CHỊU CHỨC THÁNH VỚI ỦY NHIỆM THƯ GIẢ MẠO CÓ THÀNH SỰ KHÔNG?
Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng
Có người cho rằng một người dùng ủy nhiệm thư giả mạo để chịu chức thánh thì chịu chức thánh là vô hiệu, do lừa gạt. Tuy nhiên, chiếu theo Giáo luật, hành vi phong chức này là bất hợp luật (illicit), bị phạt theo luật hình sự, nhưng chức thánh đã nhận lãnh vẫn được hữu hiệu (valid).
1. Phong chức thánh do man trá vẫn hữu hiệu
Để kết luận một hành vi pháp lý là vô hiệu hay bất thành cần có sự minh nhiên ấn định rõ ràng của Giáo luật. Nguyên tắc căn bản này được quy định ở quyển I của Bộ Giáo luật:
Điều 10. Chỉ những luật nào minh nhiên ấn định rằng một hành vi không có hiệu lực hoặc một người không có khả năng, thì mới được xem là luật bãi hiệu hoặc luật bãi năng.
Ngược lại, nếu điều luật mà không minh nhiên ấn định một hành vi là vô hiệu hay bất thành, hoặc người không có khả năng thì không được phép xác nhận hành vi đó là vô hiệu hay một người không có khả năng.
Ví dụ vài luật sau đây là luật bãi hiệu, vì có những xác định minh nhiên: "bất thành", "để được hữu hiệu":
Điều 977. Giải tội phạm điều răn thứ sáu cho người đồng loã thì bất thành, trừ trường hợp nguy tử.
Điều 1085§1. Người đang bị ràng buộc bởi dây hôn nhân trước, dù chưa hoàn hợp, thì kết hôn cũng bất thành.
Điều 656. Để được hữu hiệu, việc khấn tạm đòi buộc:
10 Người sắp tuyên khấn tối thiểu phải được mười tám tuổi trọn;
20 Việc tập tu đã được thực hiện hữu hiệu;
30 Việc nhận cho khấn phải được tự do thực hiện do bề trên có thẩm quyền với sự biểu quyết của ban cố vấn chiếu theo quy tắc của luật;
40 Lời tuyên khấn phải được phát biểu cách minh nhiên và không do bạo lực, sợ hãi nghiêm trọng hoặc man trá;
50 việc nhận lời khấn phải được thực hiện do chính bề trên hợp pháp, hoặc nhờ một người khác.
Tuy nhiên, không có một điều luật nào quy định tổng quát rằng một hành vi thực hiện do man trá, hoặc quy định riêng cho phong chức thánh do man trá thì hành vi bị vô hiệu.
Đối với ứng viên thánh chức, Giáo luật chỉ có quy định là người nam đã được Rửa tội:
Điều 1024. Chỉ có người nam đã được Rửa Tội mới nhận lãnh thành sự bí tích truyền chức thánh.
Ngoài quyền phong chức thánh cách hữu hiệu thuộc về vị có chức thánh Giám mục và việc cử hành phong chức hữu hiệu theo thể thức giáo luật (forma canonica), Giáo luật chỉ kể ra những trường hợp bất hợp luật để chịu chức (đ. 1041) và bất hợp luật để thi hành chức thánh nếu đã chịu chức (đ. 1044), chứ không kể ra những trường hợp phong chức vô hiệu.
Ví dụ: Đ. 1041,40 quy định "Người đã phạm tội sát nhân hoặc phá thai có hiệu quả và mọi người cộng tác tích cực vào các tội đó" thì bị ngăn trở bất hợp luật để chịu chức, nghĩa là, tự động bị cấm được truyền chức, và nếu đã được truyền chức thì tự động bị cấm thi hành chức thánh. Quyền giải ngăn trở bất hợp luật này (đ. 1041,40) thuộc về Tòa Thánh dù tội còn trong bí mật hay công khai (đ. 1047).
Quyền phong chức thánh cách thành sự hệ tại ở thánh chức Giám mục. Do đó, những Giám mục trong những ly giáo vẫn phong chức cách thành sự các thánh chức giám mục, linh mục, phó tế, mặc dù Giám mục đó đang mắc vạ tuyệt thông.
Trong khi về Bí tích hôn phối có quy định 12 ngăn trở làm cho hôn nhân vô hiệu, về khấn dòng có những quy định những điều kiện để thành sự, còn đối với chức thánh, lại chỉ có một vài quy định bất thành. Tại sao có sự khác biệt như vậy?
Có thể giải thích rằng, khi kết hôn hay tuyên khấn thì hai bên kết ước với nhau. Theo lẽ tự nhiên sự kết ước phải được thực hiện trong sự hoàn toàn tự do ưng thuận, không bị áp lực hay man trá... Trong các Bí tích này, Giáo luật quy định bất thành khi có sự khiếm khuyết tự do, bị áp lực hay man trá...
Còn đối với Bí tích Truyền chức thánh, thụ nhân nhận lãnh một ân ban, một chức vị từ trên ban xuống, qua thẩm quyền của Giáo hội. Do đó Giáo luật không quy định sự truyền chức bất thành cho dù được thực hiện trong sự thiếu tự do hay sự bị nhầm lẫn, lừa gạt...
Trong những trường hợp truyền chức bị khiếm khuyết về ý chí tự do, bị nhầm lẫn, do lừa gạt, Giáo hội không tuyên bố chức thánh bất thành nhưng lại có thể ban ơn cho phép ra khỏi hàng giáo sĩ nếu giáo sĩ đó xin, hoặc Giáo hội trục xuất một người ra khỏi hàng giáo sĩ do phạm tội nghiêm trọng.
Khi một người ra khỏi hàng giáo sĩ, chức thánh vẫn còn nhưng không được thi hành thánh chức, trừ việc giải tội cho người nguy tử (đ. 986§2).
2. Bị phạt vạ
Khi truyền chức với ủy nhiệm thư là giả mạo thì được kể là sự truyền chức này không có ủy nhiệm thư hợp pháp. Vì vậy, người thụ phong bị vạ huyền chức tự động do chính sự kiện (đ. 1388§1).
Vị Giám mục phong chức, nếu không có quyền phong chức theo luật quy định hoặc không có văn thư ủy nhiệm hợp pháp thì bị cấm truyền chức một năm.
Điều 1388. §1. Giám mục nào vi phạm quy định của điều 1015, phong chức cho một người thuộc quyền một Giám mục khác mà không có ủy nhiệm thư hợp pháp, thì bị cấm truyền chức trong hạn một năm. Còn người được thụ phong tự động bị huyền chức do chính sự kiện lãnh nhận chức thánh.
Tuy nhiên, nếu vị Giám mục phong chức vô tình không biết là ủy nhiệm thư giả mạo thì không bị cấm truyền chức.
3. Tạo ra, sử dụng ủy nhiệm thư giả mạo
Người làm ra văn thư ủy nhiệm giả và người sử dụng văn thư ủy nhiệm giả sẽ bị phạt theo điều 1391.
Điều 1391
Những người sau đây phải bị phạt với những hình phạt dự liệu ở điều 1336 §§2-4, tuỳ theo mức nghiêm trọng của tội phạm:
10 Người giả mạo một tài liệu công thuộc Giáo hội, hoặc sửa đổi, hủy bỏ, cất giấu bản chính thức, hoặc sử dụng bản giả mạo hay đã bị sửa đổi;
20 Người sử dụng một tài liệu nào khác, giả mạo hay bị sửa đổi trong một sự việc thuộc Giáo hội,
30 Người khẳng định một điều nào đó là sai lạc trong một tài liệu công thuộc Giáo hội.
Thông thường, thuộc thẩm quyền Giám mục giáo phận ra hình phạt, hoặc bằng sắc lệnh hành pháp hoặc bằng phán quyết tư pháp, tức là trao cho tòa án giáo phận xét xử và ra bản án.
Tuy nhiên, hình phạt trục xuất ra khỏi hàng giáo sĩ, là hình phạt có tính chung thân, Giám mục giáo phận hay thẩm phán không có quyền tuyên phạt (đ. 1342,§2; đ. 1349).
Vì vậy, ở mức độ tội phạm nghiêm trọng, gây scandal lớn Bản quyền nên khởi tố phạm nhân lên Bộ Giáo Lý Đức Tin. Bộ Giáo Lý Đức Tin có thẩm quyền xét xử những tội phạm chống lại đức tin, cũng như những tội nghiêm trọng hơn phạm đến luân lý và trong việc cử hành các bí tích (x. Norms on delicta graviora, Art. 1§1).
Ở mức độ nghiêm trọng nhất, Bộ sẽ đệ trình trực tiếp lên Đức Giáo Hoàng, để ngài quyết định trục xuất ra khỏi hàng giáo sỹ và ban miễn chuẩn luật độc thân (x. Norms on delicta graviora, Art. 21).
==========================
Ghi chú:
Bộ Giáo lý Đức Tin sẽ không nhận xử vụ án duy chỉ về tội tạo ra hay sử dụng văn thư công giả mạo, vì tội này không thuộc những tội được dành riêng cho Bộ. Các tội dành riêng đó được gọi là "tội nặng hơn", ví dụ như lạc giáo, ly giáo, bội giáo, ném bỏ MTC với ý nhạo báng, không có chức linh mục mà dám cử hành Thánh Lễ, vi phạm ấn tín Tòa Giải tội, child abuse...(x. Norms on delicta graviora).
Tuy nhiên, dựa vào nguyên tắc chung là Bộ Giáo Lý Đức Tin có thẩm quyền xét xử những tội phạm chống lại đức tin, cũng như những tội nghiêm trọng hơn phạm đến luân lý và trong việc cử hành các bí tích (x. Norms on delicta graviora, Art. 1§1), thiết nghĩ Bộ sẽ nhận vụ án một cách đặc biệt, nếu phạm nhân gây scandal và thiệt hại nghiêm trọng cho Giáo hội.
Ngoài ra, một giáo sĩ vi phạm tội nghiêm trọng cũng có thể bị Bộ Giáo Sĩ phạt trục xuất ra khỏi hàng giáo sĩ, do những năng quyền đặt biệt (facoltà speciali) mà Bộ được Đức Giáo Hoàng ban cho. (Xem RELAZIONE SULLA PRASSI INTERNA PER LA TRATTAZIONE DEI CASI PRESENTATI A NORMA DELLE FACOLTÀ SPECIALI CONCESSE ALLA CONGREGAZIONE PER IL CLERO, thấy ở http://www.clerus.va/content/dam/clerus/Plenaria%202017/03%20-%20Facolta%CC%80%20Speciali.pdf).
Hồ Hữu Hòa nhập tịch vào Giáo phận Maasin có hữu hiệu không?
Khi chịu chức phó tế, một người buộc phải nhập tịch vào một Giáo hội địa phương hay một hội dòng hay một Tu đoàn ĐSTĐ (đ. 256). Như vậy, khi chịu chức phó tế ngày 7-9-2022, thầy Hồ Hữu Hòa nhập tịch vào Giáo phận Vinh. Sau đó, khi được phong chức linh mục, vào ngày 7-12-2022, Hồ Hữu Hòa vẫn thuộc Giáo phận Vinh.
Theo như thư của Giám mục Giáo phận Maasin viết, ngày 17-2-2023, Hoà được ngài nhận cho nhập tịch vào Giáo phận Maasin vào ngày 15-1-2023, sau khi Hòa chịu chức linh mục.
Giáo luật điều 267 có quy định những điều kiện để việc nhập tịch được hữu hiệu, nghĩa là, nếu không đủ điều kiện thì việc nhập tịch bị vô hiệu.
Điều 267
§1. Để được nhập tịch hữu hiệu vào một Giáo Hội địa phương khác, một giáo sĩ đã nhập tịch rồi cần phải có văn thư xuất tịch của Giám Mục Giáo Phận do chính ngài ký tên; và cũng phải được Giám Mục Giáo Phận của Giáo Hội địa phương tại nơi giáo sĩ ước muốn nhập tịch ban văn thư nhập tịch do chính ngài ký tên.
§2. Như vậy, việc xuất tịch được cấp chỉ có hiệu lực sau khi đã được nhập tịch vào một Giáo Hội địa phương khác.
Dựa theo điều 267 nói trên, sự nhập tịch của linh mục Hòa vào Giáo phận Maasin là vô hiệu, vì thiếu văn thư xuất tịch của Giám Mục Giáo Phận Vinh do chính ngài ký tên.
Giả sử là linh mục Hòa có trình văn thư xuất tịch của Giám Mục Giáo Phận Vinh ký, thì có thể kết luận rằng văn thư ấy là giả tạo, được suy đoán cách hữu lý do những sự kiện đã diễn ra.
Như vậy, linh mục Hồ Hữu Hòa vẫn thuộc Giáo phận Vinh.
Trái lại, nếu như các văn thư ủy nhiệm truyền chức phó tế, linh mục và văn thư cho phép xuất tịch đều do Đức Cha Gp Vinh ký một cách thực sự, thì Hồ Hữu Hòa và cha Chưởng ấn đã đem các văn thư này ra để biện minh cho mình và chống lại Đức Cha. Cho nên văn thư minh định của Đức Cha Gp Vinh là đúng sự thật.