Đau đớn thay thân phận đàn bà!

Thứ tư - 19/09/2012 08:27

-

-
Mưu cầu hạnh phúc luôn là quyền lợi căn bản, thiết thực và chính đáng của mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, với thực trạng bạo hành như ngày nay, điều bình dị ấy vẫn ở ngoài tầm với của nhiều phận người.
Đau đớn thay thân phận đàn bà!
 

(Hình minh họa)
 
Mưu cầu hạnh phúc luôn là quyền lợi căn bản, thiết thực và chính đáng của mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, với thực trạng bạo hành như ngày nay, điều bình dị ấy vẫn ở ngoài tầm với của nhiều phận người.
 
Gần 200 năm trước, đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) – ngòi bút thiên tài của lòng nhân đạo trong nền văn học trung đại Việt Nam – đã thốt lên tiếng kêu ai oán đến 2 lần trong hai tác phẩm nổi tiếng của ông về thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, dù còn sống hay đã qua đời:
 
“Đau đớn thay thân phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (Truyện Kiều)
 
“Đau đớn thay phận đàn bà!
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?” (Văn chiêu hồn)
 
Người phụ nữ, những ca nhi, kỹ nữ, người ăn mày, người mù hát rong,… vốn bị xã hội cũ coi rẻ, được nhà thơ nói đến bằng một tấm lòng trân trọng, thương yêu. Ông luôn đề cao nhân phẩm và hạnh phúc bình dị của con người tự nhiên, trần thế.
 
Vậy mà ngày nay – gần 200 năm sau cái chết của nhà thơ – dù xã hội có lắm đổi thay, dù vai trò người phụ nữ đã được khẳng định, thì đâu đó vẫn còn những thân phận nàng Kiều, với thân xác bầm giập, hao gầy vì thói vũ phu, thô bạo và tâm hồn tả tơi, rách nát vì những trận đòn quất bằng “làn roi ngôn ngữ”, cùng với những kiểu “khủng bố… chẳng giống ai” của nạn bạo hành gia đình.
 
Phận đàn bà “trong nhờ đục chịu”
 
Trên thực tế, nhiều người còn mơ hồ về khái niệm “bạo hành gia đình”. Không ít lần chúng ta nghe những cuộc đối thoại:
 
- Là chồng thì anh ta có quyền dạy vợ chứ sao?
 
- Vợ tôi, tôi đánh!
 
- Ngày xưa, bố tôi vẫn đánh mẹ tôi đấy thôi?
 
- Đấy là chuyện của nhà người ta, mình quan tâm làm gì?
 
- Chuyện riêng của em, có nói cũng chẳng ai giúp được đâu!
 
- Nói ra làm gì cho “xấu chàng hổ ai”? Đành chịu vậy thôi!
 
Trong một xã hội bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “chồng chúa vợ tôi” thì việc chồng “dạy” vợ… hơi quá tay, dường như trở thành lẽ thường tình. Việc hiểu sai những câu tục ngữ trong kho tàng văn học dân gian như: “Thương cho roi cho vọt”, “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, “Vợ chồng đóng cửa bảo nhau” đã đưa đến những nhận thức sai lầm, làm cho nạn bạo lực gia đình diễn ra nhức nhối và dai dẳng.
 
Trong nhiều trường hợp, hành động này xuất phát từ tiềm thức, đây là việc lặp lại cách hành xử mà chính những người làm cha, làm mẹ, trước đây đã phải chịu ảnh hưởng bởi cách giáo dục “cứng rắn” từ gia đình mình. Sự thờ ơ, chậm trễ, thiếu nghiêm minh của pháp luật, cùng thái độ dửng dưng “đèn nhà ai nấy sáng” của cộng đồng, khiến tình trạng đáng buồn ấy trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Thêm vào đó, do sợ bị người đời chê cười, “một sự nhịn chín sự lành”, không muốn “vạch áo cho người xem lưng” và không ý thức được quyền lợi của mình, nên các nạn nhân thường cắn răng cam chịu.
 
Dù đường đời những người đàn bà này có đi theo lối nào, kết cuộc vẫn là một bi kịch đầy nước mắt, đau đến tím lòng. Không đau lòng sao được khi hàng ngày trên khắp các báo có những thông tin như thế này?
 
Vietbao.vn ngày 08/10/2005:
 
Lực lượng công an đã phải phá cánh cửa buồng ngủ để giải thoát một phụ nữ đang bị chồng đánh đập tàn nhẫn, trong khi 2 chân và tay đang bị xích bằng 2 đoạn dây xích sắt to, cùng với 3 ổ khoá lớn khoá vào chân giường. Người phụ nữ người đầy thương tích, đôi mắt bầm tím, sưng tấy, chân và tay có nhiều vết thương sâu, loang lổ máu. Nạn nhân đang lả đi vì bị đánh đập, bị bỏ đói và khát.
 
Tinmoi.vn ngày 11/05/2009 dẫn lời một nạn nhân bị chồng hành hạ:
 
Tôi làm vợ ông ấy 16 năm, nhưng hễ nghe ông ấy “ho một tiếng” là sợ đến sởn da gà. 16 năm làm vợ thì có tới 13 năm bị đánh đập; ông ấy đánh đập tôi lăn lóc như cục đá. Ông ấy uống rượu, đánh đập tôi và “làm việc đó”. Tui không nghĩ mình mang thai, vì đã mãn kinh từ mấy năm trước rồi. Khoảng 10h tối 25/3 (âm lịch), ông ấy dùng tay chặt mạnh chỗ gáy tôi, làm tôi té xuống nền nhà, bất tỉnh. Bốn ngày sau, tui vẫn thấy choáng, máu ra nhiều ở âm đạo. Một mình đến BV huyện khám, bác sĩ bảo tôi phải nhập viện vì có thai chết lưu trong bụng, nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi nghe tôi thuật lại, ông ấy bảo: “Tự lo liệu đi, tao không biết”.
 
GiadinhNet.vn ngày 16/04/2010, trong lá đơn gửi các cơ quan chức năng, chị Lê Thị Cúc (32 tuổi, hiện trú tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết:
 
Trong hơn 10 năm làm vợ, chị thường xuyên bị chồng đánh đập dã man. Với bản tính cam chịu, chị Cúc thường im lặng nín nhịn, anh chồng càng được đà, “ra đòn” nặng hơn với vợ.
 
Trước đây, hàng xóm còn đến can ngăn, nhưng rồi bị anh Thành chửi bới, lăng mạ nên láng giềng – dù rất thương chị Cúc – cũng đành ở ngoài cuộc. Trong những lần bị chồng bạo hành, chị Cúc đã từng bị sảy thai và bán thân bất toại, phải di chuyển bằng xe lăn như hiện nay. Tuy nhiên, do bị đe doạ, nên khi vào viện, chị Cúc đã nói dối là bị tai biến.
 
Phó công an xã Đại An cho biết: “Chúng tôi cũng hết sức đau đầu. Cơ quan chức năng huyện, xã đã vào cuộc, nhưng không có đầy đủ chứng cứ nên khó xử lý hình sự. Do khi vào viện, chị Cúc khai trong bệnh án là bị huyết áp cao, tai biến mạch máu não dẫn đến tình trạng bị liệt, chứ không đề cập gì đến việc chồng đánh. 4 tháng sau, ra viện, chị Cúc mới làm đơn tố cáo, nên rất khó tìm ra chứng cứ…”.
 
Trang xã hội của Vietnamnews ngày 22/04/2010 thuật lại một chuyện hết sức phi lý:
 
Sau 20 năm nên nghĩa vợ chồng, bà mẹ của 5 đứa con ngụ tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã bị chồng phản bội, đánh đập dã man và bị gia đình chồng hắt hủi vì không chịu cưới vợ bé cho chồng.
 
Chị L. kể, suốt 3 năm qua, chị như sống trong địa ngục ở gia đình chồng. Sự việc bắt đầu từ ngày chị phát hiện chồng, ông Trần Văn Q., có mối quan hệ lăng nhăng bên ngoài. Bất hoà lên đến đỉnh điểm, khi ông Q. ngang nhiên công khai chuyện quan hệ bất chính với vợ, và yêu cầu chị L. đi… cưới người tình về làm vợ lẽ cho mình!
 
Đã biết kết cục đời mình sẽ buồn đến thế, sao người trong cuộc cứ mãi cam phận? Các chuyên gia tư vấn lưu ý đặc biệt đến “giai đoạn trăng mật” xảy ra sau khi bạo hành. Đây là giai đoạn người hành hung tỏ ra hối hận, muốn chuộc lỗi, biểu hiện qua việc chăm sóc, gần gũi, thậm chí âu yếm hơn mức bình thường. “Hung thủ” dùng khá nhiều “chiêu độc”, để “nạn nhân” cảm thấy mình là người tốt lành, đáng quý và “có quyền” tha thứ.
 
Nhiều phụ nữ bị bạo hành lại cảm thấy quan hệ chăn gối trở nên thú vị hơn và thoả mãn hơn, sau những lần bạo hành. Chính sự bù đắp có vẻ lãng mạn “thời hậu chiến” này làm cho nhiều nạn nhân bị cuốn vào vòng quay của nó, tạo nên một cái vòng lẩn quẩn: bắt đầu bằng bạo lực – bất mãn vì bị bạo lực – lại thoả mãn vì khoảng thời gian trăng mật sau bạo hành. Rồi cứ thế tái diễn với cường độ và tình tiết tăng nặng hơn.
 
Việc tìm hiểu nguyên nhân cũng như các hình thức của bạo hành gia đình, là những bước căn bản đầu tiên trong việc phá vỡ vòng tròn khép kín này.
 
Nguyên nhân nào dẫn đến bạo hành gia đình?
 
- Thiếu hiểu biết về pháp luật.
 
- Tư tưởng trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới.
 
- Nghiện rượu, nghiện ma tuý và các chất kích thích khác dẫn đến các hành vi thiếu kiểm soát.
 
- Thiếu kiềm chế trong ứng xử, coi bạo lực là biện pháp giải quyết mọi mâu thuẫn.
 
- Thiếu trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình.
 
- Ảnh hưởng của văn hoá phẩm độc hại và đồi truỵ (phim sex, phim bạo lực, kinh dị, các trang web “đen”…).
 
- Quẫn bách, khó khăn về kinh tế.
 
- Sự suy đồi về đạo đức trong gia đình.
 
5 hình thức bạo hành hôn nhân
 
1. Cưỡng bức thân thể
 
2. Cưỡng bức tình dục 3. Cưỡng bức tâm lý, tình cảm
 
4. Cưỡng bức về xã hội
 
5. Cưỡng bức tài chính
 
(Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện KH-XH VN)
 
Những hệ luỵ
 
Người phụ nữ bị cô đơn, bất hạnh, không được bảo vệ và thậm chí bị “bỏ lửng”, ngược đãi, đánh đập ngay trong gia đình mình, chính là nguyên nhân phổ biến dẫn đến ly hôn. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, trong 5 năm từ 2000-2005, các toà án địa phương thụ lý và giải quyết sơ thẩm 186.954 vụ ly hôn do bạo hành / 352.047 vụ việc về lĩnh vực hôn nhân và gia đình (chiếm 53,1%). Riêng năm 2005, có tới 39.730 vụ ly hôn / 65.929 vụ án về hôn nhân và gia đình (chiếm 60,3%). 
 
Tỉ lệ ly hôn ở nước ta chiếm 31-40%, nghĩa là cứ 3 cặp kết hôn thì ít nhất 1 cặp đổ vỡ. Trong số đó, ly hôn ở gia đình trẻ (độ tuổi từ 20-30) ở mức báo động: > 60%! Hơn 70% gia đình trẻ tan vỡ khi đã có con, khiến mỗi năm có tới 50.000 trẻ em tại thành phố Sài Gòn chịu cảnh thiếu cha hoặc mẹ. Thật đau lòng khi 30% trẻ em “bụi đời” có hoàn cảnh cha mẹ bỏ nhau! (Nghiên cứu Xã hội học về Thực trạng Ly hôn ở Việt Nam, Ts. Nguyễn Minh Hoà, Trường Đại học KHXH-NV Sài Gòn).
 
Tỷ lệ tái hôn sau đó cũng tăng cao, dẫn đến tình trạng “con anh, con tôi, con chúng ta”, tiếp tục gây nhiều xung đột, mâu thuẫn trong gia đình.
 
Một nguyên nhân ly hôn phổ biến khác được các cặp vợ chồng đưa ra tại toà là “không hoà hợp tình dục”. Người vợ không có quyền lựa chọn cách thức, thời điểm, cũng không được lựa chọn có quan hệ tình dục hay không. Cưỡng ép tình dục trong hôn nhân được che chắn bởi một loạt các chuẩn mực về văn hoá và về vai trò giới – người phụ nữ phải có nghĩa vụ biết “chiều chồng”. Bạo lực tình dục làm ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản, tăng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là HIV/AIDS.
 
Kết quả điều tra được công bố ngày 26-6 của Uỷ ban Dân số – Gia đình – Trẻ em cho thấy: cứ 5 cặp vợ chồng thì có 1 cặp trải qua bạo hành gia đình, và vấn nạn này thường xảy ra ở độ tuổi từ 31-40. Tuy nhiên, trên thực tế, dù ở lứa tuổi nào và dù sinh sống ở vùng miền nào, nạn nhân chủ yếu vẫn là phụ nữ và trẻ em.
 
Nạn bạo hành gia đình đã vi phạm nghiêm trọng đến nhân quyền, nhân phẩm, tính mạng của các nạn nhân và làm tổn thương bất cứ ai sống trong tình trạng đó. Sản phụ bị bạo hành thường sinh con thiếu tháng, thiếu ký, sức đề kháng yếu và có nguy cơ chết non. Ngoài những chấn thương thể xác, họ còn chịu những tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, có khi dẫn đến điên loạn.
 
Trẻ em lớn lên trong gia đình có mâu thuẫn và thường xuyên xảy ra bạo hành thường mang tâm lý tiêu cực, mặc cảm, khép kín và sau này dễ bắt chước những tật xấu của cha mẹ. Trong 6 tháng đầu năm 2006, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 đã tiếp nhận khoảng 500-600 ca đến tham vấn và tư vấn tâm lý, trong đó có 200-300 ca phải vào trị liệu, chủ yếu là học sinh – sinh viên bị stress, rối loạn tâm lý, nặng hơn là trầm cảm do áp lực từ phía gia đình.
 
Phản ứng của trẻ vị thành niên – lứa tuổi nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước những mâu thuẫn trong gia đình – thường theo 2 hướng: bộc phát ngay hoặc thu mình lại, dồn nén để đến lúc không thể chịu nổi, sẽ hành động dại dột như bỏ nhà ra đi, dễ rơi vào cạm bẫy (tụ tập đánh nhau, đua xe, chơi cần sa, tình dục bừa bãi, phạm pháp), thậm chí tìm đến cái chết. Bạo hành gia đình không được giải quyết dứt điểm có khả năng dẫn đến án mạng, và con cái trở thành những đứa trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, sớm bổ sung vào đội ngũ trẻ đường phố, bị gạt bên lề cuộc sống.
 
Liệu vong linh người mẹ đáng thương của 2 em nhỏ Hoàng Danh và Hoàng Tiếng (trong bài “Các em phải sống!”) có được siêu thoát, khi 2 núm ruột của mình đang bơ vơ giữa dòng đời, với tâm hồn giập nát và tương lai ảm đạm, đầy khó khăn?
 
Nguy hại hơn, mầm mống của nạn bạo hành có thể “cha truyền con nối”, theo kiểu “rau nào sâu nấy”, “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, tạo nên một dòng chảy ngầm vô cùng mạnh mẽ; xói mòn hạnh phúc gia đình, dòng họ; gây mất ổn định về trật tự an toàn xã hội, có thể dẫn đến bệnh tâm thần, trầm cảm và là nguy cơ làm suy yếu sự bền vững, tiến bộ của xã hội.
 
Câu hỏi cho những người được gọi là gia trưởng
 
Mưu cầu hạnh phúc luôn là quyền lợi căn bản, thiết thực và chính đáng của mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, với thực trạng bạo hành như ngày nay, điều bình dị ấy vẫn ở ngoài tầm với của nhiều phận người.
 
Khi mái ấm gia đình bị xé nát bởi những trận bạo hành, hẳn nó không còn là nơi người ta muốn trở về nghỉ ngơi, sau những vất vả thường ngày; hẳn người ta sẽ cảm thấy cô đơn, bất an và buồn thảm ngay trong chính ngôi nhà của mình. Một số không nhỏ các “Ađam thời nay” đã trở thành những chiến binh dày dạn “kinh nghiệm trận mạc”, trong trận chiến bảo vệ cái tôi ích kỷ bằng nắm đấm và ngôn từ thô bạo. Bạo hành gia đình là một “chuyện phim buồn”, trong đó, những “Evà thời nay” không còn được nâng niu, trân trọng, mà bị biến thành những “con mồi” với những vết thương sâu hoắm nơi thể xác và tâm hồn, mà lý trí không thể đo đếm được.
 
Những người chồng đáng trách ấy, có bao giờ tự hỏi:
 
Người đàn ông là phái mạnh, sao không dùng thể lực Tạo Hoá đã ban cho, để gánh vác, che chở, dẫn dắt gia đình, mà lại lãng phí vào việc áp đảo, lấn lướt, thô bạo với vợ con, biến gia đình thành địa ngục?
 
Người đàn ông thích phiêu lưu, mạo hiểm, sao không tìm tòi vượt khó, chấp nhận thử thách của cuộc sống, mà lại rơi vào chuyện đỏ đen, nghiện ngập, say sưa…, rồi đẩy những người ruột thịt vào cảnh nợ nần, nghèo đói, thất học?!?
 
Người đàn ông đầy kiêu hãnh và tự tôn, sao không bênh vực, chỉ bảo, làm gương sáng cho vợ con, mà lại sẵn sàng đổ lỗi nhưng không nhận lỗi, giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực, và dùng bạo lực để khẳng định uy quyền “ông chủ gia đình” của mình?!?
 
Hạt Cát và Bs. Lan Hải
Nguồn: EMTY

Tác giả: Hạt Cát và Bs. Lan Hải

Nguồn tin: conglyvahoabinh.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập629
  • Hôm nay61,968
  • Tháng hiện tại882,627
  • Tổng lượt truy cập56,984,264
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây