Nước mắt ở quán cơm Nụ cười

Thứ tư - 05/06/2013 12:15

-

-
Mỗi phần ăn ở quán cơm này chỉ có 2.000 đồng. Khách đến không phân biệt danh phận, giàu nghèo, trẻ già… bởi ở đó có thứ “gia vị” ai nấy đều dễ cảm nhận: tình người.
Nước mắt ở quán cơm Nụ cười
 
Mỗi phần ăn ở quán cơm này chỉ có 2.000 đồng. Khách đến không phân biệt danh phận, giàu nghèo, trẻ già… bởi ở đó có thứ “gia vị” ai nấy đều dễ cảm nhận: tình người.
 

Nụ cười 3 nằm trong chuỗi quán cơm xã hội của quỹ Từ thiện tình thương TP.HCM.
 
Đến 11 giờ 15 quán cơm mới mở cửa nhưng khách đã có mặt và xếp hàng ngay ngắn từ trước đó. Dễ nhận thấy họ là những lao động nghèo. Có người trên tay còn cầm xấp vé số đang bán dở, người khác dắt theo chiếc xe đạp chất chồng ve chai. Làn da ai nấy đều rám nắng, khuôn mặt khắc khổ, quần áo hiện rõ màu mưu sinh… Điều phối viên Tăng Thị Mỹ Liên và các tình nguyện viên của quán thì luôn tay, luôn miệng. Chị Mỹ Liên cho biết, hơn 20 tình nguyện viên này là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, có cả công nhân trong khu chế xuất Tân Thuận…
 
Bận rộn trong thanh thản
 
Lần lượt từng nhóm 10 – 15 người theo thứ tự vào quán, nhận thẻ và bắt đầu bữa ăn xã hội. Cứ thế, từ vị khách đầu tiên đến vị khách thứ 350, ai cũng được ân cần phục vụ. Khách quen của quán là những người bán vé số, lượm ve chai, sinh viên học sinh nghèo, thợ hồ, xe ôm… Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa làm nghề bán dạo, dẫn theo cậu con trai năm tuổi vào đây ăn đã hai lần. Chị bảo quán cơm có ý nghĩa lớn với những người thu nhập thấp như chị vì lam lũ bán buôn cũng chỉ đủ tiền nhà, điện nước, tiền cho con đang học trường mầm non tư thục. Còn chị Minh sau nỗ lực dựng chiếc xe đạp cũ chở đầy ve chai cũng tìm cho mình một chỗ ngồi trong quán. Chị bảo, bữa đầu nhìn quán sang trọng vậy chị không dám vào. Cũng là lần thứ hai ăn cơm ở đây, chị đã bớt rụt rè hơn và rất cảm kích bởi với phần ăn này chị tiết kiệm được 12.000 đồng gửi về quê nuôi con. Bữa cơm ngày hôm nay còn xuất hiện cả những người khuyết tật, khiếm thị và họ đều được tình nguyện viên giúp đỡ vào quán. Những đứa trẻ mới năm, bảy tuổi theo mẹ, theo bà tự nhận phần cơm, khi ăn xong cũng như người lớn, chúng mang khay cơm ra khu vực tập kết để rửa… Vậy là, ngoài cung cấp một bữa ăn, quán cơm cũng gây dựng nếp sống lành cho những đứa nhỏ.
 
Chúng tôi không nỡ đưa ống kính máy ảnh cận cảnh vào những khuôn mặt đang bận rộn với bữa ăn. Chị Mỹ Liên kể, chị đã rơi nước mắt trước bộc bạch của một phụ nữ khi đến với Nụ cười 3: “Tui đi ăn cơm ở ngoài, hết 15.000 đồng. Nhân viên thu tiền của quán ấy nhận tiền xong, gọi với vào: Cho một phần cơm ve chai. Tui thấy mủi lòng”. Tâm lý chung của khách đến ăn cơm do vậy rụt rè và nhiệm vụ của các tình nguyện viên là xoá đi mặc cảm bố thí trong họ. Mỗi tình nguyện viên đến với quán thường có chung lý do “dù bận rộn một chút nhưng vui và thanh thản khi được đối chiếu bản thân với những phận nghèo”. Chúng tôi hỏi Đinh Thanh Danh, một tình nguyện viên khá trẻ đang phục vụ ở đây, và được biết bạn đang làm nhân viên bán hàng lương 3,5 triệu/tháng nhưng nghe quán cơm tuyển tình nguyện viên đã lặn lội từ Tân Bình qua đây để tham gia. Thanh Danh nói: “Hình ảnh một người nghèo rụt rè cầm 2.000 đồng mua cơm khiến em thấy xót xa. Nhìn vào đó mới thấy mình còn may mắn hơn, tự hứa là phải sống tích cực hơn”. Hy sinh đi dăm bảy giờ rảnh rang, tình nguyện viên của hệ thống quán cơm xã hội Nụ cười còn có những nhân viên giao báo, tài xế, nhân viên văn phòng, đầu bếp và có cả những người đang là giám đốc. Anh Cao Văn Quý là giám đốc công ty sản xuất đồ gỗ ở Bình Tân còn dẫn theo con gái đang học lớp 10 đến quán Nụ cười 1 để làm chân sai vặt: “Đó là việc nên làm và cũng giúp con tôi hiểu hơn giá trị của đồng tiền và sự khác nhau giữa vị tha và tính ích kỷ”...
 
Để có thêm những nụ cười
 
Một phần cơm xã hội có ba món: mặn, xào, canh, thêm món tráng miệng và trà đá miễn phí… Giá bán mỗi suất cơm là 2.000 đồng, trong khi giá thành cao gấp nhiều lần nên mỗi tháng quán phải bù lỗ 50 triệu đồng. Khoản chênh lệch được bù đắp từ nguồn tài trợ bằng tiền và hiện vật của các nhà hảo tâm. Chị Nguyễn Thị Huyền, kế toán của quán Nụ cười 3 cho chúng tôi xem số hoá đơn ghi đóng góp của các nhà hảo tâm. Ở đó không chỉ có tên của những doanh nhân, trí thức chúng tôi quen biết với số tiền ủng hộ nhiều triệu đồng mà còn có cả sinh viên, người buôn bán ở chợ ủng hộ, người chục ký rau, người dăm chục ngàn. Chúng tôi cũng biết, không có tên trong danh sách ấy còn là những người danh phận cao trong xã hội nhưng lặng lẽ đứng sau hậu trường “để làm công việc cần làm”. Chị Huyền kể: “Có nhiều nhóm nhân viên văn phòng tới ăn rồi lặng lẽ về, ít ngày sau thấy họ cho xe chở đến nào sách, xà bông, đồ đạc cho quán như một thông điệp bày tỏ sự ủng hộ và cám ơn vì bữa ăn đầy ý nghĩa”. Hoạt động thiện nguyện do vậy được coi là thành công khi không dừng lại ở những đồng tiền đóng góp của mọi người mà qua đó còn gắn kết những tấm lòng và lan toả trong cộng đồng.
 

Những đứa trẻ mới năm, bảy tuổi theo mẹ, theo bà tự nhận phần cơm, khi ăn xong
cũng như người lớn, chúng mang khay cơm ra khu vực tập kết để rửa…
 
GS Trần Văn Khê xuất hiện ở bữa ăn với giọng trầm ấm: “Thấy anh em làm hay quá nên phải qua coi. Để có một bữa ăn ngon, lành với bản thân mình đã là quý vậy mà nay bữa ăn ấy lại được chia sẻ với người nghèo khó thì càng quý hơn. Tôi thấy bữa ăn không chỉ có nụ cười mà còn có cái tâm trong đó”. Nhà báo Nam Đồng, người đang quản lý hai quán cơm Nụ cười 1 và 2, cho biết mỗi quán cơm đang ổn định với 450 khách. Từng bộc bạch việc mở quán cơm không cầu lợi nhuận từ khách hàng, “chủ quán” Nam Đồng chia sẻ có ba yếu tố quyết định thành công của quán cơm: minh bạch tài chính, an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ ân cần. Nhờ chi li từ cọng rau, trái ớt, thực phẩm sạch, đồ dùng an toàn và trong không gian thân tình nên quán đông khách và nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay, góp sức lo bữa ăn cho người nghèo…
 
Nụ cười 3 nằm trong chuỗi quán cơm xã hội của quỹ Từ thiện tình thương TP.HCM, được lập ra và do một nhóm doanh nhân, trí thức chung tay, mà người trực tiếp điều hành là nhà báo Trần Trọng Thức. Quán nằm ở địa chỉ 298A Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Thuận Tây, quận 7) . Mở cửa từ ngày 7.5 đến nay, khách đến với quán tăng từng ngày, từ 120 người và nay là 300 người. Không chỉ bán cơm, quán Nụ cười 3 còn có một quầy sách giá 2.000 đồng/cuốn với 550 đầu sách, một sạp báo đọc tại chỗ. Đó là ý tưởng của “chủ quán” Trần Trọng Thức, bởi một bữa cơm thì chưa đủ mà người nghèo cũng có nhu cầu tiếp cận với văn hoá đọc mà họ có ít điều kiện để mua sách, đặc biệt là sách cho thiếu nhi…
 
Đến với quán Nụ cười nhưng con người ta dễ rơi nước mắt trước những nghĩa cử cao quý dành cho những người còn thiếu thốn, khó khăn. Ở đó, người nghèo không chỉ tìm được một bữa ăn xã hội mà còn cảm nhận được tình người ấm áp trong áp lực mưu sinh. Vẫn cần thêm lắm những quán Nụ cười như thế.
 
Trọng Văn
Ảnh: Trung Dũng

Tác giả: Trọng Văn

Nguồn tin: Sàigòn Tiếp Thị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập570
  • Hôm nay129,785
  • Tháng hiện tại977,389
  • Tổng lượt truy cập58,263,258
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây