"Sự trở về của đứa con hoang đàng", tuyệt tác được biết đến nhiều nhất của Rembrandt
Tý Linh
2023-03-12T04:15:26-04:00
2023-03-12T04:15:26-04:00
http://cuucshuehn.net/Nghe-thuat-khac/su-tro-ve-cua-dua-con-hoang-dang-tuyet-tac-duoc-biet-den-nhieu-nhat-cua-rembrandt-12593.html
http://cuucshuehn.net/uploads/news/2023_03/return_of_the_prodigal_son.jpg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Chủ nhật - 12/03/2023 04:10
"Sự trở về của đứa con hoang đàng" (The Return of the Prodigal Son), tranh sơn dầu (206 x 262 cm), vẽ năm 1668, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hermitage, Saint Petersburg, Nga, được xem là bản di chúc tinh thần của Rembrandt (1606-1669), và ngay từ khi mới ra đời, đã được xem là một kiệt tác hội họa của nhân loại.
Bức tranh mô tả một trong những dụ ngôn của Chúa Giê-su, được thuật lại trong Phúc âm Lu-ca 15: 11-32.
“Đứa con hoang đàng là hình ảnh khá phổ biến trong các gia đình Thiên Chúa Giáo xưa nay, khi những đứa con đến tuổi trưởng thành quyết liệt khước từ niềm tin truyền thống của gia đình, bất kể những nỗ lực của cha mẹ dìu dắt con cái họ từng bước lớn lên trong đức tin, cùng những lời cầu nguyện thấm đẫm tình yêu dành cho đứa con yêu dấu. Kiêu hãnh và mạnh mẽ, chàng trai tìm đến những vùng đất xa lạ, buông mình vào các cuộc phiêu lưu, và háo hức dò tìm các giá trị mới, cho đến khi ngã quỵ trước thất bại và tuyệt vọng. Khi ấy, đứa con hoang đàng mới nhận biết hơi ấm vòng tay ôm của người cha là quý biết bao.”
“Đây là một trong những dụ ngôn được biết đến nhiều nhất của Chúa Giê-su, chỉ được chép lại trong Phúc âm Lu-ca, làm nổi bật thông điệp thần học của Phúc Âm này: Tình yêu và ân điển của Thiên Chúa được ban cho vô điều kiện. Sự tha thứ dành cho người con không dựa trên công đức, vì từ đầu cho đến cuối câu chuyện, khó có thể tìm thấy bất cứ việc lành nào chàng trai đã làm. Chỉ cần hành động quay về trong hối cải là đủ cho tấm lòng bao dung của người cha vẫn hằng mong đợi con mình.”
Chiêm ngắm bức tranh, bạn thấy hình một người đàn ông mặc áo choàng đỏ, hai bàn tay để một cách âu yếm trên vai người con ăn mặc lôi thôi lếch thếch đang quỳ trước mặt ông. Người xem bị thu hút bởi bầu khí thân mật của hai nhân vật, bởi hơi ấm toát ra từ chiếc áo choàng đỏ của ông, bởi màu vàng óng ánh áo người con và bởi ánh sáng huyền bí bao phủ cả hai. Nhưng trên hết là đôi bàn tay của ông đặt trên vai người thanh niên.
Bạn thấy những vết gấp mờ mờ… nhưng trên hết là vòng tay ôm sáng láng của người cha và người con bên cạnh ba người huyền bí đứng xem…Vòng tay ôm của người cha, sự hiện diện của các nhân vật nhập cuộc tích cực trong biến cố huyền diệu của giải hòa, của tha thứ và của chữa lành nội tâm.
Ba nhân vật: một người đàn bà và hai người đàn ông đứng xung quanh khoảng không gian sáng ngời bao trùm cảnh người cha đón người con hoang đàng trở về… Đến đây, bạn và tôi hãy trở về với tiến trình thiêng liêng của mình, đã bấy lâu nay bạn và tôi biết đâu đã đóng vai khán giả, cố gắng thuyết phục người nọ người kia sống theo con đường thiêng liêng, nhưng chính mình lại không dám đi ra khỏi bóng tối, đến quỳ trong ánh sáng, để Thiên Chúa của thứ tha ôm chặt bạn và tôi vào lòng.
Người đàn bà đứng đàng sau, xa xa người cha; người đàn ông ngồi tia nhìn cố định, không nhìn thẳng vào ai; người đứng còn ném ánh nhìn phê phán vào bối cảnh; đó là những thái độ không muốn liên hệ vào sự việc. Họ đi từ thờ ơ đến hiếu kỳ, từ mơ mộng đến quán sát, từ ánh nhìn cố định đến chiêm ngắm, cảnh giác hay dò xét; từ đứng đàng sau, lưng dựa vào tường, ngồi khoanh tay hay đứng vòng tay, tất cả những tư thế này nói lên rằng họ không liên hệ vào. Có người cho rằng, người đàn ông đứng, hai tay ôm lấy chính mình, thay vì mở ra đón người anh em, không ai khác hơn chính là người anh cả trong dụ ngôn “Người con hoang đàng” mà thánh Luca đã kể lại. Chiếc áo khoác anh mang trên người khắc hẳn chiếc áo của người cha. Chiếc áo của cha thì trải rộng như muốn ôm choàng lấy con; còn chiếc áo của người anh cả bó sát lấy con người của anh. Anh chỉ biết có bản thân mình, chẳng muốn sẻ chia, chẳng muốn người khác được yêu thương, được may mắn hơn mình.
Bức tranh này chính là trọng tâm câu chuyện Thiên Chúa muốn nói với dân Người, rằng Thiên Chúa yêu thương loài người chúng ta.
Ngắm kỹ bức tranh chúng ta hẳn khám khá điều này: người cha ôm người con vào lòng với một cử chỉ trắc ẩn và thứ tha trọn vẹn. Một người cha không đặt câu hỏi và chỉ biết đón con về nhà. Nhìn người con gục đầu vào lòng cha, tôi trộm nghĩ, dường như, dường như anh đang được cha anh sinh lại một lần nữa. Cũng có thể lắm, vì không phải vô tình mà người họa sĩ tài ba đã vẽ người con trở về với một cái đầu gần như đầu của một trẻ sơ sinh.
Nhìn người con hoang đàng qùy gối trước mặt người cha, ép mặt vào ngực ông, chúng ta không thể không thấy người nghệ sĩ ngày xưa danh vọng là thế, tự tin là thế mà có một ngày ý thức một cách khổ nhọc rằng tất cả danh vọng mà ông tạo cho mình là phù phiếm. Thay vào những bộ quần áo lố lăng kỳ cục mà chàng trai trẻ Rembrandt đã mặc lúc tiền của dư dật, thì bây giờ chỉ mặc một áo choàng rách che không kín thân hình gầy guộc, hom hem và đôi dép mòn đến hết đế, mòn đến nỗi không thể dùng được.
Đôi bàn tay: Rembrandt không vẽ chân dung Thiên Chúa như một người cha có óc gia trưởng trong gia đình. Tất cả bắt đầu với đôi bàn tay, đôi bàn tay này chẳng giống nhau.
Bàn tay trái đặt trên vai người con là một bàn tay cứng cáp, các ngón tay xòe ra và ôm trọn một phần lớn vai và lưng của người con trở về. Bàn tay ấy, nhất là ngón cái, không những cho con niềm tin mà còn như tiếp thêm sức mạnh cho con. Đó là bàn tay cương nghị. Hãy can đảm, đã có cha bên con. Đừng sợ điều gì.
Bàn tay phải của người cha thì khác hẳn, nó không nói lên cử chỉ cầm lấy hay giữ chặt. Bàn tay phải không gì khác chính là bàn tay của người mẹ. Nó nhỏ nhắn, xinh đẹp và dịu dàng. Các ngón tay khép lại rất thanh lịch, đặt nhẹ lên vai và lưng người con, như muốn vỗ về, nâng niu, an ủi.
Sự khác biệt của đôi bàn tay mở ra cho ta cả một chân trời ý nghĩa. Người cha không những là người trưởng gia, mà còn là người mẹ nữa. Người cha nâng đỡ, người mẹ vuốt ve. Người cha kiên định, người mẹ ủi an. Đó chính là Thiên Chúa. Trong Người, phụ tử và mẫu tử cùng hiện diện.
Ngoài ra còn một điều lý thú nữa, bàn tay người mẹ vuốt ve ở cùng bên chân trần và bị thương của con, trong khi đó bàn tay mạnh có nam tính ở phía chân có mang dép. Điều đó cho phép chúng ta nghĩ rằng một bàn tay thì che chở phần yêu đuối của con người, còn bàn tay kia nâng đỡ phần mạnh mẽ muốn sống một đời sống mới.
Chiếc áo choàng đỏ màu nóng ấm và hình vòng cung như soạn sẵn một nơi cho con nương tựa, như chiếc lều mời gọi người lữ khách mỏi mệt dừng chân. Chiếc áo ấy tựa như đôi cánh gà mẹ che chở cho gà con trú ẩn…
Tý Linh (Nguồn: Wikipedia và Jostanson's Blog)