Nhớ về Tiểu Chủng viện An Ninh và ngày di tản

Thứ ba - 14/04/2020 11:02
Đôi giòng ghi nhớ về TCV An Ninh, nơi đã trang bị cho tôi những giáo lý đạo đức căn bản của đời sống một chủng sinh và một kiến thức tổng quát về đức dục và trí dục để làm hành trang vào đời.
Nhớ về Tiểu Chủng viện An Ninh và ngày di tản
Ngôi nhà thờ TCV An Ninh, hình chụp năm 1910
 
Hồi tưởng lại, tôi Lê Văn Vĩnh vào tu Tiểu Chủng Viện An Ninh gần biển Cửa Tùng thuộc quận Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị năm 1951 lúc tròn 12 tuổi. Thế mà bây giờ tôi đã là ông lão 80. Ôi thời gian!

Lớp AN51 chúng tôi có đến một trăm mấy chục chú. Bây giờ kiểm điểm, chỉ còn lại 22 người. Tại quê nhà có cha Trần Văn Trọn, cha Lê Thanh Hoàng và 3 anh Nguyễn Như Ngọc, Đỗ Ngọc Thạnh, Nguyễn Kim Thuyên. California có các anh Hồ Văn Hiếu, Đoàn Duy Hinh, Trần Văn Hoa, Nguyễn Hữu Minh và tôi. Texas có các anh Trần Văn Dũng (Vui), Lê Đình Học, Lê Oanh và Nguyễn Văn Tôn. Rải rác mỗi tiểu bang một người như Trần Văn Tường ở Washington, Nguyễn Thanh Mầu ở Colorado, Phạm Văn Ngự ở Minnesota, Võ Văn Ngọc ở Florida, Lê Văn Huề ở Pennsylvania, Nguyễn Xuân Chương ở Maryland và tại Canada có cha Nguyễn Lợi.

Quý cha giáo đều đã về với Chúa. Thời gian đó, cha Bề Trên Bùi Quang Tịch dạy Pháp văn, cha Nguyễn Văn Tường dạy Latinh, cha Lê Văn Mẫn dạy toán, cha Nguyễn Văn Phước dạy Việt văn. Riêng cha Ngô Văn Triệu dạy Pháp văn và dạy hát. Ban nhạc TCV An Ninh gồm 6 chú: Chú Đỗ Bá Công trưởng ban, chú Quý đại, chú Trọng, chú Tôn, chú Thanh và tôi. Thỉnh thoảng ban nhạc mang chuông đi đánh xứ người, như phục vụ đồng bào Di Loan và Đồn lính Cửa Tùng, hát hay đến nổi thiên hạ cứ lầm tưởng là ban nhạc trong Huế ra trình diễn.

Ngồi cùng bàn với tôi trong phòng học gồm các chú Trọn, chú Tường, chú Trang, chú Vui (Dũng) và chú Thông. Năm 1975 Nguyễn Hữu Thông là Đại Tá Trung Đoàn Trưởng TrĐ42/SĐ22BB của QLVNCH và đã tuẫn tiết. Tôi thì phá phách, Vui trang nghiêm, Thông thì hoang ngầm, mỗi lần Thông nhích bàn tọa là chúng tôi bấm nhau gấp rút di tản...

Các chủng sinh thời đó chẳng có tài sản gì quý giá. Chỉ vài bộ áo dài đen, quần dài trắng, mặc ít lâu là vàng ố màu đất đỏ. Đầu đội nón cối trắng. Anh em nào có được bàn chải đánh răng là sang lắm. Tài sản quý giá nhất là cuốn bách khoa tự điển Larousse mà 8 chú lớp Nhì (chúng tôi thuộc lớp Tư, mỗi lớp 2 năm) thường dùng táng vào đầu đàn em mỗi khi ai đó ngủ gục trong giờ étude.

Mỗi bữa ăn các chú luân phiên nhau chạy bàn, ai cần gì thì đưa tay lên để được phục vụ. Mâm cơm 4 người với 4 món ăn. Chủng viện có thuyền đánh cá nên thực phẩm chính là cá biển và dưa cải do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Di Loan quán xuyến. Có 4 dãy bàn ăn cho khoảng hơn 200 chủng sinh. Các cha giáo ngồi bàn ngang ở trên. Mọi người vừa ăn vừa nghe một chú ngồi trên bục cao đọc sách những ngày trong tuần. Những dịp Lễ và cuối tuần mọi người tự do nói chuyện, khá ồn ào. Năm tôi vào tu 1951 chủng viện còn dùng đèn manchon. Năm sau chủng viện có điện sáng trưng như một thành phố tí hon giữa chốn thôn dã hoang sơ.

Thời gian hai năm ở TCV An Ninh quá ngắn ngủi đến nổi tôi chưa được nhìn thấy chuồng heo chủng viện, nói chi đến việc khám phá cái vườn rộng mênh mông, cây cối um tùm với cú kêu vượn hú nghe đến rợn người. Đặc biệt là lũy tre xanh dày như một bức tường kiên cố bao bọc chủng viện bảo vệ giặc Văn Thân xâm nhập tàn phá.

Xa xa chủng viện chừng vài cây số là biển Cửa Tùng, đêm nghe tiếng sóng vỗ rì rào vọng về qua các đồi nỗng như một bản nhạc trầm bỗng triền miên bất tận. Thời gian êm đềm lặng lẽ trôi. Các chủng sinh ngoài việc tu học là chính, thời giờ còn lại của tuổi thơ chỉ biết vui đùa như đá banh ngoài nỗng, chơi ù giật cờ trong sân...

Rồi đến một ngày, Ông Thiếu úy Minh, Trưởng đồn Cửa Tùng đến chủng viện mặt mày nghiêm trọng nói gì đó với cha Bề Trên. Giây lát sau, tất cả chủng sinh được lệnh chuẩn bị hành trang gọn nhẹ để di tản. Ngày buồn đó vào khoảng tháng 3, tháng 4 năm 1953.

Lúc các chủng sinh bắt đầu di tản thì trời đã về chiều. Thời gian đó đường sá mất an ninh. Mỗi lần tựu trường, các chú được xe quân sự có hộ tống đưa đón từ Đông Hà ra tận chủng viện. Tôi nhớ có lần Đức Cha Urrutia Thi và vị Tuyên úy Quân Đội Pháp là Lm Thiếu Tá Lê Viết Thành ra thăm chủng viện có đoàn xe đông đảo của Quân Đội Pháp hộ tống.

Chúng tôi ra đi với nỗi buồn chia ly chủng viện, chen lẫn lo âu sợ sệt trên đoạn đường dài khoảng 10 cây số, xếp hàng cuốc bộ như một cây nấm khổng lồ chuyển động. Khi đến quận Vĩnh Linh trời đã tối nên mọi người dừng chân ngủ lại qua đêm trong các xe quân sự. Sáng hôm sau chúng tôi được xe chở tập trung vào Dòng Mến Thánh Giá Trí Bưu, Quảng Trị rồi ai về nhà nấy. Bắt đầu năm học 1953, chúng tôi tựu trường ở TCV Phú Xuân, Huế.

Riêng anh Nguyễn Cần lớp AN49 đã trở ra Quảng Bình, quê hương anh, rồi sau đó di cư vô Nam. Ngày 10/9/2019 vừa qua, anh Tôma Nguyễn Cần, một cựu thẩm phán với bút hiệu Lữ Giang, đã về với Chúa ở California. Nguyện ước sau cùng của anh là tro cốt được trở về quê Mẹ Quảng Bình và anh đã được toại nguyện.

TCV An Ninh đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm êm đềm. Đặc biệt là hai cảm giác vừa thánh thiện vừa thơ mộng đã ấp ủ trong tâm hồn tôi qua bao thập niên: Cứ mỗi chiều thứ bảy đi dạo biển Cửa Tùng về, hơn hai trăm chủng sinh quây quần bên tượng đài Đức Mẹ, cất lên tiếng hát trầm bỗng, hòa quyện trong âm vang sóng biển vọng về ... “Ánh nắng tàn, con yên lặng nguyện cầu cùng Mẹ ....”

Tâm hồn tôi lâng lâng và cảm động nhất là mỗi đêm sau buổi kinh tối, các chú lại thì thầm dâng lên Mẹ bài ca Salve Regina trong cảnh bóng đêm dần dần buông phủ vạn vật hoang sơ của đồi nỗng An Ninh và biển Cửa Tùng. Chỗ tôi quỳ gần cửa sổ nhà nguyện, tiếng hát trầm buồn quyện lẫn với hương thơm của giàn dạ lý hương, nghe tâm hồn ngây ngất, thiêng liêng và thánh thiện làm sao!

Đôi giòng ghi nhớ về TCV An Ninh, nơi đã trang bị cho tôi những giáo lý đạo đức căn bản của đời sống một chủng sinh và một kiến thức tổng quát về đức dục và trí dục để làm hành trang vào đời.

Xin dâng lên Thiên Chúa và Đức Mẹ La Vang một lời kinh cầu cho quý cha giáo và anh em TCV An Ninh, mà lớp AN51 chúng tôi là lớp cuối cùng nay mọi người đều trên 80 tuổi, được nghỉ yên muôn đời nơi chốn trường sinh. Khi Chúa cho chúng ta còn khỏe mạnh, mong anh em an bình vui hưởng tuổi già cùng con cháu và những người thân yêu.

Lê Văn Vĩnh AN51
San José, một ngày đầu năm 2020
 
Các chú TCV An Ninh trong giờ chơi. Hình chụp năm 1910
Các chú TCV An Ninh trong giờ chơi. Hình chụp năm 1910
-
Bên trong nhà thờ TCV An Ninh. Hình chụp năm 1910
-
Bên ngoài ngôi nhà thờ TCV An Ninh. Hình chụp năm 1910
-
Sân chơi TCV An Ninh. Hình chụp năm 1910
-
Giờ học tại TCV An Ninh. Hình chụp năm 1910
-
Giờ ăn. Hình chụp năm 1910
-
Các Cha giáo. Hình chụp năm 1910
-
Hình chụp năm 1924

Tác giả: Lê Văn Vĩnh AN51

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập552
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại933,589
  • Tổng lượt truy cập57,035,226
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây