Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2013

Thứ ba - 13/08/2013 12:40

-

-
Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay cũng là ngày chúng ta bế mạc Năm Đức Tin. Đây là một cơ hội quan trọng để chúng ta tăng cường tình nghĩa thiết với Chúa và cuộc hành trình can đảm rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh...
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2013

 
Anh Chị Em thân mến,
 
Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay cũng là ngày chúng ta bế mạc Năm Đức Tin. Đây là một cơ hội quan trọng để chúng ta tăng cường tình nghĩa thiết với Chúa và cuộc hành trình can đảm rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Với cái nhìn này, tôi muốn gợi ý với anh chị em một vài suy tư sau đây.
 
1. Đức tin là hồng ân của Chúa, nó mở lòng chúng ta ra để biết và yêu mến Chúa. Người muốn quan hệ với chúng ta và cho chúng ta tham dự vào sự sống của Người để làm cho đời sống chúng ta có ý nghĩa hơn và tốt đẹp hơn. Thiên Chúa yêu thương chúng ta! Tuy nhiên đức tin cần được đón nhận, nghĩa là nó cần mỗi người chúng ta đáp lại và can đảm phó thác mình cho Thiên Chúa, sống tình yêu của Người và cảm tạ lòng thương xót vô biên của Người. Nó là một ân huệ không chỉ dành riêng cho một ít người, nhưng được trao ban một cách hào phóng. Mọi người phải có thể trải nghiệm niềm vui được Thiên Chúa yêu thương, niềm vui được ơn cứu độ! Nó là một ân huệ mà không ai được giữ cho riêng mình, nhưng phải được chia sẻ. Nếu chúng ta chỉ muốn giữ lấy nó cho riêng mình, chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu bị cô lập, khô cằn và ốm yếu. Rao giảng Tin Mừng là phần cơ bản của các môn đệ Đức Kitô và là một sự dấn thân liên tục giúp sinh động hoá đời sống của Hội Thánh. “Mở rộng truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng sự trưởng thành của một cộng đoàn Hội Thánh” (Bênêđictô XVI, Verbum Domini, 95). Mỗi cộng đoàn “trưởng thành” khi cộng đoàn ấy tuyên xưng đức tin, hân hoan cử hành đức tin trong phụng vụ, sống bác ái, không ngừng rao giảng Lời Chúa, để cho các thành viên của mình đem Lời Chúa đến các “vùng ngoại vi”, đặc biệt đến với những người chưa có cơ hội để biết Đức Kitô. Người ta có thể đo lường được sức mạnh của đức tin chúng ta, ở bình diện cá nhân và cộng đoàn, qua khả năng thông truyền đức tin cho người khác, quảng bá và sống đức tin trong đức ái, làm chứng đức tin cho những người chúng ta gặp gỡ và chia sẻ đường đời với chúng ta.
 
2. Kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công đồng Vaticanô II, Năm Đức Tin thúc đẩy toàn thể Hội Thánh hướng tới một ý thức mới về sự hiện diện của mình trong thế giới hôm nay và sứ mạng của mình giữa các dân tộc và các quốc gia. Truyền giáo không chỉ liên quan đến các lãnh thổ địa lý, nhưng liên quan tới các dân tộc, các nền văn hoá và các cá nhân, bởi vì các “ranh giới” của đức tin không chỉ đi qua các địa điểm và các truyền thống nhân loại, nhưng còn xuyên qua trái tim của từng người, nam cũng như nữ. Công đồng Vaticanô II đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ truyền giáo là thế nào: mở rộng các ranh giới của đức tin, và là nhiệm vụ của mọi người đã rửa tội và của mọi cộng đoàn Kitô, bởi vì “dân Thiên Chúa sống trong các cộng đoàn, đặc biệt trong các giáo phận và giáo xứ, và một cách nào đó trở nên hữu hình ở đó. Chính các cộng đoàn này có nhiệm vụ làm chứng về Đức Kitô trước các dân tộc” (Ad gentes, 37). Vì vậy mỗi cộng đoàn được chất vấn và được mời gọi lấy làm của mình sứ mạng đã được Chúa Giêsu uỷ thác cho các Tông đồ, là trở thành “những chứng nhân của Người tại Giêrusalem, trên khắp xứ Giuđêa và Samaria và tới tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Đây không phải là một khía cạnh thứ yếu, nhưng là khía cạnh cơ bản của đời sống Kitô hữu: tất cả chúng ta được mời gọi cùng với anh chị em mình đi trên các nẻo đường của thế giới để rao giảng và làm chứng cho đức tin của chúng ta vào Đức Kitô và trở nên những sứ giả Tin Mừng của Người. Tôi mời gọi tất cả các giám mục, các linh mục, các Hội đồng Linh mục và Hội đồng Mục vụ, mọi người và mọi nhóm có trách nhiệm trong Hội Thánh hãy dành một vị trí nổi bật cho chiều kích truyền giáo này trong các chương trình đào luyện và mục vụ, đồng thời hiểu rằng sự dấn thân tông đồ của họ chỉ hoàn thành nếu nó bao hàm ý hướng làm chứng cho Đức Kitô trước các quốc gia và các dân tộc. Chiều kích truyền giáo này không đơn thuần là một khía cạnh lập trình (programmatic) trong đời sống Kitô giáo, nhưng còn là chiều kích mô thức (paradigmatic) ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của đời sống Kitô giáo.
 
3. Công cuộc rao giảng Tin Mừng thường gặp những chướng ngại không chỉ từ bên ngoài mà còn từ bên trong cộng đoàn Hội Thánh. Có khi chúng ta thiếu nhiệt tình, niềm vui, sự can đảm và hy vọng trong việc loan báo sứ điệp của Đức Kitô cho mọi người. Cũng có khi chúng ta vẫn còn nghĩ rằng rao giảng sự thật của Tin Mừng có nghĩa là xâm phạm tự do. Đức Phaolô VI từng hùng hồn nói về điểm này: “Có thể là… một sai lầm khi chúng ta áp đặt điều gì đó trên lương tâm của anh chị em chúng ta. Nhưng việc đề nghị cho lương tâm của họ sự thật của Tin Mừng và ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, một cách hoàn toàn rõ ràng và hoàn toàn tôn trọng những chọn lựa tự do mà sự thật của Tin Mừng trình bày… là một sự cống hiến cho sự tự do này” (Evangelii nuntiandi, 80). Chúng ta phải luôn luôn có lòng can đảm, vui vẻ và tôn trọng để đề nghị một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, và trở thành những sứ giả Tin Mừng của Người. Đức Giêsu đến giữa chúng ta để chỉ cho chúng ta con đường cứu độ, và Người uỷ thác cho chúng ta sứ mạng loan báo ơn cứu độ tới tận cùng trái đất. Không ít khi chúng ta thấy người ta thích đề cao và cổ võ bạo lực, dối trá và sai lầm. Trong thời đại này, chúng ta thấy cấp bách phải loan báo và làm chứng cho sự tốt lành của Tin Mừng, ngay từ trong nội bộ của Hội Thánh. Vì vậy chúng ta không bao giờ được quên một nguyên tắc cơ bản cho mọi người rao giảng Tin Mừng: không thể loan báo Đức Kitô mà không có Hội Thánh. Loan báo Tin Mừng không phải là một hành vi riêng tư hay đơn lẻ của một cá nhân; nó luôn luôn là một hành vi Hội Thánh. Đức Phaolô VI viết: “Một người giảng thuyết, một giáo lý viên hay mục tử dù không tên tuổi, nhưng khi họ giảng Tin Mừng, tập hợp cộng đoàn, ban một bí tích, dù họ chỉ làm một mình, nhưng việc họ làm luôn luôn là một hành vi của Hội Thánh”. Họ hành động không phải “vì sứ mạng họ tự gán cho mình hay tuỳ hứng cá nhân, nhưng trong sự hiệp nhất với sứ mạng của Hội Thánh và nhân danh Hội Thánh” (ibid., 60). Đây chính là cái tạo nên sức mạnh cho sứ mạng và làm cho mọi người truyền giáo cảm thấy mình không bao giờ đơn độc, nhưng là một Thân Mình duy nhất được Chúa Thánh Thần làm cho sinh động.
 
4. Trong thời đại chúng ta, khả năng di động và dễ dàng của các phương tiện truyền thông hiện đại đã giúp hoà trộn những con người, kiến thức và kinh nghiệm. Vì công việc làm ăn, nhiều gia đình đã di chuyển từ châu lục này sang châu lục khác; các trao đổi về chuyên môn và văn hoá, các hoạt động du lịch và các hiện tượng khác cũng đã thúc đẩy sự di chuyển đại trà của dân chúng. Sự kiện này gây khó khăn cả cho cộng đoàn giáo xứ vì không biết được ai cư trú vĩnh viễn hay tạm thời tại khu vực mình. Hơn nữa, tại các vùng rộng lớn mà xưa nay vốn là những vùng Kitô giáo, ngày càng có nhiều người trở nên hoàn toàn xa lạ với đức tin, hay dửng dưng với vấn đề tôn giáo hay chịu tác động bởi các niềm tin khác. Vì thế không hiếm thấy một số người đã được rửa tội nay chọn những nếp sống làm cho họ rời xa đức tin, vì thế họ cần có một cuộc “tân phúc âm hoá”. Thêm vào đó, một phần lớn nhân loại vẫn còn chưa được nghe Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cũng đang sống trong một cuộc khủng hoảng chạm đến nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, tài chánh, lương thực, hay môi trường, mà cả về ý nghĩa sâu hơn của đời sống và các giá trị cơ bản của đời sống. Ngay cả việc chung sống của loài người cũng chứa đầy những căng thẳng và xung đột gây nên sự bất an và khó khăn trong việc tìm ra con đường đúng đắn dẫn đến một nền hoà bình bền vững. Trong hoàn cảnh phức tạp này, khi những đám mây mù có vẻ đang đe doạ hiện tại và tương lai, cần phải có can đảm rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô, là một sứ điệp về niềm hy vọng, hoà giải, hiệp thông và việc công bố sự gần gũi của Thiên Chúa, lòng thương xót và ơn cứu độ của Người; một lời công bố rằng sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa có khả năng khắc phục bóng tối của sự ác và dẫn chúng ta đi trên con đường của sự thiện. Nhân loại của thời đại chúng ta cần ánh sáng của sự an toàn để soi đường mà chỉ có sự gặp gỡ với Đức Kitô có thể ban cho. Chúng ta hãy đem ánh sáng ấy đến cho thế giới này bằng chứng tá của chúng ta, bằng tình yêu và niềm hy vọng do đức tin ban cho! Việc truyền giáo của Hội Thánh không phải là việc chiêu dụ, nhưng là chứng từ của một đời sống soi sáng đường đi, đem lại tình yêu và hy vọng. Tôi lặp lại một lần nữa, Hội Thánh không phải là một tổ chức cứu trợ, một doanh nghiệp hay một tổ chức phi chính phủ, nhưng là một cộng đoàn những con người được Chúa Thánh Thần làm cho sinh động; những con người đã và đang sống cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đức Kitô và muốn chia sẻ kinh nghiệm này về niềm vui sâu xa, sứ điệp cứu độ mà Chúa ban cho chúng ta. Chính Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh đi trên con đường này.
 
5. Tôi muốn khích lệ mọi người trở thành những người mang Tin Mừng Chúa Kitô và tôi đặc biệt ghi ơn các nhà truyền giáo, các linh mục, các nam nữ tu sĩ và giáo dân thuộc diện Fidei Donum ngày càng đông đảo hơn đón nhận tiếng gọi của Chúa mà rời bỏ quê hương của mình để đi phục vụ Tin Mừng tại các miền đất và các nền văn hoá khác nhau. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng chính những Giáo Hội trẻ này cũng đang quảng đại dấn thân gửi người truyền giáo đến với các Giáo Hội đang gặp khó khăn –trong số đó không ít những Giáo Hội có truyền thống Kitô giáo lâu đời–nhờ đó đem đến sự tươi trẻ và phấn khởi để họ sống đức tin của họ để canh tân đời sống và có niềm hy vọng. Sống trong bầu khí tươi trẻ này, việc đáp lại lệnh truyền của Đức Kitô, “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19) đem lại sự phong phú cho mỗi Giáo Hội địa phương và mỗi cộng đoàn địa phương, vì việc gửi người đi truyền giáo không bao giờ là một sự mất mát nhưng là một mối lợi. Tôi kêu gọi tất cả những ai cảm thấy có ơn gọi này hãy quảng đại đáp lại Chúa Thánh Thần, tuỳ theo bậc sống của mình, và đừng sợ quảng đại với Chúa. Tôi cũng mời gọi các giám mục, các dòng tu, các cộng đoàn và mọi nhóm Kitô hữu hãy khôn ngoan sáng suốt đáp lại lời kêu gọi truyền giáo của Sắc lệnh Ad Gentes và giúp đỡ các Giáo Hội đang cần những linh mục, tu sĩ và giáo dân để kiện cường cộng đoàn Kitô hữu. Và cũng cần phải có sự lưu ý này giữa các Giáo Hội nằm trong cùng một Hội đồng Giám mục hay Vùng, bởi vì các Giáo Hội giàu có ơn gọi cần phải quảng đại hơn trong việc giúp đỡ các Giáo Hội thiếu ơn gọi.

Tôi tha thiết kêu gọi các vị truyền giáo, đặc biệt các linh mục và các giáo dân thuộc diện Fidei Donum hãy hân hoan sống việc phục vụ quý báu của họ trong các Giáo Hội họ được sai đến và đem niềm vui và kinh nghiệm của mình về cho các Giáo Hội gốc của họ, đồng thời nhớ lại sự kiện thánh Phaolô và thánh Barnabê, sau khi kết thúc hành trình truyền giáo của các ngài, “đã thuật lại những việc Thiên Chúa đã làm với các ngài và các ngài đã mở cửa đức tin cho các Dân Ngoại như thế nào” (Cv 14, 27). Họ có thể trở thành một con đường cho một sự “trở về” với đức tin, mang niềm tươi trẻ của các Giáo Hội trẻ cho các Giáo Hội kỳ cựu khám phá lại sự phấn khởi và niềm vui của việc chia sẻ đức tin trong một sự trao đổi giúp làm giàu lẫn nhau trong cuộc hành trình theo chân Chúa. Mối quan tâm tới mọi Giáo Hội mà Giám mục Rôma chia sẻ với các anh em giám mục của mình là một cam kết quan trọng trong việc thực hiện của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, là các Hội có mục đích sinh động hoá và đào sâu ý thức truyền giáo nơi mọi người Kitô hữu và mọi cộng đoàn, bằng cách nhắc nhở họ về nhu cầu đào luyện truyền giáo sâu hơn cho toàn thể Dân Chúa và nuôi dưỡng ý thức truyền giáo của cộng đoàn Kitô để giúp cổ võ việc truyền bá Tin Mừng trên thế giới.

Sau cùng, tôi nghĩ đến những người Kitô hữu tại nhiều nơi trên thế giới đang gặp khó khăn trong việc công khai tuyên xưng đức tin của mình, những người không được nhìn nhận và tôn trọng quyền sống xứng với nhân phẩm của họ. Họ là các anh chị em của chúng ta, những chứng nhân can đảm –thậm chí còn đông số hơn các vị tử đạo của chúng ta trong những thế kỷ đầu– đang kiên trì theo gương các tông đồ mà chịu đựng biết bao hình thức bách hại hiện nay. Một số ít người còn liều mạng để sống trung thành với Tin Mừng Đức Kitô. Tôi muốn bảo đảm với họ rằng trong các kinh nguyện của mình, tôi gần gũi với các cá nhân, các gia đình và các cộng đoàn đang chịu cảnh bạo lực và thiếu khoan dung, và tôi lặp lại cho họ những lời nói an ủi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
 
Đức Bênêđictô XVI khích lệ: “Lời Chúa có thể mau chóng lan rộng và được tôn vinh khắp nơi, như đang ở giữa anh em” (2 Tx 3, 1). Ước gì Năm Đức Tin này càng ngày càng kiện cường mối quan hệ của chúng ta với Chúa Kitô, vì chỉ ở trong Người chúng ta mới có niềm tin chắc hướng tới tương lai và bảo đảm một tình yêu chân chính và lâu bền” (Porta fidei, 15). Đây chính là lời nguyện ước của tôi trong Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay. Tôi thân ái chúc lành cho các vị truyền giáo và tất cả những ai đồng hành và nâng đỡ sự dấn thân của Hội Thánh cho việc loan báo Tin Mừng tới tận cùng trái đất, và chúng ta, các thừa tác viên và các nhà truyền giáo của Tin Mừng, chúng ta sẽ trải nghiệm “niềm hoan lạc và an ủi của việc loan báo Tin Mừng” (Phaolô VI, Evangelii nuntiandi, 80).
 
Làm tại Vatican, ngày 19 tháng Năm, 2013, Đại lễ Hiện Xuống
Phanxicô
 
Bản dịch tiếng Việt: Lm Dom. Ngô Quang Tuyên

Tác giả: Đức Thánh Cha Phanxicô

Nguồn tin: Website HĐGMVN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập602
  • Hôm nay81,381
  • Tháng hiện tại902,040
  • Tổng lượt truy cập57,003,677
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây