Chuỗi Mân Côi trong đời sống hằng ngày. Mùa Mừng.

Chủ nhật - 05/12/2010 03:58

Chuỗi Mân Côi.

Chuỗi Mân Côi.
Thế là hết! Vị Thầy khả kính không còn nữa. Viên đá đậy cửa mộ đã khép lại sau lưng họ những ngày tháng tuyệt vời. Kỷ niệm càng đẹp thì nỗi luyến nhớ càng khó nguôi ngoai! Ma-ri-a Mác-đa-la, Ma-ri-a Cơ-lô-pát và Sa-lô-mê nôn nóng đợi ngày hưu lễ qua đi để tới viếng và xức thuốc thơm lên xác Chúa.

CHUỖI MÂN CÔI TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY.

MÙA MỪNG.

(Tác giả: Trầm Tĩnh Nguyện HT68 - Ngày đăng: 10/04/2009)

Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa…” (Mc 16,1-14) 

Thế là hết! Vị Thầy khả kính không còn nữa. Viên đá đậy cửa mộ đã khép lại sau lưng họ những ngày tháng tuyệt vời. Kỷ niệm càng đẹp thì nỗi luyến nhớ càng khó nguôi ngoai! Ma-ri-a Mác-đa-la, Ma-ri-a Cơ-lô-pát và Sa-lô-mê nôn nóng đợi ngày hưu lễ qua đi để tới viếng và xức thuốc thơm lên xác Chúa. Họ muốn ôm ấp mãi hình ảnh của một người Thầy đã đến và đã biến đổi đời họ.

 

Mầu nhiệm thứ 1:

CHÚA GIÊ-SU SỐNG LẠI 

Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa…” (Mc 16,1-14) 

Thế là hết! Vị Thầy khả kính không còn nữa. Viên đá đậy cửa mộ đã khép lại sau lưng họ những ngày tháng tuyệt vời. Kỷ niệm càng đẹp thì nỗi luyến nhớ càng khó nguôi ngoai! Ma-ri-a Mác-đa-la, Ma-ri-a Cơ-lô-pát và Sa-lô-mê nôn nóng đợi ngày hưu lễ qua đi để tới viếng và xức thuốc thơm lên xác Chúa. Họ muốn ôm ấp mãi hình ảnh của một người Thầy đã đến và đã biến đổi đời họ. Họ muốn có Người ở mãi bên mình… Trời vừa mờ sáng, các bà vội vàng ra mộ, lòng những lo lắng không biết làm sao mở được tảng đá đóng cửa huyệt. Nhưng ơ kìa, lạ chưa, cửa mồ đã mở tung ra. Chuyện gì thế này? Ma-ri-a Mác-đa-la hoảng hốt chạy về báo tin cho Phê-rô và Gio-an. Họ cùng chạy tới mộ, và họ đã thấy gì? – Chiếc mồ trống rỗng, cùng với lời thiên sứ báo tin: “Người đã sống lại rồi!”.

Thầy đã sống lại thậy ư? Ma-ri-a Mác-đa-la nửa tin nửa ngờ. Những người kia đã ra về cả mà chị còn ở lại, còn mãi miết khóc thương đến độ Chúa đến bên cạnh chị mà chị vẫn không hay, vẫn tưởng là một người làm vườn nào đó. Nhưng một tiếng gọi quen thuộc vang lên: “Ma-ri-a!” Ôi, tiếng Thầy đây mà! Vậy là Thầy đã sống lại thật. Chị vui mừng muốn phát điên lên… Chị tức tốc chạy về báo cho bằng hữu biết cái tin sốt dẻo này…

Đang lúc ấy, trên đường đi Em-mau, hai người bộ hành buồn bã cúi đầu rảo bước. Họ muốn trở về quê nhà để nguôi đi nỗi muộn phiền thất vọng. Giê-su Na-da-rét, vị Thầy mà họ tin tưởng sẽ cứu dân tộc khỏi ách nô lệ đã chết rồi. Một số bạn bè nói rằng Người đã sống lại, nhưng làm sao mà tin được chuyện đó!… Và này, Người cũng đến rảo bước bên họ để giải thích cho họ hiểu Kinh Thánh và nhận ra Người đã sống lại thật.

Người cũng hiện ra với nhóm Mười Một để xua tan nỗi nghi ngờ và những âu lo của họ.

Thế còn Đức Ma-ri-a? – Cả bốn sách Tin Mừng đều không ghi lấy một chữ về Ngài!

Mẹ ơi! Giê-su Con Mẹ đã sống lại rồi. Chắc chắn cái tin này chỉ sốt dẻo đối với những người hoài nghi thôi. Còn đối với Mẹ, Mẹ đã tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, Mẹ đã tin tưởng hoàn toàn vào Con Mẹ. Người đã nói rằng Người sẽ sống lại, thì chắc chắn Người sẽ sống lại. Mẹ vẫn sẵn sàng chờ đón Người phục sinh từ cõi chết như Mẹ đã sẵn sàng đón nhận Người từ thiên quốc ngự xuống đầu thai trong lòng Mẹ. Mẹ đã cùng chịu khổ đau với Người và Mẹ tin chắc rằng Mẹ cũng sẽ được hưởng niềm hoan hỉ với Người.

Mẹ ơi! Giê-su Con Mẹ đã sống lại rồi. Người là niềm vui không bao giờ mất của những ai tin tưởng vào Người. Ấy thế mà nhiều lúc con đã sống muộn phiền như  là Người vẫn còn nằm yên trong mộ. Con đã khóc than bi lụy như Ma-ri-a Mác-đa-la, đã chán nản thất vọng như hai môn đệ làng Em-mau, đã sợ hãi cuống cuồng như nhóm Mười Một.

Không, Chúa Giê-su đã sống lại và Người đang đến bên con, đang sống trong con. Con không được phép buồn sầu Mẹ ạ… Con phải vui lên, vui nhiều lên nữa chứ, phải không thưa Mẹ? Chính nhờ Người đã phục sinh mà con mới có can đảm đón nhận tất cả mọi gian nan thử thách trong cuộc sống. Tất cả, ngay cả cái chết của bao người thân yêu và chính cả cái chết của con cũng mất đi khuôn mặt bi thương vẫn ám ảnh con người. Đức Giê-su đã chiến thắng tử thần, đã vĩnh viễn đẩy lùi ách sự dữ vào bóng tối, đã xóa tan nỗi đau đớn u sầu của cuộc khổ nạn. Người đã sống lại để đưa ra cho con một lời bảo chứng: hễ ai tin tưởng  vào Người, kẻ ấy sẽ không phải tủi nhục bao giờ. Đằng sau cuộc tử nạn là sự phục sinh, đằng sau thập giá khổ nhục là vinh quang bất diệt của ngày sống lại ./.

 

Mầu nhiệm thứ 2:

CHÚA GIÊ-SU LÊN TRỜI

Nói xong Người lên trời ngay trước mắt các ông, và có đám mây rước Người lên, khuất mắt các ông” (Cv 1,9)

Những ngày hạnh ngộ qua nhanh. Kể từ lúc sống lại, Chúa Giê-su đã liên tiếp hiện ra với các môn đệ để củng cố lòng tin của họ: Người xóa tan nỗi buồn của Ma-ri-a Mác-đa-la, soi sáng lòng trí tối tăm của hai môn đệ làng Em-mau, quở trách sự nghi ngờ của Tô-ma, trợ lực cho các môn đệ vất vả trên biển hồ Ti-bê-ri-a, trao phó nhiệm vụ cho Si-mon Phê-rô… Các môn đệ mừng rỡ khi gặp lại Thầy, vị Thầy mà họ tưởng rằng cái chết khổ nhục đã vĩnh viễn cướp mất khỏi họ. Nhưng không, Người đã chiến thắng tử thần và đã trở lại. Họ lại được trò chuyện với Người, được cùng ăn cùng uống với Người. Nỗi sợ hãi của họ đã tan biến, nhường chỗ cho niềm vui bất tận đang trào dâng trong lòng. Họ muốn được mãi mãi sống bên cạnh Người…

Thế nhưng đã đến lúc họ phải chia tay Người, đã đến lúc Người trở về với Đấng đã sai phái Người xuống trần gian. Người ân cần dặn dò những lời cuối cùng và chúc lành cho họ. Thế rồi, như một tia sáng nhiệm mầu, Người được cất nhắc lên trời, một đám mây che phủ Người và họ không còn thấy Người nữa.

Dáng Người đã khuất mà họ còn bồi hồi đứng đó, mắt nhìn đăm đăm lên trời. Họ không muốn rời gót. Họ muốn đứng yên đó để kéo dài cái hạnh phúc được sống bên Người. Họ đứng đó như đứng giữa một giấc mơ tuyệt đẹp… Và này, hai thiên sứ hiện đến để đưa họ về với thực tế, để nhắc nhở họ tiếp tục con đường mà Thầy đã dẫn họ bước đi: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”.

Mẹ ơi! Con Mẹ đã lên trời, để lại trong lòng Mẹ và trong lòng các môn đệ biết bao kỷ niệm đậm đà. Nhưng Giê-su Con Mẹ không muốn chỉ để lại cho Mẹ và những kẻ Người thương mến các kỷ niệm đẹp mà thôi, Người còn muốn để lại cho Mẹ và cho tất cả nhân loại một con đường lên trời. Người muốn hẹn gặp tất cả nơi quê hương của Cha Người. Vì thế, không phải bồi hồi đứng ngóng lên trời là đủ, mà còn phải biết noi theo bước Người đã đi.

Mẹ ơi! Con thường dễ rơi vào nguy cơ “đứng ù lì bất động”. Với những bài nguyện ngắm, những giờ chia sẻ, những nỗ lực được coi là “phi thường” của con, con dễ mắc vào ảo tưởng tự cho rằng mình đã “siêu thoát”, đã “đạt đạo”! Với những công trạng như thế, con tự cấp phát cho mình một tờ tuyên dương và nghĩ rằng đó sẽ chính là vé vào cửa Nước Trời! Như một chú chuột bạch leo hoài trên vòng quay luẩn quẩn, con loay hoay mãi mà chẳng thể tiến lên được; lòng thì cứ tưởng rằng mình đã kề cận Nước Trời lắm rồi! Con bám chặt vào mặt đất, đưa mắt ngó lên trời và nghĩ rằng mình đã đến nơi! Thật là một ảo tưởng nguy hại Mẹ ạ! Xin Mẹ nhắc con trở về thực tế của chính con. Con còn nặng nề lắm với những ràng buộc của thế gian. Thói quen ù lì tự mãn như một vòng xích khóa chặt con lại không cho tiến lên. Càng tự hào về mình bao nhiêu, con càng trở nên ù lì bất động bấy nhiêu! Con như một chú ếch ngồi dưới đáy giếng nhìn lên trời và tưởng rằng bầu trời cũng chỉ nhỏ hẹp như cái miệng giếng của mình!

Không Mẹ ạ! Chúa Giê-su đã lên trời, đã tỏ cho con thấy vẻ bao la rộng lớn của Nước Trời. Xin Mẹ cho con biết cái nhỏ bé hữu hạn của con để mỗi ngày một thêm cố gắng bước theo con đường Chúa Giê-su đã mở ra. Xin cho con biết thăng tiến không ngừng, cho đến lúc nào được gặp Người nơi quê trời mới thôi ./.

 

Mầu nhiệm thứ 3:

CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4)

Vâng theo lời căn dặn của Chúa Giê-su lúc Người lên trời, các tông đồ trở về Giê-ru-sa-lem bắt đầu cuộc tĩnh tâm chờ đón Chúa Thánh Thần. Đức Ma-ri-a, các anh em Chúa Giê-su và một vài phụ nữ cũng đến hiệp lòng với họ. Trong căn phòng quen thuộc, nhóm người ít ỏi đại diện cho Hội Thánh sơ khai dốc hết tâm trí cầu nguyện để chuẩn bị đón nhận Đấng Phù Trợ đã được Thầy hứa ban. Sau những biến động của cuộc Tử Nạn, những hân hoan của ngày Phục Sinh và Lên Trời, đây là những giờ phút lắng đọng của họ. Mỗi phút giây trôi qua đều đậm nét thiêng liêng. Sự linh thiêng đánh động các tâm hồn yêu mến việc thiêng liêng, quy tụ họ lại gần nhau. Số người tham gia cứ tăng dần lên…

Lễ Ngũ Tuần đã đến, thành Giê-ru-sa-lem lại đông nghẹt khách thập phương đổ về mừng lễ. Nơi căn phòng quen thuộc, các tông đồ đang đắm chìm trong tâm tình sốt mến. Bỗng nhiên một cơn gió lạ ùa vào khắp nhà, rồi những ánh sáng diệu kỳ từ đâu tràn tới tựa như những hình lưỡi lửa ngự xuống trên họ: quyền năng Chúa Thánh Thần bao trùm lấy họ. Như các phím đàn bén nhạy được tài năng của người nghệ sĩ thần kỳ chạm đến làm vang lên những âm thanh muôn vẻ, họ hân hoan cất cao những lời kinh cảm tạ.

Khách hành hương lạ lùng về sự việc xảy ra, ùn ùn kéo nhau đến trước phòng hội. “Ơ kìa lạ chưa, tại sao những người này nói được tiếng của nước tôi?” – mọi người đều bỡ ngỡ hỏi nhau – “Sao lại như thế này nhỉ? Họ say rượu chăng?” Phải, họ say. Nhưng không say vì rượu mà vì quyền năng của Chúa Thánh Thần. Lòng họ đang ứ tràn ân phúc đây này, có ai hiểu họ chăng?  Phê-rô khảng khái đứng lên giảng giải. Đám đông hiếu kỳ bu lại đông nghẹt; họ nghe và lòng họ cũng rộn lên, cũng muốn nhập vào nhóm người đang rộn rã hạnh phúc đó.

Mẹ ơi! Khi Chúa Thánh Thần ngự xuống, hẳn là Mẹ lại đã hát lên kinh “Ngợi khen”, bài ca mà Mẹ vẫn thường nhẩm đi nhắc lại từ sau chuyến đi lên miền cao viếng thăm nhà bà Ê-li-da-bét. Vâng, Chúa Thánh Thần mà hơn ba mươi năm trước đã ngự xuống trên Mẹ, nay lại ngự xuống trên những người thân yêu của Con Mẹ. Hơn ai hết, Mẹ hiểu rõ niềm vui đang trào dâng đó.

Mẹ ơi! Sao mà vui thế, ngày con người được quyền năng Thiên Chúa chạm đến. Khi suy gẫm về mầu nhiệm Hiện Xuống, lòng con cũng đang rộn vui lên. Con vui nhưng khổ nỗi con chẳng biết sống niềm vui này như thế nào cả! Mẹ ơi, xin Mẹ giúp con trở về tận chốn tĩnh mịch của lòng con để khám phá ra rằng: nơi ấy, Chúa Thánh Thần vẫn hiện diện một cách âm thầm nhưng liên lỉ. Chính Ngài sẽ soi sáng cho con hiểu được những lời Con Mẹ dạy; chính Ngài sẽ giúp con vượt qua muôn ngàn khó khăn trong cuộc sống; chính Ngài sẽ thực hiện nơi con điều huyền diệu mà Mẹ đã từng thắc mắc: “Việc ấy xảy ra làm sao được…?” Phải, việc ấy xảy ra làm sao được, cái sứ mạng cưu mang Chúa Giê-su và đem Chúa đến cho những người khác. Sứ mạng ấy lớn lao và cao cả quá, làm sao con dám đón nhận nếu không có Chúa Thánh Thần phù  trợ. Con ngu ngơ và nhát đảm lắm, con sẽ sống làm sao với sứ mạng trọng đại đó nếu không có Chúa Thánh Thần là nguồn khôn ngoan và dũng lực của con?

Mẹ ơi! Thật là cần thiết, những tác động của Chúa Thánh Thần nơi con. Xin Mẹ dạy con biết chuyên tâm cầu nguyện để được Ngài đổ tràn ân sủng, để niềm hưng phấn của Ngài trào dâng trong con và chuyển lan tới những người chung quanh, để nhờ đó mọi người nhận ra rằng chỉ có niềm vui xuất phát từ Thiên Chúa mới là nguồn vui bền vững đích thật ./.

 

Mầu nhiệm thứ 4:

THIÊN CHÚA ĐƯA ĐỨC MA-RI-A VỀ TRỜI

Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ…” (Kh 12,6a)

Sau khi Chúa Giê-su về trời, sách Công vụ Tông đồ chỉ đề cập đến Đức Ma-ri-a trong một câu vắn gọn: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su và với anh em của Đức Giê-su”. Đó là quãng thời gian chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống, còn sau đó Đức Ma-ri-a lại trở về với chỗ đứng thầm lặng của mình trước ngày được thiên sứ truyền tin: các trình thuật kế tiếp không còn nhắc đến Mẹ nữa. Người ta chỉ hình dung ra hình ảnh quen thuộc của Mẹ ở căn nhà Na-da-rét xưa: khiêm nhu, bác ái, khó nghèo , tín thác… Bây giờ, sau lời trối của Chúa Giê-su trên thánh giá, Mẹ đã được Gio-an đưa về nhà ông. Ở đó, cũng theo lời trối của Chúa Giê-su, Mẹ thi hành sứ mạng làm Mẹ Hội Thánh mới khai sinh. Như xưa Mẹ đã ân cần dưỡng dục Chúa Giê-su nơi xóm nghèo Na-da-rét, thì nay hẳn là Mẹ cũng vẫn tiếp tục ân cần săn sóc chỉ dạy những người con thiêng liêng mà Chúa Giê-su đã trối phó cho Mẹ. Các tông đồ, các môn đệ và các tân tòng chắc hẳn đã tìm đến bên Mẹ để học theo những gương mẫu tuyệt vời của Mẹ, để nghe Mẹ thuật lại những kỷ niệm sâu đậm của cuộc đời Chúa Giê-su, để kể cho Mẹ nghe những vui buồn của những lần ra đi rao giảng về Chúa cho dân chúng… Mẹ bận rộn suốt ngày với những người con mà Chúa Thánh Thần gởi đến cho Mẹ. Đã hơn ba mươi năm, bây giờ Mẹ không còn là cô thiếu nữ trẻ trung của thuở truyền tin. Thời gian với những vất vả lao lung , nhất là những muộn phiền của những ngày theo Chúa Giê-su trên đường khổ nạn đã in đậm dấu trên Mẹ. Bây giờ, nơi căn nhà của thánh Gio-an, người ta gặp được một bà mẹ đã chín muồi với thời gian, đã thấm nhuần với ân sủng. Khi đến bên Mẹ người ta thấy lòng mình yên ấm như được gặp chính Đức Giê-su Con Mẹ…

Thế rồi giờ khắc đã điểm, đã đến lúc Thiên Chúa gọi Mẹ về trời chung hưởng hạnh phúc với Con Mẹ. Các thánh sử không ghi lại một câu nào về giờ phút trọng đại này. Mẹ đã đến giữa trần gian và đã từ giã trần gian trong sự âm thầm của một nữ tì khiêm hạ của Thiên Chúa. Các thánh sử không ghi, nhưng Giáo Hội đã kế thừa để nói lên lời tuyên tín của mình: Thiên Chúa đã thực hiện lời kinh “Ngợi khen” mà Mẹ vẫn thường suy gẫm: Ngài đã cất nhắc Mẹ, đã đưa hồn xác Mẹ về trời.

Mẹ ơi! Mẹ đã được Thiên Chúa đưa lên trời cả hồn lẫn xác. Cái giờ khắc Mẹ bước qua ngưỡng cửa của cuộc đời hữu hạn để tiến vào cõi phúc bất diệt thật là trọng đại. Nơi Mẹ, Thiên Chúa đã làm nổi bật ý nghĩa đích thực của một đời người. Mẹ đã làm gì để được Thiên Chúa ân ban vinh dự cao quý đó? Mẹ đâu có làm phép lạ, đâu có bôn ba rao giảng, đâu có chịu tử đạo… Không, Mẹ chỉ âm thầm sống trọn vẹn cuộc đời của một nữ tì khiêm hạ: Mẹ chỉ là người vợ dịu hiền đảm đang của thánh Giu-se, là người mẹ ân cần đôn hậu của Chúa Giê-su. Trước mắt người đời, Mẹ chỉ là một phụ nữ nghèo nàn chất phác như muôn vàn phụ nữ nghèo nàn chất phác khác. Thế nhưng trước mắt Thiên Chúa, Mẹ là một thụ tạo hoàn hảo hơn tất cả mọi thụ tạo. Mẹ hoàn hảo không phải vì Mẹ đã làm nên những kỳ công tuyệt vời, mà vì đời Mẹ đã kết tinh toàn bằng Thánh Ý Thiên Chúa. Mẹ đã không từ chối Ngài một điều gì, nên Ngài cũng đã không chối từ Mẹ một điều gì. Ngài đã ban cho Mẹ tất cả vinh quang xứng với lòng trung tín của Mẹ.

Mẹ ơi! Xin dạy con biết ý nghĩa thâm sâu của việc Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác. Xin cho con hiểu rằng không có cuộc đời nào là vô nghĩa, là tầm thường, là tẻ nhạt buồn chán cả. Tất cả mọi phút giây, mọi công việc của đời con đều có giá trị trường cửu. Khi con nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời để đi vào vĩnh cửu, chính những phút giây, những công việc đó sẽ lại xuất hiện để nên công trạng hoặc nên lời cáo tội con trước mặt Thiên Chúa. Mẹ ơi! Xin nhắc con năng suy gẫm đến cái chết của mình để biết noi theo gương sống của Mẹ, hầu khi qua khỏi đời này, con được Chúa cho vào chung hưởng vinh phúc với Ngài trên quê trời ./.

 

Mầu nhiệm thứ 5:

ĐỨC MA-RI-A ĐƯỢC THƯỞNG TRIỀU THIÊN NƯỚC TRỜI

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1,49)

Sau khi xác quyết Đức Ma-ri-a đã được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác, Giáo Hội tiếp tục nói lên niềm tin của mình vào địa vị cao trọng mà Thiên Chúa đã dàng sẵn cho Mẹ trên thiên quốc: từ ngai tòa vinh hiển, Thiên Chúa đã tặng ban cho Mẹ một tước hiệu cao sang, Ngài đã tôn phong Mẹ làm Nữ Hoàng Thiên Quốc. Kể từ nay ánh hào quang vinh hiển của Mẹ sẽ mãi mãi chói ngời để tôn vinh Đấng đã thực hiện nơi Mẹ biết bao điều huyền diệu. Đức Ma-ri-a – một phụ nữ với cuộc sống bình thường lúc còn tại thế – giờ trở nên một nhân vật phi thường nơi thiên triều. Suốt dòng truyền thống của mình, Giáo Hội đã không ngớt tán dương Mẹ bằng muôn vàn danh hiệu cao cả: Mẹ là Nữ Vương chín phẩm thiên thần, là Cửa Trời rộng mở, là Sao Biển rạng ngời, là Ngai Tòa Đa-vít… Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp, là Máng chuyển thông ơn Chúa… Giáo Hội đã dạy con cái mình chạy đến cùng Mẹ để được trợ lực, được an ủi vỗ về.

Mẹ ơi! Hôm nay con cũng đến nép dưới chân Mẹ để chiêm ngắm các vinh hiển mà Chúa đã ban cho Mẹ. Suốt các mầu nhiệm vừa qua con đã cùng đi với Mẹ để học thưa “Xin vâng” trước lời mời gọi của Thiên Chúa, biết quảng đại nghĩ đến nhu cầu của tha nhân, biết trân trọng cuộc sống khó nghèo, biết vội vã tìm kiếm khi lạc mất Chúa. Con đã cùng với Mẹ theo chân Chúa suốt chặng đường thương khó. Và con cũng đã vui mừng hoan hỉ với Mẹ khi suy ngắm Chúa sống lại và lên trời, đã học mở rộng lòng đón Chúa Thánh Thần ngự xuống…  Qua ba mùa Vui, Thương, Mừng, Mẹ đã là người Mẹ dịu hiền sánh bước bên con để chỉ cho con thấy vẻ đẹp muôn màu của tình yêu Thiên Chúa. Mẹ đã cùng con bước đi, tay trong tay, lòng bên lòng. Nhưng giờ đây con xin được quỳ gối trước thánh nhan để xưng tụng Mẹ là Nữ Vương của con. Giờ đây con muốn thân thưa với Mẹ những lời nỉ non của một đứa con bé nhỏ dại khờ.

Mẹ ơi! Thời gian qua nhanh, tuổi đời chồng chất, cuộc sống với trăm ngàn thử thách, với muôn nỗi khó khăn vẫn vây phủ lấy con. Những sa ngã, những thất bại, những đau đớn ê chề liên tục để lại những vết hằn trên khuôn mặt và trong tâm hồn con. Cuộc sống đòi con phải luôn phấn đấu, phải luôn khởi sự lại. Lắm lúc con thấy mình đang già cỗi đi. Mà quả thật con không còn ở tuổi ươm mơ dệt mộng nữa. Những tờ lịch nối tiếp nhau rơi xuống nhắc con nhớ rằng mình đã trở thành một “người lớn”. Nhưng Mẹ ơi! Càng lớn, con lại càng thấy mình cần có một Người Mẹ để chạy đến nép vào lòng sau những giờ vất vả lao động; con cần có một Người Mẹ để giải bày hết những vui buồn, sướng khổ của đời mình. Con cần, nhưng con lại thường quên rằng mình vẫn luôn có sẵn Người Mẹ ấy kề bên. Cuộc sống với bao công việc dồn dập như nước lũ cuốn hồn con trôi mãi, trôi mãi…

Mẹ ơi! Con cần phải dừng lại để chạy đến bên Mẹ, dù chỉ vài phút vắn vỏi trong cả một ngày sống. Con phải chạy đến bên Mẹ để được Mẹ ủi an, đỡ nâng, khuyến khích. Dù chỉ ít phút thôi nhưng chúng sẽ giúp con rất nhiều trong ngày sống.

Mẹ ơi! Mẹ là tạo vật toàn bích của Thiên Chúa. Những mệt mỏi của cuộc sống làm con ngại phải tiến lên, ngại phải bơi ngược dòng nước lũ, ngại phải trở về với ngọn nguồn tinh khôi của mình. Con lấm lem bê bết quá nên con ngại phải gột rửa chính mình. Con chỉ muốn sống “vậy vậy” thôi, rồi ra thế nào thì thế! Nhưng Mẹ ơi! Mẹ là Nữ Hoàng Thiên Quốc, con là con của Mẹ mà lại đành lòng để mình lấm lem bê bết như thế này ư?

Không Mẹ ạ! Con nguyện sẽ theo chân Mẹ, sẽ cố gắng sống xứng đáng là con của Mẹ. Mẹ ơi! Con muốn thân thưa với Mẹ mỗi ngày: “Thánh Ma-ri-a Đúc Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…” ./.

Nguyên tác : Notre Dame de tous les jours - PAULA HOESL

TRẦM TĨNH NGUYỆN HT68 phóng tác 

Tác giả: PAULA HOESL. Trầm Tĩnh Nguyện phóng tác.

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập148
  • Hôm nay29,530
  • Tháng hiện tại222,371
  • Tổng lượt truy cập68,187,910
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây