Tin chị Thơm bị chồng bỏ lan ra nhanh chóng đầu trên xóm dưới. Có người nói tội nghiệp chị đẹp người đẹp nết, con nhà ăn học mà số long đong. Nhưng có người lại mừng dùm và họ coi đó như giải pháp mà ông trời giải thoát cho chị khỏi cảnh khổ.
Chị Thơm là con gái duy nhất trong ba người con của thầy giáo Thức ở xứ này. Thời sinh tiền lúc còn sống thầy và ông chủ tiệm vàng Kim Vinh là bạn tâm giao nối khố có nhau dù một người làm buôn bán một người theo nghiệp chữ nghĩa thánh hiền.
Ngay khi chị Thơm chỉ là trẻ thơ lúc nghe ông Vinh muốn kết thông gia cho hai gia đình càng thân hơn, thầy giáo Thức đã đồng ý ngay. Thơm từ nhỏ đã sáng dạ học đâu nhớ đó, thương con nên lớn lên ba chị cho chị lên ở nhờ nhà người cô ruột trên Sài Gòn để tiếp tục việc học.
Năm đó tự nhiên ông Vinh bị một căn bệnh lạ, chạy chữa nhiều thầy thuốc mà bệnh có vẻ không thuyên giảm. Khi thầy giáo Thức sang thăm ông bèn nhắc chuyện xưa và muốn tiến tới hôn nhân cho con trai mình. Trước là được yên lòng nhắm mắt vì con nên bề gia thất do ông Vinh biết rất rõ Thơm là cô gái rất tốt. Thêm vào cái hy vọng là biết đâu hôn lễ xua đi được cái vận hạn xui xẻo đang đè ám gia đình ông.
Năm 19 tuổi Thơm được ba mình gọi về quê và lấy chồng trong cái không khí gấp rút của đám cưới đang chuẩn bị. Lúc đầu Thơm phản đối bằng cách bỏ ăn và khóc lóc không ngừng. Nhưng đến khi ba chị dọa thắt cổ tự vận nếu chị dám từ hôn làm trái ngược lại lời hứa mà ông coi trọng như núi. Đến nước đó thì Thơm hết cách đành theo ý ba mình về làm vợ Huân.
Cứ tưởng Huân chồng chị Thơm lấy được người vợ như chị, anh ta hẳn vui mừng mới đúng. Nhưng vốn tính nhỏ nhen thêm vào chất gia trưởng Huân thấy chướng mắt vì sự học vấn của vợ. Trong khi chị vận dụng cái giỏi giang của mình để gánh vác việc nhà chồng thì Huân lại miệt mài với những thú vui tình ái bên ngoài. Từ khi sinh Thu con gái đầu lòng chị Thơm nhiều lần khuyên chồng nên để đức cho con đừng đi gạt gẫm những cô gái khác nhưng Huân gạt bỏ ngoài tai. Thậm chí nhiều lần còn hạ cẳng tay, thượng cẳng chân với chị khi say. Nhất là sau khi ba chồng chị là ông Vinh qua đời thì Huân không còn phải e dè, kiêng kị một ai.
Một lần đoàn gánh hát của ông bầu Tám Ít về đây hát, Huân đi xem và đâm ra mê mệt Hai Như cô đào nhì của gánh. Khác với những lần trước lần này Huân trong mắt Hai Như là con mồi lớn nên Hai Như quyết không buông, cô xỏ mũi Huân một cách nhanh chóng. Vốn xuất thân lang bạt nên Hai Như không dễ dàng gì trở thành trò chơi của Huân, cô buộc Huân phải cho cô danh chính ngôn thuận khi cô có mang.
Thế là sau 9 năm, chị Thơm đành chịu tiếng bị chồng bỏ bởi không chịu nổi sự cay nghiệt cũng như những trận đòn thừa sống thiếu chết của Huân gần đây. Thầy giáo Thức ba của chị cũng qua đời vài năm trước đó nên chị cũng không muốn níu kéo.
Chị đồng ý ra đi với hai bàn tay trắng không làm phiền Huân cưới vợ mới nhưng bù lại Huân phải để chị dẫn bé Thu lúc này được 5 tuổi đi theo mình. Buồn cho phần số dang dở của mình và cũng không muốn ở lại quê nơi có nhiều kỷ niệm gợi chuyện phiền lòng chị Thơm dẫn con gái lên lại Sài Gòn. Ban đầu chị tá túc ở nhà cô ruột như trước. Sau đó chị mang số tiền cha mẹ ruột cho phòng thân khi xuất giá lấy chồng làm vốn mua bán. Chị mở một sạp bán trái cây và thuê căn nhà nhỏ gần đấy cho tiện việc đi về mẹ con chị sống yên ả vui vẻ với nhau.
Dạo gần đây có một anh chàng người Mỹ thường ghé mua trái cây chỗ chị. Anh ta gây sự chú ý cho Thơm bởi anh ta nói được tiếng Việt rất rành khác với những anh chàng Mỹ lớ ngớ thỉnh thoảng vẫn ghé chỗ chị mua hàng. Anh chàng người Mỹ John Smith ấy cũng thật bất ngờ khi thấy cô chủ hàng nói rất chuẩn thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của anh ta và là một người có ăn học. Lúc đầu chỉ là trò chuyện xã giao lâu dần họ thành bạn. Dù hai người cách xa nhau về hình thức lẫn nơi sinh trưởng nhưng họ lại khá hợp nhau trong nhiều cách nghĩ. Hơn một năm sau John ngỏ lời với muốn cưới Thơm làm vợ. Phần Thơm thật sự chị dành rất nhiều cảm tình cho John nhưng chị cũng e ngại sự cách biệt và tiếng đời thường mỉa mai những người phụ nữ lấy Mỹ thời đấy nên chị còn lưỡng lự chần chừ. Nhưng tấm chân tình của John khiến chị cảm động. Hai năm từ ngày họ quen biết chị dẹp cửa hàng về làm bà Smith.
Mười mấy năm trôi qua gia đình chị Thơm có thêm một trai hai gái. Peter được 13 tuổi, Mary 11 tuổi và Ann 9 tuổi. Ngoài xã hội John là người khá thành công về kinh doanh nhưng khi về nhà John là người chồng có trách nhiệm. Anh ta đối xử với Thu cũng như những đứa con khác của mình hết mực yêu thương không hề có sự phân biệt. Gia đình họ sống đầm ấm hạnh phúc, ngoài những lúc đến trường ở nhà chị Thơm vẫn gọi con bằng những cái tên tiếng Việt là Phú, My và Ái. Khác biệt nhau về mái tóc và cả màu da nhưng bốn chị em Thu lại quấn quít hòa thuận, luôn gắn bó bên nhau không rời.
Năm 1975 lúc này Thu đã 21 tuổi đang theo học một trường Dược ở Sài Gòn. Một ngày chị Thơm nhận được tin Huân chồng cũ của chị tức là ba ruột của Thu ở quê qua đời đột ngột vì một cơn đột qụy. Đúng ra chị Thơm không muốn về bởi tình hình lúc đó có nhiều thay đổi và Huân từ lâu không hề nhắc nhở hay đá động gì tới đứa con gái của mình là Thu. Nhưng cuối cùng chị cũng dẫn Thu về chịu tang cho đúng phép tắc dù gì họ cũng là cha con. Phần chị thì xem như nghĩa tử nghĩa tận đến thắp một nén hương cho phải đạo làm người, hơn nữa chị không an tâm để Thu về một mình.
Sau đám tang ngay lúc chị chuẩn bị trở về Sài Gòn thì thời thế thay đổi trong một đêm, phải chờ đến cả tuần sau và bằng nhiều cách mẹ con chị mới lặn lội trở về được Sài Gòn. Nhưng khi chị Thơm và Thu lên tới Sài Gòn thì mọi chuyện đã khác lạ hoàn toàn. Dâu bể đổi dời chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chị không thể vào được nhà cũ bởi chúng bị tịch thu nên chị không lấy được thông tin hay địa chỉ liên quan gì tới chồng mình ở Mỹ. Cũng không thể hỏi thăm ai giữa cái lúc hỗn loạn ấy chị dành dẫn Thu nương náu, mưu sinh ở một quận gần đó và cố gắng hết khả năng để nghe ngóng liên lạc với chồng và con của mình trong vô vọng.
Ngày xưa vì người ở quê hay kỳ thị, dè bỉu và lo cho sự an toàn của chồng vào thời còn chiến tranh, chị Thơm chỉ dẫn duy nhất Peter về quê ngoại chơi hai lần mà thôi. Không cho John cùng hai con gái nhỏ về thăm quê lần nào. Bởi má chị vẫn lên thăm gia đình chị ở Sài Gòn thường xuyên. Do chị cũng ỷ y đâu có dè cuộc đời có những thay đổi như vậy.
Thời gian dần trôi không một tin tức nào về họ dù là sống chết. Phần lo lắng thương nhớ con nên sức khoẻ chị Thơm mỗi ngày một kém. Rồi chị qua đời vào một đêm mưa sau cơn bệnh trong tay vẫn còn nắm chặt tấm ảnh gia đình của mình. Lúc lâm chung không biết có phải còn tiếc nuối hay ấm ức mắt chị mở trừng trừng khiến Thu khóc than tức tưởi khấn nguyện rằng sẽ cố gắng tìm được những đứa em và mang chúng về.
Phần John Smith vào lúc mọi người nhốn nháo rồng rắn di tản dù không muốn bỏ vợ mình lại nhưng John không còn cách nào khác hơn đành dẫn ba người con của mình lên máy bay về Mỹ trong nỗi đau đáu lo lắng. Khi về đến xứ sở anh ta cũng cố gắng liên lạc với vợ mình nhưng ngoài tên họ của vợ và con gái. John chỉ biết thêm địa danh quê vợ là Xào Bân chứ không hề có thông tin gì khác. Đường phố còn thay đổi tên thì nói chi muốn tìm một con người giữa cái đất Sài Gòn mênh mông ấy. Ba năm sau trên đường đi làm về John qua đời trong một tai nạn giao thông thảm khốc. Những đứa con của anh được chuyển về sống với ông bà nội ở bang Texas. Gia đình họ lạc nhau từ đó...
*****
Ba mươi lăm năm sau.
Thu bây giờ tóc đã bạc hơn phân nửa và lên chức bà ngoại, chị lấy chồng có được ba người con. Chồng chị là người đàn ông tốt và hiền lành. Các con chị vẫn sống và làm việc ở Sài Gòn, còn chị và chồng về sống ở quê vào 5 năm trước trên mảnh đất hương hỏa của bà ngoại chia cho mẹ chị ngày xưa, vui thú cùng vườn cây ao cá, như bao người có tuổi khác.
Cuộc sống chị êm đềm, hạnh phúc như bao gia đình an phận bình thường nhưng dù bao năm trôi qua trong lòng Thu vẫn không quên được nỗi nhớ về những người em của mình. Thỉnh thoảng nhìn những tấm ảnh cũ đã úa vàng mà chị lưu giữ như một báu vật, chị lại chảy nước mắt.
Chị khóc khi hồi tưởng cái khoảng khắc ngày xưa đút cơm cho những đứa em của mình. Chị nhớ rõ đứa nào thích ăn gì, tính nết ra sao.
Nhớ lúc chạy giỡn trong khoảng sân nhỏ cùng nhau giờ không biết họ lưu lạc phương trời nào và có bình an không? Hiểu nỗi khổ tâm bao năm của chị Thu các con chị cũng giúp mẹ bằng mọi cách họ có thể.
Từ những phương tiện thông tin hiện đại đến nhờ cả đại sứ quán giúp đỡ, nhưng thông tin qúa ít ỏi và trôi qua nhiều năm nên sự tìm kiếm của họ cũng rơi vào im lặng.
Peter, Mary và Ann hiện tại cũng đã có gia đình và con cái họ khác xưa hoàn toàn. Vốn Việt Ngữ của họ gần như là mất hết, ngoại trừ Mary do làm quản lý ở một hãng có nhiều người Việt nên cô còn nói được chút ít. Nhưng ba người họ vẫn không quên người mẹ và chị của mình. Họ về Việt Nam rất nhiều lần nhờ sự giúp đỡ của nhiều nơi, nhắn tin trên báo để tìm kiếm nhưng tất cả vẫn không có tin tức gì, họ cũng không có nhiều manh mối để mở rộng việc tìm kiếm…
Năm 2010 Peter lúc này đã 48 tuổi nhân dịp nghỉ thường năm anh ta dẫn theo cô vợ người Mỹ của mình là Jessica về Sài Gòn du lịch.
Lần đó khi đang ngồi trên chuyến xe tham quan của một đoàn du lịch chuẩn bị đi đến điểm vui chơi theo lịch trình. Là người vui tính Peter trò chuyện cùng anh hướng dẫn viên là ngày xưa mình được sinh ra ở Sài Gòn. Nhắc về kỷ niệm vô tình Peter nói rằng quê ngoại ở Xào Bân bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ. Có một vị khách lớn tuổi trong đoàn nghe được. Ông ta nói là ông ta biết một nơi trước kia gọi là Xẻo Bần chứ không phải là Xào Bân. Đó là một làng nhỏ do dân địa phương tự đặt tên ấy vì có cái rạch nhỏ chảy cắt ngang qua. Mà bây giờ không còn ai gọi là Xẻo Bần nữa họ gọi bằng tên một thị trấn khác.
Không biết có cái gì xui khiến Peter vội lấy giấy bút ra và nhờ ông ta ghi lại chính xác nơi đó bằng cái tên hiện hành ngày nay. Bỏ dở chuyến đi chơi Peter cùng vợ ngược về Sài Gòn tìm đến trung tâm lữ hành du lịch và ngỏ ý muốn thuê một hướng dẫn viên thông thuộc miền Tây để đi đến địa danh mà vị khách lạ cho.
Khi họ đến nơi thì gần như không còn vết tích nào giống trong ký ức của Peter. Anh ta nhớ ngày xưa phải đi bằng thuyền nhỏ và cây cỏ hoang dại. Còn nơi anh ta đến ngày nay là thị trấn sầm uất đông đúc xe cộ chạy xuôi ngược.
Thấy vẻ thất vọng của Peter anh hướng dẫn viên cũng không biết làm sao hơn đành cùng người tài xế chở hai vợ chồng ông khách người Mỹ đi loanh quanh cho đúng theo trình tự một chuyến tham quan. Xe chạy dọc những con lộ nhỏ và anh hướng dẫn viên giảng giải đây là một vùng chuyên về trồng trái cây.
Chợt lúc đó chuông nhà thờ đổ hồi chuông ban trưa thông lệ. Như có một thứ giác quan mách bảo Peter đòi được đến nơi đó. Cả nhóm họ rời xe đi bộ trên con đường làng khi đứng trước căn nhà thờ có tuổi thọ gần cả trăm năm được xây từ thời Pháp đô hộ. Peter gần như là không kèm được sự xúc động bởi anh ta nhận ra đây đúng là quê ngoại mình mà ngày xưa anh được mẹ dẫn về. Qua bao nhiêu năm nhưng cũng may là cái nhà thờ ấy vẫn không thay đổi hình dáng kiến trúc cũ. Nhất là cái vị trí nằm ngay ngã ba sông rất đặc biệt.
Peter nhớ một cách rõ ràng như vậy do có một lần khi về quê chị lớn là Thu dẫn em trai mình đến đây chơi. Đang vui đùa chợt Peter tự nhiên bị chảy máu cam không rõ nguyên nhân khiến Thu hốt hoảng cầu cứu. Chính một vị ma-soeur hiền lành đã kêu Peter nằm ngay xuống trước sảnh nhà thờ và ngước mặt lên ngay cho máu ngừng chảy, trong khi bà đặt chiếc khăn lạnh trên trán của Peter để hạ nhiệt độ. Theo trong trí nhớ của Peter nhà bà ngoại đi bộ cách đó một đoạn nhưng hướng nào thì anh ta mơ hồ không nhớ nổi.
Vốn nhạy bén sau một hồi suy tính Peter nhờ anh hướng dẫn viên hỏi thăm những ai nhiều tuổi từng sống nơi đó về người đàn bà có tên Ba Thơm có con gái tên Thu. Nhưng già trẻ không một ai biết bởi ngày trước chị Ba Thơm chỉ thỉnh thoảng về thăm quê rồi đi. Số người còn lại họ đến ở nơi đây mới độ hai, ba chục năm thì làm sao biết chuyện ngày xưa cũ. Thêm nữa ở quê người ta thường gọi theo thứ ít ai gọi tên nên chẳng ai biết người đàn bà mà Peter muốn kiếm là ai.
Cuối cùng Peter chỉ còn cách ghi lại địa chỉ khách sạn ở Sài Gòn nơi mình trú ngụ cùng số điện thoại cá nhân đang tạm dùng trong thời gian ở Việt Nam. Peter hứa sẽ hậu tạ cho bất cứ ai có tin tức về hai người mình đang cần tìm. Đúng lúc kẻ ghi người viết thì có một người đàn bà đứng tuổi đi chợ về ngang do tò mò bà ta rẽ đám đông vào xem. Khi biết rõ câu chuyện bà ta chậm rãi nói:
- Tui biết có chị kia ở cạnh nhà bà sui gái của tui. Nghe đâu tên của chỉ là Hai Thu mà tui không nghe chỉ có anh chị em chi hết. Chị mới về đây sống độ mấy năm thôi không biết có phải chị Thu gì mà ông ấy muốn kiếm không?
Nhà chị ấy tuốt dưới xóm dưới đường hơi khó đi một chút.
Sau khi nghe anh thông dịch nói lại, không bỏ sót một tia hy vọng vào, Peter vội khẩn khoản bà ấy giúp mình. Họ chọn ra giải pháp cả nhóm sẽ ngồi ở quán cafe đầu chợ, trước là chờ gặp người tên Thu mà người đàn bà ấy vừa nói, sau là uống ít nước và nghỉ ngơi tạm bởi vì nhóm họ đều thấm mệt sau hàng nửa ngày trời đi tới đi lui. Người đàn bà kia thì lên một chiếc xe honda ôm đã được Peter trả tiền tới nhà chị Thu và nhắn chị ấy có người cần gặp ngồi chờ nơi quán nước trước cổng chợ.
Buổi xế trưa, sau bữa cơm chị Thu đang cho mấy con gà ăn trước sân như thường nhật chợt có tiếng xe honda dừng trước cửa. Khi nghe nói có ông tóc vàng mắt xanh cần gặp một người tên Thu trước sống ở Sài Gòn và cở bằng độ tuổi của chị vì có chuyện cần, chị hai Thu đã luống cuống tay chân, buông luôn cái thau đựng cơm nguội xuống sân nhà. Chị không kịp cám ơn người đàn bà tốt bụng mà vội chạy vào lấy cái nón lá và lên tiếng gọi ông chồng mình đang lui cui sau vườn. Tay chị run rẩy đến nổi không thay nổi cái áo bà ba nên chị mặc nó tròng đôi vào cái áo đang bận. Chị lập cập không giấu được vẻ hồi hộp của mình khi ngồi lên chiếc xe do chồng mình nổ máy chờ sẳn chạy vội ra chợ.
Ở quán cafe mọi người không dấu được ánh mắt tò mò trước hai vị khách ngoại quốc đang ngồi chờ như ngóng trông ai đó. Xe ngừng trước quán chị Thu bươn bả đi vào, đám đông khẽ nhích ra nhường lối cho chị. Nãy giờ đi ngoài trời chói nắng nên chị lột vội cái nón lá quẳng vô góc để nhìn cho rõ, Peter cũng vội vã đứng lên. Không cần phải nói hay hỏi han điều gì chỉ cần nhìn mặt Peter chị Thu đã biết đó chính là em trai của mình bởi Peter giống cha anh ta John Simth thuở xưa như tạc. Chị Thu khóc ngất nói trong tiếng nấc:
- Em ơi... Phú ơi...
Cơn xúc động dâng lên cao độ khiến chị Thu loạng choạng như muốn ngất. Peter vội đỡ lấy chị mình dìu chị ngồi xuống ghế anh ta cũng khóc khi nhìn gương mặt của chị Thu với những đường nét của mẹ mình ngày xưa.
Nhoài người tới ôm lấy người chị của mình Peter lắp bắp bằng một thứ tiếng Việt ngọng nghịu:
- Chị... chị Hai... Phú nè...chị chị Hai …
Tiếng chị Thu mếu máo ngắt quãng từng chập:
- Mẹ mong chờ mấy em biết bao nhiêu... hu…hu... mẹ mất rồi em ơi.
Trong khi Jessica vợ của Peter nhẹ đưa cánh tay vỗ vỗ lên lưng chồng mình như sẻ chia dù cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra cũng như người đàn bà kia nói gì, thì chồng chị hai Thu biết rõ câu chuyện hơn do vợ mình thường kể nên anh cố giấu đi vẻ xúc động bằng cách nói như phân bua:
- Em của vợ tui, chị em ruột ấy thất lạc mấy chục năm rồi không tin tức chi hết.
Nhìn thấy một ông ngoại quốc cao lớn nắm chặt tay một người đàn bà Việt Nam mảnh mai miệng chỉ lắp bắp được vài chữ ''chị ơi…'', một số người trong quán hôm ấy khẽ lén lau đi giọt nước mắt vừa ứa ra.
*****
Một buổi tối của hai tháng sau.
Nhà chị Thu đèn đuốc mở sáng choang nhiều người đi tới đi lui. Mấy bà chị thì nhỏ to dưới bếp bên cạnh nồi cháo gà và vài món ăn nhẹ.
Họ lo không biết những ông bà người Mỹ ở nhà trên có ăn được những món ăn Việt Nam không và nêm nếm như vậy có vừa khẩu vị của họ chưa. Vài người trẻ trong xóm ngồi ngoài mấy cái ghế tre trước hiên của nhà chị Thu.
Đôi ba ông cụ bà cụ lớn tuổi một chút ngồi trong phòng khách cùng chị hai Thu, Peter, Mary và Ann. Họ tới mừng cho chị khi nghe được tin chị em trùng phùng sau bao năm và tò mò chờ nghe câu truyện có phần hơi ly kỳ của họ.
Bốn chị em của chị Thu ngồi trên bộ đi văng nói chuyện với nhau. Mary còn nói được chút ít tiếng Việt, Peter và thì nhớ được một vài câu xã giao ngọng nghịu. Riêng Ann thì không nhớ một câu nào, cả ba người họ phải nói qua người phiên dịch đang ngồi trên cái ghế nhỏ cạnh đó. Chị hai Thu đưa khăn lên lau nước mắt khi nghe Peter kể sau khi ba chết họ về sống cùng ông bà ở nơi mới, đi học Peter hay bị bọn trẻ chọc ghẹo kỳ thị vì là con lai khiến cậu ta đánh nhau đến nổi chút nữa thì bị đuổi học. Chị lại cười khi Mary nói lúc về Mỹ muốn ăn trứng ấp chảo với cháo trắng như ngày xưa mẹ nấu ở Việt Nam nhưng đành chịu vì không biết cái trứng đó tên là gì. Bao nhiêu năm Mary luôn cảm thấy tủi thân và không vui khi ai đó hỏi về nguồn cội bởi Mary không biết trả lời họ ra sao.
Ra vẻ ái ngại Ann nhìn họ rồi khẽ nói, qua người thông dịch rằng:
''Lúc đầu khi nhìn những tấm ảnh cũ ố vàng ngày xưa và nghe anh Peter thông báo tìm được chị và nhắn thu xếp về gặp nhau, cô được một vài người khuyên nên cẩn thận để tránh sự nhầm lẫn thậm chí biết đâu chừng đó là sự giả trá, lường gạt. Vì khi đi cô là người nhỏ tuổi nhất rồi sống ở môi trường không có người Việt nên ký ức về chị trong cô không còn được rõ nét như hai anh chị mình, nên cô thật sự có phần dè dặt, không tin lắm, nhưng trên đường về đây khi ghé qua quán ăn tạm ở dọc đường, chị hai Thu đã ngăn cô lại khi cô định ăn một bát súp. Chị ấy nói rằng súp đó được nấu bằng tôm mà chị biết rõ Ann từ nhỏ đã dị ứng với đồ biển. Rồi chị nhờ người thông dịch hỏi giúp chị vết sẹo trên đùi Ann có biến mất theo thời gian không hay là to hơn.
Ann cố ý hỏi vặn lại vết sẹo gì? Chị Hai Thu nói ngày trước Ann từng bị té vào chậu hoa sau vườn nhà nên đùi có một vết thẹo khá dài, chính chị đã băng lại giúp cô. Ann đưa khăn giấy chậm nước mắt, bằng vẻ bối rối, xúc động cô ngỏ lời xin lỗi chị mình vì những nghi ngờ trước đó. Bởi bây giờ cô đã tin chị thật sự là chị Hai của cô ngày xưa. Ann hứa với chị khi về Mỹ sẽ cố gắng học thêm ít tiếng Việt để có thể trực tiếp nói chuyện với chị mà không cần phiên dịch.
*****
Sáng hôm sau khi tia nắng bình minh vừa hiện ra ở chân trời, gió dìu dịu mùi sương sớm.
Trước ngôi mộ của dì Ba Thơm nơi phần đất hương hỏa giữa đồng, bốn mái đầu rấm rức khóc và cúi lặng thật lâu. Trong mùi hương trầm và những bó hoa thơm lan tỏa lãng bãng, tiếng chị hai Thu nghèn nghẹn khấn:
- Má...con dẫn mấy em đến thăm má. Xin má linh thiêng phù hộ độ trì cho chị em con và xin má an lòng yên nghỉ.
Một ngày cuối chiều ở sân bay, khi tiếng loa thông báo nhắc nhở tên ba vị khách còn lại của chuyến bay về Mỹ nhanh chóng ra cửa khởi hành. Vòng tay của chị em họ lại vội vã ôm lấy nhau giữa khóc - cười họ hứa sẽ quay lại sớm vào một ngày nào đó cùng gia đình của mình.
Mary vội nói cùng chị bằng cái âm chưa chuẩn và quơ tay như minh họa cho lời nói:
- Em biết Việt Nam gọi ngày chết là đám giỗ rồi. Đám giỗ má vào mùng 9 sau tết Việt Nam. Tụi em sẽ về vào ngày đó hằng năm. Chị Hai yên tâm giữ sức khoẻ.
Mắt chị Hai Thu vẫn còn đỏ và đầy nước nhưng miệng chị cười tươi. Chị đưa cánh tay lên lưu luyến vẩy theo dáng những đứa em của mình đang khuất dần sau cánh cửa kiếng.
Có một dịp tình cờ nào đó sau tết âm lịch trong cái không khí hãy còn Xuân, bạn chợt ngang qua một thị trấn nhỏ xinh đẹp thuộc một tỉnh miền Tây đồng bằng sông Cửu Long, đi tới cái xóm nhỏ mà địa danh ngày xưa gọi là Xẻo Bần vô tình bạn nhìn thấy một nhóm người trên đường làng hay trong cái quán Phở ở chợ. Nhóm người đó trung niên có, trẻ có, tây ta lẫn lộn. Đôi khi cô gái trẻ tóc vàng mắt xanh cao lớn đang cố trọ trẹ học câu tiếng việt từ một cô Việt Nam cũng còn khá trẻ. Rồi cũng có lắm lúc cô gái Việt Nam nói những câu Anh ngữ để giải thích sự việc gì đó cho cô gái kia. Thỉnh thoảng hai người trung niên lại nói tiếng Việt bằng một âm điệu chưa chuẩn lắm làm bà chị của họ bật cười.
Bạn đừng lấy làm ngạc nhiên bởi đó chính là đại gia đình của chị em họ và con cái thuộc thế hệ kế.
Những người họ khác biệt nhau về ngôn ngữ, chủng tộc, tập quán và ở cách xa nhau nửa quả địa cầu, hàng chục giờ bay. Nhưng họ có chung một thứ, đó chính là dòng máu chảy trong huyết quản của họ có sự hiện diện của cái gọi là ruột thịt tình thâm.
Cuối cùng thì tất cả các dòng sông đều trở về biển như một quy luật muôn đời....
Ruột thịt tình thâm.
Nguồn: FB TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM