Chúa nhật 6 TN B. Giải thích Lời Chúa

Thứ hai - 09/02/2015 18:44

-

-
Đức Giê-su biết và Ngài sẽ nói thẳng ra rằng điều làm cho con người ra ô uế không đến từ bên ngoài nhưng từ những tư tưởng gian tà ở trong lòng của con người. Đó mới thật sự làm cho con người ra ô uế.
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN

 
Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay có chung một chủ đề: quan niệm về  sự thanh sạch và sự ô uế.
 
Lv 13: 1-2, 45-46
 
Đoạn trích sách Lê-vi cho thấy rằng bệnh phong hủi làm cho con người trở nên ô uế trầm trọng. Người phong hủi đau đớn không chỉ về phần xác nhưng cả phần hồn nữa, vì bệnh ấy bị coi là hình phạt do tội lỗi gây nên. Vì thế, chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành bệnh phong hủi mà thôi.
 
1Cr 10: 31-11: 1
 
Trong đoạn trích thư thứ nhất gởi các tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô chỉ cho thấy làm thế nào sự tự do của người Ki-tô hữu vượt lên trên vấn đề thanh sạch và ô uế về những lệnh cấm thức ăn, thức uống. Bởi lẽ Chúa Ki-tô đến để giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ.
 
Mc 1: 40-45
 
Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Giê-su không ngại chạm đến người phong hủi để chữa lành anh ta. Ngài cũng đối xử theo cùng một cách như vậy đối với những tội nhân. Ngài đến để thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi.
 
BÀI ĐỌC I (Lv 13: 1-2, 45-46).
 
Sách Lê-vi là một trong năm cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh được gọi là Ngũ Thư. Bộ Ngũ Thư cấu tạo nên Luật và theo truyền thống, nguồn gợi hứng của chúng lên đến tận ông Mô-sê.
 
Sách Lê-vi nầy là bộ luật Tư Tế hay Lê-vi, được gọi như vậy vì những tư tế đều phải thuộc chi tộc Lê-vi. Xưa kia, chi tộc Lê-vi chỉ định các tư tế phục vụ những đền thánh khác nhau, sau nầy, khi phụng tự được tập trung vào một nơi, họ phục vụ Đền Thánh Giê-ru-sa-lem. Sau nầy, có một sự phân chia giữa các tư tế chuyên lo phụng sự Đền Thánh và các thầy Lê vi đảm nhận những công việc thứ yếu, được gọi các thầy trợ tế như chúng ta gặp thấy trong dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành (Lc 10: 31-32).
 
1. Nỗi khốn cùng về phương diện xã hội:
 
Bộ luật tư tế nầy dâng hiến một chương dài cho “luật thanh sạch”. Tất cả những ai mắc phải những triệu chứng phong hủi, bao gồm cả các chứng bệnh ngoài da, đều là những người ô uế, vì thế phải bị cách ly ra khỏi thành phố, làng mạc và không được tiếp xúc với bất kỳ ai.
 
Cách ăn mặc cũng như kiểu tóc là dấu hiệu đẳng cấp xã hội. Vì thế, kẻ bị khai trừ cũng phải ăn mặc rách rưới, đầu tóc bù xù, phải che mặt và kêu lớn tiếng: “Ô uế! Ô uế!” để mọi người biết sự hiện diện của mình mà tránh.
 
2. Nỗi khốn cùng về phương diện tâm linh:
 
Khái niệm về thanh sạch và ô uế chung cho tất cả mọi tôn giáo xưa. Khái niệm nầy liên kết chặc chẽ với ý tưởng thánh thiêng. Ở Ít-ra-en, cộng đoàn cốt yếu là một cộng đoàn thánh, một cộng đoàn phụng tự, vì thế, những ai ô uế không được tham dự lễ tế, bị loại ra khỏi đời sống phụng vụ.
 
Bệnh phong hủi gợi ra không chỉ sự ghê tởm về mặt thể lý; một hậu ý luân lý được nối kết vào đây: bệnh phong hủi là dấu chỉ của tội lỗi. Về phương diện tinh thần, bệnh phong hủi được xem như hình phạt do tội lỗi gây nên. Vì thế, chỉ những tư tế mới có thẩm quyền áp dụng những quy luật đối với người phong hủi: “Nếu trên da thịt người nào có những triệu chứng bệnh phong cùi, thì phải đem người ấy đến với thầy tư tế”.
 
Những người phong hủi bị coi là “đồ ô uế”, là “đồ bỏ đi”, là “kẻ bị khai trừ”, là người mà Cựu Ước thường gọi họ “ai thấy cũng che mặt không nhìn”. Vì thế, Người Tôi Trung của Đức Chúa được mô tả như một người phong hủi, vì Ngài gánh tội và đền tội cho muôn người:
 
“Người bị người đời khinh khi ruồng rẫy,
phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.
Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,
bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53: 3).
 
Đó là thân phận bi thương của những người phong hủi được mô tả trong đoạn trích sách Lê-vi này. Họ đau đớn không chỉ về mặt thể xác: bệnh phong hủi ăn sâu trên da thịt mình, nhưng cả về mặt tinh thần: vì là chứng bệnh truyền nhiễm, họ bị loại ra ngoài đời sống xã hội; và vì là tội lỗi, họ bị loại trừ ra khỏi đời sống phụng vụ và không được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.
 
BÀI ĐỌC II (1Cr 10: 31-11: 1)
 
Đoạn trích thư Thánh Phao-lô nầy làm chứng một cuộc cách mạng. Thánh nhân ngầm nhắc nhở các Ki-tô hữu xuất thân từ Do thái giáo rằng không có bất kỳ phân biệt nào giữa thức ăn thanh sạch hay thức ăn ô uế. Điều cốt yếu là tạ ơn Thiên Chúa, dù ăn hay uống bất cứ điều gì. Vả lại, không có bất kỳ hành động vô tình nào. Tất cả những gì chúng ta làm là để tôn vinh Thiên Chúa.
 
1. Quy luật về thức ăn thức uống:
 
Sách Lê-vi trình bày nhiều lệnh cấm về thức ăn mà dân Chúa chọn phải tuân giữ. Vào thời thánh Phao-lô, những người Ki-tô hữu gốc Do thái đã từ bỏ luật Mô-sê và không còn bận lòng về vấn đề nầy nữa. Tuy nhiên có một vấn đề khác được đặt ra cho họ nhưng cũng cho những người Ki-tô hữu gốc lương dân: người ta có được phép ăn thịt cúng mà lương dân dùng để dâng cúng các thần linh của họ không?
 
2. Giải pháp của thánh Phao-lô:
 
Đoạn trích nầy là lời kết của một đoạn văn dài, đồng thời cũng là bản tóm tắt. Những ám chỉ ở đây cần được soi sáng.
 
“Anh em đừng làm gương xấu cho bất kỳ ai”. Quả thật, người Ki tô hữu hoàn toàn tự do dùng bất cứ thức ăn và thức uống nào, nên họ có thể gây nên gương xấu. Vì thế, cần phải thận trọng trong khi ăn trong khi uống.
 
Để hiểu được câu trả lời của thánh Phao-lô về vấn đề này, chúng ta biết rằng thánh nhân thường có thói quen đẩy cuộc tranh luận lên cao và tinh thần hóa những bận lòng. Trong thư thứ nhất gởi Ti-mô-thê, thánh Phao-lô diễn tả tư tưởng của mình rất rõ ràng: “Thật vậy, tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ” (1Tm 4: 4).
 
Ngay ở 1Cr 10: 25-30 trước đoạn trích hôm nay, thánh nhân triển khai lời dạy của mình một cách tinh tế như sau: nếu có người ngoại giáo nào mời anh em, thì cứ ăn tất cả những gì người ta dọn cho anh em, không cần đặt vấn đề lương tâm. Nhưng nếu có người báo trước cho anh em: “Đây là của cúng” thì anh em đừng ăn, để tránh gây gương xấu cho người đó trên con đường hiểu biết Ki-tô giáo. Đối với người Do thái không cải đạo cũng vậy, hãy cẩn trọng đừng gây gương xấu cho người ấy.
 
Nói cách khác, phải “thích nghi vào mọi hoàn cảnh” với một bận lòng duy nhất, đó là “cứu độ tha nhân”. Đây là luật vàng của Đức Ái.
 
TIN MỪNG (Mc 1: 40-45).
 
Thánh Mác-cô tiếp tục kể cho chúng ta sứ vụ rao giảng của Đức Giê-su ở Ga-li-lê và nhấn mạnh những “dấu chỉ” đi kèm theo, đặc biệt việc chữa lành bệnh tật. Trong đoạn văn nầy, Chúa Giê-su chữa lành một người phong hủi.
 
Bài đọc I đã mô tả cho chúng ta hoàn cảnh bi thương mà người phong hủi phải chịu dưới Luật Mô-sê. Trong đoạn Tin Mừng nầy, Chúa Giê-su vừa vượt qua Lề Luật vừa tuân thủ Lề Luật. Cuộc gặp gỡ của Ngài với người phong hủi bày tỏ tấm lòng nhạy bén của Ngài, đồng thời quyền năng siêu việt ở nơi Ngài.
 
1. Vượt qua Lề Luật:
 
Trước một con người bị xem là đồ ô uế và bị cách ly khỏi đám đông, không ai dám đến gần, Đức Giê-su đã “động lòng thương”, một diễn ngữ Tân Ước được dùng để diễn tả sự đồng cảm sâu sắc dâng lên tận đáy lòng đến nỗi Ngài không thể khoanh tay đứng nhìn được.
 
Vả lại, nhiều lần Ngài để lộ nỗi bận lòng của Ngài đối với những người phong hủi và xem việc chữa lành phong hủi như một trong những dấu chỉ của thời Thiên Sai. Với những người được Gioan Tẩy giả sai đến, Ngài nói: “Các ngươi cứ về thuật lại cho Gioan Tẩy Giả những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người phong hủi được sạch…” (Lc 7: 22; Mt 11: 5). Với các môn đệ Ngài sai đi truyền giáo, Ngài vạch ra như một chương trình hành động: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh…” (Mt 10: 8). Một ngày kia, Đức Giê-su chữa lành một nhóm mười người phong hủi (Lc 17: 11-9).
 
Đức Giê-su không ngại đi ngược lại tập tục và quy chế lề luật về người phong hủi bị cách ly khỏi đời sống xã hội và đời sống tâm linh: Ngài giơ tay chạm đến người phong hủi. Đức Giê-su biết và Ngài sẽ nói thẳng ra rằng điều làm cho con người ra ô uế không đến từ bên ngoài nhưng từ những tư tưởng gian tà ở trong lòng của con người. Đó mới thật sự làm cho con người ra ô uế (Mt 15: 17-20).
 
2. Tuân thủ Lề Luật:
 
Đồng thời, Đức Giê-su cho thấy Ngài trung thành tuân thủ Lề Luật khi bảo người phong hủi: “Hãy trình diện tư tế, và vì anh đã được khỏi bệnh, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm bằng chứng cho người ta”. Quả thật, chỉ vị tư tế mới có thể cho phép anh ta gia nhập trở lại đời sống cộng đoàn khi chứng thực rằng anh ta khỏi bệnh và đã chu toàn “nghi thức thanh tẩy” như luật định.
 
Ngoài ra, Đức Giê-su còn cảnh báo nghiêm khắc: “Coi chừng không được nói gì cho ai cả”. Chúng ta gặp lại ở nơi Đức Giê-su cùng một thái độ như trước đây: tránh sự cuồng nhiệt của đám đông làm tổn hại đến sứ mạng của Ngài. Tuy nhiên, người phong hủi đã không tuân giữ lệnh im lặng nầy nên “Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi vắng vẻ ngoài thành”. Làm thế nào anh ta có thể kiềm chế được niềm vui tái sinh mà anh vừa mới lãnh nhận từ Ngài được chứ?
 
3. Bệnh phong hủi của tâm hồn:
 
Quả thật, Đức Giê-su đối xử người phong hủi đáng thương này như thế nào, thì Ngài cũng đối xử những người tội lỗi khác cũng như vậy. Ngài không ngại tiếp xúc họ. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy Ngài để cho một phụ nữ tai tiếng chạm đến mình, và thậm chí Ngài còn đồng bàn với những người thu thuế và những kẻ tội lỗi. Như vậy, Ngài muốn bảo đảm với chúng ta: Ngài không ghê tởm tội lỗi của chúng ta. Ngài không muốn khai trừ chúng ta, nhưng ngược lại là đàng khác khi Ngài công bố: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9: 12; Mc 2: 17).
 
Chỉ qua nhân tính của Đức Giê-su, tội nhân mới có thể tiếp xúc với Thiên Chúa.

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập516
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm514
  • Hôm nay65,784
  • Tháng hiện tại871,039
  • Tổng lượt truy cập58,156,908
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây