Chuyện tình ông già Đan Mạch và bà bán chôm chôm

Thứ sáu - 13/06/2014 11:53

-

-
Họ ngồi bên nhau và ngắm mặt trời mọc, thanh thản. Ít ai biết, trải qua biết bao nhiêu lọc lừa vì đất, vì dự án, họ vẫn cố gắng để có những ngày bên nhau trọn vẹn và bình yên...Từ cát nóng, xương rồng, họ đã biến mảnh đất này thành ngôi nhà, ấm cúng và trọn vẹn.
Chuyện tình ông già Đan Mạch và bà bán chôm chôm
 
Ba ngày nay, hàng ngàn cư dân mạng xôn xao về câu chuyện của ông Kurt và bà Sang, do một Facebooker chia sẻ. Là người đã đến thăm ông bà thường xuyên và nghe được những câu chuyện từ cuộc sống của mối tình già, Facebooker này đã viết lên câu chuyện khiến nhiều người trẻ xúc động và muốn đến chia sẻ.
 

Để trồng những cây này, suốt 2 năm qua, ông phải tự đào giếng, đào hố
trồng cây xuống 30 cm và mỗi sáng đều phải tưới rất đậm. Bà thường làm việc
này lúc 5 giờ sáng, đi hết một vòng tất cả các cây, chăm sóc từng cây một.
 
Khi nhận điện thoại, bà Sang gần như rơi nước mắt khi biết những người xa lạ đang đến tìm thăm mình. Trong ngôi nhà nằm bên quốc lộ 1A (xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) của ông Kurt Leander Jensen Lendar và bà Tiêu Thị Ngọc Sang, trái với bụi mịt mù và những đoàn xe tải rầm rập bên ngoài, là một cõi yên bình - tổ ấm của hai vợ chồng già - đúng với ý nghĩa đơn giản nhất của nó.
 
Duyên tình với cô gái bán chôm chôm
 
Là người Đan Mạch, ông Kurt có một chiếc thuyền câu cá nhỏ. Năm 54 tuổi, vì muốn thực hiện một chuyến đi vòng quanh thế giới, ông bán chiếc thuyền, mua một vé du lịch với hai người bạn Việt Nam. Ông đến TP.HCM và ở trong một khách sạn nhỏ. “Tôi nhìn thấy bà ấy bán chôm chôm, và không hiểu sao tôi cứ muốn quay lại mua chôm chôm hoài”.
 
   
Năm ấy, bà Sang 45 tuổi, sống với mẹ già và cô con gái nhỏ. Bà từ Long Khánh (Đồng Nai) về Sài Gòn bán chôm chôm, mua lại những chiếc vòng nhựa, vòng cẩm thạch giả để bán cho phụ nữ trong xóm làng. Từ hôm gặp bà, ông nói muốn trò chuyện nhiều hơn với bà.
 
Bà kể: “Tôi chẳng có gì. Nhưng hôm ông mời lên khách sạn ông ăn cơm, tôi đi vào phòng vệ sinh, thấy ví tiền của ông để mở, cả xấp đô la trong ấy. Tôi gọi ông lại, đưa ông ví tiền, bảo để thế lỡ người dọn phòng hay người lạ lấy mất thì sao”.
 
Ông trở về Đan Mạch, hẹn 1 năm sau quay lại thăm bà. Những bức thư ông viết gửi về Việt Nam bà phải đem đi nhờ người dịch mới hiểu được. Ông không giữ lời hứa, chỉ 6 tháng sau quay lại vì... nhớ bà quá. Ông đến tận Long Khánh thăm mẹ già, và nháy mắt: “Tôi biết ở Việt Nam, chỉ cần mẹ già quý mình, coi như mình đã thắng!”. Năm 1992, ông bà thành hôn. Ông đưa bà về Đan Mạch sống.
 
Những cây cầu cho miền đất xa
 
Như một người phiêu lưu, ông Kurt nói muốn về Việt Nam của bà, muốn đi xây những cây cầu và nhà vệ sinh cho trẻ con ở vùng sâu. Trong một cuộc trò chuyện với bạn bè, ông xin được 500 m cáp làm dây văng, xin được sơn, xin được cả hãng vận tải Maersk cho chuyển vật liệu miễn phí từ Đan Mạch đến Việt Nam. Năm 1996, khi nhận công việc ở Đại sứ quán Đan Mạch, ông Kurt bắt đầu mang những tấm lòng của bạn bè, và sự hỗ trợ của Đại sứ quán, đến những cây cầu ở khắp Lâm Đồng, Đắk Lắk, những ngôi trường nhỏ ở Ninh Thuận.
 
Ông kể: “Có những đứa trẻ con chưa bao giờ được đi trên một cây cầu mùa lũ. Chúng tôi đã xây và các em có thể an toàn qua sông. Tôi có thể xây những cây cầu với giá rẻ bằng ¼ so với những gì người ta báo giá”. Niềm hạnh phúc của tuổi già kéo dài như những cuộc phiêu lưu. Ông lái xe Bonus tự đi khảo sát các địa điểm xây trường, làm nhà, bà theo ông lo hậu cần, bế bồng những đứa trẻ bệnh tật đang thiếu một nơi nương tựa.
 
Trong nhiều tấm ảnh cũ, bà ôm đám trẻ con vào lòng, ánh mắt chúng cười ngây ngô. Đó là những gì bà nhớ mà kể lại sau chừng ấy năm theo ông làm việc.
 
Trong suốt thời gian đi xây cầu ở Việt Nam, ông đã xây 24 cây cầu, 6 ngôi trường cho người khuyết tật, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch và cả những vận động riêng từ bạn bè.
 
   
Tình yêu và nỗi nhọc nhằn
 
Từ bao năm làm việc, buôn bán, ông bà để dành được chút tiền, muốn mua một miếng đất nhỏ để mưu sinh. Nhưng 2 lần, họ mua phải dự án không thực hiện được, người ta ôm tiền, bỏ lại những người mất tiền như ông bà sự bơ vơ khi tuổi già kéo đến.
 
Nhưng ông Kurt không phải là người dễ bị khuất phục. Chút tiền còn lại, vợ chồng họ mua một mảnh đất nằm sát quốc lộ 1A, gần đồi quạt gió ở Tuy Phong, Bình Thuận.
 
Có thời từng đi thi công, ông đem những hiểu biết của mình ra, nhờ thêm 2 anh thợ xây, ông xây lên tổ ấm của mình. Từng ngày trôi qua, từ một cái lều rách nát, ông làm thành tổ ấm nhỏ hai mái. Căn phòng bé giản dị, nhưng xây với kiến trúc đẹp, dù trong phòng không có gì, cũng thành nơi tiện nghi cho giấc ngủ của tuổi già.
 
Suốt 2 năm trời, một tay ông cứ cần mẫn mỗi ngày, lúc dư tiền thì thuê thợ, không dư thì tự làm, ông cất từng viên gạch, đóng từng góc mái nhà, để thành nhà tắm, nhà bếp. Vật liệu ông bà cũng mua dần dần, có thêm chút tiền nào mới mua, từ từ mà các căn nhà nhỏ thành hình.
 
Ông Kurt kể: “Tôi đã xây xong bếp rồi. Giờ là tới nhà, tôi muốn xây những căn nhà nhỏ ở đây, giống như ngày xưa tôi đi xây nhà cho người khuyết tật. Nhà này để đón người khuyết tật nếu họ muốn ra đây nghỉ ngơi. Hoàn toàn miễn phí”.

Ông Kurt giải thích: “Tôi nhìn thấy cảnh ở đây rất đẹp, địa hình nhấp nhô.
Tôi cũng sẽ xây những ngôi nhà nhấp nhô để tôn lên vẻ đẹp đó”
 
Để trang trải mọi thứ hằng ngày, ông bà nuôi một đàn gà gần 40 con. Từng bộ bàn ghế được bà Sang sắm bằng cách... đổi gà cho cửa hàng vật liệu. Cứ đủ gà thì họ đưa bộ bàn ghế tới. Có bàn ghế, bà bán quán nước quốc lộ, gọi là có đồng tiền chi xài mỗi ngày, để vun đắp những năm tháng cực nhọc cuối cùng của hai vợ chồng.
 
Cánh đồng cát trắng phau xung quanh trơ trụi bao nhiêu, ở gần nhà ông bà lại xanh tươi bất nhiêu. Ông Kurt đào giếng, lấy nước trong veo. Sáng sớm bà Sang dậy, vặn máy nước, đi tưới hết từng gốc cây đã trồng và cả cây rừng.
 
“Chúng tôi có tất cả, và rất vui, cô có thấy mặt trời mọc chưa?” -  5 giờ sáng, ông Kurt nhấp một ngụm cà phê nói khi ngồi hóng gió với tôi trong một căn chòi ông vừa dựng. Ông bà luôn dậy trước 5 giờ sáng để đi dạo, uống cà phê, ăn bánh mì và tưới cây. Ông giải thích: “Chỉ đến 9 giờ sáng là mọi thứ nóng ran, công trường gõ đập ồn ào. Chúng tôi có buổi sáng của mình. Bà ấy pha cà phê và đôi khi chúng tôi lặng người đi vì mặt trời lên ở đằng xa”.
 

Cái lều nhỏ của ông bà được xây khéo léo như một nơi nghỉ mát xinh xắn
 
Yên bình ở chốn “bỏng rát”
 
Người đến thăm bảo ông bà nghèo khổ, thương xót bao nhiêu, thì sẽ ngạc nhiên với sự đầy đủ mà họ đã tạo ra trong cái nghèo đau đáu từ trong bếp đến ngoài nhà. Vì nghèo, bà không đi chợ, bởi sẽ tốn 20.000 tiền xe ôm. Bà nhờ người công nhân ở công trường kế bên hái rau lên bán, bà trả tiền, rẻ hơn nhiều lần. Vì nghèo, ông bà không mua đồ ăn sáng, mà để sẵn bánh mì trong tủ lạnh, sáng ra nướng lại trên bếp gas ăn, thanh nhã, gọn gàng và đủ chất.
 
Vì nghèo, nên ông Kurt chăm chỉ làm việc mỗi ngày, thay vì thuê thợ tốn tiền, tự tay ông xây dần, xây dần ngôi nhà của mình, căn bếp của mình, nhà tắm của mình... để cuộc sống giờ có ở giữa nơi hoang vắng cũng tiện nghi, sạch sẽ.
 
Vì nghèo, ông bà phải sống trong một khu đất cạnh bãi tha ma, nơi mồ mả nằm sát cạnh nhà, nơi những chiếc xe khách vô ý dừng chân, cho khách xuống đi vệ sinh bừa bãi.
 

Ông Kurt và vợ trong quá trình xây và khánh thành cây cầu treo Phú Sơn,
qua Lộc Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng - Ảnh nhân vật cung cấp
 
Có hôm bà kể: “Tôi ngủ dậy, muốn khóc vì trước nhà mình toàn giấy vệ sinh và những bãi họ đi bậy ra”. Vì nghèo, ông Kurt bỏ công xây 4 phòng vệ sinh miễn phí gần nhà, để người ta đừng làm ô nhiễm mái ấm của ông nữa. Và cũng vì nghèo, cái nhà vệ sinh xây chậm, ông vừa đặt bồn nước dội mới mua lên, vài ngày sau đã có kẻ đến gỡ trộm. Cái nhà vệ sinh công cộng miễn phí mãi mãi không thành hình. Và ông bà vẫn phải hứng chịu cơn vô ý của những chiếc xe khách đêm “dừng đại” chỗ nào đó cho khách... giải quyết.
 
Ở giữa hoang vắng, ông bà đối phó với từng cái nhọc nhằn bé nhỏ. Chỉ vài hôm là mất điện thoại. Có hôm sáng ngủ dậy quay ra mất cả đàn gà. Bà cười như mếu: “Có con nhỏ dưới xóm nghèo lắm, sáng nó đem trả tôi con gà, nói chồng nó ăn cắp, mà ông bà là người già, nên nó đem trả lại”.
 
Vẫn có những hàng xóm tốt bên cạnh những tên trộm biết chủ nhà tuổi cao, sức yếu, nhanh nhảu đột nhập, lấy cái máy, chôm món đồ. Bà đã 67 tuổi, ông hơn 80 tuổi. Họ không đuổi được một tên trộm nào. Họ chỉ biết làm khóa cho cái chuồng gà - tất cả tài sản sinh ra tiền bạc của mình, và khóa cửa khắp nơi mỗi khi đêm xuống.
 

Mối tình già của hai người gây xúc động trong cộng đồng mạng
 
Sáng sớm hôm ấy, bà nói với tôi: “Để cô nướng bánh mì cho dượng ăn. Rồi cô ra uống cà phê”. Họ ngồi bên nhau và ngắm mặt trời mọc, thanh thản. Ít ai biết, trải qua biết bao nhiêu lọc lừa vì đất, vì dự án, họ vẫn cố gắng để có những ngày bên nhau trọn vẹn và bình yên. Tôi hỏi, liệu họ có tiếc gì sau quá nhiều năm cống hiến, họ không có gì, ông Kurt chỉ nói: “Tôi muốn ở Việt Nam, tôi yêu bà ấy và yêu nơi này. Có rất nhiều người xấu, nhưng cũng có quá nhiều người tốt mà”.
 
Bà Sang nhìn tôi, chỉ rươm rướm nói, bà không muốn gì, chỉ muốn ở Đại sứ quán có ai chỉ bà làm sao để visa của ông ở Việt Nam luôn, chứ 6 tháng một lần bà lại phải đi gia hạn visa cho ông. Bà nói: “Lỡ tôi có làm sao... không biết ai sẽ đi gia hạn visa cho ông ấy. Nơi này đã là quê hương của ông ấy rồi mà”.
 
Ông Kurt lại chăm chỉ vào việc xây dựng khi tách cà phê sớm cạn. Bà Sang đi giặt đồ, lau dọn. Từ cát nóng, xương rồng, họ đã biến mảnh đất này thành ngôi nhà, ấm cúng và trọn vẹn.

Tác giả: Khải Đơn

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập343
  • Hôm nay24,727
  • Tháng hiện tại1,143,271
  • Tổng lượt truy cập58,429,140
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây