Bởi đơn giản Cha nghĩa là yêu thương!

Thứ ba - 24/11/2015 18:32

-

-
Miền Trung có tiếng “cha” mộc mạc, giản dị như chính con người nơi đây, còn con có cha cũng gần gũi, ấm áp, chân thành chỉ bởi cắt nghĩa một cách giản đơn “Cha nghĩa là yêu thương”.
Bởi đơn giản Cha nghĩa là yêu thương!
 
“Miền Trung bão cát mưa sa vẫn kiên cường khúc ruột nối hai miền Nam Bắc cũng như cha trải bao cay đắng cuộc đời vẫn là điểm tựa vững chắc, vẫn tròn đầy tình yêu và trách nhiệm với chúng con”.
 
 
Chiều nay, Hà Nội lại mưa rồi cha ạ. Ngồi trong văn phòng công ty nhìn ra ô kính loang lổ mà con thấy lòng mình nặng trĩu. Mưa to thế này chắc ở nhà cha lại đang phải xoay xở với mái ngói đầy những vết nứt rồi cha nhỉ? Con nhớ những ngày mưa nhà mình thau chậu cứ đặt tứ tung để hứng nước. Con còn thích đứng ngửa mặt lên mấy lỗ hổng bé bé để nước mưa giọt xuống mắt. Nhớ cả cái món mít muối xào với lạc ngon tuyệt cú mèo của cha vào mỗi ngày mưa gió như vậy nữa. Con nhớ, nhớ nhiều lắm cha ạ.
 
À, cha ơi, trưa nay các bạn ở trung tâm con nghe con gọi cha trong điện thoại mà thấy lạ lắm. Mọi người bảo miền Bắc có mỗi bố thôi nên cứ nghĩ từ “cha” chỉ ngày xưa mới gọi. Thế là con đã kể cho các bạn ấy biết về tiếng “cha” ấm áp của miền Trung và tiếng “cha” đặc biệt của lòng con đấy cha ạ.
 
Con chẳng nhớ lần đầu mình biết bập bẹ gọi “cha” là khi nào cả, mà con chỉ biết rằng đến bây giờ tiếng “cha” đã là một ngôn ngữ mặc định của yêu thương không thể nào thay thế với riêng con. Ngày bé, con nhớ có lần người ta hỏi con “Bố cháu tên gì? Bố cháu làm nghề gì?…” là con thản nhiên trả lời “Cháu chỉ có cha thôi, cháu không có bố đâu”. Và tiếng “cha” của miền Trung, “cha” của con cũng đến tự nhiên, giản dị như chính sự hồn nhiên, vô tư của con ngày ấy.
 
Năm lên bảy, lên mười, “cha” trong con là “vị tổng chỉ huy trưởng ngành ốc”. Một buổi hai chị em con đi học, một buổi ba cha con mình lại lặn lội khắp cánh đồng mò ốc. Vất vả nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ trên ba khuôn mặt lấm lem bùn đất mỗi khi cha hát “Tự hào ngành ốc chúng mình” theo bài hát “Tự hào ngành thuế” trên tivi.
 
Lớn hơn một chút cha là bạn đồng hành, là bác tài xế luôn đúng giờ và mang lại may mắn cho con trong mỗi kì thi. Vậy mà, có lần đi thi học sinh giỏi con nghe mấy bác nói “nhìn cha khờ khờ thế mà con học giỏi nhỉ”. Cha biết không, lúc đấy con thấy tủi thân và thương cha vô cùng. Càng thương cha con tự nhủ mình càng phải cố gắng. Và con đã thực sự thấy hạnh phúc khi cha tự hào “khoe” với mọi người “Cha mà đưa nó đi thi thì chỉ có đỗ thôi”.
 
Nhưng lớn thêm chút nữa, con lại “bắt” cha làm một người đàn ông yếu đuối. Đó là những lần con vô tình thấy cha nuốt nước mắt nói với mẹ về bệnh của con. Đó là lúc cha say cha ôm con khóc rồi nói cha vô dụng. Đó là lần cha nổi khùng tát con rồi im lặng thở dài suốt cả đêm. Nhưng chính những sóng gió, những kỉ niệm chứa đầy nước mắt như thế đã cho con tình yêu thương lớn dần lên theo năm tháng. Làm sao con quên được cái ngày cách đây bảy năm cha cõng con chạy giữa lòng đường Hà Nội đến bệnh viện 103 – ngày mà con đã tưởng đó lần cuối cùng con được ở trên lưng cha. Con càng không quên bao nhiêu lần cha lặn lội tìm thầy, tìm thuốc, thậm chí là tìm thầy cúng, bói toán để hi vọng chữa được bệnh cho con. 14 tuổi – lần đầu tiên là con gái thật tuyệt con ngô nghê chẳng biết gì cứ vật vã kêu đau bụng rồi cha lại dỗ dành thì 18, 20 thậm chí là 22 tuổi cha vẫn bón cơm, vẫn giặt quần áo, vẫn xoa đầu, bóp chân cho đứa con gái không còn nhỏ như con.
 
Lên đại học cha vẫn là “bác xe ôm” trung thành của con mặc con đã có cho riêng mình một chàng trai để yêu thương. Là con gái, con vẫn cùng cha trèo cột điện đọc số điện mỗi tháng cho cả ngõ, vẫn leo mái nhà chỉnh ăng ten ti vi khi nó “dở chứng”. Là con gái, cha vẫn dạy con cách làm tiết canh chỉ đơn giản để con có thể phụ giúp cha hoặc tự làm món mà ba cha con “khoái” nhất khi cha vắng nhà. Giờ 24 tuổi, con đã có bên cạnh một chàng trai cũng yêu thương, cũng chiều chuộng và chăm sóc con thật nhiều. Con vẫn hay nói với cậu ấy :”Cha tớ chiều tớ lắm nên cậu mà không tốt với tớ là cha tớ tìm đến cậu đấy”. Và càng tuyệt vời hơn là con tìm thấy một phần con người cha nơi cậu ấy cha ạ. Cậu ấy giống cha không biết nói lời hoa mĩ, không cầu kì, bóng bẩy nhưng cậu ấy sẵn sàng làm tất cả cho con từ rửa bát, nấu ăn, tết tóc, khâu áo…hay chỉ đơn giản là im lặng ôm con lúc con khóc vì nhớ nhà mình, nhớ cha. Nhiều lúc con cứ tự hỏi “Liệu có phải vì con là con gái của cha nên cuộc sống đã cho con may mắn tìm được một chàng trai yêu thương con hết lòng như tình cảm bao năm qua cha dành cho mẹ con con”. Sau này có con chắc chắn con sẽ dạy cháu gọi “cha” và con cũng hi vọng con của con sẽ có một người cha tuyệt vời như ông ngoại của nó.
 
Hà Nội vẫn đang mưa, và con biết miền Trung mùa này cũng đang ẩm ương mưa gió. Mưa nhặt nhạnh những kỉ niệm chốn quê nhà, mưa gói nhớ thương, gói nỗi lòng con gửi về cha nơi miền Trung yêu dấu. Miền Trung bão cát mưa sa vẫn kiên cường khúc ruột nối hai miền Nam Bắc cũng như cha trải bao cay đắng cuộc đời vẫn là điểm tựa vững chắc, vẫn tròn đầy tình yêu và trách nhiệm với chúng con.
 
Miền Trung có tiếng “cha” mộc mạc, giản dị như chính con người nơi đây, còn con có cha cũng gần gũi, ấm áp, chân thành chỉ bởi cắt nghĩa một cách giản đơn “Cha nghĩa là yêu thương”.

Tác giả: Hoa Mặt Trời | Dịch giả: ĐKN

Nguồn tin: vietdaikynguyen.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập584
  • Hôm nay67,149
  • Tháng hiện tại887,808
  • Tổng lượt truy cập56,989,445
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây