Ngày nay, với những tiến bộ vượt bậc của khoa học, kỹ thuật, để giữ được cung cách và phẩm chất của một người theo Chúa, chúng ta phải khôn ngoan, sáng suốt và có bản lãnh thật vững chắc.
Các thầy chủng sinh thân mến,
Vừa qua trên trang web của giáo phận Bùi Chu xuất hiện bài viết có tựa đề “Viết cho người Chủng sinh trẻ” của tác giả Tâm Thành [1]. Bài viết sau đó đã được đăng trên nhiều trang Công giáo và được khá nhiều độc giả xem và tỏ ra rất đồng cảm. Riêng với tôi, bài viết này cũng đã gợi lại biết bao kỷ niệm về ngôi nhà chủng viện, về đời sống chung, về những sinh hoạt và quá trình tìm hiểu ơn gọi của chủng sinh trong những tháng năm dài học tập và tu luyện ở tiểu và đại chủng viện.
Nhân dịp này, tôi xin gửi đến quý thầy đôi điều tâm sự, đúc kết từ những kinh nghiệm sống đạo của một giáo dân đã từng một thời tu học ở chủng viện cùng với những suy tư và thao thức về ơn gọi linh mục dưới góc nhìn của một Ki-tô hữu cựu chủng sinh.
Ảnh: Chủng sinh TGP Sài Gòn chúc tết Đức TGM Giuse Nguyễn Năng và ĐGM phụ tá
Luy Nguyễn Anh Tuấn ngày 6-1-2020 (Nguồn: WGPSG)
Các thầy thân mến,
Đề cập về linh mục và chức linh mục thì trước nay đã có rất nhiều tác giả viết rồi, nhưng nói đến chủng sinh thì ít người quan tâm viết bài. Bài “Viết cho người Chủng sinh trẻ” mà tôi đề cập trên quả thực là một trường hợp hiếm hoi. Do vậy, nhân cơ hội này, tôi cũng mong ước được góp tiếng nói nhỏ bé của mình, như lời tâm sự của một bậc đàn anh đi trước.
Theo tựa đề bài viết, tôi gọi các thầy là những “chủng sinh thời đại mới” là vì so với thế hệ chúng tôi cách đây năm mươi năm thì các thầy ngày nay khác xa chúng tôi về nhiều mặt. Thời chúng tôi không có internet, không có điện thoại di động, không iphone, ipad, không vi tính, không laptop, không facebook, không có youtube, không có live-stream. Phương tiện di chuyển làm gì có xe tay ga như bây giờ. Chủ yếu là xe đạp, mobilette, velosolex, họa lắm thì có suzuki, honda-dame, honda-67, vespa hoặc lambretta-mini…Giáo trình học (cours) chủ yếu đánh máy vào giấy stencil rồi in roneo. Có trang rõ chữ, có trang mờ tịt, lem nhem mực, nhìn vào như một rừng chữ. Đến dịp ôn thi, ôm cả đống “cua”, mệt nghỉ!
Về giải trí, một tuần các thầy được xem TV vào tối thứ bảy. Cái TV-thùng to như một cái tủ lạnh, đẩy ra đẩy vào cũng thấy mệt. Màn hình to, trắng đen, các chương trình chủ yếu là giải trí, xem cho vui vậy. Thỉnh thoảng vào dịp đặc biệt mới được xem xi-nê (ciné) với phim nhựa 16 ly. Mặc dù âm thanh rè rè, hình ảnh cà giựt, nhưng các buổi tối chiếu phim đều hấp dẫn nhiều người xem. Nghĩ lại mà chỉ biết thốt lên, “Ôi một thời để nhớ, một thời để quên!”.
Các thầy quý mến,
Tôi nghĩ rằng dù thời buổi thế nào chăng nữa thì cái chính yếu vẫn là tu học, tu luyện để trở thành linh mục của Chúa, linh mục như lòng Chúa mong ước và như Hội thánh kỳ vọng. Ngày nay, với những tiến bộ vượt bậc của khoa học, kỹ thuật, để giữ được cung cách và phẩm chất của một người theo Chúa, chúng ta phải khôn ngoan, sáng suốt và có bản lãnh thật vững chắc.
Tôi xin nhắc lại mấy dòng mở đầu bài viết có tựa đề “Hiến thân hay tiến thân” của tác giả Anmai, như sau:
Giữa cái xã hội phát triển tột bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội quả là điều rất tốt cho mọi người nhưng chính cái sự phát triển đấy đôi khi vô tình lại trở nên rào cản, trở nên cái khó cho đời tu ngày nay.
