Toàn văn Tông Huấn VUI MỪNG HOAN HỈ (Gaudete et Exsultate) của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thứ sáu - 20/04/2018 11:27

-

-
Những trang sau đây không có ý làm một luận đề về sự thánh thiện, chuyên chở những định nghĩa và những nét phân biệt giúp cho việc nắm hiểu chủ đề quan trọng này, cũng không phải là một luận bàn về những phương thế khác nhau của việc thánh hóa...
TÔNG HUẤN HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ
(GAUDETE ET EXSULTATE)
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VỀ LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY
 
– Lm Lê Công Đức, PSS., dịch –
 
 
  1. “HÃY VUI MỪNG VÀ HOAN HỈ” (Mt 5,12), Chúa Giêsu nói như thế với những người bị bách hại và sỉ nhục vì Người. Chúa yêu cầu chúng ta đủ thứ, và Người đáp lại bằng việc trao ban cho ta sự sống đích thực, tức hạnh phúc mà chúng ta đã được dựng nên để lãnh nhận. Chúa muốn chúng ta nên thánh chứ không hài lòng với một hiện hữu nhạt nhẽo và xoàng xĩnh. Tiếng gọi nên thánh vẫn có đó theo nhiều cách thế từ những trang đầu của Thánh Kinh. Ta thấy nó được diễn tả trong lời Chúa nói với Abraham: “Hãy bước đi trước mặt Ta, và hãy sống hoàn hảo” (St 17,1).
 
  1. Những trang sau đây không có ý làm một luận đề về sự thánh thiện, chuyên chở những định nghĩa và những nét phân biệt giúp cho việc nắm hiểu chủ đề quan trọng này, cũng không phải là một luận bàn về những phương thế khác nhau của việc thánh hóa. Mục tiêu khiêm tốn của tôi là nêu lại lời mời gọi nên thánh bằng một cách thực tiễn cho thời đại chúng ta, với tất cả những nguy hiểm, những thách đố và những cơ hội của nó. Vì Chúa đã chọn mỗi người chúng ta “để trở nên tinh tuyền thánh thiện trước nhan Người trong tình yêu” (Ep 1,4).
 
CHƯƠNG I
LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH –
CÁC THÁNH KHÍCH LỆ VÀ ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚNG TA
 
  1. Thư gửi tín hữu Do thái trình bày nhiều chứng từ khích lệ chúng ta “kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta” (12,1). Thư này nhắc đến Abraham, Xa-ra, Mô-sê, Ghi-đê-ôn và nhiều người khác (x. 11,1-12,3). Trên tất cả, Thư này mời gọi chúng ta nhận ra rằng “một đám mây chứng nhân” (12,1) thúc đẩy chúng ta tiến tới không ngừng hướng về đích điểm. Những chứng nhân này có thể bao gồm mẹ, bà ngoại hay những người thân yêu khác của chúng ta (x. 2Tm 1,5). Đời sống của họ có thể không luôn luôn hoàn hảo, nhưng ngay giữa những lỗi lầm và thiếu sót họ vẫn tiến tới và đã làm Chúa vui lòng.
 
  1. Các thánh đang ở với Thiên Chúa vẫn giữ mối ràng buộc yêu thương và hiệp thông với chúng ta. Sách Khải Huyền chứng thực điều này khi nói về sự chuyển cầu của các chứng nhân tuẫn đạo: “Tôi thấy dưới bàn thờ linh hồn của những người đã bị giết vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và đã làm chứng; họ lớn tiếng kêu: ‘Lạy Chúa chí thánh và chân thật, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn không xét xử?’” (6,9-10). Mỗi chúng ta có thể nói: “Được vây quanh và được dẫn dắt bởi các bạn của Thiên Chúa… tôi không phải một mình mang vác điều mà một mình tôi không thể nào vác nổi. Tất cả các thánh của Thiên Chúa vẫn có đó để bảo vệ, nâng đỡ và bồng ẵm tôi”. [1]
 
  1. Các tiến trình tuyên chân phúc và tuyên thánh nhìn nhận những dấu hiệu của nhân đức anh hùng, sự hy sinh mạng sống mình trong cái chết tuẫn đạo, và một số trường hợp trong đó một đời sống được không ngừng dâng hiến cho tha nhân, cho đến tận cái chết. Điều này cho thấy một mẫu mực của việc bắt chước Đức Kitô, đáng được các tín hữu cảm phục. [2] Chẳng hạn, chúng ta có thể nghĩ đến Chân phúc Maria Gabriella Sagheddu, người đã dâng hiến cuộc đời mình cho sự hợp nhất các Kitô hữu.
 
CÁC THÁNH Ở KẾ BÊN TA
 
  1. Chúng ta cũng không cần duy chỉ nghĩ đến các vị đã được tuyên chân phúc hay tuyên thánh. Chúa Thánh Thần trao ban sự thánh thiện dồi dào nơi dân thánh trung tín của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ chẳng chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện”. [3] Trong lịch sử cứu độ, Chúa đã cứu một dân tộc. Chúng ta không bao giờ là chính mình cách hoàn toàn trừ phi chúng ta thuộc về một dân. Vì thế không ai được cứu độ một mình, như một cá thể tách rời. Đúng hơn, Thiên Chúa kéo chúng ta đến với Ngài, trong chính mạng lưới tương quan liên vị phức hợp tồn tại trong một cộng đoàn nhân loại. Thiên Chúa muốn đi vào đời sống và lịch sử của một dân tộc.
 
  1. Tôi thích chiêm ngắm nét thánh thiện nơi sự kiên nhẫn của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi con với tình yêu bao la, nơi những người nam nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những tu sĩ già yếu không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung của họ tôi nhìn thấy tính thánh thiện của Giáo hội chiến đấu. Rất thường, đó là một sự thánh thiện được gặp thấy nơi những con người ngay bên chúng ta, những người sống giữa chúng ta và phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là “tầng lớp bậc trung của sự thánh thiện”. [4]
 
  1. Ta hãy để cho mình được thúc bách bởi các dấu hiệu của sự thánh thiện mà Chúa cho thấy qua những thành viên khiêm hạ nhất của đoàn dân “tham dự vào phận vụ ngôn sứ của Đức Kitô, bằng cách thể hiện khắp nơi chứng tá sống động cho Người, cách đặc biệt bằng đời sống đức tin và đức ái”. [5] Chúng ta cần nhớ sự thật mà Thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá đã nêu ra, đó là lịch sử thật sự được làm ra bởi nhiều người trong họ. Vị thánh nữ viết: “Những gương mặt ngôn sứ và thánh thiện vĩ đại nhất trổi lên khỏi đêm tối thâm u. Nhưng phần lớn, dòng chảy của đời sống thần bí vẫn không được nhìn thấy. Chắc chắn rằng những bước ngoặt có tính quyết định nhất trong lịch sử thế giới thì thiết yếu được phối hợp ấn định bởi các linh hồn mà không một sử sách nào đề cập về họ. Và chỉ trong ngày mà tất cả những gì giấu ẩn hiện lộ ra thì chúng ta mới nhận ra những linh hồn mà mình mắc nợ về những bước ngoặt quyết định trong đời sống của mình”. [6]
 
  1. Thánh thiện là vẻ mặt hấp dẫn nhất của Giáo hội. Nhưng ngay cả bên ngoài Giáo hội Công giáo và trong những bối cảnh rất khác, Chúa Thánh Thần vẫn khơi lên “những dấu hiệu sự hiện diện của Ngài để giúp đỡ các môn đệ Đức Kitô”. [7] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc chúng ta rằng “việc làm chứng cho Đức Kitô đến mức đổ máu ra đã trở thành một gia sản chung của người Công giáo, Chính Thống, Anh giáo và Tin Lành”. [8] Trong buổi lễ đại kết đầy cảm động được tổ chức tại Colosseum vào Đại Năm Thánh 2000, ngài đã tuyên bố rằng các vị tuẫn đạo là “một di sản có tiếng nói hùng hồn hơn mọi nguyên nhân chia rẽ”. [9]
 
CHÚA KÊU GỌI
 
  1. Tất cả điều nói trên đều quan trọng. Nhưng với Tông huấn này tôi muốn chủ yếu nhấn mạnh tiếng gọi nên thánh mà Chúa ngỏ với mỗi chúng ta, tiếng gọi mà Ngài cũng nói cách riêng tư với bạn: “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (Lv 11,44; x. 1Pr 1,16). Công đồng Vaticanô II tuyên bố rõ: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quí như thế, tất cả các tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành”. [10]
 
  1. Công đồng nói “mỗi người mỗi cách”. Chúng ta không nên nản chí trước những mẫu gương thánh thiện dường như mình không thể đạt tới được. Có một số chứng tá có thể thực sự hữu ích và truyền cảm hứng, nhưng không phải để chúng ta sao chép, vì điều đó có thể đưa ta đi lạc khỏi nẻo đường riêng mà Chúa có ý dành cho ta. Điều quan trọng là mỗi tín hữu phân định nẻo đường riêng của mình, để thể hiện chính mình cách tốt nhất, tức những ân sủng riêng tư nhất mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn họ (x. 1Cr 12,7), thay vì cố gắng cách vô vọng để bắt chước một cái gì đó chẳng dành cho mình. Tất cả chúng ta được gọi trở thành những chứng nhân, nhưng có nhiều cách thực tế để làm chứng. [11] Thật vậy, khi Thánh Gioan Thánh Giá, nhà thần bí vĩ đại, viết Khúc Linh Ca, ngài đã muốn tránh đặt những qui tắc rập khuôn cho mọi người. Ngài giải thích rằng những khúc thơ của ngài được viết ra để người ta có thể vận dụng “mỗi người mỗi cách”. [12] Vì sự sống của Thiên Chúa được chuyển thông “cho người ta theo cách này hoặc cách khác”. [13]
 
  1. Trong những hình thức đa dạng ấy, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng “thiên khiếu phụ nữ” được nhìn thấy nơi những phong cách thánh thiện đầy nữ tính, vốn là một phương tiện thiết yếu để phản ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong thế giới này. Thật vậy, vào những thời mà phụ nữ dễ bị thờ ơ và coi thường nhất, Chúa Thánh Thần đã làm nổi lên những vị thánh mà sức lôi cuốn của các ngài đã đem lại những cuộc canh tân thiêng liêng quan trọng và mạnh mẽ trong Giáo hội. Chúng ta có thể nhắc đến Thánh Hildegard ở Bingen, Thánh Bridget, Thánh Catarina Siena, Thánh Têrêsa Avila và Thánh Têrêsa Lisieux. Nhưng tôi cũng nghĩ đến tất cả những phụ nữ vô danh hay bị quên lãng là những người mà – mỗi người một cách – đã chống đỡ và làm biến đổi các gia đình và các cộng đồng nhờ sức mạnh chứng tá của họ.
 
  1. Điều ấy nên thôi thúc và khích lệ chúng ta dấn thân và đảm nhận cái kế hoạch độc đáo mà Thiên Chúa muốn cho mỗi chúng ta từ đời đời: “Trước khi tạo nên ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi người chào đời, Ta đã thánh hiến ngươi” (Gr 1,5).
 
CẢ BẠN NỮA CŨNG THẾ
 
  1. Để nên thánh, không cần phải trở thành giám mục, linh mục hay tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút khỏi các công việc hằng ngày để dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện. Điều đó không đúng. Tất cả chúng ta được gọi nên thánh bằng việc sống đời sống mình với yêu thương và bằng việc làm chứng trong tất cả những gì mình làm, bất cứ nơi nào mình hiện diện. Bạn được gọi sống đời thánh hiến? Hãy nên thánh bằng việc vui tươi sống trọn lời cam kết của bạn. Bạn kết hôn? Hãy nên thánh bằng việc yêu thương và chăm sóc vợ hay chồng của bạn, như Đức Kitô yêu thương và chăm sóc Hội Thánh. Bạn đang làm việc kiếm sống? Hãy nên thánh bằng cách làm việc với hết khả năng và sự liêm chính để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hay ông bà trong nhà? Hãy nên thánh bằng việc nhẫn nại dạy bảo con cháu mình biết đi theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở vị trí nắm giữ quyền bính? Hãy nên thánh bằng cách làm việc phục vụ cho công ích và nói không với việc trục lợi riêng tư. [14]
 
  1. Hãy cho phép ân sủng Phép Rửa của bạn sinh hoa kết quả nơi một nẻo đường thánh thiện. Hãy cho phép mọi sự mở ra với Thiên Chúa; hãy hướng về Ngài trong mọi hoàn cảnh. Đừng sờn lòng nản chí, vì quyền năng của Chúa Thánh Thần sẽ giúp bạn, và sự thánh thiện nói cho cùng là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời bạn (x. Gl 5,22-23). Khi bạn cảm thấy bị cám dỗ ì lại trong sự yếu đuối của mình, hãy hướng mắt về Đức Kitô chịu đóng đinh và nói: “Chúa ơi, con là một tội nhân khốn khổ, nhưng Chúa có thể làm phép lạ cho con nên khá hơn một chút”. Trong Giáo hội, vốn thánh thiện nhưng lại được hình thành bởi các tội nhân, bạn sẽ tìm thấy mọi sự bạn cần để lớn lên trên con đường thánh thiện. Chúa đã ban cho Giáo hội những quà tặng như Thánh Kinh, các bí tích, những nơi thánh, những cộng đoàn sống động, chứng tá của các thánh và một vẻ đẹp đa dạng phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa, “như một cô dâu điểm trang lộng lẫy” (Is 61,10).
 
  1. Sự thánh thiện mà Chúa mời gọi bạn sẽ lớn lên xuyên qua các cử chỉ nhỏ nhoi. Đây là một ví dụ: Một phụ nữ đi mua sắm, chị gặp một người hàng xóm và họ trò chuyện, một cuộc ngồi lê đôi mách bắt đầu. Nhưng chị tự nhủ trong lòng: “Không, tôi sẽ không nói xấu bất cứ ai”. Đó là một bước tiến lên trên con đường thánh thiện. Sau đó, về nhà, một đứa con của chị muốn chia sẻ với mẹ về những điều nó hy vọng và ước mơ, và mặc dù mệt mỏi, chị vẫn ngồi xuống lắng nghe con mình một cách ân cần và kiên nhẫn. Đó là một hy sinh nữa cho thấy sự thánh thiện. Rồi sau đó gặp chuyện âu lo, chị nhớ đến tình thương của Đức Trinh Nữ Maria nên chị lấy xâu chuỗi và lần hạt Mân Côi trong đức tin. Đó lại là một nẻo đường nữa của sự thánh thiện. Rồi, chị đi ra phố, gặp một người nghèo, chị dừng lại nói một lời tử tế với người ấy. Lại một bước thánh thiện nữa.
 
  1. Có những lúc cuộc sống gặp phải những thách đố lớn lao. Xuyên qua chúng, Chúa lại mời gọi chúng ta đi vào một cuộc hoán cải vốn có sức làm cho ân sủng của Ngài trở nên rõ ràng hơn trong đời sống mình, “để chúng ta có thể tham dự vào sự thánh thiện của Ngài” (Dt 12,10). Có những lúc khác, chúng ta chỉ cần tìm ra cách thế hoàn hảo hơn để làm những gì mà mình vốn làm: “Có những cảm hứng chỉ thúc đẩy ta làm cho hoàn hảo những việc bình thường trong đời sống bằng một cách thế phi thường”. [15] Khi Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận bị cầm tù, ngài từ chối phung phí thời gian trong việc chờ đợi ngày được phóng thích. Thay vào đó, ngài chọn “sống giây phút hiện tại, lấp đầy nó với tình yêu”. Ngài quyết định: “Tôi sẽ tận dụng các cơ hội có được mỗi ngày; tôi sẽ chu toàn các việc thường ngày của tôi một cách phi thường”. [16]
 
  1. Bằng cách này, được ân sủng của Thiên Chúa hướng dẫn, với nhiều cử chỉ nhỏ bé chúng ta hình thành sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã muốn cho mình, không phải như những người nam nữ hoàn toàn tự lực mà đúng hơn “như những người quản lý tốt lành kho tàng ân sủng của Thiên Chúa” (1Pr 4,10). Các giám mục New Zealand dạy chúng ta cách đúng đắn rằng chúng ta có khả năng yêu thương là nhờ ở tình yêu vô điều kiện của Chúa, bởi vì Chúa Phục sinh chia sẻ sự sống mạnh mẽ của Người cho sự sống mỏng dòn của chúng ta: “Tình yêu của Chúa không có giới hạn và một khi đã trao ban thì không bao giờ rút lại. Tình yêu ấy vô điều kiện và luôn trung thành. Yêu như thế chẳng dễ chút nào, vì chúng ta thường quá yếu đuối. Nhưng ngay trong việc cố gắng yêu thương như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta cũng cho thấy rằng Đức Kitô đang thông ban sự sống Phục sinh của Người cho ta. Nhờ đó, đời sống chúng ta biểu thị sự hoạt động của quyền năng Chúa – ngay giữa sự yếu đuối của con người”. [17]
 
SỨ MẠNG CỦA BẠN TRONG ĐỨC KITÔ
 
  1. Một Kitô hữu không thể nghĩ về sứ mạng của mình trong cuộc đời này mà không thấy rằng đó là một nẻo đường của sự thánh thiện, vì “thánh ý của Thiên Chúa, đó là sự thánh hóa của anh em” (1Tx 4,3). Mỗi vị thánh là một sứ mạng, được hoạch định bởi Chúa Cha để phản ảnh và thể hiện cụ thể một khía cạnh nào đó của Tin Mừng tại một thời khắc nào đó trong lịch sử.
 
  1. Sứ mạng ấy nhận ý nghĩa trọn vẹn của nó trong Đức Kitô, và chỉ có thể được hiểu qua Người. Ở cốt lõi của sứ mạng ấy, và trong sự kết hợp với Đức Kitô, sự thánh thiện đang kinh nghiệm những mầu nhiệm của đời sống Người. Nó hệ tại việc kết hợp chính mình với cái chết và sự phục sinh của Chúa trong một cách thế rất độc đáo riêng tư, không ngừng chết đi và sống lại với Người. Nhưng nó cũng có thể tái lập trong đời sống chúng ta những khía cạnh khác nhau trong cuộc đời dương thế của Đức Giêsu: đời sống ẩn dật của Người, đời sống của Người trong cộng đồng, sự gần gũi của Người với những người tội lỗi, sự nghèo khó của Người, và những cách khác nữa qua đó Người diễn tả tình yêu quên mình. Việc chiêm ngắm các mầu nhiệm này, như Thánh Inhaxiô Loyola cho thấy, sẽ dẫn chúng ta đến chỗ hội nhập các mầu nhiệm ấy vào trong các chọn lựa và các thái độ của chúng ta. [18] Vì “mọi sự nơi cuộc đời Đức Giêsu đều là một dấu hiệu diễn tả mầu nhiệm của Người”, [19] nên “toàn thể đời sống Đức Kitô là một mặc khải về Chúa Cha”, [20] toàn thể đời sống Đức Kitô là một mầu nhiệm cứu chuộc”, [21] “toàn thể đời sống Đức Kitô là một mầu nhiệm thu họp”. [22] “Đức Kitô giúp ta sống trong Người tất cả những gì chính Người đã sống, và Người sống những điều ấy trong ta”. [23]
 
  1. Kế hoạch của Chúa Cha là Đức Kitô, và là chính chúng ta trong Đức Kitô. Rốt cục, chính Đức Kitô là Đấng yêu thương nơi chúng ta, vì “sự thánh thiện không phải là gì khác ngoài đức ái được sống cách viên mãn”. [24] Như vậy, “mức độ thánh thiện của chúng ta được xác định bởi mức độ mà Đức Kitô chiếm lĩnh được nơi ta, nghĩa là trong chừng mực mà nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần chúng ta rập khuôn toàn thể đời sống mình theo Đức Kitô”. [25] Mỗi vị thánh là một thông điệp mà Chúa Thánh Thần rút từ kho tàng của Đức Giêsu Kitô và trao cho dân của Người.
 
  1. Để nhận ra lời mà Chúa muốn nói với mình xuyên qua một vị thánh của Người, chúng ta không cần săm soi vào tận các chi tiết, vì như vậy chúng ta cũng có thể gặp những lỗi lầm và thất bại. Không phải bất cứ gì một vị thánh nói thì đều hoàn toàn phản ảnh Tin Mừng; không phải mọi việc ngài làm thì đều chân thực hay hoàn hảo. Điều chúng ta cần chiêm ngắm là toàn thể đời sống của các ngài, toàn thể hành trình lớn lên trong sự thánh thiện của các ngài, tức sự phản ảnh Đức Giêsu Kitô hiện lộ lên khi chúng ta nắm hiểu trọn ý nghĩa của các ngài xét như một con người. [26]
 
  1. Đây là một lời hiệu triệu mạnh mẽ dành cho tất cả chúng ta. Cả bạn nữa, bạn cũng cần nhìn thấy toàn thể đời sống mình như một sứ mạng. Hãy gắng thi hành sứ mạng đó bằng cách lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện và nhận ra những dấu hiệu mà Ngài trao cho bạn. Hãy luôn hỏi Chúa Thánh Thần để biết Chúa Giêsu mong muốn gì nơi bạn vào mọi lúc trong cuộc đời và trong mọi quyết định mà bạn phải đưa ra, để phân định vai trò của nó trong sứ mạng mà bạn đã lãnh nhận. Hãy cho phép Chúa Thánh Thần rèn đúc nơi bạn một mầu nhiệm riêng có thể phản chiếu Đức Giêsu Kitô trong thế giới hôm nay.
 
  1. Ước mong bạn tiến tới nhận ra lời đó là gì, tức thông điệp của Đức Giêsu mà Thiên Chúa muốn ngỏ với thế giới qua đời sống của bạn. Bạn hãy cho phép mình được biến đổi. Hãy để cho mình được đổi mới nhờ Chúa Thánh Thần, nhờ đó điều tốt đẹp này sẽ diễn ra, và bạn không thất bại trong sứ mạng cao quí của mình. Chúa sẽ mang sứ mạng ấy đến hoàn thành, bất chấp những lầm lạc của bạn, miễn là bạn không bỏ nẻo đường yêu thương, nhưng luôn mở lòng ra với ân sủng siêu nhiên của Chúa, là ân sủng có sức thanh tẩy và chiếu sáng.
 
HOẠT ĐỘNG CÓ NĂNG LỰC THÁNH HÓA
 
  1. Bạn không thể hiểu Đức Kitô nếu không đặt trong bối cảnh vương quốc mà Người đem đến, cũng vậy, sứ mạng riêng của bạn không thể tách rời khỏi việc xây dựng vương quốc ấy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6,33). Sự đồng hóa của bạn với Đức Kitô và với ý muốn của Người liên can tới một cam kết dấn thân với Người xây dựng nước của tình yêu, công lý và hòa bình phổ quát ấy. Chính Đức Kitô muốn kinh nghiệm điều này với bạn, trong mọi cố gắng và hy sinh gắn liền với nó, và cả trong mọi niềm vui và sự phong phú mà nó đem lại. Bạn không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà không dấn thân, thân xác và linh hồn, để cống hiến hết mình cho công cuộc này.
 
  1. Thật là không lành mạnh việc yêu sự thinh lặng mà tránh né tương tác với người khác, việc muốn an tĩnh theo nghĩa không hoạt động, việc tìm kiếm cầu nguyện trong khi không quan tâm đến phục vụ. Mọi sự đều có thể được chấp nhận và hội nhập vào đời sống của bạn trong thế giới này, và trở thành một phần của nẻo đường nên thánh. Chúng ta được mời gọi làm những người chiêm niệm ngay giữa hoạt động, và nên thánh bằng việc thi hành sứ mạng riêng mình một cách quảng đại và có trách nhiệm.
 
  1. Chẳng lẽ Chúa Thánh Thần có thể thúc giục chúng ta thi hành một sứ mạng, và rồi lại yêu cầu ta bỏ sứ mạng đó, hoặc đừng tận tâm tận lực cho nó, để giữ sự bình an bên trong của mình? Thế nhưng có những lúc chúng ta bị cám dỗ xem việc dấn thân cho mục vụ hay cho thế giới là điều thứ yếu, như thể đó là “những chia trí” trên con đường thánh thiện và bình an nội tâm. Chúng ta có thể quên rằng “đời sống không có một sứ mạng, nhưng là một sứ mạng”. [27]
 
  1. Thật quá rõ, bất cứ gì được làm do bởi bức xúc, kiêu ngạo hay bởi nhu cầu gây ấn tượng cho người khác thì sẽ không dẫn tới sự thánh thiện. Chúng ta được thách đố diễn tả sự dấn thân của mình theo cách thế sao cho mọi sự ta làm đều có ý nghĩa Tin Mừng và đều làm ta nên giống Đức Giêsu Kitô hơn. Chẳng hạn, chúng ta thường nói về linh đạo của giảng viên giáo lý, linh đạo của linh mục giáo phận, linh đạo của việc làm. Cũng vì lý do ấy, trong Tông huấn Evangelii Gaudium tôi đã kết luận bằng cách nói về một linh đạo sứ mạng, trong Laudato Sì tôi nói về một linh đạo môi trường, và trong Amoris Laetitia tôi nói về một linh đạo đời sống gia đình.
 
  1. Nói vậy không có nghĩa là phớt lơ nhu cầu cần có những khoảnh khắc an tĩnh, cô tịch và thinh lặng trước mặt Chúa. Hoàn toàn không phải thế. Sự có mặt của những món đồ công nghệ luôn đổi mới, sự hào hứng của du lịch, và những dãy hàng tiêu dùng bất tận nhiều khi không còn chừa chỗ cho người ta nghe tiếng Chúa. Chúng ta bị tràn ngập bởi những lời nói, bởi những thú vui hời hợt và bởi một sự ồn ào ngày càng tăng, chúng ta bị lấp đầy không phải bởi niềm vui mà bởi sự nhăn nhó bất mãn của những người mà đời sống của họ đã đánh mất ý nghĩa. Làm sao chúng ta có thể không nhận ra nhu cầu phải dừng cuộc bon chen ấy và tìm không gian riêng tư cần thiết để có một cuộc tâm sự chân thành với Thiên Chúa? Việc tìm ra không gian ấy có thể gay go, nhưng luôn luôn đem lại trái ngọt. Sớm hay muộn, chúng ta phải đối diện với con người thật của mình và cho phép Chúa bước vào. Điều này không thể xảy ra trừ phi “chúng ta thấy mình đang lao vào vực thẳm của một cám dỗ khủng khiếp, hay cảm thấy choáng váng vì đang đứng trên vách chênh vênh của tuyệt vọng, hoặc ta thấy mình hoàn toàn đơn độc và bị bỏ rơi”. [28] Trong những hoàn cảnh như thế, chúng ta tìm thấy động lực sâu xa nhất để sống tận lực sự dấn thân cho công việc của mình.
 
  1. Cũng những chia trí ấy, vốn tràn ngập trong thế giới hôm nay, sẽ làm cho chúng ta có xu hướng tuyệt đối hóa thời gian rảnh của mình, trong đó chúng ta lao mình vào những thiết bị cung cấp cho ta sự giải trí hay những khoái cảm phù du. [29] Từ đó, chúng ta trở nên bực bội với sứ mạng của mình, sự dấn thân của ta hóa nên ì ạch, tinh thần quảng đại và sẵn sàng phục vụ của ta bắt đầu suy giảm. Điều này làm biến chất kinh nghiệm thiêng liêng của chúng ta. Làm sao có thể có một lòng sốt sắng thiêng liêng lành mạnh khi bên cạnh nó là sự uể oải lười biếng đối với việc loan báo Tin Mừng và việc phục vụ tha nhân?
 
  1. Chúng ta cần một tinh thần thánh thiện có thể lấp đầy cả sự cô tịch lẫn công việc phục vụ của mình, lấp đầy cả đời sống riêng lẫn những nỗ lực loan báo Tin Mừng của chúng ta, để cho mọi khoảnh khắc đều có thể là một diễn tả tình yêu tự hiến trong ánh nhìn của Chúa. Bằng cách này, mọi giây phút của đời ta có thể là một bước tiến lên trên nẻo đường thánh thiện.
 
SỐNG ĐỘNG HƠN, NHÂN BẢN HƠN
 
  1. Bạn đừng sợ nên thánh. Sự thánh thiện không tước đi năng lực, sức sống hay niềm vui của bạn. Trái lại, bạn sẽ trở thành điều mà Chúa Cha nhắm đến khi tạo nên bạn, và bạn sẽ trung thành với bản ngã sâu xa nhất của mình. Việc ta phụ thuộc vào Thiên Chúa sẽ giải phóng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và giúp ta nhận ra phẩm giá cao cả của mình. Chúng ta thấy điều này nơi Thánh Josephine Bakhita: “Bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ ở tuổi lên bảy rất mong manh, ngài đã chịu nhiều thống khổ trong tay của các người chủ tàn nhẫn. Nhưng ngài dần hiểu ra sự thật thâm sâu rằng Thiên Chúa, chứ không phải con người, mới là Chủ đích thực của mọi người, mọi sự sống con người. Kinh nghiệm này đã trở thành một nguồn khôn ngoan lớn lao cho cô con gái khiêm nhường này của Phi Châu”. [30]
 
  1. Trong mức độ mà mỗi Kitô hữu lớn lên trong sự thánh thiện, người ấy sẽ sinh hoa trái nhiều hơn cho thế giới chúng ta. Các giám mục Tây Phi đã ghi nhận rằng “chúng ta đang được kêu gọi trong tinh thần Tân Phúc âm hóa để được Phúc âm hóa và để Phúc âm hóa xuyên qua việc làm cho vững mạnh tất cả anh chị em, là những người đã lãnh Phép Rửa, để anh chị em chu toàn vai trò là muối đất và là ánh sáng cho trần gian ở bất cứ nơi nào anh chị em hiện diện”. [31]
 
  1. Bạn đừng sợ việc hướng nhìn cao hơn, cho phép Thiên Chúa yêu bạn và giải phóng bạn. Đừng sợ để mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Sự thánh thiện không làm cho bạn ít là người hơn, vì đó là một gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn và sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa. Vì như cách nói của Léon Bloy, rốt cục, “bi kịch thảm hại duy nhất trong đời sống, đó là không nên thánh”. [32]
 
CHƯƠNG II
HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN
 
  1. Ở đây tôi muốn đề cập hai dạng thánh thiện lầm lẫn và có thể dẫn ta đi lạc: đó là ngộ đạo thuyết (gnosticism) và thuyết pêlagiô (pelagianism). Đây là hai lạc thuyết từ những thuở ban đầu Kitô giáo, nhưng chúng vẫn tiếp tục hoành hành nơi chúng ta. Cả trong thời chúng ta, nhiều Kitô hữu – có lẽ một cách không ý thức – có thể bị lôi cuốn bởi những ý tưởng lừa dối này, vốn phản ảnh một nội tại thuyết qui nhân trong cái lốt như là chân lý Công giáo. [33] Chúng ta hãy xem xét hai dạng bảo đảm mang tính giáo thuyết hay qui phạm này, vốn làm nổi lên “một tầng lớp ưu tú độc đoán và tự yêu, trong đó thay vì loan báo Tin Mừng, thì người ta phân tích và xếp loại những người khác, và thay vì mở rộng cửa cho ân sủng, người ta lại vắt cạn năng lực mình trong việc thẩm tra và xác minh. Trong cả hai trường hợp, người ta đều không thực sự quan tâm đến Đức Giêsu Kitô và tha nhân”. [34]
 
NGỘ ĐẠO THUYẾT HIỆN ĐẠI
 
  1. Ngộ đạo thuyết giả định “một đức tin hoàn toàn chủ quan với mối quan tâm duy nhất là một kinh nghiệm nào đó hay một tập hợp các ý tưởng và các thông tin nhằm mục đích an ủi và soi sáng, nhưng rốt cục nó cầm tù người ta trong chính các tư tưởng và các cảm nghĩ của họ”. [35]
 
Một trí năng mà không có Thiên Chúa và không có xác thịt  
 
  1. Tạ ơn Chúa, xuyên qua lịch sử Giáo hội, bao giờ cũng rõ ràng là sự hoàn thiện của một người thì không được đo lường bởi thông tin hay kiến thức mà họ sở đắc, nhưng bởi chiều sâu đức ái của họ. Những “người ngộ đạo” không hiểu điều này, vì họ phán xét người khác dựa trên khả năng nhận hiểu sự phức tạp của một số giáo thuyết. Họ nghĩ về trí năng như tách rời khỏi xác thịt, và do đó họ thiếu khả năng đụng chạm đến xác thịt đau khổ của Đức Kitô nơi tha nhân, điều xảy ra là họ khép kín mình lại trong một từ điển bách khoa về những khái niệm trừu tượng. Cuối cùng, do việc tước cái cụ thể khỏi mầu nhiệm, họ nghiêng chiều về “một Thiên Chúa mà không có Đức Kitô, một Đức Kitô mà không có Giáo hội, và một Giáo hội mà không có dân chúng của mình”. [36]
 
  1. Chắc chắn đây là một loại tự phụ nông cạn: có nhiều chuyển động trên bề mặt, nhưng trong thâm tâm thì không được đánh động sâu xa và cũng chẳng cảm kích gì. Thế nhưng ngộ đạo thuyết vẫn có một sức hấp dẫn đầy dối gạt đối với một số người, vì cách tiếp cận của ngộ đạo thuyết thì chặt chẽ và được cho là tinh thuần, và có vẻ như nó có thể thủ đắc được một sự hòa điệu hay một trật tự nào đó bao trùm mọi sự.
 
  1. Ở đây chúng ta phải cẩn thận. Tôi không đang nói đến một chủ nghĩa duy lý vốn đối nghịch với đức tin Kitô giáo. Nó có thể có mặt trong Giáo hội, cả nơi giáo dân ở các giáo xứ lẫn nơi các thầy dạy triết học hay thần học tại các trung tâm đào tạo. Những người theo ngộ đạo thuyết nghĩ rằng những giải thích của họ có thể làm cho tất cả đức tin và Tin Mừng có thể được nhận hiểu hoàn toàn. Họ khư khư bám chặt vào các lý thuyết của họ và ép người khác phải chấp nhận cách nghĩ của họ. Việc sử dụng lý trí cách khiêm tốn và lành mạnh để suy tư về giáo huấn thần học và luân lý của Tin Mừng, đó là một chuyện. Nhưng sẽ là một chuyện khác, nếu giảm trừ giáo huấn của Chúa Giêsu đến chỉ còn là một luận lý khắc nghiệt và lạnh lùng nhằm tìm cách thống trị mọi sự. [37]
 
Một giáo thuyết mà không có mầu nhiệm
 
  1. Ngộ đạo thuyết là một trong những ý thức hệ tai hại nhất, bởi vì trong khi đề cao quá đáng sự hiểu biết hay một kinh nghiệm chuyên biệt nào đó, thì nó coi cái nhìn của nó về thực tại là toàn hảo. Vì thế, có lẽ thậm chí chính nó không ngờ, ý thức hệ này dựa trên chính nó và trở thành càng cận thị hơn. Nó có thể trở thành ảo tưởng hơn nữa khi nó mang cái mặt nạ của một linh đạo thuần thiêng. Vì ngộ đạo thuyết “tự bản chất nó tìm cách làm chủ mầu nhiệm”, [38] dù đó là mầu nhiệm Thiên Chúa và ân sủng Ngài hay đó là mầu nhiệm đời sống của người khác.
 
  1. Khi một ai đó có câu trả lời cho mọi vấn đề, thì đó là dấu hiệu rằng họ không đang ở trên con đường đúng đắn. Có thể họ là những tiên tri giả, những người sử dụng tôn giáo cho các mục đích của riêng mình, để quảng bá những lý thuyết về tri thức hay về tâm lý của mình. Thiên Chúa siêu vượt vô cùng trên chúng ta; Ngài đầy những bất ngờ. Chúng ta không phải là người xác định khi nào và bằng cách nào mình sẽ gặp gỡ Ngài; thời điểm và nơi chốn chính xác của cuộc gặp gỡ ấy không thuộc quyền định đoạt của chúng ta. Hễ ai muốn rằng mọi sự đều rõ ràng và chắc chắn, thì người ấy đang cho rằng mình kiểm soát sự siêu việt của Thiên Chúa.
 
  1. Chúng ta cũng không thể cho rằng mình biết Thiên Chúa không ở đâu, bởi vì Thiên Chúa hiện diện một cách mầu nhiệm trong đời sống của mọi con người, theo cách thế mà chính Ngài chọn lựa, và chúng ta không thể loại bỏ điều này bằng những sự chắc chắn mà mình giả định. Ngay cả khi đời sống của ai đó có vẻ hoàn toàn hư hỏng, ngay cả khi chúng ta thấy nó bị hủy hoại bởi những đồi bại hay nghiện ngập, thì Thiên Chúa vẫn hiện diện ở đó. Nếu chúng ta muốn được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần chứ không phải bởi những định kiến của mình, thì chúng ta có thể và phải cố gắng tìm thấy Chúa trong mọi đời sống con người. Đây là một phần của mầu nhiệm mà một não trạng ngộ đạo không thể chấp nhận, vì nó vượt quá sự kiểm soát của não trạng đó.
 
Các giới hạn của lý trí
 
  1. Không dễ để nắm hiểu sự thật mà chúng ta đã nhận từ Chúa. Và càng khó diễn đạt nó. Vì thế chúng ta không thể cho rằng cách mình hiểu sự thật nào đó sẽ trao cho mình cái quyền thực thi một sự giám sát nghiêm ngặt trên đời sống của những người khác. Ở đây tôi muốn ghi nhận rằng trong Giáo hội vẫn hợp pháp tồn tại những cách khác nhau để diễn dịch nhiều khía cạnh của giáo lý và đời sống Kitô giáo; trong sự đa dạng của mình, chúng “giúp diễn tả rõ hơn sự phong phú vô cùng của lời Thiên Chúa”. Quả thật đối với những ai mong muốn có một bộ giáo thuyết nguyên khối cứng nhắc được tuân thủ bởi mọi người và không chừa chỗ nào cho sắc thái tinh tế, thì điều này sẽ có vẻ làm họ dị ứng và dẫn tới lộn xộn”. [39] Thật vậy, một số trào lưu ngộ đạo thuyết đã xem thường tính mộc mạc đơn giản của Tin Mừng và đã tìm cách thay thế vị Thiên Chúa ba ngôi vị và nhập thể bằng một Đơn Nhất Tính tối cao, trong đó sự đa dạng phong phú của lịch sử chúng ta biến mất.
 
  1. Như vậy, giáo thuyết, hay nói đúng hơn, cách ta hiểu và diễn đạt giáo thuyết, “không phải là một hệ thống đóng kín, không có chỗ cho khả năng năng động của việc nêu những chất vấn, nghi ngờ, thẩm tra… Những vấn đề của dân chúng, khổ đau của họ, những vật lộn, những ước mơ, những thử thách và muộn phiền của họ, tất cả đều có một giá trị diễn dịch mà chúng ta không thể phớt lơ nếu chúng ta muốn nghiêm túc tôn trọng nguyên lý nhập thể. Việc họ ngạc nhiên giúp chúng ta biết ngạc nhiên, những dấu hỏi của họ chất vấn chúng ta”. [40]
 
  1. Một sự lẫn lộn nguy hiểm có thể hiện lên. Chúng ta có thể nghĩ rằng bởi vì mình biết một điều gì đó, hay mình có thể giải thích nó bằng một số lời lẽ, thì do vậy mà chúng ta đã là các vị thánh rồi, hoàn hảo và tốt hơn “những đám đông dốt nát” kia. Thánh Gioan Phaolô II cảnh báo về cái cám dỗ đối với những người ở trong Giáo hội vốn được học cao hiểu rộng, dễ “cảm thấy cách nào đó rằng mình ở đẳng cấp cao hơn các tín hữu khác”. [41] Thực ra, những gì chúng ta nghĩ rằng mình biết nên luôn thúc đẩy chúng ta đáp trả trọn vẹn hơn đối với tình yêu của Thiên Chúa. Quả vậy, “bạn học là để sống: thần học và sự thánh thiện không thể tách rời nhau”. [42]
 
  1. Khi Thánh Phanxicô Assisi thấy rằng một số môn đệ của ngài liên can đến việc dạy học, ngài muốn tránh cái cám dỗ của ngộ đạo thuyết. Ngài viết cho Thánh Antôn Padua: “Tôi vui mừng về việc anh dạy thần học cho các anh em, miễn là… anh không dập tắt tinh thần cầu nguyện và lòng đạo đức khi làm loại công việc nghiên cứu này”. [43] Thánh Phanxicô đã nhận ra mối cám dỗ của việc biến kinh nghiệm Kitô giáo thành một bộ bài tập trí thức làm cho chúng ta xa cách sự tươi mát của Tin Mừng. Đàng khác, Thánh Bônaventura chỉ ra rằng sự khôn ngoan Kitô giáo đích thực không bao giờ có thể bị tách rời khỏi lòng thương xót đối với người thân cận: “Sự khôn ngoan lớn nhất có thể, đó là biết chia sẻ những gì mình có để trao ban… Lòng thương xót là bạn đồng hành của khôn ngoan, thì cũng vậy, lòng tham lam là kẻ thù của nó”. 44] “Có những hoạt động mà nếu được kết hợp với chiêm niệm thì sẽ không cản trở chiêm niệm nhưng giúp chiêm niệm dễ dàng hơn, như những công việc của lòng thương xót và lòng mộ đạo”. [45]
 
THUYẾT PÊLAGIÔ HIỆN ĐẠI
 
  1. Ngộ đạo thuyết mở đường cho một lạc thuyết khác, cũng đang có mặt trong thời của chúng ta. Với thời gian trôi qua, nhiều người đã nhận ra rằng không phải kiến thức làm cho chúng ta nên tốt hơn hay biến ta thành những vị thánh, nhưng chính là chất lượng đời sống của mình. Nhưng một cách tinh tế, điều này đã dẫn trở lại cái sai lầm cũ của những người ngộ đạo, nghĩa là sai lầm ấy chỉ đơn thuần được biến dạng chứ không bị loại bỏ.
 
  1. Cái sức mạnh mà những người ngộ đạo gán cho trí năng, thì giờ đây nó bắt đầu được những người khác gán cho ý chí, tức sự nỗ lực riêng của con người. Đây là trường hợp của những người theo thuyết pêlagiô và nửa-pêlagiô. Ở đây mầu nhiệm và ân sủng không bị giành chỗ bởi trí năng, mà bởi ý chí con người. Người ta quên mất rằng mọi sự “tùy thuộc không phải vào ý chí hay nỗ lực của con người, nhưng tùy thuộc vào Thiên Chúa là Đấng thương xót” (Rm 9,16) và rằng “Ngài đã yêu chúng ta trước” (x. 1Ga 4,19).
 
Một ý chí thiếu lòng khiêm nhường    
 
  1. Những ai theo tâm thức pêlagiô hay nửa-pêlagiô, ngay cả dù họ sốt sắng nói về ân sủng của Thiên Chúa, thì “rốt cục họ chỉ tin tưởng vào sức mạnh của mình và cảm thấy mình cao hơn người khác bởi vì họ giữ một số qui tắc hay kiên thủ trung thành với một phong cách Công giáo nào đó”. [46] Khi một số trong họ nói với người yếu đuối rằng mọi sự đều có thể đạt được với ơn Chúa, thì tận thâm tâm họ có xu hướng muốn nói rằng mọi sự đều có thể nhờ ý chí con người, cơ hồ như ý chí con người là tinh thuần, hoàn hảo, toàn năng, mà ân sủng chỉ là cái được bổ sung vào. Họ không nhận ra rằng “không phải ai cũng có thể làm được mọi sự”, [47] và rằng trong cõi đời này những yếu đuối của con người không được chữa lành một cách hoàn toàn và dứt khoát bởi ân sủng. [48] Như Thánh Augustinô dạy, trong mọi trường hợp, Thiên Chúa yêu cầu bạn hãy làm điều bạn có thể, và hãy cầu xin những gì bạn không thể, [49] và quả thực bạn hãy khiêm tốn cầu nguyện: “Xin Chúa ban điều Chúa truyền dạy, và xin Chúa truyền dạy điều Chúa muốn”. [50]
 
  1. Cuối cùng, việc thiếu sự nhìn nhận trong tinh thần chân thành và cầu nguyện về những giới hạn của mình sẽ không cho phép ân sủng hoạt động hữu hiệu trong chúng ta, vì không còn chỗ cho tiềm năng thiện hảo vốn gắn liền với hành trình trưởng thành chân thực. [51] Ân sủng, chính bởi vì dựa trên tự nhiên, không làm cho chúng ta trở thành siêu nhân ngay lập tức. Cách nghĩ ấy cho thấy sự quá tin tưởng vào những khả năng của mình. Ẩn bên dưới tính chính thống của mình, các thái độ của chúng ta có thể không tương hợp với những gì mình nói về nhu cầu cần có ân sủng, và trong những trường hợp cụ thể nào đó, chúng ta có thể rốt cục chẳng tin tưởng vào ân sủng bao nhiêu. Trừ phi chúng ta có thể nhìn nhận hoàn cảnh cụ thể và giới hạn của mình, chúng ta sẽ không thể thấy được những bước thực tế và khả dĩ mà Chúa yêu cầu mình tại mỗi khoảnh khắc, khi mà chúng ta được lôi cuốn và được tăng cường sức mạnh bởi ân sủng của Chúa. Ân sủng hoạt động trong lịch sử; và ân sủng thường nắm giữ và dần dần biến đổi chúng ta. [52] Nếu chúng ta loại bỏ thực tại có tính lịch sử và tiến bộ này, thì đấy là chúng ta thực sự từ khước và chặn đứng ân sủng, cho dù chúng ta tán dương ân sủng bằng lời lẽ của mình.
 
  1. Khi Thiên Chúa ngỏ lời với Abraham, Ngài bảo: “Ta là Đức Chúa Toàn Năng, ngươi hãy bước đi trước mặt Ta, và hãy sống hoàn hảo” (St 17,1). Để sống hoàn hảo như Ngài kêu gọi mình, chúng ta cần sống khiêm nhường trong sự hiện diện của Ngài, mặc lấy áo choàng vinh quang của Ngài, chúng ta cần bước đi trong sự kết hợp với Ngài, nhận ra tình yêu thường hằng của Ngài trong đời sống mình. Chúng ta cần bỏ đi nỗi sợ hãi của mình trước sự hiện diện vốn chỉ có ý nghĩa tốt lành cho chúng ta. Thiên Chúa là người Cha đã trao ban cho chúng ta sự sống và yêu thương chúng ta vô cùng. Một khi ta biết chấp nhận Ngài, và không còn cố sống cuộc sống mình một cách bất cần Ngài, thì nỗi khổ cô đơn sẽ biến mất (x. Tv 139,23-24). Bằng cách này chúng ta sẽ biết ý Chúa muốn về cái gì là đẹp lòng Ngài và hoàn hảo (x. Rm 12,1-2) và sẽ cho phép Ngài đúc nặn chúng ta như một người thợ gốm (x. Is 29,16). Rất thường, ta nói rằng Thiên Chúa ở trong ta, nhưng tốt hơn nên nói rằng chúng ta ở trong Thiên Chúa, rằng Ngài giúp ta có thể ở trong ánh sáng và tình yêu của Ngài. Ngài là đền thờ của chúng ta; chúng ta xin được cư ngụ trong nhà Chúa mọi ngày suốt đời mình (x. Tv 27,4). “Vì một ngày trong hành lang nhà Chúa thì hơn cả ngàn ngày ở nơi khác” (Tv 84,10). Sự thánh thiện của chúng ta ở nơi Ngài.
 
Một giáo huấn của Giáo hội thường bị bỏ qua
 
  1. Giáo hội không ngừng dạy rằng chúng ta được công chính hóa không phải bởi những việc làm hay những cố gắng của riêng mình, nhưng là bởi ân sủng của Chúa, Đấng luôn luôn đi bước trước. Các giáo phụ, ngay cả trước thời Thánh Augustinô, đã diễn tả rõ ràng niềm tin căn bản này. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng Thiên Chúa đổ tràn trên chúng ta chính nguồn ân ban của Ngài ngay cả trước khi chúng ta đi vào cuộc chiến đấu. [53] Thánh Basiliô Cả lưu ý rằng vinh quang của người tín hữu chỉ ở nơi Thiên Chúa mà thôi, vì “họ nhận ra rằng mình thiếu sự công chính đích thực và được công chính hóa duy chỉ nhờ lòng tin vào Đức Kitô”. [54]
 
  1. Công đồng Orange thứ hai đã dạy với thẩm quyền vững chắc rằng con người không thể đòi hỏi gì, xứng đáng gì, cũng không thể mua được ân sủng thần linh, và rằng tất cả sự cộng tác với ân sủng ấy chính là ân ban tiên vàn của nó: “Ngay cả khát vọng được thanh tẩy cũng đến với chúng ta nhờ sự tuôn tràn và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần”. [55] Vì thế, Công đồng Trentô, trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chúng ta cộng tác trong công cuộc trưởng thành tâm linh, đã tái xác nhận giáo lý ấy: “Chúng ta được công chính hóa cách nhưng không, vì không có gì đi trước sự công chính hóa, không phải đức tin cũng không phải việc làm, mà xứng đáng với ơn công chính hóa; vì ‘nếu do ân sủng, thì không còn dựa vào việc làm nữa; nếu chẳng vậy, thì ân sủng đâu còn là ân sủng nữa’ (Rm 11,6)”. [56]
 
  1. Giáo lý của Giáo hội Công giáo cũng nhắc chúng ta rằng ân sủng được trao ban thì “vượt quá năng lực của trí năng và ý chí con người” [57] và rằng “đối với Thiên Chúa, con người chẳng có quyền đòi hỏi Ngài bất cứ gì cả. Giữa Thiên Chúa và chúng ta là một khoảng cách khôn lường”. [58] Tình bạn của Ngài muôn trùng siêu vượt trên chúng ta; ta không thể mua nó với những việc làm của mình, nó chỉ có thể là một quà tặng do sáng kiến yêu thương của Ngài. Điều này mời gọi chúng ta hân hoan sống tâm tình biết ơn về ân ban mà mình hoàn toàn bất xứng này, vì “khi người ta nhận được ân sủng, thì ân sủng đã nhận được ấy không thể do người ta xứng đáng”. [59] Các thánh tránh đặt niềm tin tưởng vào các công việc của mình: “Vào buổi chiều của cuộc đời này, con sẽ đến trước mặt Chúa với đôi bàn tay trắng, vì lạy Chúa, con không xin Chúa đo đếm các việc làm của con. Tất cả sự công chính của chúng con đều nhiễm tì vết trước con mắt Chúa”. [60]
 
  1. Đây là một trong những xác tín quan trọng mà Giáo hội vẫn giữ vững. Nó được diễn tả rõ ràng trong lời Chúa đến nỗi không thể nào bị chất vấn. Giống như điều răn trọng nhất về yêu thương, chân lý này phải tác động đến cách sống của chúng ta, vì nó chảy từ cốt lõi của Tin Mừng và đòi ta không chỉ chấp nhận nó trong trí năng, mà còn phải biến nó thành một nguồn vui lan tỏa. Tuy nhiên chúng ta không thể mừng món quà tặng nhưng không này, tức tình bạn với Chúa, trừ phi chúng ta nhận ra rằng đời sống của mình trên dương thế này và những khả năng tự nhiên của mình đều là ân ban của Chúa. Chúng ta cần biết “hân hoan nhìn nhận rằng sự sống của mình thiết yếu là một quà tặng, và nhận ra rằng sự tự do của mình là một ân sủng. Điều này thật không dễ hôm nay, trong một thế giới vốn nghĩ rằng tự nó có thể có được điều gì đó, như là do sáng kiến hay tự do của nó”. [61]
 
  1. Duy chỉ nhờ ân ban của Thiên Chúa, được tự do và khiêm tốn đón nhận, chúng ta mới có thể cộng tác bằng những cố gắng của mình trong công cuộc biến đổi chính mình cách tiệm tiến. [62] Tiên vàn chúng ta phải thuộc về Thiên Chúa, dâng hiến chính mình cho Ngài là Đấng vốn có trước ở đó, và ký thác cho Ngài các khả năng, các nỗ lực của chúng ta, cuộc chiến đấu của chúng ta chống lại sự dữ và năng lực sáng tạo của chúng ta, để cho ân huệ nhưng không của Ngài có thể lớn lên và phát triển trong chúng ta: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Vì thế, Giáo hội luôn dạy rằng chỉ đức ái mới có thể làm cho đời sống ân sủng được lớn lên, vì “nếu tôi không có đức ái, thì tôi chẳng là gì” (1Cr 13,2).
 
Những người theo tân thuyết pêlagiô 
 
  1. Thế nhưng, một số Kitô hữu vẫn cố đi con đường khác, đó là con đường công chính hóa bằng những nỗ lực riêng của mình, tức tôn thờ ý chí con người và những khả năng của họ. Kết quả là một sự tự mãn mang tính trịch thượng và qui ngã, đánh mất đi tình yêu đích thực. Điều này được diễn tả nơi nhiều cách nghĩ và cách làm có vẻ rất khác nhau: nỗi ám ảnh về lề luật, sự miệt mài bận tâm về những thuận lợi chính trị và xã hội, mối quan tâm quá chi li về phụng vụ, giáo lý và thanh thế của Giáo hội, thái độ kiêu hãnh về khả năng xử lý những vấn đề thực tiễn, và mối bận tâm quá đáng về những chương trình tự lực và sự thành tựu cá nhân. Một số Kitô hữu bỏ thời giờ và sức lực cho những điều này, hơn là cho phép chính mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần trên con đường yêu thương, hơn là khao khát chuyển đạt vẻ đẹp và niềm vui của Tin Mừng và khao khát tìm kiếm những người lạc mất trong những đám đông đang khát vọng Đức Kitô. [63]
 
  1. Đối nghịch với những gợi ý của Chúa Thánh Thần, không phải là hiếm trường hợp trong đó đời sống của Giáo hội có thể trở thành một món bảo tàng hay là của riêng của một thiểu số ưu tuyển. Điều này có thể xảy ra khi một số nhóm Kitô hữu gán tầm quan trọng quá đáng cho những qui tắc, những tập tục hay cách làm nào đó. Khi đó Tin Mừng dễ bị cắt xén và thu hẹp, bị tước mất tính chân chất, vẻ quyến rũ và hương vị của nó. Đây có thể là một dạng tinh vi của chủ thuyết pêlagiô, vì dường như nó xem đời sống ân sủng là thứ yếu so với một số cấu trúc nhân loại. Nó có thể ảnh hưởng đến các nhóm, các phong trào và các cộng đoàn, và điều này giải thích tại sao rất thường các nhóm ấy bắt đầu với một sức sống mạnh mẽ trong Chúa Thánh Thần, chỉ để kết thúc trong tình trạng hóa thạch… hay thối nát.
 
  1. Một khi chúng ta tin rằng mọi sự lệ thuộc vào cố gắng của con người như được chuyển tải bởi các qui tắc và các cơ cấu của Giáo hội, chúng ta sẽ vô tình làm cho Tin Mừng trở nên phức tạp, và ta trở thành nô lệ cho một đề án vốn không chừa mấy chỗ để đón nhận hoạt động của ân sủng. Thánh Tôma Aquinô nhắc chúng ta rằng những giáo huấn mà Giáo hội bổ sung vào Tin Mừng phải được đặt ra cách chừng mực, “để đời sống của tín hữu không trở thành gánh nặng”, vì nếu chẳng vậy thì tôn giáo của chúng ta sẽ trở thành một dạng đày đọa. [64]
 
Tóm kết lề luật
 
  1. Để tránh điều nói trên, chúng ta cần tự nhắc mình rằng có một phẩm trật các nhân đức và chúng ta được mời gọi tìm kiếm điều gì là cốt yếu. Ưu tiên hàng đầu thuộc về các nhân đức đối thần, với Thiên Chúa là đối tượng và là động lực. Trọng tâm chính là đức ái. Thánh Phaolô nói rằng điều thực sự đáng kể là “đức tin hoạt động qua đức ái” (Gl 5,6). Chúng ta được kêu gọi dành mọi nỗ lực để giữ đức ái: “Ai yêu tha nhân thì chu toàn lề luật… vì yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,8.10). “Vì tất cả lề luật được tóm kết trong một lệnh truyền duy nhất: ‘Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình’” (Gl 5,14).
 
  1. Nói cách khác, ở giữa một rừng những huấn lệnh và qui tắc, Chúa Giêsu vạch rõ cách để nhìn thấy hai khuôn mặt, khuôn mặt của Chúa Cha và khuôn mặt của người anh em. Người không trao cho chúng ta thêm hai công thức hay thêm hai điều răn. Người trao cho chúng ta hai khuôn mặt, hay đúng hơn, chỉ một mà thôi: đó là khuôn mặt của Thiên Chúa được phản ảnh nơi vô số những khuôn mặt khác. Vì nơi mọi anh chị em mình, đặc biệt là những người bé mọn nhất, những người yếu đuối nhất, những người không có khả năng tự vệ và những người túng quẫn, ở đó chính hình ảnh của Thiên Chúa được gặp thấy. Thực vậy, với những mảnh phận người mong manh này, Chúa sẽ làm nên tác phẩm cuối cùng của Người. Vì “cái gì bền vững, cái gì có giá trị trong đời sống, của cải nào không biến mất? Chắc chắn là hai điều này: Chúa và tha nhân. Hai của cải này không biến mất!” [65]
 
  1. Nguyện xin Chúa giải phóng Giáo hội khỏi những hình thức mới này của thuyết ngộ đạo và thuyết pêlagiô, là những thứ đè nén Giáo hội và ngăn chặn Giáo hội tiến lên trên đường thánh thiện! Những sai lầm này mang nhiều dạng khác nhau, tùy theo khí chất và tính cách của mỗi người. Vì thế tôi khích lệ mọi người suy tư và phân định trước mặt Chúa, để xem chúng có tồn tại trong đời sống mình hay không.
 
CHƯƠNG III
TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ
 
  1. Có thể có vô số lý thuyết về điều gì làm nên sự thánh thiện, với những giải thích và những sự phân biệt khác nhau. Suy tư như thế có thể hữu ích, nhưng không có gì khai trí hơn là hướng về để nghe lời của Chúa Giêsu và nhìn cách Người giảng dạy sự thật. Chúa Giêsu giải thích một cách vô cùng dung dị đâu là ý nghĩa của việc nên thánh khi Người trao cho chúng ta Các Mối Phúc (x. Mt 5,3-12; Lc 6,20-23). Các Mối Phúc giống như một căn cước Kitô hữu. Vì thế, nếu có ai hỏi: “Người ta phải làm gì để trở thành một Kitô hữu tốt?”, thì câu trả lời thật rõ. Chúng ta phải làm, mỗi người theo cách của mình, những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta trong Bài Giảng Trên Núi. [66] Trong Các Mối Phúc, chúng ta gặp thấy một chân dung của vị Tôn Sư, và chúng ta được mời gọi phản chiếu chân dung này trong đời sống hằng ngày của mình.
 
  1. Từ “hạnh phúc” hay “được chúc phúc”, vì thế, trở thành từ đồng nghĩa với “thánh thiện”. Nó diễn tả sự thật rằng những ai trung thành với Thiên Chúa và lời của Ngài, bằng cách trao hiến chính mình, thì đạt được hạnh phúc đích thực.
 
LỘI NGƯỢC DÒNG
 
  1. Mặc dù những lời của Chúa Giêsu có thể trao cho ta ấn tượng đầy thi vị, những lời ấy rõ ràng đi ngược với cách người ta sống trong thế giới hôm nay. Ngay cả dù chúng ta nhận thấy sứ điệp của Chúa Giêsu đầy lôi cuốn, thế giới vẫn đẩy chúng ta về một lối sống khác. Các Mối Phúc không hề lỗi thời hay dễ dãi, mà hoàn toàn ngược lại như thế. Chúng ta chỉ có thể thực hành Các Mối Phúc nếu Chúa Thánh Thần đổ đầy trong chúng ta sức mạnh của Ngài và giải phóng chúng ta khỏi sự yếu hèn, ích kỷ, tự mãn và kiêu ngạo của mình.
 
  1. Chúng ta hãy lắng nghe Chúa Giêsu một lần nữa, với tất cả yêu thương và kính trọng mà vị Tôn Sư đáng nhận được. Chúng ta hãy cho phép những lời của Người làm xáo trộn chúng ta, thách đố và đòi hỏi chúng ta có một sự thay đổi thật sự trong lối sống của mình. Nếu chẳng vậy, sự thánh thiện sẽ vẫn không là gì hơn một từ trống rỗng. Giờ đây chúng ta tập chú vào từng Mối Phúc trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu (x. Mt 5,3-12). [67]
 
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”
 
  1. Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn kỹ vào tận sâu thẳm tâm hồn mình, để thấy đâu là nơi chúng ta tìm thấy sự an toàn của mình trong đời sống. Người giàu thường cảm thấy an toàn nơi của cải, và nghĩ rằng nếu của cải ấy bị đe dọa thì tất cả ý nghĩa cuộc sống của họ trên đời này có thể tan tành. Chính Chúa Giêsu nói với ta điều này trong dụ ngôn về người giàu ngu ngốc: Người nói về một ông kia rất tự tin nơi mình, nhưng ngu ngốc, vì ông không hề biết rằng ông có thể chết ngay hôm ấy (x. Lc 12,16-21).
 
  1. Của cải chẳng bảo đảm được gì. Thật vậy, một khi ta nghĩ mình giàu, chúng ta có thể trở thành tự mãn đến nỗi không còn chỗ nào cho lời Chúa, cho tình yêu đối với anh chị em mình, hay cho việc thưởng thức những điều quan trọng nhất trong đời sống. Bằng cách đó, chúng ta hụt mất kho tàng lớn lao nhất. Vì thế Chúa Giêsu gọi những ai có tinh thần nghèo khó là những người có phúc, họ có một trái tim tội nghiệp, và Chúa có thể đi vào đó với tính mới mẻ mãi của Người.
 
  1. Sự khó nghèo thiêng liêng thì gắn chặt với điều mà Thánh Inhaxiô Loyola gọi là “bình tâm thánh thiện”, vốn đưa chúng ta tới một sự tự do nội tâm ngời sáng: “Chúng ta cần tự rèn luyện để có thái độ bình tâm đối với mọi thụ tạo, trong tất cả những gì mà ý chí tự do của mình được phép chứ không bị cấm cản; sao cho về phần mình, chúng ta không nghiêng chiều về sức khỏe hơn là đau ốm, giàu có hơn là nghèo khó, danh dự hơn là ô nhục, sống lâu hơn là mệnh yểu, và mọi điều tương tự như thế”. [68]
 
  1. Luca không nói về sự nghèo khó “trong tinh thần” nhưng đơn giản nói về những người “nghèo” (x. Lc 6,20). Như vậy, vị thánh sử cũng mời gọi chúng ta sống một đời sống khổ hạnh và giản dị. Ngài mời gọi chúng ta chia sẻ đời sống của những người túng thiếu nhất, đời sống của các Tông đồ, và nhất là nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng tuy giàu có, “đã tự nguyện trở nên nghèo khó” (2Cr 8,9).
Nghèo khó trong tâm hồn: đó là thánh thiện.
 
“Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp”  
 
  1. Đây là những lời mạnh mẽ trong một thế giới mà ngay từ ban đầu đã là nơi của xung đột, bất đồng và thù địch ở mọi phía, nơi mà chúng ta thường xuyên xếp loại người khác dựa trên tư tưởng của họ, dựa trên tập tục và thậm chí cách nói năng hay cách ăn mặc của họ. Cuối cùng, đó là sự ngự trị của thói tự phụ và kiêu căng, trong đó người ta nghĩ mình có quyền thống trị kẻ khác. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đề ra một lối xử sự khác, dù có vẻ như là điều không thể, đó là con đường hiền hòa. Đây là cách mà ta thấy Người sống với các môn đệ. Ta cũng chiêm ngắm điều này khi Người vào thành Giêrusalem: “Này đây, đức vua của ngươi đang đến với ngươi, khiêm nhường ngồi trên lưng lừa” (Mt 21,5; Dcr 9,9).
 
  1. Đức Kitô nói: “Hãy học với tôi; vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường, và tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Nếu chúng ta thường xuyên khó chịu và nóng nảy với người khác, chúng ta sẽ đi đến kiệt quệ và mệt mỏi. Nhưng nếu chúng ta đối diện những sai lỗi và những giới hạn của người khác với sự dịu dàng và hiền hòa, không ra vẻ kẻ cả, thì chúng ta có thể thực sự giúp ích họ và không còn phí năng lực vào việc phàn nàn vô ích. Thánh Têrêsa Lisieux nói với chúng ta rằng “đức ái trọn hảo hệ tại ở việc đón nhận những sai lỗi của kẻ khác, và không bị vấp ngã vì những lỗi của họ”. [69]
 
  1. Thánh Phaolô nói về sự hiền lành như một trong những hoa quả của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5,23). Ngài cho rằng nếu một hành động sai của người anh chị em nào đó làm phiền ta, chúng ta nên cố gắng sửa lỗi họ, nhưng “với một tinh thần hiền lành”, bởi vì “cả bạn nữa cũng có thể bị cám dỗ” (Gl 6,1). Ngay cả khi chúng ta bảo vệ đức tin và những niềm xác tín của mình, chúng ta cũng phải làm thế “một cách hiền hòa” (x. 1Pr 3,16). Cũng phải cư xử với những kẻ thù mình “một cách hiền hòa” (2Tm 2,25). Trong Giáo hội, chúng ta thường sai lỗi do không đáp lại yêu cầu này của lời Chúa.
 
  1. Hiền lành là một cách diễn tả sự nghèo khó bên trong của những ai đặt tin tưởng vào chỉ một mình Thiên Chúa. Thật vậy, trong Thánh Kinh cùng một từ “anawim” thường nói đến cả những người nghèo khó lẫn những người hiền lành. Có người có thể chống chế: “Nếu tôi hiền như vậy, người ta sẽ cho tôi là một tên ngốc, một kẻ khờ hay nhu nhược”. Đúng là đôi khi người ta nghĩ vậy, nhưng vậy cũng không sao. Hiền lành luôn luôn là điều tốt hơn, vì như vậy những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta sẽ được lấp đầy. Người hiền lành “sẽ được đất làm cơ nghiệp”, vì họ sẽ nhìn thấy các lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện trong đời sống mình. Trong mọi hoàn cảnh, người hiền lành đặt hy vọng nơi Chúa, và những ai đặt hy vọng vào Chúa thì sẽ sở hữu được đất… và cảm nhận được sự bình an tròn đầy (x. Tv 37,9.11). Về phần Ngài, Chúa tin tưởng nơi họ: “Kẻ được ta đoái nhìn, đó là người khiêm nhường, người có tâm hồn tan nát, người biết kính sợ lời ta” (Is 66,2).
Cư xử với sự hiền lành và khiêm nhường: đó là thánh thiện.
 
“Phúc cho những ai than khóc, vì họ sẽ được ủi an”   
 
  1. Thế giới nói với chúng ta điều hoàn toàn ngược lại: giải trí, thú vui, tiêu khiển và thoát ly thực tế mới làm cho đời vui. Con người thế gian tránh né các vấn đề đau ốm hay buồn phiền nơi gia đình hay ở xung quanh mình; họ quay mặt đi chỗ khác. Thế giới không muốn than khóc; nó không quan tâm đến những hoàn cảnh đau thương, và tìm cách che giấu các hoàn cảnh ấy. Người ta tiêu tốn nhiều năng lực để trốn tránh đau khổ với niềm tin rằng họ có thể che lấp được thực tế. Nhưng thập giá chẳng bao giờ vắng bóng.
 
  1. Một người biết nhìn sự vật đúng như sự thật của chúng và biết cảm thông với những nỗi buồn đau, đó là người có thể chạm đến những chiều sâu của đời sống và tìm thấy hạnh phúc chân thực. [70] Người ấy được ủi an, không phải bởi thế gian nhưng là bởi Chúa Giêsu. Những người như thế không ngại chia sẻ khổ đau của người khác; họ không trốn tránh các hoàn cảnh đau buồn. Họ khám phá ý nghĩa của đời sống qua việc đi đến giúp đỡ những ai đau khổ, cảm thông nỗi khốn khó của người ta và đem lại sự xoa dịu. Họ cảm nhận rằng tha nhân là thịt bởi thịt mình, họ không sợ đến gần, ngay cả chạm đến những vết thương nơi người ấy. Họ chạnh lòng thương cảm người khác đến nỗi mọi khoảng cách đều không còn. Bằng cách đó họ sống giáo huấn của Thánh Phaolô: “Hãy khóc với người khóc” (Rm 12,15).
Biết cách khóc than với tha nhân: đó là thánh thiện.
 
“Phúc cho những ai đói khát công lý, vì họ sẽ được thỏa lòng”
 
  1. Đói và khát là những kinh nghiệm nhức nhói, vì chúng liên quan tới các nhu cầu căn bản và bản năng sống còn của chúng ta. Có những người mong mỏi công lý và khát khao sự chính trực với cùng cường độ như vậy. Chúa Giêsu nói rằng họ sẽ được thỏa lòng, vì sớm hay muộn công lý sẽ đến. Chúng ta có thể cộng tác để làm cho điều đó thành hiện thực, cho dù có thể chúng ta không luôn luôn nhìn thấy kết quả những cố gắng của mình.
 
  1. Chúa Giêsu đem lại một nền công lý khác với thứ công lý của thế gian, là thứ vốn thường bị phá hỏng bởi những lợi ích tầm thường và bị làm méo mó bằng nhiều cách. Kinh nghiệm cho thấy người ta thật dễ vướng vào tham nhũng, dễ bị mắc bẫy trong thứ chính trị đổi chác hằng ngày, trong đó mọi sự trở thành việc mua bán. Biết bao người phải chịu sự bất công, phải đành bất lực đứng bên lề trong khi những kẻ khác thu tóm hết những béo bở của cuộc sống này. Một số bỏ cuộc, không đấu tranh cho công lý đích thực nữa và chọn thỏa hiệp với những kẻ nắm ưu thế. Điều này không liên quan gì tới nỗi đói khát công lý mà Chúa Giêsu biểu dương.
 
  1. Công lý thực sự đến trong đời sống của người ta khi họ công chính trong các quyết định của mình; nó được diễn tả nơi việc họ tìm kiếm công lý cho người nghèo và người yếu thế. Trong khi quả thực là từ “công lý” có thể là một từ đồng nghĩa với sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta, nếu chúng ta hiểu từ này theo một nghĩa quá rộng, thì chúng ta quên rằng nó được diễn tả cách đặc biệt trong công lý cho những người yếu đuối nhất: “Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, bảo vệ cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1,17).
Đói khát sự công chính: đó là thánh thiện.
 
“Phúc cho những ai thương xót, vì họ sẽ được xót thương”        
    
  1. Lòng thương xót có hai phương diện. Nó liên quan đến việc chia sẻ, giúp đỡ và phục vụ người khác, nhưng nó cũng bao gồm sự tha thứ và cảm thông. Matthêu đúc kết trong một qui tắc vàng: “Trong mọi sự, hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho mình” (7,12). Sách Giáo lý nhắc chúng ta rằng luật này phải được áp dụng “trong mọi trường hợp”, [71] nhất là khi chúng ta “đứng trước những hoàn cảnh làm cho các phán quyết luân lý ít chắc chắn và làm cho việc quyết định trở thành khó khăn”. [72]
 
  1. Trao hiến và tha thứ có nghĩa là tái sản xuất trong đời sống chúng ta một mức bé nhỏ của sự hoàn hảo nơi Thiên Chúa, Đấng trao hiến và thứ tha vô ngần vô lượng. Vì thế, trong Tin Mừng Luca chúng ta không nghe bảo “Hãy nên hoàn thiện” (Mt 5,48), nhưng là: “Hãy thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Hãy tha thứ, thì anh em sẽ được Thiên Chúa thứ tha; hãy cho, thì anh em sẽ được Thiên Chúa cho lại” (6,36-38). Rồi Luca thêm một điều mà chúng ta không thể bỏ qua: “Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (6,38). Trao mức nào, sẽ nhận mức đó. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này.
 
  1. Chúa Giêsu không nói: “Phúc cho những ai rắp tâm trả thù”. Người gọi là “phúc” đối với những ai tha thứ và tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Chúng ta cần nghĩ về chính chúng ta như một đoàn quân của những người được tha thứ. Tất cả chúng ta đều đã được lòng trắc ẩn của Thiên Chúa nhìn đến. Nếu chúng ta đến với Chúa với lòng chân thành và chăm chú lắng nghe, sẽ có những lúc chúng ta nghe Người trách cứ: “Ngươi không phải thương xót đồng bọn, như ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,33).
Biết nhìn và biết hành động với lòng thương xót: đó là thánh thiện.
 
“Phúc cho những ai có trái tim trong sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa”
 
  1. Mối Phúc này nói về những ai có tâm hồn đơn sơ, thuần khiết và không uế nhiễm, vì một trái tim có khả năng yêu thương thì không chấp nhận bất cứ gì có thể làm tổn hại, yếu nhược hay gây nguy hiểm cho tình yêu ấy. Thánh Kinh dùng hình ảnh trái tim để diễn tả những ý hướng thực sự của chúng ta, những gì mà chúng ta thực sự tìm kiếm và khao khát, khác với tất cả những vẻ bên ngoài. “Con người nhìn vẻ bên ngoài, nhưng Chúa nhìn tận trong trái tim” (1Sm 16,7). Thiên Chúa muốn nói với trái tim chúng ta (x. Hs 2,16); Ngài muốn ghi luật của Ngài vào đó (x. Gr 31,33). Nói tắt, Ngài muốn ban cho chúng ta một quả tim mới (x. Ez 36,26).
 
  1. “Hãy gìn giữ trái tim con cho thật kỹ” (Cn 4,23). Người không nhiễm ố bởi sự giả dối thì có giá trị thực sự trước con mắt của Chúa. Người ấy “luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt” (Kn 1,5). Chúa Cha, “Đấng thấu suốt mọi bí ẩn” (Mt 6,6), nhìn thấy rõ cái gì là không trong sáng và không chân thành, cái gì chỉ là phô trương bên ngoài, và Chúa Con cũng thế, Người biết rõ “lòng người ta” (x. Ga 2,25).
 
  1. Chắc chắn không thể có yêu thương nếu không có những việc làm của yêu thương, nhưng Mối Phúc này nhắc chúng ta rằng Chúa mong muốn nhìn thấy một quyết tâm dấn thân cho anh chị em mình phát xuất từ trái tim của ta. Vì “giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3). Cũng thế, trong Tin Mừng Matthêu chúng ta thấy rằng cái phát xuất từ lòng người ta là cái làm cho họ ô uế (x. 15,18), vì tự lòng dạ phát xuất những ý định giết người, trộm cắp, làm chứng gian, và những việc xấu xa khác (x. 15,19). Chính ý hướng trong trái tim là nguồn gốc của những khao khát và những quyết định thâm sâu dẫn tới các hành động của chúng ta.
 
  1. Một trái tim yêu mến Thiên Chúa và tha nhân (x. Mt 22,36-40), cách chân thành chứ không chỉ đầu môi chót lưỡi, là một trái tim trong sạch; nó có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Trong bài ca đức ái của ngài, Thánh Phaolô nói rằng “hiện nay chúng ta nhìn thấy mờ mờ trong gương” (1Cr 13,12), nhưng khi sự thật và tình yêu khải thắng, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy “diện đối diện”. Chúa Giêsu hứa rằng những ai trong sạch trong quả tim “sẽ nhìn thấy Thiên Chúa”.
Giữ một trái tim tự do khỏi tất cả những gì làm ố nhiễm tình yêu: đó là thánh thiện.
 
“Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”
 
  1. Mối Phúc này làm chúng ta nghĩ đến những tình trạng chiến tranh bất tận trong thế giới. Nhưng chính chúng ta thường là một nguyên nhân của xung đột hay ít nhất là của sự hiểu lầm. Chẳng hạn, tôi có thể nghe một điều gì đó về một ai đó, và tôi đi lặp lại nó. Thậm chí có thể tôi thêm thắt vào và làm lan tràn nó… Và câu chuyện càng gây tai hại thì dường như tôi càng khoái chí. Cái thế giới ngồi lê đôi mách của những người tiêu cực và phá hoại không thể nào đem lại hòa bình. Những người như thế thật sự là kẻ thù của hòa bình; họ không thể nào “có phúc”. [73]
 
  1. Những người xây dựng hòa bình mới thực sự “tạo ra” hòa bình; họ vun đắp hòa bình và tình thân hữu trong xã hội. Chúa Giêsu đưa ra lời hứa tuyệt vời này cho những người gieo rắc hòa bình: “Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Người bảo các môn đệ rằng dù đi tới đâu họ cũng phải nói: “Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5). Lời Chúa dạy mọi tín hữu ra sức làm việc cho hòa bình, “ăn ở thuận hòa với tất cả những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch” (x. 2Tm 2,22), vì “người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình” (Gc 3,18). Và nếu có những lúc trong cộng đoàn mình, chúng ta tự hỏi phải làm gì, thì “chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an” (Rm 14,19), vì hiệp nhất thì tốt hơn là xung đột. [74]
 
  1. Thật không dễ “tạo ra” sự bình an này của Phúc âm, sự bình an vốn không loại trừ ai nhưng đón nhận ngay cả những người kỳ cục, những người gây phiền hay khó tính, những người khắt khe, lập dị, những người bị đời làm cho thê thảm, hay đơn giản chỉ là những người ta không ưa. Thật là một việc khó; nó đòi ta phải có tâm trí thật cởi mở, vì đây không phải là chuyện tạo ra “một sự đồng thuận trên giấy tờ hay một sự dàn hòa tạm bợ cho một thiểu số hài lòng”, [75] cũng không phải một kế hoạch “của một số người cho một số người”. [76] Đây cũng không thể là chuyện cố gắng phớt lơ hay coi nhẹ sự xung đột; trái lại, người ta phải thẳng thắn đối diện xung đột, giải quyết nó và biến nó thành một mắt xích của một tiến trình mới”. [77] Chúng ta phải là những nghệ nhân của hòa bình, vì xây dựng hòa bình là một nghệ thuật đòi phải có sự bình tâm, sáng tạo, nhạy cảm và khéo léo.
Gieo rắc sự bình an khắp xung quanh mình: đó là thánh thiện.
 
“Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”
 
  1. Chính Chúa Giêsu cảnh báo rằng con đường mà Người đề nghị thì đi ngược dòng, thậm chí bắt chúng ta thách thức xã hội bằng cách sống của mình, và vì thế trở thành một sự quấy rầy. Người nhắc chúng ta về vô số người đã và đang bị bách hại chỉ vì họ đấu tranh cho công lý, vì họ nghiêm túc dấn thân cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Nếu không muốn lặn ngụp vào tình trạng xoàng xĩnh vật vờ, chúng ta đừng mong muốn một đời sống dễ dãi, vì “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất” (Mt 16,25).
 
  1. Để sống Tin Mừng, chúng ta không thể kỳ vọng rằng mọi sự sẽ dễ dàng, vì sự ham hố quyền lực và những lợi ích thế gian thường cản lối chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II ghi nhận rằng “một xã hội bị rối loạn nếu các hình thức tổ chức xã hội, sản xuất và tiêu thụ của nó làm cho khó khăn hơn việc hiến thân và vun đắp mối liên đới giữa người với người”. [78] Trong một xã hội như thế, chính trị, truyền thông đại chúng và các cơ chế kinh tế, văn hóa và ngay cả tôn giáo trở nên quá rối loạn đến nỗi hóa thành một cản ngại cho sự phát triển xã hội và nhân văn đích thực. Kết quả là không dễ sống triệt để Các Mối Phúc; mọi cố gắng sống như vậy sẽ bị nhìn một cách tiêu cực, bị nghi ngờ và chế giễu.
 
  1. Dù chúng ta có thể kinh nghiệm sự mệt mỏi và khổ sở nào đi nữa trong việc sống huấn lệnh yêu thương và theo đuổi con đường công lý, thì thập giá vẫn là nguồn tăng triển và thánh hóa của chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên rằng khi Tân Ước bảo chúng ta sẽ phải chịu khổ sở vì Tin Mừng, thì đó chính là nói đến sự bách hại (x. Cv 5,41; Pl 1,29; Cl 1,24; 2Tm 1,12; 1Pr 2,20; 4,14-16; Kh 2,10).
 
  1. Ở đây chúng ta đang nói về sự bách hại không tránh được, chứ không phải loại bách hại mà có thể chúng ta tự gây ra cho mình qua việc ngược đãi người khác. Nên thánh không phải là trở nên kỳ quặc và xa cách, làm cho người ta không thể chịu nổi do thói kiêu căng, do tính chất tiêu cực và sự cay đắng của mình. Các Tông đồ của Đức Kitô không giống như thế. Sách Công vụ Tông đồ lặp đi lặp lại rằng các ngài “được toàn dân yêu mến” (2,47; x. 4,21.33; 5,13), mặc dù một số giới cầm quyền gây phiền nhiễu và bách hại các ngài (x. 4,1-3; 5,17-18).
 
  1. Bách hại không phải là chuyện của quá khứ, vì hôm nay chúng ta cũng kinh nghiệm nó, hoặc là qua việc đổ máu, như điều xảy ra với rất nhiều vị tuẫn đạo thời nay, hoặc bằng những cách tinh tế hơn, như bị vu khống và bị lừa dối. Chúa Giêsu gọi chúng ta là “có phúc” khi người ta “vu khống anh em đủ điều xấu xa vì Thầy” (Mt 5,11). Có những lúc khác, bách hại có thể mang hình thức chế giễu, trong đó người ta tìm cách phỉ báng đức tin của chúng ta và cố biến chúng ta thành như trò cười.
Chấp nhận sống con đường của Tin Mừng hằng ngày, dù có thể phải trả giá: đó là thánh thiện.
 
TIÊU CHUẨN LỚN
 
  1. Ở chương 25 của Tin Mừng Matthêu (31-46), Chúa Giêsu mở rộng Mối Phúc về lòng thương xót. Nếu chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện làm Thiên Chúa vui lòng, bản văn này cung cấp cho chúng ta một tiêu chuẩn rõ ràng mà chúng ta sẽ được phán xét dựa vào đó. “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; ta khát, các ngươi đã cho uống; ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; ta ốm đau, các ngươi đã chăm sóc; ta ngồi tù, các ngươi đã viếng thăm” (35-36).
 
Trung tín với Tôn Sư
 
  1. Thánh thiện, vì thế, không phải là chuyện ngất đi trong trạng thái mê ly thần bí. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Nếu chúng ta thực sự bắt đầu lại từ việc chiêm ngắm Đức Kitô, chúng ta phải học biết nhìn thấy Người cách đặc biệt nơi khuôn mặt của những kẻ mà chính Người muốn đồng hóa với họ”. [79] Bản văn Matthêu 25,35-36 “không chỉ là một lời mời gọi sống đức ái: nó là một trang Kitô học rọi sáng trên mầu nhiệm Đức Kitô”. [80] Trong tiếng gọi mời nhận ra Người nơi những người nghèo và người đau khổ, chúng ta thấy mở ra chính trái tim của Đức Kitô, những cảm nghĩ và chọn lựa thâm sâu nhất của Người, mà vị thánh nào cũng tìm cách bắt chước.
 
  1. Trước những đòi hỏi bất khả nhượng của Chúa Giêsu, tôi có bổn phận mời gọi các Kitô hữu đón nhận trong tinh thần cởi mở chân thành, không kỳ kèo mặc cả. Nói cách khác, hãy đón nhận mà không đặt ra bất kỳ điều kiện nào, kẻo làm suy giảm tính quyết liệt của các đòi hỏi ấy. Chúa chúng ta cho thấy rất rõ rằng sự thánh thiện không thể được hiểu hay được sống tách rời khỏi những đòi hỏi này, vì lòng thương xót là “trái tim đang đập của Tin Mừng”. [81]
 
  1. Nếu tôi gặp một người ngủ ngoài đường trong đêm giá rét, tôi có thể nhìn người ấy như một sự phiền nhiễu, một kẻ vô tích sự, một vật cản trên đường mình đi, một cảnh tượng chướng mắt, một vấn đề để các chính khách khảo sát, hay thậm chí một thứ rác rưởi làm bừa bộn nơi công cộng. Hoặc tôi có thể đáp trả với đức tin và đức ái, và nhìn thấy nơi người này là một con người với phẩm giá giống như tôi, một thụ tạo được Chúa Cha yêu thương vô cùng, một hình ảnh của Thiên Chúa, một người anh em hay chị em được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc. Làm Kitô hữu có nghĩa là nhìn như vậy đó! Phải chăng sự thánh thiện có thể được hiểu tách rời khỏi sự nhìn nhận sắc bén này đối với phẩm giá của mỗi con người? [82]
 
  1. Đối với các Kitô hữu, điều này gắn liền với một sự rầy rà lành mạnh và thường xuyên. Ngay cả cho dù việc giúp đỡ chỉ một người cũng có thể trao ý nghĩa cho tất cả nỗ lực của chúng ta, thì chừng đó vẫn không đủ. Các giám mục Canada nêu rõ điều này khi các ngài lưu ý rằng ý nghĩa của Năm Toàn Xá theo Thánh Kinh thì không đơn thuần là làm một số việc thiện. Nó còn có nghĩa là tìm cách biến đổi xã hội: “Để các thế hệ tương lai cũng được giải phóng, thì rõ ràng mục đích phải là vãn hồi các hệ thống kinh tế và xã hội công bằng, nghĩa là không thể còn sự loại trừ nữa”. [83]
 
Các ý thức hệ đánh vào trái tim của Tin Mừng
 
  1. Tôi lấy làm tiếc rằng các ý thức hệ nhiều khi dẫn chúng ta tới hai sai lầm đầy tai hại. Một đàng, có loại sai lầm của những Kitô hữu tách rời các đòi hỏi này của Tin Mừng khỏi mối tương quan cá vị của họ với Chúa, tách khỏi sự kết hợp bên trong của họ với Người, tách khỏi việc mở lòng ra đón nhận ân sủng. Kitô giáo như vậy trở thành một loại tổ chức phi chính phủ (NGO) bị tước mất đặc tính thần bí ngời sáng quá rõ ràng như thấy nơi cuộc đời của các thánh Phanxicô Assisi, Vincent de Paul, Têrêsa Calcutta, và nhiều vị khác. Đối với các vị thánh nổi tiếng này thì tâm nguyện, lòng yêu mến Thiên Chúa và việc đọc Tin Mừng không hề tách các ngài ra khỏi sự dấn thân nồng nhiệt và hữu hiệu cho tha nhân; mà hoàn toàn ngược lại.
 
  1. Sai lầm ý thức hệ tai hại khác được thấy nơi những người nghi ngờ sự dấn thân xã hội của những người khác, xem đó như cái gì nông cạn, phàm tục, duy vật, cộng sản hay dân túy. Hoặc họ tương đối hóa nó, như thể có những điều khác quan trọng hơn, hay điều duy nhất quan trọng chính là vấn đề hay chủ trương đạo đức nào đó mà họ bảo vệ. Chẳng hạn, việc chúng ta bảo vệ các thai nhi vô tội cần phải rõ ràng, dứt khoát và quyết liệt, vì đây là chuyện bảo vệ phẩm giá sự sống con người, vốn luôn thánh thiêng và luôn có quyền được yêu thương, bất kể ở giai đoạn phát triển nào. Tuy nhiên, cũng thánh thiêng không kém, đó là sự sống của những người nghèo, những con người đã được sinh ra đời, những người cùng cực, những người bị bỏ rơi và thua thiệt, những người đau yếu và già cả bị làm mồi cho cái chết êm dịu được giấu giếm, những nạn nhân của các vụ buôn người. những dạng nô lệ mới, và mọi hình thức loại trừ. [84] Chúng ta không thể thượng tôn một lý tưởng thánh thiện mà trong đó ta thờ ơ trước sự bất công trong một thế giới mà một số người mặc sức lãng phí, tiêu pha vung vít và chỉ hăm hở tìm kiếm những món hàng tiêu dùng mới nhất, trong khi những người khác chỉ biết nhìn từ xa, và sống trọn kiếp đời trong cảnh khốn khổ.
 
  1. Liên quan tới chủ nghĩa tương đối và những sai lầm của thế giới chúng ta hiện nay, chúng ta thường nghe nói rằng, chẳng hạn, hoàn cảnh của những người di dân là một vấn đề ít quan trọng. Một số người Công giáo xem đó là vấn đề thứ yếu so với những vấn đề đạo đức sinh học “hệ trọng”. Ví như một chính khách đang tranh thủ phiếu bầu mà ăn nói như vậy thì còn có thể hiểu được, nhưng với một Kitô hữu thì khác, vì đối với Kitô hữu thái độ duy nhất đúng đắn là đặt mình trong hoàn cảnh của các anh chị em phải liều sự sống mình để tìm kiếm một tương lai cho con cái họ. Chúng ta không nhận ra rằng đây chính xác là điều Chúa Giêsu yêu cầu, khi Người bảo rằng mỗi khi ta tiếp đón khách lạ là ta đang tiếp đón Người đó sao (x. Mt 25,35)? Thánh Biển Đức đã sẵn sàng làm như thế, và mặc dù điều này có thể gây “phức tạp” cho đời sống của các đan sĩ, ngài vẫn truyền rằng mọi khách gõ cửa đan viện cần phải được tiếp đón “như Đức Kitô”, [85] với thái độ tôn kính; [86] phải cư xử với người nghèo và khách hành hương bằng “tất cả sự ân cần quan tâm”. [87]
 
  1. Điều tương tự cũng được gặp thấy trong Cựu Ước: “Người ngoại kiều, các ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai cập” (Xh 22,20). “Khi có ngoại kiều cư ngụ với các ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó. Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; các ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai cập” (Lv 19,33-34). Đây không phải là một ý niệm được giáo hoàng nào đó phát minh, cũng không phải một ngẫu hứng nhất thời. Vì trong thế giới ngày nay, chúng ta cũng được kêu gọi đi theo nẻo đường khôn ngoan tâm linh mà ngôn sứ Isaia nêu ra, để cho thấy điều gì đẹp lòng Thiên Chúa. “Há chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông” (58,7-8).
 
