Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Hình ảnh Vatican
Kỷ niệm với Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II
Kỷ niệm với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Hình ảnh với Mẹ Têrêxa Calcutta
Hình ảnh với Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận
Thánh lễ Cầu Hồn cho ĐTC Gioan-Phaolô II
Cầu nguyện cho Đức Tân GH Bênêđictô XVI
Thánh lễ dịp Ad-limina 1996
Thánh lễ dịp Ad-limina 2002
Phát biểu tại Thượng HĐGM Thế giới 1994
Phát biểu tại Thượng HĐGM Á Châu 1998
Thánh lễ Giỗ Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC CHA TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ, GIÁM QUẢN TÔNG TOÀ TGP. HUẾ

TẠI THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI LẦN IX, RÔMA 07-10-1994

Kính lạy Đức Thánh Cha,

Kính thưa các Nghị Phụ THĐGM đáng kính,

Kính thưa anh chị em,

Đức Thánh Cha, Quý Nghị Phụ và anh chị em vừa mới nghe trình bày khái quát về đời sống tu trì tận hiến ở Việt Nam kể từ ngày Kitô giáo đến trong Đất Nước chúng con cho tới ngày nay. Trong phần còn lại con xin đề cập đến niềm hy vọng, nỗi lo âu và các thách đố mà chúng con phải đương đầu. Vậy đâu là những lý do khiến chúng con hy vọng? Những lý do phát xuất từ lòng Dân Tộc cũng như từ hoàn cảnh sống của chúng con:

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc vốn có ý thức tôn giáo sâu đậm và truyền thống quý trọng các giá trị Luân lý và Thiêng liêng. Người dân Việt nào cũng đều biết rằng có một đạo như là một con đường quang minh chính trực phải theo, nếu không thì mang tiếng là người bất xứng. Con người Việt Nam dễ say mê một lý tưởng nào đó, có khả năng cố gắng, biết hy sinh từ bỏ và biết rung cảm trước những gì là cao thượng; bằng chứng là rất nhiều người đã quảng đại đáp lại ơn gọi làm Linh Mục và Tu Sĩ. Gia đình Việt Nam tương đối còn vững vàng, nhất là ở thôn quê. Nhờ biết quý trọng những giá trị truyền thống và nhờ khung cảnh sống, gia đình vẫn là mảnh vườn quý báu vun trồng Ơn Kêu Gọi. Cha mẹ chẳng những không cấm cản lại còn lấy làm vinh dự và sẵn sàng khuyến khích con cái kiên trì theo đuổi Ơn Gọi. Khung cảnh Tôn Giáo mà tín hữu Kitô đang sống quả là thuận lợi cho cuộc đời tận hiến. Nhưng ngược đời hơn nữa chính những khó khăn mà họ phải hứng chịu cũng tạo điều kiện cho Ơn Gọi phát triển. Chúng giúp thanh lọc các lý do và không cho phép các Tu Sĩ sống một cuộc sống tầm thường. Dân chúng nói chung và giáo dân nói riêng luôn ở bên cạnh để nhắc nhở cho họ biết ý thức về các đòi buộc của đời tận hiến. Hơn nữa các khó khăn này đã thúc đẩy các nam nữ tu sĩ cộng tác với nhau cũng như với hàng giáo sĩ và giáo dân. Sự cộng tác huynh đệ này đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp trong lĩnh vực đào tạo thường xuyên, trong lĩnh vực Giáo Lý. Điều này làm chúng con rất vui mừng. Đó là những lý do tự nhiên khiến chúng con hy vọng; cộng với lòng tin vào Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Ngài, vào sự Trung Thành và Tình Yêu Thương của Ngài, tất cả đã giúp chúng con can đảm và thanh thản nhìn vào hiện tại.

Thật thế, tuy khó khăn còn nhiều, nhưng cần phải can đảm đối diện với chúng. Có như thế thì Sự Thật mới giải thoát chúng con. Dù không bị đe doạ đến sự sinh tồn, nhưng cuộc sống tu trì tại Việt Nam đang gặp nhiều hạn chế; và hậu quả là có nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề đào tạo: đào tạo khởi đầu và đào tạo thường xuyên, vấn đề truyền giáo, vấn đề thiếu cơ sở, thiếu phương tiện và thiếu nhân sự. Những Dòng tu chuyên về giáo dục và hoạt động bác ái không thể thực hiện được sứ mệnh theo đặc sủng riêng của mình, vì Nhà Nước độc quyền trên vài lĩnh vực dấn thân. Tuy từ năm 1986, Nhà nước có mềm dẻo hơn, nhưng thực ra chúng con chưa được hoàn toàn tự do hoạt động vì có các luật lệ hành chính phải tôn trọng; chẳng hạn, chế độ hộ khẩu thu hẹp sự tự do di chuyển và cư trú, gây trở ngại cho việc tổ chức các cộng đoàn. Trên nguyên tắc, các Dòng tu được phép thu nhận người để đào tạo, nhưng trên thực tế, cần phải có phép mới được tụ họp nhau. Một khó khăn khác theo sau những xáo trộn xã hội, hậu quả của chiến tranh và, ngược đời thay, cũng còn là hậu quả của thời bình nữa! Các khuynh hướng tự quyết, tìm thực hiện cá nhân, tôn thờ những đức tính hoạt động với sự tự do, tinh thần trách nhiệm và óc sáng tạo lan tràn lại đem theo cả điều tốt lẫn điều xấu. Sự rộng mở đối với nước ngoài không chỉ đem lại cái hay mà về lâu về dài, nếu không chú ý cũng sẽ tàn phá các giá trị truyền thống của đất nước và gây cản trở cho chính cuộc đời tu trì tận hiến nữa.

Chúng con phải có cái nhìn về tương lai như thế nào đây?

Việt Nam đang ở trong giai đoạn biến chuyển sâu rộng: Từ một nước bị cô lập sang một nước rộng mở cho thế giới, từ một nước xã hội chủ nghĩa cứng nhắc sang một chế độ xã hội chủ nghĩa mềm dẻo, từ một xã hội nông nghiệp sang một xã hội kỹ nghệ, từ một nền kinh tế tập trung sang một nền kinh tế thị trường. Tóm lại, một nước Việt Nam mới đang sinh ra. Cánh cửa bắt đầu mở, dĩ nhiên là chậm chạp, nhưng đó là cách làm việc khôn ngoan.

Dù muốn dù không, sự biến chuyển không thể đảo ngược được. Nó ghi dấu bằng các hiện tượng dễ nhận thấy như đô thị hoá, kỹ nghệ hoá và dân chủ hoá. Tư bản nước ngoài ào ạt đổ vào, các vụ đầu tư ngày càng nhiều hơn. Với xu thế kiếm được nhiều tiền bao nhiêu có thể, nền kinh tế thị trường càng đào sâu hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, gia tăng số người bị gạt bỏ ra bên lề xã hội. Các phương tiện truyền thông nhan nhãn đe doạ các giá trị nội tâm và làm vẫn đục óc phán đoán. Các sản phẩm dồi dào được quảng cáo tinh vi ảnh hưởng mạnh mẽ trên những người đã chịu cảnh thiếu thốn quá lâu và lôi kéo họ bước vào các con đường hưởng lạc và tiêu thụ lúc nào không biết!

Trước tình trạng như thế, nam nữ tu sĩ VIệt Nam phải làm gì để trở thành dấu chỉ rõ ràng và đáng tin cậy giữa dòng Dân Tộc mình? Làm thế nào để hội nhập nhiều hơn vào lòng Dân Tộc, một Dân Tộc từng có một truyền thống giá trị luân lý và tinh thần lâu dài?...

Có biết bao nhiêu câu hỏi khiến chúng con bận tâm!

Chúng con đang tìm kiếm các giải pháp và chờ mong nơi THĐGM ánh sáng và lời khích lệ.

Chúng con xin hết lòng cám ơn

--------------------------------------------

NB: THĐGM lần 9 họp tại Rôma từ ngày 02 đến 29/10/1994. Đề tài thảo luận “Đời sống Thánh hiến và vai trò của nó trong Giáo Hội và trong thế giới”. Có 284 đại biểu tham dự, gồm 136 vị (Hồng Y, Giám Mục, dự thính viên và phụ tá văn phòng đặc biệt) do ĐTC đề cử và 138 vị do các HĐGM đề cử và 10 vị do Hiệp Hội các Bề trên Cả chỉ định.