Tu sĩ Việt Nam hôm nay trước các thách đố về ơn gọi và sứ vụ

Thứ năm - 06/05/2021 05:10
Hiện nay tại nhiều nơi trên thế giới, ơn gọi tu sĩ giảm sút trầm trọng, do đó có thể nói thách đố lớn tại những nơi này là làm sao có thêm những ơn gọi mới.
Trong khi đó tại Việt Nam, số lượng tu sĩ ngày càng gia tăng, số tân khấn sinh hằng năm của các dòng tu vẫn nhiều. Nhưng không vì thế mà giới tu sĩ không gặp những thách đố quan trọng. Chính liên hiệp bề trên thượng cấp[1] tại Việt Nam cũng xác nhận: “các bề trên và các tu sĩ, đặc biệt các tu sĩ trẻ đã có nhiều ưu tư về những thách đố của đời sống thánh hiến và thao thức tìm kiếm những phương thế để sống đúng theo những định hướng của Giáo hội, nhằm hướng đến việc canh tân và thăng tiến đời sống thánh hiến”[2].
 
tu si viet nam
Ảnh: Liên hiệp bề trên thượng cấp Việt Nam nhiệm kỳ IV

Có nhiều cách nhận định về thách đố, chẳng hạn suy nghĩ về phẩm chất đời tu, lĩnh vực hoạt động, ảnh hưởng xã hội, hiệu quả phục vụ... mỗi hội dòng cũng có những thách đố riêng, dòng nam, dòng nữ, dòng lâu đời, dòng mới thành lập. nhưng theo nhận định của các bề trên thượng cấp, thách đố lớn nhất và của giới tu sĩ nói chung là làm sao “sống đúng theo định hướng của Giáo hội”. Do đó, bài này xin giới hạn vào những thách đố chung này, xin miễn đi vào một số thách đố vốn cũng quan trọng và đã được nêu lên nhiều lần trong các cuộc họp của các dòng tu chẳng hạn việc đào tạo, các hoạt động của tu sĩ...

Về tên gọi, trong văn hóa Việt Nam, từ tu sĩ thường được hiểu là tất cả những ai đi tu, kể cả các linh mục triều tức các cha xứ. Chúng tôi xin giới hạn tên gọi tu sĩ trong khuôn khổ các hội dòng, tu đoàn, tu hội có đời sống thánh hiến tức là những người có lời khấn và thuộc Bộ các Hội dòng thánh hiến và Tu đoàn tông đồ (gọi tắt Bộ Tu sĩ).

Những nhận định sau đây không chỉ hướng đến các tu sĩ, nhưng còn được gởi đến các thành phần khác trong Giáo hội, các vị lãnh đạo cũng như anh chị em giáo dân. Giáo hội luôn nhìn nhận đời sống thánh hiến là một món quà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội. Giáo hội cần sự hiện diện và chứng tá của họ, do đó, Giáo hội luôn quan tâm đến đời sống thánh hiến. Thượng hội đồng Giám mục năm 1994 về đời sống thánh hiến đã nhìn nhận ơn gọi đặc biệt này là vấn đề của toàn thể Giáo hội: “Sự hiện diện phổ quát và chứng tá Tin Mừng của đời sống thánh hiến cho thấy rõ rằng đời sống này không phải là một cái gì lẻ loi và bên lề, nhưng là một thực tại liên hệ đến toàn thể Giáo hội. Tại Thượng hội đồng, các giám mục đã nhiều lần nhắc lại: De re nostra agitur, đây là vấn đề của chúng ta.”[3] Giáo hội nhìn nhận đời sống thánh hiến thuộc về bản chất của Giáo hội, nằm ở trung tâm của Giáo hội như là yếu tố quyết định của sứ mạng Giáo hội, vì thế, “chắc chắn thuộc về sự sống và sự thánh thiện của Giáo hội” [4].

1. Tình hình ơn gọi và sứ vụ hiện nay

Nói chung trong Giáo hội Công giáo từ khoảng 50 năm nay, số tu sĩ ngày càng giảm. Nhiều tu viện rộng lớn mà trước đây có cả vài trăm tu sĩ, nay hầu như trống trơn. Số nữ tu giảm mạnh nhất, vào thập niên đầu thế kỷ XXI, trung bình mỗi năm giảm gần 8.000 nữ tu! Năm 2001 có 792.317 nữ tu, đến 2011 chỉ còn 713.206[5]; năm 2013 có 694.000 nữ tu, đến năm 2018 chỉ còn 642.000[6]. Tính chung trong vòng 18 năm (2001-2018) số nữ tu trên thế giới giảm hơn 150.000 chị (gấp đôi số giáo dân giáo phận Huế!) “Một sự chảy máu mà việc gia tăng ơn gọi ở Phi châu và Á châu không quân bình lại được”[7]. Theo Niên giám 2020 của Toà thánh, số tín hữu Công giáo gia tăng, lên đến 1 tỷ 329 triệu, tức bằng 18% dân số toàn cầu nhưng số tu sĩ nói chung vẫn tiếp tục giảm.

Tại Việt Nam, nhờ ơn Chúa số ơn gọi vẫn còn phong phú. Cách đây 25 năm, thống kê 1995[8] cho biết Giáo hội Công giáo Việt Nam có 25 giáo phận, 4.500.000 tín hữu trên tổng số 73 triệu dân, chiếm 6,5 % dân số toàn quốc, số tu sĩ là 10.345 (8.822 nữ, 1.523 nam). Đến 2008[9] số tu sĩ tăng lên gấp rưỡi: 15.752 (13.838 nữ, 1.914 nam). Mười năm sau (2018)[10] có khoảng 7 triệu giáo dân, 4.000 linh mục, số tu sĩ tăng đáng kể: 22.000 nam nữ tu sĩ thuộc hơn 240 dòng tu. Chỉ một năm sau đó (2019) con số nhảy vọt, lên đến 307 đơn vị dòng tu với 33.087 tu sĩ (28.099 nữ, 4.988 nam bao gồm 1.670 linh mục dòng)[11]. Nếu tính từ 1995 đến 2019, trong khi số giáo dân tăng gần gấp đôi, thì số tu sĩ tăng hơn gấp ba: từ 10.345 (1995) lên 33.087 (2019). Theo điều tra dân số chính thức năm 2019, Công giáo là tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam.

Đứng trước hồng ân ơn gọi đó, các bề trên thượng cấp ghi nhận đây là một ơn đặc biệt Chúa ban: “tạ ơn Chúa vì Ngài đã thương ban cho Đất nước và Giáo hội Việt Nam nhiều ơn gọi tu sĩ, linh mục. Đó là hồng ân đặc biệt Chúa thương ban cho Giáo hội, cách riêng cho các dòng tu, tu hội, tu đoàn tại Việt Nam”[12]. Các bề trên cũng nhìn nhận hồng ân này là nhờ các yếu tố sau: một là hạt giống đức tin được vun tưới bằng dòng máu tử đạo của các bậc tiền bối; hai là nhờ truyền thống đạo đức của người tín hữu Việt Nam, môi trường giáo xứ và gia đình đã nuôi dưỡng ơn gọi sống đời thánh hiến.[13]

Trong khi số tu sĩ tăng, thì các hoạt động tông đồ của các hội dòng lại không được thuận lợi như thế. Mặc dù từ vài năm gần đây, một số hội dòng đã có thể tập trung các hoạt động sứ vụ vào linh đạo và đặc sủng của hội dòng mình, nhưng ai cũng biết trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, tôn giáo nói chung và giới tu sĩ nói riêng chưa được hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn và thực hiện các dự án theo ý mình, nhất là hai lãnh vực giáo dục và y tế. Do đó, sứ vụ của các tu sĩ vẫn bị giới hạn. Các dòng nữ thường tập trung vào lãnh vực nhà trẻ, gần đây một số ít nữ tu dạy ở cấp cao hơn. Dòng nam thì dồn vào công tác mục vụ giáo xứ hoặc các hoạt động gắn liền với giáo xứ. Đây là điểm gây trở ngại lớn cho sứ vụ của các tu sĩ vì nét đặc sắc của mỗi dòng đang bị hoàn cảnh làm mờ nhạt.

Thêm vào đó, con số tu sĩ tăng nhanh này lại tiếp nối giai đoạn mà tính kế thừa không được trọn vẹn. Có thể nói giai đoạn từ 1975 đến 1995 là khoảng cách “thắt eo” của các dòng tu tại Việt Nam. Số tu sĩ hầu như chựng lại hoặc tăng rất chậm có lúc còn giảm sút, nhưng điều quan trọng hơn, chính là hoạt động của các tu sĩ bị giới hạn rất nhiều so với trước đó. Chẳng hạn, vào “thời kỳ 1960-1975, các dòng tu phát triển rất mạnh ở miền Nam: 22 dòng và tu hội nam với 956 tu sĩ, 33 dòng và tu hội nữ với 4.977 tu sĩ đã khấn. Phần lớn các tu sĩ dạy trong các trường học và làm việc tại các cơ sở bác ái từ thiện như bệnh viện, nhà hộ sinh, viện dưỡng lão, cô nhi viện, trại phong...’”[14] còn các tu sĩ trong giai đoạn “thắt eo” phải đối diện với hoàn cảnh cụ thể, phải dò dẫm sáng tạo những truyền thống mới, trong khi truyền thống cũ thì nhạt nhoà và trở thành lạc lõng. Từ việc đặc sủng của mỗi hội dòng không được xác định rõ ràng, dần dần người tu sĩ cũng bỏ quên đâu là đặc sủng của tu sĩ. Trong hoàn cảnh đó, người tu sĩ cảm thấy ơn gọi không có chi riêng biệt, có khi họ tự hỏi phải chăng chỉ có đi tu mới nên thánh hay mới có cơ hội phục vụ con người! Hơn nữa, những công việc mà trước đây vốn là thế mạnh của người tu sĩ, dần dần không còn nữa.

Không thể trách các tu sĩ hay các bề trên về tình trạng này. Bởi vì trong một giai đoạn kéo dài hơn hai thập niên, việc đón nhận ơn gọi mới và hoạt động của tu sĩ đều bị giới hạn, có lúc chỉ còn quanh quẩn các công việc chăm sóc nhà cửa! Đến khi việc đón nhận và đào tạo tương đối dễ dàng hơn, cụ thể là khoảng sau năm 2000, các dòng tu lại gặp trở ngại trong việc chuẩn bị “đầu ra” cho các tu sĩ trẻ. Các tu sĩ trẻ thường nhìn lên lớp đàn anh để dự đoán và chuẩn bị cho sứ vụ tương lai của mình. Nhưng thực tế những mẫu hình cũ thì không còn hoặc không còn phù hợp, mẫu mới thì chưa được rõ nét. Giống như trường hợp một sinh viên lựa chọn trường học, luôn nhắm tới công việc sau này mình sẽ làm, và lãnh vực nào thu hút nhất. Các tu sĩ trẻ cũng vậy, trong thời gian đào tạo, dễ có cám dỗ dự đoán công việc mình sẽ làm sau này để lựa chọn ơn gọi hoặc hội dòng, nhưng “nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài”, họ đã mượn tâm sự đó để diễn tả nỗi lo âu. Gần đây, đã có một số “khởi nghiệp” nơi các tu sĩ trẻ, chẳng hạn trong lãnh vực truyền thông, bác ái... nhưng vẫn còn gian nan lắm.

Từ hoàn cảnh thực tế đó, ngấm ngầm có một khoảng cách thế hệ. Tu sĩ trẻ thì trách các bậc đi trước không hiểu họ, xa cách thực tế, không hợp thời, thế hệ trước thì trách đàn em tục hóa nhiều quá... Đâu là tiêu chuẩn khách quan để nhận định về đời tu hiện nay? Các bề trên thượng cấp đã có lý khi cho rằng phải tìm phương thế “để sống đúng theo những định hướng của Giáo hội, nhằm hướng đến việc canh tân và thăng tiến đời sống thánh hiến.” Kiểu nói định hướng của Giáo hội cần được đặt vào trong khung cảnh thần học về đời tu chứ không phải chỉ là những giải pháp nhất thời hoặc những khẩu hiệu thời trang. Thể chế đời tu là sản phẩm của Giáo hội, do Giáo hội thiết lập dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, do đó, định hướng của đời tu là hoàn toàn thuộc thẩm quyền Giáo hội. Để xác định những định hướng đó, chúng tôi xin dựa vào các văn kiện gần đây về đời tu, đặc biệt tông thư đề ngày 21/11/2014 của Đức giáo hoàng Phanxicô gởi anh chị em tu sĩ nhân năm đời sống thánh hiến; văn kiện “Rượu mới Bầu da mới” (2017) của bộ Tu sĩ; và bài phát biểu của Đức thánh cha Phanxicô tại hội nghị các Bề trên thượng cấp tại Roma ngày 29/11/2013. Sau đó, chúng tôi đưa ra một số nhận định và áp dụng vào hoàn cảnh ở Việt Nam.

2. Các thách đố của đời tu theo Đức thánh cha Phanxicô

Trong tông thư gởi anh chị em tu sĩ, sau khi trình bày ý nghĩa của năm đời sống thánh hiến (từ 30/11/2014 đến 02/02/2016), Đức thánh cha Phanxicô nêu lên những mong đợi của ngài nơi các người tận hiến. Tuy ngài chỉ nói một cách nhẹ nhàng là những “mong đợi” (expectations, attentes) cho năm đời sống thánh hiến, nhưng theo lập luận của tông thư này, đây thực sự là những định hướng cho đời tu trong Giáo hội. Đức thánh cha đưa ra ít là năm mong đợi: 1/ Người tu sĩ phải bày tỏ niềm vui; 2/ Người tu sĩ phải là ngôn sứ; 3/ Người tu sĩ kiến tạo sự hiệp thông; 4/ Người tu sĩ đi đến biên cương thế giới; 5/ Người tu sĩ phải làm nổi bật đặc sủng của hội dòng mình.

Trong số những “mong đợi” định hướng cho người tu sĩ, chúng tôi xin nhấn mạnh hai điểm đầu tiên, bởi vì có thể nói đây là hai yếu tố nền tảng thuộc bản chất đời tu. Mong đợi thứ nhất liên hệ đến cuộc sống người tu sĩ, và mang tính hướng thần; mong đợi thứ hai mang tính sứ vụ, mà nói đến sự vụ là nói đến tương quan với các thành phần khác. Như vậy, có thể nói rằng hai định hướng căn bản này bao gồm cả chiều kích hướng nội và hướng ngoại của đời tu. Dựa vào tông thư này, bộ Tu sĩ khai triển thành văn kiện “Rượu mới bầu da mới” trong đó cho thấy 50 năm sau lời kêu gọi của Công đồng Vatican II[15], mặc dù các hội dòng đã có nhiều nỗ lực trong việc nhìn lại ơn gọi và sứ vụ của mình, nhưng đến hôm nay, các dòng tu vẫn còn phải đối diện với nhiều thách đố. [16]

2.1. Sứ vụ niềm vui[17]

Thách đố đầu tiên của người tu sĩ là cảm nghiệm và chứng tỏ mình đang sống niềm vui và hạnh phúc (joy, happiness). Đức Phanxicô nhiều lần lặp đi lặp lại “ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”. Con người ai cũng khát khao niềm vui và hạnh phúc, do đó người tu sĩ phải làm chứng rằng con đường theo Chúa là con đường ngập tràn niềm vui, và đáp ứng khát vọng của con người. Niềm vui của người tu sĩ phải có 4 đặc tính sau:

- Đối tượng là chính Thiên Chúa. Người tu sĩ cần cảm nghiệm nơi bản thân và làm chứng cho tha nhân rằng “Thiên Chúa có khả năng lấp đầy con tim của chúng ta, và làm cho chúng ta được hạnh phúc, không phải đi tìm hạnh phúc nơi đâu khác”.

- Đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Chưa nói tới hoạt động, trước tiên đời sống thánh hiến đem lại cho bản thân tu sĩ niềm vui vì họ được giống với Đức Kitô “Đấng đã trở nên giống như chúng ta mọi đàng, và vì thế cảm nghiệm sự vui mừng vì biết rằng mình được nên giống kẻ vì yêu thương ta đã không khước từ thập giá”.

- Đời sống cộng đoàn. Con người có nhu cầu sống với người khác, nhưng sự gặp gỡ lại dễ gây xung đột khi đụng chạm đến quyền lợi. Vì thế người tu sĩ cần làm chứng cho khả năng con người có thể đón nhận nhau trong sự khác biệt của mỗi người, và “chứng tỏ rằng tình huynh đệ chân chính sống trong các cộng đoàn” có khả năng nuôi dưỡng niềm vui thực sự.

- Công tác phục vụ. Việc phục vụ không chỉ giúp người khác sống hạnh phúc hơn, nhưng còn đem lại cho bản thân người tu sĩ niềm vui vì phẩm giá của mình cũng được thăng tiến. “Sự tận hiến để phục vụ Giáo hội, các gia đình, các người trẻ, các người già, các người nghèo giúp cho chúng ta đạt được sự thành tựu bản thân và mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc đời.” Trong khi phục vụ, người tu sĩ xác định mình là dụng cụ của Thiên Chúa, nên không đặt tiêu chuẩn hiệu năng tông đồ theo kiểu tính toán con người, nhưng hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa:“Xã hội sùng bái hiệu năng công việc, sức khỏe, thành công... thì người tu sĩ làm chứng cho sự thật của Kinh Thánh: ‘khi tôi yếu là lúc tôi mạnh' (2Cr 12,10). Do đó, “hiệu năng tông đồ không lệ thuộc vào hiệu năng dồi dào các phương tiện” bởi vì chính cuộc sống của người tu sĩ mới là lời chứng mạnh mẽ nhất, “chiếu tỏa niềm vui và vẻ đẹp của việc sống tin mừng, và của việc đi theo đức Kitô”.

Có thể nói 4 tiêu chuẩn của niềm vui tận hiến được Đức thánh cha nêu lên, đặt nền tảng trên bản chất đời tu, tiếp nối tư tưởng của Tông huấn Đời sống Thánh hiến do Đức thánh cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25/3/1996. Trong đó, đời sống thánh hiến được trình bày theo bốn yếu tố: 1/ ơn gọi là ơn ban của Thiên Chúa dành cho cá nhân người tu sĩ, tương ứng với tiêu chuẩn thứ nhất; 2/ người tu sĩ được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, tương ứng với tiêu chuẩn thứ hai; 3/ người tu sĩ hội nhập vào đặc sủng cụ thể của một hội dòng hay tu viện, tương ứng với tiêu chuẩn thứ ba; 4/ phục vụ cho Vương quốc Thiên Chúa, tương ứng với tiêu chuẩn thứ tư. Xác định được giá trị của ơn gọi như thế, người tu sĩ mới tìm được hạnh phúc đích thực, và mới có khả năng giúp “những người trẻ gặp gỡ chúng ta cảm thấy bị thu hút vì họ nhận ra chúng ta hạnh phúc!”.

2.2. Sứ vụ ngôn sứ[18]

Thách đố thứ hai là thi hành sứ vụ ngôn sứ. Đây cũng là ý tưởng tâm đắc của Đức Phanxicô, vì là sứ vụ chính yếu của người tu sĩ. Trong cuộc gặp các Bề trên thượng cấp dòng nam tại Roma ngày 29/11/2013, khi được hỏi đâu là điều mà Đức thánh cha mong đợi nhất nơi người tu sĩ, Đức Phanxicô trả lời: “cha mong muốn chúng con trở thành những ngôn sứ”. Là ngôn sứ tức là người giới thiệu và làm chứng cho sứ điệp mà Thiên Chúa đang muốn nói với con người thời đại. Vai trò ngôn sứ thực ra không dành riêng cho người tu sĩ. Trong Giáo hội, mọi Kitô hữu đều là ngôn sứ, chia sẻ vai trò ngôn sứ của Đức Kitô. Nhưng điều quan trọng là người tu sĩ làm ngôn sứ theo cách thức riêng của mình: “việc theo Chúa Kitô cách triệt để không phải dành riêng cho các tu sĩ, mọi người đều được mời gọi theo Đức Kitô cách triệt để. Nhưng các tu sĩ đi theo Chúa cách đặc biệt, đó là cách thức làm ngôn sứ. Một tu sĩ không bao giờ được khước từ tính ngôn sứ” [19].

Làm ngôn sứ cho Thiên Chúa trước tiên là làm chứng về sự hiện diện của Ngài, của một Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương xót trong lịch sử nhân loại. Sứ điệp này được thể hiện qua việc xác tín Thiên Chúa đang đồng hành với con người trong lịch sử. Như người lính canh giữa bóng đêm, vẫn chắc chắn hừng đông sẽ đến, và trong niềm xác tín đó, họ tỉnh thức để báo hiệu khi ánh dương đầu tiên xuất hiện. Người ngôn sứ đánh thức con người ra khỏi cách suy nghĩ và nếp sống chạy theo tính ích kỷ của mình, chỉ quy về mình. Sứ điệp của người tu sĩ là nhìn nhận và đón nhận chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử, từ đó đón nhận sự khác biệt vốn làm nên phẩm giá của tha nhân. Để được như vậy, người ngôn sứ phải tìm hiểu và giải thích những biến cố lịch sử theo ý định của Thiên Chúa. Họ ra khỏi suy nghĩ của mình để nhận ra ý định của của Thiên Chúa về lịch sử và về anh chị em mình. Trong lịch sử vẫn còn những bóng tối, vì thế, người tu sĩ trong nỗ lực làm ngôn sứ cho Thiên Chúa, phải tập phân định và tố giác tội ác và những bất công, dựa theo ý định của Thiên Chúa chứ không phải của người trần.

Khi làm ngôn sứ, người tu sĩ hoàn toàn không biến cộng đoàn dòng tu của mình thành một “hòn đảo không tưởng” (utopie), một kiểu xã hội tưởng tượng mơ mộng, xa rời nhu cầu và khả năng thực tế của con người. Người tu sĩ chỉ tổ chức cộng đoàn thành một nơi người ta “sống kiểu khác”, tức là giới thiệu một lối sống khác với lối sống con người thời đại. Cộng đoàn tu sĩ làm chứng cho cuộc sống “nơi mà người ta sống cái logic của Tin Mừng về sự trao ban, tình huynh đệ, tiếp nhận sự khác biệt, yêu thương lẫn nhau.”[20] Người tu sĩ làm chứng cho khả năng người ta có thể kiến tạo một thế giới nơi đó mọi người không coi nhau như đối thủ, nhưng như những người anh chị em [21]. Lối sống dựa trên logic của Tin Mừng chính là giá trị mà thế giới hiện nay đang cần. Làm chứng cho sứ điệp đó quả không dễ dàng, nhưng Thiên Chúa đã hứa với ngôn sứ Giêrêmia: “Đừng sợ, ta ở với con để che chở con” (Gr 1,8).

3. Áp dụng vào hoàn cảnh Việt Nam

Trên đây chúng ta đã lược qua hai thách đố quan trọng nhất của người tu sĩ, theo nhận định của Đức giáo hoàng Phanxicô. Xin nhắc lại hai thách đố đó là 1/ người tu sĩ phải cảm nghiệm và chứng tỏ niềm vui của đời sống tận hiến; 2/ người tu sĩ là ngôn sứ theo cách thức riêng của mình. Cả hai thách đố này đều nhấn mạnh đến ý nghĩa là người tu sĩ cần giới thiệu cho con người thời đại một cách sống khác có khả năng cải thiện môi trường sống của mình. Hai thách đố này tác động thế nào đến giới tu sĩ tại Việt Nam? Thực sự phải nhìn nhận rằng các ơn gọi trẻ tại Việt Nam phần đông đều ý thức lựa chọn của họ. Đa số các tu sĩ vào dòng khi đã trưởng thành, nhiều dòng chỉ nhận ơn gọi sau khi tốt nghiệp đại học. Hơn nữa, mức sống kinh tế của người dân cũng dần dần được nâng cao, khoảng cách vật chất không phải là động lực chính của ơn gọi. Vì thế khó kết luận rằng những lựa chọn của các tu sĩ trẻ là bồng bột hay vì những động cơ không trong sáng, phát xuất từ tham vọng cá nhân. Tuy nhiên, dù sao vẫn tồn tại một số quan niệm không chính xác về đời tu khiến người tu sĩ chưa hiểu rõ nhưng mong đợi của Giáo hội về họ, và do đó chưa thể hiện được vai trò ngôn sứ của mình. Do đó, những nhận định sau đây có thể không hoàn toàn xảy ra nơi mọi hội dòng nhưng dù sao vẫn là những gợi ý để chúng ta phân định khi đối diện với những thách đố như Đức thánh cha Phanxicô lưu ý.

3.1 Thách đố về sứ vụ niềm vui

Từ thời Hy Lạp cổ đại, ông Epicure đã coi hạnh phúc là mục đích duy nhất ở trần gian này. Nhưng hạnh phúc là gì? Làm thế nào để hạnh phúc? Ai cũng có kinh nghiệm về niềm vui và hạnh phúc nhưng trả lời những câu hỏi trên lại không đơn giản. Khoa nhân học khám phá ra hai động lực giúp người ta cảm nhận được hạnh phúc, một tâm lý và một sinh học. Về mặt tâm lý, chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi thực tại đáp ứng điều chúng ta mong đợi. Về mặt sinh học, chúng ta hạnh phúc khi có cảm giác dễ chịu và bớt được những cảm giác khó chịu. Nhưng thực tế cả hai yếu tố đó đều không chiều lòng người. Bởi vì những mong đợi của con người cứ gia tăng mãi, không có điểm dừng. Tiến bộ kỹ thuật đã giúp cho cuộc sống con người trở nên dễ chịu hơn, nhưng cùng với tiến bộ kỹ thuật, những mong đợi của con người lại tăng nhanh không kém, khiến con người tiếp tục chờ mong chứ không cảm thấy hài lòng hơn. Năm 1987, người dân Nhật có mức thu nhập gấp 5 lần so với năm 1958, nhưng xét về mặt hạnh phúc thì người dân Nhật thập niên 80 cũng không hơn gì so với người Nhật thập niên 50[22]. Về mặt cảm giác, ai cũng biết cảm giác thì mong manh, chóng qua, do đó nếu muốn hạnh phúc thì người ta cứ phải mãi đi tìm cảm giác dễ chịu mới... điều này như trò chơi “ú tim” với con người, bắt được rồi lại biến mất để con người suốt đời phải chạy đi tìm những cảm giác mới. Đây là những điểm yếu của con người mà tác giả Harari gọi là “lỗi của tiến hoá”[23]. Nói là lỗi nhưng thực ra lại là sự lựa chọn tuyệt vời của tiến hóa. Vì nếu tiến hóa đạt tới một tới mức độ con người hoàn toàn thoả mãn với cảm giác hiện có, và cảm giác đó tồn tại mãi, thì con người sẽ ngừng tìm kiếm. Mà khi con người thôi tìm kiếm thì kết quả là cuộc sống con người sẽ bị ngưng lại, cuộc đời coi như chấm dứt.

a. Niềm vui có Chúa

Sống niềm vui có vẻ như dễ dàng nhưng lại là một thách đố khi phải xác định đâu là niềm vui đích thực, và một khi xác định được động lực của niềm vui, lại phải tập cảm nhận được niềm vui đó. Như thế, niềm vui không còn phải là một cảm nhận thuộc bản năng, nhưng mang tính nhân văn, có nghĩa là con người ý thức bản chất của niềm vui. Tương tự như việc ăn uống, con người tập đón nhận những thực phẩm cần thiết cho sức khỏe của mình, chứ không phải chỉ những món ăn đem lại thích thú cảm giác. Chính ở điểm này mà vai trò ngôn sứ của người tu sĩ càng trở thành cần thiết. Trong bối cảnh xã hội và văn hóa tại Việt Nam, người ta vẫn coi tu sĩ là những người “có phúc”. Chắc chắn không ai dám nói đi tu chỉ để được hạnh phúc, vì nói như vậy dường như làm mất tính thánh thiện của đời tu. Nhưng xã hội vẫn coi tu sĩ là những người thuộc giới “ăn trên ngồi trước”, được kính trọng. Hơn nữa, thường tu sĩ là những người có mặt bằng trí thức và cách sống cao hơn mặt bằng chung, có lẽ cũng vì thế mà ơn gọi phát xuất từ những vùng quê nghèo vẫn nhiều hơn các thành phố. Hội nghị Bề trên thượng cấp 2018 cũng nhìn nhận môi trường giáo xứ và gia đình là một nhân tố giải thích sự kiện có nhiều ơn gọi tại Việt Nam. Nhưng môi trường đó cũng vô tình đề cao những động lực ơn gọi mang tính trần tục. Chẳng hạn ngày lễ khấn của các tu sĩ thường được tổ chức long trọng giống như một ngày để vinh danh khấn sinh hơn là để tôn vinh tình thương của Thiên Chúa và là dịp để nhắc nhở tinh thần phục vụ trong Giáo hội. Đi dự lễ khấn dòng, có thể chúng ta nghe giải thích đời sống thánh hiến là ơn Chúa ban cho một số người để sống niềm vui hạnh phúc Nước Trời ngay trên trần gian này. Một người vừa có kinh nghiệm đời tu vừa có kinh nghiệm đời sống hôn nhân trải lòng: “Vào dịp lễ lớn, hàng trăm cha, hàng ngàn tu sĩ nam nữ, chủng sinh thánh thiện trong lễ phục uy nghi. Nhìn các vị rạng rỡ, nghiêm trang, sốt sắng, chẳng giáo dân nào không vui, không hãnh diện, không mơ ước con cháu mình sẽ được đứng trong hàng ngũ “những người Chúa chọn”. Chỉ riêng đám tu xuất, là bạn cùng trường, cùng lớp của cha này cha kia, cùng nhà tập với sơ kia, dì nọ là cảm thấy tim mình se thắt và cổ mình nghèn nghẹn. Chàng tu xuất nghẹn lòng vì mênh mang một trời kỷ niệm của ngày xưa ở chủng viện. Nàng tu xuất nghẹn lời vì tơ lòng như thẹn thùng chùng xuống theo ký ức những ngày còn tu. Trên khoé mắt chàng, và gò má nàng nghe long lanh giọt lệ chung vui với bạn bè đang hạnh phúc trong đời tận hiến, nhưng cũng xót xa gởi riêng phận mình giọt lệ buồn: ngậm ngùi, tiếc nuối đời tu.”[24] Hình ảnh hạnh phúc của người tu sĩ như thế có nguy cơ biến tu viện thành xa rời thực tế mà Đức Phanxicô lưu ý là tổ chức tu viện thành “hòn đảo không tưởng” thay vì giúp giáo dân nhận ra sứ điệp cho ơn gọi sống giữa đời của họ, mặt khác có thể khiến một số tu sĩ không dám hoặc rất khó quay lại khi nhận ra còn đường ơn gọi là không phù hợp với họ.

Để minh họa cho hạnh phúc đời tu, người ta thường trưng ra những lời hứa của Chúa Giêsu khi ông Phêrô hỏi chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy thì được những gì. “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” (Mt 19, 28-29) Câu trả lời vừa hướng tới thời cánh chung vừa nhắc tới hạnh phúc đời này. Cánh chung vì sẽ được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp, nhưng đời này cũng sẽ được gấp bội những gì họ đã từ bỏ. Nhưng khía cạnh “đời này” thường được nhấn mạnh hơn khía cạnh cánh chung. Và những phần thưởng đời này cũng được xét theo tiêu chuẩn con người. Để rồi, trong xã hội hiện nay, khi những phần thưởng “gấp bội” như trong Tin mừng, chẳng hạn anh chị em đông đảo, nhiều cơ sở nhà cửa... không còn hấp dẫn bạn trẻ nữa thì động lực ơn gọi cũng bị “bay đi ít nhiều”!

Người ta cũng thường vẽ ra hạnh phúc của các tu sĩ là không phải khổ sở về chuyện tình cảm, gia đình, con cái. không phải lo lắng chuyện tính toán tiền bạc, suốt ngày cứ thanh thản! Thậm chí không phải lo suy nghĩ tính toán mệt óc, vì đã có bề trên quyết định thay! Dù bề trên quyết định sai thì mình vẫn có phúc! Nếu chỉ coi việc thảnh thơi, không phiền hà như là hạnh phúc đời này của đời tu thì coi chừng. Chính Đức thánh cha Phanxicô trong tông huấn Niềm vui Tình yêu, khi nói tới giá trị của đời sống hôn nhân, cũng “đá xéo” những tu sĩ cho rằng mình khấn khiết tịnh nên được thanh thoát, không vướng bận chuyện tình cảm gia đình, đi đâu cũng được, làm gì cũng được[25]. Lối nhìn hạnh phúc về sự “thoát ly” tình cảm như thế không hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng và cũng không thoả mãn được tâm hồn những bạn trẻ ngày nay vốn ý thức phẩm giá con người là liên luỵ với người khác. Khi Đức Giêsu hứa phần thưởng “gấp bội” (Mt 19,29) thiết tưởng phải hiểu luôn cả ý nghĩa “liên luỵ” gấp bội. Nếu những người lập gia đình chỉ liên luỵ trực tiếp với vợ chồng con cái mình, thì người tu sĩ từ bỏ tất cả của cải vật chất để “liên luỵ” nhiều hơn với con người, đặc biệt là những người bị bỏ rơi. Những người không tìm ra được ai dám liên luỵ với mình.

Những kiểu trình bày hạnh phúc đời tu dựa theo quan niệm trần tục thường được giải thích như một cách nói để khích lệ ơn gọi tu trì. Nhưng nhiều khi hình ảnh dùng để khích lệ lại quá xa vời thậm chí phản chứng lại điều vốn làm nên bản chất đời tu, và có nguy cơ khiến người ta nhầm lẫn giữa sự khích lệ với cái thực.

Xã hội nhìn đời tu là thế, chính các tu sĩ thì cảm nhận thế nào? Trong cuộc họp các Bề trên thượng cấp trên tổ chức tại K'Long năm 2013, một diễn giả đã gây sốc cho các bề trên khi nói rằng ngài chưa bao giờ giới thiệu một em gái nào đi tu cả! Vì theo ngài dường như cuộc sống trong các dòng nữ không hạnh phúc! “Trong các dòng nam, ngài nói, nếu các tu sĩ không hạnh phúc thì ít ra họ cũng được “sung sướng”, còn trong các dòng nữ chẳng hạnh phúc mà cũng chẳng sung sướng!” Ngay sau đó, một bề trên dòng nữ phản công: “Con biết cha là người uyên bác, kiến thức rộng, dạy học nhiều nơi, nên cha nói như thế con cũng phải chấp nhận, nhưng nếu một cha khác nói như thế thì con sẽ hỏi lại: cha biết được bao nhiêu dòng nữ và biết được những gì trong các dòng nữ mà dám khẳng định như thế!” Chỗ riêng tư, diễn giả cho biết muốn nói mạnh vậy để lưu ý một số bề trên về tình trạng trong nhà dòng mình.

Đến giờ thảo luận tổ, một câu hỏi được đặt ra là: “Theo quý bề trên, có bao nhiêu phần trăm tu sĩ trong cộng đoàn mình sống hạnh phúc?” Câu trả lời của các tổ hầu như giống nhau: không biết. Có thể vì câu hỏi đặt ra trong một cuộc họp nên các bề trên không đủ thông tin để trả lời. Cũng có bề trên mượn câu trả lời khéo léo trong Tin mừng Gioan: “nó lớn khôn rồi, cứ hỏi nó!” (Ga 9,21). Nhưng một ý kiến nêu lên kết quả cuộc khảo sát gần đây tại Hoa Kỳ (không biết có phải là tiêu biểu hay không!), theo đó, có khoảng 20% tu sĩ là hạnh phúc thực sự; 60% khi này khi nọ, khi vui thì cảm thấy hạnh phúc, khi gặp khó khăn thì buồn phiền chán nản; 20% còn lại là những người thực sự không hạnh phúc. Giả thiết bảng khảo sát trên đây là đúng thì chúng ta cũng cần phải so sánh với bảng khảo sát khác về hạnh phúc nơi những người không đi tu! Rất có thể số phần trăm hạnh phúc cũng tương đương. Nhưng một vấn đề không kém quan trọng là phải hiểu hạnh phúc theo nghĩa nào. Nếu hiểu hạnh phúc là thanh thản trong những việc bổn phận, kiểu thanh thản đón nhận những gì không thể thay đổi được, thì hạnh phúc không giới hạn trong nhà dòng đâu, người giáo dân cũng có khi hạnh phúc lắm.

Thiết tưởng khi Đức Phanxicô đưa ra những nguyên tắc cho niềm vui đích thực của người tu sĩ, và ngài mời gọi tu sĩ làm chứng cho niềm vui, thì cũng hiểu những tiêu chuẩn này không dành riêng cho tu sĩ, nhưng là những tiêu chuẩn cho cả hạnh phúc của người giáo dân nữa, dĩ nhiên với cách thức áp dụng khác nhau. Như vậy, vai trò làm chứng của tu sĩ mới thích hợp và cần thiết. Còn nếu trình bày những động lực niềm vui của tu sĩ khác với của anh chị em giáo dân, thì quả thật khó nói tới vai trò ngôn sứ của người tu sĩ, vốn là vai trò giới thiệu về một sứ điệp tương thích với mọi lối sống. Do đó, việc nhìn nhận đối tượng của niềm vui là tình yêu của Thiên Chúa và được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, quả thực là một thách đố lớn đối với người tu sĩ nói riêng và với người Kitô hữu nói chung.

b. Niềm vui đời sống cộng đoàn

Một thách đố khác là làm chứng cho niềm vui của đời sống cộng đoàn. Cộng đoàn tu trì vốn phải là một yếu tố đem lại niềm vui cho đời tu, nhưng rất tiếc không luôn được như vậy. Tình trạng này xảy ra khi cộng đoàn không còn là nơi người tu sĩ được đón nhận và tôn trọng đúng phẩm giá của họ. Trong cộng đoàn có thể có sự lạm dụng quyền lực của những người nắm giữ quyền bính. Đây là vấn đề khá gai góc trong nhiều cộng đoàn tu sĩ, không riêng gì tại Việt Nam, nhiều nơi trên thế giới cũng vậy, nhưng chưa được quan tâm mấy. Nhằm duy trì thể chế đời tu và sự “ổn định” trong cộng đoàn, việc áp dụng quyền bính theo chiều dọc vẫn khá phổ biến. Cha Giovanni Cucci, SJ. giáo sư Tâm lý học và Triết học tại Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Rome lưu ý “Mặc dù người ta đã chú ý nhiều đến việc ngược đãi trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, các ngược đãi do các linh mục, nhưng vẫn chưa đủ thông tin về các loại ngược đãi mà các nữ tu và tập sinh phải chịu trong chính cộng đoàn của họ”[26].

Thực sự, người Việt Nam có tính dễ vâng phục, nên bề ngoài, xung đột quyền bính chưa phải là vấn đề nổi cộm trong các cộng đoàn tu trì, nhưng vấn nạn về sự đón nhận nhau trong tình huynh đệ, trân trọng những năng khiếu riêng của mỗi người thì vẫn là một điều đáng nói. Từ xung đột quyền bính đến xung đột quyền lợi, quyền lợi cá nhân cũng như quyền lợi phe nhóm. Đức thánh cha Phanxicô lưu ý “tôi mời gọi anh chị em hãy đọc lại điều mà tôi không ngừng lặp đi lặp lại rằng những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tị hiềm, đố kỵ không được phép cư ngụ trong nhà của anh chị em” [27]. Đây cũng là một thách đố lớn cho tình huynh đệ trong các cộng đoàn tu trì.

Một thực tế chưa phổ biến lắm nhưng cũng cần lưu ý tại Việt Nam, đó là việc hướng dẫn các ơn gọi trẻ về đời sống cộng đoàn. Giáo hội Việt Nam có nhiều ơn gọi, nhưng nếu các ơn gọi trẻ đó không được hướng dẫn và đồng hành sẽ trở thành nạn nhân của các hình thức mà Đức Phanxicô so sánh với tình trạng “buôn người”. Có những hội dòng nước ngoài đến Việt Nam tuyển ơn gọi, và kênh dễ dàng nhất là liên lạc trực tiếp với các cha xứ tại các vùng quê. Có những cha xứ đạo đức nhưng đơn sơ, thấy trong giáo xứ có các em trai em gái muốn đi tu thì liền giới thiệu cho các hội dòng mới quen này mà thiếu sự tìm hiểu điều kiện của hội dòng, thiếu người đồng hành khi các em gặp khó khăn. Vì thế, các ơn gọi trẻ này có thể gặp rất nhiều trở ngại không thể nói với ai, đặc biệt có thể bị lạm dụng quyền lực và lương tâm, hay lạm dung tình dục bởi các nhà đào tạo[28].

Một thực trạng khác phổ biến hơn trong các cộng đoàn tu trì tại Việt Nam, đó là các tu sĩ trẻ thường không được nhìn nhận là đạt mức độ trưởng thành, nên cứ bị “kiểm soát”. Nhiều tu sĩ ở độ tuổi mà nếu ở ngoài đời, đã có gia đình con cai... thế nhưng trong nhà dòng vẫn bị coi như trẻ em, kéo theo tình trạng tâm lý nhút nhát, không dám quyết định. Bộ Tu sĩ đã lưu ý “trong sự phục vụ hàng ngày của quyền bính, cần tránh trường hợp một người luôn buộc phải xin phép trong các hoạt động hằng ngày. Người thi hành quyền bính không được khuyến khích thái độ ấu trĩ, có thể dẫn đến việc rũ bỏ trách nhiệm: lối hành xử như thế sẽ khó dẫn đưa người ta đến trưởng thành”[29].

Nhiều cộng đoàn dòng tu dường như vẫn còn coi sự an ổn và thành công của sứ vụ như tiêu chuẩn chính về phẩm chất cộng đoàn, mà quên tiêu chuẩn về tình huynh đệ. Đúng ra, phẩm chất của cộng đoàn phải bao gồm sứ vụ và đời sống huynh đệ. Hơn nữa, đặc sủng của người tu sĩ là các lời khấn để giúp người tu sĩ làm chứng cho khả năng con người đón nhận nhau, và cộng đoàn phải là môi trường đầu tiên để tu sĩ thi hành sứ vụ ngôn sứ đó. Chúng tôi sẽ trình bày tiếp trong phần sứ vụ ngôn sứ.

c. Niềm vui phục vụ

Đức thánh cha Phanxicô cũng nhìn nhận một trong những niềm vui của đời thánh hiến là được phục vụ cho Vương quốc Thiên Chúa qua các công tác mục vụ. Thế nhưng trong thực tế, niềm vui này thường lại dựa trên những thành công của công tác phục vụ. Các tu sĩ, đặc biệt các dòng hoạt động, thường phải đáp ứng điều kiện trí thức và nghề nghiệp. Từ đó, trong các cộng đoàn dễ có khoảng cách giữa những người có khả năng trí thức hay nghề nghiệp và những người ít khả năng hơn. Làm sao để các tu sĩ hiểu rằng chính đời sống hiến dâng của họ, đã là một chứng từ cho thế giới. Đời sống tu trì làm chứng cho một xã hội nơi đó người ta tôn trọng phẩm giá con người, hơn là hiệu năng công việc. Cộng đoàn tu trì làm chứng cho khả năng con người đón nhận nhau như những người anh chị em, chứ không phải một môi trường cạnh tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua. Công việc phục vụ không nhằm đề cao cá nhân, nhưng là sự khiêm tốn đáp lại những hồng ân Chúa ban. Bởi vì những khả năng cá nhân luôn phải được nhìn nhận như là những đặc sủng của Thiên Chúa ban, để người tu sĩ, qua đời sống phục vụ, bày tỏ cũng một tình yêu độ lượng của Thiên Chúa được dành cho mọi người, như Ngài ban cho cá nhân tu sĩ[30]. Do đó, hiệu năng tông đồ phải xét theo tiêu chuẩn của chứng từ cuộc sống, trong đó cũng phải nhấn mạnh đến chứng từ đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, hơn là kết quả công việc. Cũng có thể nhắc tới cám dỗ so sánh giữa sứ vụ của dòng này dòng kia, đứng núi này trông núi nọ, công việc hấp dẫn hay không... Quả thật lời nhắc nhở của Đức thánh cha Phanxicô về hiệu năng sứ vụ là một thách đố cho giới tu sĩ.

Dĩ nhiên kết quả công tác phục vụ là điều đáng mừng, nhưng phải chăng ba lời khấn chỉ nhằm mục đích giúp người tu sĩ có nhiều nguồn lực tâm lý và thể lý để phục vụ? Giáo hội lập các hội dòng phải chăng để thi hành một số công việc bác ái, cho dù hiện nay một số công việc của các tu sĩ vẫn đang được trân trọng? Đức giáo hoàng Phanxicô nhiều lần lưu ý rằng bản chất Giáo hội không phải là một tổ chức từ thiện, một tổ chức phi chính phủ. Giáo hội của Đức Kitô là Nước trời trên trần gian, là câu chuyện về tình yêu. Điều quan trọng là đừng để công việc phục vụ làm mờ đi sứ điệp chính yếu của cộng đoàn tu trì, một sứ điệp vốn làm nên bản chất Giáo hội, đó là một cộng đoàn đón nhận và tôn trọng phẩm giá ngôi vị con người.

3.2 Thách đố về sứ vụ ngôn sứ

Sống niềm vui là một cách thức làm chứng cho những giá trị của hồng ân sự sống. Đó cũng là cách thức làm ngôn sứ, nhưng làm ngôn sứ qua ba lời khấn mới là cách thức riêng biệt của người tu sĩ. Hiến chế Giáo hội khẳng định “Việc khấn giữ các lời khuyên của Phúc Âm thực là một dấu chỉ có thể và phải lôi cuốn hữu hiệu tất cả mọi chi thể của Giáo Hội đến việc can đảm chu toàn ơn gọi làm Kitô hữu.” (GH 44).

Ơn gọi Kitô hữu là đón nhận hồng ân cuộc sống này như sự chuẩn bị cho hồng ân cuộc sống đích thực và vĩnh cửu trong thời cánh chung. “Thực vậy, dân Thiên Chúa không đặt thành trì vĩnh viễn ở đời này, nhưng đi tìm một thành trì mai sau. Bậc tu trì giải thoát người tu sĩ bớt những lo lắng trần tục, cùng tỏ lộ cách hoàn hảo hơn cho mọi tín hữu thấy của cải trên trời đã có ngay dưới trần gian này, và làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, đồng thời tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời.” (GH 44) Chính ở khía cạnh này mà người tu sĩ có vai trò ngôn sứ. Trong phần này chúng ta sẽ trình bày tính cách ngôn sứ của người tu sĩ qua ba lời khấn như thế nào.

Trong xã hội có nhiều nền văn hóa, tôn giáo khác nhau như bối cảnh Việt Nam, vẫn tồn tại quan niệm coi tu sĩ như là những người có khả năng thắng vượt được những cám dỗ thường tình của con người. Không ít bạn trẻ bị hấp dẫn bởi hình ảnh các tu sĩ giống như đoàn chiến binh hào hùng! Các cộng đoàn tu trì được xem như tập thể những người ưu tuyển, kỷ luật ngăn nắp, kể cả thành công về mặt kinh tế... cái nhìn như thế vô tình coi người tu sĩ được tung hô vì chính họ chứ cách sống của họ không có một mối liên hệ gì với đại đa số dân chúng. Gia đình nào có người đi tu thì mừng vì được vinh dự và được thêm lời cầu nguyện chứ tuyệt nhiên không nhận ra mối liên hệ hỗ tương giữa bậc tu trì và bậc hôn nhân vốn được coi như hai chị em trong một gia đình Giáo hội. Người giáo dân nhìn vào nhà dòng với ánh mắt ngưỡng mộ pha đôi chút thèm thuồng hay “tiếc nuối” chứ không nhận ra một bài học nào giúp cho cuộc sống trần thế của họ. Ngược lại người tu sĩ nhìn ra “thế giới bên ngoài” như một khung trời đầy cám dỗ mà mình phải cố gắng né tránh hết sức. Có người đã ví tu sĩ như những người ăn mặc bảnh bao ngất ngưởng trên những chiếc cà kheo, ném ánh mắt ngạo nghễ xuống đoàn người đang lội qua quãng đường ngập sình! Thực ra người tu sĩ không phải là người đi cà kheo, cũng không phải là người xắn quần lội bùn với thiên hạ. Hai trường hợp đó chẳng nói lên vai trò ngôn sứ chút nào. Người tu sĩ ngôn sứ phải giúp cho người ta nhận ra còn có một con đường không bùn, hoặc là giúp cho người ta giữ sạch con đường mình đi bớt được những vũng sình lầy! Nói như thế có ảo tưởng chăng? Thưa không ảo tưởng khi chúng ta tin rằng đường đời không phải toàn là vũng bùn. Có nhiều vũng bùn, nhưng bên cạnh đó luôn có con đường tránh. Người tu sĩ làm ngôn sứ khi giới thiệu cho anh chị em đồng loại rằng còn có “một cách thức khác” để sống mối tương quan con người với nhau. Nhờ cách thức khác này mà cuộc sống không chỉ là vũng lầy! Người tu sĩ cũng là những con người như bao nhiêu người khác, thậm chí là người yếu đuối tội lỗi hơn người khác, nhưng được mời gọi làm ngôn sứ[31]. Khi một tội nhân được mời gọi làm ngôn sứ thì sứ điệp của họ vẫn có giá trị, thậm chí còn là kinh nghiệm gần gũi với đại chúng đón nhận sứ điệp.

Giáo luật quy định cộng đoàn tu sĩ phải có nội vi, nhưng nội vi không phải để họ tách biệt với người thường, đúng ra là để hình ảnh một cộng đoàn tu sĩ chuyển tải sứ điệp về cách thức con người đón nhận và tôn trọng nhau. Sứ điệp này phải là một “sản phẩm” đáp ứng nhu cầu của con người thời đại. Nói khác đi, việc người tu sĩ khấn ba lời khuyên Tin Mừng không phải là mẫu sống duy nhất và tốt nhất, nhưng mẫu sống này phải trở thành sứ điệp nhắc nhở cho con người trong mối tương quan với nhau. Đó cũng chính là sứ điệp mà đức thánh cha Phanxicô đã đề xướng khi ngài mời gọi nỗ lực tổ chức một thế giới không còn nô lệ. Con người vẫn sống như nô lệ khi thế giới thiếu “một tình huynh đệ thúc đẩy chúng ta đến với những người khác, nơi đó chúng ta nhìn về nhau không phải như những kẻ thù hay đối thủ, nhưng như anh chị em.” [32]

Ai cũng biết lối sống của người tu sĩ với ba lời khấn khác biệt với lối sống trong xã hội. Lối sống đó cũng có những điểm tương đồng với các lối tu trong các tôn giáo khác, nhưng sứ điệp lại không giống nhau. Đối với người tu sĩ công giáo, những gì họ từ bỏ qua ba lời khấn, hoàn toàn không phải vì những điều đó là xấu xa, ngược lại đó là những hồng ân Thiên Chúa ban cho con người. Qua việc tuyên khấn, người tu sĩ muốn dâng những hy sinh của mình làm hiến lễ diễn tả tình yêu đối với Thiên Chúa. Nhưng hiến lễ tốt đẹp nhất chính là yêu thương anh chị em mình (Mt 5,23-24; Ga 13,34). Trong trường hợp này, việc giúp anh chị em mình nhận ra giá trị và nỗ lực sống ơn gọi của họ cũng là một cách người tu sĩ bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa. Thực vậy, qua việc tuyên khấn khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, người tu sĩ muốn nêu lên một sứ điệp nền tảng cho thế giới loài người rằng hôn nhân và tính dục, tư hữu, quyền bính là những giá trị cần thiết cho con người, nhưng những giá trị này chỉ có ý nghĩa bao lâu con người bước đi trên trần gian này. Những giá trị đó không phải là vĩnh cửu. Khi tuyên khấn và sống ba lời khuyên Tin Mừng, người tu sĩ muốn trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho con người rằng trong khi sử dụng những giá trị đó, đừng tôn chúng thành tuyệt đối. Sứ điệp của người tu sĩ là kêu mời mọi người đừng vì những giá trị đó mà xúc phạm đến phẩm giá người khác, vì tình yêu mới là giá trị vĩnh cửu. Vì thế, thần học đời tu coi ba lời khấn là cách thức người tu sĩ đưa những giá trị của thời cánh chung vào trần thế hôm nay, soi chiếu ánh sáng Nước Trời vào những thực tại trần gian này.

Xét vì lối sống đặc biệt của người tu sĩ, một câu hỏi thường được đặt ra phải chăng có Tin Mừng dành riêng cho giáo dân và có Tin Mừng dành cho tu sĩ? Phải chăng các lời khuyên Tin Mừng được chia ra một số dành cho giáo dân và một số dành cho tu sĩ? Phải chăng việc giữ các giới răn là dành cho giáo dân, còn lời kêu gọi “về bán hết gia tài phân phát cho người nghèo rồi đến theo tôi” (Mt 19,21) là dành cho tu sĩ?

Đức Kitô thiết lập Giáo hội, trong Giáo hội đó có các tông đồ để chăn dắt đoàn chiên. Giáo hội có sứ vụ làm cho mọi người trở nên anh chị em với nhau trong gia đình của Thiên Chúa. Giáo hội đã từng sống và làm chứng cho Tin Mừng mà không có một hội dòng nào hết. Nói cho đúng đã có lúc một số cộng đoàn Kitô hữu muốn sống nếp sống gần giống như dòng tu hiện nay, nhưng không kéo dài (Cv 2,44). Điều đó cho thấy sống các lời khuyên Tin Mừng một cách triệt để như các tu sĩ thì không phải là mẫu hình tuyệt đối của dân Chúa trên trần gian này.

Trở lại với câu hỏi tại sao Giáo hội mời gọi người tu sĩ tuyên khấn ba lời khuyên Tin Mừng. Phải chăng Đức Giêsu giảng Tin Mừng nước Trời rồi Giáo hội gom lại trong ba lời khuyên căn bản này? Tại sao không là hai hay bốn, năm, sáu, mà lại là ba. Theo Giáo luật, tu sĩ phải tuyên khấn ít là ba lời khấn: khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục. Và nếu có tu sĩ nào xin tháo lời khấn thì cũng phải tháo cả ba, không có trường hợp tháo riêng lẻ một trong ba lời khấn đó. Câu trả lời quen thuộc là ba lời khấn được coi như cách thức để cá nhân tu sĩ dễ nên thánh và để phục vụ xã hội, ít khi lời khấn được coi như một đặc sủng tức là một ơn riêng để tu sĩ giúp người khác, cụ thể là anh chị em giáo dân, sống đời sống của họ. Có thể nói ơn gọi tu trì là một đặc sủng Chúa ban cho cá nhân người tu sĩ, nhưng cũng như những đặc sủng khác, đời tu phải được người tu sĩ sống như một cách thức để phục vụ cho cộng đoàn nhân loại. Một cách cụ thể, ba lời khấn là ơn riêng Chúa ban để người tu sĩ làm chứng cho mối tương quan cần phải có giữa con người với nhau.

Các nhà luân lý đã khám phá rằng tất cả những quy định luật lệ trong nhân loại từ xưa tới nay, từ các tôn giáo đến các tổ chức xã hội, đều nhằm bảo vệ con người khỏi bị tấn công hoặc khỏi tấn công người khác qua ba lãnh vực liên hệ đến sự sống của họ. Những quy định của lề luật phải lưu ý tới những nhu cầu căn bản của con người được xác định bởi những mối tương quan căn bản của họ. Mối tương quan căn bản đó được thực hiện qua ba cách thức : một là qua thân xác, nhờ đó người ta khám phá ra các thực tại trong thế giới và tương quan với người khác; hai là qua ngôn ngữ, nhờ đó người ta có thể có những mối tiếp xúc để trao đổi thông tin và bày tỏ tâm tình cho nhau, ngôn ngữ diễn tả dưới nhiều thể thức biểu tượng; ba là qua lao động dưới mọi hình thức, nhờ đó, con người làm ra sản phẩm để trao đổi với người khác[33]. Đây cũng chính là những quyền lợi căn bản được bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền nhìn nhận. Lãnh vực thân xác có quyền được sống an toàn, quyền kết hôn; lãnh vực ngôn ngữ có quyền tự do ngôn luận; lãnh vực lao động có quyền được làm việc và tư hữu sản phẩm lao động của mình.

Đó là ba lãnh vực căn bản thể hiện phẩm giá ngôi vị con người, và là cách thức để con người duy trì hiện hữu của mình. Có thể ví như ba cánh cửa của một ngôi nhà để chủ nhân thiết lập tương quan với thế giới bên ngoài. Đóng những cánh cửa này thì con người sẽ trở thành cô độc và phẩm giá ngôi vị sẽ bị xúc phạm. Thế nhưng nếu những cánh cửa này là cơ hội để mỗi ngôi vị thăng tiến phẩm giá của mình qua các mối tương quan, thì đồng thời cũng là nguy cơ có thể bị người khác tấn công. Tương tự như một ngôi nhà mở cánh cửa để đón không khí trong lành và giao lưu với làng xóm để cuộc sống thêm vui, thì cũng qua các cánh cửa này mà ngôi nhà có thể bị tấn công, rình mò, ăn cắp ăn trộm...

Ba lời khấn nhằm giúp cho người tu sĩ trở thành kẻ không tấn công người khác trong ba lãnh vực vừa nói. Lãnh vực thân xác có lời khấn khiết tịnh, lãnh vực ngôn ngữ có lời khấn vâng phục, lãnh vực lao động có lời khấn khó nghèo. Ba lời khấn đặt người tu sĩ trong tương quan với người khác và tôn trọng những phẩm giá làm nên ngôi vị con người. Ba lời khấn của người tu sĩ tóm lược giáo huấn Tin Mừng: sống mối tương quan với người khác mà không tấn công hay phủ nhận ngôi vị của họ. Ví dụ lời khấn khiết tịnh (chastity) là tôn trọng sự khác biệt của thân thể trong lãnh vực thân xác của họ. Ngược lại với khiết tịnh là không nhìn nhận khoảng cách đó, hoà trộn với một ngôi vị khác, mà sự hòa trộn gần nhất là chính là hoà trộn với nguồn gốc của mình, tức loạn luân (incest). Khiết tịnh là áp dụng một số tiết chế cho phép chủ thể nhìn nhận sự giới hạn ước muốn của mình bằng sự nhìn nhận tha thể. Các lời khấn đều có ý nghĩa như thế, chúng ta sẽ trình bày từng lời khấn.

a. Lời khấn khiết tịnh

Khiết tịnh không dành riêng cho tu sĩ, mọi người đều được mời gọi sống khiết tịnh. Nghĩa là mọi người được mời gọi tôn trọng phẩm giá của chính mình và của ngôi vị khác trong lãnh vực thân xác, đặc biệt trong lãnh vực tính dục, bởi vì tính dục là bản năng gắn liền với thân xác có phái tính. Khấn khiết tịnh, người tu sĩ hoàn toàn không coi thường hôn nhân nhưng làm chứng cho mối tương quan tôn trọng phẩm giá ngôi vị, mà mẫu hình đích thực là thời cánh chung khi con người sống như thiên thần, không còn dựng vợ gả chồng. Nói như vậy để thấy rằng Giáo hội không coi thường hôn nhân và càng không cổ võ lối sống độc thân, nhưng Giáo hội muốn có những tu sĩ sống khiết tịnh để nhắc nhở cho mọi người, kể cả những ai sống đời hôn nhân, phải ý thức trách nhiệm tôn trọng phẩm giá của mình và người khác trong lãnh vực thân xác. Trong đời sống hôn nhân, sự tôn trọng đó được cụ thể hóa qua giao ước hôn nhân : yêu thương và tôn trọng nhau suốt cuộc đời.

Trong cái nhìn đó, lời khấn khiết tịnh không chỉ đóng khung vào một số hành vi hay tư tưởng tình cảm liên hệ đến tính dục. Gọi là khiết tịnh bởi tính dục liên hệ sâu xa đến thân xác, nhưng không chỉ có thế. Con người có thể sử dụng những năng lực nơi thân xác mình để tấn công, và cũng tấn công vào thân xác của người khác. Lời khấn khiết tịnh đặt người tu sĩ trong thái độ tôn trọng tha nhân, bằng cách không tấn công những gì liên hệ đến thân xác của họ. Trong thực tế, có những tu sĩ rất cặn kẽ trong những quy định liên hệ đến tính dục, mà lại dễ dàng xúc phạm đến sự an toàn thân xác của người khác. Sự an toàn thân xác không chỉ dừng lại ở lãnh vực tính dục nhưng còn liên hệ đến toàn thể sự sống thân xác của một con người. Cũng vì thế, lời khấn khiết tịnh được thần học đời tu nêu lên đầu tiên, vì thân xác là một thành tố kết hợp với linh hồn để làm nên bản thể của con người.

Như thế, khi người tu sĩ sống lời khấn khiết tịnh là làm chứng cho nhân loại về khả năng con người có thể sống với nhau, nhìn nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác, mà khác biệt phái tính là dấu hiệu cụ thể và căn bản nhất, không biến người khác thành dụng cụ thỏa mãn cho một cảm xúc của mình. Người tu sĩ cũng nêu lên một sứ điệp cảnh giác những ai sống đời hôn nhân về nguy cơ thiếu tôn trọng hoặc xúc phạm đến phẩm giá của người phối ngẫu khi không giữ sự khiết tịnh hay không trung thành với giao ước hôn nhân của họ.

b. Lời khấn vâng phục[34]

Cánh cửa thứ hai của ngôi vị là ngôn ngữ. Con người mở cánh cửa này để trao đổi thông tin về những gì tốt xấu nhằm phục vụ sự sống. Ngôn ngữ cũng là cánh cửa biểu lộ phẩm giá ngôi vị. Cũng như lãnh vực thân xác, con người có thể tấn công người khác bằng ngôn ngữ của mình và cũng có thể tấn công vào ngôn ngữ của người khác. Lời khấn vâng phục đặt người tu sĩ trong mối tương quan với người khác, không sử dụng ngôn ngữ để làm vũ khí tấn công nhau. Người tu sĩ làm chứng cho xã hội về một khả năng đối thoại mà không sợ bị tấn công bởi ngôn ngữ. Ngày nay, hơn bao giờ hết, ngôn ngữ không còn chỉ là phương tiện phục vụ cho cuộc sống, nhưng đang bị lạm dụng để tấn công người khác cách vô tội vạ, nhất là trên các mạng xã hội. Lewinski sau khi bị các phương tiện truyền thông tấn công về xì-căng-đan với tổng thống Hoa Kỳ, đã nói rằng lãnh vực truyền thông là một “đấu trường đẫm máu”, người ta có thể chém giết nhau bằng ngôn ngữ dưới nhiều hình thức.

Thường người ta hiểu lời khấn vâng phục có hai mục đích chính. Một là hy lễ dâng lên Thiên Chúa, theo gương Đức Kitô Đấng hoàn toàn vâng phục Chúa Cha. Hai là để giữ gìn trật tự trong nhà dòng. Ý nghĩa thứ nhất thì mọi Kitô hữu phải thực hành rồi, còn ý nghĩa thứ hai dường như không liên hệ gì đến xã hội bên ngoài cánh cổng nhà dòng là bao nhiêu. Thực ra, lời khấn vâng phục đòi hỏi người tu sĩ vâng lời Thánh ý Thiên Chúa, mà bề trên là người chuyển tải cụ thể Ý Chúa. Nhưng trong tương quan con người, ý nghĩa lời khấn vâng phục còn là tôn trọng ngôn ngữ. Vâng phục, trong tiếng Latin là Oboedientia, kép bởi hai thành tố : Ob nghĩa là phía bên kia, và audire nghĩa là nghe. Nghe được phía bên kia. Nghe được điều gì ? Thưa, có thể nêu lên ba cấp độ phía bên kia. Trước tiên, là nghe được ý định của người nói phía bên kia ngôn ngữ. Ngôn bất tận ý, người đối thoại không được dừng lại ở từ ngữ nhưng cần tiến tới ý định của người nói. Thường các cuộc tranh cãi chỉ do khác biệt về ngôn từ, trong khi ý tưởng thì lại giống nhau. Thứ đến nghe được thánh ý Thiên Chúa phía bên kia ý định của người nói. Đây là điều quan trọng trong sứ điệp của người tu sĩ, khi họ cố gắng để phân định và cố gắng lắng nghe Chúa đang nói gì với họ qua bề trên, và qua anh chị em mình. Thứ ba, nghe được âm vang trong lòng người đang đối thoại với mình. Nếu ngôn ngữ là hồng ân Chúa ban cho con người thì cũng có thể trở thành tai hoạ khi người ta lạm dụng hồng ân này. Bất cứ hồng ân nào nếu không được đón nhận đúng với mục đích của nó, thì sẽ trở thành nguy cơ tấn công người khác. Do đó, sứ điệp của người tu sĩ là con người phải đắn đo trong ngôn ngữ, không phải chỉ nói theo ý thích, nhưng còn nhận định hậu quả nơi người nghe. Cả ba ý nghĩa đó đặt người tu sĩ tương quan với một ngôi vị ở phía bên kia (ob) ngôn ngữ (audire).

Đối tượng của lời tuyên khấn, hiểu như giao ước, là một ngôi vị chứ không phải một điều luật nào. Ngày tuyên khấn, thường các tu sĩ được trao cuốn sách Hiến pháp hay Lề luật của hội dòng. Nghi thức này rất ý nghĩa nhưng cũng dễ làm cho người ta liên tưởng đối tượng lời khấn vâng phục là vâng theo những quy định đã được ghi trong cuốn sách này! Có người so sánh ngày kết hôn cô dâu chú rể ra về với một con người, người chồng hay vợ của họ, còn ngày lễ khấn dòng người tu sĩ ra về tay ôm cuốn sách! Tu sĩ không thiết lập tương quan với một lề luật hay lệnh truyền vô ngã, nhưng là gặp được một ngôi vị thực sự qua những lệnh truyền đó. Và trên hết, cả bề trên lẫn bề dưới, cả người ra lệnh và người vâng theo, hay nói chung là những người tham gia đối thoại, đều được mời gọi gặp gỡ ý định của Thiên Chúa.

Như thế, trong tương quan con người, ngôn ngữ phải được tôn trọng. Người tu sĩ là ngôn sứ cho chính giá trị đó. Người tu sĩ có quyền tin rằng những chỉ thị của bề trên là biểu lộ Ý Chúa, thể hiện qua lợi ích thực sự của cộng đoàn, chứ không che đậy một sự tấn công hay trả thù nào. Bề trên cũng có quyền tin rằng những gì người tu sĩ trình bày là đúng thực. Thiết tưởng với cái nhìn như thế, lời khấn vâng phục không phải chỉ là cách thức để xây dựng một cộng đoàn êm ả, mọi lệnh truyền được răm rắp tuân giữ, nhờ đó sứ vụ của cộng đoàn thành công hơn. Thực ra những điều đó rất tốt đẹp và đáng đề cao, nhưng nếu chỉ dừng lại đó, thì vô tình coi lời khấn như phương tiện để đạt được thành công trong các hoạt động hay phục vụ cho một thể chế nào đó mà thôi. Lời khấn phải là cách thức giúp người tu sĩ gặp gỡ một ngôi vị đích thực. Hiểu như thế, việc tuân giữ lời khấn vâng phục của người tu sĩ mới trở thành một sứ điệp cho con người thời đại. Hãy sống với nhau trong sự tôn trọng sự khác biệt suy nghĩ, lựa chọn của người khác, bởi vì đó là một ngôi vị. Ngôn ngữ dưới mọi hình thức, phải được sử dụng như cách thức thăng tiến cuộc sống con người, chứ không phải vũ khí để tấn công nhau.

c. Lời khấn khó nghèo

Cánh cửa thứ ba, lãnh vực lao động, là nơi con người biểu lộ và chia sẻ phẩm giá của mình qua các sản phẩm lao động. Con người có quyền tạo ra và tư hữu sản phẩm lao động như cách thức bảo vệ và thăng tiến phẩm giá của mình. Con người có quyền trao đổi sản phẩm đó để phục vụ cho cuộc sống của mình và của những người thân. Tấn công vào sản phẩm lao động của một người là xúc phạm đến ngôi vị của họ. Việc tấn công này có thể tiến hành qua các hình thức đánh cắp công sức lao động hay đơn giản hơn phủ nhận phẩm giá con người nơi những sản phẩm lao động. Đây chính là lãnh vực của lời khấn khó nghèo. Thường người ta vẫn hiểu khó nghèo là việc sử dụng những của cải rẻ tiền, hoặc dành tiền bạc do tiết kiệm để giúp người nghèo... Quả đúng khi giúp người nghèo là đã thiết lập một mối tương quan với người khác, đó cũng là đối tượng của đạo đức. Nhưng đừng quên sứ điệp của lời khấn khó nghèo là nhắc nhở người ta trong khi sử dụng các sản phẩm, không được bỏ quên phẩm giá ngôi vị của người lao động nơi sản phẩm của họ. Giáo lý dạy chúng ta tôn trọng thiên nhiên vì trước tiên đó là sản phẩm “lao động” của Thiên Chúa.

Giữ khó nghèo mà chỉ lo lắng đồ vật là đắt hay rẻ, làm thiệt hại bao nhiêu tiền. Dường như những kiểu tính toán như vậy đặt người tu sĩ trong tương quan với đồ vật hơn là với một ngôi vị. Trong lãnh vực thương mại ngày nay người ta hay nhắc tới khái niệm thương mại công bằng. Người tiêu dùng có quyền được biết sản phẩm họ sử dụng đã được sản xuất như thế nào, bằng những chất liệu nào. nhưng mặt khác, người tiêu dùng cũng có quyền, cũng có thể nói là trách nhiệm, biết người sản xuất đã bỏ ra bao nhiêu công sức cho sản phẩm này. Cũng một chiếc túi đeo vai, nhưng nếu là người thợ thủ công dệt bằng tay cả một ngày công thì người mua sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn so với sản phẩm cùng loại của một công ty sản xuất bằng máy.

Trong thực tế, người tu sĩ dễ có khuynh hướng đánh giá mức độ khó nghèo qua việc sử dụng những đồ vật đơn giản, bữa ăn thanh đạm. mà lại quên đi phẩm giá ngôi vị của anh chị em mình đằng sau những sản phẩm đó. Tiết kiệm là tốt nhưng đừng quên nhìn nhận phẩm giá của con người đằng sau những đồ vật mình sử dụng. Sống mối tương quan ngôi vị mới là điều làm nổi bật hình ảnh của Thiên Chúa ngôi vị nơi mỗi người. Có thể có những tu sĩ chỉ quan tâm sử dụng đồ vật rẻ tiền mà không quan tâm đến tình liên đới với anh chị em mình. Trước tiên là anh chị em trong cộng đoàn, rồi mở rộng vòng tròn đến những người khác trong xã hội. Có thể có những tu sĩ an tâm với tính đơn sơ khó nghèo của căn phòng mình nhưng lại chẳng cần biết tình trạng vật chất của cộng đoàn mình như thế nào!

Cũng có trường hợp người tu sĩ lo lắng khi phải chi tiêu một số tiền cho công việc, sợ lỗi khó nghèo nếu phải mua một món hàng đắt tiền, nhưng lại phí phạm một cách vô ý thức về tài sản vô giá là công sức của những con người trong cộng đoàn họ. Chẳng hạn, cộng đoàn giao cho một thành viên tổ chức một sự kiện cho ngày lễ, mọi người vỗ tay khích lệ. Người được giao công việc phải thức đêm thức hôm lo lắng mọi thứ. Đến khi công việc được thực hiện, có những người tham dự một cách rất tiêu cực, thậm chí chê bai đủ điều vì “sản phẩm không đạt chất lượng” theo ý họ! Như thế chẳng phải là lỗi khó nghèo hay sao khi xúc phạm đến sản phẩm của một người anh chị em và không nhìn nhận những nỗ lực vốn phát xuất từ ngôi vị của họ. Cũng có thể từ những thái độ đánh giá theo tiêu chuẩn “chủ nghĩa tiêu thụ” như thế khiến người bị chê bai sẽ mất hết năng lực làm việc.

Khó mà nhắc đến chứng từ đời sống khó nghèo theo nghĩa vật chất, khi thực tế có nhiều tu viện sang trọng hơn căn nhà sinh sống bình thường của dân chúng. Có nhiều lý do để giải thích cho tình trạng này, chẳng hạn số người tập trung đông so với một gia đình, điều kiện để học hành, công tác mục vụ. nhưng kèm với thách đố về đời sống khó nghèo vật chất, thiết tưởng thách đố về việc tôn trọng công sức lao động, không bóc lột hay đánh cắp công sức lao động, trả lương công bằng. là chứng từ người tu sĩ cần làm nổi bật qua lời khấn khó nghèo của mình.

Tóm lại, nhìn vào đời tu tại Việt Nam, không ít người vẫn coi việc tuyên khấn ba lời khấn là điều kiện để vào hội dòng, và suy nghĩ thêm một chút nữa, thường hiểu ba lời khấn như điều kiện thuận lợi để hoạt động mục vụ. Thực sự nối kết ba lời khấn với sứ vụ ngôn sứ là một thách đố lớn lao, mà vì nhiều lý do, người tu sĩ thường hay quên.

3.3 Thách đố về đặc sủng

Nếu tuyên khấn ba lời khuyên Tin Mừng là một ơn riêng Chúa ban cho anh chị em tu sĩ, thì có thể coi việc tuyên khấn là đặc sủng chung của đời tu, và bên cạnh đó, mỗi hội dòng lại có đặc sủng riêng của mình. Do đó, một thách đố cũng không kém phần quan trọng là nhận thức rõ và trân trọng đối với đặc sủng của hội dòng mình. Như trên đây chúng tôi đã đề cập, tình trạng xã hội tại Việt Nam khiến các hội dòng không dễ tổ chức cuộc sống và công việc phù hợp với đặc sủng của mình, do đó, đặc sủng có nguy cơ phai dần đi. Dòng chiêm niệm cũng phai nhạt tính chiêm niệm, dòng hoạt động cũng không phát huy được chuyên môn của mình. Trong Giáo hội, đặc sủng là ơn Chúa Thánh Thần ban một cách đặc biệt cho một số người để thi hành công tác phục vụ nhân loại. Đức thánh cha Phanxicô đã lưu ý các bề trên cần phân biệt giữa công việc và đặc sủng.[35] Đặc sủng thì lâu dài, công việc hay hoạt động thì thay đổi tùy thời gian và hoàn cảnh. Đặc sủng thì mãnh liệt và sáng tạo, còn hoạt động thì lệ thuộc vào nhu cầu. Một hội dòng có thể thay đổi các hoạt động nhưng không thay đổi đặc sủng. Canh tân hội dòng là tìm những cách thức thể hiện đặc sủng cho phù hợp với thời đại, với hoàn cảnh. Đánh mất đặc sủng là coi như khai tử hội dòng. Trong lịch sử Giáo hội, đã có những hội dòng biến mất vì đặc sủng không còn phù hợp. Thực sự trong khi giới thiệu về hội dòng, các tu sĩ, thậm chí các bề trên vẫn khó khăn trong việc trình bày những yếu tố căn bản như đặc sủng, sứ vụ, hoạt động... của hội dòng. Nhiều khi chưa phân biệt được đâu là đặc sủng và đâu là hoạt động. Điều quan trọng là khi thi hành các hoạt động khác nhau, các tu sĩ phải ý thức đâu là đặc sủng Chúa ban để thi hành những hoạt động đó. Cùng làm việc chung trong môi trường bệnh viện, hay trường học, nhưng thành viên mỗi hội dòng hoạt động theo đặc sủng khác nhau. Trong thực tế, nhiều tu sĩ không nắm vững đặc sủng của hội dòng, mà chỉ lưu ý đến công việc, dẫn đến tình trạng là cho rằng mọi dòng đều giống nhau. Kể cả có những vị lập dòng, tu hội, tu đoàn. cũng chưa phân biệt được đặc sủng của tu sĩ khác biệt với các “hiệp hội” đạo đức, cơ quan bác ái xã hội. Đặc sủng trong Giáo hội thì muôn vẻ, không thể nào kể ra từng hình thái đặc sủng được. Vì là ơn Chúa Thánh Thần, nên đặc sủng nào cũng cao quý và cần thiết, các hội dòng có đặc sủng cầu nguyện, bác ái, giáo dục, truyền giáo. đều cao quý như nhau. Duyệt xét sứ vụ của hội dòng có đi theo đặc sủng Đấng sáng lập hay không, đó là một thách đố mà các dòng tu tại Việt Nam cần lưu ý.

Bên cạnh đó, đặc sủng hội dòng lại có thể được chia sẻ để tạo thành một “gia đình đặc sủng”. Gia đình đặc sủng bao gồm nhiều hội dòng chia sẻ một đặc sủng chung, và những giáo dân cảm thấy mình được kêu gọi chia sẻ đặc sủng hội dòng để áp dụng vào ơn gọi và điều kiện giáo dân của mình. Tại Việt Nam, có những gia đình đặc sủng như liên hiệp Mến Thánh Giá, liên hiệp dòng nữ Đa Minh. đây là điểm đáng quý vì cùng chia sẻ đặc sủng chung thì càng dễ cộng tác và giúp đỡ nhau trong việc thi hành sứ vụ. Ngoài ra, một điểm son của Giáo hội tại Việt Nam là sự chia sẻ của anh chị em giáo dân đối với các đặc sủng của hội dòng, quen gọi là dòng Ba hay huynh đoàn, hiệp hội tại thế. Con số anh chị em giáo dân chia sẻ các đặc sủng của các dòng tu tại Việt Nam là rất đông, có thể gấp nhiều lần con số tu sĩ. Riêng anh chị em giáo dân Đa Minh đã lên tới con số hơn 100.000. Điều này giúp anh chị em giáo dân thi hành sứ vụ Kitô hữu một cách trọn vẹn hơn và hoàn toàn đi trong hướng dẫn của Vatican II. Hai thách đố đặt ra ở đây cho cả phía hội dòng cũng như phía anh chị em giáo dân. Một là không biến anh chị em này thành tu sĩ hoặc một thứ tu sĩ nửa vời; hai là không coi anh chị em này như những cánh tay nối dài của hội dòng mà thôi. Cần phân biệt những anh chị em chia sẻ đặc sủng này với thành viên các hội bảo trợ. Thực sự, anh chị em giáo dân chia sẻ đặc sủng của hội dòng thì không trở thành những người phụ giúp công việc của hội dòng, nhưng đúng ra, họ có sứ vụ riêng của họ. Họ làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong gia đình và trong xã hội bằng đặc sủng của hội dòng mà họ muốn chia sẻ. Họ hiểu rằng ơn Chúa Thánh Thần ban cho hội dòng sẽ giúp họ thi hành tốt đẹp hơn ơn gọi giữa đời.

3.4 Thách đố về sự hợp tác

Tôn trọng đặc sủng của mỗi hội dòng cũng là điều kiện cho sự hợp tác. Trong Giáo hội, thành phần nữ tu thường là đông gấp nhiều lần so với nam tu. Năm 1978 số nữ tu là hơn 1 triệu, tỉ lệ 1/250 giáo dân nữ, nam tu là 270.000, trong số đó các tu sĩ linh mục chiếm 35,6% số linh mục trong toàn giáo hội[36]. Tại Việt Nam hiện nay, số tu sĩ nữ đông gấp hơn năm lần so với tu sĩ nam (28.099 nữ, 4.988 nam). Nhưng trong văn hóa Việt Nam, nữ giới vẫn chịu một số thiệt thòi từ cái nhìn của xã hội, cũng như các môi trường và điều kiện hoạt động. Vì thế, đây cũng là một thách đố đối với các dòng tu trong sự tôn trọng và hợp tác. Nếu thách đố quan trọng của người tu sĩ là làm chứng cho nhân loại về mối tương quan tôn trọng ngôi vị giữa con người với nhau, thì điều này càng phải được thể hiện trong nội bộ Giáo hội, giữa các dòng tu với nhau, giữa giáo sĩ triều và các tu sĩ, đặc biệt các nữ tu. Bộ Tu sĩ lưu ý: “Trong các lối sống, cơ cấu tổ chức và quản trị, trong ngôn ngữ và trí tưởng tượng tập thể, chúng ta là những người thừa kế một tâm thức nhấn mạnh đến sự khác biệt sâu sắc giữa người nam và người nữ, gây thiệt hại cho phẩm giá bình đẳng của họ. Không chỉ trong xã hội mà trong Giáo hội cũng vậy, nhiều thành kiến một chiều đã ngăn cản việc nhìn nhận những phẩm tính đích thực ở khả năng thiên phú và sự đóng góp độc đáo của phụ nữ. Kiểu đánh giá thấp này đặc biệt ảnh hưởng đến người nữ sống đời thánh hiến vốn bị kềm giữ bên lề cuộc sống, việc chăm sóc mục vụ và sứ mệnh của Giáo hội” [37]. Mới đây, giáo sư Giovanni Cucci SJ. đã nhận định rất chính xác về sự thiệt thòi này: “tính năng động trong đời tu của phụ nữ rất khác với đời tu của nam giới về nhiều mặt. Việc giáo dục và nhiều cơ hội mục vụ của những tu sĩ có chức thánh cho phép các nam tu sĩ sống cởi mở và tự chủ hơn”[38]. Do đó, thách đố về sự hợp tác phải khởi đi từ việc khuyến khích người nữ “nhận thức phẩm tính của mình” [39], và nhận ra vị trí của họ trong Giáo hội và xã hội. Giáo hội cần người nữ giúp đọc Kinh thánh dưới cái nhìn của phụ nữ, để khám phá những chân trời và cách thức mới nói về Thiên Chúa[40].

Trong sự hợp tác, các thành phần khác trong Giáo hội cũng cần tôn trọng sự hiện diện quý báu và những đóng góp của các nữ tu trong Giáo hội. “Nếu Giáo hội mất đi các người nữ thì trong chiều kích tổng thể và thực tế, Giáo hội sẽ gặp nguy cơ trở nên cằn cỗi”[41]. Rất tiếc, trong khi sự hiện diện và công việc phục vụ của các nữ tu góp phần rất lớn trong sứ vụ của Giáo hội, từ lãnh vực mục vụ cũng như truyền giáo, thì dường như sự quan tâm, tôn trọng từ các thành phần khác, đặc biệt các vị lãnh đạo, dành cho các nữ tu là chưa đủ. Ngay từ 1978, toà thánh đã có văn kiện ký kết giữa Bộ Giám mục và Bộ Tu sĩ xác định mối tương quan hợp lý giữa các giám mục và các dòng tu, nhưng dường như mối tương quan này chưa được tôn trọng xứng đáng, và vẫn còn là một thách đố nên hai bộ này đang phải duyệt lại văn kiện trên[42].

4. Kết luận

Là mục tử đứng đầu Giáo hội và cũng là một tu sĩ, Đức thánh cha Phanxicô đã chia sẻ rất chân thành và thẳng thắn về vai trò của người tu sĩ trong Giáo hội. Sau khi nhắc nhở năm Đời sống thánh hiến là dịp để người tu sĩ cật vấn về sứ vụ đã được uỷ thác, ngài đặt câu hỏi cho các tu sĩ: “Chúng ta còn giữ được lòng say mê đối với đồng loại, chúng ta có gần gũi với những người thân cận để chia sẻ những niềm vui và nỗi khổ của họ, để hiểu thấu những gì họ đang cần, ngõ hầu góp phần vào việc đáp ứng các nhu cầu đó không?”[43] Thấu hiểu những gì đồng loại đang cần, và làm cách nào đáp ứng nhu cầu đó, thiết tưởng đây là thách đố lớn nhất của tu sĩ trong Giáo hội. Nhân loại đang cần gì nơi người tu sĩ? Sự chăm sóc và sự hy sinh trong các bệnh viện? Lòng tận tâm và tính chuyên nghiệp trong các trường học? Những nỗ lực trong công tác mục vụ giáo xứ? Tất cả những điều đó rất đáng quý và cần thiết, kể cả những lời cầu nguyện và những hy sinh thầm lặng trong các bức tường tu viện. Chúng ta phải tạ ơn Chúa và tri ân những tấm lòng quảng đại như thế. Nhưng đó chưa phải là chứng từ độc đáo của người tu sĩ, bởi vì người ta chỉ học được ở đó bài học hy sinh, yêu thương mà những chứng từ đó người giáo dân cũng có thể là chứng nhân một cách tuyệt vời. Chứng từ của các tu sĩ phải là điều đặc biệt khác với cách thức của anh chị em giáo dân.

Thứ đến, làm sao để sản phẩm được người tu sĩ “tiếp thị” đáp ứng điều mà con người ngày nay đang mong đợi? Làm sao để chứng từ của người tu sĩ có sức hấp dẫn đối với con người thời đại? Làm sao để lối sống của người tu sĩ trở thành mẫu hình giúp cho con người sống mối tương quan của họ với tha nhân trong môi trường sống của họ? Đó là vai trò của người tu sĩ ngôn sứ, người ngôn sứ đang đánh thức nhân loại ra khỏi giấc ngủ của tính ích kỷ, của loại trừ, của một xã hội chạy theo thứ định luật cạnh tranh sinh tồn rất phi nhân. “Trong một xã hội xung đột, một xã hội khó chung sống giữa những nền văn hóa với nhau, một xã hội chèn ép những kẻ cô thế, một xã hội bất bình đẳng, chúng ta được kêu gọi trở nên khuôn mẫu cụ thể của cộng đoàn có khả năng sống tương quan huynh đệ, nhờ biết nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và chia sẻ các ân huệ mà mỗi người đã lãnh được” [44]

Tin Mừng không dành cho riêng ai. Chỉ có một ơn gọi duy nhất là theo Đức Kitô. Người tu sĩ có cách sống Tin Mừng bề ngoài có vẻ gắt gao hơn, không phải vì họ được mời gọi vào bậc trọn lành hơn, sống Tin Mừng triệt để hơn. Nhưng vì người tu sĩ được mời gọi đưa ánh sáng của thời cánh chung, vốn là đích điểm Giáo hội đang hướng đến, để soi sáng cho những sinh hoạt của con người trong thế giới hôm nay. Thực vậy, Giáo hội vừa mang tính trần thế, nghĩa là đồng hành với nhân loại trong cuộc sống này; vừa mang tính cánh chung, nghĩa là hướng tới tình trạng con người được giải thoát khỏi mọi định luật của cuộc sống trần gian. Do còn lữ hành trên trần thế nên những thể chế thuộc về trần thế vẫn có giá trị. Hôn nhân, tư hữu, tự do quyết định... đều là những giá trị của phẩm giá con người mà không ai có quyền tước đoạt. Tất cả những giá trị đó sẽ được biến đổi và hoàn tất trong thời Cánh Chung. Chính trong biện chứng hiện tại và cánh chung đó mà chúng ta hiểu được vị trí và vai trò của người tu sĩ: người tu sĩ đồng hành với nhân loại trên trần gian nhưng cũng có vai trò giới thiệu cho nhân loại những giá trị của thời cánh chung. Không chỉ giới thiệu về thời cánh chung sẽ đến trong tương lai, nhưng qua việc sống ba lời khấn, người tu sĩ còn làm chứng cho nhân loại về khả năng của con người sống với nhau mà không loại trừ nhau, đó là Nước Trời đang hình thành.

Tại sao nên nhìn sứ vụ của đời sống thánh hiến theo viễn tượng này? Có thể có người cho rằng kiểu giải thích này chịu ảnh hưởng của phong trào thế tục hóa, muốn giải thích mọi sự theo chiều kích nhân bản, mà không nhắm đến chiều kích siêu nhiên. Thưa, đúng là việc trung thành với lời tuyên khấn là một hy lễ mà người tu sĩ dâng lên cho Thiên Chúa mỗi ngày. Không ai phủ nhận chiều kích đó, nhưng những nhận định trong bài viết này còn muốn nhắc đến một sứ vụ mà Giáo hội mong đợi nơi người tu sĩ. Làm sao để đặc sủng của người tu sĩ, tức là việc tuyên khấn ba lời khuyên Tin Mừng và đời sống cộng đoàn trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho con người thời đại.

Khi chúng tôi viết bài này thì có thông tin từ một vài hội dòng cho biết số ơn gọi đang có vẻ chậm lại. Có hội dòng mới vài năm trước mỗi năm đón hơn mười tập sinh, nay chỉ còn ba, bốn! Điều này đã trở thành vấn đề và thách đố hay chưa? Thiết tưởng ở Việt Nam vẫn còn nhiều bạn trẻ nam nữ quảng đại muốn dấn thân phục vụ Chúa trong các dòng tu, nhưng điều quan trọng là cần tổ chức các hình thức giới thiệu ơn gọi, làm nổi bật vai trò ngôn sứ và sứ điệp của người tu sĩ, thanh tẩy cái nhìn trần tục về đời tu, nhằm giúp các bạn trẻ phân định ơn gọi của họ.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 121 (Tháng 1 & 2 năm 2021)


[1] Liên hiệp bề trên thượng cấp là tổ chức quy tụ các bề trên (tổng quyền, giám tỉnh) của các dòng tu, các tu đoàn và tu hội tại Việt Nam.
[2] https://vietnamese.rvasia.org
[3] Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống thánh hiến (Vita Consecrata), số 3.
[4] Hiến chế Giáo hội (Lumen Gentium), số 44.
[5] Xc. Annuarium statisticum ecclesiae, Lev, 2001 et 2011.
[6] https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-03/nien-giam-toa-thanh-2020-so-tin-huu-gia-tang-linh-muc-tu-si-giam.html.
[7] Marco Politi, Francois parmi les loups, bản dịch Cuộc cách mạng của Giáo hoàng Phanxicô. Học viện Đa Minh 2016.
[8] Lm Trần Anh Dũng, Xc. http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaohoivn/LichSu/LichSuGHCGVN.htm
[9] Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Xc. http://vntaiwan.catholic.org.tw/09news/9news246.htm .
[10] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-nhat-ky-ad-limina-5-3-2018-32063.
[11] Thống kê đầu năm 2019 của Uỷ ban Tu sĩ thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. https://tgpsaigon.net/bai-viet/cuoc-hoi-nhap-van-hoa-cua-giao-hoi-cong-giao-viet-nam-1533-2019-58836 . Trong vòng một năm số tu sĩ không thể tăng hơn 10.000 người! Có lẽ do cập nhật chính xác hơn số liệu những năm trước.
[12] https://vietnamese.rvasia.org
[13] ibid.
[14] Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, https://tgpsaigon.net/bai-viet/cuoc-hoi-nhap- van-hoa-cua-giao-hoi-cong-giao-viet-nam-1533-2019-58836
[15] Đặc biệt qua Hiến chế Ánh sáng muôn dân và Sắc lệnh Đức ái trọn hảo.
[16] Bộ Tu sĩ, Rượu mới bầu da mới, dẫn nhập.
[17] ĐGH Phanxicô, Tông thư gởi tất cả các người tận hiến, 21/11/2014. II,1
[18] Ibid, II,2. 
[19] ĐGH Phanxicô, Bài nói chuyện với các bề trên thượng cấp Roma ngày 29/11/2013.
[20] ĐGH Phanxicô, Tông thư gởi tất cả các người tận hiến, 21/11/2014. II,2
[21] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp ngày thế giới hòa bình 2015.
[22] Yuval Noah Harari, Homo Deus, bản dịch nxb Thế Giới 2018. tr. 45.
[23] Ibid.
[24] Jorathe Nắng Tím, Ơn gọi nguyên tu hay Tu xuất, một ơn gọi đặc biệt. Chưa xuất bản.
[25] X. Amoris laetitia s. 162.
[26] https://www.ucanews.com/news/spotlight-needed-on-abuse-in-womens-orders-says-jesuit-journal/88979 
[27] ĐGH Phanxicô, Tông thư gởi tất cả các người tận hiến, 21/11/2014
[28] X. Giovanni Cucci, SJ. Ibid.
[29] Bộ Tu sĩ, Rượu mới bầu da mới. số 21.
[30] X. ĐGH Phanxicô, bài giáo lý về đặc sủng, 01/10/2014
[31] ĐGH Phanxicô, Bài nói chuyện với các bề trên thượng cấp 29/11/2013
[32] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp ngày thế giới hoà bình 2015.
[33] X. Eric Fuchs, Comment faire pour bien faire, Labor et Fides, Genève 1996, p. 22.
[34] Các văn kiện Giáo hội từ Vatican II, đều kể thứ tự ba lời khấn là khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, chẳng hạn Sắc lệnh Dòng tu số 12-14; Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 1. Chúng tôi xin thay đổi thứ tự một chút, để liên đới với ba cấp độ từ gần đến xa của phẩm giá con người: Gần nhất là thân xác với lời khấn khiết tịnh, rồi đến ngôn ngữ với lời khấn vâng phục, và cuối cùng là sản phẩm lao động với lời khấn khó nghèo.
[35] Phát biểu với các bề trên thượng cấp tại Roma 29/11/2013
[36] Bộ Giám mục và Bộ Tu sĩ, Mối tương quan giữa Giám mục và tu sĩ trong Giáo hội
[37] Bộ Tu sĩ, Rượu mới bầu da mới. số 17.
[38] https://www.ucanews.com/news/spotlight-needed-on-abuse-in-womens-orders-says-jesuit-journal/88979
[39] Bộ Tu sĩ, Rượu mới bầu da mới. số 17-18.
[40] Ibid.
[41] Ibid. số 18.
[42] X. Osservatore Romano, 31/01/2017.
[43] ĐGH Phanxicô, Thư gởi những người thánh hiến, số 2.
[44] Ibid.

Tác giả: Lm. Giuse Ngô Sĩ Đình OP.

Nguồn tin: Hội đồng Giám mục VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập124
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm119
  • Hôm nay27,474
  • Tháng hiện tại565,513
  • Tổng lượt truy cập56,667,150
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây