Cựu Chủng Sinh Huếhttp://cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Chủ nhật - 16/06/2019 08:48
Ý kiến nói thanh thiếu niên "cần được đứng độc lập như những công dân kiến tạo tương lai để nhìn về quá khứ, chứ không phải phương tiện để duy trì một chính thể chính trị".
Hơn 40 năm tái lập hoà bình, Việt Nam vẫn nói về cuộc chiến gây thương vong cho hàng triệu người với quan điểm ngợi ca bạo lực cách mạng. Liệu trẻ em ở một đất nước 'yêu chuộng hoà bình' có được hiểu khác, nói khác về bạo lực không?
Nghiên cứu mới đây của giáo sư Olga Dror, Đại học Texas, về giáo dục ở hai miền Nam - Bắc Việt Nam chỉ ra một sự khác biệt lớn về cách trẻ con được dạy trong nhà trường trong bối cảnh chiến tranh.
Ví dụ, hình ảnh em bé miền Bắc trong một bức vẽ đăng trên ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng Tết 1969 có đoạn thơ minh họa: 'Mình đã thêm một tuổi/Cao thêm mấy phân rồi/Sắp được đi bộ đội/Đánh Mỹ chạy cong đuôi'.
Trong khi đó, em bé ở miền Nam vẫn mơ màng trong một bài thơ trên tạp chí Thằng Bờm năm 1972: 'Mùa xuân cây xanh lá/Hoa thơm ngát trên cành/Nhưng em buồn biết mấy/Nay đã thêm tuổi rồi'.
Qua khảo sát hàng loạt ấn phẩm sách báo dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên ở hai miền, giáo sư Dror chỉ ra, ở miền Bắc, giai cấp và ý thức hệ chính trị 'bao trùm lên các giá trị đạo đức'. Các bài học lịch sử cũng được thống nhất phê duyệt từ trên xuống. Người cộng sản 'coi trẻ em là cũng chiến sĩ', và chuẩn bị từ rất sớm cho các em bước vào cuộc chiến.
Ở miền Nam, sách giáo khoa trong nhà trường 'không dạy thanh thiếu niên phải căm thù đối phương'. Các bài học văn hóa, lịch sử cho trẻ vẫn xây dựng trên một không gian yên bình. Nhiều sách báo thể hiện nhiều dòng cảm xúc pha trộn của thanh thiếu niên: sợ hãi chiến tranh, cầu nguyện cho hoà bình, hay mơ mộng lãng mạn chuyện yêu đương.
Nói cách khác, trẻ em sinh ra ở Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này, một bên được coi là đối tượng để huấn luyện thành phương tiện cho một mục tiêu chính trị lớn hơn, một bên được ít nhiều dành cho không gian riêng, được bảo vệ khỏi các áp lực chính trị bên ngoài.
'Bình thường hóa bạo lực'
Trong thế kỷ 20, phần lớn người Việt Nam đã sống trong bối cảnh bạo lực bị bình thường hóa. Bạo lực trở thành cách giải quyết chính yếu, thậm chí duy nhất, của hầu hết các vấn đề xã hội, văn hóa, chính trị.
Chẳng hạn, để giải quyết vấn đề phân phối lại ruộng đất và của cải, người ta tiến hành cải cách ruộng đất. Tức là cưỡng chế và tịch thu của một nhóm người để chia lại cho nhóm khác.
Hay để quy nạp mọi luồng suy nghĩ và phát ngôn về một nguồn chính thống, người ta bỏ tù hoặc lưu đày những người nói, nghĩ, viết khác biệt. Tức cũng là một cách lấy bạo lực để đáp trả lại các hành động phi bạo lực.
Nhiều thế hệ người Việt Nam sinh ra cho đến gần cuối thế kỷ vẫn phải chứng kiến cách xã hội vận hành cơ bản bằng bạo lực. Về mặt xã hội học, 'bình thường hóa bạo lực' để lại những di chấn nặng nề, sâu đậm lên đời sống, cách hành xử của người dân rất nhiều thế hệ về sau.
'Bạo lực cách mạng' là một cụm từ quen thuộc dùng trong các sách Việt Nam, kể cả sách giáo khoa dành cho trẻ em trên ghế nhà trường. Bạo lực được dạy là một yếu tố cần thiết, hiển nhiên để đạt được mục đích cách mạng.
Khi trẻ em được chứng kiến và được dạy về vai trò tối thượng của bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội, không ngạc nhiên khi các em sẽ tin rằng đó là biện pháp để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
Khi đó, bạo lực càng bị xoáy sâu vào quy trình 'bình thường hóa'. Bạo lực càng dễ được chấp nhận, càng dễ được vận hành, và càng khó loại bỏ hơn.
Trẻ em được quyền gì'?
Từ giữa thập niên 1990, chính phủ Việt Nam thay đổi chính sách ngoại giao, 'muốn làm bạn với tất cả các nước'. Việt Nam muốn xây dựng một hình ảnh 'đất nước yêu chuộng hoà bình'. Thủ đô Hà Nội được gắn nhãn 'thành phố vì hoà bình'.
Hiển nhiên là không một quốc gia nào không yêu chuộng hoà bình. Nhưng 'yêu chuộng hòa bình' cụ thể như thế nào thì có thể quan sát được từ nhiều góc độ.
Vậy một 'đất nước vì hoà bình' sẽ mong trẻ thơ được sống trong một môi trường như thế nào? Trẻ thơ không còn phải căm thù. Không phải ca ngợi sự bắn giết. Không còn tự hào dân tộc mình đã đánh và giết bao nhiêu người.
Trẻ thơ ở một đất nước hoà bình xứng đáng được hưởng những đặc quyền cơ bản nhất là được đánh giá lại chiến tranh. Được coi chiến tranh là không bao giờ đáng tự hào, dù với bất kì lý do gì.
Hơn nữa, thế hệ trẻ được quyền, được khuyến khích đi tìm câu trả lời cho giả thuyết: chúng ta đã có thể ngừng cuộc chiến sớm hơn mấy giờ, mấy ngày, mấy tháng, mấy năm? Nếu không dùng bạo lực, chúng ta được và mất gì? Nếu không phải là bạo lực, nhân loại có thể giải quyết các mâu thuẫn bằng cách nào?
Kể cả khi sách lịch sử hiện nay không nhấn mạnh bài học về đấu tranh phi bạo lực, người Việt Nam cũng đủ thông tin để biết rằng, những nhà cách mạng được vinh danh là vĩ đại nhất thế kỷ 20 đều là những người chủ trương phi bạo lực. Chủ trương được khởi xướng bởi Gandhi giúp Ấn Độ thoát thực dân Anh, tiếp nối bởi Martin Lurther King Jr. trong phong trào đấu tranh dành quyền cho người da màu ở Mỹ, và Nelson Mandala trong phong trào chống phân biệt chủng tộc của Nam Phi.
Dạy về một quá khứ bạo lực
Tập hợp 12 tác giả trong cuốn 'Teaching the Violent Past' (Dạy về một quá khứ bạo lực) khảo sát 10 dân tộc từng trải qua bạo lực, hiện đang hàn gắn vết thương đó như thế nào thông qua việc giảng dạy lịch sử trong nhà trường.
Dù đó những nước đã trở nên giàu có và dân chủ như Nhật, Đức, Canada, hay là những quốc gia còn nghèo khó như Guatemala, Pakistan, tiến trình hàn gắn vết thương bạo lực đều không hề dễ dàng.
Nhưng trên con đường đi đến một dân tộc hoà bình hơn, nhân văn hơn, bài học chung nhất đều là đối diện với lịch sử bằng cách nhận diện sự mất mát do bạo lực gây ra. Việc dạy và học lịch sử trong nhà trường được hé mở ra không gian cho nhiều cách diễn giải.
Hơn hết, thanh thiếu niên, vừa được coi là đối tượng và chủ thể của giáo dục, được đứng độc lập như những công dân kiến tạo tương lai để nhìn về quá khứ, chứ không phải phương tiện để duy trì một chính thể chính trị.
Bài thể hiện quan điểm và văn phong của Nguyễn Thị Thủy, một nghiên cứu sinh tiến sĩ từ bang Oregon, Hoa Kỳ.