Việc thờ phượng được Thiên Chúa ưa thích nhất
 
  1. Chúng ta có thể tưởng rằng mình tôn vinh Thiên Chúa chỉ qua việc thờ phượng và cầu nguyện, hay đơn giản chỉ qua việc tuân thủ một số qui tắc đạo đức nào đó. Quả đúng là mối ưu tiên thuộc về tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, nhưng chúng ta không được quên rằng tiêu chuẩn tối hậu theo đó chúng ta được phán xét chính là những gì chúng ta làm cho tha nhân. Cầu nguyện là quí nhất, vì cầu nguyện giúp nuôi dưỡng sự dấn thân cho tình yêu hằng ngày. Việc thờ phượng của chúng ta trở thành được Thiên Chúa vui lòng khi chúng ta quên mình để sống quảng đại, và cho phép ơn huệ của Thiên Chúa, được ban cho trong cầu nguyện, thể hiện ra trong mối quan tâm của chúng ta đối với anh chị em mình.
 
  1. Cũng vậy, cách tốt nhất để phân định xem việc cầu nguyện của chúng ta có chân thực hay không, đó là xét xem mức độ mà đời sống chúng ta được biến đổi trong ánh sáng của lòng thương xót. Vì “lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha; nó còn là một tiêu chuẩn để xác nhận ai là con cái đích thực của Ngài”. [88] Lòng thương xót “là chính nền tảng của đời sống Giáo hội”. [89] Ở đây, tôi muốn lặp lại rằng lòng thương xót không loại trừ công lý và sự thật; thật vậy, “chúng ta phải nói rằng lòng thương xót là sự viên mãn của công lý và là sự thể hiện sáng tỏ nhất sự thật của Thiên Chúa”. [90] Nó là “chìa khóa mở cửa thiên đàng”. [91]
 
  1. Ở đây tôi nghĩ đến Thánh Tôma, người đã đặt câu hỏi những hành động nào của chúng ta là cao quí nhất, những công việc bên ngoài nào cho thấy rõ nhất tình yêu đối với Thiên Chúa. Thánh Tôma không chút lưỡng lự trả lời rằng đó là những việc làm của lòng thương xót đối với tha nhân, [92] thậm chí hơn cả những việc thờ phượng của chúng ta: “Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa bằng những hy sinh và lễ vật bên ngoài, không phải để đem lại gì cho Thiên Chúa, nhưng là cho chúng ta và cho tha nhân. Vì Thiên Chúa không cần những hy sinh của chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta dâng các hy sinh cho Ngài, để khơi lên lòng nhiệt thành của ta và để sinh ích cho tha nhân. Vì thế lòng thương xót, trong đó chúng ta đáp ứng nhu cầu của người khác, là một hy sinh được Thiên Chúa ưa thích hơn, vì nó hướng trực tiếp hơn tới thiện ích của tha nhân”. [93]
 
  1. Những ai thực sự mong muốn tôn vinh Thiên Chúa bằng đời sống của mình, những ai thực sự khao khát lớn lên trong sự thánh thiện, họ được mời gọi chuyên chăm và bền bỉ trong thực thi các công việc của lòng thương xót. Thánh Têrêsa Calcutta nhận ra rõ điều này: “Vâng, tôi có nhiều lầm lỗi và khiếm khuyết của con người… Nhưng Thiên Chúa cúi xuống và sử dụng chúng ta, các bạn và tôi, để trở nên tình yêu và lòng trắc ẩn của Ngài trong thế giới; Ngài mang lấy tội lỗi chúng ta, những lo lắng và những lỗi lầm của chúng ta. Ngài dựa vào chúng ta để yêu thương thế giới và để cho thấy Ngài yêu thương biết là ngần nào. Nếu chúng ta quá quan tâm chính mình, chúng ta sẽ không còn thời giờ cho người khác”. [94]
 
  1. Chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa tiêu thụ có thể chứng minh sự suy thoái của chúng ta, vì khi chúng ta mải mê tìm lạc thú cho mình, chúng ta sẽ trở thành quá bận tâm về chính mình và về các quyền lợi của mình, và chúng ta cảm thấy quay quắt cần thời gian để hưởng thụ. Chúng ta sẽ khó cảm nhận và thể hiện quan tâm thật sự đối với những người túng quẫn, trừ phi chúng ta có thể sống một đời sống giản dị, chống lại những đòi hỏi sôi sục của một xã hội tiêu thụ, là những đòi hỏi làm cho chúng ta suy kiệt, không bao giờ thỏa mãn, và chỉ mê mải lo hưởng thụ tất cả. Cũng vậy, khi chúng ta để cho mình bị cuốn lấy trong những thông tin hời hợt, trong những phương tiện truyền thông tức thời và thế giới ảo, chúng ta có thể lãng phí thời giờ quí báu và trở thành thờ ơ trước xác thịt đau đớn của anh chị em mình. Nhưng ngay cả ở giữa vòng xoáy này, Tin Mừng vẫn tiếp tục âm vang, trao cho ta lời hứa về một đời sống khác, một đời sống lành mạnh hơn và hạnh phúc hơn.
 
* * *
  1. Chứng tá thuyết phục của các thánh được thể hiện trong đời sống các ngài, được định hình bởi Các Mối Phúc và bởi cái tiêu chuẩn phán xét tối hậu. Chúa Giêsu không nhiều lời nhưng lời của Người thẳng thắn, thực tế và hiệu lực cho mọi người, vì Kitô giáo trước hết là cái phải được thực hành. Nó cũng có thể là đối tượng nghiên cứu và suy tư, nhưng không nhằm mục đích gì khác hơn là giúp chúng ta sống Tin Mừng tốt hơn trong đời sống hằng ngày. Tôi mời gọi đọc lại những bản văn Thánh Kinh quan trọng này cách thường xuyên, luôn tham khảo, cầu nguyện với các bản văn đó, và cố gắng thực thi trong đời sống. Các bản văn ấy sẽ giúp ích chúng ta, sẽ làm cho ta được hạnh phúc thật.
 
CHƯƠNG IV
NHỮNG DẤU HIỆU CỦA SỰ THÁNH THIỆN TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
 
  1. Trong cái khung thánh thiện mà Các Mối Phúc và trình thuật Matthêu 25,31-46 cung ứng, tôi muốn đề cập vài dấu hiệu hay thái độ tâm linh mà thiển nghĩ là cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu lối sống mà Chúa mời gọi mình. Tôi sẽ không dừng lại để giải thích những phương tiện thánh hóa mà chúng ta vốn biết: những phương pháp cầu nguyện khác nhau, các bí tích Thánh Thể và Hòa Giải giá trị khôn lường, việc dâng những hy sinh riêng, những hình thức khác nhau của lòng mộ đạo, việc linh hướng, và nhiều điều khác. Ở đây tôi chỉ đề cập một số khía cạnh của lời mời gọi nên thánh mà tôi hy vọng được nhìn nhận là có ý nghĩa đặc biệt.
 
  1. Các dấu hiệu mà tôi nhấn mạnh không phải là tổng hợp một mẫu thức thánh thiện, nhưng chúng là năm cách diễn tả hùng hồn về tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, mà tôi cho là có tầm quan trọng cách riêng trong bối cảnh một số nguy hiểm và những giới hạn của nền văn hóa hôm nay. Ta thấy trong nền văn hóa này một cảm thức hoang mang, đôi khi bạo lực, gây phân tán và suy nhược; tính chất tiêu cực và bi lụy; tính tự mãn sinh ra từ chủ nghĩa tiêu thụ; xu hướng cá nhân chủ nghĩa; và tất cả những hình thức linh đạo thay thế chẳng liên quan gì tới Thiên Chúa và đang chi phối khung cảnh tôn giáo hiện nay.
 
KIÊN TRÌ, NHẪN NẠI VÀ HIỀN HÒA
 
  1. Dấu hiệu lớn thứ nhất là đặt nền vững chắc nơi Thiên Chúa là Đấng yêu thương và nâng đỡ chúng ta. Nguồn sức mạnh nội tâm này giúp chúng ta kiên trì giữa những thăng trầm của cuộc sống, đồng thời đứng vững trước sự thù địch, sự phản bội và những nhược điểm nơi người khác. “Nếu Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai có thể chống lại chúng ta?” (Rm 8,31): đây là nguồn của sự bình an được thấy nơi các thánh. Trong thế giới bon chen, náo động và hối hả này của chúng ta, sức mạnh nội tâm ấy giúp ta có thể làm chứng cho sự thánh thiện xuyên qua sự nhẫn nại và kiên tâm làm việc thiện. Đó là một dấu hiệu của sự trung tín phát xuất từ tình yêu, vì những ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa (pístis) thì cũng có thể trung thành với người khác (pistós). Họ không bỏ rơi người khác khi khốn khó; họ đồng hành với anh chị em mình khi lo âu và túng quẫn, cho dẫu điều này có thể không đem lại sự khuây khỏa ngay lập tức.
 
  1. Thánh Phaolô dạy các tín hữu Rôma không được lấy ác báo ác (x. Rm 12,17), không được tìm cách trả thù (c. 19), và không được để cho sự dữ thao túng mình, nhưng trái lại phải “vượt thắng sự dữ bằng sự thiện” (c. 21). Thái độ này không phải là một dấu hiệu của yếu nhược nhưng là của sức mạnh đích thực, vì chính Thiên Chúa “chậm giận nhưng vô cùng mạnh mẽ” (Nk 1,3). Lời Chúa dạy chúng ta “xua đuổi mọi chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, la lối thóa mạ, và mọi hành vi gian ác” (Ep 4,31).
 
  1. Chúng ta cần nhận ra và chiến đấu chống lại những khuynh hướng hung hăng và ích kỷ của mình, và không cho phép chúng mọc rễ. “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội; chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Khi cảm thấy bức xúc, chúng ta luôn luôn có thể bám vào chiếc neo cầu nguyện, và ta sẽ ở trong tay Thiên Chúa và nguồn của sự bình an. “Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ lòng trí anh em…” (Pl 4,6-7).
 
  1. Các Kitô hữu cũng có thể bị cuốn vào mạng lưới ngôn ngữ bạo lực trên mạng internet và những diễn đàn khác nhau của truyền thông kỹ thuật số. Ngay cả trong truyền thông Công giáo, có thể người ta cũng bỏ qua các giới hạn, việc bôi nhọ và vu khống có thể trở thành phổ biến, người ta có thể vứt bỏ mọi tiêu chuẩn đạo đức và sự tôn trọng thanh danh của người khác. Kết quả là một sự phân đôi nguy hiểm, vì có thể những gì người ta nói ở đó không được chấp nhận chỗ công khai, và người ta tìm trả đũa bằng cách đả kích người khác. Ở đây chúng ta thấy cách mà những miệng lưỡi không được kiểm soát, được ma quỉ châm ngòi, sẽ đốt cháy mọi sự (x. Gc 3,6).
 
  1. Sức mạnh nội tâm, là công trình của ân sủng, sẽ giữ chúng ta không bị cuốn đi bởi bạo lực vốn quá lan tràn trong đời sống hôm nay, vì ân sủng dập tắt thói kiêu hãnh và giúp người ta có thể hiền lành trong lòng. Các thánh không phung phí năng lực vào việc phàn nàn những điểm yếu của người khác; các ngài có thể giữ gìn miệng lưỡi trước những sai lỗi của anh chị em mình, và các ngài tránh thứ ngôn ngữ bạo lực chà đạp và ngược đãi người khác. Các thánh không đối xử nghiệt ngã với người khác; các ngài nhìn thấy người khác tốt hơn mình (x. Pl 2,3).
 
  1. Thật không tốt việc chúng ta nhìn người khác một cách khinh mạn như những quan tòa khắc nghiệt, việc ta khống chế người khác và luôn cố tìm cách dạy bảo họ. Điều này tự nó cũng là một dạng tinh vi của bạo lực. [95] Thánh Gioan Thánh Giá đề ra một nẻo đường khác hẳn: “Bạn hãy luôn mong muốn được mọi người dạy bảo mình, hơn là ham dạy bảo ngay cả những người bé nhỏ nhất”. [96] Và ngài thêm lời khuyên về cách tránh xa ma quỉ: “Hãy vui mừng về điều tốt của người khác như thể là của chính bạn, hãy mong ước người khác được ưu tiên hơn bạn trong mọi sự; và bạn hãy mong muốn như vậy với cả tấm lòng. Như thế bạn sẽ vượt thắng sự dữ bằng sự tốt lành, bạn xua đuổi ma quỉ, và có được một con tim đầy niềm vui. Hãy cố gắng thực hành điều này cách riêng đối với những người mà bạn ít ưa thích nhất. Hãy nhớ rằng nếu bạn không tự rèn luyện theo cách này, bạn sẽ không đạt được đức ái thực sự hay đạt được bất cứ sự tiến bộ nào trong đức ái”. [97]
 
  1. Lòng khiêm nhường cũng có thể bắt rễ trong trái tim xuyên qua những sự hạ mình. Nếu không hạ mình, sẽ không có khiêm nhường hay thánh thiện. Nếu bạn không thể chịu sỉ nhục và chấp nhận hạ mình, thì bạn không khiêm nhường và không ở trên nẻo đường thánh thiện. Sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội đến từ sự tự hạ của Chúa Con. Người là con đường. Việc hạ mình làm cho bạn giống Chúa Giêsu; nó là khía cạnh thiết yếu của việc bắt chước Đức Kitô. Vì “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho những ai muốn dõi bước theo Người” (1Pr 2,21). Về phần Người, Đức Kitô cho thấy sự khiêm nhường của Chúa Cha, Đấng hạ cố để đi trong hành trình với dân Ngài, chịu đựng những sự bất trung và những phàn nàn kêu ca của họ (x. Xh 34,6-9; Kn 11,23 – 12,2; Lc 6,36). Vì lý do này mà các Tông đồ, sau khi bị sỉ nhục, đã vui mừng hân hoan “vì thấy mình được xứng đáng chịu nhục mạ vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41).
 
  1. Ở đây tôi không đang duy chỉ nói đến những trường hợp tuẫn đạo, mà cả về những sự hạ mình hằng ngày của những người giữ thinh lặng để cứu vãn gia đình mình, những người mau mắn khen ngợi người khác hơn là khoác lác về chính mình, hay những người chọn những công việc hèn mọn nhất, và đôi khi ngay cả chọn chịu sự bất công để dâng cho Chúa. “Nếu làm việc lành và vì đó mà phải khổ, thì anh em được Chúa ưng nhận” (1Pr 2,20). Điều này không có nghĩa là đi loanh quanh với đôi mắt cứ nhìn xuống đất, chẳng nói chẳng rằng, và tránh gặp gỡ người khác. Có những lúc, chính vì người ta tự do khỏi tính ích kỷ mà họ có thể dám bày tỏ sự bất đồng một cách nhẹ nhàng, dám đòi hỏi công lý hay bênh vực kẻ yếu trước kẻ mạnh, ngay cả dù điều này có thể làm họ phải chịu búa rìu dư luận.
 
  1. Tôi không nói rằng sự hạ mình như thế thì thích thú, vì nếu vậy hóa ra là bệnh thống khoái, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng đó là một cách để bắt chước Chúa Giêsu và để lớn lên trong mối kết hợp với Người. Trên bình diện thuần túy tự nhiên thì người ta không thể hiểu điều này, và thế gian chế nhạo bất cứ ý niệm nào như thế. Nhưng đây là một ân sủng đạt được trong cầu nguyện: “Lạy Chúa, khi con bị sỉ nhục, xin Chúa giúp con biết rằng đó là con đang bước theo chân Chúa”.
 
  1. Để hành động theo cách ấy, người ta cần có một trái tim được lấp đầy bình an của Đức Kitô, được giải phóng khỏi tính hung hăng do lòng tự cao tự phụ. Chính niềm bình an này, là hoa trái của ân sủng, giúp chúng ta có thể kiên vững trong niềm tin tưởng vào sự thiện, “dù tôi đi qua thung lũng tối tăm của sự chết” (Tv 23,4) hay “dù cả một đạo quân vây đánh” (Tv 27,3). Đứng vững trong Chúa là Đá Tảng, chúng ta có thể hát lên: “Thư thái bình an, vừa nằm con đã ngủ; vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4,9). Tắt một lời, Đức Kitô “là sự bình an của chúng ta” (Ep 2,14); Người đến để “dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,79). Như Người đã nói với Thánh Faustina Kowalska: “Nhân loại sẽ không có hòa bình trừ phi người ta tin tưởng hướng về lòng thương xót của Ta”. [98] Vì thế, chúng ta đừng đâm đầu vào cám dỗ tìm kiếm sự an toàn trong thành công, trong lạc thú phù du, trong của cải, trong quyền lực trên người khác hay trong địa vị xã hội. Chúa Giêsu nói: “Thầy ban cho anh em sự bình an của Thầy; không phải như sự bình an mà thế gian ban tặng” (Ga 14,27).
 
NIỀM VUI VÀ KHIẾU HÀI HƯỚC
 
  1. Các thánh không rụt rè, rầu rĩ, chua chát hay u uất, cũng không mang một vẻ mặt thê thảm, các ngài rất vui tươi và đầy khiếu hài hước lành mạnh. Mặc dù rất thực tế, các ngài vẫn phản chiếu một tinh thần tích cực và hy vọng. Đời sống Kitô hữu thì “đầy niềm vui trong Thánh Thần” (Rm 14,17), vì “hoa quả thiết yếu của đức ái là niềm vui; vì ai yêu thương thì vui mừng được kết hợp với người mình yêu… đức ái đem lại niềm vui”. [99] Được nhận lãnh món quà tuyệt vời là lời Thiên Chúa, chúng ta nưng niu nó “giữa bao nỗi gian truân, với niềm vui mà Thánh Thần ban tặng” (1Tx 1,6). Nếu chúng ta để cho Chúa lôi kéo ta ra khỏi vỏ ốc của mình và thay đổi đời sống mình, thì chúng ta có thể đáp lời Thánh Phaolô kêu gọi: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa; tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên!” (Pl 4,4).
 
  1. Các ngôn sứ đã loan báo về thời của Chúa Giêsu, là thời mà chúng ta đang sống đây, như một mạc khải của niềm vui. “Hãy reo hò mừng rỡ!” (Is 12,6). “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giêrusalem, hãy cất tiếng lên thật mạnh mẽ!” (Is 40,9). “Núi non hãy bật tiếng hò reo, vì Đức Chúa ủi an dân Ngài đã chọn, và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Ngài” (Is 49,13). “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỉ, Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi; Ngài là Đấng Toàn Thắng” (Dcr 9,9). Chúng ta cũng không quên huấn dụ của Nêhêmia: “Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì của anh em!” (8,10).
 
  1. Đức Maria, nhận ra tính mới mẻ mà Đức Giêsu mang đến, đã reo lên: “Thần trí tôi hoan hỉ” (Lc 1,47), và chính Đức Giêsu đã “hoan hỉ trong Thánh Thần” (Lc 10,21). Khi Người đi qua, “toàn thể dân chúng vui mừng” (Lc 13,17). Sau khi Chúa sống lại, bất cứ nơi đâu các môn đệ đi tới đều có “đầy niềm vui” (Cv 8,8). Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta: “Anh em sẽ ưu sầu, nhưng nỗi ưu sầu của anh em sẽ biến thành niềm vui… Thầy sẽ đến với anh em và lòng anh em sẽ vui mừng, và không ai có thể tước mất niềm vui của anh em” (Ga 16,20.22). “Thầy nói với anh em những điều này, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (Ga 15,11).
 
  1. Những thời khắc khó khăn có thể xảy đến, khi mà thập giá xuất hiện, nhưng không gì có thể phá hủy niềm vui siêu nhiên vốn “thích nghi và thay đổi, nhưng luôn luôn bền bĩ, ngay cả như một tia sáng phát xuất từ sự xác tín trong lòng chúng ta rằng, sau tất cả, chúng ta được yêu thương vô hạn”. [100] Niềm vui ấy mang lại sự an toàn sâu xa, niềm hy vọng vững chắc, và một niềm vui thỏa thiêng liêng mà thế gian không thể hiểu hay quí trọng.
 
  1. Niềm vui của Kitô hữu thường đi kèm với một cảm thức hài hước. Chẳng hạn, chúng ta thấy điều này rõ ràng nơi các Thánh Thomas More, Vincent de Paul và Philip Neri. Còn hài hước xấu thì không phải là dấu hiệu của sự thánh thiện. “Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn” (Gv 11,10). Chúng ta nhận dồi dào mọi sự từ Chúa “để hưởng dùng” (1Tm 6,17), đến nỗi sự buồn phiền có thể là một dấu hiệu của thái độ vô ơn. Chúng ta có thể quá bận tâm với chính mình đến mức không thể nhận ra những quà tặng của Thiên Chúa. [101]
 
  1. Với tình yêu của người cha, Thiên Chúa bảo chúng ta: “Con ơi, hãy làm cho đời con tốt đẹp… Đừng từ chối không hưởng một ngày vui” (Hc 14,11.14). Ngài muốn chúng ta có thái độ tích cực, biết ơn và thoải mái: “Ngày gặp may mắn, hãy cứ vui hưởng… Thiên Chúa dựng nên con người vốn đơn sơ ngay thẳng, nhưng chính họ lại đi tìm đủ chuyện rắc rối quanh co” (Gv 7,14.29). Dù gặp trường hợp nào, chúng ta cũng giữ thái độ tích cực và bắt chước Thánh Phaolô: “Tôi đã học biết vui lòng với điều tôi có” (Pl 4,11). Thánh Phanxicô Assisi đã sống tinh thần này; ngài có thể tràn ngập lòng biết ơn trước một mẩu bánh mì khô, hay hớn hở ngợi khen Thiên Chúa chỉ vì một thoáng gió mát mơn trớn qua khuôn mặt mình.
 
  1. Đây không phải là niềm vui được quảng bá nơi nền văn hóa tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa ngày nay. Chủ nghĩa tiêu thụ chỉ làm phù nề trái tim. Nó có thể trao lạc thú chóng qua khi này khi khác, nhưng đó không phải là niềm vui. Ở đây tôi đang nói về một niềm vui được người ta sống trong hiệp thông, nó chia sẻ và được chia sẻ, vì “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35) và “Thiên Chúa yêu quí người biết trao ban một cách vui tươi” (2Cr 9,7). Tình huynh đệ sẽ gia tăng niềm vui nơi chúng ta, vì nó có thể làm cho ta biết vui mừng về điều tốt lành của người khác: “Hãy vui với người vui” (Rm 12,15). “Chúng tôi vui mừng khi chúng tôi yếu mà anh em lại mạnh” (2Cr 13,9). Mặt khác, khi chúng ta chỉ “tập trung chú ý vào các nhu cầu của mình, thì đó là chúng ta đang tự phạt mình phải chịu một cuộc sống không có niềm vui”. [102]
 
DŨNG CẢM VÀ SAY MÊ
 
  1. Thánh thiện cũng là parrhesía: đó là lòng dũng cảm, một thôi thúc loan báo Tin Mừng và để lại dấu ấn trong thế giới này. Nhằm giúp chúng ta làm điều này, chính Chúa Giêsu đến và bảo chúng ta một lần nữa, cách trầm tĩnh nhưng mạnh mẽ rằng: “Đừng sợ” (Mc 6,50). “Thầy ở cùng anh em mọi ngày, cho đến tận thế” (Mt 28,20). Những lời này thúc giục ta đi ra và phục vụ với cùng lòng can đảm mà Chúa Thánh Thần đã khơi lên nơi các Tông đồ, thúc đẩy các ngài loan báo Chúa Giêsu Kitô. Lòng dũng cảm, sự nhiệt tâm, sự tự do lên tiếng, niềm hăng say tông đồ, tất cả những điều này được bao gồm trong từ parrhesía. Thánh Kinh cũng dùng từ này để diễn tả sự tự do của một đời sống mở ra cho Thiên Chúa và cho tha nhân (x. Cv 4,29; 9,18; 28,31; 2Cr 3,12; Ep 3,12; Dt 3,6; 10,19).
 
  1. Chân Phước Phaolô VI, khi đề cập đến những trở ngại đối với việc loan báo Tin Mừng, đã nói về tình trạng thiếu lòng hăng say (parrhesía) vốn “nghiêm trọng hơn nhiều, vì nó đến từ bên trong”. [103] Biết bao lần chúng ta bị cám dỗ giữ thuyền sát bờ! Nhưng Chúa mời gọi chúng ta chèo ra chỗ nước sâu và thả lưới (x. Lc 5,4). Người mời gọi chúng ta dâng hiến đời mình để phục vụ Người. Bám chặt Người, chúng ta được thúc đẩy đặt tất cả đặc sủng của mình để phục vụ tha nhân. Ước gì chúng ta luôn luôn cảm nhận được tình yêu của Chúa thôi thúc (2Cr 5,14) và nói như Thánh Phaolô: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
 
  1. Bạn hãy nhìn Chúa Giêsu. Lòng trắc ẩn sâu xa của Người vươn ra chạm tới những người khác. Người không lưỡng lự, nhút nhát hay ngượng ngùng, như điều thường thấy nơi chúng ta. Chúa Giêsu thì hoàn toàn ngược lại. Lòng trắc ẩn của Người làm cho Người chủ động đi ra rao giảng và sai những người khác nữa vào một sứ mạng chữa trị và giải phóng. Chúng ta hãy nhìn nhận sự yếu đuối của mình, nhưng cho phép Chúa Giêsu nắm lấy, và cũng sai cả chúng ta nữa vào sứ mạng. Chúng ta yếu, nhưng chúng ta nắm giữ một kho tàng có thể làm triển nở mình và làm cho những ai đón nhận nó được nên tốt hơn và hạnh phúc hơn. Lòng dũng cảm và sự can đảm của người tông đồ là một phần thiết yếu của sứ mạng.
 
  1. Parrhesía là một ấn tích của Chúa Thánh Thần; nó xác nhận tính chân thực của lời chúng ta rao giảng. Nó là một sự chắc chắn đầy hân hoan dẫn chúng ta tới vinh dự trong Tin Mừng mà chúng ta loan báo. Nó là một niềm tin tưởng không lay chuyển đặt nơi vị Chứng Nhân trung thành, là Đấng trao cho chúng ta sự chắc chắn rằng không gì có thể “tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8,39).
 
  1. Chúng ta cần sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, để không bị tê liệt do sợ hãi hay do thận trọng quá mức, để chúng ta không trở thành quen sống trong phạm vi an toàn. Hãy nhớ rằng những không gian khép kín thì ẩm mốc và không tốt cho sức khỏe. Khi các Tông đồ bị cám dỗ cho phép những nguy hiểm và đe dọa làm cho mình què quặt, các ngài đã cùng nhau cầu nguyện và kêu xin parrhesía: “Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn” (Cv 4,29). Kết quả là, “khi họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4,31).
 
  1. Giống như ngôn sứ Giôna, chúng ta thường xuyên bị cám dỗ trốn tránh ở một chỗ trú an toàn. Chỗ trú ấy có thể mang nhiều tên: cá nhân chủ nghĩa, duy thiêng liêng, sống trong một thế giới nhỏ, tình trạng nghiện, chủ trương không khoan nhượng, bác bỏ những ý tưởng và những phương pháp mới, giáo điều, hoài cổ, bi quan, nấp đàng sau các luật lệ và qui định. Chúng ta có thể đề kháng việc rời bỏ một cách thế làm việc quen thuộc và dễ dãi. Nhưng những thách đố liên quan thì có thể giống như cơn bão ấy, con cá voi ấy, con sâu làm héo dây bầu ấy, hay như cơn gió và mặt trời thiêu đốt cái đầu trần của Giôna. Đối với chúng ta, cũng như đối với Giôna, chúng có thể giúp đưa ta trở về với vị Thiên Chúa ân cần trìu mến, Đấng mời gọi chúng ta không ngừng bắt đầu lại hành trình của mình.
 
  1. Thiên Chúa là sự mới mẻ vĩnh cửu. Ngài không ngừng thúc đẩy chúng ta bắt đầu lại, vượt quá những gì quen thuộc, đi tới những vùng ngoại biên và xa hơn nữa. Ngài đưa chúng ta tới những chỗ mà con người bị thương tích nhiều nhất, những chỗ mà những con người nam nữ, ẩn dưới vẻ của một nề nếp ổn định, vẫn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho vấn nạn về ý nghĩa đời sống. Thiên Chúa không sợ! Nơi Ngài không có sự sợ hãi! Ngài luôn lớn hơn các kế hoạch và các sắp xếp của chúng ta. Không sợ các ngoại biên, chính Ngài đã trở nên một ngoại biên (x. Pl 2,6-8; Ga 1,14). Vì thế nếu ta dám đi tới những vùng ngoại biên, ta sẽ gặp Ngài ở đó; thật vậy, Ngài đã ở sẵn đó. Chúa Giêsu đang ở sẵn đó, trong trái tim của các anh chị em chúng ta, trong xác thân bị thương tích của họ, trong những lo lắng và những muộn phiền sâu xa của họ. Người ở sẵn đó.
 
  1. Quả đúng là chúng ta cần mở cửa trái tim mình cho Chúa Giêsu, Đấng đang đứng và gõ cửa (x. Kh 3,20). Đôi khi tôi lại tự hỏi, có lẽ Chúa Giêsu đang ở bên trong chúng ta và Người gõ để được ta cho phép Người ra ngoài, thoát khỏi cái tình trạng qui ngã đã bốc mùi thiu thối của chúng ta. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu “đi qua các thành thị và làng mạc, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa” (Lc 8,1). Sau Phục sinh, khi các môn đệ ra đi mọi hướng, Chúa đã đồng hành với họ (x. Mc 16,20). Đó là điều xảy ra như kết quả của sự gặp gỡ đích thực.
 
  1. Tính tự mãn rất có sức lôi cuốn; nó bảo chúng ta rằng chẳng có ý nghĩa gì việc cố gắng thay đổi mọi sự, rằng chúng ta không thể làm gì được, bởi vì đây là cách làm xưa nay vẫn thế, và dù sao thì chúng ta vẫn luôn có thể sống còn! Do thói quen mà chúng ta không còn đứng lên đương đầu với sự dữ nữa. Chúng ta “cho phép mọi sự cứ như vậy”, hay cứ như những kẻ khác quyết định nó phải vậy. Nhưng chúng ta cần để cho Chúa đánh thức mình khỏi cơn mê, giải thoát ta khỏi sự ì ạch của mình. Chúng ta hãy suy nghĩ lại cách làm thông thường của mình; chúng ta hãy mở mắt và tai, và nhất là mở con tim ra, để không tự hài lòng về mọi sự như hiện trạng của chúng, nhưng để được khuấy động bởi lời sống động và hữu hiệu của Chúa Phục sinh.
 
  1. Chúng ta được thôi thúc để hành động theo gương của tất cả các linh mục, tu sĩ, giáo dân dấn thân cho việc rao giảng và phục vụ tha nhân với lòng trung thành lớn lao, họ thường phải liều mạng sống mình, và chắc chắn họ phải hy sinh sự dễ chịu trong đời sống. Chứng tá của họ nhắc chúng ta rằng Giáo hội cần không phải những quan chức bàn giấy cho bằng là những thừa sai đầy nhiệt huyết, hăng hái chia sẻ đời sống thực. Các thánh gây ngạc nhiên cho chúng ta, các ngài làm ta áy náy, vì bằng đời sống của mình, các ngài thúc bách chúng ta dứt bỏ một tình trạng xoàng xĩnh buồn tẻ và ảm đạm.
 
  1. Chúng ta hãy xin ơn Chúa để không ngần ngừ khi Chúa Thánh Thần mời gọi mình bước tới. Chúng ta hãy xin có được sự can đảm của các tông đồ để chia sẻ Tin Mừng với người khác, và ngừng việc biến đời sống Kitô giáo của mình thành một nhà bảo tàng những ký ức. Trong mọi hoàn cảnh, xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chiêm ngắm lịch sử trong ánh sáng của Chúa Giêsu Phục sinh. Nhờ đó, Giáo hội sẽ không đứng im bất động, nhưng không ngừng tiếp đón những điều ngạc nhiên của Chúa.
 
TRONG CỘNG ĐOÀN
 
  1. Khi chúng ta sống xa cách người khác, thật khó để chống lại nhục dục, chống lại những cái bẫy, những cám dỗ của ma quỉ, và sự ích kỷ trong thế gian. Bị tấn công dồn dập bởi quá nhiều lực lôi kéo, chúng ta có thể trở nên quá cô lập, đánh mất cảm thức về thực tại và sự trong sáng bên trong, và dễ dàng đầu hàng.
 
  1. Lớn lên trong sự thánh thiện là một hành trình trong cộng đoàn, sát cánh với những người khác. Chúng ta thấy điều này nơi một số cộng đoàn thánh thiện. Lúc này lúc khác, Giáo hội đã tuyên thánh trọn cả những cộng đoàn đã sống Tin Mừng một cách anh hùng hay đã dâng hiến cho Thiên Chúa sự sống của tất cả các thành viên. Chẳng hạn, chúng ta có thể nghĩ tới bảy vị sáng lập thánh thiện của Dòng Tôi Tớ Đức Maria, bảy Chân phúc nữ tu thuộc đan viện đầu tiên của Dòng Thăm Viếng ở Madrid, các thánh tuẫn đạo Nhật Bản: Paul Miki và các bạn, các thánh tuẫn đạo Triều Tiên: Andrew Taegon và các bạn, hay các thánh tuẫn đạo Nam Mỹ: Roque González, Alonso Rodríguez và các bạn. Chúng ta cũng nên nhớ lại các chứng tá gần đây hơn của các đan sĩ Trappist ở Tibhirine, Algeria, là những người đã chuẩn bị trong tư cách một cộng đoàn để sẵn sàng tuẫn đạo. Trong nhiều cuộc hôn nhân thánh thiện cũng thế, mỗi người phối ngẫu trở thành một phương tiện Đức Kitô dùng để thánh hóa người kia. Việc sống hay làm việc cùng với những người khác chắc chắn là một con đường trưởng thành thiêng liêng. Thánh Gioan Thánh Giá nói với một trong các môn đệ ngài: “Bạn đang sống với những người khác để được uốn nắn và thử thách”. [104]
 
  1. Mỗi cộng đoàn được mời gọi kiến tạo “một không gian được Thiên Chúa chiếu sáng để kinh nghiệm sự hiện diện giấu ẩn của Chúa Phục sinh trong đó”. [105] Việc chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Thể với nhau đẩy mạnh tình huynh đệ và làm cho chúng ta trở thành một cộng đoàn thừa sai thánh thiện. Điều đó cũng đem lại những kinh nghiệm thần bí đích thực chia sẻ chung với nhau. Đó là trường hợp của các thánh Biển Đức và Scholastica. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến kinh nghiệm thiêng liêng tuyệt vời được chia sẻ bởi Thánh Augustinô và Thánh Monica. “Hôm ấy, gần tới ngày mẹ con rời khỏi đời này – ngày mà Chúa biết rõ, còn chúng con thì không – đã xảy ra một chuyện mà con tin là đã do Chúa sắp đặt theo đường lối nhiệm mầu của Chúa: lúc đó chỉ có hai mẹ con chúng con đứng tựa cửa sổ quay ra thửa vườn bên cạnh… Chúng con nao nức mở rộng tâm hồn hớp lấy những dòng suối từ trời cao đổ xuống, nước suối nguồn của Chúa, suối ban sự sống bắt nguồn từ Chúa… Và khi chúng con nói về lẽ khôn ngoan ấy và đắm chìm trong đó, chúng con đã chạm được nó một mức nào đó bằng động lực của trái tim mình… sự sống vĩnh cửu có thể giống một khoảnh khắc khai trí như thế mà bây giờ chúng con luyến tiếc”. [106]
 
  1. Tuy nhiên, những kinh nghiệm như thế không thường xảy ra, mà cũng không phải là điều quan trọng nhất. Đời sống chung, dù là trong gia đình, giáo xứ, cộng đoàn tu trì hay bất cứ cộng đoàn nào khác, được hình thành bởi những điều nhỏ nhặt thường ngày. Đó là trường hợp của cộng đoàn thánh được hình thành bởi Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, ở đó phản ảnh một cách mẫu mực vẻ đẹp của mối hiệp thông Chúa Ba Ngôi. Đó cũng là đời sống mà Chúa Giêsu chia sẻ với các môn đệ và với dân chúng.
 
  1. Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ chú ý đến các chi tiết.
 
Chi tiết nhỏ như chuyện hết rượu tại một tiệc cưới.
Chi tiết nhỏ như chuyện lạc mất một con chiên.
Chi tiết nhỏ như việc nhận ra bà góa dâng cúng hai đồng tiền kẽm.
Chi tiết nhỏ như việc mang dầu dự phòng cho đèn, phòng trường hợp chàng rể đến trễ.
Chi tiết nhỏ như việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu chiếc bánh.
Chi tiết nhỏ như việc nhóm một bếp lửa và nướng cá khi chờ các môn đệ lúc rạng sáng.
 
  1. Một cộng đoàn biết trân quí những chi tiết nhỏ của tình yêu, [107] trong đó các thành viên quan tâm đến nhau, tạo ra một môi trường cởi mở và có sức loan báo Tin Mừng, đó là một nơi mà Chúa Phục sinh hiện diện, thánh hóa nó theo kế hoạch của Chúa Cha. Có những lúc mà nhờ một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta được ban cho – giữa các chi tiết nhỏ nhặt kia – những kinh nghiệm đầy an ủi của Thiên Chúa. “Một tối mùa đông, con đang làm việc bổn phận bé nhỏ của con như thường lệ… Thình lình, con nghe từ xa tiếng đàn du dương. Rồi con nhìn thấy một phòng khách sáng rực ánh đèn, trang hoàng rực rỡ, với nhiều quí nương trong trang phục quí phái đang trò chuyện và trao cho nhau những lời khen ngợi đủ kiểu, những trầm trồ tán tụng của trần thế. Rồi con quay lại nhìn người chị em đau ốm mà con đang săn sóc. Ở đây con không nghe thấy tiếng nhạc du dương, mà thay vào đó chỉ nghe những tiếng than thở bất chợt của chị ấy… Con không thể diễn tả thành lời điều mình cảm nghiệm trong linh hồn; điều con biết chắc đó là Chúa đã chiếu sáng nó với những tia sáng của sự thật vượt quá vẻ rực rỡ nhưng mờ mịt của những lễ hội thế gian mà con không thể tin là hạnh phúc của mình”. [108]
 
  1. Tương phản với chủ nghĩa cá nhân đẫm màu tiêu thụ đang lan tràn và có khuynh hướng cô lập chúng ta trong việc hăm hở tìm kiếm ích lợi cho mình tách rời khỏi người khác, nẻo đường thánh thiện chỉ có thể làm cho chúng ta ăn khớp hơn với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Xin cho tất cả nên một; như Cha ở trong con, và như con ở trong Cha” (Ga 17,21).
 
TRONG CẦU NGUYỆN LIÊN LỈ
 
  1. Cuối cùng, dù dường như đã quá hiển nhiên, chúng ta cần nhớ rằng sự thánh thiện hệ tại ở sự mở ra thường xuyên với siêu việt, được diễn tả trong cầu nguyện và thờ phượng. Các thánh được nhận diện bởi một tinh thần cầu nguyện và một niềm khát khao hiệp thông với Thiên Chúa. Các ngài nhận thấy rằng một mối quan tâm duy chỉ dành cho thế giới này thì chật hẹp và ngột ngạt, và ở giữa các mối quan tâm và dấn thân của mình, các ngài khát khao Thiên Chúa, đắm chìm trong việc ca ngợi và chiêm ngắm Chúa. Tôi không tin vào sự thánh thiện mà không có cầu nguyện, dù đó là việc cầu nguyện không kéo dài hay gắn với những cảm xúc sâu đậm.
 
  1. Thánh Gioan Thánh Giá bảo chúng ta: “Hãy cố gắng ở lại thường xuyên trong sự hiện diện của Thiên Chúa – dù là hiện diện thực tế, hay tưởng tượng, hay kết hợp – trong mức độ mà các công việc của bạn cho phép”. [109] Cuối cùng, niềm khát khao Thiên Chúa nơi chúng ta chắc chắn sẽ được diễn tả trong đời sống hằng ngày: “Hãy cố gắng cầu nguyện liên lỉ, ngay khi tập thể dục cũng đừng bỏ cầu nguyện. Dù anh em ăn, uống, chuyện trò, hay làm bất cứ gì, hãy luôn luôn đến với Thiên Chúa và đặt trái tim mình nơi Ngài”. [110]
 
  1. Tuy nhiên, để được như vậy, cũng cần có một số khoảnh khắc chỉ dành cho Thiên Chúa thôi. Đối với Thánh Têrêsa Avila, cầu nguyện “không là gì khác ngoài một tương giao tình bạn, và việc chuyện trò riêng tư thường xuyên với Đấng mà chúng ta biết rằng Ngài yêu thương chúng ta”. [111] Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều này đúng không chỉ cho một thiểu số được đặc ân, nhưng là cho tất cả chúng ta, vì “tất cả chúng ta cần sự thinh lặng này, sự thinh lặng đầy tràn sự hiện diện của Đấng mình tôn thờ”. [112] Lời cầu nguyện đầy tin tưởng là sự đáp trả của một trái tim mở ra cho việc gặp gỡ Thiên Chúa mặt đối mặt, trong đó tất cả đều an bình và tiếng nói thầm thì của Chúa có thể được nghe thấy giữa thinh lặng.
 
  1. Trong sự thinh lặng đó, nhờ ánh sáng của Thánh Thần, chúng ta có thể phân định những nẻo đường thánh thiện mà Chúa mời gọi mình. Nếu chẳng vậy, bất cứ quyết định nào của chúng ta cũng có thể chỉ là chuyện bề mặt giả tạo, trong đó thay vì thượng tôn Tin Mừng trong đời sống thì các quyết định ấy sẽ che lấp hay nhận chìm Tin Mừng. Đối với mỗi người môn đệ, thật thiết yếu phải dành thời giờ với Thầy, lắng nghe lời Thầy, và luôn luôn học nơi Thầy. Nếu chúng ta không lắng nghe, tất cả lời lẽ của chúng ta sẽ chẳng là gì ngoài những tiếng nói vô ích.
 
  1. Cần nhớ rằng “việc chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại, sẽ phục hồi nhân tính của chúng ta, ngay cả khi nhân tính ấy đã bị tan vỡ bởi những lộn xộn của đời sống này, hay đã hư hỏng do tội lỗi. Chúng ta không được làm suy yếu sức mạnh của khuôn mặt Đức Kitô”. [113] Vì thế xin cho phép tôi đặt câu hỏi: Có chăng những khoảnh khắc bạn thinh lặng đặt mình trong sự hiện diện của Chúa, những khi mà bạn thanh thản dành thời giờ với Người, cho phép Người đăm chiêu nhìn bạn? Bạn có để cho ngọn lửa của Người cháy lên trong lòng mình không? Trừ phi bạn cho phép Người đốt nóng mình thêm nữa với tình yêu và sự dịu dàng của Người, bạn sẽ không thể bắt lửa được. Như vậy thì làm sao bạn có thể đốt nóng trái tim người khác bằng lời nói và chứng tá của bạn? Nếu khi chăm chú nhìn khuôn mặt của Đức Kitô bạn cảm thấy khó khăn việc để cho Người chữa lành và biến đổi mình, thì bạn hãy đi vào trong trái tim của Chúa, đi vào trong các vết thương của Người, vì đó là chỗ của lòng thương xót thần linh. [114]
 
  1. Tôi kêu gọi tất cả chúng ta đừng bao giờ xem sự thinh lặng cầu nguyện như một hình thức trốn tránh và quay lưng lại với thế giới xung quanh mình. Nhà hành hương người Nga nọ, là người cầu nguyện không ngừng, đã nói rằng việc cầu nguyện như thế không tách mình ra khỏi những gì đang xảy ra xung quanh. “Mọi người thật tốt với tôi; dường như mọi người đều yêu thương tôi… Tôi không chỉ cảm thấy [hạnh phúc và được an ủi] trong tâm hồn mình, mà tôi cảm nhận tất cả thế giới bên ngoài dường như cũng đầy ắp nét diễm lệ và niềm vui”. [115]
 
  1. Lịch sử cũng không biến mất. Vì cầu nguyện được nuôi dưỡng bởi ân ban của Thiên Chúa vốn hiện diện và hoạt động trong đời sống chúng ta, nên cầu nguyện cũng luôn luôn được đánh dấu bởi sự hồi tưởng. Ký ức về các công trình Chúa thực hiện là trung tâm của kinh nghiệm giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Thiên Chúa đã muốn đi vào lịch sử, và vì thế việc cầu nguyện của chúng ta được đan kết với các ký ức. Chúng ta hồi tưởng không chỉ Lời mặc khải của Ngài, mà còn về đời sống của chúng ta, đời sống của những người khác, và tất cả những gì Chúa đã làm trong Giáo hội. Đây là ký ức hồng phúc mà Thánh Inhaxiô Loyola qui chiếu đến trong bài “Chiêm Niệm để được Tình Yêu” của ngài, [116] khi thánh nhân mời gọi chúng ta ý thức về tất cả những hồng ân mà chúng ta nhận được từ Chúa. Hãy nghĩ đến lịch sử cuộc đời bạn khi bạn cầu nguyện, và trong đó bạn sẽ gặp thấy rất nhiều lòng thương xót. Điều này cũng sẽ giúp bạn ý thức hơn rằng Chúa luôn nghĩ đến bạn; Người không bao giờ quên bạn. Vì thế thật là ý nghĩa việc xin Chúa soi sáng những chi tiết nhỏ nhất của đời bạn, vì Người thấy rõ tất cả.
 
  1. Lời cầu nguyện khẩn nài là một diễn tả của trái tim tin tưởng vào Thiên Chúa và nhìn nhận rằng tự mình chẳng làm được gì. Đời sống của những người trung thành với Thiên Chúa được đánh dấu bởi sự khẩn nài thường xuyên xuất phát từ tình yêu thấm đẫm đức tin và lòng tin tưởng vững vàng. Chúng ta đừng xem nhẹ lời cầu nguyện thỉnh cầu, vốn thường giúp chúng ta an tâm và có thể kiên trì hy vọng. Cầu nguyện chuyển cầu có một giá trị riêng, vì đó là một hành động của lòng tin tưởng vào Thiên Chúa và đồng thời là một diễn tả tình yêu đối với tha nhân. Có những người dựa trên một linh đạo phiến diện nào đó và nghĩ rằng cầu nguyện phải là việc chiêm ngắm Thiên Chúa cách thuần túy, thoát khỏi mọi chia trí, ví như việc nghĩ đến tên tuổi hay khuôn mặt của người ta cũng là điều cần tránh. Thế nhưng trong thực tế, việc cầu nguyện của chúng ta càng làm vui lòng Thiên Chúa và càng giúp ta lớn lên trong sự thánh thiện, nếu xuyên qua sự chuyển cầu, chúng ta cố gắng thực hành giới răn hai mặt mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta. Lời cầu nguyện chuyển cầu là một diễn tả mối quan tâm huynh đệ đối với người khác, vì chúng ta đang ôm lấy đời sống của họ, những lo lắng sâu xa nhất, và những giấc mơ cao quí nhất của họ. Chúng ta có thể mượn lời Thánh Kinh để nói về những người chuyên chăm cầu nguyện chuyển cầu như sau: “Đây là người yêu mến anh em mình và cầu nguyện nhiều cho dân chúng” (2Mac 15,14).
 
  1. Nếu nhìn nhận Thiên Chúa hiện hữu, chúng ta không thể không tôn thờ Ngài, có những khi trong sự ngạc nhiên âm thầm, và ca ngợi Ngài trong khúc ca rộn rã. Như vậy chúng ta chia sẻ trong kinh nghiệm của Chân Phước Charles de Foucauld: “Vừa khi tôi tin rằng có một Thiên Chúa, tôi không thể làm gì khác hơn là sống cho Ngài”. [117] Trong đời sống của đoàn dân lữ hành của Chúa, có thể có nhiều thái độ thờ phượng tinh thuần rất giản dị, như khi “ánh mắt của người khách hành hương hướng về một hình ảnh diễn tả tình thương và sự gần gũi của Thiên Chúa. Yêu thương thì biết dừng lại, chiêm ngắm mầu nhiệm, và thưởng thức mầu nhiệm ấy trong thinh lặng”. [118]
 
  1. Việc đọc lời Chúa trong tâm tình cầu nguyện – lời “ngọt hơn mật” (Tv 119,103) nhưng cũng là “thanh gươm hai lưỡi” (Dt 4,12) – có thể giúp chúng ta dừng lại và lắng nghe tiếng nói của Tôn Sư. Nó trở thành một ngọn đèn soi chân ta bước và ánh sáng chỉ đường ta đi (x. Tv 119,105). Như các giám mục Ấn Độ lưu ý: “Lòng yêu mến lời Chúa không đơn thuần là một trong những việc mộ đạo, vốn đẹp đẽ nhưng tùy chọn. Nó đi vào trong chính trái tim và căn tính của đời sống Kitô hữu. Lời Chúa có năng lực biến đổi đời sống”. [119]
 
  1. Việc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Thánh Kinh dẫn chúng ta đến với cử hành Thánh Thể, ở đó lời ghi trong sách đạt được hiệu lực cao quí nhất của nó, vì đó chính là Lời sống động trong hiện tại. Trong Thánh Lễ, vị Thiên Chúa độc nhất và đích thực nhận được sự tôn thờ tuyệt hảo mà thế giới có thể dâng cho Ngài, vì chính Đức Kitô được hiến dâng. Khi rước Thánh Thể, chúng ta làm mới lại giao ước với Ngài và cho phép Ngài thực hiện công trình biến đồi đời sống mình cách trọn vẹn hơn.
 
CHƯƠNG V
CUỘC CHIẾN ĐẤU THIÊNG LIÊNG, TỈNH THỨC VÀ PHÂN ĐỊNH
 
  1. Đời sống Kitô hữu là một trận chiến không ngừng. Chúng ta cần sức mạnh và can đảm để chống lại những cám dỗ của ma quỉ và để loan báo Tin Mừng. Đây là trận chiến ngọt ngào, vì nó cho phép ta hoan hỉ mỗi lần Chúa khải thắng trong cuộc đời chúng ta.
 
CHIẾN ĐẤU VÀ TỈNH THỨC
 
  1. Chúng ta đang nói đến không chỉ cuộc chiến đấu chống lại thế gian và một não trạng trần tục đánh lừa mình, làm mình trở nên đần độn và xoàng xĩnh, thiếu nhiệt huyết và niềm vui. Cũng không thể giảm trừ cuộc chiến đấu này đến chỉ còn là chiến đấu chống lại những yếu đuối và những xu hướng của con người (dù đó là lười biếng, dâm dục, tham lam, ghen tị hay bất cứ gì khác). Đây còn là cuộc chiến đấu không ngừng chống lại ma quỉ, ông hoàng của sự dữ. Chính Chúa Giêsu mừng chiến thắng của chúng ta. Người hân hoan khi các môn đệ Người tiến hành tốt việc rao giảng Tin Mừng và thắng được sự đối đầu của thần dữ: “Thầy trông thấy Satan từ trời sa xuống như tia chớp” (Lc 10,18).
 
Hơn là một thần thoại
 
  1. Chúng ta sẽ không nhìn nhận rằng ma quỉ có thực, nếu khư khư nhìn đời sống chỉ bằng những tiêu chuẩn thường nghiệm, mà không có một nhận hiểu siêu nhiên. Quyền lực thâm hiểm này có mặt giữa chúng ta, xác tín này giúp ta hiểu tại sao có những lúc ma quỉ có sức mạnh hủy diệt đến vậy. Quả thực, các tác giả Thánh Kinh có sự hạn chế trong nhận thức khi diễn tả một số thực tại, và vào thời Chúa Giêsu thì sự động kinh, chẳng hạn, có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với tình trạng quỉ ám. Nhưng điều này không nên dẫn chúng ta tới một sự đơn giản hóa quá mức để kết luận rằng mọi trường hợp liên quan trong Tin Mừng đều có liên hệ với những rối loạn tâm lý, và vì thế ma quỉ không hiện hữu hay không hoạt động. Ma quỉ hiện hữu ngay nơi những trang đầu của Kinh Thánh, mà rốt cục là Thiên Chúa chiến thắng trên thần dữ. [120] Thật vậy, khi dạy chúng ta Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu muốn chúng ta kết thúc bằng việc xin Cha “cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Từ cuối cùng ấy không qui chiếu đến sự dữ một cách trừu tượng; một bản dịch chính xác hẳn sẽ nói là “thần dữ”. Nó hướng chỉ một hữu thể có ngôi vị tấn công chúng ta. Chúa Giêsu dạy chúng ta hằng ngày cầu nguyện xin được giải thoát khỏi nó, để quyền lực của nó không thống trị chúng ta.
 
  1. Vì thế, chúng ta không nên nghĩ về ma quỉ như một thần thoại, một tượng trưng, một biểu tượng, một hình tượng ngôn ngữ hay một ý niệm. [121] Sai lầm này sẽ dẫn ta tới chỗ khinh suất, bất cẩn và cuối cùng sẽ càng chênh vênh hơn. Ma quỉ không cần ám chúng ta. Nó đầu độc chúng ta với nọc độc hận thù, u uất, tham lam và đồi bại. Khi chúng ta khinh suất mất cảnh giác, nó lợi dụng thời cơ để phá hoại đời sống chúng ta, gia đình và cộng đoàn chúng ta. “Như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cấu xé” (1Pr 5,8).
 
Cảnh giác và tin tưởng
 
  1. Lời Chúa rõ ràng mời gọi chúng ta “đứng vững trước những mưu chước của ma quỉ” (Ep 6,11) và “dập tắt mọi mũi tên lửa của ác thần” (Ep 6,16). Những diễn tả này không hề cường điệu, bởi vì con đường nên thánh của chúng ta là một trận chiến liên lỉ. Những ai không nhận ra điều này sẽ làm mồi cho sự thất bại và xoàng xĩnh. Để chiến đấu trong cuộc chiến thiêng liêng này, chúng ta có thể dựa vào những vũ khí mạnh mẽ Chúa ban cho mình: cầu nguyện với thấm đẫm đức tin, suy niệm lời Chúa, cử hành Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, lãnh bí tích Hòa Giải, làm việc bác ái, sống cộng đoàn, đi ra trong sứ mạng. Nếu chúng ta không bảo trọng, những lời hứa lừa gạt của ma quỉ sẽ dễ dàng dụ dỗ ta. Như cha Thánh Brochero ghi nhận: “Đâu là điều tốt đẹp khi Lucifer hứa cho bạn tự do, và tưới trên bạn tất cả những lợi lộc của nó, song đó lại là những lợi lộc giả tạo, lừa dối và độc hại?” [122]
 
  1. Dọc hành trình này, việc vun xới tất cả những gì là tốt đẹp, sự tiến triển trong đời sống thiêng liêng và sự lớn lên trong tình yêu sẽ là đối trọng tốt nhất chống lại ma quỉ. Những ai chọn giữ trung lập, những ai hài lòng với sự ít ỏi, những ai từ bỏ lý tưởng trao hiến chính mình cách quảng đại cho Chúa, họ sẽ không bao giờ đứng vững. Càng không thể đứng vững nếu người ta chủ bại, vì “nếu chúng ta bắt đầu với không chút tin tưởng, chúng ta đã thua nửa trận chiến rồi, và tự chôn vùi các khả năng của mình… Chiến thắng của Kitô giáo luôn luôn là một thập giá, nhưng thập giá ấy đồng thời là ngọn cờ chiến thắng, được mang vác với sự hiền dịu bất khuất chống lại những tấn công của ma quỉ”. [123]
 
Sự hư hỏng tâm linh
 
  1. Con đường thánh thiện là nguồn của bình an và niềm vui mà Chúa Thánh Thần ban tặng chúng ta. Đồng thời, nó đòi hỏi chúng ta giữ “ngọn đèn cháy sáng” (Lc 12,35) và tỉnh thức. “Hãy tránh xa mọi điều xấu, dưới bất cứ hình thức nào” (1Tx 5,22). “Hãy tỉnh thức” (Mt 24,42; Mc 13,35). “Chúng ta đừng mê ngủ” (1Tx 5,6). Những ai nghĩ rằng mình không phạm tội nặng nề chống lại luật Thiên Chúa thì có thể rơi vào một tình trạng u mê. Vì họ không nhận ra điều gì hệ trọng để ăn năn, họ không nhận ra rằng đời sống thiêng liêng của mình đang dần trở nên nguội lạnh. Cuối cùng họ yếu nhược và hư hỏng.
 
  1. Sự hư hỏng tâm linh thì tệ hại hơn cả sự sa ngã của một tội nhân, vì đó là một dạng mù quáng mà người ta cảm thấy thỏa mãn và yên ổn. Bấy giờ mọi sự được chấp nhận: dối trá, vu khống, tự cao và các hình thức qui ngã khác, vì “thậm chí Satan đội lốt một thiên thần của ánh sáng” (2Cr 11,14). Salômôn đã kết thúc cuộc đời như thế, trong khi Đavit, từng phạm tội tày đình, đã có thể sửa chữa lỗi lầm của mình. Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta chống lại sự tự lừa dối này, điều vốn dễ dẫn ta tới hư hỏng. Người nói về một người được giải thoát khỏi tên quỉ, nhưng nghĩ rằng đời sống của mình giờ đây đã ổn, vì thế cuối cùng bị khống chế bởi bảy thần dữ khác (x. Lc 11,24-26). Một bản văn Thánh Kinh khác diễn tả điều này một cách khủng khiếp: “Chó mửa ra, chó liền ăn lại” (2Pr 2,22; x. Cn 26,11).
 
PHÂN ĐỊNH
 
  1. Bằng cách nào chúng ta biết một điều gì đó đến từ Thánh Thần hay đến từ tinh thần của thế gian hoặc tinh thần của ma quỉ? Cách duy nhất là phân định, việc này đòi hỏi một điều gì đó hơn là trí năng hay lương thức. Đó là một ân ban mà chúng ta phải cầu xin. Nếu ta cầu xin với lòng tin tưởng Chúa Thánh Thần ban cho mình ơn này, rồi tìm cách phát triển nó trong cầu nguyện, suy tư, đọc và bàn hỏi, thì chắc chắn chúng ta sẽ lớn lên trong khả năng thiêng liêng này.
 
Một nhu cầu khẩn thiết
 
  1. Ơn phân định càng cần thiết hôm nay, vì đời sống hiện đại mở ra cơ man khả năng hành động và tiêu khiển, và thế giới trình bày tất cả chúng như cái gì hợp lệ và tốt. Tất cả chúng ta, đặc biệt là giới trẻ, bị nhận chìm trong một nền văn hóa vồ vập hối hả. Chúng ta có thể cùng một lúc lướt qua hai hay ba màn hình và tương tác đồng thời với hai hay ba chuyện ảo. Không có sự khôn ngoan phân định, chúng ta dễ dàng trở thành mồi ngon cho mọi trào lưu rẻ tiền.
 
  1. Điều này càng quan trọng hơn khi một cái gì mới mẻ bỗng xuất hiện trong đời sống. Bấy giờ chúng ta phải xác định xem nó có phải là rượu mới do Thiên Chúa đem lại, hay chỉ là một ảo ảnh đánh lừa được tạo ra bởi tinh thần thế tục hay tinh thần của ma quỉ. Có những lúc khác, xảy ra điều ngược lại, khi các sức mạnh của sự dữ xúi ta đừng thay đổi, cứ giữ mọi sự y như thế, và chọn thái độ khư khư đề kháng chống lại thay đổi. Nhưng như vậy là cản trở hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta tự do, với sự tự do của Đức Kitô. Tuy nhiên, Người mời gọi ta khảo sát những gì ở bên trong mình – những dục vọng, lo lắng, sợ hãi và nghi nan – và những gì diễn ra xung quanh mình – “các dấu chỉ của thời đại” – và qua đó nhận ra những nẻo đường dẫn tới sự tự do hoàn toàn. “Hãy khảo sát mọi sự; hãy bám vững những gì là tốt lành” (1Tx 5,21).
 
Luôn ở trong ánh sáng của Chúa
 
  1. Phân định là việc cần thiết không chỉ vào những thời khắc đặc biệt, khi chúng ta cần giải quyết những vấn đề lớn và đưa ra những quyết định quan trọng. Nó là một phương thế của cuộc chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng ta đi theo Chúa cách trung thành hơn. Chúng ta cần phân định mọi lúc, để có thể nhận ra kế hoạch mà Chúa sắp xếp, hầu tránh bỏ hụt những gợi ý Ngài ban cho và tránh xem thường lời Ngài mời gọi ta lớn lên. Rất thường, việc phân định được làm trong những việc nhỏ và có vẻ không phù hợp, vì sự cao cả của tinh thần được thể hiện trong những thực tại đơn giản hằng ngày. [124] Nó liên quan đến việc cố gắng sao cho không cản trở tất cả những gì là cao quí, những gì là tốt hơn và đẹp hơn, trong khi đồng thời quan tâm đến những chuyện nhỏ, những bổn phận và trách nhiệm trong đời sống hằng ngày. Vì thế, tôi kêu gọi tất cả các Kitô hữu đừng bỏ qua việc “khảo sát lương tâm” hằng ngày cách chân thành, được làm trong đối thoại với Chúa. Việc phân định cũng giúp chúng ta nhận ra những phương tiện cụ thể mà Chúa cung cấp trong kế hoạch yêu thương mầu nhiệm của Người, để thúc đẩy chúng ta không dừng lại chỉ ở những ý hướng tốt lành mà thôi.
 
Một ân ban siêu nhiên
 
  1. Chắc chắn việc phận định thiêng liêng không loại trừ những hiểu biết về hiện sinh, tâm lý, xã hội, hay luân lý rút từ các khoa học nhân văn. Đồng thời, nó siêu vượt các khoa học ấy. Các qui tắc đúng đắn của Giáo hội cũng không đủ. Chúng ta phải luôn nhớ rằng phân định là một ân sủng. Ngay cả dù nó bao gồm lý trí và sự khôn ngoan, nó vẫn vượt quá những điều ấy, vì nó tìm cách để có một cái nhìn thoáng kế hoạch nhiệm mầu và độc đáo mà Thiên Chúa định cho mỗi chúng ta, được định hình giữa rất nhiều hoàn cảnh và giới hạn khác nhau. Nó liên quan đến nhiều hơn là thiện ích đời này của tôi, sự mãn nguyện của tôi vì đạt được một cái gì đó hữu ích, hay thậm chí niềm khao khát bình an trong tâm trí của tôi. Nó liên hệ tới ý nghĩa cuộc sống của tôi trước mặt Chúa, Đấng biết và yêu tôi, và liên hệ tới mục đích thực sự của đời tôi, mà không ai biết rõ hơn chính Chúa. Cuối cùng, việc phân định dẫn tới nguồn mạch của sự sống bất diệt, đó là nhận biết Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất, và Đấng Chúa Cha sai đến là Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 17,3). Việc phân định không đòi hỏi những khả năng đặc biệt, nó cũng không dành riêng chỉ cho những người thông minh hay đặc biệt học cao hiểu rộng. Chúa Cha sẵn sàng mặc khải chính Ngài cho những kẻ bé mọn (x. Mt 11,25).
 
  1. Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách, ví dụ, tại sở làm, qua những người khác, và vào bất cứ lúc nào. Nhưng rõ ràng chúng ta cần có sự thinh lặng của việc cầu nguyện thâm sâu, trong đó chúng ta dễ nắm hiểu tiếng nói của Chúa hơn, dễ diễn dịch ý nghĩa thực của những gợi ý mà ta tin rằng mình nhận được, dễ xua tan những lo lắng của mình và nhìn thấy toàn thể hiện hữu của mình cách mới mẻ trong ánh sáng của Chúa. Bằng cách này, chúng ta cho phép sự khai sinh của một tổng hợp mới vọt ra từ một đời sống được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần.
 
Lạy Chúa, xin hãy phán
 
  1. Tuy nhiên, có thể là ngay cả trong cầu nguyện, chúng ta cũng từ chối không cho phép mình đối diện với sự tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng hành động hoàn toàn tự do. Chúng ta phải nhớ rằng việc phân định trong bầu khí cầu nguyện phải xuất phát từ một thái độ sẵn sàng lắng nghe: nghe Chúa, nghe người khác, và lắng nghe chính thực tại, vốn luôn thách đố chúng ta bằng những cách mới mẻ. Chỉ khi chúng ta đã sẵn sàng lắng nghe, thì chúng ta mới có đủ tự do để gác qua một bên những ý tưởng bất cập hay phiến diện của mình, những thói quen thường tình của mình và những cách mình nhìn mọi sự. Nhờ đó, chúng ta trở nên thực sự mở lòng ra để đón nhận một tiếng gọi có thể làm xáo trộn sự an toàn của mình, nhưng dẫn mình tới một đời sống tốt hơn. Thật không đủ duy chỉ sự kiện rằng mọi sự êm xuôi và ổn thỏa. Thiên Chúa có thể trao cho chúng ta một cái gì đó hơn thế, nhưng nếu cứ không chú tâm, thì chúng ta không thể nhận ra.
 
  1. Một cách tự nhiên, thái độ lắng nghe này gắn với tinh thần vâng phục đối với Tin Mừng xét như tiêu chuẩn tối hậu, và vâng phục cả đối với Huấn quyền vốn có nhiệm vụ bảo vệ tiêu chuẩn tối hậu ấy, khi chúng ta kiếm trong kho tàng của Giáo hội bất cứ gì có hiệu quả nhất cho công trình cứu độ “hôm nay”. Đó không phải là vấn đề áp dụng những qui tắc hay lặp lại những gì đã được làm trong quá khứ, bởi vì cùng những giải pháp nào đó thì không có hiệu lực trong tất cả mọi trường hợp, và điều hữu ích trong bối cảnh này thì có thể không hữu ích trong bối cảnh khác. Việc phân định các thần loại giải phóng chúng ta khỏi sự cứng nhắc, vốn không có chỗ trước cái “hôm nay” thường hằng của Chúa Phục sinh. Chỉ một mình Chúa Thánh Thần mới có thể xuyên thấu những gì mờ khuất và giấu ẩn trong mọi cảnh huống, và mới có thể nắm bắt mọi sắc thái của nó, để cho tính mới mẻ của Tin Mừng có thể hiện lộ trong một ánh sáng khác.
 
Luận lý của sự trao ban và của thập giá
 
  1. Một điều kiện thiết yếu để thăng tiến trong phân định, đó là việc nhận hiểu hơn nữa về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và sự sắp xếp của Ngài, nó không bao giờ là sự sắp xếp của chúng ta. Thiên Chúa không đổ lửa xuống thiêu đốt những người bất trung (x. Lc 9,54), hay cho phép những người bốc đồng ra tay nhổ cỏ lùng mọc giữa lúa (x. Mt 13,29). Cũng cần phải có sự quảng đại, vì “cho thì tốt hơn là nhận” (Cv 20,35). Phân định không phải là để khám phá xem chúng ta có thể thu nhận gì thêm từ đời sống này, nhưng là để nhận ra bằng cách nào chúng ta có thể hoàn thành tốt hơn sứ mạng được ủy thác cho mình qua Phép Rửa. Điều này đòi một thái độ sẵn sàng hy sinh, ngay cả hy sinh mọi sự. Vì hạnh phúc là một nghịch lý. Chúng ta kinh nghiệm nó nhiều nhất khi chúng ta chấp nhận cái luận lý mầu nhiệm vốn không thuộc thế giới này: “Đây là luận lý của chúng tôi”, Thánh Bônavetura đã nói thế khi hướng chỉ về thập giá. [125] Một khi chúng ta đi vào trong năng động này, chúng ta sẽ không cho phép lương tâm mình bị tê cứng, và chúng ta sẽ cởi mở chính mình một cách quảng đại để phân định.
 
  1. Trong sự hiện diện của Thiên Chúa, khi chúng ta khảo sát hành trình đời sống của mình, không có lãnh vực nào là ngoài giới hạn. Trong tất cả các khía cạnh của đời sống, chúng ta đều có thể lớn lên và dâng hiến một cái gì đó quí hơn cho Thiên Chúa, ngay cả trong những lãnh vực mà ta thấy là khó khăn nhất. Nhưng chúng ta cần xin Chúa Thánh Thần giải phóng mình, và xua đuổi nỗi sợ vốn khiến ta gây cản trở sự thâm nhập của Thánh Thần vào một số vùng nào đó trong đời sống mình. Thiên Chúa mời gọi ta mọi thứ, nhưng Ngài cũng trao ban mọi thứ cho ta. Ngài không muốn đi vào đời sống chúng ta để làm mọi thứ bị què quặt hay tàn tạ, nhưng là để đưa chúng tới viên mãn. Vì thế phân định không phải là việc phân tích bản thân có tính qui ngã hay một hình thức nội quan nhuốm màu ích kỷ, nhưng đó là một tiến trình chân thực vượt qua chính mình để tiếp cận mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng giúp chúng ta đảm nhận sứ mạng mà Ngài mời gọi, vì ích lợi của anh chị em mình.
 
* * *
  1. Tôi muốn khép lại những suy tư này bằng vương miện của Đức Maria, vì Mẹ sống Các Mối Phúc của Chúa Giêsu hơn bất cứ ai. Mẹ là người phụ nữ hoan hỉ trong sự hiện diện của Thiên Chúa, là người ghi nhớ mọi sự trong lòng, và chấp nhận lưỡi gươm đâm thâu. Mẹ là vị thánh giữa các thánh, và được chúc phúc trên hết các thánh. Mẹ dạy chúng ta con đường nên thánh và Mẹ luôn bước đi bên cạnh chúng ta. Mẹ không để mặc chúng ta trong tình trạng sa ngã, và có những lúc Mẹ dang tay ôm lấy chứ không kết án chúng ta. Chuyện trò với Mẹ, chúng ta sẽ được an ủi, được giải phóng và được thánh hóa. Đức Maria, Mẹ chúng ta, không cần nhiều lời. Mẹ không cần chúng ta kể lể với Mẹ về những gì đang xảy ra trong đời sống mình. Chúng ta chỉ cần thì thầm, lặp đi lặp lại: “Kính mừng Maria…”
 
  1. Tôi hy vọng những trang này sẽ nên hữu ích trong việc giúp toàn thể Giáo hội dấn thân một cách mới mẻ thúc đẩy khát vọng nên thánh. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đổ tràn trên mình một khát khao cháy bỏng nên thánh, để vinh danh Chúa hơn, và chúng ta hãy khích lệ nhau trong nỗ lực này. Nhờ đó, chúng ta sẽ được chia sẻ một hạnh phúc mà thế gian này không thể tước khỏi chúng ta.
 
Tại Rôma, Đền thờ Thánh Phêrô, ngày 19 tháng 3, Lễ trọng kính Thánh Giuse, năm 2018, năm thứ sáu triều Giáo hoàng của tôi.

Phanxicô
-----------------------------------------------------------------------------------------
[1] BIỂN ĐỨC XVI, Bài giảng lễ nhậm chức Sứ vụ Phêrô (24.4.2005): AAS 97 (2005), 708.
[2] Điều này luôn giả định một danh tiếng về sự thánh thiện và việc thực hành các nhân đức Kitô giáo cách anh hùng, ít nhất trong mức độ thông thường: x. Motu Proprio Maiorem Hac Dilectionem (11.7. 2017), Art. 2c: L’Osservatore Romano, 12.7.2017, tr. 8.
[3] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ IILumen Gentium, 9.
[4] x. JOSEPH MALEGUE, Pierres noires. Les classes moyennes du Salut, Paris, 1958.
[5] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ IILumen Gentium, 12.
[6] Verborgenes Leben und Epiphanie: GW XI, 145.
[7] GIOAN PHAOLÔ II, Novo Millennio Ineunte (6.01.2001), 56: AAS 93 (2001), 307.
[8] Tertio Millennio Adveniente (10.11.1994), 37: AAS 87 (1995), 29.
[9] Bài giảng Lễ tưởng niệm các Chứng nhân Đức tin Thế kỷ 20 (7.5. 2000), 5: AAS 92 (2000), 680-681.
[10] Lumen Gentium, 11.
[11] x. HANS URS VON BALTHASAR, “Theology and Holiness”, trong Communio 14/4 (1987), 345.
[12] Khúc Linh Ca, Bản B, Lời tựa, 2.
[13] x. ibid., 14-15, 2.
[14] x. Giáo lý, Tiếp kiến chung, ngày 19.11.2014: Insegnamenti II/2 (2014), 555.
[15] PHANXICÔ SALÊSIÔ, Khảo luận về Tình yêu Thiên Chúa, VIII, 11.
[16] Năm chiếc bánh và hai con cá, Pauline Books and Media, 2003, tr. 9, 13.
[17] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NEW ZEALAND, Tình yêu chữa lành, 01.01.1988.
[18] Linh thao, 102-312.
[19] Giáo lý Giáo hội Công giáo, 515.
[20] Ibid., 516.
[21] Ibid., 517.
[22] Ibid., 518.
[23] Ibid., 521.
[24] BIỂN ĐỨC XVI, Giáo lý, Tiếp kiến chung ngày 13.4.2011: Insegnamenti VII (2011), 451.
[25] Ibid., 450.
[26] x. HANS URS VON BALTHASAR, “Thần học và sự Thánh thiện”, trong Communio 14/4 (1987), 341-350.
[27] XAVIER ZUBIRI, Naturaleza, historia, Dios, Madrid, 19933, 427.
[28] CARLO M. MARTINI, Những lời tuyên xưng của Phêrô, Cinisello Balsamo, 2017, 69.
[29] Chúng ta cần phân biệt giữa loại giải trí hời hợt này và một nền văn hóa tiêu khiển lành mạnh, giúp ta mở ra với người khác và với chính thực tại trong một tinh thần cởi mở và chiêm niệm.
[30] GIOAN PHAOLÔ II, Bài giảng lễ Tuyên thánh (01.01.2000), 5: AAS 92 (2000), 852.
[31] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VÙNG TÂY PHI, Sứ điệp Bế mạc Hội nghị Toàn thể Lần thứ hai, 29.02.2016, 2.
[32] Người phụ nữ nghèo, Paris, II, 27.
[33] x. THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Thư Placuit Deo về Một số khía cạnh của sự Cứu độ Kitô giáo (22.02.2018), 4, trong L’Osservatore Romano, 2.3.2018, tr. 4-5: “Cả chủ nghĩa cá nhân theo tân phái pêlagiô lẫn sự xem thường thân xác của tân phái ngộ đạo đều làm méo mó sự tuyên xứng đức tin vào Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ phổ quát và duy nhất”. Tài liệu này cung cấp những nền tảng giáo thuyết để hiểu sự cứu độ Kitô giáo trong tham chiếu đến các khuynh hướng tân phái ngộ đạo và tân phái pêlagiô thời nay.
[34] Evangelii Gaudium (24.11.2013), 94: AAS 105 (2013), 1060.
[35] Ibid.: AAS 105 (2013), 1059.
[36] Bài giảng Thánh Lễ tại Casa Santa Marta, 11.11.2016: L’Osservatore Romano, 12.11. 2016, p. 8.
[37] Như Thánh Bônaventura dạy, “chúng ta phải ngưng mọi hoạt động của trí óc và phải biến đổi cái đỉnh điểm của các tình cảm, hướng chúng tới Thiên Chúa mà thôi… vì tự nhiên không thể đạt được gì và nỗ lực cá nhân thì rất bé nhỏ, nên cần phải gán ít tầm quan trọng cho việc điều tra nghiên cứu và nhiều tầm quan trọng cho việc xoa dịu, cũng vậy, lời nói ít quan trọng hơn niềm vui bên trong, ăn nói và viết lách không quan trọng mấy, mà tất cả tầm quan trọng nằm ở ân ban của Chúa, là Thánh Thần, các thụ tạo không quan trọng mấy, mà tất cả tầm quan trọng nằm ở Đấng Sáng Tạo, là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần”: BÔNAVENTURA, Itinerarium Mentis in Deum, VII, 4-5.
[38] x. Thư gửi Hiệu Trưởng Đại học Công giáo Argentina dịp kỷ niệm Bách chu niên Thành lập Phân khoa Thần học (3.3.2015): L’Osservatore Romano, 9-10.3.2015, tr. 6.
[39] Evangelii Gaudium (24.11.2013), 40: AAS 105 (2013), 1037.
[40] Sứ điệp Truyền hình cho các tham dự viên của Hội nghị Ủy Ban Thần học Quốc tế tổ chức tại Đại học Công giáo Argentina (1-3.9.2015): AAS 107 (2015), 980.
[41] Vita Consecrata (25.3.1996), 38: AAS 88 (1996), 412.
[42] Thư gửi Hiệu Trưởng Đại học Công giáo Argentina dịp kỷ niệm Bách chu niên Thành lập Phân khoa Thần học (3.3.2015): L’Osservatore Romano, 9-10.3.2015, tr. 6.
[43] Thư gửi Anthony, 2: FF 251.
[44] De septem donis, 9, 15.
[45] Trong IV Sent. 37, 1, 3, ad 6.
[46] Evangelii Gaudium (24.11.2013), 94: AAS 105 (2013), 1059.
[47] x. Bônaventura, De sex alis Seraphim, 3, 8: “Non omnes omnia possunt”. Cụm từ này phải được hiểu trong ánh sáng của Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1735.
[48] x.. TÔMA AQUINÔ, Summa Theologiae II-II, q. 109, a. 9, ad 1: “Nhưng như chúng ta đã nói, ở đây ân sủng không hoàn hảo mức nào đó, trong chừng mực nó không chữa lành hoàn toàn người ta”.
[49] x. De natura et gratia, 43, 50: PL 44, 271.
[50] Tự thú, X, 29, 40: PL 32, 796.
[51] x. Evangelii Gaudium (24.11.2013), 44: AAS 105 (2013), 1038.
[52] Trong việc hiểu đức tin Kitô giáo, ân sủng đi trước, đồng hành và đi theo tất cả các hành động của chúng ta (x. CÔNG ĐỒNG TRENTÔ, Khóa VI, Sắc lệnh về Công chính hóa, ch. 5: DH 1525).
[53] x. trong Ep. ad Romanos, 9, 11: PG 60, 470.
[54] Homilia de Humilitate: PG 31, 530.
[55] Canon 4: DH 374.
[56] Khóa VI, Sắc lệnh về Công chính hóa, ch. 8: DH 1532.
[57] No. 1998.
[58] Ibid., 2007.
[59] Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 114, a. 5.
[60] TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, “Kinh Dâng Hiến cho Tình yêu Thương Xót” (Cầu nguyện, 6).
[61] Lucio Gera, Sobre el misterio del pobre, trong P. GRELOT-L. GERA-A. DUMAS, El Pobre, Buenos Aires, 1962, 103.
[62] Nói tóm, đây là giáo thuyết Công giáo về “công trạng” theo sau ơn công chính hóa: nó liên hệ tới sự cộng tác của người được công chính hóa để lớn lên trong đời sống ân sủng (x. Giáo lý của Giáo hội Công giáo, 2010). Nhưng sự cộng tác này không hề làm cho sự công chính hóa hay tình trạng thân hữu với Thiên Chúa trở thành đối tượng của công trạng con người.
[63] x. Evangelii Gaudium (24.11. 2013), 95: AAS 105 (2013), 1060.
[64] Summa Theologiae I-II, q. 107, art. 4.
[65] PHANXICÔ, Bài giảng lễ Năm Thánh cho những người bị loại trừ trong xã hội (13.11.2016): L’Osservatore Romano, 14-15.11.2016, tr. 8.
[66] x. Bài giảng Thánh Lễ tại Casa Santa Marta, 9.6.2014: L’Osservatore Romano, 10.6.2014, tr. 8.
[67] Thứ tự của các Mối Phúc thứ hai và thứ ba thì thay đổi theo những bản địch khác nhau.
[68] Linh thao, 23d.
[69] Thủ bản C, 12r.
[70] Từ thời các Giáo phụ, Giáo hội đã trân trọng ân ban nước mắt, như thấy trong lời cầu nguyện rất hay “Ad petendam compunctionem cordis”. Như sau: “Lạy Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng thương xót, Chúa đã cho vọt ra từ tảng đá mạch nước sự sống làm thỏa cơn khát của dân Chúa. Xin ban cho chúng con những dòng lệ ăn năn chảy từ trái tim cứng cỏi của mình, để chúng con biết đau buồn về tội lỗi chúng con, và nhờ lòng thương xót của Chúa mà chúng con nhận được ơn tha thứ” (x. Missale Romanum, ed. typ. 1962, tr. [110]).
[71] Giáo lý của Giáo hội Công giáo, 1789; x. 1970.
[72] Ibid., 1787.
[73] Nói xấu và vu khống là những hành động khủng bố: một quả bom được tung ra, nó phát nổ và kẻ tấn công ung dung bỏ đi một cách mãn nguyện. Điều này hoàn toàn khác với sự cao thượng của những người trực tiếp nói thẳng với người khác, một cách điềm tĩnh và tự nhiên, xuất phát từ lòng quan tâm chân thành đến thiện ích của người ấy.
[74] Có những lúc có thể cần phải nói về những khó khăn của một người anh chị em nào đó. Trong những trường hợp như thế, có thể xảy ra là người ta đưa ra một suy diễn thay vì là một sự kiện khách quan. Các cảm xúc có thể làm lung lạc và thay chỗ cho những dữ kiện thực tế, và cuối cùng là được truyền lan với sự thêm thắt những yếu tố chủ quan. Như vậy, cả các dữ kiện thực tế lẫn sự thật về người kia đều không được tôn trọng.
[75] Evangelii Gaudium (24.11.2013), 218: AAS 105 (2013), 1110.
[76] Ibid., 239: 1116.
[77] Ibid., 227: 1112.
[78] Centesimus Annus (1.5.1991), 41c: AAS 81 (1993), 844-845.
[79] Novo Millennio Ineunte (06.01.2001), 49: AAS 93 (2001), 302.
[80] Ibid.
[81] Misericordiae Vultus (11.4.2015), 12: AAS 107 (2015), 407.
[82] Chúng ta có thể nhớ lại phản ứng của người Samaria tốt lành khi gặp người bị bọn cướp tấn công và bỏ dở sống dở chết (x. Lc 10,30-37).
[83] ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CÔNG GIÁO CANADA, Thư ngỏ gửi các thành viên Quốc hội, Công ích hay Loại trừ: Một chọn lựa cho người Canada (01.01.2001), 9.
[84] Hội nghị Toàn thể Lần thứ năm của các Giám mục Mỹ La tinh và vùng Caribê, vọng lại giáo huấn thường xuyên của Giáo hội, đã tuyên bố rằng con người “luôn luôn thánh thiêng, từ trong bào thai, ở mọi giai đoạn hiện hữu, cho tới cái chết tự nhiên, và sau khi chết”, và rằng phải bảo vệ sự sống “bắt đầu từ trong bào thai, ở mọi giai đoạn, cho tới cái chết tự nhiên” (Tài liệu Aparecida, 29.6.2007, 388; 464).
[85] Qui luật, 53, 1: PL 66, 749.
[86] x. ibid., 53, 7: PL 66, 750.
[87] Ibid., 53, 15: PL 66, 751.
[88] Misericordiae Vultus (11.4.2015), 9: AAS 107 (2015), 405.
[89] Ibid., 10, 406.
[90] Amoris Laetitia (19.3.2016), 311: AAS 108 (2016), 439.
[91] Evangelii Gaudium (24 November 2013), 197: AAS 105 (2013), 1103.
[92] x. Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4.
[93] Ibid., ad 1.
[94] Được trích dẫn (trong bản dịch tiếng Tây Ban Nha) trong: Cristo en los Pobres, Madrid, 1981, 37-38.
[95] Có một số hình thức gây áp lực, có vẻ tế nhị hay trân trọng và ngay cả có vẻ thiêng liêng nhưng lại gây tai hại lớn cho sự tự trọng của người khác.
[96] Precautions, 13.
[97] Ibid., 13.
[98] x. Nhật ký. Lòng thương xót của Chúa trong linh hồn tôi, Stockbridge, 2000, tr. 139 (300).
[99] TÔMA AQUINÔ, Summa Theologiae, I-II, q. 70, a. 3.
[100] Evangelii Gaudium (24.11.2013), 6: AAS 105 (2013), 1221.
[101] Tôi khuyến khích dùng lời cầu nguyện được cho là của Thánh Thomas More: “Lạy Chúa, xin cho con một bộ tiêu hóa tốt, và cũng cho con có cái gì đó để tiêu hóa! Xin cho con một thân thể khoẻ mạnh, và khiếu hài hước lành mạnh cần thiết để giữ sức khoẻ ấy. Xin cho con một tâm hồn đơn sơ, biết trân trọng tất cả những gì tốt lành, và không dễ nao núng trước sự dữ, nhưng biết tìm cách trả mọi thứ về đúng chỗ của nó. Xin cho con một tâm hồn không biết chán, không cằn nhằn, không thở dài than vãn, không căng thẳng quá đáng do cái tôi cồng kềnh. Lạy Chúa, xin cho con khiếu hài hước tốt lành. Xin cho con ơn biết vui đùa, biết khám phá niềm vui trong cuộc sống, và biết chia sẻ niềm vui ấy cho tha nhân.”
[102] Amoris Laetitia (19.3.2016), 110: AAS 108 (2016), 354.
[103] Evangelii Nuntiandi (8.12.1975), 80: AAS 68 (1976), 73. Đáng ghi nhận rằng trong bản văn này Chân phước Phaolô VI nối kết chặt chẽ niềm vui với parrhesía. Trong khi lấy làm tiếc về tình trạng “thiếu niềm vui và hy vọng” xét như một cản trở cho việc loan báo Tin Mừng, ngài cổ võ “niềm vui loan báo Tin Mừng đầy năng lực an ủi”, được nối kết với “nhiệt tâm mà không ai và không gì có thể làm nguội lạnh”. Điều này khẳng định rằng thế giới không nhận Tin Mừng “từ những người buồn phiền và thất vọng”. Trong Năm Thánh 1975, Giáo hoàng Phaolô VI đã dành Tông huấn Gaudete in Domino để nói về niềm vui (9.5.1975): AAS 67 (1975), 289-322.
[104] Precautions, 15.
[105] GIOAN PHAOLÔ II, Vita Consecrata (25.3.1996), 42: AAS 88 (1996), 416.
[106] Tự thú, IX, 10, 23-25: PL 32, 773-775.
[107] Tôi đặc biệt nghĩ đến ba từ chủ chốt: “xin làm ơn”, “cảm ơn”, và “xin lỗi”. “Những lời thích hợp, được nói đúng lúc, sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng tình yêu hằng ngày”: Amoris Laetitia (19.3.2016), 133: AAS 108 (2016), 363.
[108] TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, Thủ bản C, 29 v-30r.
[109] Các mức độ trọn lành, 2.
[110] ID., Những lời khuyên cho một tu sĩ về cách đạt tới trọn lành, 9.
[111] Tự thuật, 8, 5.
[112] GIOAN PHAOLÔ II, Orientale Lumen (2.5.1995), 16: AAS 87 (1995), 762.
[113] Gặp gỡ các tham dự viên Đại hội Giáo hội Italia Lần thứ năm, Florence, (10.11.2015): AAS 107 (2015), 1284.
[114] x. BÊNAĐÔ CLAIRVAUX, Sermones in Canticum Canticorum, 61, 3-5: PL 183:1071-1073.
[115] Con đường của một khách hành hương, New York, 1965, tr. 17, 105-106.
[116] x. Linh thao, 230-237.
[117] Thư gửi Henry de Castries, 14.8.1901.
[118] HỘI NGHỊ TOÀN THỂ LẦN THỨ NĂM CỦA CÁC GIÁM MỤC MỸ LA TINH VÀ VÙNG CARIBÊ, Tài liệu Aparecida (29.6.2007), 259.
[119] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CÔNG GIÁO ẤN ĐỘ, Tuyên bố chung kết Hội nghị Toàn thể Lần thứ 21, 18.02.2009, 3.2.
[120] x. Bài giảng Thánh Lễ tại Casa Santa Marta, 11.10.2013: L’Osservatore Romano, 12.10.2013, tr. 2.
[121] x. PHAOLÔ VI, Giáo lý, Tiếp kiến chung ngày15.11.1972: Insegnamenti X (1972), tr. 1168-1170: “Một trong những nhu cầu lớn nhất của chúng ta là chống lại sự dữ mà chúng ta gọi là ma quỉ… Sự dữ không đơn thuần là một sự khiếm khuyết, nó là một tác động hữu hiệu, một hữu thể tinh thần sống động, đã hư hỏng và làm cho người ta hư hỏng. Nó là một thực tại khủng khiếp, bí ẩn và ghê sợ. Người ta không còn ở trong khuôn khổ giáo huấn của Thánh Kinh và của Giáo hội nếu họ phủ nhận sự hiện hữu của nó, hay nếu họ xem nó như một nguyên lý độc lập, không có nguồn gốc nơi Thiên Chúa như mọi thụ tạo khác, hoặc giải thích nó như một thực tại giả, một sự nhân cách hóa có tính tưởng tượng và niệm tưởng các nguyên nhân bí ẩn của những điều không may của chúng ta”.
[122] JOSÉ GABRIEL DEL ROSARIO BROCHERO, “Plática de las banderas”, trong CONFERENCIA EPISCOPAL ARGENTINA, El Cura Brochero. Cartas y sermones, Buenos Aires, 1999, 71.
[123] Evangelii Gaudium (24.11.2013), 85: AAS 105 (2013), 1056.
[124] Mộ của Thánh Inhaxiô Loyola mang dòng chữ đầy cảm kích này: Non coerceri a maximo, conteneri tamen a minimo divinum est (“Những gì thực sự thuộc về Thiên Chúa thì không bị giới hạn bởi cái lớn nhất, nhưng được chứa đựng trong những cái nhỏ nhất”).
[125] Collationes in Hexaemeron, 1, 30.

 

Tác giả: Lm Lê Công Đức, PSS., dịch

Nguồn tin: xuanbichvietnam.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập102
  • Hôm nay22,037
  • Tháng hiện tại560,076
  • Tổng lượt truy cập56,661,713
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây