“Hãy để mình xa nhau”

Thứ bảy - 25/02/2017 21:41

-

-
Chiều nay 20-2-2017 anh em 67 hẹn nhau ở một quán nhỏ gần nhà Phương để chuyện trò, tâm sự. Như mọi khi, Long lại hát “Hãy Để Mình Xa Nhau” của Trần Văn Hòa. Sao bạn bè vừa mới gặp lại gợi ý xa nhau? Long bảo nhắc xa để thấy gần.
LỜI NHẮN GỞI NGÀY VIẾT XUÂN THĂM HUẾ: “HÃY ĐỂ MÌNH XA NHAU”
 
Hãy để mình xa nhau
Em yêu ơi nuối tiếc chi tình sầu
Hãy để mình xa nhau
Cho thương đau đến với người yêu dấu
Hãy để mình xa nhau
Cho mai sau thấy dấu chân lạc loài
Trôi lang thang đến cuối con đường dài
Cho đam mê vẫn cứ như còn hoài
Hãy để mình xa nhau
Chớ để hờn mai sau …
 (Hãy Để Mình Xa Nhau – Trần Văn Hòa, 67)
 

Viết Xuân về thăm Huế. Chiều nay 20-2-2017 anh em 67 hẹn nhau ở một quán nhỏ gần nhà Phương để chuyện trò, tâm sự. Như mọi khi, Long lại hát “Hãy Để Mình Xa Nhau” của Trần Văn Hòa. Sao bạn bè vừa mới gặp lại gợi ý xa nhau? Long bảo nhắc xa để thấy gần. Nói chia tay để trân quý những phút giây gặp gỡ. Để biết tử tế khi đang ở gần nhau. “Cho mai sau thấy dấu chân lạc loài… Cho đam mê vẫn cứ như còn hoài… Cứ để mình xa nhau, chắc hẳn là thương đau…” Phải, thương đau là một kết thúc, nghe có vẻ nghịch lý, nhưng là kết thúc có hậu. Có hậu cho những mối tương quan trong đời sống. (Ở đây là tình bằng hữu). Bởi có lúc xa ai đó, lại thấy vui như vừa thoát nạn, rồi “tởn tới già” không dám vãng lai. Cám ơn bạn Hòa đã viết bài hát hay; có ý lời giản đơn mà triết lý, triết lý nhưng lại thiết thực. Với tiết điệu slowrock gần gũi, dặt dìu liên tục mài sâu vào tâm trí như lời niệm “mantra”. Nó réo rắc, dồn dập những nốt cuối phách rồi lại chậm rãi chuyển sang một cung phách mới, cứ thế, tựa lời nhắc nhở nối tiếp trong hành trình cuộc đời. “Cứ để mình xa nhau, chắc hẳn là thương đau…”
 
Viết Xuân nhìn trẻ hơn cái tuổi trên 60. Cặp mắt lồi sau đôi kính cận và mái tóc hơi dài lõa xõa nghiêng nghiêng tạo nên sự pha trộn có nét trí thức và nghệ sĩ. Hẳn dáng dấp cũng phù hợp với cái nghề ‘phó nhòm’ của bạn bây giờ; bởi chụp hình cũng là một nghệ thuật, cần vận dụng trí óc để có khuôn hình đẹp, như chọn góc nhìn, phong cảnh, thời gian, tạo dáng chủ thể .v.v… Hồi đó Xuân ở Tây Linh, cùng xứ với Viết Hùng. Lớp có nhiều Xuân nên cho dể phân biệt Viết Xuân được gọi là “Xuân mèo”. Anh em giải thích vì ba của Xuân tên như con giáp ở giữa Dần và Thìn. Sau 75 gia đình Xuân xuôi Nam và định cư ở vùng Gia Kiệm. Vùng nầy toàn dân Bắc 54 và nhiều nhà thờ nên giờ Xuân nói giọng Bắc ròng và hay đề cập đến chuyện xứ đạo. Âu cũng do “ở bầu thì tròn”. Dù vậy bạn cho biết luôn hướng về quê hương. Lúc chia tay, Xuân cám ơn anh em Huế đã có buổi đón tiếp thân tình, và tâm sự “rất vui khi được về Huế, vì ở Huế mình có nhiều bạn thân đã cùng học cùng chơi với nhau thời gian dài”. Những kỷ niệm về tình bạn, tình yêu… Vâng, Xuân đã lưu giữ nhiều khuôn hình đẹp trong ký ức. Nhẽ “yêu thương kia suốt kiếp còn lưu dấu”.
 
Hôm nay chuyện cũng lung tung nhưng lạ một điều sao lại cứ xoay quanh chủ đề “các mối tương quan”. Long phát biểu “Tau trời cho răng mà ai nói chi nghe cũng phải cả”. Mình buộc miệng trêu, rứa gọi là “ba phải” đó. Nói vậy chứ anh em ai cũng biết Long tính vốn hiền. Hiền lành thường đi với bao dung. Có nhiều định nghĩa nhưng tựu trung người có lòng bao dung là người hiểu biết, luôn nhịn nhục, cảm thông, tha thứ, không “lăn tăn” chấp nhất, nhiều chuyện. Họ sống chan hòa, gần gũi với người chung quanh. Do đó lòng bao dung cần thiết để tạo dựng mối quan hệ thân thiện giữa người với người. Riêng mình tự giải thích cho mình cách tượng hình, bao dung nghĩa là có “dung tích” lớn. Người có lòng 1 lít thì chỉ đựng được 1 lít, người có “dung tích” bằng thùng can thì đựng 20 lít, bằng thùng phuy thì đựng 100 lít. Rõ bầu trời tất rộng rãi bao la, chim chóc tha hồ bay lượn, đại bàng và chim sẻ, phượng hoàng cũng như diều hâu. Đại dương cũng thế, to lớn lắm. Nó nuôi dưỡng nhiều sinh vật, rồi đón nhận mọi thứ, ngay cả chất thải độc hại của Formosa. Còn Thiên Chúa là Đấng vô cùng bao dung vì Ngài tạo dựng nên vạn vật và con người. Vậy bao dung là một nhân đức. Mình gặp câu nầy trên net: “Thượng thiện nhược thuỷ. Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư đạo” (Người thiện vào bậc cao [có đức cao] thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét [chỗ thấp] cho nên gần với đạo). Té ra đạo là đơn giản là thế. Là “nhập thể”. Là “nhập thế”. Là mở cửa, đón nhận, đến với, hòa đồng, lắng nghe, cảm thông, tôn trọng, thứ tha, khiêm tốn, nhường nhịn. Là nhận lấy phần thua thiệt.
 
Có một status trên facebook thế nầy: Đôi khi bạn phải biết “thua để thắng”. Tranh cãi với vợ/chồng, bạn thắng –tình cảm nhạt phai; Tranh cãi với người thân, bạn thắng –tình thân biến mất; Tranh cãi với bạn bè, bạn thắng –bạn hữu dần xa; Tranh cãi với hàng xóm, bạn thắng –gặp nhau mà như người xa lạ; Tranh cãi với khách hàng, bạn thắng –khách hàng đi mất… Vậy, bạn thắng thì đã sao? Bạn nghĩ mình thắng nhưng thật ra bạn đã THUA nặng và dần mất tất cả! Mình like cho trạng thái nầy một phát. Tắt một điều, nói như anh Ba D: Hãy là người tử tế!
 
Một bạn kể: Cách đây 20 năm anh ta chạy xe thồ (xe ôm). Cực khổ lắm, đương nhiên. Một hôm chở bà Phật tử kia lên cầu kinh ở chùa Thanh Tiên, đường Điện Biên Phủ gần Từ Đàm. Bà vào trong còn anh đứng chờ ở ngoài cổng. Lát sau có chú tiểu chạy ra nói “Thưa chú, thầy trụ trì mời chú vào trong”. Anh từ chối nhưng chú tiểu cứ nài nỉ đành đi theo. Vị sư đã ngồi sẵn ở bàn với mâm cơm chay còn nóng. “Mời anh ăn sáng cho ấm bụng”. Rồi thầy ngồi đó chuyện trò, bình dị và thân tình như bạn hữu. Anh thực sự cảm động vì thái độ “thánh thiện” của nhà sư. Bạn kể thêm lần khác cũng chở bà nầy nhưng lên chùa Thuyền Tôn xa hơn. Ấy, cũng chính thầy trụ trì ở đó ra mời anh vào uống trà ban sáng, cùng với gói thuốc lá “anh cầm lấy mà hút trong khi chờ khách”. Anh nghĩ bụng, mình chỉ là thằng chạy xe thồ, có quen biết gì đâu, sao các thầy đối xử tốt thế? Mà các thầy không thuyết pháp gì nhé, không nói về Phật nhé, sao mình thấy trong lòng phấn chấn, vui tươi, thanh thản, rồi nhìn ai cũng thấy dể thương. Chuyện các thầy anh cứ nhớ hoài!
 
Cũng bạn nầy nhưng chuyện về một linh mục. Bạn ở thành phố Huế nhưng quê ở xứ Thanh Hương, Hương Điền. Lâu rồi, anh ta có người em con ông chú ở bên Mỹ mới chịu chức, nay về quê hương làm lễ mở tay. Gia đình lên trình với Cha hạt trưởng lúc đó là cha T ở giáo xứ Phú Xuân. Ngài bảo nên mời thêm cha G ở DS là vị có thế giá. Trưa hôm đó chừng hơn 1 giờ, trời mưa tầm tả, anh cùng bà dì là nữ tu Dòng MTG, áo dòng nghiêm túc, đến nhà xứ DS thì đã ướt từ trong ra ngoài. Bà O ra tiếp nói cha trên phòng rồi. Hai dì cháu trình bày cơ sự, bà O ngập ngừng nhưng rồi cũng lên trình với cha sở. Ít phút sau cha G đi xuống, ngài hỏi có chuyện gì. “Thưa cha, con có đứa cháu bên Mỹ mới chịu chức linh mục về làm lễ mở tay. Cha T hạt trưởng bảo con đến mời cha…” Bà dì chưa hết câu, ngài ngắt “Giấy mời đâu?” rồi lạnh lùng quay lưng về phòng đóng sầm cánh cửa. Ôi cánh cửa phòng và cánh cửa lòng! Bà O còn chì chiết “Tui đã nói!…” Hai dì cháu hụt hẫng và cảm thấy thất vọng. Buồn chao ơi!.. Giờ vẫn nhớ… Nhưng là ấn tượng đáng quên. Với tâm lý thường tình có lẽ ai cũng “cạch mặt”. Thôi thì cố quên đi “vì Chúa” mà thôi!…
 
Xem ra việc mục vụ hay các mối liên hệ khác trong xã hội nhiều khi không chỉ có học thuyết, giáo điều, luật lệ, nguyên tắc, lý sự, giấy tờ, chữ nghĩa… mà, cách đơn giản, được quyết định nhờ biết cách xây dựng các mối tương quan. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các linh mục, cũng là nhắc nhở các tín hữu chúng ta: Hãy là người “nhân bản, vui tươi và phục vụ” (Huấn từ cho LM, 20-11-2015). Đừng “ngạo nghễ chuyên chế”, không nên “cứng ngắt và thời thượng”, chớ có trở thành công chức “lố bịch” khiến mọi người chạy trốn…(Bài giảng ở nhà Matta, 9-12-2016). Ngài cho rằng vẫn còn đó nạn “các tu sĩ trí thức” “dùng luật để cưỡng bức dân Chúa”, khiến họ cảm thấy “mình bị lợi dụng và bị loại trừ”…(Bài giảng ở nhà Matta, 13-12-2016 kỷ niệm 47 năm Đức Phanxicô chịu chức LM).
 
Cuối cùng cho buổi qui tụ đón Xuân “mèo” cũng là dịp gặp gỡ đầu năm mới, anh em nhắc nhau là năm 2017 nầy Lớp Sáu Bảy mừng 50 năm (1967–2017). Kim khánh 67. Lễ Vàng cho một mối tương quan. 50 năm của gia đình 67 là cột mốc đáng ghi nhớ. Ghi nhớ một chặng đường dài anh chị em mình cùng đi qua với cơ man là kỷ niệm, có đủ mọi cung bậc, sắc màu và hương vị trong đời sống: vui-buồn, ngọt-đắng, mưa-nắng, nhạt-nồng, trắng-đen… Kỳ lạ, đến bây giờ hễ ai mang con số 67 là tự nhiên gắn bó với nhau. 67 không là “nhóm lợi ích”, không là “hội chim, hội cá”, không chỉ là hội ái hữu cựu học sinh… Vậy, gia đình 67 là gì? Mình không biết. Xin Quý Cha và anh chị em giải thích giùm bằng những suy nghĩ, cảm nghiệm cho Kỷ Yếu 50 năm (chắc là sẽ có) và bằng cách góp ý, góp sức cho việc tổ chức Kim Khánh thật to và đầy ý nghĩa. Thiển nghĩ, theo sự thường, chắc chắn Lớp 67 sẽ giải tán trong 40 năm nữa, khi thành viên cuối cùng qua đời. Nay đa số anh em đã hơn 60, nếu đời người 100 năm thì thời gian còn lại chẳng là bao. Có phỏng?!
 
Mến chúc mọi người có những mối tương quan tốt đẹp để đời sống thật vui, thật tươi, thật nhẹ nhàng, gần gũi, chan hòa. Nhất là mối tương quan 67. Còn dĩ nhiên, là người tín hữu, trên hết và quan trọng nhất là mối tương quan với Chúa. Bởi mối tương quan nầy là nền tảng cho mọi tương quan trong đời sống. Amen!

 





















 

Tác giả: Lê Xuân Hảo HT67

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập137
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm133
  • Hôm nay21,501
  • Tháng hiện tại559,540
  • Tổng lượt truy cập56,661,177
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây