Suy niệm Tam Nhật Thánh.

Thứ sáu - 06/04/2012 03:02

-

-
Chúa Giê-su là Đầu của chúng ta đã khải hoàn bước vào thiên quốc, là thân mình của Người, chúng ta chắc chắn sẽ được cùng Người tiến vào cõi vinh quang bất diệt.
Suy niệm Tam Nhật Thánh
 

SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN THÁNH
 
“Giải nghĩa yêu” [1]
(Suy niệm Tin Mừng Gioan 13, 1-15) trích đọc vào Lễ Tiệc Ly thứ Năm Tuần Thánh)
 
Người ta đề cập rất nhiều về tình yêu, phân tích tình yêu dưới nhiều góc độ, tốn nhiều giấy mực để lý giải tình yêu… nhưng có lẽ rất ít người hiểu cho đúng tình yêu là gì.
 
Ngay cả thi sĩ Xuân Diệu, người được xem là nhà thơ của tình yêu, có những cảm nhận rất tinh tế về tình yêu và tâm lý con người, cũng thú nhận là không thể giải nghĩa được tình yêu. Ông viết:
 
Làm sao cắt nghĩa được chữ yêu…
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu

 
Và khi con người không lý giải được tình yêu thì có lẽ phải viện tới Trời. Vì thế, Hàn Mặc Tử, một nhà thơ công giáo trứ danh, khuyên chúng ta -trong bài “Đà Lạt trăng mờ” - như sau:
 
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy, nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem Trời giải nghĩa yêu.”
 
“Và để xem Trời giải nghĩa yêu!” Đúng vậy, Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình Yêu là bản chất của Thiên Chúa nên chỉ có Thiên Chúa mới biết thế nào là yêu và chỉ có Người mới có đủ thẩm quyền để “giải nghĩa yêu.”
 
Chúa Giê-su “giải nghĩa yêu” khi Người ngỏ lời với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
 
Chúa Giê-su cũng đã “giải nghĩa yêu” khi Người nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” (Ga 15, 13)
 
Thế là ý nghĩa của tình yêu giờ đây đã được sáng tỏ: yêu thương là trao ban, là hy sinh, là cống hiến, là cho đi… Thiên Chúa Cha yêu thương thế gian nên đã trao ban Người Con Một cho thế gian; Chúa Giê-su đã yêu thương thế gian nên Ngài đã hy sinh tính mạng cho thế gian.
 
Nhưng Chúa Giê-su không chỉ giải nghĩa yêu bằng những  lời hoa mĩ. Người thể hiện lòng yêu thương qua cuộc sống. Tin Mừng hôm nay cho biết rằng: “Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng… Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” (Ga 13, 1.4-5).
 
Thế mới hiểu rằng:
 
Yêu là hạ mình làm tôi tớ người khác, là “đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.”
 
Yêu là bẻ thân mình làm bánh trao ban cho bạn: “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”

Yêu là rót máu mình như rượu hiến ban cho người khác được sống còn: “Nầy là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.”
 
Yêu là nộp mình chết thay cho người mình yêu thương được sống: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là để toàn dân phải bị tiêu diệt” (Ga 11, 50).
 
Lạy Chúa Giê-su,
 
Thế ra lâu nay chúng con đã ngộ nhận rất nhiều về tình yêu.
 
Chúng con ngỡ rằng yêu là say mê, là khai thác, là chiếm đoạt đối tượng mình yêu mến.
Hôm nay, nhờ bài học yêu thương Chúa dạy, chúng con mới hiểu rằng tình yêu đúng nghĩa là hy sinh, là quên mình để phục vụ, là cống hiến không ngừng cho tha nhân được hạnh phúc; và câu tỏ tình hay nhất, chân thật nhất, ý nghĩa nhất trên cõi đời nầy là:
 
“Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Nầy là chén Máu Thầy… sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội…” .
 
Và hôm nay, khi mời gọi “các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy, Chúa tha thiết kêu mời chúng con hãy sống yêu thương theo cách yêu thương của Chúa; Chúa muốn chúng con nói lời yêu thương theo cách thức Chúa đã tỏ bày, nghĩa là:
 
“Nầy là thời giờ của tôi, sức lực tôi, tim óc tôi, xin hy sinh vì bạn.
 
Nầy là thân xác tôi, trọn cuộc sống tôi, xin cống hiến cho cha mẹ, cho người bạn đời, cho con cái và cho tha nhân.”
 
 
SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN THÁNH
 
Có cần thiết phải chịu khổ hình thập giá mới cứu được con người ?
 
Có một số người phê phán: “Chúa Cha là người Cha tàn ác vì đã bắt người Con Một của mình phải chết đau thương trên thập giá.”
 
Một số ki-tô hữu khác cũng tự hỏi: “Tại sao Chúa Giê-su phải chịu chết bằng một cực hình hết sức khủng khiếp trên thập giá? Nếu Thiên Chúa muốn tha thứ cho loài người tội lỗi thì Người cứ việc tuyên bố một lời là xong, cần chi phải nhọc công chết thay để đền tội loài người cách đau thương đến thế? Thiên Chúa toàn năng thì làm gì mà chẳng được! Có nhất thiết Ngôi Hai Thiên Chúa phải chịu khổ nạn hết sức đau thương mới có thể tha tội và cứu sống loài người được chăng?
 
Thiên Chúa điều hành mọi vận hành trong vũ trụ bằng quy luật, y như ta điều hành mọi hoạt động của máy vi tính bằng một phần mềm nào đó. Mọi sự trong hoàn vũ đều phải vận hành theo những quy luật bất di bất dịch mà Thiên Chúa đã “cài đặt” cho chúng. Một trong những quy luật đó là: tội lỗi gây ra sự chết. Ai có tội thì người đó phải chết.
 
Quy luật nầy đã được tiên tri Ê-dê-ki-ên công bố từ ngàn xưa: "Ai phạm tội, người ấy phải chết" (Ê-dê-ki-ên 18,20)
 
Quy luật nầy lại được thánh Phao-lô lặp lại trong thư Rôma: "Chỉ vì một người mà tội lỗi đã đột nhập trần gian và tội lỗi gây nên cái chết" (Rm 5, 12),
 
"Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta là cái chết" (Rm 6, 23)
 
và thư Galát:  "Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát"  (Galat 6,7)
 
Quy luật nầy cũng  được thánh Giacôbê nhắc lại: "dục vọng sinh ra tội lỗi; còn khi đã phạm tội thì sinh ra cái chết" (Giacôbê 1, 15)
 
Mọi người trên cõi đời nầy, từ tổ tông loài người là Ađam-Evà cho đến hết thảy con cháu sau nầy đều sa ngã phạm tội và chiếu theo luật thì đều phải chết.
 
Nhưng nếu để sự việc xảy ra như thế thì Thiên Chúa quá đau lòng. Vốn là Đấng rất nhân lành và giàu lòng yêu thương, Thiên Chúa không thể chịu nổi nếu loài người là con chí ái của Người đều lần lượt kẻ trước người sau sa vào cõi trầm luân không lối thoát!
 
Nhưng nếu con người phạm tội mà Thiên Chúa vẫn cứ tha bổng cho họ, để họ khỏi chết, thì như thế, Thiên Chúa lại phá bỏ quy luật mà Người đã ban hành sao? Thật là điều nan giải.
 
Vậy làm sao cứu con người đã phạm tội thoát chết, mà vẫn tôn trọng quy luật đã ban hành? Chỉ có cách là có ai đó chết thay cho họ mà thôi.
 
Biện pháp chết thay
 
Minh Hoạ: Việt và Nam là đôi bạn chí thân ngay từ thơ ấu. Hồi nhỏ cả hai cùng học chung lớp chung trường, đi về có nhau. Khi trưởng thành, cả  hai cùng đi buôn bán để nuôi gia đình.
 
Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá cơ cực, Nam đánh bạo buôn bán hàng cấm mà không hề cho Việt biết.
 
Hôm ấy, khi hai bạn cùng đi buôn chung một chuyến xe, không ngờ công an ập đến soát xét đồ đạc hành khách rất cẩn thận và họ đã phát hiện hai ký hê-rô-in trong túi xách của Nam. Nam kêu oan, cho rằng chắc có ai đó đã lén bỏ hê-rô-in vào túi xách của anh khi anh lơ đễnh. Thế nhưng với tang chứng vật chứng rành rành trước mắt, công an lập biên bản và Nam phải chờ ngày ra tòa. Với tội danh buôn bán lưu trữ bạch phiến, chắc chắn Nam sẽ bị tử hình.
 
Tối hôm ấy, Việt trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Anh rất đau xót cho hoàn cảnh của Nam. Mai đây Nam bị tử hình thì lấy ai chăm sóc nuôi dưỡng mẹ và em. Mẹ Nam bị mù đã hai chục năm nay, còn đứa em thì bị cụt hai chân do tai nạn giao thông.
 
Cuối cùng Việt quyết định nhận tội và chịu chết thay cho Nam vì Việt không còn gánh nặng gia đình. Ngày hôm sau, Việt ra đồn công an khai báo rằng gói hê-rô-in trong túi xách của Nam là do anh nhét vào khi Nam xuống xe vào quán ăn cơm. Thế là nhờ Việt nhận tội thay cho Nam, chịu tử hình thay cho Nam mà Nam thoát khỏi tội và khỏi phải chết.
 
Để cứu loài người khỏi tội và khỏi chết, Thiên Chúa cũng chọn giải pháp chết thay.
 
Để thực hiện kế hoạch nầy, Ngôi Hai Thiên Chúa tình nguyện xuống thế làm người, trở thành "Anh Cả của mọi người", trở thành vị Đại Diện xứng đáng nhất cho loài người. Người trở nên "Chiên Thiên Chúa đến gánh tội trần gian"(Ga 1,29), “Người đã mang lấy tội lỗi muôn dân” (Is 53,12) nơi thân mình Người. Những ai tin vào Chúa Ki-tô thì Người sẽ gánh lấy tội lỗi cho họ.
 
Thế là Đức Giê-su Ki-tô là "Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người." (2 Co 5, 21)
 
Và một khi Chúa Ki-tô gánh lấy tội lỗi vô vàn của chúng ta, Người trở thành con người mang đầy tội lỗi, nên Người phải chịu những cực hình hết sức đau thương cho cân xứng với tội lỗi lớn lao mà Người đã mang vào thân.
 
Và thế rồi, quy luật “ai có tội thì phải chết” cũng phải được thể hiện nơi Chúa Giê-su. Người phải bị hành hình và xử tử vì tội lỗi chúng ta:
 
"Tội lỗi của chúng ta,
Chính Người đã mang vào thân thể
Mà đưa lên cây thập giá
Để một khi đã chết đối với tội,
Chúng ta sống cuộc đời công chính.
Vì Người phải mang những vết thương
Mà anh em đã được chữa lành." (1 Pr 2,21-24)
 
Thế là vì quá yêu thương loài người chúng ta, Chúa Cha đã để cho Con Một Người mang lấy tội lỗi chúng ta, chịu đòn vọt, chịu vác thập giá và chịu khổ thập giá rất khủng khiếp vì chúng ta để nhờ đó, chúng ta được cứu sống.
 
Lạy Thiên Chúa Ngôi Hai ngàn trùng cao cả,
 
Chúa đã lấy Đời Chúa để đổi lấy cuộc đời chúng con. Chúa đã hi sinh Mạng Sống Chúa để cứu lấy mạng sống hèn hạ của chúng con.
 
Xin cho chúng con biết dâng hiến mạng sống mỏng giòn của mình để đáp đền Mạng Sống cao siêu của Chúa; xin cho chúng con biết lấy tình thương nhỏ bé của mình để đáp trả Tình Thương vô bờ Chúa dành cho chúng con. A-men.
 
 
SUY NIỆM CHÚA NHẬT PHỤC SINH
 
Ngôi mộ là điểm khởi đầu hay là điểm cuối?
(Suy niệm lễ Phục Sinh)
 
Ngôi mộ là điểm cuối của cuộc đời?
 
Đối với người vô thần, thì ngôi mộ là điểm tận cùng của một kiếp người. Nơi đây vua cũng như dân, tướng cũng như quân, bậc anh hùng cũng như tên vô lại, người quyền quý cũng như kẻ cơ bần… đều phải vùi mình xuống, mục nát đi và trở thành cát bụi. Theo quan điểm nầy, ngôi mộ là điểm tận cùng của kiếp người, là dấu chấm hết cho tất cả sự nghiệp.
 
Trăm năm còn có gì đâu?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì
”. (Nguyễn Du)
 
Ngôi mộ là cửa đưa xuống âm ty?
 
Theo quan niệm của một số người khác, tuy ngôi mộ không phải là điểm tận cùng, là điểm kết thúc của kiếp người, nhưng được xem là một cánh cửa hãi hùng: cửa đưa xuống âm ty hay vào chín tầng địa ngục.
 
Ngôi mộ không còn là cửa tử nhưng là cửa sinh.
 
Bằng cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giê-su đã bật tung cửa mồ sống lại, đẩy lùi quyền lực sự chết đang bao trùm thế giới.
 
Người biến ngôi mộ là điểm cuối của đời người trở thành cửa ngõ dẫn vào cõi trường sinh; Người khiến cho cửa mồ đã từng há rộng nuốt lấy bao người xuống cõi âm ty trở thành cổng chào hân hoan tiếp đón nhân loại vào thiên quốc; Người đã biến đau thương của sự chết thành niềm hoan lạc của ngày phục sinh; biến ngày cuối của kiếp sống trần gian trở thành ngày thứ nhất trong đời sống mới!
 
Từ đây ngôi mộ không là cửa tử nhưng là cửa sinh, đưa muôn người vào đời sống vinh quang bất diệt.
 
Phục sinh với Chúa Giê-su
 
Để cho ngôi mộ không còn là điểm tận cùng bi đát nhưng trở thành ngõ vào cuộc sống vinh quang thì trước hết chúng ta hãy gắn bó với Chúa Giê-su như chi thể liên kết với thân mình và vững tin vào Người như lời Người mời gọi: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Hễ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ”. (Gioan 11, 25)
 
Vậy thì cùng với Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta hãy giã từ ngôi mộ giam nhốt chúng ta lâu nay trong tội lỗi. Cùng với Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta hãy cởi bỏ những giây băng, những khăn trùm đầu, những tấm vải liệm ràng buộc gò bó chúng ta bấy lâu nay để vùng đứng lên bước vào đời sống mới. Cụ thể là chúng ta hãy từ bỏ những đam mê tội lỗi vốn trói buộc chúng ta và làm cho đời sống tâm linh chúng ta giẫy chết.
 
Chúa Giê-su là Đầu của chúng ta đã khải hoàn bước vào thiên quốc, là thân mình của Người, chúng ta chắc chắn sẽ được cùng Người tiến vào cõi vinh quang bất diệt.
 
Vậy ngay hôm nay, chúng ta hãy bắt đầu ngày thứ nhất của cuộc đời mới với Chúa Giê-su bằng tiếng reo alleluia và với niềm vui tràn ngập tâm hồn.


[1] Mượn lời của thi sĩ Hàn Mặc Tử: “và để xem Trời giải nghĩa yêu”

Tác giả: Lm Inhaxiô Trần Ngà

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập829
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm826
  • Hôm nay143,504
  • Tháng hiện tại1,625,596
  • Tổng lượt truy cập58,911,465
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây