Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 03/01 - 09/01/2014

Thứ sáu - 10/01/2014 09:32

-

-
Lần đầu tiên đoàn xe caravan thuộc Hội Các Đoàn Xe Ba Vua của Ba Lan đến Vatican để chào đón Đức Giáo Hoàng và thờ lạy Chúa Hài Nhi Giêsu. Tháp tùng với họ trong chuyến đi đến Rôma này là một nhóm nhỏ đem theo 10,000 vương miện để phát cho anh chị em tín hữu và du khách tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô...
Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 03/01 - 09/01/2014

 

1. Buổi tiếp kiến chung thứ Tư 8 tháng Giêng.

Trong buổi triều yết chung hôm Thứ Tư 8 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu loạt bài mới về các phép bí tích, bắt đầu với bí tích Rửa Tội. Ngài trình bày về hồng ân tuyệt vời chúng ta nhận được khi chịu Phép Rửa.

Đức Thánh Cha nói rằng Công đồng Vatican II dạy chúng ta rằng chính Giáo Hội là một "bí tích" , một dấu chỉ tràn đầy ân sủng để kỳ công cứu chuộc của Chúa Kitô hiện diện trong lịch sử nhân loại, thông qua quyền năng của Chúa Thánh Thần .

Bí tích Rửa tội là bí tích đầu tiên trong bảy bí tích của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "bí tích này đem đến cho chúng ta sự tái sinh trong Chúa Kitô, làm cho chúng ta được thông phần vào mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Người, ban cho chúng ta ơn tha thứ tội lỗi và mang đến cho chúng ta sự tự do mới như là con cái Thiên Chúa và các thành viên trong Giáo Hội của Người" .

Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta không thể quên ân sủng tuyệt vời chúng ta đã nhận được. "Phép Rửa đã thay đổi chúng ta, cho chúng ta một niềm hy vọng mới và vinh quang, và ban sức mạnh để chúng ta có thể mang tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo, mà nơi họ chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô. Phép Rửa cũng cho chúng ta được thông phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội; như các môn đệ Chúa Kitô, chúng ta cũng là những nhà truyền giáo"

Đức Thánh Cha nói tiếp "khi chúng ta cử hành lễ Chúa chịu Phép Rửa vào Chúa Nhật tới đây, chúng ta hãy xin Chúa đổi mới trong chúng ta ân sủng của bí tích Rửa Tội và làm cho chúng ta, cùng với tất cả anh chị em của chúng ta, trở nên con cái thật của Thiên Chúa và là các thành viên sống động của nhiệm thể Chúa Kitô, là Giáo Hội." 

Hướng đến anh chị em tín hữu Trung Đông, và đặc biệt là các tín hữu Syria, Đức Thánh Cha đã mời họ nhớ đến ngày Rửa Tội của mình và cử hành ngày lễ này vì nhờ có bí tích này “chúng ta đã trở nên những tạo vật mới trong Chúa Kitô, đền thờ của Chúa Thánh Thần, dưỡng tử của Chúa Cha, các thành viên của Giáo Hội , anh em trong đức tin và những người loan báo Tin Mừng có khả năng tha thứ và yêu thương tất cả, ngay cả kẻ thù của chúng ta."

2. Lễ Hiển Linh tại Vatican

Lễ Hiển Linh tại Vatican đã được cử hành đúng vào ngày thứ Hai 6 tháng Giêng, là ngày lễ nghỉ tại Italia.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có khoảng 24 Hồng Y và hơn 20 Giám Mục thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và hàng chục linh mục, trước sự tham dự của 8 ngàn tín hữu. Phần giúp lễ do các chủng sinh thuộc trường Truyền giáo đảm trách, đặc biệt một trong hai thầy Phó Tế giúp Đức Thánh Cha là Thầy Giuse Trần Văn Đồng, thuộc giáo phận Vinh.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn về thái độ của các Đạo sĩ Phương Đông “trung thành theo ánh sáng tràn ngập nội tâm của các ngài, và đã gặp Chúa. Hành trình này của các Đạo sĩ Phương Đông tượng trưng vận mệnh của mỗi người: đời sống chúng ta là một hành trình, được soi sáng nhờ ánh sáng soi đường, để tìm được chân lý và tình yêu sung mãn, mà các Kitô hữu chúng ta nhận ra nơi Chúa Giêsu, là Ánh sáng thế gian. Và mỗi người, như các Đạo Sĩ, có 2 “cuốn sách” lớn từ đó họ rút ra những dấu chỉ để hướng dẫn mình trong cuộc lữ hành: cuốn sách thiên nhiên do Thiên Chúa sáng tạo và cuốn Kinh Thánh. Điều quan trọng là chú ý, tỉnh thức, lắng nghe Chúa nói với chúng ta. Như Thánh Vịnh, khi nói về Luật Chúa, đã khẳng định: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 9,05). Đặc biệt lắng nghe Tin Mừng, đọc, suy gẫm và biến Tin Mừng thành lương thực thiêng liêng giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu hằng sống, cảm nghiệm chính Ngài và tình thương của Ngài”.

Đức Thánh Cha cũng ca ngợi các Đạo Sĩ đã khôn ngoan, biết vượt thắng lúc nguy hiểm tối tăm nơi dinh vua Hêrôđê, biết tránh thoát được sự lê liệt của đêm tối trần gian, và tìm lại được con đường dẫn đến Bethlehem.

Ngài mời gọi các tín hữu hãy noi gương các Đạo Sĩ hướng mắt nhìn ngôi sao và bước theo những ước muốn cao thượng trong tâm hồn. Đức Thánh Cha nói: “các Đạo Sĩ dạy chúng ta đừng hài lòng với một cuộc sống tầm thường, “những chắp vá nhỏ bé”, nhưng luôn để cho mình được chân, thiện, mỹ, thu hút, để Thiên Chúa lôi kéo, Ngài là Đấng tuyệt đối cao cả trong tất cả những điều ấy! Các Đạo Sĩ dạy chúng ta đừng để mình bị những vẻ bề ngoài lừa đảo, những gì là cao cả, khôn ngoan, và hùng mạnh đối với thế gian. Chúng ta đừng hài lòng với cái vẻ bề ngoài, cần đi xa hơn nữa, tiến về Bethlehem, nơi mà trong căn nhà đơn sơ ở ngoại ô, giữa một người mẹ và người cha đầy tin yêu, chiếu tỏa rạng ngời Mặt Trời xuất hiện từ trên cao, là Vua Vũ Trụ. Noi gương các Đạo Sĩ, với những ánh sáng bé nhỏ của chúng ta, chúng ta tìm kiếm Đấng là Ánh Sáng”.

3. Đức Thánh Cha công bố lịch trình thăm Thánh Địa

Đức Thánh Cha sẽ thăm Thánh Địa vào tháng Năm năm nay. Ngài đã đích thân công bố lịch trình chuyến viếng thăm Thánh Địa của ngài trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 5 tháng Giêng.

Dù trời mưa, đông đảo anh chị em tín hữu và du khách đã bất chấp mưa gió để dự buổi đọc kinh Truyền Tin buổi trưa Chúa Nhật với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha nói:

"Trong bầu khí vui mừng tiêu biểu của mùa Giáng Sinh này, tôi muốn thông báo rằng từ ngày 24 đến ngày 26 Tháng Năm tới đây, nếu Chúa muốn, tôi sẽ thực hiện một cuộc hành hương đến Thánh Địa”.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng mục đích chính của chuyến đi là để kỷ niệm cuộc gặp lịch sử giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Thượng Phụ Athenagoras, diễn ra vào ngày 5 tháng 1 năm 1964, tức là cách đây 50 năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với những người hiện diện rằng ngài sẽ đến thăm Amman, Bethlehem và Jerusalem. Theo chương trình, sẽ có một cuộc họp đại kết được tổ chức tại Nhà Thờ Mộ Thánh với đại diện của các Giáo Hội Kitô tại Jerusalem, cùng với Đức Thượng Phụ Bartholomew của Constantinople.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: "Vào thời điểm này tôi xin anh chị em cầu nguyện cho cuộc hành hương này."

Trước khi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nói biến cố Giáng Sinh cho thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho nhân loại. "với sự Giáng Sinh của Chúa Giêsu không chỉ là một thế giới mới được sinh ra, nhưng đó cũng là một thế giới luôn luôn có thể được canh tân. Thiên Chúa, luôn luôn hiện diện để nuôi dưỡng nhân loại và để thanh tẩy thế giới khỏi tội lỗi và ngài nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu không bỏ chúng ta bơ vơ và không bao giờ ngừng ban cho ta chính Ngài và ân sủng của Ngài để cứu độ chúng ta.

Đức Thánh Cha kết luận bằng việc cảm ơn tất cả những ai đã gửi thiệp Giáng Sinh cho ngài với những lời chúc Giáng sinh và năm mới tốt đẹp.

4. Cộng đoàn Kitô tại Thánh Địa vui mừng trước chuyến viếng thăm Thánh Địa của Đức Thánh Cha

Đức Giám Mục William Shomali, là Giám Mục Phụ Tá cho Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Jerusalem đã nói với Radio Vatican hôm 5 tháng Giêng rằng cộng đoàn Kitô tại Thánh Địa “trông đợi rất nhiều nơi chuyến viếng thăm này”.

Ngài nói thêm “không phải chỉ có các tín hữu Kitô, cả người Do Thái Giáo và Hồi Giáo cũng mong đợi chuyến viếng thăm này sẽ tăng cường những quan hệ đại kết và liên tôn”.

Theo Đức Cha William, một trong những điểm nổi bật trong chuyến viếng thăm sẽ là cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo Bartholomew cùng với tất cả các Giám Mục và các vị thượng phụ tại Thánh Địa.

Theo thống kê năm 2012 của Cục Thống Kê Trung Ương Do Thái, trong toàn lãnh thổ 75.5% dân số theo Do Thái Giáo, Hồi Giáo chiếm 17%, Kitô Giáo 2%, đạo Druze 1.8% và các tôn giáo khác và những người vô tín ngưỡng chiếm 3.7%.

Trong khi người Do Thái Giáo chiếm đến 75.5% trong phạm vi cả nước thì riêng tại thành phố Jerusalem, theo thống kê năm 2011, trong tổng số 801,000 người, chỉ có 62% theo Do Thái Giáo nghĩa là 497,000 người.

Người Hồi Giáo coi Mecca, Medina và Jerusalem là 3 thánh điạ trọng yếu. Vì thế, tỷ lệ người Hồi Giáo tại Jerusalem hơn gấp đôi tỷ lệ người Hồi Giáo trong toàn cõi Do Thái, cụ thể chiếm đến 35%, tức là 281,000 người.

Dân số Kitô Giáo tại Jerusalem là 14,000 người, tức là 2%, nghĩa là không thay đổi so với tỷ lệ Kitô Giáo trên toàn quốc Israel.

Đức Cha William Shomali bày tỏ hy vọng rằng chuyến viếng thăm này sẽ tăng cường quan hệ giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo. Ngài nói: “Chúng tôi ao ước thấy có sự cởi mở hơn về phía Chính Thống Giáo và Công Giáo về vấn đề quyền bính tối thượng của Đức Giáo Hoàng, là điều người Chính Thống Giáo khó chấp nhận trong khi người Công Giáo tin tưởng vào điều này. Tôi tin Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị Chính Thống Giáo sẵn sàng đạt đến những tiến bộ trong cuộc đối thoại về đề tài này. Chúng tôi cầu nguyện, chúng tôi mong mỏi Chúa Thánh Thần sẽ linh hứng Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du này để chuyến viếng thăm thành công tốt đẹp. Chúng ta không thể chỉ cậy trông vào cố gắng của con người nhưng còn vào hồng ân của Thiên Chúa”.

5. Số các vị chăm sóc mục vụ cho dân Chúa bị thiệt mạng trong năm 2013 gần gấp đôi năm 2012

Theo báo cáo thường niên của thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc, trong năm 2013 số các vị chăm sóc mục vụ cho dân Chúa bị thiệt mạng trong năm 2013 là 22 vị gần gấp đôi so với con số 13 vị trong năm 2012.

Vào đêm 31 tháng 12 năm 2013, rạng sáng ngày 1 tháng Giêng năm 2014, cha Eric Freed, một linh mục ở Eureka, California, Hoa Kỳ đã bị giết. Cảnh sát đã bắt được hung thủ và khẳng định đây là một vụ cướp của. Cha Eric Freed là linh mục cuối cùng trong danh sách các vị chăm sóc mục vụ cho dân Chúa bị thiệt mạng trong năm 2013.

Trong 5 năm liên tiếp, Mỹ Châu La tinh, đặc biệt là Colombia, là nơi có nhiều vị chăm sóc mục vụ cho dân Chúa bị giết.

Tổng cộng số các vị bị giết khi đang thực hiện sứ mạng của mình trong năm 2013 là: 19 linh mục, 1 nữ tu, 2 giáo dân. 15 linh mục bị giết ở Mỹ Châu. Tại Phi Châu, 1 linh mục bị giết ở Tanzania; 1 nữ tu bị giết ở Madagascar, 1 giáo dân tại Nigeria bị thiệt mạng. Tại Á Châu có 1 linh mục bị sát hại ở Ấn Độ và 1 linh mục bị phiến quân Hồi Giáo hành hạ đến chết ở Syria; 1 giáo dân bị giết ở Phi Luật Tân. Tại Âu Châu, một linh mục đã bị giết chết tại Italia.

Danh sách này không bao gồm những trường hợp bị ngược đãi như giam cầm, tra tấn, hăm doạ, tấn công về thể lý và tâm lý, cướp bóc tài sản, phá hủy các phương tiện mục vụ bao gồm cả các nhà thờ và các nơi thờ tự khác, ngăn cản không cho thực hiện các sứ vụ tông đồ như thường thấy tại Việt Nam, Trung quốc, Pakistan, và các nước tại Phi Châu và Trung Đông.

Trong năm 2013, quá trình phong chân phước cho sáu nữ tu truyền giáo người Ý thuộc dòng Các Nữ Tu cho người nghèo Bergamo đã được bắt đầu. Sáu nữ tu này đã qua đời ở Congo vào năm 1995 sau khi nhiễm vi khuẩn Ebola. Khi trận dịch bùng phát trong vùng, các nữ tu đã ở lại với dân chúng vì không nỡ bỏ lại họ bơ vơ không ai chăm sóc y tế. Họ được vinh danh như "các vị tử đạo vì đức mến".

Giai đoạn giáo phận của quá trình phong chân phước cho chị Luisa Mistrali Guidotti, một thành viên của Hiệp hội truyền giáo y tế cho phụ nữ đã được hoàn thành. Chị đã bị giết vào năm 1979 tại Rhodesia, trong khi đi cùng một người phụ nữ mang thai sắp sinh con đến bệnh viện.

Tiến trình phong chân phước cho Cha Mario Vergara, một nhà truyền giáo của Dòng Giáo Hoàng Thừa Sai, và anh Ngei Ko Lat một giáo lý viên tại Isidore, Miến Điện bị thiệt mạng vì hận thù đức tin tại nước này vào năm 1950 cũng đã được bắt đầu.

Ngày 25 tháng Tư lễ phong chân phước cho Cha Giuseppe Pino Puglisi đã được tổ chức tại Sicily. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27 tháng 5 với hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhắc đến cha Giuseppe Puglisi như sau:

"Cha Giuseppe là một linh mục đầy gương mẫu. Ngài đã dâng hiến cuộc đời một cách đặc biệt cho công việc mục vụ giới trẻ, bằng cách giáo dục những người trẻ theo tinh thần Tin Mừng để mang họ ra khỏi thế giới của tội ác. Vì thế, Ngài đã bị chống đối và giết chết. Tuy vậy, trên thực tế, chính Ngài là người chiến thắng cùng với Đức Kitô phục sinh. Chúng ta tạ ơn Chúa vì tấm gương sáng ngời này, chúng ta hãy gìn giữ gương mẫu của ngài."

Cha Giuseppe Puglisi sinh ngày 15 tháng 9 năm 1937 tại làng quê nghèo Palermo thuộc đảo Sicily. Năm 1960 ngài được thụ phong linh mục. Trong các hoạt động mục vụ của mình, cha Puglisi đã cố gắng để thay đổi tâm lý giáo dân của ngài đang bị Mafia khống chế bởi sự sợ hãi, thụ động và luật omerta - im lặng. Trong bài giảng các thánh lễ Chúa Nhật, ngài khích lệ anh chị em giáo dân tố cáo với các cơ quan công quyền về các hoạt động bất hợp pháp của Mafia trong vùng Brancaccio.

6. Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền duyệt lại các qui luật về tương quan giữa các dòng tu và các giám mục địa phương.

Các qui luật vừa nói ở trong văn kiện tựa đề “Mutuae relationes” (Những quan hệ hỗ tương), do Bộ các dòng tu ban hành ngày 14 tháng 5 năm 1978. Văn kiện khẳng định rằng các dòng tu là thành phần của Giáo Hội địa phương, tuy các dòng có tổ chức nội bộ riêng và có quyền tự trị, nhưng không bao giờ được coi là độc lập với Giáo Hội địa phương.

Đức Thánh Cha thông báo quyết định trên đây trong cuộc gặp gỡ 120 Bề trên Tổng quyền các dòng nam ngày 29 tháng 11 năm 2013, và văn bản cuộc nói chuyện này đã được tạp chí “La Civiltà Cattolica” (Văn Minh Công Giáo), đăng tải ngày 3 tháng Giêng. Ngài nói với các Bề trên rằng: “Văn kiện 'tương quan hỗ tương' hồi đó là hữu ích, nhưng nay đã lỗi thời rồi. Các đoàn sủng của các dòng tu khác nhau cần được tôn trọng và thăng tiến, vì các dòng là những thực tại cần thiết trong các giáo phận”.

Trước khi được bầu làm Giáo Hoàng hồi tháng 3 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô là Tổng Giám Mục giáo phận Buenos Aires, và trước đó ngài là Giám tỉnh dòng Tên tại Á Căn Đình vì thế ngài có kinh nghiệm về những vấn đề tế nhị trong quan hệ giữa các đấng bản quyền và các dòng tu.

Ngài nói với các Bề trên trong cuộc gặp gỡ rằng: “Do kinh nghiệm, tôi biết những vấn đề có thể nảy sinh giữa một Giám Mục và các cộng đồng dòng tu. Ví dụ, nếu một hôm, một dòng quyết định rút khỏi công việc vì thiếu nhân sự, Giám Mục thường cảm thấy mình bất ngờ ‘bị một củ khoai nóng trong tay!’ Tôi cũng biết rằng các Giám Mục không luôn luôn biết rõ những đoàn sủng và công việc của các tu sĩ. Các Giám Mục chúng tôi cần hiểu rằng những người thánh hiến không phải là những công chức, nhưng là những món quà làm cho giáo phận được phong phú”.

Sau cùng Đức Thánh Cha cho biết sẽ dành năm 2015 tới đây là Năm về đời sống tu trì thánh hiến. Khi từ giã các bề trên ngài nói: “Cám ơn anh em về những gì anh em đang làm và về tinh thần đức tin, cũng như sự tìm kiếm phục vụ. Cám ơn vì chứng tá của anh em cũng như vì những tủi nhục mà anh em đã phải trải qua.”

7. Đức Thánh Cha Phanxicô bài trừ xu hướng tìm thăng quan tiến chức trong Giáo Hội

Hôm thứ Ba 7 tháng Giêng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đưa ra một tuyên bố cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi một vài điều liên quan đến việc phong tước Đức Ông, hay còn gọi là Monsignor.

Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gửi thư cho các tòa Sứ Thần và Khâm Sứ Tòa Thánh trên toàn thế giới để yêu cầu thông báo cho tất cả các Giám Mục tại quốc gia liên hệ về quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô bãi bỏ hoàn toàn việc trao tặng tước hiệu Đức Ông cấp I và cấp II. 

Tước hiệu Đức Ông cấp III chỉ có thể được ban cho các linh mục triều từ 65 tuổi trở lên. Tước hiệu Đức Ông vốn không được ban cho các linh mục đan sĩ hoặc tu sĩ dòng.

Quyết định này không có tính chất hồi tố, nghĩa là ai đã có tước “Đức Ông” rồi thì không bị mất vì quyết định mới của Đức Thánh Cha.

Trước năm 1968, trong Giáo Hội có 14 cấp Đức Ông. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã cải tổ lại theo tinh thần Công đồng Vatican 2 giảm xuống còn 3 cấp. Đó là cấp I: Công chứng viên tông tòa (Protonotario Apostolico), cấp II: Giám chức danh dự của Đức Thánh Cha (Prelato d'onore di Sua Santità) và cấp III: tuyên úy của Đức Thánh Cha (Cappellano di Sua Santità). 

3 tước hiệu này được Đức Giáo Hoàng ban theo đề nghị của các Giám Mục địa phương, cho những linh mục thi hành một dịch vụ quí giá đối với Giáo Hội. Nhiều nơi Đức Giám Mục bản quyền xin tước hiệu này cho những linh mục có nhiều đóng góp nào đó cho giáo phận. Tuy nhiên, cũng có nhiều Giám Mục có xu hướng dùng tước hiệu này để thưởng công cho những linh mục trung thành với mình. 

8. Tổng tu nghị dòng Đạo Binh Chúa Kitô nhóm tại Rôma

Từ hôm thứ Tư 8 tháng Giêng, tổng tu nghị Dòng Đạo Binh Chúa Kitô đã nhóm họp tại Rôma. Sau ba năm thảo luận hầu xác định đoàn sủng của mình, giờ đây các vị đại biểu sẽ chấp thuận một hiến pháp mới và chọn một lãnh đạo mới hầu chấm dứt thời đại của người sáng lập là cha Marcial Maciel.

Đặc sứ của Đức Thánh Cha là Đức Hồng Y Velasio de Paolis đã quyết định triệu tập tổng tu nghị này vào tháng 10 năm ngoái. Ngài đã trực tiếp giám sát mọi công việc của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô từ tháng 7 năm 2010 sau khi Tòa Thánh phát hiện ra cuộc sống hai mặt tai tiếng cuả cha Maciel.

Cha Maciel người Mêhicô, sinh năm 1920 và đã sáng lập dòng Đạo Binh Chúa Kitô năm 1941 khi mới là một chủng sinh 21 tuổi. 

Trong thông cáo công bố hôm 19 tháng 5 năm 2006, phát ngôn viên Tòa Thánh là ông Navarro Valls, cho biết từ năm 1998, Bộ giáo lý đức tin đã nhận được những lời tố cáo chống lại cha Marcial Maciel liên quan đến phẩm hạnh của một linh mục. Sau cuộc điều tra, Tòa Thánh đã mời gọi cha hãy sống đời ẩn dật, cầu nguyện thống hối, từ bỏ mọi sứ vụ công cộng. Cha Maciel qua đời ngày 30 tháng Giêng năm 2008.

Dòng này hiện có 2830 thành viên, trong đó có 3 Giám Mục, 953 linh mục, 932 tu sĩ, và 945 chủng sinh hoạt động tại 125 nhà thuộc 22 quốc gia. Ngoài ra còn có một hiệp hội giáo dân tên là Regnum Christi, tức là Nước Chúa Kitô gồm khoảng 30,000 thành viên.

Tổng tu nghị đã được bắt đầu với một Thánh Lễ tại trụ sở của hội ở Rôma. 61 linh mục tham dự tổng tu nghị này. Gần hai phần ba trong số các vị đã được bầu để đại diện cho lãnh thổ của mình.

Trong phiên họp đầu tiên, Đức Hồng Y Velasio de Paolis đã trình bày báo cáo của mình về các hoạt động của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô. Tiếp đó là các báo cáo của cha Sylvester Heereman, bề trên tổng quyền lâm thời của dòng, cũng như của bề trên các tỉnh dòng. Cuộc bầu vị bề trên tổng quyền mới sẽ bắt đầu vào ngày 20 tháng Giêng.

9. Đức Thánh Cha thăm một hoạt cảnh Giáng Sinh

Chiều thứ Hai, 06 tháng Giêng là Lễ Hiển Linh ở Italia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi về phía bắc Rôma để xem một hoạt cảnh Giáng Sinh tại giáo xứ Thánh Alphonsus Liguori.

Đức Giáo Hoàng đã chào thăm anh chị em giáo dân tham gia vào hoạt cảnh này, hầu hết họ ăn mặc như những người chăn chiên. Một em bé vừa được rửa tội vào buổi sáng trong ngày đã đóng vai Chúa Giêsu mới sinh.

Sau khi xem hoạt cảnh Giáng Sinh, Đức Thánh Cha khích lệ anh chị em giáo dân hãy cầu nguyện cho những đứa trẻ sẽ được sinh ra trong năm nay, và cũng cho cha mẹ, ông bà của những đứa bé ấy.

10. Đức Thánh Cha giúp trả nợ cho Ban Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đóng góp 5 triệu Mỹ Kim để trả nợ cho việc cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Brazil hồi tháng Bẩy năm ngoái.

Tổng Giáo Phận Rio de Janeiro, nơi tổ chức sự kiện quốc tế này, công bố hôm 6 tháng Giêng rằng Đức Giáo Hoàng sẽ "góp phần hỗ trợ tài chính để trả một phần chi phí". Ban Tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới đã thiếu nợ gần 20 triệu Mỹ Kim.

Các khoản nợ của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio De Janeiro đã phát sinh một phần vì không có kinh phí do chính phủ tài trợ. 

Trong thời gian này chính phủ Brazil đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng, và các cuộc biểu tình liên tục của dân chúng chống lại các chi phí cho giải vô địch túc cầu thế giới vào năm 2014 và Thế vận hội mùa hè năm 2016. Vì thế, các nhà lãnh đạo chính trị đã từ chối cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới, mặc dù theo Bộ Du Lịch nước này các tham dự viên đến từ các quốc gia đã mang lại nguồn lợi kinh tế lên đến 1.8 tỷ Reais (tức là 756 triệu Mỹ Kim).

11. Đức Thánh Cha danh dự Bênêđíctô thứ 16 thăm bào huynh đang nằm nhà thương

Trong một diễn biến hiếm hoi, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã thực hiện một chuyến đi bên ngoài các bức tường của Vatican để đến thăm bào huynh là Đức Ông Georg Ratzinger, đang nằm trong một bệnh viện tại Rôma cuối tuần qua.

Đức Ông Ratzinger đã phải điều trị tại bệnh viện Gemelli sau khi đến Rôma từ nhà của ngài ở thành phố Regensburg bên Đức để mừng Giáng Sinh chung với Đức Bênêđíctô thứ 16. Không có báo cáo chi tiết nào về tình trạng sức khoẻ của Đức Ông.

Đức Ông Ratzinger sẽ mừng sinh nhật thứ 90 vào ngày 15 tháng Giêng tới đây.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã tránh sự chú ý của công chúng kể từ khi ngài tuyên bố thoái vị hồi tháng Hai năm ngoái. Vì thế, ngài đã di chuyển trên một chiếc xe đơn giản có gắn kính màu. Sau khi vào bệnh viện, ngài đi thẳng về tu viện Mater Ecclesiae.

12. Chiến tranh Syria đang lan sang Li Băng – Quả bom thứ hai rung chuyển Beirut

Sáng thứ Năm mùng 2 tháng Giêng, quả bom thứ hai đã phát nổ ngay trong giờ cao điểm tại thủ đô Beirut của Li Băng làm 5 người chết và 66 người bị thương.

Vụ tấn công đã diễn ra gần đại bản doanh của nhóm dân quân Hồi Giáo Hezbollah. Đây là nhóm Hồi Giáo Shiite đang ủng hộ cho tổng thống Syria Bashar al Assad nhằm chống lại phe nổi dậy là những người Hồi Giáo Sunni.

Kẻ khủng bố đã lái một chiếc xe hơi chở khoảng 40 kg chất nổ lao thẳng vào khu vực thương mại của thành phố Beirut gần trụ sở của Hezbollah. Bọn khủng bố Al-Qaeda tự nhận trách nhiệm về vụ này.

Chưa đầy một tuần trước, hôm thứ Sáu 27 tháng 12, ông Mohammad Shatah, cựu Bộ trưởng Tài chính và là đại sứ Li Băng tại Hoa Kỳ, đã bị ám sát chết sau khi một xe bom do một kẻ đánh bom tự sát đã liều chết xông vào đoàn xe của ông ngay tại trung tâm thành phố Beirut.

Vụ nổ đã giết chết ít nhất năm người và làm khoảng bảy mươi người khác bị thương, và gây chấn động mạnh những đường phố chính của thủ đô Beirut của Li Băng gần khu vực Serail, nơi có nhiều văn phòng chính phủ.

Vụ thảm sát hôm 27 tháng 12 diễn ra chỉ ba tuần trước khi khai mạc phiên tòa quốc tế xử các thành viên của phong trào Hezbollah là nhóm dân quân vũ trang Hồi Giáo Shiite thân Iran, trong vụ ám sát cựu Thủ tướng Li Băng Rafiq Hariri diễn ra năm 2005.

Hôm 19 tháng 11 năm 2013, một cuộc tấn công do hai người đeo bom tự sát đã xảy ra ngay cổng đại sứ quán Iran, giết chết 23 người và làm khoảng 150 người khác bị thương.

13. Ba Vua đến từ Ba Lan

Các đoàn xe caravan của Ba Vua đã đến Vatican vào ngày 6 tháng Giêng, đúng ngày Lễ Hiển Linh. Trong suốt cuộc hành trình dài của họ, họ đã tặng quà cho nhiều trẻ em Ba Lan.

Khi quỳ trước máng cỏ Giáng Sinh tại quảng trường Thánh Phêrô, Ba Vua từ Ba Lan đã vui mừng khôn xiết vì họ đã phải vượt qua một loạt các trở ngại để đến được với Chúa Hài Nhi Giêsu tại Vatican.

Đoàn xe caravan này thuộc Hội Các Đoàn Xe Ba Vua được thành lập tại Ba Lan để đề cao ý nghĩa đích thực của ngày lễ Giáng Sinh, các giá trị cộng đồng và gia đình. 

Hội Các Đoàn Xe Ba Vua được phát triển mạnh và đã có mặt tại 184 thành phố trên khắp Ba Lan, Ý, Anh, Đức, Hoa Kỳ và Rwanda.

Đây là lần đầu tiên đoàn xe caravan thuộc Hội Các Đoàn Xe Ba Vua của Ba Lan đến Vatican để chào đón Đức Giáo Hoàng và thờ lạy Chúa Hài Nhi Giêsu. Tháp tùng với họ trong chuyến đi đến Rôma này là một nhóm nhỏ đem theo 10,000 vương miện để phát cho anh chị em tín hữu và du khách tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô.

14. Hãy cầu nguyện nhiều: Làn sóng khủng bố các tín hữu Kitô sẽ gia tăng trong năm 2014

Đó là lời kêu gọi của ông Andrew Boyd, phát ngôn viên của Release International trong cuộc phỏng vấn dành cho Radio Vatican hôm 4 tháng Giêng.

Release International là tổ chức chuyên theo dõi và đưa ra dư luận quốc tế những trường hợp bách hại các tín hữu Kitô trên thế giới.

Theo ông Andrew Boyd, nguyên nhân thứ nhất là sự bùng nổ tiếp tục các trào lưu bách hại Kitô hữu từ các nhóm vũ trang Hồi Giáo. Tại A Phú Hãn, quân Taliban chắc chắn sẽ mở những cuộc tấn công ồ ạt sau khi NATO rút quân khỏi nước này. Trong khi đó tại Nigeria, quân Hồi Giáo Boko Haram đã tuyên chiến với tổng thống nước này và các tín hữu Kitô. Cuộc chiến vẫn đang diễn ra ác liệt và quân Boko Haram được cung cấp vũ khí từ các nước Hồi Giáo trong khu vực và từ Trung Đông. Cũng có những quan ngại đặc biệt tại nước Cộng Hoà Trung Phi nơi đang diễn ra những cuộc tàn sát đẫm máu do quân Hồi Giáo Seleka tiến hành sau khi cướp chính quyền vào tháng Ba năm ngoái. Tình hình tại Syria càng bi đát hơn. “Một cuộc tận diệt các tín hữu Kitô đang diễn ra tại nước này”, ông Andrew Boyd nói.

Khu vực thách đố thứ hai là ở những nước cộng sản và hậu cộng sản như Bắc Hàn, Trung quốc, Việt Nam và các quốc gia trong vùng Trung Á nơi có cả hai yếu tố đáng lo ngại là nền văn hóa Hồi Giáo và xu hướng bài Kitô Giáo sót lại trong tàn dư của nền văn hóa cộng sản.

15. Đức Thánh Cha cử hành lễ tạ ơn phong thánh Phêrô Favre, linh mục Dòng Tên. 

Lúc 9 giờ sáng ngày 3 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tạ ơn tại Nhà Thờ Chúa Giêsu ở Roma, nhân dịp phong hiển thánh mới đây cho cha Phêrô Favre. Ngài sinh năm 1506 và qua đời năm 1546, thọ 40 tuổi.

Thánh nhân là một trong những bạn đồng hành đầu tiên của thánh Ignatio Loyola, vị sáng lập dòng Tên. Sau một thời gian dạy học ở Roma, cha Favre thi hành sứ mạng tại nhiều nước Âu Châu, giảng thuyết giải tội, hướng dẫn linh thao, và cũng dạy thần học, tham gia các cuộc thảo luận nhằm thăng tiến sự hiệp nhất và cải tổ Giáo Hội.

Tháng 4 năm 1546, cha Favre khởi hành từ Madrid để đi dự công đồng chung Trento, ở miền đông bắc Italia, vì cha được chính Đức Giáo Hoàng chỉ định làm thần học gia của Công đồng. Nhưng trong chuyến đi, cha bị sốt và lâm bệnh nặng, và trong lúc dừng lại ở Roma, cha từ trần ngày 1 tháng 8 năm 1546 lúc mới được 40 tuổi. Cha được Đức Piô thứ 9 tôn phong chân phước năm 1872.

Hôm 17 tháng 12 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền ghi tên thánh nhân vào sổ bộ các vị hiển thánh của Giáo Hội và nới rộng tôn kính thánh nhân trên toàn thế giới. Đây là quyết định phong thánh theo thể thức “tương đương”, không cần phải có phép lạ hoặc lễ nghi tôn phong chính thức.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:

“Tôi nghĩ đến cám dỗ mà có lẽ cả chúng ta và bao nhiêu người khác cũng gặp phải, đó là liên kết việc loan báo Tin Mừng với những sự trừng phạt của pháp tòa điều tra. Không phải vậy, Tin Mừng cần được loan báo với sự dịu dàng, với tình huynh đệ và tình thương!”

Đồng tế với Đức Thánh Cha hôm 3 tháng Giêng có Đức Hồng Y Vallini, Giám quản Roma, Đức Hồng Y Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, Đức Cha Yves Boivineau, Giám Mục giáo phận Annecy bên Pháp, nơi thánh Favre đã sinh ra, Cha Adolfo Nicolas, Bề trên Tổng Quyền, 6 linh mục đại diện của 6 Hội đồng Giám Tỉnh dòng Tên, và hơn 350 linh mục cùng dòng, phần lớn ở Roma, trước sự tham dự của hàng trăm tín hữu. Các bài đọc trong thánh lễ rút từ lễ kính Thánh Danh Chúa Giêsu, cũng là lễ của dòng Tên.

Cha Adolfo Nicolas, bề trên tổng quyền Dòng Tên nói:

"Tôi muốn cảm ơn Đức Thánh Cha đặc biệt vì sự vui mừng trong lễ kỷ niệm phong thánh này. Khi Đức Thánh Cha ký sắc lệnh, ngài gọi điện cho tôi ngay lập tức và nói với tôi: Tôi mới vừa ký sắc chỉ."

Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha Phanxicô dâng Thánh Lễ tại nhà thờ này trong cương vị Giáo Hoàng. Lần đầu tiên là dịp lễ Thánh Inhaxiô Loyola vào ngày 31 tháng 7 năm ngoái.

16. Đức Cha Kevin Vann hy vọng Vương Cung Thánh Đường Chúa Kitô sẽ được khánh thành năm 2016

Vào cuối năm nay, giáo phận Orange, California, Hoa Kỳ hy vọng sẽ đạt được 2 phần ba số tiền cần thiết để tân trang “nhà thờ kính” thành Vương Cung Thánh Đường Chúa Kitô của giáo phận. Đức Cha Kevin Vann, cho RomeReports biết như trên trong chuyến thăm Rôma gần đây.

Ngài nói: "Chúng tôi tôn trọng ngoại diện và lịch sử của nó. Việc tân trang chủ yếu là bên trong nhà thờ”. 

Đức Cha Kevin hy vọng tất cả các công việc sẽ được hoàn tất vào năm 2016, như thế lễ thánh hiến Vương Cung Thánh Đường sẽ trùng vào dịp kỷ niệm 40 thành lập giáo phận. Tưởng cũng nên nhắc lại là ngày 18 tháng Sáu năm 1976, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã thiết lập giáo phận Orange với diện tích 782 dặm vuông dọc theo 42 dặm của miền duyên hải phía Nam California.

Trong bốn thập kỷ qua, dân số giáo phận đã tăng vọt lên gần 1,4 triệu, trong đó đáng kể là những người Việt Nam tị nạn. 

Ngôi thánh đường nổi tiếng này gồm 10,661 tấm kiếng lớn dựng thành 7 tòa nhà khác nhau trên khuôn viên rộng 34 mẫu, đã chính thức trở thành nhà thờ chánh tòa mới của Giáo Phận Orange, một trong 10 giáo phận lớn nhất Hoa Kỳ, từ ngày 17 tháng 11 năm 2011, sau khi tòa án liên bang đưa ra phán quyết cho giáo phận mua lại của Tin Lành với giá 57.5 triệu Mỹ Kim.

Đức Cha Kevin Vann nói:

"Hiện diện ở đây nơi quảng trường Thánh Phêrô này, tôi nghĩ điều quan trọng là chiêm ngắm những nỗ lực đã được thực hiện ở đây qua nhiều thế kỷ để tôn vinh Thiên Chúa, trong sự hiệp nhất với Thánh Tông Đồ Phêrô, và vị Đại Diện của Chúa Kitô. Tại Garden Grove, chúng tôi cũng đang bắt đầu một công việc tuyệt vời để tôn vinh Thiên Chúa."

Trưa thứ Bẩy, 29 Tháng Sáu năm ngoái, cộng đoàn giáo dân tại giáo xứ Tam Biên, do linh mục nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên coi sóc đã tổ chức thánh lễ đóng cửa nhà thờ Tam Biên để dời về Vương Cung Thánh Đường Chúa Kitô.

17. Hội đồng Giáo Hoàng Cor Unum đến Li Băng để điều phối các hoạt động trợ giúp Syria.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần nói rằng một nửa dân số ở Syria đang có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Họ cũng dự đoán rằng trong năm 2014, số lượng người tị nạn sẽ vượt quá ba triệu.

Cuộc xung đột gần ba năm qua đang đẩy số người tị nạn Syria đến một mức kỷ lục. Tháng 12 vừa qua, Đức Hồng Y Robert Sarah, chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng Cor Unum, và Đức Ông Giovanni Pietro Dal Toso, Tổng Thư Ký Hội Đồng, đã đến Li Băng để chứng kiến tận mắt hoàn cảnh người tị nạn Syria, và lắng nghe những nhu cầu của các giám mục Syria.

Đức Ông Giovanni Pietro Dal Toso cho biết:

"Đó là cuộc họp đầu tiên của các giám mục Syria sau 20 tháng. Rõ ràng là chiến tranh đã làm việc giao tiếp rất khó khăn. Bằng chứng là chúng tôi đã phải tổ chức cuộc họp này tại Beirut chứ không phải ở Damascus. Nhưng tôi phải nói rằng việc tham dự đông đủ của các Giám Mục cho thấy mong muốn của các ngài muốn gặp nhau, chia sẻ với nhau mối quan tâm của mình và trình bày những suy tư về tình trạng đang diễn ra . "

Đức Hồng Y Robert Sarah và Đức Ông Giovanni Pietro Dal Toso cũng đã đến thăm một trong những phòng khám di động là một phần của dịch vụ y tế do Hội đồng Cor Unum bảo trợ, với sự phối hợp của Bệnh viện Bambino Gesù và Caritas Syria. Trong giai đoạn đầu tiên, phòng khám điều trị cho hơn 4,000 trẻ em tị nạn ở Li Băng, là quốc gia đã tiếp nhận gần một triệu người tị nạn Syria.

Đức Ông Giovanni Pietro Dal Toso nói thêm:

"Hãy nghĩ về điều này. Có một triệu người tị nạn Syria ở Li Băng là một quốc gia chỉ có 4 tới 5 triệu người. Như thế, chúng ta đang nói về một sự hiện diện rất lớn trong một quốc gia tương đối nhỏ. Vì vậy, tác động của cuộc khủng hoảng này tại một quốc gia như Li Băng, và có lẽ ở các nước khác nữa, là rất mạnh mẽ. "

Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum đang điều phối 42 cơ quan cứu trợ Công Giáo. Công việc của họ đã trở thành một tia sáng ở cuối đường hầm đối với nhiều người đang trông đợi cho chiến tranh sớm kết thúc.

Tác giả: VietCatholic Network

Nguồn tin: vietcatholic.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập188
  • Hôm nay44,216
  • Tháng hiện tại679,427
  • Tổng lượt truy cập57,965,296
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây