Đâu là chỗ của dân chủ trong Giáo hội?
Vừa qua Đức Giáo hoàng xin các linh mục và giáo dân Rôma giúp ngài chọn Giám mục tổng đại diện địa phận Rôma, thay thế Đức Hồng y Agostino Vallini sẽ về hưu vào ngày 17 tháng 4 sắp tới. Đây là việc hỏi ý kiến chưa từng có, theo truyền thống thì việc này Đức Giáo hoàng, Giám mục giáo phận Rôma quyết định riêng.
Đức Phanxicô và Hồng y Agostino Vallini tháng 9 năm 2013 tại Rôma. / Riccardo De Luca/AP
Tiến trình này chưa từng có cho một giáo hoàng, Giám mục giáo phận Rôma. Theo trang mạng Vatican Insider, Đức Phanxicô đã đưa ra lời đề nghị này trong giáo phận của mình để xin chọn Giám mục tổng đại diện giáo phận Rôma, bình thường chọn lựa này do giáo hoàng quyết định.
Năm nay Đức Hồng y Agostino Vallini 77 tuổi và ngài sẽ ngưng chức vụ của mình vào ngày 17 tháng 4, từ đây đến ngày 12 tháng 4, các linh mục và giáo dân có thể gởi đề nghị về chân dung vị Tổng đại diện cũng như các tên họ đề nghị. Đức Phanxicô đưa ra lời kêu gọi này trong buổi tiếp kiến riêng với 36 chức trách của giáo phận, địa phận Rôma có 334 giáo xứ và 2.8 triệu dân.
Đức Phanxicô muốn có dân chủ nhiều hơn trong Giáo hội công giáo?
Chắc chắn, ngài đã cho thấy quan tâm của mình khi ngài tham khảo với giáo hữu trong hai lần họp Thượng hội đồng gia đình năm 2014 và 2015. Linh mục Luc Forestier nói rõ: “Nhưng đây không phải là vấn đề quản trị”, Linh mục Forestier là giám đốc Viện Nghiên cứu Tôn giáo của Học viện Công giáo Paris.
Đã có tinh thần dân chủ rất lâu trong các nhà Dòng
Tuy nhiên Linh mục Forestier nhấn mạnh: “Việc tham khảo trước khi bổ nhiệm một giám mục tự nó là một chuyện rất bình thường. Nhưng tiến trình này của sứ thần là bí mật. Tôi cũng đã từng được tham khảo nhiều lần, tôi biết có những giáo dân cũng được tham khảo, nhưng một cách kín đáo”.
Như thế đối với nhà thần học, sự mới mẻ của việc tham khảo này là công khai đưa ra để các tín hữu được biết.
Linh mục Forestier cho biết: “Sáng kiến của Đức Giáo hoàng là rất hay nhưng suy luận ra đây là dân chủ thì phải rất thận trọng. Phải rõ ràng ở điểm không thể so sánh Giáo hội với một hệ thống chính trị hay hiệp hội. Thực tế của Giáo hội là duy nhất trong thể loại của mình và không có thể chế nào tương đương ngoài thế tục. Tuy vậy, trong các cuộc họp thượng hội đồng giám mục, khi giám mục nhường lời cho giáo dân thì trách nhiệm luôn vẫn là của giám mục”.
Dù sao tinh thần dân chủ đã có từ rất lâu trong Giáo hội nhất là khi có bầu cử trong một vài nhà Dòng, thường là các tu sĩ khấn trọn được bầu chọn bề trên của mình.
Linh mục Forestier nói tiếp: “Nói rộng ra, có thể xem sáng kiến của Đức Giáo hoàng chọn giám mục tổng đại diện của mình là theo một chương trình làm việc rất rõ, tinh thần Công đồng Vatican II. Chúng ta thấy rõ một nét mới về chiều kích thượng hội đồng, với mong muốn người công giáo có tiếng nói. Như thế, theo nhà thần học, các kháng cự khi thực hành tinh thần thượng hội đồng theo Công đồng Vatican II không nhất thiết từ các giáo sĩ, nhưng đôi khi cũng từ giáo dân, và sẽ không đi vào tinh thần này mà không “sửa sang lại bên trong con người”.
Clémence Houdaille (
la-croix.com) -
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch