cha và vì chuyện chiếu phim hàng tuần của cha. Trong hai năm học ở Thiên Hựu tôi đã có dịp xem như toàn bộ các phim Charlot. Cha Oxarango cũng rất rành về máy móc và kỹ thuật. Trong Biến cố Tết Mậu Thân 68 [năm 1968] nghe nói cha đã quay phim được nhiều cảnh tượng và phim ảnh quay được đó cùng với máy móc đã bị tịch thu. Kể cũng tiếc lắm thay. Tôi không biết các bậc đàn anh của tôi đã học môn gì với cha, nhưng các chủng sinh trên tôi một lớp học ở Thiên Hựu thì học môn Latinh với cha, lớp của tôi thì không. Lớp của tôi học môn Latinh với cha Cressonnier.

Cha Mary Cressonnier từng là một giáo sư nhiều kinh nghiệm ở Tiểu Chủng Viện. Cuối năm 1965 cha được gọi về Huế để dạy Latinh cho các chủng sinh đang học ở Trường Thiên Hựu, đồng thời phụ trách trong coi một “nhà tập thể” ở gần Nhà Đèn, cách không xa Trường Thiên Hựu. Cứ đến giờ lên lớp thì chúng tôi thấy cha đến dạy. Vì cha không ở trong trường nên chúng tôi không biết rõ về cha lắm. Trong Biến cố Mậu Thân 68 cha đã bị bắn chết ở Phú Cam trên đường trở về nhà sau khi đến thăm một dì phước đang bị thương, và phải 12 ngày sau người ta mới nhận được xác của cha. Cha Cressonnier là mẫu người điềm đạm hiền từ nhưng rất giỏi tiếng Latinh. Tôi đã được học tiếng Latinh chính khóa từ lớp Sixième đến hết lớp Troisième tại Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang với một cha rất rất giỏi Latinh là Cố Hồng (J. V. Clause) và khi ra Trường Thiên Hựu lại tiếp tục học Latinh với cha Cressonnier. Các học sinh khác không phải chủng sinh thì học Anh văn, tôi không biết là với thầy nào. Vì không có thì giờ nữa, nên việc học Anh văn của chúng tôi phải tạm gián đoạn trong hai năm học ở Trường Thiên Hựu. Tôi rất lấy làm tiếc về việc gián đoạn này, vì trước đó ở TCV Sao Biển Nha Trang từ lớp Sixième cho đến hết lớp Troisième chúng tôi đã học tiếng Anh chính khóa với một vị tiến sĩ văn chương Anh, cha Hoàng Kim Đạt. Việc học Anh văn này sẽ lại được tiếp tục sau Biến cố Mậu Thân 68, khi tôi về học lớp Terminale ở Collège d’Adran Dalat. Sở dĩ tôi nhấn mạnh những chuyện này vì cũng may cha Cressonnier rất giỏi Latinh cho nên việc học của tôi cũng đỡ buồn. Đối với tôi môn Latinh không phải là khó lắm nhưng phải “trường kỳ” và hiếm có vị giáo sư nào dạy hay môn Latinh lắm.

Như đã thấy hai năm học ở Trường Thiên Hựu chúng tôi không theo một ban (série) nào cả; môn nào cũng chính cả. Nếu nói về littérature thì quả thật chúng tôi theo série A (littérature-philosophie). Về Mathématiques thì chúng tôi theo série C (mathématiques élémentaires); chúng tôi dùng sách của C. Bréard, một tác giả thiên về tân toán học và vecteur. Về Physique-Chimie thì chúng tôi theo série D (Sciences naturelles). Về Latinh thì đúng là Latin pur. Về Việt văn thì chúng tôi theo đúng chương trình Việt văn lớp 11 và lớp 12 chương trình Việt. Và người đã “phá luật” dạy Việt văn đúng chương trình Việt đó là thầy Lâm Toại. Thầy cũng là một huynh trưởng hướng đạo kỳ cựu cho nên ngoài Việt văn ra chúng tôi cũng được nghe nói về hướng đạo rất nhiều. Và chúng tôi cũng bắt đầu “chơi hướng đạo” từ lúc đó. Chuyện này chắc cha Lefas biết và bằng lòng. Việc thầy Lâm Toại dạy Việt văn đúng chương trình Việt đã tạo cơ hội tốt để tôi thi Tú Tài I và Tú Tài II bên chương trình Việt. Và kết quả là cuối năm lớp Première tôi đã có bằng Tú Tài II ban C của chương trình Việt, với hạng Bình Thứ; số người đậu thứ hạng này ở ban C thuộc Hội đồng thi Nha Trang năm 68 đó chỉ có 4 người. Tôi kể lại chuyện này cốt yếu chỉ muốn nói đến sự thức thời của thầy Lâm Toại cùng với hiệu quả dạy dỗ của các giáo sư của Trường Thiên Hựu, tuy việc thi Tú Tài chương trình Việt của tôi chỉ là một dạng mà bạn bè tôi gọi là “thi chơi” mà thôi.

Chúng ta chỉ mới đề cập đến các giáo sư chương trình Pháp của Trường Thiên Hựu trong hai niên khóa 1966-1967 và 1967-1968. Đây quả là một ban giảng huấn chất lượng cao, đầy kinh nghiệm, giàu nhiệt huyết. Còn môi trường học tập thì như thế nào?

Năm 1966, khi ra đến nơi thì tôi sửng sốt đứng trước một dãy nhà dài khoảng trăm mét, gồm một trệt hai lầu, có dáng dấp tây phương hơi xa lạ với môi trường chung quanh, cuối dãy là một nhà nguyện nhỏ xinh xắn nằm bên trên một hậu trường. Tôi nghe nói dãy nhà chính dài và đồ sộ kia là đồ án của kiến trúc sư-thầu khoán Đinh Doãn Sắc, và ngôi nhà nguyện là bản vẽ của André Duthoit, một kiến trúc sư thân quen của cha Lefas. Trong dãy nhà chính này ở tầng trệt có phòng étude dành cho học sinh nội trú. Ở tầng một có các phòng của các cha giáo sư, và thư viện đồ sộ của trường. Ở tầng hai có phòng ngủ của các học sinh nội trú. Bên trên là sân thượng rộng thoáng, từ đó có thể nhìn thấy bao quát chung quanh; có thể trông thấy Núi Ngự Bình trước mặt. Phía sau, thẳng góc với dãy nhà chính là ba dãy nhà dài khác, ở đầu phía tây là một dãy nhà gồm một trệt một lầu, bên dưới gồm hai phòng classe, một phòng ăn, một nhà bếp, trên lầu có những phòng classe và phòng cha quản lý. Cuối dãy này là nhà của các soeurs lo việc y tế, ẩm thực. Song song với dãy nhà này, sau khi ngang qua một sân bóng rỗ là một nhà chơi (préau) dài có mái che, ở đây có đặt hai bàn bóng bàn. Sau khi ngang qua một sân rộng khác có cột cờ là một dãy nhà dài khác, gồm một trệt và hai lầu dùng làm các phòng classe. Song song với dãy nhà chính là một sân bóng đá khép cạnh tạo thành một hình chữ nhật to lớn. Rõ ràng học sinh Thiên Hựu được giáo dục toàn diện, cả trí tuệ, tâm hồn và thể xác. “Mens sana in corpore sano.” Đội bóng đá của chúng tôi đã từng gây sóng gió ở các sân Quốc Học và Hàm Nghi. Và chúng tôi luôn được các soeurs chăm sóc kỹ lưỡng về y tế và ẩm thực. Vào lúc ấy tình hình kinh tế không sáng sủa gì nên chúng tôi thường xuyên đối mặt với những món ăn “truyền thống” của một trường trung học nội trú xứ Huế là mắm ruốc, vả và thịt trâu. Có “gian khổ” đó, nhưng tất cả chúng tôi đều khỏe. Cả một khoảng đất rộng này trước đây vốn là đồng ruộng đầm lầy và phải mất đến 6 năm (1933-1938) mới hoàn tất toàn bộ công trình này.

Có biết rằng cơ sở đồ sộ này chỉ là một trường trung học và đã xây xong từ năm 1938 trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn thiếu thốn đủ điều thì mới thấy được các nhà hoạch định và thực hiện dự án đã quyết tâm ra sao và coi trọng việc giáo dục đến thế nào. Việc nhà nước, sau năm 1975, đã lấy cơ sở này làm một trường Đại học cho thấy các Đức Giám Mục Allys, Chabanon, Lemasle đã thống nhất lập trường và có tầm nhìn chiến lược đáng nể phục. Trong hai niên khóa 1966-1967 và 1967-1968 tôi đã được vinh dự ăn ở học tập trong môi trường như thế. Là học sinh nội trú của Trường Thiên Hựu, chúng tôi phải tuân thủ nội quy kỷ luật phải nói là rất “spartiate”. Giờ ngủ, giờ dậy, giờ ăn, giờ học, giờ chơi đâu ra đó; chẳng khác nào trong tu viện. Mỗi tuần chúng tôi chỉ được đi ra ngoài (sortie) một lần từ 9 giờ đến 11 giờ nếu trong tuần không vi phạm kỷ luật. Nếu về trễ tuần sau sẽ bị cấm túc ngay. Có hai thầy giám thị kiểm tra bất cứ lúc nào. Tôi đã mất hẳn thói quen ngủ trưa từ khi học ở Trường Thiên Hựu, vì sau cơm trưa nhà trường chỉ cho học sinh lên phòng ngủ đúng 15 phút, không phải để ngủ trưa nhưng để lấy đồ đạc vật dụng mà thôi. Cũng may tôi đã quá quen cái dạng nội qui này vì trước đó tôi đã sống ở Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang sáu năm (1960-1966) rồi. Nhưng rõ ràng năm sáu mươi học sinh nội trú, trong đó chỉ có khoảng mươi người là chủng sinh, vẫn chấp hành nghiêm chỉnh nội qui của nhà trường. Riêng bản thân tôi thì nghĩ rằng ngày nay tôi được như thế này một phần là do khi còn ở tuổi học sinh tôi đã áp dụng quy tắc giờ nào việc nấy, tiếng Latinh gọi là “age quod agis”. Thật ra số học sinh nội trú của Trường Thiên Hựu chỉ là thiểu số, đa số vẫn là ngoại trú, cho nên sự thành công của trường chủ yếu là do chất lượng giảng dạy trong đó vai trò của các giáo sư cũng như nội dung chương trình là cực kỳ quan trọng.

Hãy nghe một người trong cuộc, một cựu học sinh của Trường Thiên Hựu, một trí thức thành đạt và nổi tiếng, ông Tôn Thất Thiện, nhận định:

“… Cũng như những năm đi hướng đạo, thời gian học trường “Providence” góp một phần rất lớn trong sự tạo điều kiện cho tôi tiến dễ dàng trên đường đời sau này.

Trường Providence là một “trường Tây” (dạy tiếng Pháp, theo chương trình tú tài Pháp) thành lập năm 1933. Tầm nhìn của những người sáng lập rất rộng, nên ảnh hưởng của trường sau này cũng rất lớn. Trường của Giáo hội Công Giáo và là trường Pháp, tất nhiên cũng có hậu ý gây ảnh hưởng cho Công giáo và Pháp. Nhưng, nếu có, thì họ cũng rất kín đáo và nhẹ nhàng, không trắng trợn và gây khó chịu cho người khác. Suốt mấy năm học ở đó (1936-1937 dến 1943-1944) tôi không hề trực tiếp hoặc gián tiếp bị thúc dục “rửa tội” hay “theo Tây”.

Trường rất lớn, tiện nghi dồi dào, ban giáo huấn khả kính, lại là trường trung học tư bề thế ở miền Trung. Do đó, trường thu hút học trò không những của toàn miền Trung, mà cả miền Nam, nhất là con em các gia đình Công giáo. Tuy trường thâu nhận cả học sinh Pháp lẫn Việt, tôi không hề cảm thấy có phân biệt “Tây Nam”. Các giáo sư và các cha đối xử học sinh Pháp và Việt rất đồng đều. Có bề bênh học sinh Việt là khác.

… Điều thứ hai tôi thấy cần ghi nhận về trường Providence là ở đó tôi được giáo huấn rất kỹ lưỡng, đặc biết về sinh ngữ – Pháp và Anh – Các thầy giáo Pháp cũng như Việt, vừa nhiều khả năng, vừa dạy rất tận tâm chu đáo, vừa nghiêm túc, đòi hỏi nhiều ở học sinh sự cố gắng. Nhờ đó sau này tôi dự thi và theo học các trường đại học lớn của Anh (như London School of Economics), cũng như của Thụy sĩ dễ dàng…”

Điều rất thú vị đối với tôi là hiện tôi vẫn còn giữ được Thẻ Học Sinh của Trường Tư Thục Thiên Hựu và một tờ Thành Tích Biểu cuối cùng của ngôi trường thân yêu cùng với nét chữ ngay ngắn đẹp đẽ của cha Lefas. Chính cha đã trực tiếp ghi trên tờ giấy ấy, vì lúc ấy cha là giám học các lớp chương trình Pháp, và cha đã trực tiếp phát cho tôi. Tôi không biết do đâu mình còn giữ được những kỷ vật này, vì sau Biến cố Tết Mậu Thân 68, coi như tôi đã mất gần hết các đồ đạc tùy thân, có lẽ đó là những gì còn sót lại tôi đã thu tóm bỏ vào một xách tay khi rời khỏi Trường Thiên Hựu, sau 22 ngày sống với một đại đội chính qui Bắc Việt đóng trong Trường, cùng với cả ngàn người tỵ nạn.

Mãi đến năm 2000 tôi mới có dịp trở lại Huế và thăm ngôi trường cũ. Tôi đã được Lãnh đạo Trường Đại Học Khoa Học Huế (lúc bấy giờ) cho phép vào trong thăm Trường và chụp ảnh nhiều cảnh cũ trường xưa. Cầu thang, hành lang, sân chơi, phòng học… Cảnh cũ không thay đổi gì nhiều sau chừng ấy năm (32 năm). Chỉ con người là thay đổi thôi. Tôi đã lưu giữ những hình ảnh đó cùng với hai kỷ vật này trong album. Và thế là bao kỷ niệm xưa lại về trong ký ức của tôi và luôn sống trong tôi.

Ngày nay cứ nhìn vào số cựu học sinh Trường Thiên Hựu thành đạt cũng như những đóng góp của những người này cho xã hội nói chung và cho Việt Nam nói riêng cùng tâm trạng của rất nhiều người lấy làm vinh dự vì đã từng học hành dưới mái trường này cũng thấy được rằng các vị sáng lập và ban giảng huấn của Trường Thiên Hựu đã thành công. Và các ngài quả có một tầm nhìn chiến lược về đào tạo và giáo dục con người. Ngoài ra Trường Thiên Hựu còn là một bằng chứng cụ thể về sự đóng góp của Giáo Hội Công giáo Việt Nam cho giáo dục nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung./.

Trích “Trường Thiên Hựu Huế – Một vinh dự trong cuộc đời” của tác giả Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống, 19/5/2011.

Nguyễn Đính trích đăng và chú thích trong dấu ngoặc […], 05/5/2021.

Ảnh trường Thiên Hựu (Thiên Hữu), nay là trường Đại học Khoa học Huế.
 
 
 

Tác giả: Nguyễn Thành Thống

Nguồn tin: huynhthuckhangluongvancan.wordpress.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập783
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm781
  • Hôm nay165,870
  • Tháng hiện tại1,078,134
  • Tổng lượt truy cập57,179,771
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây