Lời chứng của một nấm mồ

Thứ sáu - 29/03/2013 19:34

-

-
Một hình ảnh luôn gắn liền với Phục Sinh đó là hình ảnh của ngôi mộ trống. Nói một cách khác, ngôi mộ trống kia chính là lời chứng âm thầm nhưng hùng hồn về biến cố có một không hai trong lịch sử nhân loại, lịch sử cứu độ: ...
Lời chứng của một nấm mồ
 
Một hình ảnh luôn gắn liền với Phục Sinh đó là hình ảnh của ngôi mộ trống. Nói một cách khác, ngôi mộ trống kia chính là lời chứng âm thầm nhưng hùng hồn về biến cố có một không hai trong lịch sử nhân loại, lịch sử cứu độ: Chúa Giêsu Kitô sau khi bị đóng đinh và được mai táng trong mộ đá, ngày thứ ba Ngài đã phục sinh và ra khỏi mồ.
 
Phục Sinh là một biến cố trọng đại nhất đối với niềm tin Kitô Giáo, đến nỗi theo Thánh Phaolô, “Nếu Chúa Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi là vô nghĩa và đức tin của anh em cũng trở nên trống rỗng” (1Cor 15:14).  Ngoài Phêrô, Gioan, Maria Mađalêna và một số bà đạo đức đã kể lại những gì họ đã thấy, đã nghe khi đến viếng mộ của Chúa, thì ngôi mộ nơi táng xác Ngài là một trong những nhân chứng tuy thầm lặng nhưng hùng hồn và ý nghĩa hơn cả.
 
Trong khi các Tông Ðồ, các phụ nữ ồn ào, hoặc sửng sốt trao đổi với nhau về những gì họ đã chứng kiến trong ngày Chúa sống lại. Và mặc dù theo các Tin Mừng tường thuật cũng đã nhắc đến thiên thần, các khăn liệm (x. Lc 24:5-6, 12), hiện tượng đất rung chuyển, tảng đá lấp mồ được lăn quan một bên (x. Mt 28:1-10), nhưng chỉ duy mình ngôi mộ đó có được diễm phúc chứng kiến giờ và cách thế Chúa chỗi dậy như thế nào từ cõi chết. Do đó, chứng từ của nó đã nói nhiều nhất, ý nghĩa nhất, và đầy đủ nhất về biến cố này. Và vì thế, Kitô hữu khi hân hoan mừng Chúa sống lại cũng nên suy nghĩ về tính cách chứng nhân của nó.
Chứng nhân từ sự trống rỗng:
 
Thánh Kinh thuật lại, Phêrô, Gioan, Maria Mađalêna và vài phụ nữ đạo hạnh khác đã chứng kiến khi đến và vào trong ngôi mộ: Đó là một sự trống rỗng đầy ngỡ ngàng. Một sự trống rỗng huyền bí. Không còn thấy xác Chúa trong đó, và cũng không ai lúc bấy giờ tin rằng Ngài đã sống lại. 
 
Điều mà chúng ta nhận ra ở đây là trong khi rao giảng Tin Mừng về việc Chúa sống lại, các Tông Đồ và các môn đệ cũng không có lời tường thuật hoặc dữ kiện nào thêm để làm đầy cái trống rỗng ấy, ngoại trừ tiếng nói của Phục Sinh. Có nghĩa là trong niềm tin sâu thẳm vào Thiên Chúa, con người phải dành cho Ngài sự trống rỗng tuyệt đối. Con người phải mở cái nắp đậy ngôi mộ trí tuệ của mình để nhìn ra cái trống rỗng của tri thức, của hiểu biết, cũng như những giới hạn khi va chạm với siêu nhiên. Chỉ khi nào tâm tư và ước muốn của con người trở thành trống vắng bằng một cái tâm tĩnh lặng, cái ngã vô vi của nó được gột rửa khỏi tham, sân, si, lúc đó ánh sáng Phục Sinh mới òa vào lấp đầy chỗ trống ấy để thổi lên một luồng sinh khí sự sống.
 
Làm sao trí khôn con người có thể phân tích và hiểu thấu khi chạm đến một mầu nhiệm vượt trên khả năng tri thức, đó là một người sau khi đã chết chôn trong mồ mà ngày thứ ba đã phục sinh sống lại?  Có lẽ con người dễ dàng tin vào một bức tượng bằng gỗ, đá do chính tay mình tạc ra, sau đó quì gối cầu khẩn như đấng có quyền ban ơn và phù hộ cho mình, hơn là tin vào một người sau khi chết rồi sống lại. Đòi hỏi của Đức Tin là một đòi hỏi vượt quá tự nhiên, vượt quá sự hiểu biết và giải thích của lý trí. Ở đây, sự trống rỗng của ngôi mộ là một lời chứng hùng hồn và giá trị nhất, vì chúng ta rất cần sự trống rỗng của tri thức, tức là thái độ hàng phục của lý trí để ánh sáng Phục Sinh ngự trị và chiếu sáng.    
Chứng nhân từ sự yên lặng:
 
Khác với thái độ ồn ào, xôn xao của các Tông Đồ, của các môn đệ khi đứng trước tin được loan báo về cuộc Phục Sinh của Thầy mình, ngôi mộ vẫn một mực yên lặng.
 
“Yên lặng là vàng”, nhưng sự yên lặng của ngôi mộ trong biến cố Phục Sinh còn giá trị hơn ngàn vàng. Một yên lặng tuyệt đối. Nó không nói cho bất cứ một ai biết nó đã thấy gì, đã chứng kiến những gì trong giây phút Con Người chỗi dậy từ cõi chết. Nhưng chính sự yên lặng ấy lại trở thành một lời chứng lớn lao cho con người về biến cố lịch sử ấy.
 
Sự yên lặng này xuất phát từ cái đơn giản nhất của nó, vì nó chỉ là một ngôi mộ. Đứng trước một sự kiện siêu nhiên như việc Chúa sống lại từ cõi chết, trí khôn con người cũng trở thành vô tri, giới hạn, không đủ khả năng để thấu triệt và lý giải. Hữu hình phải nhường bước trước vô hình. Đây là lý do tại sao ngôi mộ trống đã chọn nói bằng tiếng nói im lặng và nhường tiếng nói bằng lời cho các Tông Đồ, các môn đệ và những ai muốn phổ biến về biến cố ấy. Và đó cũng là cách con người có thể dùng để nói về việc Chúa Phục Sinh. Ta phải nhường lời cho tiếng nói mặc khải của đức tin khi muốn suy niệm hoặc diễn tả về mầu nhiệm Sống Lại của Chúa Cứu Thế.   
 
Kinh nghiệm trong thực tế đời thường, cũng như trong chiều sâu tâm linh, lời nói không nặng ký bằng những diễn tả sâu lắng, vì trong cái sâu lắng ấy, không ai có khả năng diễn tả cách lợi khẩu và thuyết phục bằng Chúa Thánh Thần. Một tâm hồn chìm lắng trong kinh nguyện nói nhiều và hay hơn những người khoa ngôn, nói mà không làm, nói cho thỏa những hiểu biết của kiến thức. Mà có gì là cao cả, siêu việt khi kiến thức con người cũng chỉ là giới hạn! Chúa Giêsu khi nói với Mattha về Maria, Ngài bảo chị: “Chỉ có một việc cần. Maria đã chọn phần hơn, và không ai có thể lấy đi được” (Luca 10:42). Phải chăng cái cần thiết và hơn ấy là lắng nghe Chúa nói và nói với Chúa. Chứng nhân im lặng của ngôi mộ trong trường hợp Phục Sinh của Chúa mang ý nghĩa tích cực và sống động. Nó nhắc nhở người Kitô hữu về sức sống nội tâm, và chân lý vĩnh cửu. Nó hoàn toàn không tiêu cực và thụ động, nhưng nhường lời cho tiếng nói của Thần Khí, đối với những ai muốn trở thành chứng nhân của Tin Mừng Phục Sinh.
Chứng nhân của thời gian:
 
Những nhân vật lịch sử trong biến cố Phục Sinh như Phêrô, Gioan, Mađalêna hay những phụ nữ đạo đức nay đã chết. Tiếng nói bằng lời của họ cũng đã tắt. Nhưng chỉ có ngôi mộ là nó vẫn còn đứng đó theo tháng năm và trước sức tàn phá của thời gian.  Nó đã trở nên hình ảnh của đức tin kiên cường cho mọi người khi tuyên xưng niềm tin vào Chúa Phục Sinh. Một đức tin vững mạnh trước mọi thách đố cuộc đời.
 
Nếu chỉ nói một lời hay làm một việc nào đó để chinh phục người nghe để họ tin vào biến cố Phục Sinh thì đó là việc làm của Phêrô, Gioan, Maria Mađalêna, và của những môn đệ sau này. Đó không phải là nhiệm vụ của ngôi mộ trống.
 
Trong khi cácTông Đồ, các môn đệ ra đi khắp bốn phương trời loan báo Tin Mừng cứu độ và làm chứng cho Chúa Cứu Thế, ngôi mộ kia vẫn đứng đó, âm thầm như là một chứng nhân tích cực bằng sự hiện diện, bằng sự trung kiên, và bằng yếu tố thời gian. Cái ý nghĩa tích cực này là một thách thức cho lối sống hiện tại của con người thời đại, khi mà ai cũng dành nói, ai cũng dành phần giảng giải, và ai cũng dành quyền làm chứng nhân, nhưng ít người sống chứng nhân.
 
Nhiều người nói mình tin Chúa và kính mến Chúa nhưng khi cần sự hiện diện của họ trong cánh đồng truyền giáo, trong các hoạt động tông đồ thì họ không có mặt. Họ chỉ có mặt trong những cuộc rước, những tổ chức kinh kệ hình thức, và trong các tổ chức mà ở đó họ được tuyên dương như những nhân vật quan trọng.
 
Tông đồ và hành động chứng nhân đòi hỏi một sự kiên cường, bền bỉ. Nhiều người đã tỏ ra sốt sắng, nóng nẩy, và nhiệt thành tưởng như họ là những ngọn lửa sốt mến có sức làm tan chảy những tấm lòng băng giá. Nhưng ngọn lửa sốt mến ấy không bền lâu, và nó dễ dàng bị lịm tắt bởi ngọn gió của thời gian, của thử thách. Chính sự thử thách âm thầm và bền bỉ của thời gian mà lời Chúa Giêsu đã trở thành ứng nghiệm: “Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi” (Mat 10:22).
 
Tóm lại, qua sự yên lặng không lời, qua cái trống vắng huyền bí, và qua yếu tố thời gian, ngôi mộ trống đang nói với tôi nhiều hơn là những gì tôi muốn biết về Phục Sinh. Điều này không chỉ riêng mình tôi, nhưng như được thuật lại, người môn đệ trong Tin Mừng của Gioan nhờ bước vào trong mộ, và qua những gì ông đã thấy nên đã tin. Thấy gì? Thấy ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng. Và tin gì? “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.” (20:9)
 
Phục Sinh 2013
Trần Mỹ Duyệt

Tác giả: Trần Mỹ Duyệt

Nguồn tin: www.giadinhnazareth.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập775
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm772
  • Hôm nay148,415
  • Tháng hiện tại1,630,507
  • Tổng lượt truy cập58,916,376
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây