Chúa Nhật Lễ Lá. Giải thích Lời Chúa

Thứ ba - 04/04/2017 11:01

-

-
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này mời gọi chúng ta suy gẫm về cuộc Tử Nạn sinh ơn Cứu Độ của Đức Giêsu Kitô. Theo chu trình Phụng Vụ Năm A, chúng ta đọc và suy gẫm bài Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
CHÚA NHẬT TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ.


 
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này mời gọi chúng ta suy gẫm về cuộc Tử Nạn sinh ơn Cứu Độ của Đức Giêsu Kitô.

Is 50: 4-7

Bài Đọc I được trích từ tác phẩm của I-sai-a Đệ nhị. Vị ngôn sứ cho chúng ta thoáng thấy dung mạo của người công chính chịu đau khổ, dưới những đường nét của người tôi trung của Đức Chúa, bị nhạo báng, khinh bỉ mà không đối kháng, nhưng trọn một  niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.

Pl 2: 6-11

Tiếp đó, chúng ta gẫm suy mầu nhiệm tự hạ và tôn vinh của Đức Giê-su qua một bài thánh thi Ki-tô học được thánh Phao-lô ghi lại trong thư gởi tín hữu Phi-lip-phê. Đây là bằng chứng đáng chú ý về niềm tin của Giáo Hội tiên khởi.
  

Mt 26: 14-27, 66

Và sau cùng, theo chu trình Phụng Vụ Năm A, chúng ta đọc và suy gẫm bài Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

BÀI ĐỌC I (Is 50: 4-7)

Bản văn nầy cho chúng ta dự phần vào niềm tin tưởng của vị ngôn sứ I-sai-a đệ nhị. Vì luôn lắng nghe Thiên Chúa, chăm chú vào lời Ngài, suy niệm mỗi ngày, vị ngôn sứ không thoái thác sứ mạng của mình là đem niềm an ủi đến cho những người bất hạnh. Ông đã không nhận được bất kỳ lòng biết ơn nào, nhưng trái lại, những xúc phạm và nhục hình. Ông đã bị đánh đòn, tra tấn (bị giật râu là một hình phạt rất nhục nhã), ông đã nhận những khạc nhổ vào mặt, được xem như cử chỉ khinh bỉ tột cùng, như nhiều đoạn văn Cựu Ước làm chứng.

Nhưng người tôi trung nầy đã đặt niềm tin tưởng của mình vào Đức Chúa. Ông đã “trơ mặt như đá,” nghĩa là “kiên vững”. Thánh Lu-ca nói với chúng ta “Đức Giê-su trơ mặt như đá” khi Ngài tiến lên Giê-ru-sa-lem để chấp nhận bước vào con đường Thương Khó của Ngài, nghĩa là Ngài thu hết can đảm của mình và kiên vững trong ý định của mình (Lc 9: 51).

1. Văn mạch:

Bài ca được trích dẫn hôm nay là bài ca thứ ba trong số bốn bài ca được gọi “các bài ca về Người Tôi Trung chịu đau khổ” trong tác phẩm của I-sai-a đệ nhị (ch. 40-55), vị ngôn sứ cuối thời kỳ lưu đày Ba-by-lon, vào giữa thế kỷ IV TCN.

“Người tôi trung” được phác họa chân dung lúc thì dân Ít-ra-en, lúc thì một nhân vật đặc thù lãnh nhận một sứ mạng đặc biệt. Nhân vật nầy được hiểu vừa tập thể vừa cá nhân vì hai hình ảnh này được đan vào nhau trong nhiều đoạn.

Người tôi trung nầy hành xử với thái độ dịu dàng và khiêm tốn (bài ca thứ nhất). Thiên Chúa giao phó cho ông trách nhiệm giải phóng dân Ít-ra-en và hoán cải muôn dân (bài ca thứ hai), ông gặp phải những bách hại và sỉ nhục (bài ca thứ ba), ông cam chịu một cái chết ê chề nhục nhã, đoạn được ngợi ca vinh hiển (bài ca thứ tư).

Ở đây, có một khúc quanh quan trọng của Mặc Khải. Cho đến lúc đó, những viễn cảnh thiên sai đều tập trung vào một dung mạo của vị vua vinh hiển, hậu duệ Đa-vít, ngài sẽ đem lại sự công chính và nền hòa bình. Ấy vậy, vào lúc nầy không còn vua. Thể chế vương quyền Đa-vít đã bị chìm lấp trong cơn bão táp của thời cuộc, đền thờ Sa-lô-mon bị phá hủy, phần lớn dân cư Giê-ru-sa-lem bị lưu đày. Đây là thời giờ thích hợp để loan báo sứ điệp mới. Khoa sư phạm Thiên Chúa, qua những trực giác ngôn sứ, đã tiến một bước vĩ đại. Những sấm ngôn thời xưa không vì thế mà bị hủy bỏ (Đấng Mê-si-a rõ ràng vẫn thuộc hậu duệ Đa-vít), nhưng những viễn cảnh mới để lộ cho thấy đó là “Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn” sẽ can thiệp, “Đấng được Đức Chúa xức dầu” sẽ thi hành sứ mạng, khởi đầu sứ mạng không huy hoàng rực rỡ, trong dáng vẻ thất bại bên ngoài, đau khổ và cái chết, trước khi đạt được vinh quang.

2. Vị ngôn sứ khiêm hạ:

Dường như phải nhận ra ở nơi người tôi trung hiền lành và khiêm hạ nầy chính là vị ngôn sứ I-sa-ia đệ nhị. Được Thiên Chúa giao phó trọng trách an ủi những người lưu đày bất hạnh chán nãn tuyệt vọng, ông không trốn tránh công việc bội bạc nầy. Ông đã cố làm cho họ hiểu ý nghĩa của những thử thách của họ, kêu gọi họ hoán cải, hứa ban ơn giải thoát cho họ. Ông gặp phải thái độ thờ ơ lãnh đạm, nghi nan ngờ vực, và tính khí hung hăng của những kẻ mà nổi đắng cay do thời gian lưu đày dài lâu đã khiến họ trở nên bực tức phẩn nộ.

3. Người công chính bị bách hại:

Qua những đau khổ mà mình phải chịu, vị ngôn sứ mặc lấy dung mạo của “Người Công Chính” hoàn hảo. Bản văn mang cung giọng thời thiên sai. Đức Giê-su sẽ đích thân thực hiện sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó cho Ngài trong sự vâng phục hoàn hảo. Chính Ngài sẽ đem Tin Mừng đến cho những người nghèo khó, những kẻ khốn cùng. Như vị ngôn sứ vô tội, Ngài sẽ đón nhận và cam chịu những lăng nhục, khinh bỉ, nhục hình trong tâm tình cảm tạ mà không hề run sợ, “vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn.”

Bài ca thứ ba nầy cho chúng ta cảm thấy trước bài ca thứ tư thống thiết về Người Tôi Trung chịu đau khổ sẽ được đọc vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

BÀI ĐỌC II (Pl 2: 6-11)

Bản văn này, được trích từ thư của thánh Phao-lô gởi cho Giáo Đoàn Phi-li-phê, là một bài thánh thi gồm sáu khổ thơ: ba khổ thơ đầu vạch lại ba giai đoạn về việc Đức Giê-su tự hạ mình, và ba khổ thơ sau, theo chiều hướng ngược lại, vạch lại ba giai đoạn về việc Chúa Giê-su được Chúa Cha tôn vinh.

Thật là ngạc nhiên khi gặp thấy trong một bức thư chan chứa giọng điệu nồng nàn nhưng khá quen thuộc, những cảm xúc như trào dâng ra từ ngòi bút. Chúng ta không biết phải chăng thánh Phao-lô là tác giả hay thánh nhân chỉ trích dẫn bài thánh thi Ki-tô học của Giáo Hội tiên khởi. Dù sao đây là một chứng liệu đáng chú ý, một trong những chứng liệu cổ xưa nhất về Kitô học, nhất là một lời chứng có giá trị đầu tiên (trước cả Tựa Ngôn của thánh Gioan) về niềm tin của Giáo Hội tiên khởi vào cuộc sống tiền hữu của Chúa Giê-su.

1. Ba giai đoạn của việc tự hạ:

1) Đức Giê-su, tuy trước đây là phận Thiên Chúa, không từ bỏ bản tính thần linh, nhưng vinh quang vốn được gắn chặt vào đây.
2) Ngài hủy bỏ chính mình mà mang lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như phàm nhân, nghĩa là chia sẻ mọi sự yếu đuối của họ (ngoài trừ tội lỗi).
3) Ngài tự hạ mình hơn nữa khi chấp nhận vâng lời cho đến chết tủi nhục trên thập giá.

2. Ba giai đoạn của việc tôn vinh:

1) Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài và ban cho Ngài một Danh hiệu vượt lên trên mọi danh hiệu. “Danh hiệu” được hiểu theo nghĩa tuyệt đối, nghĩa là “Danh hiệu” nầy được ban cho chỉ duy một mình Ngài, chính là “Danh của Gia-vê,” như được chỉ ra ở phần sau: Danh mà theo truyền thống Do thái được dùng để chỉ Danh khôn tả của Thiên Chúa.[1] “Danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” vì thế được định vị thậm chí trên tất cả mọi triều thần: “Quyền Thần”, “Tổng Thần” vân vân...

2) Thiên Chúa muốn muôn loài muôn vật phụng thờ Đức Giê-su: “Để khi nghe tên Giê-su, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống”. Đó không phải vì nhân danh Giêsu (vì tên nầy khá phổ biến trong dân Do thái), nhưng vì Danh Đức Giêsu bất khả phân với Danh của Đức Chúa, như khổ thơ trước đó vừa mới chỉ ra.

Kiểu nói: “Trên trời dưới đất và trong địa ngục”, chỉ ra toàn thể vũ trụ, chứ không chỉ nhân loại phải phụng thờ Đức Giê-su. Đây là một đề tài mà chúng ta sẽ gặp lại trong sách Khải Huyền: “Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!” (Kh 5: 13).

3) Cuối cùng Thiên Chúa ban tặng cho Đức Giê-su quyền tối cao hoàn vũ, nghĩa là tước hiệu “Đức Chúa”. Vì các Kitô hữu tiên khởi đã không ngần ngại ban tặng cho Đức Kitô danh hiệu nầy mà Cựu Ước dành riêng cho Gia-vê, đây là nét đặc trưng của lời tuyên xưng đức tin tiên khởi. Thánh Phao-lô nhiều lần nhấn mạnh tính chất thần linh ở nơi danh hiệu nầy, cũng như thánh Lu-ca trong Công Vụ Sứ Đồ.

Phần cuối của bài thánh thi xác định “để Thiên Chúa Cha được vinh quang”. Chính đó cũng là một nét thần học xứng đáng được nhấn mạnh: tôn vinh Đức Giê-su là tôn kính vinh quang của Thiên Chúa Cha. Phụng vụ Kitô giáo sẽ theo nghĩa nầy: “muôn ngàn lời chúc tụng Đức Kitô, tôn vinh Đức Chúa Cha”.

3. Mẫu gương phải noi theo:

Thánh Phao-lô quý mến cộng đoàn tín hữu Phi-lip-phê mà thánh nhân đã thiết lập vào năm 49-50 và là cộng đoàn đầu tiên trên đất Châu Âu. Phi-lip-phê là một thành phố quan trọng của miền Ma-kê-đô-ni-a, được gọi theo tên vua Phi-lip-phê, phụ hoàng của đại đế A-lê-xan-đê, người xâm chiếm miền nầy vào năm 360 BC.

Khi viết cho cộng đoàn tín hữu Phi-lip-phê, thánh nhân đang bị giam cầm, có thể ở Ê-phê-xô. Thánh nhân mong ước những Kitô hữu Phi-lip-phê thân yêu của mình biết sống trong sự hiệp nhất và đặc biệt trong sự khiêm hạ sâu xa theo mẫu gương của Đức Giê-su.

TIN MỪNG (Mt 26: 14-27, 66)

BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ THEO THÁNH MÁT-THÊU

Như các tác giả Tin Mừng khác, thánh Mát-thêu dành một chỗ rộng lớn cho bài Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô trong sách Tin Mừng của mình. Như vậy, chúng ta có lời chứng cho thấy Giáo Hội tiên khởi đã hiểu biến cố Tử Nạn không là một sự cố xấu hổ và nhục nhã mà biến cố Phục Sinh đã xóa đi, nhưng trái lại là đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Sự thách đố của Thập Giá đã được các Ki tô hữu tiên khởi đảm nhận, bất chấp điều kỳ chướng đối với người Do thái vốn ưa thích những điềm thiêng dấu lạ, bất chấp điều ngu xuẩn trong cái nhìn tự hào là khôn ngoan của người Hy lạp, và bất chấp một cái gì hoàn toàn ngược với lẽ khôn ngoan bình thường.

Trung thành với viễn cảnh Tin Mừng của mình, thánh Mát-thêu cho thấy cuộc Thương Khó của Đức Giê-su ứng nghiệm Kinh Thánh khi trích dẫn minh nhiên hay mặc nhiên vô vàn những lời Kinh Thánh.

GIU-ĐA PHẢN BỘI (26: 14-15)

Việc Giu-đa phản bội Thầy mình được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật. Cả ba đều nhấn mạnh rằng Giu-đa là “một người trong Nhóm Mười Hai”, việc xác định này nêu bật tính bỉ ổi hành động phản bội của hắn. Thánh Mát-thêu là thánh ký duy nhất mô tả cuộc mặc cả của Giu-đa: “Tôi nộp ông ấy cho quí vị, thì quí vị muốn cho tôi bao nhiêu”. Trong khi đó tại thánh Mác-cô và thánh Lu-ca chính các thượng tế đề nghị cho hắn tiền. Như vậy, thánh Mát-thêu nhấn mạnh trách nhiệm của tên phản bội và chuẩn bị bài tường thuật về cái chết của hắn mà chỉ mình thánh ký tường thuật (27: 3-10). Thánh Mát-thêu cũng là thánh ký duy nhất kể ra giá thương lượng giữa hai phía là “ba mươi đồng bạc”, tức giá mua bán một nô lệ (x. Xh 21: 32). Qua số tiền này, thánh Mát-thêu nhằm cho thấy rằng Kinh Thánh đang được ứng nghiệm. Theo ngôn sứ Da-ca-ri-a chính với số tiền ô nhục này Ít-ra-en đã dùng để tẩy chay vị mục tử nhiệm mầu mà Chúa đã gởi đến cho họ (Dcr 11: 11). Sự ám chỉ này khó mà thoát khỏi những người Ki tô hữu gốc Do thái, vốn am tường Kinh Thánh.

BỮA ĂN TỪ BIỆT (26: 17-19)

Lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men là hai ngày lễ đi đôi với nhau; lễ Vượt Qua diễn ra một ngày, lễ Bánh Không Men kéo dài bảy ngày. Nhưng từ lâu cả hai ngày lễ này trở thành một ngày đại lễ. Khi thánh Mát-thêu nói: “ngày thứ nhất trong tuần bánh không men”, thánh ký chỉ rõ lễ Vượt Qua. Trước khi bắt đầu tường thuật việc thiết lập bàn tiệc Thánh Thể, thánh Mát-thêu gợi lên lễ Bánh Không Men, để loan báo rằng Đức Giê-su sẽ là bánh mới, hoàn toàn tinh tuyền, của lễ Vượt Qua mới.

Lễ Vượt Qua phải được cử hành ở Giê-ru-sa-lem; con chiên sát tế trong sân Đền Thờ phải được ăn mừng trong thành đô. Đức Giê-su là một nhà giảng thuyết lưu động không nơi cư ngụ: “Chim có tổ, chồn có hang, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu qua đêm”. Các sách Tin Mừng đều tường thuật rằng khi chiều xuống, Đức Giê-su ra khỏi thành (Mc 11: 19), hoặc đến Bê-ta-ni-a (Mt 21: 17 và Mc 11: 19), hay đi ra núi Ô-liu (Lc 22: 39) để qua đêm. Hơn nữa, Ngài và các môn đệ đều là những người Ga-li-lê đến mừng lễ ở Giê-ru-sa-lem được xem đất khách quê người. Vì thế các môn đệ lo lắng hỏi: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”.

“Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia”. Thánh Mác-cô và thánh Lu-ca xác định “một người mang vò nước”. Thật kỳ lạ, thánh Mát-thêu lại thích vô danh hơn.

“Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy”. Động từ “ăn mừng” hay “cử hành” chưa nói lên hết sắc thái tinh tế của bản văn. Theo nguyên văn, động từ “làm” hay “thực hiện” ở đây có một nét nghĩa rất mạnh để chỉ hành vi sáng tạo. Đức Giê-su sắp sáng tạo một lễ Vượt Qua đặc biệt, lễ Vượt Qua của Ngài.

LOAN BÁO SỰ PHẢN BỘI (26: 20-25)

Cả bốn tác giả Tin Mừng đều tường thuật lời loan báo này: “một người trong anh em sẽ nộp Thầy”; tất cả đều nhấn mạnh nghi thức đồng bàn, chia sẻ cùng của ăn thức uống giữa Đức Giê-su và ông Giu-đa. Theo quan niệm của người xưa, một cử chỉ như vậy nói lên lời cam kết “đồng sinh đồng tử”, “đồng hội đồng thuyền”. Như vậy, nêu bật sự bỉ ổi của hành vi phản bội.

Đức Giê-su tế nhị không nêu đích danh ai. Khi không nêu đích danh ai, Ngài thử kêu gọi lần sau cùng để đánh thức tiếng lương tâm người bạn đồng hành này nhớ lại những ngày tháng Thầy trò sống chung với nhau mà hồi tâm chuyển hướng.

Bầu khí trở nên ngột ngạt. Ấy vậy, Đức Giê-su trong những tình thế nghiêm trọng, thích gợi lên tước hiệu thiên sai “Con Người” của mình, dưới tước hiệu này Ngài thu nhận mầu nhiệm con người của Ngài. Sự kiện Ngài bị nộp là nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa đã được Kinh Thánh loan báo, tuy nhiên điều ấy vẫn không giảm thiểu đi tí nào trách nhiệm của kẻ phản bội. Số phận y rất tồi tệ và ngay bây giờ y biết là tội phản bội của mình đã bị Thầy biết rồi. “Khốn cho kẻ đã nộp Con Người…”. Đây không là lời nguyền rủa; chúng ta không thể nào tưởng tượng rằng Ngài có thể thốt lên những lời nguyền rủa như thế vào giờ phút Ngài sắp đổ mình để chuộc muôn người; nhưng đúng hơn đây là một ghi nhận đáng buồn. Đức Giê-su đã không bao giờ nguyền rủa ai. Có những lần Ngài đã đe dọa khi loan báo những trừng phạt: “Khốn cho các ngươi…”, nhưng đây không là những lời nguyền rủa, nhưng là những lời cảnh báo.

Trong khi các môn đệ khác buồn rầu hỏi: “Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?”, thì Giu-đa đành lòng hỏi Đức Giê-su một cách giản dị: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?”; hắn đã mất đi sự kính trọng đối với Thầy rồi, vì chỉ xem Thầy mình chỉ là một kinh sư như bao nhiêu kinh sư khác, hắn muốn dứt tình đoạn nghĩa với Thầy.

THIẾT LẬP BÀN TIỆC THÁNH THỂ (26: 26-29)

Tại thánh Mát-thêu, như tại thánh Mác-cô và thánh Lu-ca, Đức Giê-su mừng lễ Vượt Qua Do thái với các môn đệ Ngài; qua việc thiết lập Thánh Thể, Ngài sắp biến đổi lễ này thành lễ Vượt Qua Ki-tô giáo. Có cả sự tiếp nối lẫn sự đoạn tuyệt, cả sự song đối lẫn cái mới tận căn.

Lễ Vượt Qua Do thái tưởng niệm cuộc giải thoát Ít-ra-en khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập; nhờ máu con chiên được bôi trên khung cửa, Thiên Chúa đã nhận ra dân của Ngài nên đã không đánh chết họ.

Đức Giê-su loan báo cuộc giải thoát khỏi cảnh đời nô lệ của tội lỗi bởi máu Ngài đã đổ ra cho “muôn người được tha tội”. Về phương diện lịch sử, cuộc giải thoát khỏi Ai-cập đã hình thành nên dân Ít-ra-en là dân Chúa chọn và cuộc tuyển chọn này đã được thánh hiến trên núi Xi-nai, bởi Giao Ước Cũ. Nhờ cuộc hiến dâng mình và máu của Ngài được chia sẻ cho hết mọi người, Đức Giê-su thiết lập một dân Thiên Chúa mới và Giao Ước Mới được đóng ấn trong máu Ngài. Trong bàn tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su tham dự trước cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.

Như vậy, nếu khung cảnh vượt qua soi sáng việc biến đổi cử hành xưa, sự kiện bữa ăn này cũng là bữa ăn từ biệt mặc khải tất cả khía cạnh đau thương: Đức Giê-su sắp từ giả những môn đệ thân thiết của Ngài, những người mà Ngài đã yêu thương, những người mà Ngài ủy thác sứ mạng truyền đạt sứ điệp của Ngài; Ngài không muốn để họ lại một mình; Ngài gặp thấy phương tiện được ở với họ, khi thiết lập quà tặng của riêng Ngài này mà các môn đệ có thể tái hiện luôn mãi, như những người nối tiếp sự nghiệp của Ngài.

Thánh Mát-thêu cũng nhấn mạnh giá trị “cánh chung” của bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc này là một sự tham dự trước bàn tiệc thiên quốc: “Từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày, Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy”. Đời sống mai hậu thường được biểu thị như một bàn tiệc; rượu như một trong những dấu chỉ của “niềm vui thời thiên sai” và niềm vui muôn đời của thế giới hậu lai. Đây là một trong những ý nghĩa của phép lạ Ca-na, tiên trưng phép lạ Thánh Thể. Nước hóa thành rượu tương xứng với rượu hóa thành máu. Sự đối xứng đáng ngạc nhiên của phép lạ nước hóa thành rượu và phép lạ rượu hóa thành máu này.

THÁNH PHÊ-RÔ SẼ CHỐI THẦY (26: 30-35)

Đoạn văn này chứa đựng một chi tiết quý báu: “Hát thánh vịnh xong…”. Chủ yếu từ thánh vịnh 113 đến thánh vịnh 118, mà người dự tham dự hát sau bữa ăn (người ta ngâm rồi một trong những thánh vịnh này trong bữa ăn). Như vậy chúng ta khẳng định rằng bữa ăn từ biệt của Đức Giê-su đúng là một bữa ăn vượt qua.

Trên đường (đêm trăng tròn), Đức Giê-su báo trước cho các môn đệ Ngài họ sẽ bỏ rơi Ngài. Thánh Mát-thêu, luôn bận lòng quy chiếu đến Kinh Thánh, nên trích dẫn dụ ngôn người mục tử của ngôn sứ Da-ca-ri-a: “Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác” (Dcr 11: 4-17, 13: 7). Nhưng ngay lập tức Chúa Giê-su an ủi các ông; Ngài loan báo với họ Ngài sẽ gặp lại họ ở Ga-li-lê sau khi Ngài sống lại. Đối với những người sắp chịu cơn thử thách và sa ngã, Đức Ki-tô tinh tế cho họ hiểu rằng Ngài sẽ bỏ qua chuyện đó, thế nên Ngài hẹn gặp họ rồi. Sau khi phân ly, sẽ có hội ngộ; đàn chiên sẽ được quy tụ lại.

Thánh Phê-rô đầy nhiệt huyết cải lại. Đức Giê-su dứt khoát trả lời: nội đêm nay, thánh nhân sẽ chối Thầy ba lần. Thánh Phê-rô cam kết trung thành với Thầy và các môn đệ khác cũng vậy.
Hoạt cảnh này rất là người. Khi để cho câu chuyện này được ghi lại trong các sách Tin Mừng, các Tông Đồ chứng tỏ sự khiêm tốn của mình. Mặt khác, một hoạt cảnh như thế cho thấy Đức Giê-su làm chủ và thấy trước các biến cố. Ngài biết điều gì sắp xảy ra, như Ngài biết Ngài sắp đi đâu.

CƠN HẤP HỐI Ở VƯỜN GHẾT-SÊ-MA-NI (26: 36-46)

Trên triền đồi Ô-liu có một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni, ở đó Đức Giê-su cùng với các môn đệ lui vào; nhưng Ngài tách riêng họ mà cầu nguyện một mình. Ngài cảm thấy buồn rầu và xao xuyến (động từ Hy lạp: “xao xuyến”, chứa đựng ý tưởng đau đớn cùng cực). Không cảm thấy yên tâm, Đức Giê-su đem theo với Ngài “thánh Phê-rô và hai người con ông Dê-bê-đê”, tức là thánh Gia-cô-bê và thánh Gioan. Đây là ba môn đệ đã được chứng kiến cuộc Biến Hình của Ngài. Vào lúc đó khi cho họ thị kiến về vinh quang của Ngài, Ngài đã chuẩn bị cho họ quang cảnh về sự yếu đuối của Ngài vào buổi chiều tối bi thảm này. An ủi mà họ đem đến cho Ngài không gì ngoài sự hiện diện, vì các môn đệ đều ngủ thiếp đi. Thánh Lu-ca nói một cách bao dung: “Các ông đang ngủ vì buồn phiền”.

“Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện”, tức là Chúa Giê-su mặc lấy thái độ vâng phục, khiêm hạ và thiết tha. Trong Tin Mừng không gặp thấy ở đâu Đức Giê-su cầu nguyện thiết tha đến như thế.

Đức Giê-su khẩn cầu: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này”. Chén là một hình ảnh Kinh Thánh để chỉ một sự thử thách, một vận mệnh đau khổ. Chúng ta không loại trừ rằng chén gợi lên chén máu lễ tế xóa tội (máu tế vật được đựng trong chén và tưới trên bàn thờ).

“Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Đức Giê-su không phó mặc cuộc chiến nội tâm mà đối tượng là vâng phục hay không vâng phục thánh ý Cha Ngài; Ngài là một với Cha Ngài; chỉ có một ý muốn duy nhất của Thiên Chúa, chỉ có một kế hoạch duy nhất của Thiên Chúa. Nỗi xao xuyến cùng cực của Đức Ki tô nhắm đến phương thế mà ý muốn duy nhất này phải được thực hiện. Cơn hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni không phải không nhắc nhớ cơn thử thách trong hoang địa ở đó cuộc tranh luận nội tâm nhắm đến cách thế Đức Giê-su sẽ thực hiện sứ mạng của mình (x. Lc 4: 12).

Ba lần Chúa Giê-su trở lại bên các môn đệ của Ngài. Sự kiện vị Thiên Chúa làm người tìm sự nương tựa vào những anh em nhân loại của mình trong nỗi buồn phiền vô tận thật cảm động biết bao. Ngoài ra, Chúa Giê-su không muốn để mặc các môn đệ Ngài, vì họ cũng sắp trải qua sự thử thách và niềm tin của họ sẽ bị lung lay.

Lần thứ ba, Ngài không đánh thức các ông. Ngài biết từ nay Ngài sẽ không thể tin cậy vào các ông.

ĐỨC GIÊ-SU BỊ BẮT (26: 47-56)

Giu-đa biết rất rõ nơi này; hắn biết rằng Đức Giê-su thường đến đây. Thánh Mát-thêu nhắc lại thêm một lần nữa Giu-đa là “một người trong Nhóm Mười Hai”, để nhấn mạnh cử chỉ bỉ ổi và thói giả hình ở nơi nụ hôn của hắn. Kẻ phản bội được hộ tống bởi đám đông được trang bị gươm giáo gậy gộc, mà các thượng tế và kỳ mục sai đến; vì thế, cốt là những người lính canh Đền Thờ, và những thành phần bất hảo đã nhặt những gậy gộc trên đường.

Những người này được sai đi bắt Đức Giê-su lại không biết Ngài, hơn nữa, vào đêm tối, họ có nguy cơ bắt nhầm người. Giu-đa đã cho họ một dấu hiệu: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!”. Theo lẽ thường tình, một môn đệ thường chào “thầy mình” theo cách này; nhưng lần này, Giu-đa đã cho nụ hôn của mình một ý nghĩa khác: sự phản bội.

Đức Giê-su trả lời hắn: “Này bạn”. Cách xưng hô này đượm vẻ trách cứ nhưng nhẹ nhàng không công phẩn: “Bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi”. Tin Mừng Mát-thêu trích dẫn hai lần biểu thức trách cứ khởi đầu với: “Này bạn” như ông chủ vườn nho trả lời cho một người trong những người thợ làm vườn nho giờ đầu tiên: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn” (Mt 20: 13), hay vua trả lời cho khách mời dự tiệc cưới mà không mặc áo cưới: “Này bạn, làm sao bạn vào đây…” (Mt 22: 12).

Tiếp đó, thánh Mát-thêu nêu lên một người môn đệ chém đứt tai tên đày tớ của thượng tế. Nhờ thánh Gioan, chúng ta biết người môn đệ này là thánh Phê-rô, và nhờ thánh Lu-ca, chúng ta biết đó là tai phải (những phần thân thể ở bên phải được xem như cao quý hơn ở bên trái).

Đức Giê-su quở trách cách sử dụng bạo lực, Ngài không muốn các môn đệ Ngài bắt chước nhóm Nhiệt Thành; nhưng Ngài còn muốn cho họ hiểu rằng dù Ngài là chủ tể của mọi biến cố và nếu Ngài muốn các đạo binh thiên quốc có thể bảo vệ Ngài, nhưng Ngài tự ý nộp mình. Ở nơi sự phục tùng bên ngoài của Ngài, một ý định bao la được phơi bày ra, ý định ấy vượt quá mọi nhân vật của tấn thảm kịch.

“Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết”. Trước những người xét xử Ngài, Đức Giê-su sẽ không có bất kỳ một người biện hộ nào, bất kỳ nhân chứng nào để bênh vực cho Ngài, Ngài một thân một mình tiến bước vào cuộc Tử Nạn. Tuy nhiên hai môn đệ mon men theo Ngài từ xa xa cho đến dinh thượng tế Cai-pha, là thánh Phê-rô và thánh Gioan. Và thánh Gioan sẽ hiện diện dưới chân thập giá.

ĐỨC GIÊ-SU TRƯỚC THƯỢNG HỘI ĐỒNG (26: 57-68)

Đức Giê-su bị điệu đến trước Cai-pha, vị thượng tế đương nhiệm, có quyền tối thượng của Ít-ra-en. Chính quyền Rô-ma đã để cho người Do thái quyền độc lập tôn giáo và vài quyền điều hành. Vị thượng tế là lãnh tụ hàng giáo sĩ và là người chủ tọa Thượng Hội Đồng. Thượng Hội Đồng này gồm có: các thượng tế (vị thượng tế đương nhiệm, các vị thượng tế mãn nhiệm và các tư tế có trách nhiệm thường hằng trong Đền Thờ), các kỳ mục (những quý phái giáo dân, những người giàu có, những người đứng đầu các gia đình thế giá) và các kinh sư (những tiến sĩ luật, phần lớn giáo dân, thuộc tầng lớp trung lưu hay khiêm hạ. Họ được dân chúng kính trọng và đa số họ là những người Pha-ri-sêu).

Thượng Hội Đồng thường hội họp ở Đền Thờ, nhưng vào đêm này, khuôn viên Đền Thờ đóng cửa; vì thế Thượng Hội Đồng nhóm họp trong tư dinh thượng tế Cai-pha. Số thành viên Thượng Hội Đồng tổng cộng 70 người, không tính vị thượng tế chủ trì hội nghị. Số người tối thiểu để buổi họp này có thể tiến hành là hai mươi ba thành viên. Chắc chắn phiên tòa xét xử Đức Giê-su có hơn số người này.