Cũng như đồng tiền, vấn đề hiến thân trong đời sống tu trì cũng có hai mặt. Nếu không khéo ta sẽ nhầm lẫn với cái mục đích cũng như ý nghĩa tinh tuyền cao đẹp của nó.
Do ảnh hưởng của xã hội để rồi bất cứ một vấn đề nào đó trong xã hội cũng bị tác động, cũng bị biến dạng theo. Con người sống trong xã hội chắc chắn là nhân tố chịu tác động một cách trực tiếp của nền văn hóa, chính trị, tôn giáo, kinh tế của xã hội mà mình đang sống. Với nét đặc thù riêng biệt, hiếm có của Việt Nam trong nhiều biến động xã hội đã gây không ít tác động nơi con người. Chỉ tạm xét vấn đề hiến thân trong đời sống ơn gọi thôi thì ta sẽ thấy nó có một tác động hết sức là kinh khủng. [2]
Quả thực, nhiều người cho rằng việc tu trì ngày nay khó hơn thời xưa nhiều. Mặc dù ngày nay cuộc sống đầy đủ, dễ dãi cởi mở hơn, có nhiều phương tiện hiện đại hơn, nhưng người tu hành dễ có nguy cơ sa đà vào lối sống thực dụng, tục hóa, không còn phân định đâu là cái chính, đâu là điều phụ thuộc trong đời sống tu trì.
Chúng ta biết rằng, linh mục không phải là một nghề, càng không phải là một dịch vụ để kiếm tiền và tiến thân. Đó là một ơn gọi và ơn huệ nhưng không và là một sứ vụ dấn thân, nhằm phục vụ Chúa và Hội thánh của Ngài.
Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục (Presbyterorum Ordinis) đã nói về những đòi hỏi của thừa tác vụ Linh mục: “Thực hành việc khổ chế riêng biệt của vị chăn dắt các linh hồn, từ bỏ những tiện nghi riêng, không tìm kiếm tư lợi nhưng tìm lợi ích cho nhiều người để họ được cứu rỗi”.
Trong bài tựa “Linh Mục, người là ai?”, ĐGM Phêrô Nguyễn Soạn, giáo phận Qui Nhơn đã viết như sau: “Những tiêu chuẩn được đưa ra cho các linh mục xưa nay là: Thánh thiện, nhiệt thành, trở nên muối đất đèn đời, hoàn toàn quên mình trong sứ vụ, bất chấp khó khăn, hoạt động hăng say dưới nhiều hình thức khác nhau để mở mang Nước Chúa, nêu gương nhân đức, chăm lo cho con chiên cả tinh thần lẫn vật chất. Muốn đạt được những tiêu chuẩn ấy, linh mục cần phải tự huấn luyện mình quảng đại, nhiệt thành, nội tâm sâu sắc, sống giản dị, phục vụ tận tình, sẵn sàng đối thoại không định kiến...” [3]
Từ những giáo huấn trên, tôi có mấy gợi ý sau xin chia sẻ cùng quý thầy, coi đó như là những lời tâm huyết thân tình nhất. Xin đề cập đến bốn vấn đề: 1- Tập trung đời sống nội tâm; 2- Thực tập nếp sống mục tử; 3- Trau dồi phẩm chất lãnh đạo; 4- Quan tâm ứng xử nhân bản.
1- Tập trung đời sống nội tâm
Đây là ưu tiên số một của đời sống tu trì. Chắc chắn trong chủng viện, các cha giáo thường xuyên nhắc nhở nhiều đến đời sống nội tâm, vì khi chúng ta sống lơ là, hướng ngoại nhiều, chúng ta sẽ xa dần Chúa, không thực tâm sống Lời Chúa, không quan tâm đến giáo huấn của Hội thánh. Từ đó, đời sống đức tin sẽ trở nên cằn cỗi và nhạt nhẽo.
Cách đây hơn hai năm, ngày 13-4-2018, trong dịp ghé thăm và ban huấn từ cho các chủng sinh thuộc ĐCV Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu nhân dịp tĩnh tâm tháng, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, nay là TGM Hà Nội, đã có bài huấn đức đặc biệt về đời sống nội tâm. Trong bài huấn từ này, có đoạn ngài nói:
"Trong xã hội vật chất bão hòa, con người ta cảm thấy đầy đủ, dù nghèo thì vẫn nghèo, nhưng sống lối sống của người giàu, xu thế hưởng thụ nhiều hơn. Nhiều bạn trẻ lấy hưởng thụ làm tiêu chuẩn chính. Khi con người cảm thấy đầy đủ và bão hòa trong mọi lãnh vực và tình trạng xã hội như thế, người ta không để ý đến đời sống nội tâm, mà để ý đến những gì nổi bề ngoài, do đó dẫn đến các hệ lụy:
- Kiến thức, thoả mãn với thực tại, không học thêm được gì.
- Các mối mối tương quan bị đóng băng.
- Đời sống đức tin trống rỗng và đơn điệu.
- Sứ vụ truyền giáo, coi như đủ không cần nữa.
Khi cảm thấy đầy đủ thì chúng ta chẳng cần gì nữa, không học hỏi thêm, đời sống trống rỗng, đời sống đức tin trống rỗng, không cầu nguyện nữa, đi tìm niềm vui ở chỗ này chỗ khác, mà không tìm thấy niềm vui trong đời sống nội tâm, trong sự kết hợp với Chúa, trong sự dấn thân phục vụ trong việc học hỏi và suy niệm Lời Chúa; thì đương nhiên sẽ tìm niềm vui ở những chỗ nó thuộc về thế gian như niềm vui ở rượu chè, tìm niềm vui ở những thứ chẳng liên quan gì đến đời sống đức tin, tìm niềm vui ở việc chơi cây, chơi xe, nuôi những động vật quý hiếm và nhiều thứ khác. Đó là những hệ luỵ do đời sống nội tâm không có.
Vì thế, chúng ta là chủng sinh, ứng sinh linh mục, người cử hành phụng vụ, giáo dân là người tham gia. Nếu không có đời sống nội tâm, thì tất cả chỉ là những việc làm hời hợt bên ngoài và không đem lại ích lợi gì. Nó giống như một sự kiện văn hoá ngoài đời, người ta chú ý đến việc lôi kéo người khác đến thật đông, thật vui để kinh doanh lợi nhuận." [4]
Đặc biệt khi nói đến đời sống nội tâm, ta phải nhắc đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Thực vậy, đời sống cầu nguyện là bảo chứng giúp người linh mục vượt qua thách đố trong đời sống và sứ vụ.
Một linh mục trong bài viết tựa “Một thoáng suy tư về hình ảnh người linh mục trong thời đại hôm nay” đã chia sẻ kinh nghiệm về cầu nguyện, như sau:
“Khi nhìn vào đời sống linh mục ngày hôm nay, ta nhận thấy một trong những nguyên do khiến một số linh mục thất bại cách này hay cách khác trong đời sống mục vụ, đa phần là do thiếu cầu nguyện hoặc bê trễ trong việc cầu nguyện. Tại sao lại như thế? Có lẽ nguyên nhân nội tại của việc thiếu cầu nguyện là do “thiếu chiều kích nội tâm với Chúa”, mọi công việc mục vụ “bị” diễn ra theo kiểu một công chức: làm cho được, cho xong, cho hay… mà quên hay xem nhẹ phải thổi vào đó một “lòng yêu mến, và mong cứu rỗi các linh hồn”. Vì vậy, để có thể sống “là người của mọi người” một cách thực thụ, đòi hỏi người linh mục phải can đảm vượt qua những hấp lực của thế gian, coi tất cả những thứ đó như là những phương tiện thứ yếu nâng bước cho “bước chân người rao giảng Tin Mừng”. [5]
2- Thực tập nếp sống mục tử
Ngay khi bước chân vào chủng viện, chắc chắn các chủng sinh đã định hướng cho mình con đường tu trì như thế nào, đã quyết tâm chọn Chúa Ki-tô Mục Tử làm thần tượng của đời mình. Khi chọn và gọi các môn đệ, Chúa Giê-su đã nói rõ ràng “Các anh hãy theo tôi…” (Mt 4, 19). Ngài không bảo các ông phải đi theo người này người kia hay chạy theo một giáo thuyết, thần tượng nào.
Do vậy, Chúa Ki-tô Mục Tử là khuôn mẫu đích thực cho những ai theo Ngài. Khi còn là chủng sinh, chúng ta có rất nhiều thời gian để thực tập nếp sống mục tử.
Ngày nay, nếu có ai đó đặt câu hỏi rằng, quý vị mong ước gì nơi các vị mục tử trong Hội thánh, thì chắc chắn câu trả lời sẽ là mong ước các ngài là một “Alter Christus”, tức là một Đức Ki-tô khác. Điều mong ước xem ra đơn giản, truyền thống nhưng lại là căn cốt nhất. Kitô-hữu kỳ vọng các mục tử của mình phản ánh một cách đậm nét chân dung Đức Giê-su Mục Tử, thông qua tấm lòng nhân hậu và sự khiêm tốn.
Trước hết, chúng ta mong đợi nơi vị mục tử một tấm lòng nhân hậu.
Thực vậy, không có gì lôi cuốn người khác đến với mình bằng chính sự nhân ái bao dung xuất phát từ trái tim mục tử. Là người lãnh đạo cộng đoàn, người mục tử có rất nhiều cơ hội để thực thi lời dạy của Chúa “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”. (Mt, 11, 29-30); “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36).
Nhân từ trong giao tiếp. Nhân từ trong giảng dạy. Nhân từ trong việc cử hành các nghi thức và Phụng vụ thánh. Nhân từ trong việc hướng dẫn các lớp giáo lý, trong tiếp xúc với các hội-đoàn-nhóm của xứ đạo, trong việc tổ chức và điều hành các sinh hoạt mục vụ vv. Có thể nói, phẩm chất nhân hậu của mục tử là điểm son tuyệt vời nhất nhờ đó các tín hữu thấy được hình ảnh Chúa Ki-tô mục tử dịu hiền trong bản thân các ngài.
Đức tính khiêm nhường là đức tính kế tiếp được mong đợi nơi vị mục tử.
Mọi nơi mọi thời, đa phần người tín hữu nào cũng có thói quen kính trọng vị đại diện của Chúa. Một vài trường hợp xảy ra hiện tượng “thần tượng hóa” hay “thần thánh hóa” các mục tử. Chính vì lí do đó, các mục tử trong Hội thánh rất dễ bị cám dỗ trở nên ít khiêm tốn hơn là mong đợi...Mục tử càng khiêm tốn giáo dân càng yêu kính, mến thương. Mục tử càng hạ mình giáo dân càng kính trọng và suy phục các ngài. Như Chúa đã lên tiếng: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 44-45).
Xin các thầy lưu ý điều này là giáo dân ngày nay đều tỏ ra quý mến linh mục hiền hòa nhân ái hơn là linh mục thông thái, khâm phục linh mục sống nghèo hơn là linh mục điển trai giàu có, gần gũi thân tình với linh mục khiêm tốn hơn là linh mục giỏi giang hoạt bát.
3- Trau dồi phẩm chất lãnh đạo
Một trong các mục tiêu chính yếu trong việc đào tạo các chủng sinh sẽ là đào luyện nên những nhà lãnh đạo. Lãnh đạo cộng đoàn, lãnh đạo hội-đoàn-nhóm. Người lãnh đạo luôn là một tấm gương để mọi người nhìn vào mà học hỏi, quy chiếu. Người lãnh đạo cũng là những chứng nhân sống động. ĐTC Phao-lô VI đã nói: “Người thời nay tin vào những chứng nhân hơn là thầy dạy”.
Nhưng chúng ta không thể quan niệm theo kiểu thế gian, lãnh đạo là đứng trên ra lệnh, là chỉ tay năm ngón, là hạch sách, là lên án, là quát mắng, là coi thường người khác. Đó là một “tệ nạn” mà ngày nay không khó để chứng minh.
ĐGM Anphong Nguyễn Hữu Long giáo phận Vinh trước đây từng có dịp nói: “Nguy cơ của linh mục là được giáo dân quý mến thái quá, coi linh mục như Chúa: “Cha nói là Chúa nói”, “Ai vâng lời cha là vâng lời Chúa”, muốn chào cha thì phải “xin phép lạy cha!”. Điều đó dễ khiến linh mục quên mất sự dòn mỏng, yếu đuối, bất xứng của mình. Đó đây, thỉnh thoảng, đã có những lời bình phẩm linh mục này hách dịch, cha kia ăn nói linh tinh, lối sống không phù hợp. Một phần lỗi, phải nhận rằng do giáo dân đã quá đề cao linh mục. Xin đừng nâng linh mục lên cao quá, để rồi thất vọng khi thấy linh mục không được như mình mong đợi”. [6]
Lãnh đạo theo lòng mong ước của Chúa và tinh thần của Tin Mừng, là phục vụ hết mình, là lắng nghe chăm chú, là hòa đồng cởi mở. Trong Hội thánh, người có quyền cao chức trọng là người phục vụ. “Quyền hành đích thực là phục vụ, như Chúa Giê-su đã phục vụ. Người vĩ đại nhất là người phục vụ nhiều nhất”.
Trong bài giảng Chúa nhật 18-10-2015, khi suy niệm bài Tin Mừng Mc 10, 33-40, ĐTC Phan-xi-cô nói như sau: “Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi não trạng và đi từ sự ham hố quyền hành đến niềm vui được ẩn mình và phục vụ; loại trừ bản năng thống trị người khác và thực thi nhân đức khiêm tốn. Chúa Giêsu chủ yếu thi hành một chức linh mục thương xót và cảm thông… Vinh quang của Người không phải là là thứ vinh quang tham vọng hoặc khao khát thống trị, nhưng là vinh quang được yêu mến con người, đảm nhận và chia sẻ yếu đuối của họ và ban cho họ ơn thánh chữa lành, tháp tùng hành trình sầu muộn của họ với lòng dịu dàng vô biên”.
Đối với ĐTC Phan-xi-cô, điều hành không phải là ra lệnh, mà là phải lắng nghe, xây dựng sự đồng thuận, giải quyết khó khăn bằng cách dành thời giờ lượng giá vấn đề thật chín chắn. Hành xử quyền bính có nghĩa là phải làm cho những người quanh mình được lớn lên, chứ không phải là múa máy chiếc gậy quyền lực.
Trong việc cải tổ Giáo hội, ĐTC Phan-xi-cô thúc đẩy hàng giáo sĩ tránh rơi vào chủ nghĩa bàn giấy, tránh lạm dụng những giải pháp kỷ luật, tránh “lấy lại những kiểu sống hay những hình thức lỗi thời, những hình thức không có khả năng trở thành dấu chỉ ngay cả về mặt văn hóa”. Ngài không muốn hàng giáo sĩ rơi vào cám dỗ biến sứ điệp Tin Mừng thành một ý thức hệ hay điều hành giáo xứ theo cách độc đoán. Ngài đặt câu hỏi rằng, chúng ta, giám mục và linh mục, có dành cho giáo dân một sự tự do chính đáng không, “chúng ta có giúp đỡ họ và đồng hành với họ, bỏ đi mọi cám dỗ can thiệp và bắt họ lệ thuộc quá đáng không?”. [7]
4- Quan tâm ứng xử nhân bản
Điểm cuối cùng tôi muốn tâm sự với quý thầy, đó là hãy quan tâm đến việc ứng xử nhân bản trong đời thường ngày. Nhiều giáo dân phàn nàn rằng, một chủng sinh khi còn là chú dự tu thì vui vẻ, cởi mở, lễ phép, nhưng khi đã gia nhập chủng viện mặc áo dòng rồi, thì có vẻ xa cách, lạnh nhạt… và sau này khi đã thụ phong linh mục rồi, thì “nhìn người bằng nửa con mắt!”. Chúng ta cần nhìn lại chính mình để điều chỉnh, để sửa sai và để canh tân đổi mới.
Trong bài viết có tựa đề “Tính nhân bản trong cách hành xử của linh mục”, linh mục Đỗ Xuân Quế OP đã viết như sau: “Ở chủng viện các chủng sinh được học hành nhiều thứ và huấn luyện khá đầy đủ về đường đạo đức, nhưng có một mặt xem ra ít được để ý và coi trọng, đó là tính nhân bản. Nhân bản là lấy con người làm gốc trong cách giao tiếp đối xử, nghĩa là trọng kính người ta, khi nói năng, gặp gỡ, dù người ta ở cấp bậc nào, có học hay không có học, giàu sang hay nghèo hèn, Công giáo hay ngoài Công giáo, hay nói khác đi, tính nhân bản là cách đối xử sao cho có tình người và tính người...” [8]
Dù là thầy chủng sinh, dù là linh mục, chúng ta vẫn là những con người bình thường như bao người khác. Chúa chọn chúng ta không phải vì chúng ta trổi vượt hơn người khác, nhưng do lòng yêu mến của Ngài. Do đó, trong ứng xử giao tiếp thường ngày, chúng ta hãy sống hòa đồng, cởi mở, khiêm tốn, đừng tách mình ra khỏi “quần chúng” vì lý do mình là đấng bậc tu trì, vì mình có chức thánh, vì mình có quyền hành ban phát này nọ. Hãy là một “địa chỉ thân thương” để mọi người tìm đến mình.
Cha Andrew Greeley, một tác giả viết sách và một nhà xã hội học đã định nghĩa: “Linh mục là người để người ta tìm đến”. Điều đó cũng có thể hiểu được là mục tử trở nên chốn nương tựa, nên nơi nương náu của tín hữu. Cộng đoàn tìm đến mục tử của họ là để được nói tiếng nói của chiên với chủ chăn, được giãi bày tâm sự, được khuyên giải, được trấn an vv. Sự thất vọng lớn nhất của người giáo dân đối với vị mục tử của họ là khi tiếng nói của họ không còn được nghe nữa. Lúc đó giữa chiên và chủ chiên như có một bức tường ngăn cách vô hình nào đó, và mối tương quan “ta biết chiên ta và chiên ta biết ta” không còn ý nghĩa gì nữa!
Quý thầy thân mến,
Để kết thúc, tôi xin chia sẻ trích đoạn bài giảng tĩnh tâm các linh mục giáo phận Đàlạt tháng 2-2009 của ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh, như sau: “... 'Ta đến để cho thế gian được sống và được sống dồi dào’. Đó là điều Chúa Giêsu đã thể hiện trong cuộc sống tại thế của ngài. Đó cũng là điều bằng mọi giá chúng ta phải đạt được trong đời linh mục của chúng ta. Sự có mặt của vị linh mục trong đời giáo dân có khi đã đục khoét những lỗ hổng quá lớn. Cần phải làm thế nào để sự có mặt của linh mục trong đời giáo dân là một cái gì tích cực: làm cho họ được sống và được sống dồi dào hơn. Có thể nói không quá đáng rằng phải thương giáo dân mới là cha xứ. Không thương dân không phải là linh mục, không phải là cha xứ. Người giáo dân sẵn sàng châm chước cho linh mục ngay cả khi các ngài mắc phải những lỗi lầm nghiêm trọng, miễn là họ thấy linh mục yêu thương họ. Yêu thương giáo dân phải là một phản xạ tự động của linh mục. Đó là cách hiệu quả nhất để chúng ta thể hiện tinh thần của Chúa Giêsu cứu thế” ./.
_______________
[1] Tâm Thành, Viết cho người Chủng sinh trẻ, tại http://gpbuichu.org/news/TU-LIEU/viet-cho-nguoi-chung-sinh-tre-9952.html, (truy cập 05-2020)
[2] Lm. Anmai,CSrR, “Hiến thân hay tiến thân”, ngày 1-10-2018, tại https://giaophanlangson.org/news/chia-se-ve-su-vu-linh-muc/hien-than-hay-tien-than-1188.html (truy cập 05-2020)
[3] ĐGM Phêrô Nguyễn Soạn, “Linh Mục, người là ai?”, ngày 28-02-2005, tại http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/LinhMuc/07LinhMucLaAi.htm, (truy cập 05-2020)
[4] Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên thăm và huấn từ cho các chủng sinh ĐCV Bùi Chu, ngày 16-04-2018, tại https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-cha-giuse-vu-van-thien-tham-va-huan-tu-cho-cac-chung-sinh-dcv-bui-chu-32290 (truy cập 05-2020)
[5] Linh mục Giuse Phạm Sơn Lâm, “Một thoáng suy tư về hình ảnh người linh mục trong thời đại hôm nay”, tháng 01-2019, tại http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/SuyTu/201NguoiLinhMuc.htm, (truy cập 05-2020)
[6] Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long, Linh mục Việt Nam hôm nay đang trong cơn lốc tự do có phần không lành mạnh, ngày 24/11/2016, tại http://vanhoaconggiao.com/linh-muc-viet-nam-hom-nay-dang-trong-con-loc-tu-do-co-phan-khong-lanh-manh/, (truy cập 05-2020)
[7] Đức Thánh cha Phanxicô, khuôn mặt người linh mục hôm nay, 2014, http://Www.Simonhoadalat.Com/Giaoducgd/Tuduc/179dtcphanxico.Htm, (truy cập 05-2020)
[8] Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế, OP, Đến mà nghe tôi kể, bài “Tính nhân bản trong cách hành xử của linh mục”, trang 264