Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Hình ảnh Vatican
Kỷ niệm với Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II
Kỷ niệm với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Hình ảnh với Mẹ Têrêxa Calcutta
Hình ảnh với Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận
Thánh lễ Cầu Hồn cho ĐTC Gioan-Phaolô II
Cầu nguyện cho Đức Tân GH Bênêđictô XVI
Thánh lễ dịp Ad-limina 1996
Thánh lễ dịp Ad-limina 2002
Phát biểu tại Thượng HĐGM Thế giới 1994
Phát biểu tại Thượng HĐGM Á Châu 1998
Thánh lễ Giỗ Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM - AD LIMINA - 1996

THÁNH LỄ TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ, NGOẠI THÀNH RÔMA (09.12.1996)

DỊP ĐOÀN GIÁM MỤC VIỆT NAM VIẾNG MỘ HAI THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

(Suy niệm Tin Mừng Mc 16,15-18)


Rôma 12/1996

Trọng kính Quý Đức Cha,

Thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

1. Chúng ta đang hành hương về nguồn, về với Hội Thánh tông truyền, siết chặt thêm nữa mối dây liên kết chúng ta với Chúa Giêsu và Hội Thánh Người qua các tông đồ, đặc biệt là hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.

Bên mộ thánh Phêrô, chúng ta đã tuyên xưng đức tin,

Hôm nay bên mồ thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi truyền giảng đức tin, loan báo Tin Mừng.

Mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mt 28,19).

Thánh Phaolô nói: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

Đọc các bức thư đầy tâm huyết của thánh Phaolô, chúng ta thấy rõ đây là con người sống chết cho Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài. Đây là một người tình say đắm, chiêm niệm trầm lặng, đồng thời là một vị tông đồ truyền giáo hoạt động xông xáo, gan dạ, chịu đựng, kiên trì.

Anh chị em thân mến,

2. Thánh Phaolô là nhà truyền giáo lỗi lạc, mẫu mực.

Ngài là con người ngoại thành: sống ngoài thành Giêrusalem, chết ngoài thành Rôma. Đây là một biểu tượng có ý nghĩa:

Không một thành lũy nào dù là hữu hình, dù là vô hình che chắn được tầm nhìn của nhà truyền giáo, ngăn cách được trái tim của vị tông đồ. Thánh Phaolô băng qua các miền địa dư, các vùng văn hóa khác nhau. Ngài vượt qua các lề luật và truyền thống Do thái… để đem Tin Mừng Chúa Giêsu tái tạo lại con người và thế giới.

Đúng vậy, thánh Phaolô là con người không biên giới, con người của lồng lộng gió ngàn và biển khơi: vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12,15), trở nên tất cả cho mọi người (1 Cr 9,22).

Ngài là con người ngoài thành: con người của những cuộc xuất hành, cả trong không gian địa lý, cả trong không gian tinh thần; luôn ra đi, lên đường: “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,13).

3. Và trước tiên là ra khỏi chính mình:

Đó là sự từ bỏ mà mọi ơn gọi đều đòi hỏi, nhất là ơn gọi tông đồ.

Từ bỏ gia đình, của cải… tương đối dễ. Từ bỏ chính mình khó hơn nhiều: từ bỏ ý riêng, danh vọng, tự ái, uy thế dính chặt vào bản thân mình.

Từ khi nghe tiếng Chúa Giêsu phiền trách: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta” (Cv. 9,4), thì Sa-un hồn xiêu phách tán và liền hiểu rằng mình đã sai lầm về các giá trị. Với ơn Chúa, Phaolô đã từ bỏ những gì trước đây ông cho là quan trọng thit thân nhất với mình.

Trong thư gửi giáo đoàn Philipphê, thánh Phaolô xác nhận rằng: “Nếu ai khác có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn: tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi. Nhưng những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,4-9).

