Nhân chuẩn bị cho năm học Giáo lý mới sắp khai giảng. Vietcatholic xin phỏng vấn Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban Giáo Lý TGP (chủ biên) về bộ sách Giáo lý này và cách sử dụng sao cho hiệu quả.
PV. Chúng con xin kính chào Cha. Xin Cha cho chúng con biết đôi nét về bộ sách Giáo Lý Hiệp Thông và hướng biên soạn của bộ sách này.
Cha Phêrô Hiền: Chắc anh cũng biết Tgp. Sài Gòn là nơi đã diễn ra Đại Hội dân Chúa 2010 (ĐHDC) với chủ đề “Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ”. Trong đó, hai chữ hiệp thông là nền tảng : hiệp thông xuất phát từ sự hiệp thông của mầu nhiệm Ba Ngôi và dẫn đến loan báo Tin Mừng nhằm hiệp thông mọi người với Thiên Chúa. Dựa vào định hướng mục vụ này, chúng tôi đã chuyển hướng bộ giáo lý của Tgp cho phù hợp với đường hướng chung của Giáo Hội tại Việt Nam.
PV. Thưa Cha, trong bài trình bày “Lời Chúa trong việc dạy Giáo lý”, Cha có đặt vấn đề “làm thế nào để đời sống đức tin của người Kitô hữu Việt Nam có được chiều sâu và sự phong phú?”. Xin Cha cho độc giả biết câu trả lời một cách tóm lược.
Cha Phêrô Hiền: Trong Thư Chung Hậu ĐHDC 2011, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhận định “tâm thức tôn giáo nơi người Việt Nam thường thiên về tình cảm, giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Khuynh hướng này dễ dẫn đến chủ trương ‘tương đối hóa tôn giáo’, gây khó khăn cho việc trình bày cũng như lãnh hội giáo lý mạc khải của Kitô giáo” (s.8). Từ nhận định này, chúng tôi – những người hoạt động trong lãnh vực huấn giáo – tự hỏi: “Làm thế nào để đời sống đức tin của người Kitô hữu Việt Nam có được chiều sâu và sự phong phú?”. Câu trả lời đã được tìm thấy ngay trong Thư Chung số 11: “Được Lời Chúa qui tụ, Dân Thiên Chúa chỉ có thể được xây dựng vững vàng trên nền tảng Lời Chúa. Được lắng nghe với lòng chân thành và kiên nhẫn, Lời Chúa sẽ trở thành nguồn sống dưỡng nuôi, ánh sáng soi đường và sức mạnh củng cố đức tin của các tín hữu trong mọi hoàn cảnh”. Đó là lý do mà chúng tôi chuyển từ cách dạy giáo lý dựa trên thần học sang cách dạy giáo lý dựa trên Thánh Kinh, lấy Lời Chúa làm “linh hồn và nền tảng” cho việc dạy giáo lý như được nhắn nhủ bởi nhiều vị giáo hoàng và nhiều văn kiện của Giáo Hội gần đây.
PV. Theo nhiều người nhận xét, bộ Giáo Lý Hiệp Thông rất phong phú, cả về đề tài và cách trình bày đề tài. Xin Cha cho các giáo lý viên vài lời khuyên thực tế về cách áp dụng bộ sách khi giảng dạy?
Cha Phêrô Hiền: Khi giáo dục đức tin dựa trên Lời Chúa, chúng tôi đặt trọng tâm vào việc cho học viên tiếp cận với chính bản văn Thánh Kinh; từ đó, giúp họ hiểu và đón nhận sứ điệp của Lời Chúa đồng thời đáp lại bằng cầu nguyện, sống và thông truyền Lời Chúa. Như thế, hiệp thông sẽ dẫn đến truyền giáo hay “mang tính truyền giáo” theo kiểu nói của Thánh Giáo hoàng GP. II trong Tông huấn “Kitô hữu Giáo dân”. Dù dạy giáo lý cho thiếu nhi với tiến trình mười bước hay cho thiếu niên với tiến trình ba bước (xem-xét-làm), trọng tâm vẫn là kinh nghiệm được soi dẫn bởi Lời Chúa để có được một kinh nghiệm đức tin mới, cho một cuộc sống mới trong hành trình đức tin.
PV. Việc dạy Giáo lý hiện nay cần theo tiến trình của đường Emmaus mà Cha đã nhiều lần nhấn mạnh. Tiến trình này có nét mới là gì, thưa Cha?
Cha Phêrô Hiền: Là giáo viên, chắc hẳn anh cũng biết phương pháp giáo dục trong những thập niên vừa qua đã thay đổi rất nhiều, từ giáo dục theo hệ hình (paradigm) đường thẳng (thầy cô – sách vở – học trò) sang hệ hình vòng tròn hay mạng lưới (inter-net); trong đó, thầy cô cũng như học trò cùng ngồi vào vòng tròn, thầy cô đặt vấn đề và trao đổi với học trò cũng như giúp cho họ trao đổi với nhau nhằm đạt tới chân lý. Phương pháp giáo dục tại Việt Nam cũng đang chuyển theo hướng lấy học trò làm trọng tâm, trong khi cách dạy giáo lý của chúng ta vẫn dừng lại ở việc lấy thầy cô hoặc nội dung kiến thức làm trọng tâm.
Vì thế, cần thay đổi cách dạy giáo lý theo phương pháp đồng hành qua gặp gỡ và đối thoại như thấy trong hành trình của Đức Giêsu với hai môn đệ đi Emmau. Trước hết, Ngài lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông. Kế đến, dùng lời nói (giải thích) và việc làm (bẻ bánh) mà khai tâm mở trí cho hai môn đệ. Sau cùng, biến đi (ẩn mình) để các ngài tự chất vấn và lấy quyết định trở về Giêrusalem, thuật lại cho các môn đệ khác biết Chúa đã hiện ra với mình thế nào. Đức Giêsu thực sự là người thầy tuyệt vời! Ngài không những mở trí và mở lòng cho hai môn đệ, mà còn giúp các ngài mở rộng đôi tay và thúc đẩy đôi chân lên đường phục vụ. Đó là lý do chúng tôi nhấn mạnh đến hành trình Emmau.
PV. Có lẽ nhiều giáo lý viên lúng túng ở bước nội tâm hóa sứ điệp Lời Chúa. Theo Cha, đâu là chìa khóa giúp các bạn giáo lý viên thực hành bước này cách hiệu quả.
Cha Phêrô Hiền: Trong việc dạy giáo lý, giảng viên có hai nhiệm vụ chính: một là trình bày Lời Chúa để học viên nghe được “Tiếng của Lời” và thấy được “Dung mạo của Lời” (tác vụ Lời Chúa); hai là bước vào “Nhà của Lời” và bước theo “Con đường của Lời” (giáo dục đức tin). Để hoàn thành hai nhiệm vụ này, đúng hơn, để có thể chuyển từ bước một sang bước hai, giảng viên phải học với Đức Giêsu “ẩn mình” hoặc “rút lui” để học viên trực tiếp gặp gỡ và cầu nguyện với Chúa trong thinh lặng, sau đó, học viên thường được mời gọi diễn tả lại cuộc gặp gỡ này qua việc vẽ tranh và viết lời nguyện, giảng viên dựa vào cơ sở này để đối thoại mục vụ (pastoral dialogue) nhằm củng cố và phát triển mối tương giao của học viên với Chúa cũng như với mọi người. Đó chính là việc giúp học viên nội tâm hóa hay đón nhận sứ điệp Lời Chúa, để có được sức mạnh nội tâm thực thi lời Chúa dạy.
PV. Chúng con xin cám ơn Cha và cầu nguyện cho chương trình canh tân Giáo lý có kết quả tốt đẹp.