Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Hình ảnh Vatican
Kỷ niệm với Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II
Kỷ niệm với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Hình ảnh với Mẹ Têrêxa Calcutta
Hình ảnh với Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận
Thánh lễ Cầu Hồn cho ĐTC Gioan-Phaolô II
Cầu nguyện cho Đức Tân GH Bênêđictô XVI
Thánh lễ dịp Ad-limina 1996
Thánh lễ dịp Ad-limina 2002
Phát biểu tại Thượng HĐGM Thế giới 1994
Phát biểu tại Thượng HĐGM Á Châu 1998
Thánh lễ Giỗ Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

LỄ CẦU HỒN
CHO ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

(Phủ Cam, 14-04-2005)

- Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

- Kính thưa Quý vị đại diện các Tôn giáo bạn,

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vĩnh viễn ra đi, để lại bao thương tiếc cho vô số người thiện chí trên thế giới, để lại bao buồn đau, ngậm ngùi cho Đại gia đình Công giáo, cách riêng cho Giáo Hội Việt Nam, cho Giáo Phận chúng ta hôm nay.

Đám tang của ngài tại Rôma càng cho thấy rõ điều đó: nhiều nguyên thủ quốc gia trong đó có thủ tướng Phan Văn Khải đã gửi điện chia buồn với Tòa Thánh Vatican, trên 200 phái đoàn các quốc gia và các Tôn giáo bạn đã đến tận Rôma dự Tang lễ và nói lời vĩnh biệt với vị Giáo Hoàng thánh thiện, lỗi lạc, luôn rao giảng và cổ võ tình thương và hòa bình.

Trong Thánh lễ cầu hồn hôm nay, chúng ta tha thiết nguyện xin cho vị Giáo Hoàng kính yêu của chúng ta được sớm về hưởng thánh nhan Chúa muôn đời. Chúng ta cũng xin ngài cầu bầu cho chúng ta trước tòa Chúa, để sứ điệp và giáo huấn của ngài tiếp tục dẫn dắt chúng ta trên các nẻo đường yêu thương và phục vụ.

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ra đi về nhà Cha. Thế giới tiếc thương một bậc vĩ nhân, một sứ giả của hòa bình, một vị giáo chủ tài đức song toàn, đã góp phần làm thay đổi diện mạo của thế giới. Chúng ta mất đi một vị chủ chăn nhân lành, một nhà lãnh đạo nhân ái và một người Cha nhân hậu.

Cộng đoàn phụng vụ chúng ta hôm nay, nhờ hy lễ tạ ơn tuyệt hảo của Đức Kitô, dâng lên Ba Ngôi cực thánh tâm tình tri ân cảm mến thiết tha của toàn thể Giáo Hội vì hồng ân lớn lao mà Chúa đã ban tặng cho Giáo Hội là Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Sự ra đi của ngài về nhà Cha mô phỏng phần nào sự ra đi của Chúa Kitô.

Cả cuộc đời của Chúa là một sự ra đi liên lỉ: đi từ trời xuống thế, từ Nazaret rảo qua các nẻo đường xứ Palestina, từ máng cỏ đến thập giá, rồi từ thập giá đến vinh quang thiên quốc. Nói cách khác, Ngài đi từ Trời xuống Đất để giao hòa Đất với Trời. Ngài đã tiêu hao sinh lực và chính mạng sống mình để cho trần gian được sống và sống dồi dào. Trong vườn Cây Dầu, lúc mà bóng tử thần sắp chụp xuống trên Ngài, lúc mà nỗi đau khôn tả làm vỡ các mạch máu khắp châu thân khiến mồ hôi máu tươm ra, thì Ngài vẫn quả cảm đối mặt với tử thần. Ngài nói với các môn đệ đang ngái ngủ và lo âu: “Hãy trỗi dậy! Nào chúng ta đi!” (Mc. 14,42).

Anh chị em thân mến,

Hãy trỗi dậy! Nào chúng ta đi!” cũng là tựa đề của một tập sách mà Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho xuất bản vào tháng 05.2004 để ghi lại những kinh nghiệm quý báu trong đời Giám mục của ngài. Đời Giám mục của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một chuỗi trỗi dậy và ra đi. Ngài trỗi dậy trong chức vụ Giám mục Cracovie và ra đi đến thành đô muôn thuở để làm Giáo Hoàng, Giám mục Rôma. Từ đó ngài đã làm cho Giáo Hội và thế giới cũng trỗi dậy và ra đi với ngài. 104 chuyến tông du mục vụ của ngài qua các lục địa đã ghi đậm nét dấu ấn của người kế vị thánh Phêrô trên các quốc gia, dân tộc và vô số người. Bây giờ ngài lại ra đi, lần này là ra đi vĩnh viễn không còn trở lại: Ra đi về nhà Cha.

Chúng ta không thể nào nói hết về Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong những giây phút ngắn ngủi này, vì thế chúng ta chỉ dừng lại nơi một vài điểm son trong đời sống và thừa tác vụ của ngài thôi.

1. Ra đi gặp gỡ các tôn giáo và các nền văn hóa

Thừa kế và phát huy gia sản do công đồng Vaticanô II để lại, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi những bước đột phá, tiến về đối thoại liên tôn và hội nhập văn hóa. Xác tín về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần ngoài biên thùy Giáo Hội, ngài đ mạnh dạn ra đi gặp gỡ các tôn giáo và các nền văn hóa, ý thức rằng Chúa Thánh Thần và Ngôi Lời hằng hữu đã gieo những hạt giống và những yếu tố ân sủng cũng như sự thật vào trong các nền văn hóa và các tôn giáo, vì vậy ngài đã đẩy mạnh hoạt động đối thoại với các tôn giáo khác. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm Hội đường Do thái giáo, kính viếng Đền thờ Hồi giáo, và khi hành hương năm thánh 2000 đến Thánh địa Giêrusalem, ngài đã đến cầu nguyện ở Bức Tường Than Khóc là nơi thánh thiêng của Do thái giáo. Trong nỗ lực đối thoại liên tôn, ngài đã có sáng kiến tổ chức ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới và sự cảm thông giữa các dân tộc và tôn giáo tại Assisi, quê hương thánh Phanxicô nghèo khó, là tác giả bài Kinh Hòa Bình nổi tiếng trên khắp thế giới qua bao thế kỷ. Chính ngài đã thân hành đến cầu nguyện với các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác vào những năm 1986, 1993, 2002.

Hình ảnh một vị Giáo Hoàng để cho người ta khoác vào đầu và choàng trên vai chiếc nón và bộ áo thổ cẩm của dân bản địa cũng đủ nói lên lòng kính trọng của ngài đối với các nền văn hóa khác nhau, bởi đức tin mà không thấm vào văn hóa là một đức tin không hữu hiệu.

Tiếp xúc với các nền văn hóa trên thế giới không chỉ để bày tỏ lòng kính trọng đối với những “hạt giống Ngôi Lời” đang tiềm ẩn trong đó, ngài còn đánh thức tiềm năng của những giá trị truyền thống, và nhất là đem ánh sáng chan hòa của Tin Mừng chiếu soi những giá trị ấy. Những cụm từ văn minh tình thương và văn hóa sự sống luôn ở trên môi miệng của ngài mỗi khi tiếp cận và giao lưu với các nền văn hóa trên thế giới.

2. Ra đi tiếp cận với giới trẻ

Giới trẻ là mối quan tâm đặc biệt của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Điều này không ai có thể chối cãi. Mặc dù tuổi cao sức yếu và bị xâu xé bởi trăm ngàn công việc khác nhau ở giáo triều Rôma, ngài vẫn dành thì giờ quý báu cho giới trẻ. Mỗi lần gặp gỡ giới trẻ là mỗi lần bầu khí trở nên sôi động, hào hứng, hấp dẫn. Một sức mạnh siêu nhiên phát xuất từ trong tâm hồn của ngài đã cho ngài sức thu hút lạ thường. Vào năm 1985, năm Liên Hiệp Quốc tuyên bố là năm giới trẻ, trước hàng vạn giới trẻ họp mặt tại Rôma, ngài đã tuyên bố thành lập ngày giới trẻ thế giới, được tổ chức 2 năm 1 lần tại một thành phố nào đó để cùng nhau gặp gỡ, cầu nguyện, hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm. Trong những dịp này, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường thân hành đến chủ tọa và giao lưu với các bạn trẻ.

Ngài rất yêu mến giới trẻ. Trong một nền văn minh hưởng thụ và một nền văn hóa chết chóc của thế giới hiện tại, giới trẻ thường là đối tượng của những sức mạnh hủy diệt. Tâm tình của Chúa Giêsu trước cái chết của người con trai bà góa thành Naïn là một tâm tình xót thương và đồng cảm với người mẹ mất con. Tâm tình này được diễn tả bằng hành động cụ thể: Ngài sờ vào quan tài và truyền lệnh: “Này người thanh niên, hãy trỗi dậy!” (Lc 7,14). Ước muốn của Chúa Giêsu trên giới trẻ là thấy họ trỗi dậy. Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là hiện thân của Chúa Giêsu trên trần gian. Ngài cũng nhìn giới trẻ với đôi mắt và ước muốn của Chúa Giêsu, vì thế lúc nào gặp giới trẻ, ngài cũng mời gọi họ trỗi dậy, hãy hướng lòng về những giá trị tinh thần cao cả, hãy vun đắp nền văn minh sự sống và tình thương. Ngài yêu thương và tín nhiệm giới trẻ. Năm 1979, ngài nói với các bạn trẻ ở Galway rằng: “Các con, bạn trẻ thân yêu! Cha đặt niềm tin tưởng nơi các con, Cha tin tưởng nơi các con với tất cả tâm hồn yêu mến và với tất cả niềm xác tín mạnh mẽ của Cha. Các con là tương lai cho quê hương đất nước và xã hội, nơi các con sinh ra, lớn lên và sinh sống. Cha nhìn thấy tương lai Giáo Hội nơi các con. Thiên Chúa sắp xếp chương trình của Ngài cho Giáo Hội và Ngài cần đến các con để thực hiện chương trình của Ngài”.

Lòng yêu mến và tín nhiệm ấy đã dấy lên nơi thế hệ trẻ Gioan Phaolô II một sức sống mãnh liệt. Họ cũng đã yêu mến Đức Thánh Cha hết tình. Những biểu ngữ và những lời tung hô dành cho ngài: “Gioan Phaolô II, chúng con yêu mến ngài” đã chứng tỏ điều đó.

3. Ra đi rao giảng Tin Mừng

Chỉ hơn 3 tháng sau khi kế vị Thánh Phêrô (1978), ngày 25.01.1979, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thực hiện chuyến tông du đầu tiên đến Mexico và Cộng Hòa Dominica tại Châu Mỹ La-tinh. Suốt triều Giáo Hoàng dài hơn 26 năm, ngài đã thực hiện 104 chuyến tông du đến các dân tộc trên mặt đất. Hành trình tông du nếu tính bằng cây số thì dài gấp 3 lần lộ trình từ trái đất đến mặt trăng. Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người lữ hành đức tin không biết mỏi mệt, vì xác tín rằng Tin Mừng của Chúa cần phải được loan báo cho mọi loài thụ tạo. Lời thánh Phaolô luôn vang vọng bên tai ngài và thôi thúc ngài miệt mài tiến bước trên mọi nẻo đường nhân thế: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Tin Mừng ngài rao giảng là Tin Mừng Đức Kitô chịu đóng đinh (x. 1 Cr 1,23), nên ngài cũng đã gặp nhiều đau khổ chống đối.

Loan báo Tin Mừng còn được Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thể hiện bằng nhiều phương cách khác nữa. Ngài là vị Giáo Hoàng đã để lại cho Giáo Hội một gia sản phong phú với 14 Thông điệp, 15 Tông huấn, 44 Tông thư và 11 Tông hiến. Thông điệp cuối cùng của ngài là “Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể” để chuẩn bị cho năm Thánh Thể mà chúng ta đang sống. Việc loan báo Tin Mừng của ngài rất đa dạng. Ngoài ra, còn có những buổi triều yết chung tại quảng trường thánh Phêrô và đại thính đường Phaolô VI, thu hút 17,6 triệu khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới. Riêng năm thánh 2000 cũng đã có trên 8 triệu người về Rôma triều yết Đức Thánh Cha.

4. Vị Giáo Hoàng của Đức Mẹ

Tất cả những thành quả phi thường trên, vượt quá sức tự nhiên của con người, cho dù đó là một con người tài ba lỗi lạc, cần có một sức mạnh siêu nhiên mới thực hiện được. Thật vậy, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã múc lấy sức mạnh siêu nhiên nơi Bí tích Thánh Thể và nhờ lòng yêu mến Mẹ Maria. Ngài thường chìm đắm trong cầu nguyện lâu giờ trước Mình Thánh Chúa. Ngài phó thác mọi sự trong tay Đức Maria. Khẩu hiệu Giám mục của ngài là: “Totus tuus” (toàn thân con thuộc về Mẹ), huy hiệu Giáo Hoàng của ngài là chữ M (Maria) bên cạnh cây thánh giá. Như thế là quá rõ. Ngài phó thác thừa tác vụ Giám mục và Giáo Hoàng của ngài trong tay Mẹ Maria, Người mà ngài hết lòng yêu mến từ thuở nhỏ. Vì thế, trong bất cứ Văn kiện Tòa thánh nào, ngài cũng kết thúc bằng việc hướng lòng về Mẹ và gửi gắm cho Mẹ những người và những việc mà ngài nhắm đến. Với tâm tình phó thác ấy, ngài đã khởi đầu thừa tác vụ Phêrô bằng lời kêu gọi thế giới: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”.

Anh chị em thân mến,

Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ra đi về nhà Cha, nhưng ngài vẫn sống giữa chúng ta trong Giáo Hội qua những giáo huấn và những công trình ngài đã làm cho Giáo Hội. Chúng ta hãy hiệp ý, chung lòng tạ ơn Chúa về tất cả gia sản mà Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã để lại cho Giáo Hội. Chúng ta cũng cầu nguyện xin Chúa đón nhận người tôi trung cao cả này vào Bàn Tiệc Thiên Quốc. Chúng ta cũng xin Chúa cho Giáo Hội luôn trỗi dậy và tiến bước theo đường lối của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vạch ra cho thiên niên kỷ mới. Amen.