TÂM TÌNH CỦA NHỮNG CỦA NGƯỜI HỌC TRÒ – NHỮNG CHỦNG SINH KHÔNG ĐƯỢC LÀM LINH MỤC
Hôm nay, tưởng niệm Đức Tổng Têphanô, nói về ngài trong vai trò đối với TGP Huế và Giáo hội thì đã được nhắc đến nhiều rồi, chúng ta chỉ nói về góc nhìn của những đứa học trò của ngài, cảm tưởng của những cụu chủng sinh (CCS), những chủng sinh không được bước lên bàn thánh.
Quãng thời gian ngài làm cha giáo chủng viện (CV), phải nói là dài nhất từ 1962-1975 là 13 năm (trong đó có 2 năm tại du học tại Pháp cũng để nghiên cứu về chủng viện). Hầu như hết thời gian làm linh mục của ngài đều dành cho chủng viện, làm giám mục rồi càng thiết tha với ơn gọi hơn để giữ gìn cho cho Giáo hội những những nhân sự tốt nhất. Thời gian làm cha giáo của ngài gắn liền với thế hệ của phần lớn những CCS đang có mặt hôm nay.
Ngoài những anh em đã rời CV từ trước, thì cũng nên nói lên tâm tình của những người phải rời chủng viện đợt lớn nhất. Cũng chính ngày này cách đây 45 năm, khi CV bị tịch thu, chủng sinh phải giải tán, Đức Tổng Têphanô Thể chạy xuôi ngược trong cơn tuyệt vọng vì biết rằng các chủng sinh, con cái của mình sắp bị tan đàn xẻ nghé.
Trong thời cực thịnh, tiểu chủng viện Hoan Thiện có trên 300 chủng sinh. CV đóng cửa 15 năm (1979-1994), 7 người được trụ lại chủng viện để được chịu chức năm 1994, một số ít được phong chức không công khai, một số gia nhập vào các giáo phận khác… Còn lại không biết đi về đâu? Như tâm tình của một người anh em “mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài”. Có lẽ chúng ta là một tập thể CCS lớn nhất thế giới.
Ngài cũng đã lâm vào hoàn cảnh tương tự như anh em chúng ta, hơn 10 năm (11-1983 đến 04/1994) trong thời gian từ nhiệm người vẫn cố gắng chăm sóc cho đoàn chiên đặc biệt là dù trong tay không còn cây gậy mục tử và có lẽ cũng chính vì thế mà ngài luôn gần gũi với những người học trò không được làm linh mục, gần gũi cụ thể như thế nào thì anh em chúng ta đã từng kể cho nhau nghe trên các diễn đàn nhiều rồi.
Bản thân Liêm xin trích lại một lời khuyên tiêu biểu của ngài:
“Ra đời lúc này kiếm ăn đã khó, giữ mình càng không dễ. Con sống được như vậy mà còn giúp được nhiều người là quá tốt rồi. Hãy cám ơn Chúa thật nhiều, sống tốt với mọi người và góp phần phục vụ Giáo hội theo sức mình."
Đề tài về cha Bề trên thân yêu xin được tiếp tục trong bữa ăn trưa thân mật.
Xin tóm tắt về ngài bằng hai câu thất ngôn được đề tặng mà ngài rất tâm đắc:
“TÂM VỚI PHÁP LẶNG THINH KHÔNG SẮC
ĐỨC CÙNG TÀI IM PHẮC NHƯ HƯƠNG.
(Tánh Không thiền sư)
Nội dung hàm chứa: sự nhẫn nhục, nhân từ và khiêm nhu xuất phát đức bác ái của một mục tử nhân lành theo chân Chúa Giêsu. Yêu mến thầy thì hãy học cùng thầy. Bài học về nhân cách và lối sống, các học trò của ngài có học được không đây! Nếu chưa thì chắc còn phải học mặc dù cũng không còn trẻ, nhưng không bao giờ là quá trễ.
Và sau đây xin mượn lời thơ “Nhớ Cha!” của một nghĩa tử để từ biệt Cha:
“Bước chân Cha nhẹ nhàng lưu nền cỏ
Nẻo ngược xuôi Sứ Vụ tông Đồ
Có những quãng đường đá sỏi cằn khô
Có những bờ hoang rậm rà, gai góc…”
“TÂM CHÂN NHƯ - THỂ ĐẰNG VÂN
Nhẹ nhàng dòng suối trong ngần buổi mai
Khí thanh thoát tợ hương nhài
Hồn trong… dường ánh ban mai dịu dàng
Mong Cha hưởng Phước Thiên Đàng
Cầu cho con cái còn đang lữ hành….” (Vân Du)
GP Xuân Lộc, ngày 26 tháng 12 năm 2024
Giuse Lê Thanh Liêm và các bạn