Đức Giê-su cần thiết phải ra trước tòa án Do thái. Giả như Ngài đã bị giao nộp liền ngay vào chính quyền Rô-ma, Ngài sẽ được liệt vào số phận của những người kháng chiến, vì thế sẽ được vinh dự người ái quốc. Lời tuyên trước tiên đến từ giáo quyền Ít-ra-en để làm mất uy tín của Đức Giê-su.

Thánh Mát-thêu nêu bật trò cười của phiên xử: “Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình”. Cuối cùng hai nhân chứng được đưa ra để xuyên tạc lời nói của Đức Giê-su. Trước đây Đức Giê-su đã nói: Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2: 19), bây giờ, những chứng nhân tố cáo cố ý bóp méo lời Ngài: “Tên này đã nói: ‘tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa…’”.

Sau khi giữ thinh lặng, Đức Giê-su long trọng khẳng định phẩm chất Thiên Sai của Ngài. Khi bị hạ nhục, Ngài công bố tính chất siêu việt của mình; Ngài tự nhận mình là “Con Người”. Đối với những kẻ tự phụ xét xử Ngài, Ngài công bố rằng chính Ngài là vị thẩm phán đích thật sẽ đến trên mây trời, mặc lấy uy quyền của chính Thiên Chúa.

Bấy giờ, vị thượng tế bằng cử chỉ đóng kịch xé áo mình ra. Chung chung, việc xé áo là dấu chỉ tang chế. Nhưng vị thượng tế không có quyền xé áo để tang cho bất kỳ ai, dù cha hay mẹ đi nữa (Lv 21: 10); ông phải dành cử chỉ này cho những việc công nghiêm trọng, nhất khi thực hiện chức năng xét xử của mình, ông phải công bố sự phẩn nộ của mình.

Lời tuyên án của Thượng Hội Đồng chỉ lời kết án về phương diện đạo đức, lời nói phạm thượng: “Hắn đáng chết!”. Chính quyền Rô-ma đã lấy đi quyền thi hành án tử khỏi tòa án Do thái này. Ngay từ phiên xử đầu tiên này, Đức Giê-su chịu những lời nhục mạ bỉ ổi.

Làm thế nào chúng ta biết được những chi tiết và những diễn biến của phiên họp Thượng Hội Đồng này? Chẳng có gì là khó cả. Giữa những thành viên Thượng Hội Đồng có những người thiện cảm với Đức Giê-su, như ông Giô-xép thành A-ri-ma-thê và có thể ông Ni-cô-đê-mô. Vả lại, sau này, theo lời chứng của sách Công Vụ, một đám đông tư tế đón nhận đức tin vào Đức Giê-su (Cv 6: 7).

THÁNH PHÊ-RÔ CHỐI THẦY VÀ HỐI HẬN (26: 69-75)

Như các môn đệ khác, thánh Phê-rô đã chạy trốn vào lúc bắt Đức Giê-su. Đoạn, như thánh Gioan, ông đổi ý và cả hai cùng theo Ngài xa xa khi những người lính gác dẫn Đức Giê-su đi.

Trong khi thánh Gioan quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giê-su vào sân trong của tư dinh vị thượng tế, còn thánh Phê-rô thì ở bên ngoài sân trong ở đó những lính canh đã nhóm một bếp lửa để sưởi ấm vì trời lạnh.

Cả bốn Tin Mừng đều tường thuật hoạt cảnh thánh Phê-rô chối Thầy. Vị lãnh tụ Giáo Hội đã để cho tình tiết chẳng có gì là vinh dự này truyền lại cho thế hệ sau và chỉ mình thánh nhân mới có thể cho những chi tiết, điều này thật đáng lưu ý. Sự khiêm hạ của thánh nhân, sự ray rức sâu xa về sự sa ngã của mình được diễn tả ngay tức khắc bởi những giòng nước mắt thảm thiết. Phải chăng mẫu gương của ông có thể là một bài học vào giờ của những cuộc bách hại đó sao? Thánh Phê-rô khiến chúng ta cảm động vì ngài là một vị thánh rất là người.

NỖI TUYỆT VỌNG CỦA ÔNG GIU-ĐA (27: 1-10)

Dường như một phiên tòa khác nữa đã xảy ra sau phiên tòa ban đêm. Thánh Mát-thêu nói: “Trời vừa sáng”. Theo luật, phiên tòa thứ hai này cần phải có. Khi bản án nghiêm khắc đã được tuyên án, hội đòng cần thời gian suy nghĩ. Theo pháp luật, kỳ hạn này phải là hai mươi bốn tiếng. Phải chăng thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô đã rút ngắn kỳ hạn này? Tất cả mọi biến cố đều được rút ngắn. Phiên tòa thứ hai này phải khẳng định hay giảm khinh, nhưng không được nghiêm khắc hơn. Đối với trường hợp Đức Giê-su, những thành viên Thượng Hội Đồng khẳng định lời tuyên án đầu tiên. Nhưng không có quyền thi hành án tử, họ giao nộp kẻ họ kết án cho chính quyền Rô-ma. Quả thật, phiên tòa tôn giáo được chuyển sang phiên tòa chính trị. Nếu chỉ vì tội phạm thượng chống lại Thiên Chúa Ít-ra-en, viên tổng trấn không thể tuyên án án tử hình Ngài được. Vì thế, một phiên tòa khác nữa bắt đầu.

Giữa phiên tòa Do thái và phiên tòa Rô-ma, thánh Mát-thêu đưa vào tình tiết mà chỉ mình thánh ký tường thuật: Giu-đa treo cổ tự tử. Thánh Lu-ca nêu lên điều này trong sách Công Vụ, vào lúc chọn Mát-thi-a thay thế cho kẻ phản bội: những chi tiết khác biệt đáng kể. Thánh Lu-ca không xác định đây phải chăng là tai nạn hay tự tử (Cv 1: 18-19).

Xem ra Giu-đa đã không lường được những hậu quả hành động phản bội của mình. Khi biết Thượng Hội Đồng kết án Thầy mình và giao nộp cho quan tổng trấn Phi-la-tô, hắn hối hận đến mức hoàn toàn tuyệt vọng. Hắn ném đồng tiền vào Đền Thờ rồi đi treo cổ tự tử.

Thánh Mát-thêu cho thấy sự việc này ứng nghiệm lời Kinh Thánh khi trích dẫn bản văn  Giê-rê-mi-a (Gr 18: 2-12) được phối hợp với bản văn Da-ca-ri-a (11: 12-13): “Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Ít-ra-en đã đặt khi đánh giá Người. Và họ lấy số bạc đó mà mua Thuở Ruộng Ông Thợ Gốm, theo những điều Thiên Chúa đã truyền cho tôi”.

Tình tiết này được sử dụng như chuyển tiếp giữa hai phiên tòa; nhưng về phương diện thời gian, nó không được định vị vào lúc này. Các thượng tế không thể vừa có mặt tại dinh Phi-la-tô vừa ở tại Đền Thờ với Giu-đa.

ĐỨC GIÊ-SU TRƯỚC PHI-LA-TÔ (27: 11-14)

Quan tổng trấn Phi-la-tô đại diện chính quyền Rô-ma. Ông có một dinh cư ở miền Giu-đê. Thật ra, kể từ năm thứ sáu sau Công Nguyên, A-kê-la-út, con và kế vị Hê-rô-đê đại đế, bị chính quyền Rô-ma truất quyền cai trị miền Giu-đê. Chính quyền Rô-ma lo sợ những phong trào phản loạn dấy lên ở Giê-ru-sa-lem hay trong miền.

Dinh thự quen thuộc của các tổng trấn Rô-ma là thành Xê-da-rê duyên hãi, thành phố lớn mới và thoáng mát. Nhưng vào những ngày đại lễ, đặc biệt lễ Vượt Qua có đông đảo dân chúng từ khắp nơi về mừng lễ, thì vị tổng trấn có mặt ở Giê-ru-sa-lem. Đó là lý do tại sao vị tổng trấn có mặt vào lúc đó ở Thành Thánh. Vì thế, Đức Giê-su mới có thể đối mặt trực diện với quan tổng trấn Rô-ma này.

Ngay tức khắc, quan tổng tra hỏi Đức Giê-su trên bình diện chính trị: “Ông là vua dân Do thái sao?”. Chỉ duy tham vọng này, chính quyền Rô-ma mới có thể kết án tử Ngài, và đây là bản án mà Phi-la-tô sẽ truyền viết trên một tấm bảng đóng vào thập giá trên đầu Ngài: “Người này là Giê-su, vua dân Do thái”.

Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài nói đó”. Đức Giê-su tránh trả lời trực tiếp: thay vì trả lời với đại từ ngôi thứ nhất, thì lại là đại từ ngôi thứ hai, nhưng câu trả lời này không kém phần khẳng định; Ngài đã trả lời theo cùng cách như vậy cho Giu-đa khi Giu-đa hỏi Ngài: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” “Chính anh nói đó”.

Qua câu trả lời của mình, Đức Giê-su muốn cho Phi-la-tô hiểu: “Tôi đích thật là vua, nhưng không như ông nghĩ”.

Các thượng tế và các kỳ mục tố cáo Ngài trước chính quyền Rô-ma. Những lời tố cáo này được thánh Lu-ca tường thuật: “Tên này sách động…ngăn cản nộp thuế cho hoàng đế Xê-da…lại còn xưng mình là Mê-si-a, là vua nữa” (Lc 23: 1-5). Nhưng Đức Giê-su im lặng khiến quan tổng trấn rất đổi ngạc nhiên. Chung chung những bị cáo, không có luật sư, tự mình biện hộ cho mình. Việc Phi-la-tô ngạc nhiên có thể bày tỏ sự bối rối trước mầu nhiệm của can phạm này mà người ta đã giao nộp cho ông và nhân phẩm của người này thì thật khác thường.

ÂN XÁ VÀO DỊP LỄ VƯỢT QUA (27: 15-25)

Theo tập tục Do thái vào dịp lễ Vượt Qua, người ta phóng thích một tù nhân, chắc chắn để tưởng nhớ cuộc giải thoát khỏi Ai-cập mà người ta tưởng niệm vào ngày này. Phi-la-tô biết tập quán này; ông đề nghị cho dân chúng chọn giữa tên sát nhân khét tiếng và Đức Giê-su.

Chúng ta có thể ngạc nhiên về quyền được ban cho dân chúng; đây không là trường hợp ngoại lệ. Ở Rô-ma, trong những cuộc giác đấu ở hý trường, việc dân chúng quyết định tha hay giết buộc hoàng đế phải chuẩn theo. Trong truyền thống Do thái, chúng ta gặp thấy việc dân chúng được dự phần vào sự quyết định được kể ra nhiều lần như vụ án của bà Su-san-na và hai kỳ mục trắc nết.

Việc Ba-ra-ba được phóng thích nêu bật những trách nhiệm khác nhau: trách nhiệm của Thượng Hội Đồng xúi dục dân chúng chống lại Đức Giê-su; trách nhiệm của dân chúng để cho mình bị thao túng nên chọn tên sát nhân khét tiếng hơn Đức Giê-su; cuối cùng, trách nhiệm của Phi-la-tô, ông đã quá tin nên đã trù tính dân chúng sẽ bênh vực Đức Giê-su, nhờ đó ông thoát mình khỏi việc lên án một người vô tội. Nhưng ông đã không lường trước cuộc vận động của các thượng tế, cho dù ông biết rằng chính chỉ vì ghen tuông mà người ta đã nộp Ngài cho ông. Nhưng Phi-la-tô nhượng bộ dân chúng; ông muốn lấy lòng dân địa phương, đồng thời muốn tránh bị tố cáo lên chính quyền Rô-ma và về phương diện chính trị, bị xem là nhu nhược trước một kẻ tự cho mình là “vua dân Do thái”.

Như vậy, quan tổng trấn đưa ra quyết định sau cùng, và chính ở nơi hình phạt Rô-ma mà Đức Ki-tô bị kết án: đóng đinh vào thập giá, chứ không hình phạt Do thái: ném đá.

Tuy nhiên, trong câu chuyện này, thánh Mát-thêu tường thuật hai sự kiện xem ra chỉ là phụ, qua đó thánh ký muốn ghi nhận rằng lương dân, chứ không phải dân Do thái, đã nhận ra Đức Giê-su vô tội: bà vợ của Phi-la-tô, được báo trong giấc mộng, không muốn chồng mình kết án một người công chính. Mặt khác, chính Phi-la-tô rửa tay để nói rằng ông không nhúng tay vào máu của người vô tội này. Rõ ràng thánh Mát-thêu quy trách nhiệm về cái chết của Đức Giê-su nhiều hơn cho dân Do thái và các vị lãnh đạo của họ.

ĐỨC GIÊ-SU CHỊU ĐÁNH ĐÒN (27: 26)

Đánh đòn tự nó là một hình phạt, tội nhân khó sống sót qua trận đòn. Đánh đòn xem ra cũng đã là một biện pháp đi trước việc đóng đinh vào thập giá; nó làm cho nạn nhân kiệt sức vì mất nhiều máu và vì thế rút ngắn cơn hấp hối rất đau đớn của nạn nhân trên thập giá.

ĐỨC GIÊ-SU BỊ NHỤC MẠ (27: 27-31)

Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho quân lính thi hành án lệnh. Ấy vậy, chúng ta đã nhấn mạnh rồi, quân lính Rô-ma rất có ác cảm với dân chúng, nhất là những lần chúng phải đối đầu với dân chúng trong những cuộc bạo loạn. Đây là dịp để chúng trút ác tâm của chúng trên tên Do thái này được trao vào tay chúng. Tất cả quân lính ở dinh thự quan tổng trấn tụ lại để chế nhạo Đức Giê-su. Hoạt cảnh thật hung tợn và tàn nhẫn.

Chúng kết một vòng gai nhọn rồi đội trên đầu Ngài; chúng khoắc cho Ngài một tấm áo choàng đỏ, chắc chắn áo choàng của quân đội Rô-ma mặc khi thắng trận, điều này lại càng nhục mạ Ngài thêm nữa.

ĐƯỜNG THẬP GIÁ (27: 32-44)

Cuộc hành hình chỉ có thể diễn ra ở bên ngoài thành: khuôn viên thành là đất thánh không thể bị vấy bẩn bởi những thi thể tội nhân được. Đồi Sọ gần với cửa tây Giê-ru-sa-lem.

Dù đoạn đường tương đối ngắn mà Đức Giê-su phải đi qua vai mang thập giá, nhưng Ngài yếu nhược bởi những cư xử thô bạo, vì thế quân lính trưng dụng một người qua đường, ông Si-mon người Ky-rê-nê, để vác đỡ thập giá với Ngài.

Khổ hình thập giá là sáng kiến của người Rô-ma. Xi-xê-ron mô tả khổ hình này là “cái chết kinh khiếp nhất và tàn bạo nhất”. Người Rô-ma dành việc hành hình này chỉ cho tầng lớp hạ lưu nhất: những người nô lệ. Ta-sít gọi nó “khổ hình của những kẻ nô lệ”.

Sau khi đã đóng đinh tay chân Ngài vào thập giá, “chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau”. Điều này phù hợp với luật Rô-ma: áo quần nạn nhân thuộc những lý hình. Đồng thời sấm ngôn của Tv 22 được ứng nghiệm: “Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn” (Tv 22: 19).

“Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một bên phải, một bên trái”. Điều này tăng thêm sự nhục mạ đối với Đức Giê-su: Ngài bị liệt vào hàng những kẻ gian phi.

Ở dưới chân Đồi Sọ, có một con đường dẫn đến Giê-ru-sa-lem. Chỗ hành hình này được chính quyền nhắm đến: cảnh tượng những nạn nhân hấp hối trong đau đớn phải có hiệu quả ngăm đe đối với khách bộ hành. Đó là lý do tại sao các thánh ký nêu lên những lời thóa mạ của những người qua đường.

Trên thập giá, Đức Giê-su chịu những lời nhục mạ của ba loại người: người Do thái qua đường nhận ra Ngài; các thành viên Thượng Hội Đồng đến chứng kiến cuộc hành hình; sau cùng hai tên gian phi. Thánh Mát-thêu không nói về “người trộm lành” mà thánh Lu-ca nêu lên trong bài tường thuật của mình.

Như vậy, Đức Giê-su thật sự bị bỏ rơi và thật sự phó nộp vào tay những kẻ thù Ngài.

ĐỨC GIÊ-SU CHẾT TRÊN THẬP GIÁ (27: 45-50)

“Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất”. Việc bầu trời trở nên sầm tối vào giữa trưa thường xảy ra vào mùa xuân. Thánh ký đọc thấy ở đây một dấu chỉ, mà lối phóng dụ của ông diễn tả: cái chết của Đức Giê-su trên thập giá có một tầm mức hoàn vũ.

Chúng ta không thể không nghĩ đến sấm ngôn của A-mốt, gợi ra ngày của Chúa là ngày tang chế của người con một: “Trong ngày ấy, Ta sẽ truyền cho mặt trời lặn giữa trưa, và khiến cho mặt trời tối sầm giữa lúc ngày đang sáng…Ta sẽ làm cho đất này chịu tang như người ta chịu tang đứa con một và kết cục của nó như một ngày cay đắng” (Am 8: 9-10).

Những sấm ngôn khác (Giô-en, Xô-phô-ni-a, vân vân) loan báo rằng ngày Chung Thẩm đi kèm theo những dấu chỉ vũ trụ (bóng tối, trận động đất, vân vân). Nhưng đây phải là ngày thịnh nộ. Thậm chí nếu giờ Đức Giê-su chết, theo mức độ nào đó, là giờ xử án rồi, nhưng thay vì giờ thịnh nộ lại là giờ tha thứ và xót thương.

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con”. Đây là tiếng kêu tuyệt vọng của người Công Chính đau khổ trong Tv 22: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị người đời mắng chửi dể duôi, thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai: ‘Nó cậy Chúa, mặc Người cứu nó! Người có thương, giãi gỡ đi nào!’”.

Đức Giê-su lập lại tiếng kêu của Người Công Chính bị người đời khinh bỉ. Sau khi đã nhận biết bị người đời bỏ rơi, Ngài cảm thấy chơ vơ cô quạnh tuyệt mức, ngay cả Cha Ngài đã bỏ mặc Ngài.

Thánh ký đã trích nguyên văn tiếng A-ram, tiếng mẹ đẻ của Đức Giê-su: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”. Ấy vậy, chúng ta biết rằng theo truyền thống Do thái, ngôn sứ Ê-li-a phải trở lại để giới thiệu Đấng Mê-si-a cho những tín hữu. Lời đùa cợt thì dể dàng và ác tâm: Ông Giê-su hấp hối này còn tin mình là Đấng Mê-si-a, hắn ta gọi ông Ê-li-a!

“Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm”. Cử chỉ này được hiểu tốt hơn trong bản văn của Gioan ở đó Đức Giê-su vừa nói: “Tôi khát”. Thánh Mát-thêu ngụ ý rằng một người đưa ra lời chế nhạo: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không”.

Cả bốn thánh ký đều đã giữ lại sự cố này vì Kinh Thánh soi sáng cho nó. Chúng ta đọc ở Tv 69 lời phàn nàn của một tôi trung, nạn nhân vì lòng nhiệt thành của mình đối với Đức Chúa: “Chúa biết rõ con bị người chửi mắng, lại mang vào thân tủi hổ với nhục nhằn; những kẻ thù con Ngài nhìn thấy cả. Lời thóa mạ làm tim này tan vỡ, con héo hắt rã rời. Nỗi sầu riêng mong người chia sớt, luống công chờ, không được một ai; đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu! Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua” (Tv 69: 20-22).

Theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su không uống giọt giấm nào, Ngài “kêu lên một tiếng lớn, rồi trút linh hồn”.

TIÊN BÁO VỀ MỘT THẾ GIỚI MỚI (27: 51-54)

Thánh Mát-thêu là thánh ký duy nhất liệt kê danh sách về những dấu chỉ lạ lùng này, đi kèm theo cái chết của Đức Giê-su.

Nét đặc trưng thứ nhất có ý nghĩa nhất: bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới đất. Đây là bức màn giăng lối vào tiền sảnh, hoặc bức màn phân cách thánh điện với phần cực thánh mà chỉ vị thượng tế mới có thể vào, một năm một lần để thực hiện nghi lễ Xá Tội. Dù bức màn nào đi nữa, ý nghĩa cũng là một: lối vào Thiên Chúa từ nay được mở ra cho hết mọi người, việc Thiên Chúa tuyển chọn không còn độc tôn cho dân Ít-ra-en: cái chết của Đức Giê-su trải rộng cho hết mọi người. Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa, đã thôi đóng vai trò của mình; đền thờ đích thật của Thiên Chúa sẽ là thân thể phục sinh của Đức Giê-su, như chính Ngài đã loan báo.

“Đất rung đá vỡ”. Hình ảnh khải huyền mà thánh Mát-thêu mượn ở nơi những sấm ngôn liên quan đến Ngày của Chúa ở đó thế giới phải rung chuyển. Được Kinh Thánh nuôi dưỡng, thánh ký nhận ra ở nơi cái chết của Đức Giê-su ứng nghiệm các sấm ngôn này.

“Mồ mã bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được chỗi dậy”. Thánh Mát-thêu nghĩ đến Is 26: 19 và Đnl 12: 2-3. Các vị thánh Cựu Ước, nhờ hy tế cứu chuộc của Đức Ki-tô, vào thánh thánh, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời. Đây là “thị kiến thần học chứ không lịch sử”. Vả lại, thánh ký cẩn trọng xác định “Sau khi Chúa chỗi dậy”. Chính chỉ biến cố Phục Sinh mới đem lại thành quả tròn đầy cho hiến tế của Đức Ki-tô.

Tại thánh Mát-thêu, những dấu chỉ vũ trụ này khiến các lính canh và viên đại đội trưởng Rô-ma kinh khiếp, trong khi tại thánh Mác-cô chính thái độ của Đức Giê-su làm xúc động một mình viên đại đội trưởng.

“Quả thật ông này là Con Thiên Chúa”. Chắc chắn viên đại đội trưởng đã nghe trong đám đông những tiếng xì xầm: “Người này cho mình là con Thiên Chúa”; ông lập lại diễn ngữ này, dù không nắm bắt hết tầm mức của nó, nhưng qua những gì ông đã chứng kiến, ông tin chắc rằng tội nhân này là một người công chính đặc biệt. Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng này là dấu hiệu tiên báo cuộc hoán cải của thế giới lương dân; đây là lời chứng đầu tiên về tính phổ quát mà bức màn trướng Đền Thờ xé ra làm đôi loan báo.

CÁC THÁNH NỮ (27: 55-56)

Thánh ký trích dẫn đích danh ba trong số những người phụ nữ trung thành này, từ đằng xa, họ chứng kiến cơn hấp hối của Đức Giê-su.

1.Trước hết, bà Ma-ri-a Mác-đa-la, người mà Đức Giê-su đã trừ bảy quỷ, từ đó, bà đã luôn luôn theo Ngài để phục vụ Ngài.
2.Bà Ma-ri-a, mẹ của các ông Gia-cô-bê hậu và ông Giô-xếp, hai người anh em họ của Chúa.
3.Bà mẹ các con ông Dê-bê-đê (ông Gia-cô-bê và ông Gioan). Như vậy, không chỉ thánh Gioan hiện diện dưới chân thập giá, nhưng mẹ của thánh nhân cũng có mặt.

Sự hiện diện của các bà ở đây rất quan trọng vì lời chứng của các bà sẽ bổ khuyết cho lời chứng của nhóm Mười Hai vào những thời điểm mà các ông không có mặt. Các bà đã theo Đức Giê-su từng bước trên con đường thập giá, chứng kiến cái chết của Ngài trên thập giá và cuộc mai táng của Ngài. Các bà là những người đầu tiên chứng kiến ngôi mộ trống, dấu chỉ đầu tiên cuộc Phục Sinh của Ngài, và là những người đầu tiên gặp gỡ Đấng Phục Sinh và nhận sứ mạng của Đấng Phục Sinh là ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các ông.

MAI TÁNG ĐỨC GIÊ-SU (27: 57-61)

Theo tập quán Rô-ma, để tính ngăm đe có hiệu quả tốt, thi hài của tội nhân phải bị phơi bày trong nhiều ngày. Luật Do thái thì hoàn toàn khác: không được để mặt trời lặn trên thi thể của tội nhân. Đnl 21: 22 xác định, “xác nó không được để qua đêm”. Mặt khác, nếu không có ai can thiệp, thi hài của Đức Giê-su có nguy cơ bị ném vào một hố chung cùng với thi thể của hai tên gian phi cùng bị đóng đinh với Ngài. Cuối cùng, theo cách tính của người Do thái, buổi chiều bắt đầu ngày sa-bát, ngày người ta kiêng cử mọi công việc.

Vì thế, phải vội vả, vì thời gian gấp rút. Ấy vậy, gần nơi hành hình có một ngôi mộ trống. Chính nơi ngôi mộ này mà ông Giô-xếp thành A-ri-ma-thê, chủ nhân của ngôi mộ này và là môn đệ của Đức Giê-su, nghĩ đến việc mai táng Đức Giê-su. Trong khi Đức Giê-su còn sống, ông không dám bày tỏ sự thiện cảm của mình, vì ông là một thành viên Thượng Hội Đồng. Lúc này, ông can đảm đứng ra xin Phi-la-tô được tháo thi thể Đức Giê-su khỏi thập giá để mai táng. Quan tổng trấn chấp thuận.

Trước những biến cố này, chúng ta không thể không nghĩ đến lời của Đức Giê-su: “Nếu hạt giống không mục nát đi…nó không sinh nhiều hoa trái”. Ngày khi Đức Giê-su vừa tắt thở, những dấu chỉ kiểm chứng lời này: một lương dân công bố tính siêu việt của Ngài, dân chúng đến xem ra về vừa đấm ngực ăn năn (thánh Lu-ca kể sự kiện này), một người môn đệ thầm lặng vượt lên trên nỗi sợ hãi của mình, đích thân đến xin Phi-la-tô thi thể Đức Giê-su và mai táng.

Vì thế, Đức Giê-su, vị sứ giả nghèo khổ này, trước đây vài ngày, thân thể Ngài đã được xức dầu thơm hảo hạng, nay an nghỉ trong ngôi mộ của nhân vật giàu có, đã được đục sẵn trong núi đá và hoàn toàn mới, như thử những dấu hiệu vinh dự này báo trước việc Ngài đi vào trong vinh quang của mình.

Thực tế, ngôi mộ của những người giàu có là một căn phòng ở giữa có một ghế dài để đặt thi thể, bên ngoài có một phiến đá lớn lấp cửa mộ. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la và bà Ma-ri-a, mẹ của ông Giô-xếp, “quay mặt vào mồ” quan sát việc mai táng. Chính hai bà này vào sáng sớm ngày thứ nhất sẽ là những người đầu tiên chứng thực ngôi mộ trống.

Như vậy, ngày đau thương hoàn tất một cách trang nghiêm, giữa những tấm lòng lòng trung thành và yêu mến.

LÍNH CANH MỒ (27: 62-66)

Thánh Mát-thêu là thánh ký duy nhất kể ra việc canh mồ. Ngôi mộ phải được canh giữ theo lệnh Phi-la-tô, đó là chuyện thường tình. Nhưng đàng này lại là sáng kiến của các thượng tế, điều này xem ra hy hữu. Người ta tự hỏi phải chăng vào thời thánh Mát-thêu biên soạn Tin Mừng sự tranh cãi giữa những người Do thái và những Ki tô hữu vẫn còn dai dẳng, những người Do thái buộc tội những người Ki-tô hữu đã trộm xác Đức Ki-tô để phao tin đồn là Ngài đã sống lại. Cuộc tranh cãi phải nhắm đến câu hỏi phải biết ai chịu trách nhiệm canh gác ngôi mộ.

BA TẤN THẢM KỊCH

Ba tấn thảm kịch chồng chéo lên nhau trong cuộc Thương Khó của Đức Giê-su: trước hết, tấn thảm kịch của việc dân Ít-ra-en từ chối, rồi đến tấn thảm kịch của vị Thiên Chúa làm người, sau cùng tấn thảm kịch của tội lỗi.

1. Dân Ít-ra-en từ chối:

Đức Giê-su đã không ngừng công bố một sứ điệp khó khăn; Ngài đã phá đổ những thành kiến, lên án chủ nghĩa duy luật và thói giả hình. Sự ghen tuông, đoạn sự thù hận đã liên kết với nhau chống lại Ngài. Những người lãnh đạo tôn giáo đã không chấp nhận nhận ra ở nơi Ngài Đấng Mê-si-a, vì Ngài không đáp ứng hình ảnh mà họ tự mình tưởng nghĩ ra. Việc họ kiên tâm tiêu diệt Ngài đã dẫn đến cái chết, nhưng không đến cái chết như họ suy tính: Đức Giê-su đã chiến thắng sự chết, nhưng do việc làm của họ, dân Ít-ra-en, dân được ký thác Lời Hứa, đã thôi không còn nữa. 

2. Tấn thảm kịch của vị Thiên Chúa làm người:

Khi đón nhận kiếp phàm nhân như chúng ta, Đức Giê-su đã chấp nhận thân phận tử biệt sinh ly của chúng ta. Ngài đã đảm nhận vận mệnh con người trong mọi chiều kích đau khổ khủng khiếp. Những hoàn cảnh lịch sử đã khiến Ngài phải hứng chịu khổ hình tàn bạo nhất được sử dụng vào thời Ngài sống. Số phận này ở trong kế hoạch của Thiên Chúa: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10: 18-19). Đây là cử chỉ yêu thương tận mức, Đức Giê-su đã muốn thuộc vào số những người bị tra tấn, những người bị hành hình, những người tử đạo, ngỏ hầu những ai phải chết trong những đau đớn cùng cực nhất, và những ai phải chịu đau khổ về thể lý cũng như luân lý, đều gặp thấy ở nơi cuộc Thương Khó của Ngài niềm an ủi tuyệt vời. Cũng phải ghi nhận rằng ở đâu có sự hiện diện của Thiên Chúa ở đó có muôn vàn ân phúc. Ở đâu có những đau khổ được liên kết với Ngài, ở đó Ngài sẽ ban muôn vàn ân sủng.

3. Tấn thảm kịch của tội lỗi:

“Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội”. Đức Giê-su cho cái chết của Ngài ý nghĩa này.

Tuy nhiên, lời này đưa chúng ta vào mầu nhiệm: “Mầu Nhiệm Cứu Chuộc”. “Người cứu chuộc” (goel) là người phục hồi phẩm giá cho một thành viên trong gia tộc phải lâm vào cảnh bần cùng, và chuộc lại nếu người ấy phải sa vào vòng nô lệ vì nợ nần. Đây là ý nghĩa đặc biệt của từ Hy-bá mà chúng ta dịch “Đấng Cứu Chuộc”.

Dù được Kinh Thánh soi sáng, biết bao vấn đề gợi lên trong tâm trí chúng ta. Tội lỗi là gì? Một sự xúc phạm đến Thiên Chúa rất mục tốt lành, Thiên Chúa-Tình Yêu, Ngài đã không muốn nhân loại một mình phải gánh chịu mọi hậu quả tội lỗi của mình. Ngài đã sai Con Ngài đến để chia sẻ gánh nặng tội lỗi và xóa đi mọi vết nhơ của tội. Đó là lý do tại sao Thánh Giá là “vinh quang” của Thiên Chúa, như thánh Gioan nói.


[1] Bản Bảy Mươi đã dịch danh xưng Híp ri Adonai sang tiếng Hy lạp là Kurios (cf. Kurie eleison), Bản La-tin dịch Dominus, Bản Phụng vụ giờ kinh dịch Đức Chúa.
 

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập134
  • Hôm nay19,105
  • Tháng hiện tại557,144
  • Tổng lượt truy cập56,658,781
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây