Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Hình ảnh Vatican
Kỷ niệm với Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II
Kỷ niệm với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Hình ảnh với Mẹ Têrêxa Calcutta
Hình ảnh với Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận
Thánh lễ Cầu Hồn cho ĐTC Gioan-Phaolô II
Cầu nguyện cho Đức Tân GH Bênêđictô XVI
Thánh lễ dịp Ad-limina 1996
Thánh lễ dịp Ad-limina 2002
Phát biểu tại Thượng HĐGM Thế giới 1994
Phát biểu tại Thượng HĐGM Á Châu 1998
Thánh lễ Giỗ Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

THÁNH LỄ GIỖ MÃN TANG ĐỨC CỐ HỒNG Y PX. NGUYỄN VĂN THUẬN TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ PHỦ CAM – HUẾ

(Lc 7,11-17 / 08-11-2005)

1. Kính thưa cộng đoàn,

Chúa Giêsu nói với bà góa thành Naïn vừa mất đứa con trai duy nhất: “Thôi, bà đừng khóc nữa”, rồi nói với cậu con một của bà đang nằm trong quan tài: “Hỡi người bạn trẻ, Ta truyền cho con hãy trỗi dậy”.

Lời an ủi này, cử chỉ vực dậy này chạy xuyên suốt cả cuộc đời Chúa Giêsu, xuyên suốt các sách Tin Mừng của Ngài.

Trọn cuộc sống, Chúa Giêsu đã đi ngang qua nhiều cái chết thể xác và nhất là cái chết tinh thần của con người, để gieo mầm sống và niềm hy vọng vào lòng người. Ngài không ngừng kêu gọi con người trỗi dậy và bước đi. Ngài không ngừng khơi nguồn cho những giờ sinh ra, cho những cuộc tái sinh, để con người sống xứng với phẩm giá của mình.

Khi Ngài chữa lành bệnh tật, khi cho kẻ chết sống lại, khi Ngài đàm đạo với ông Nicôđêmô, khi mời gọi con người tỉnh thức, khi Ngài vào nhà ông Dakêu, khi Ngài không lên án người phụ nữ ngoại tình, khi Ngài gọi các môn đệ là bạn hữu..., thì Chúa Giêsu gieo mầm sống và nguồn hy vọng.

Khi Ngài xé rách định mệnh buồn bã ghì trói con người hằng bao thế hệ trong cơ chế xã hội tôn giáo của Do thái, khi Ngài loan báo Nước Trời đã đến, một vương quốc công bình - bác ái - tha thứ, khi Ngài dạy con người biết quảng đại phục vụ cho nhau, khi Ngài bảo môn đệ hãy thương yêu và cầu nguyện cho kẻ thù, thì Ngài đã phục sinh họ và chứng tỏ Ngài là sự sống lại và là sự sống (Ga 11,25).

Ngài tố cáo một thứ tôn giáo chỉ chuộng hình thức bên ngoài, coi trọng một số nghi lễ vô hồn và một số luật lệ vô nghĩa bóp nghẹt sự sống, mà không đề cao tinh thần bên trong và lòng từ nhân của Thiên Chúa. Ngài nói: “Luật nghỉ ngày Sabat là vì con người, chứ không phải con người vì luật Sabat. Con người làm chủ ngày Sabat” (Lc 6,5). Ngài bảo với các luật sĩ và Pharisêu: “Các ông hãy đi học cho biết câu này: “Ta muốn lòng thương xót chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7).

Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời là Tin Mừng Hy vọng: người mù thấy được, người điếc nghe được, người què chạy nhảy được...; Tin Mừng người gieo giống, mùa màng chín rộ; cây vả đâm chồi nở nụ; rượu vui tiệc cưới; áo mới vào bàn tiệc; Tin Mừng một nhúm men làm dậy cả thúng bột; hạt cải nhỏ xíu mọc thành cây lớn sum sê lá cành...

Sự sống, sự bình an và lòng từ tâm của Thiên Chúa chan hòa trong đời thường. Vinh quang của Thiên Chúa không chỉ đậu lại trong Đền thờ, trong các nghi lễ Phụng vụ, mà còn tỏa sáng nơi con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nhất là chói ngời nơi những người nghèo hèn, nơi những kẻ bị tù đày bất công, nơi những người chịu khổ vì Đạo Thánh Chúa... Những nơi đó đang thầm lặng làm nảy sinh mầm sống tin yêu và hy vọng.

Trên các ngả đường, tận những hang cùng ngõ hẻm, Ngài vực dậy những thân phận tối tăm bạc bẻo, vì phải kéo lê một cuộc sống lầm than, hoặc vì bị khinh rẻ loại trừ, hay vì đang nhầy nhụa trong tội lỗi.

Đối với vị ngôn sứ trẻ tuổi này, ai ai cũng có tương lai, không ai bị chôn chặt trong một quá khứ buồn, dù là quá khứ tội lỗi. Ai cũng có thể làm thánh. Có một người đã từng chối Chúa mà lại trở thành thánh Phêrô; có một người đã từng đứng đường ăn sương mà lại thành nữ thánh Mađalêna.

Đâu đâu Ngài cũng đem lại ánh sáng và niềm tin. Lúc nào Ngài cũng mở rộng cánh cửa cứu thế. Một hứng thú sống, một niềm vui sống chưa từng có nay đang đến với mọi người: “Tôi đến để cho trần gian được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), “Tôi đến để cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,10).

Ngay cả trên thập giá khi hấp hối sắp tắt thở, Ngài cũng không ngừng tạo nên sự sống mới, Ngài tiếp tục đem lại niềm hy vọng cho những người chung quanh:

- cho các lý hình: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34);

- cho người kẻ trộm thống hối: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43);

- Ngài gửi gắm Mẹ Maria cho Gioan và trối phú Gioan cho Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà. Đây là mẹ của anh” (Ga 19,26-27).

2. Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang tưởng niệm và cầu nguyện cho các Giám mục và Linh mục trong Giáo Phận nhà đã qua đời, cách riêng Đức cố Hồng y Phanxicô Xavie đã được Chúa gọi về từ 3 năm nay. Ngài là một khuôn mặt lớn, không phải chỉ đối với Giáo Phận Huế chúng ta, đối với Giáo Hội Việt Nam, mà còn đối với Hội Thánh toàn cầu.

Ngài là họa ảnh sống động, phản chiếu con người Chúa Giêsu là Đấng hằng yêu thương và đem niềm hy vọng đến cho mọi người. Khẩu hiệu Giám mục của ngài là “Vui mừng và Hy vọng” (Gaudium et Spes), gồm 2 tiếng đầu của Hiến chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay, của Công đồng Vatican II.

Ngài luôn sống trong vui tươi và hy vọng. Ngài mãi mãi là người lữ hành trên đường hy vọng. Sứ mạng ngài đeo đuổi suốt đời là gieo niềm hy vọng trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường phục vụ.

Ngài là chứng nhân hy vọng. Xung quanh ngài chiếu tỏa bầu khí vui tươi, bình an và hy vọng:

Khi ngài làm Cha phó Giáo xứ Phanxicô, hay làm Giáo sư, rồi Giám đốc Tiểu Chủng viện, hoặc Tổng Đại diện Giáo Phận, khi làm Giám mục Nha Trang, khi bị quản chế cầm tù, khi làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình.

Trong một bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma mùa Chay Thánh năm 2000, ngài nói: “ngây ngất trước Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là tất cả mọi sự của con (Deus meus et omnia), con muốn cùng Chúa Giêsu trở thành nguồn hy vọng trong khu vườn thế giới, như thi hào Charles Péguy nói: “Ta tự hỏi: làm sao nguồn suối Hy vọng có thể mãi trẻ trung, tươi mát, sinh động..., Thiên Chúa phán: “Hỡi dân tốt lành, điều ấy không khó lắm đâu... Nếu nguồn Hy vọng ấy chỉ muốn dùng nước trong, để làm nên những nguồn mạch tinh khiết, thì sẽ chẳng bao giờ tìm cho đủ nước trong toàn thể các tạo vật của Ta. Nhưng chính còn với những nguồn nước đục ngầu, mà nguồn Hy vọng ấy dùng để biến thành những nguồn nước trong. Và chính vì thế mà chẳng bao giờ thiếu nước, cũng vì vậy mà nguồn ấy là Hy vọng... Đó chính là bí quyết đẹp nhất trong khu vườn thế giới” (x. Chứng nhân Hy vọng, tr. 47-48).

Cuộc đời chìm nổi của Đức cố Hồng y đã làm chứng cho điều ngài ghi chép và rao giảng. Ngài đã từng làm cho nước ngầu đục trở nên trong lành. Như tổ phụ Abraham, ngài luôn hy vọng, cả những lúc hầu như tuyệt vọng. Thánh Phaolô nói: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông Abraham vẫn trông cậy và vững tin” (Rm. 4,18).

Chiếc tàu thủy chở ngài đi tù, ngài xem đó là ngôi nhà thờ Chính tòa đẹp nhất của ngài (Chứng nhân Hy vọng, tr. 133).

Ngài coi nhà tù là môi trường mục vụ và truyền giáo tuyệt hảo. Ngài nói: “Từ nay, các tù nhân này, không loại trừ ai, đã là dân Thiên Chúa được trao phó cho việc chăm sóc mục vụ của tôi. Tôi ở tù là do sự quan phòng của Thiên Chúa, do ý muốn của Ngài. Tôi nói tất cả những điều này cho anh em tù nhân Công giáo khác biết, và đã nảy sinh giữa chúng tôi một sự hiệp thông sâu xa, một dấn thân mới. Chúng tôi được mời gọi cùng nhau trở thành các chứng nhân hy vọng cho tất cả mọi người” (Ib. tr. 133).

Ngài không bao giờ oán hận một ai, nhưng lấy tình thương mà cảm hóa lòng người. Ngài nói: “Đêm nọ, một tư tưởng đến với tôi: này Phanxicô, con còn giàu lắm, vì con có tình yêu của Chúa Kitô trong tim, hãy yêu thương họ như Chúa đã yêu thương con!” (Ib. tr. 121). Ngài nói tiếp: “Không có một tình yêu mạnh mẽ, chúng ta không thể trở thành chứng nhân hy vọng được” (Ib. tr. 115).

3. Anh chị em thân mến,

Kitô hữu phải là con người của hy vọng và gieo rắc niềm hy vọng. Họ luôn hy vọng, vì biết mình từ đâu đến và đang đi về đâu. Họ biết mình đến từ Thiên Chúa và trở về với Ngài, để mãi mãi chan hòa trong sự sống và tình yêu của Chúa Ba Ngôi, cùng hiệp thông với Mẹ Maria, với các Thiên thần và các Thánh. Họ biết mình được Chúa mời gọi bước vào trời mới đất mới, vượt lên trên mọi mơ ước của con người, như thánh Phaolô nói: “Đó là điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng chưa từng nghĩ tới, nhưng Thiên Chúa lại đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Ngài” (1 Cr 2,9).

Ước gì mỗi người chúng ta lúc lìa trần có thể hân hoan cảm tạ Chúa và hát lên bài đáp ca của Phụng vụ mùa Vọng lặp đi lặp lại nhiều lần:

“Ôi Đấng khôn ngoan thấm nhập cuộc đời con, từ thuở mới sinh cho đến giờ lâm tử, hằng hướng dẫn con từng bước đi, trong từng chi tiết, nâng đỡ đời con cho đến giây phút cuối cùng, bằng bàn tay dũng mạnh và với tình yêu thương ân cần trìu mến”. Amen.

Ngày 22-10-2010, Thánh lễ mở án phong chân phước ở cấp Giáo Phận cho Đức Cố Hồng Y PX.Nguyễn Văn Thuận tại nhà thờ Đức Mẹ Maria Scala ở Rôma. Đây là Nhà thờ Hiệu tòa của Đức Cố Hồng Y và chính tại bàn thờ này cách đây 9 năm là nơi ĐHY đã thường dâng Thánh lễ.