Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Hình ảnh Vatican
Kỷ niệm với Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II
Kỷ niệm với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Hình ảnh với Mẹ Têrêxa Calcutta
Hình ảnh với Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận
Thánh lễ Cầu Hồn cho ĐTC Gioan-Phaolô II
Cầu nguyện cho Đức Tân GH Bênêđictô XVI
Thánh lễ dịp Ad-limina 1996
Thánh lễ dịp Ad-limina 2002
Phát biểu tại Thượng HĐGM Thế giới 1994
Phát biểu tại Thượng HĐGM Á Châu 1998
Thánh lễ Giỗ Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

LỄ CẦU NGUYỆN
CHO ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

ĐĂNG QUANG 24-4-2005

Phủ Cam 28-4-2005

1. Anh chị em thân mến,

Cuối ngày 19.04.2005, từ mái Nhà nguyện Sixtina một làn khói trắng bay lên, đồng thời chuông Đền thờ Thánh Phêrô đổ liên hồi, tiếp sau đó Đức Hồng y Medina Estevez, trưởng bậc Hồng y Phó tế ra đứng tại bao lơn Đền thờ Thánh Phêrô dõng dạc công bố rằng: “Tôi loan báo cho anh chị em tin vui trọng đại: chúng ta vừa có Vị Tân Giáo Hoàng, đó là Đức Hồng y Hội Thánh Công Giáo Giuse Ratzinger, ngài chọn danh hiệu là Bênêđictô 16”.

Tiếng vỗ tay vang dội khắp Quảng trường Thánh Phêrô và cả những nơi xem truyền hình trực tiếp.

Một lát sau, Đức Tân Giáo Hoàng xuất hiện trên bao lơn Đền thờ Thánh Phêrô, chào dân chúng và nói mấy lời đầu tiên như sau: “Anh chị em thân mến, sau Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vĩ đại, các vị Hồng y đã chọn tôi, một người đơn mọn và khiêm tốn vào làm việc trong vườn nho của Chúa. Tôi tự trấn an mình, vì biết rằng Thiên Chúa có cách hành động, cả với những dụng cụ yếu kém, và tôi tín thác vào lời cầu nguyện của anh chị em. Trong niềm vui của Chúa Phục sinh và tin tưởng vào ơn phù trợ của Mẹ Maria, chúng ta cùng nhau tiến bước”.

Thế rồi ngày Lễ Đăng Quang đã đến. Vào lúc 10 giờ sáng (giờ Rôma) ngày 24.04.2005, cũng tại Quảng trường Thánh Phêrô, mọi người được sống những giờ phút bừng bừng nao nức như một Lễ Hiện Xuống mới. Hàng triệu con tim như vỡ ra trong tâm tình dạt dào tri ân cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Hội Thánh vị Tân Giáo Hoàng lỗi lạc, uyên bác mà rất mực đơn sơ, nhân hậu, khiêm tốn, thánh thiện. Nhìn vào khuôn mặt của ngài, chúng ta đều cảm nhận như thế.

Bỗng chốc hiện lên trong tâm trí chúng ta bức tranh xinh đẹp dễ thương của cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi mà thánh Luca mô tả trong sách Công vụ Tông đồ: một cộng đoàn hoàn toàn mới mẻ, vui tươi, quảng đại và nhiệt thành. Ai nấy đều chuyên chăm cầu nguyện, lắng nghe giáo huấn các tông đồ, bẻ bánh Thánh Thể, thương yêu đùm bọc nhau, trên thuận dưới hòa (x. Cv 2,42-46). Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động trong cộng đoàn. Người là hơi ấm nội tâm, là sinh lực, là nguồn diệu cảm cho toàn dân: “càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa” (Cv 5,14). Bài đọc I vừa nghe cũng cho thấy điều đó: “Lương dân vui mừng tôn vinh Lời Chúa. Lời Chúa lan tràn khắp miền” (Cv 13,48-49).

Đức Thánh Cha Bênêđictô cũng cảm nghiệm như thế về cộng đoàn Hội Thánh hôm nay. Trong bài giảng Lễ Đăng Quang, ngài nói: “Hội Thánh đang rất sống động: đây là cảm nghiệm tuyệt vời của những ngày này. Trong thời gian đau buồn khi Đức Gioan Phaolô II đau yếu và qua đời, điều thật hiển nhiên và diệu kỳ là chúng ta thấy Hội Thánh đang rất sống động và rất trẻ trung. Hội Thánh đang sống động vì Chúa Giêsu đã Phục sinh và đang sống. Trong những ngày qua, chúng ta đã có thể chạm đến Đấng Phục sinh một cách thật sâu sắc. Sau thời gian u buồn tang tóc, giờ đây chúng ta đã có thể cảm nhận được niềm vui của Chúa Phục sinh”.

2. Anh chị em thân mến,

Người Cha chung của chúng ta hôm nay là vị Giáo Hoàng thứ 265 kế vị tông đồ Phêrô, làm đầu Hội Thánh. Ngài là một người uyên bác, lỗi lạc, xuất chúng: biết 10 thứ tiếng, thấu đáo các vấn đề thần học, triết học, và dày dạn kinh nghiệm trong thừa tác vụ linh mục, giám mục, hồng y, nhất là suốt 24 năm phục vụ tại giáo triều Rôma trong chức vụ Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, và những chức vụ khác tại các Bộ và các Hội đồng Tòa Thánh.

Nhưng ngài không phải là một người khô khan cứng cỏi, thuần lý trí, trái lại ngài khá nhạy cảm, nhạy bén với những con người, với hơi thở của thời đại. Ngài thích âm nhạc, nghệ thuật và chơi đàn Piano rất hay.

Sự quân bình giữa lý trí và tình cảm đã tạo cho ngài một nhân cách quả cảm, đồng thời bình thản trước lời phê bình chỉ trích, trước những trào lưu tư tưởng không chính thống, dễ làm cho người ta, nhất là giới trẻ mất hết điểm tựa, bị trôi giạt vật vờ theo mọi chiều gió. Ngài nói: “Hội Thánh phải biết bình thản nhớ lại quá khứ của mình và nhìn về tương lai không chút lo sợ”.

Ngài mạnh mẽ bác bỏ những lý thuyết biện minh cho lối sống hưởng thụ phóng túng, không tôn trọng sự sống, hạ thấp phẩm giá con người, nhất là “chủ nghĩa tương đối” mà ngài coi là một thứ độc tài chuyên chế trong xã hội hôm nay. Nó tương đối hóa tất cả, không còn gì là tuyệt đối, là vĩnh cửu, là thánh thiêng, nhưng chỉ là là với nhau trên ngọn cỏ, trên mặt đất. Và như vậy thì chỉ còn là bèo dạt mây trôi, không định hướng, không la bàn, không điểm quy chiếu. Nó lại tìm đủ mánh khóe thủ đoạn, cố bắt Tin Mừng phải câm nín trong lòng người, trong lòng thế giới. Thánh Phaolô tông đồ đã cảnh báo từ ngàn xưa cho môn đệ Timôthê rằng: “Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy khác. Họ sẽ ngoảnh tai đi, không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh” (2 Tm 3,3-5).

3. Anh chị em thân mến,

Nhiều người, trong đó có các nhà báo muốn tìm hiểu chương trình hành động của triều đại Giáo Hoàng Bênêđictô 16. Ngài trả lời: “Chương trình cai quản Hội Thánh của tôi không phải là theo ý riêng tôi, cũng không phải là theo đuổi những đường hướng riêng tư, nhưng là cùng với toàn thể Hội Thánh lắng nghe Lời Chúa và thánh ý Chúa, để được Ngài hướng dẫn, để chính Ngài lãnh đạo Hội Thánh trong giờ phút lịch sử này” (x. Bài giảng Lễ Đăng Quang 24.04.2005).

Tuy nhiên qua mấy bài giảng đầu tiên của ngài, chúng ta cũng thoáng thấy một số đường nét chính:

Trước tiên, Đức Tân Giáo Hoàng chắc chắn sẽ theo những định hướng của Công đồng Vatican II, một công đồng mục vụ, một công đồng đối thoại, mở ra với các tôn giáo, các nền văn hóa, mở ra với thế giới mênh mông đa dạng và không ngừng biến chuyển. Ngài nói: “Tôi muốn khẳng định quyết tâm của tôi là sẽ theo đuổi những cam kết được ban hành từ Công đồng Vatican II, để nối tiếp một cách trung thành các vị tiền nhiệm của tôi”.

Dĩ nhiên vị tiền nhiệm trực tiếp là Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mà ngài là cộng sự viên chặt chẽ nhất suốt 24 năm tại giáo triều Rôma, vị tiền nhiệm thánh thiện và tài ba mà ngài nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những ngày qua, với tất cả lòng ngưỡng mộ và trìu mến.

Bên cạnh đó, Đức Tân Giáo Hoàng cũng tìm nguồn cảm hứng cho thừa tác vụ của mình nơi Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđictô 15 mà ngài đã lấy danh hiệu kế tiếp là Bênêđictô 16.

Ngoài ra mỗi vị Giáo Hoàng đều có cách điều hành lãnh đạo với những nhạy bén riêng, dưới ơn soi sáng, gợi ý và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, theo dòng chảy của lịch sử, để đáp ứng những nhu cầu và khát vọng của từng thời đại.

4. Anh chị em thân mến,

Giờ đây chúng ta xin được bộc bạch đôi lời với vị Cha chung:

Tâu Đức Thánh Cha Bênêđictô 16, người Cha chung khả kính, khả ái của chúng con,

Trong Thánh lễ đăng quang (24-04-2005) khai mạc sứ vụ Phêrô của ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngài đã thổ lộ rằng: “Giờ đây trong giây phút này, người tôi tớ yếu đuối của Thiên Chúa là tôi đây, phải lãnh lấy trách nhiệm to lớn này, mà thực sự là vượt quá sức con người. Làm sao tôi gánh vác được sứ vụ này? Làm sao tôi sẽ thực hiện được điều đó?”.

Tâu Đức Thánh Cha,

Người ta thường nghĩ rằng quyền lực là thống trị, do đó là cô đơn. Nhưng đối với Chúa Giêsu và Hội Thánh, quyền bính là phục vụ, do đó là sức mạnh quy tụ, hiệp nhất.

-  Ngài phục vụ công bằng và hòa bình thế giới.

-  Ngài phục vụ toàn thể Hội Thánh, phục vụ chúng con.

-  Ngài không bao giờ cô đơn. Chính ngài cũng cảm nhận điều đó.

-  Ngài được bao bọc bởi tình thương và lời cầu nguyện của đoàn con khắp nơi, của chúng con đây hôm nay.

-  Ngài được nâng đỡ bởi đức tin, đức cậy, đức mến của con cái ngài trên thế giới.

-  Nhất là ngài được Thiên Chúa sủng ái, chúc phúc (Benedictus!) và trao phó trách nhiệm mục tử lãnh đạo Hội Thánh toàn cầu.

Dù tuổi cao sức yếu, nhưng sức mạnh tinh thần của ngài có dư, vì dựa vào sức mạnh của chân lý, sức mạnh của Tin Mừng.

Trong những ngày qua ngài đã lặp lại nhiều lần lời mời gọi của vị tiền nhiệm là Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”. Chúng con cảm thấy rất phấn chấn.

Xin ngài an tâm vững chí. Chúng con nguyện bước theo ngài, cùng đồng hành với ngài trong lời cầu nguyện và lòng mến yêu vâng phục.

Xin ngài tin tưởng phó thác vào lời hứa chắc chắn của Chúa Giêsu nói với Phêrô ngày trước, và hôm nay trực tiếp nói với ngài: “Con là Phêrô nghĩa là Tảng đá, trên Tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực của tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy trao chìa khóa Nước Trời cho con” (Mt 10,18-19).

Xin ngài cho phép chúng con được cùng với ngài thưa lên với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15-17). Amen.