Thánh Phaolô đã trở lại với Chúa Giêsu… Ngài tiếp tục trở lại luôn mãi, bằng những từ bỏ hằng ngày: từ bỏ con người cũ, xây dựng con người mới trong Đức Giêsu, cậy dựa vào sức mạnh và khôn ngoan của thập giá Người, để có thể trở nên dụng cụ sắc bén và hữu hiệu của Chúa cho việc tông đồ truyền giáo:

- “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”.

- “Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2 Cr 4,16).

4. Dần dà vị tông đồ đã trở nên thanh thoát, luôn ứng trực sẵn sàng với Chúa và Giáo Hội (disponible), dù gặp phải gian truân, thử thách. Thánh Phaolô bất chấp “gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bạn tâm lo cho tất cả các Hội Thánh. Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2Cr 11,26-29).

(Disponibilité): luôn sẵn sàng, không so đo, tính toán, câu nệ, dù gặp thuận tiện hay không thuận tiện. Phải chăng đó là đặc tính hàng đầu của đời tận hiến, của người môn đệ?

Từ bỏ, sẵn sàng đòi hỏi người tông đồ đào luyện một tâm hồn nghèo khó và khiêm nhượng.

5. Hôm nay chúng ta rất xúc động được cử hành Hy tế Tạ ơn bên cạnh mộ thánh Phaolô tông đồ.

Chúng ta được khích lệ, được tăng cường sức mạnh, niềm vui và hy vọng trên bước đường tông đồ truyền giáo.

Quê hương Việt Nam là xứ truyền giáo. Số người công giáo vào năm 1996 này thực sự chỉ xấp xỉ 5 triệu người trên số dân gần 73 triệu. Quá nhỏ bé!

Đó mới chỉ nói tới con số.

Còn nhiều lãnh vực mà Giáo Hội tại Việt Nam xem ra chưa có tiếng nói, chưa đưa men Phúc Âm vào được.

Trong thông điệp Redemptoris Missio, Đức Thánh Cha nói đến những Aéropages mới, những lãnh vực truyền giáo hiện đại như vấn đề thông tin, đô thị hóa, công nghiệp hóa…

Có rất nhiều lãnh vực (Aéropages) tại Việt Nam chúng ta như: nền văn hóa dân tộc, giới văn nghệ sĩ, giới trí thức, học sinh, sinh viên, giới công nhân, ngân hàng, bưu điện, xí nghiệp… và nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh, dưới nhiều hình thức. Với tất cả những lãnh vực (Aéropages) này, hình như chúng ta chưa quan tâm đủ.

Chúng ta tạ ơn Chúa vì Giáo Hội tại Việt Nam đang sống động.

Nhưng chúng ta cũng tỉnh thức, kẻo Giáo Hội bị đẩy ra ngoài lề xã hội, kẻo men nằm riêng rẽ, mà không hòa vào trong bột, cho nên không làm cho bột dậy lên được.

6. Tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ Hội Thánh đã cho chúng ta được hành hương về nguồn bên mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là hai cột trụ, là hai mẫu mực cho đời sống và thừa tác vụ chúng ta.

Thánh Phêrô như đá, như núi. Duy trì khía cạnh cơ chế: tự tại, ổn định, vững chắc với quyền bính, hệ thống tổ chức…

Thánh Phaolô như gió ngàn, như biển khơi. Bảo toàn khía cạnh đoàn sủng: tự do, sáng tạo, bén nhạy, uyển chuyển, trăm hoa đua nở…

Hai vị tông đồ hoàn toàn khác nhau cả về tâm tính, cả về quan điểm, đường hướng phục vụ, nhưng đã hòa quyện với nhau, bổ túc cho nhau để xây dựng Hội Thánh được trường tồn, phát triển và canh tân không ngừng.

Chúng ta cần có cả hai vị, cần cả hai chiều kích trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn và toàn thể Hội Thánh, để tất cả cùng giữ được thăng bằng và cùng cất cánh bay nhanh, bay cao, bay xa. Amen.