Tháng Mười, Tháng Mân Côi.

Chủ nhật - 02/10/2011 11:17

-

-
Qua bài viết nầy, vào Tháng Mười, Tháng Mân Côi, để tôn vinh Đức Mẹ là Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, chúng tôi xin trích lược đôi điều tìm hiểu về Kinh Kính Mừng và Chuỗi Mân Côi; Lễ Đức Mẹ Mân Côi; Tháng Mân Côi; các ơn ích Chuỗi Mân Côi và đọc kinh lần hạr theo ý chỉ Hội Thánh. [Trần Văn Trí AN43]
NỮ VƯƠNG RẤT THÁNH MÂN CÔI
Cầu Cho Chúng Con

Qua bài viết nầy, vào Tháng Mười, Tháng Mân Côi, để tôn vinh Đức Mẹ là Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, chúng tôi xin trích lược đôi điều tìm hiểu về Kinh Kính Mừng và Chuỗi Mân Côi; Lễ Đức Mẹ Mân Côi; Tháng Mân Côi; các ơn ích Chuỗi Mân Côi và đọc kinh lần hạr theo ý chỉ Hội Thánh. Cũng nhân dịp 22-10-2011, ngày lễ đầu tiên kính Chân Phước GH Gioan Phaolô II sau khi ngài được phong Chân Phước vào 1 tháng 5, chúng tôi xin dựa vào Tông Thư Rosarium Virginis Mariae – Chuỗi Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria của Đức GH Gioan Phaolô làm tài liệu về lần hạt Mân Côi.
 
Nguồn gốc Kinh Kính Mừng và Ý nghĩa Chuỗi Mân Côi
 
Việc đạo đức tôn kính Đức Mẹ đã có từ trước thế kỷ thứ 5, khi các bè rối hay lạc giáo chống phá đạo Chúa khiến Giáo Hội phải mở Công Đồng để các giám mục bàn luận với nhau và cầu nguyện với Mẹ Maria, nhất là Giáo Hội Đông Phương có Công Đồng Nixêa (năm 325); CĐ Constantinople (381); CĐ Ephêsô (431). Đến Giáo Hội Tây Phương năm 435, Đức GH Xixtô III (432-40) tuyên xưng Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) và có ảnh tượng Đức Mẹ để tôn vinh và phổ biến trong nghệ thuật.
 
Tôn kính Đức Mẹ bằng lần Chuỗi Mân Côi được phát triển vào thế kỷ 13 nhờ sự rao giảng, cổ động của LM. Đôminicô (1170-1221) và các tu sĩ Dòng Đôminicô, cũng như gương đạo đức của Thánh Louis (1214-1270), Vua nước Pháp trên 30 năm, là người nhiệt thành lần hạt Mân Côi mỗi ngày.
 
Kinh Kính Mừng: Trong các nhà dòng, khi qua trước ảnh tượng Đức Mẹ, các tu sĩ thường dâng lời chào Ave Maria với Ave có nghĩa “Hãy mừng vui lên!”. Từ đó thành Kinh Ave Maria, gồm lời chào của sứ thần Ga-bri-en: “Kính Mừng Maria, Đấng đầy ơn sủng, Thiên Chúa ở cũng bà” (Lc 1: 28) và lời mừng vui của bà I-sa-ve “Bà được chúc phúc hơn mọi người nữ ..(Lc 1: 42). Sau nhiều bổ túc, hoàn chỉnh, đến thế kỷ 16, với chấp thuận của Công Đồng Trentô (1545-1563), Giáo Lý GHCG công bố Kinh Kính Mừng hoàn hảo như ngày nay thành kinh cầu nguyện chính yếu trong Chuỗi Mân Côi là kinh thông thường ai ai cũng thuộc và đã được phổ biến trong kinh đọc hằng ngày từ thế kỷ 12-13. 
 
Kinh Nguyện hằng ngày: Từ nguồn gốc, kinh đọc tại các tu viện là kinh tiếng La-tinh lấy từ 150 bài Thánh Vịnh vua Đa-vít mà giáo hữu biết qua Đáp Ca trong Thánh Lễ. Như đã nói trên, việc các tu sĩ khi đến trước ảnh Đức Mẹ thì đọc “Ave Maria” (Kính Mừng Maria), tiến tới hình thành chuỗi 150 kinh Kính Mừng như vòng hoa hồng Mân Côi dâng Mẹ. Tương tự kinh nguyện Sáng-Trưa-Chiều đọc tại tu viện hằng ngày, Chuỗi Mân Côi chia thành ba tràng hạt, mỗi tràng 50 hạt. Chuỗi Mân Côi gồm Kinh Lạy Cha của Chúa Giêsu theo Phúc âm Th. Matthêu (Mt 6: 9-13), các Kinh Kính Mừng và kết thúc với Kinh Sáng Danh như câu “Sáng danh Chúa Cha” đọc cuối cùng trong mỗi Thánh Vịnh.
 
Lễ Đức Mẹ Mân Côi (7 tháng 10)
 
Vào thế kỷ 13, có nhiều lạc giáo về Chúa Giêsu, nhất là bè rối Albigeois tại Miền Nam nước Pháp. LM Đôminicô (1170-1221, về sau được phong thánh) lập đạo binh Ki-tô, kêu gọi lần hạt Mân Côi và Đức Mẹ đã cho chiến thắng cách lạ lùng, dẹp được bè rối tại Muret (12-9-1213), Nam nước Pháp. Đến thế kỷ 16, khi đạo quân Hồi Giáo tại Thổ nhĩ kỳ đánh phá Công Giáo kịch liệt, Liên hội Huynh Đệ Mân Côi Đôminicô liền phát động tổ chức lần hạt và rước kiệu trọng thể kính Đức Mẹ Mân Côi vào Chúa Nhật đầu tháng 10-1571. Cùng lúc, tại cảng Lepanto, Thổ nhĩ kỳ, lạ lùng thay hải quân do đô đốc Áo Don Juan chỉ huy, lại chiến thắng đoàn tàu chiến hết sức hùng mạnh của Thổ nhĩ kỳ. Tháng 3-1572, Đức GH Pi-ô V (1566-1572, được phong thánh ngày 22-5-1712) ra Sắc chỉ Salvatoris Domini, tưởng nhớ chiến thắng Lepanto. Năm 1573, Đức GH Grêgôriô XIII công bố Lễ Đức Mẹ Mân Côi Tháng 10. Năm nay, Lễ vào Thứ Sáu 7-10-2011.
 
Đức GH Clê-men-tê X (1670-76) cho mừng Lễ trên toàn Tây ban nha; Đức GH Clê-men-tê XI (1700-21) mở rộng mừng Lễ Đức Mẹ Mân Côi (7-10-1716) khắp hoàn vũ. Về sau, Đức GH Lêô XIII nâng lễ lên bậc hai, và thêm câu “Nữ Vương Truyền Phép Rất Thánh Mân Côi–Cầu cho chúng con” vào Kinh Cầu Đức Bà (Kinh Loreto).
 
Tháng Mân Côi
 
Lễ Đức Mẹ Mân Côi mừng vào 1573, thì hơn 300 năm sau mới có Tháng 10 kính Đức Mẹ Mân Côi. Đức GH. Lê-ô XIII (1878-1903) đã thiết lập Tháng 10 làm tháng kính Đức Mẹ Mân Côi qua Thông Điệp Supremi apostolatus (Tông đồ của Đấng Cao Cả - SA 1-9-1883) nhắc bảo các tín hữu “không những sốt sắng lần hạt Mân Côi chung với nhau, hoặc riêng tư trong nhà, trong gia đình, lần hạt luôn mãi, mà còn dâng trọn cả Tháng Mười tận hiến cho Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi” (SA, 22).
 
Hướng dẫn về việc lần hạt Mân Côi
 
Linh mục Đôminicô (Đa-minh 1170-1221) là vị Thánh đã được Đức Mẹ trao cho sứ mạng rao giảng về Chuỗi Mân Côi để cầu nguyện và dẹp tan bè rối Albigeois tại Muret, Nam nước Pháp, năm 1213. Vào thế kỷ 15, Chân phước Alan de Rupe (1428-75), linh mục, tiếp tục công trình của Th. Đôminicô. Năm 1569, qua Sắc chỉ “Consueverunt Romani Pontifices” Đức GH. Piô V (1566-72) phổ biến việc đạo đức lần chuỗi Mân Côi trong Giáo Hội hoàn vũ. Đức Lêô XIII (1878-1903), được gọi là vị Giáo hoàng Mân Côi, đã công bố 12 thông điệp và 5 tông thư về Chuỗi Mân Côi.
 
Chân phước GH Gioan XXIII (1958-63) xác quyết “Chuỗi Mân Côi là kinh cầu nguyện lớn lao và phổ thông, đáp ứng các nhu cầu của toàn thể Giáo Hội.”
 
Đức GH. Phaolô VI (1963-78) đã ra Tông huấn Marialis Cultus về đạo đức tôn kính Mẹ Maria.
 
Đức GH. Bênêđíctô XVI nhiệt thành ca ngợi “Chuỗi Mân Côi là sự suy gẫm trong tất cả mọi lúc quan trọng của lịch sử Ơn Cứu Chuộc.”
 
Chân phước GH. Gioan Phaolô II ca ngợi “Chuỗi Mân Côi là kinh ưa thích nhất: một kinh nguyện tuyệt vời, vừa đơn giản vừa sâu sắc. Ngày 16 tháng 10-2002, kỷ niệm ngày thứ 25 lên ngôi giáo hoàng, ngài ra Tông Thư Rosarium Virginis Mariae (Chuỗi Mân Côi Trinh Nữ Maria), diễn giải về Chuỗi Mân Côi, mở Năm Mân Côi (10-2002/ 2003) và thêm 5 Mầu nhiệm Sự Sáng vào 15 Mầu nhiệm Mân Côi. Tông thư hướng dẫn: Chuỗi Mân Côi là kinh nguyện có Chúa Thánh Thần soi dẫn, như nhiều giáo hoàng từng ca ngợi. Nay, nhân kỷ niệm 25 năm ngày lên ngôi giáo hoàng (16-10-1978/ 2002), đấng kế vị Thánh Phêrô xin mở Năm Thánh Mân Côi (10-2002/ 10-2003) với diễn giải:
 
- Chuỗi Mân Côi là kinh nguyện xin bình an và cầu cho gia đình. Đức Mẹ từng bày tỏ ý muốn của Mẹ trong các lần hiện ra, tiêu biểu như tại Lộ Đức, Pháp (1858) và tại Fátima, Bồ đào nha (1917), Mẹ đã xưng tên là “Đức Bà Mân Côi”. Dì phước Lucia, Fátima, minh chứng: “Trong tất cả các lần hiện ra, Đức Bà nhắc bảo hãy lần Chuỗi Mân Côi mỗi ngày hầu giúp chúng ta kiên cường trong những lúc quấy phá của ma quỷ hầu chúng ta không bị thất vọng vì tà thuyết.”
 
Khi lần Chuỗi Mân Côi, giáo hữu hãy hướng lòng đến Mẹ Maria là Mẫu gương suy gẫm ghi nhớ, như lời Thánh sử Luca: “Bà Maria hằng ghi nhớ các kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2: 19).
 
Kinh Mân Côi là kinh cầu nguyện suy gẫm giúp tín hữu:
 
- Kính nhớ Chúa Giêsu với Mẹ Maria; học hỏi từ Mẹ về Đức Kitô, Đấng Cứu Thế. Khi lần hạt, phải chú tâm “Suy Gẫm các Mầu Nhiệm” và hãy dành thinh lặng để cho sự suy gẫm được thấm nhuần. Ơn ích của Chuỗi Mân Côi.
 
Lần chuỗi Mân Côi đúng theo qui định của Giáo Hội và với lòng sốt sắng, khiêm nhường, hợp ý với Đức Giáo Hoàng, giáo hữu được hưởng hồng ân Đại Xá hoặc Ân Xá ban cho kẻ lần hạt nên, như:
 
- Ơn Đại Xá ban cho kẻ nào lần Chuỗi Mân Côi trước Thánh Thể đặt ra chầu, hay đặt trong nhà tạm (với điều kiện xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.)
 
- Ơn Đại Xá ban cho kẻ nào, trong ngày Lễ Rất Thánh Mân Côi, hoặc bất cứ ngày nào trong Tuần Bát Nhật (8 ngày) Lễ Đức Mẹ Mân Côi, lần một Chuỗi Mân Côi, đọc riêng hoặc đọc chung. (Phải xưng tội, rước lể; đi viếng nhà thờ hoặc nhà nguyện và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.)
 
- Ơn Đại Xá, trong Tháng 10, sau Tuần Bát Nhật Lễ Đức Mẹ Mân Côi, ban cho kẻ nào 10 lần lần hạt riêng hoặc chung, mỗi lần đọc một Chuỗi Mân Côi (với điều kiện xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng).
 
Ngoài ra còn nhiều hồng ân mà Đức Mẹ đã mạc khải cho Thánh Đôminicô và Á Thánh Alan de la Roche, như cho kẻ có tội được ơn thống hối; cho kẻ ngay lành xứng đáng được sự sống đời đời.
 
Lần hạt theo qui định của Hội Thánh. Vì quan tâm đến Chuỗi Mân Côi, nên Giáo Hội đưa ra nhiều tài liệu hướng dẫn về lần Chuỗi Mân Côi, như tóm lược lần hạt thế nào (How to pray the Rosary; How to recite the Rosary; Let us Pray the Rosary). Giáo hữu Việt Nam có Sách Kinh theo đúng qui định của Giáo Hội qua kinh nguyện được các đấng bản quyền cho phép, như Sách Mục Lục của các Tổng Giáo Phận Huế và Sàigòn về lần hột suy gẫm tắt hoặc suy gẫm 5 (hay 15) Mầu Nhiệm dài. Đọc kinh lần hạt, phải theo đúng Chuỗi Mân Côi hiện nay như Giáo Hội đã qui định: Lần hột dài hay vắn chỉ khác về suy gẫm các Mầu Nhiệm dài hay vắn tắt; còn các kinh đọc chính yếu thì giống nhau.
 
Đọc kinh lần hạt, phải theo đúng Chuỗi Mân Côi như Giáo Hội CG qui định như lần hột gẫm tắt thì: Làm Dấu Thánh Giá, đọc Kinh Chúa Thánh Thần, Kinh Tin, Cậy, Mến; Kinh Ăn năn tội; Kinh Tin Kính; kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh, (Hoặc có thể đọc gọn bằng cách:
 
Làm Đấu Thánh Giá rồi tiếp ngay Kinh Tin Kính; Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mùng, 1 Sáng danh.)
 
Ngày 13-5-1917, tại Fátima, Bồ đào nha, Đức Mẹ hiện ra với Lucia, Phan-xi-cô, Jacintha, thì có thêm Lời Nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn.”
 
Tiếp đến là suy gẫm Mầu Nhiệm Mân Côi 1 và đọc năm chục, mỗi chục có 1 kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh, rồi Lời Nguyện Fátima, suy gẫm chục thứ hai cho đến hết chuỗi.
 
Kết thúc việc lần chuỗi, giáo hứu đọc kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành (hoặc Kinh Vực Sâu). Trọng tâm của Chuỗi Mân Côi là suy gẫm Mầu Nhiệm Mân Côi gồm các mầu nhiệm (5 Sự Vui hoặc 5 Sự Thương; 5 Sự Mừng). Từ 16-10-2002, Đức GH. Gioan Phaolô II ban hành Tông Thư Rosarium Virginis Mariae - Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, thêm Năm Mầu Nhiệm Sự Sáng (Chúa Giêsu chịu Phép Rửa; Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Ca-na; Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời đến; Chúa Giêsu hiển dung trên núi Ta-bô-rê; Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể). Từ đó, chuỗi Mân Côi chia ra 4 tràng hạt 50 gồm Năm Sự Vui, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng, Năm Sự Sáng. Đọc kinh lần hạt là hồng ân cao quý người giáo hữu phải nghiêm chỉnh tuân theo. Khi đọc kinh riêng thì tùy mỗi người, có thể đọc một kinh, một chục kinh, hay lần một tràng chuỗi; hoặc lần hạt bằng tay (đếm lóng tay) hay dùng chuỗi tròn 10 kinh kiểu Hướng Đạo (không có Kinh Lạy Cha, ba Kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh đầu). Nhưng, khi đọc kinh trong nhà thờ hoặc làm việc đạo đức chung, thì không ai được tự ý tự quyền, không có lý do chính đáng, coi thường Giáo Hội mà “bỏ ngang Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha, ba Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh đầu”. Như vậy là bỏ cả tôn thờ Ba Ngôi Thiên Chúa; thiếu lòng suy tưởng đến ba Nhân Đức Tin - Cậy – Mến; vi phạm mẫu mực chính yếu của Chuỗi Mân Côi, làm cho giáo hữu mất hết các ơn ích mà Hội Thánh ban cho.
 
Tài liệu tham khảo:  
 
- The Most Holy Rosary of the Blessed Virgin Mary (2011)
 
- Le Saint Rosaire (http://www.santorosario.net/francais)
 
- Apostolic Letter Rosarium Virginis Mariae (Pope John Paul II, October 16. 2002)
 
Trần Văn Trí (Tháng 10-2011)

Tác giả: Trần Văn Trí AN43

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: mân côi

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập388
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm387
  • Hôm nay60,968
  • Tháng hiện tại1,230,147
  • Tổng lượt truy cập58,516,016
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây