Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Hình ảnh Vatican
Kỷ niệm với Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II
Kỷ niệm với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Hình ảnh với Mẹ Têrêxa Calcutta
Hình ảnh với Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận
Thánh lễ Cầu Hồn cho ĐTC Gioan-Phaolô II
Cầu nguyện cho Đức Tân GH Bênêđictô XVI
Thánh lễ dịp Ad-limina 1996
Thánh lễ dịp Ad-limina 2002
Phát biểu tại Thượng HĐGM Thế giới 1994
Phát biểu tại Thượng HĐGM Á Châu 1998
Thánh lễ Giỗ Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM - AD LIMINA - 2002

THÁNH LỄ KÍNH THÁNH PHÊRÔ TẠI ĐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ – RÔMA (16.01.2002)
DỊP ĐOÀN GIÁM MỤC VIỆT NAM VIẾNG MỘ HAI THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Cuộc viếng thăm Ad limina của các Giám mục Việt Nam có mục đích:

-   củng cố trách nhiệm của các Giám mục trong tư cách là những người kế vị các thánh tông đồ;

-   tăng cường sự hiệp thông phẩm trật với Đấng kế vị Thánh Phêrô,

-   kính viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là cột trụ của Hội Thánh.

Hôm nay chúng ta cử hành Hy tế Thánh Thể bên mộ Thánh Phêrô, chúng ta cảm thấy được tắm gội tận suối nguồn đức tin tông truyền.

Xin đề nghị chúng ta cùng suy gẫm hành trình thiêng liêng của Thánh Phêrô trên bước đường theo Chúa Kitô.

Đi từ cái tôi chắc nịch mà hời hợt, tự mãn, đến cái tôi tâm hư mà sâu sắc, phó thác. Chúng ta thử xem tảng đá Kêpha đã được tôi luyện, đẽo gọt như thế nào để trở thành Đá tảng nền móng của Hội Thánh.

1. Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Một lời tuyên xưng dõng dạc, rõ ràng, không chút ấp úng. Thật đẹp, thật hồn nhiên, dễ dàng, lạc quan, không có vấn đề.

a. Một đức tin đầy hứng khởi, trước những thành công và nhiều phép lạ của Thầy Giêsu.

Và lời hứa của Chúa Giêsu cũng minh bạch chắc chắn: “Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”.

Dĩ nhiên chính Chúa Giêsu là nền móng vô hình của Hội Thánh, là Tảng Đá mà thợ xây loại bỏ, nhưng đã trở nên Đá móng góc tường. Còn Phêrô là nền móng hữu hình sau khi Chúa Giêsu chết, sống lại và lên trời. Phêrô và các Đấng kế vị Ngài là nguyên lý hữu hình bảo đảm sự hiệp nhất trong Hội Thánh.

b. Hội Thánh là cảnh vực tối ưu, có khả năng làm cho Thầy chí thánh hiện diện và làm cho người tín hữu cảm nhận được Ngài đang sống và tác động.

Không ai có thể cho rằng mình đến được với Đức Kitô mà không ngang qua Hội Thánh. Không ai nghĩ rằng mình có thể đơn độc và trực tiếp tìm gặp Đức Kitô mà chẳng cần Hội Thánh. Vì như thế là tự xây dựng một Đức Kitô theo khuôn mẫu của mình, là tưởng tượng ra một vị Chúa hợp với sở thích của mình.

2. Tiếp theo lời tuyên xưng đức tin của Phêrô là viễn tượng thập giá. Đức Giêsu tỏ cho các môn đệ là Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.

a. Trước viễn ảnh cuộc khổ nạn, Phêrô thụt lùi một bước. Đức tin của ông không còn sởn sơ như trước nữa, nhưng đã bắt đầu có những trăn trở, những uẩn khúc, những chao đảo.

Vừa mới được khen là có phúc, giờ đây Phêrô bị gọi là satan. Lúc nãy, Phêrô là Đá, bây giờ Phêrô là cớ vấp phạm. Từ địa vị tảng đá nền móng, trên đó Đức Giêsu hứa xây dựng Hội Thánh Người, giờ đây Phêrô trở nên viên đá vấp phạm mà chính Đức Giêsu suýt nữa va vào.

b. Không phải vô tình mà thánh Matthêu tường thuật kế cận nhau lời Đức Giêsu ca tụng, rồi khiển trách môn đồ mình. Các tác giả Tin Mừng đặt tương phản giữa sự yếu đuối của Phêrô với cái tên Kêpha là Đá tảng vững chắc:

-để cho thấy lời tuyên xưng đức tin dõng dạc phải được kiểm nghiệm, được tôi luyện trong mầu nhiệm thập giá, và:

-để cho thấy không phải nhờ các đức tính tự nhiên, không phải căn cứ vào con người phàm tục, con người máu thịt nơi Phêrô mà Phêrô là Đá tảng, trên đó Đức Giêsu xây dựng Hội Thánh Người, nhưng chính nhờ ân sủng, nhờ Chúa chọn gọi: “Này Simon con ông Giôna, anh thật có phúc. Vì không phải thịt và máu (nghĩa là con người phàm) mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy”.

c. Trong việc bột phát chống lại cuộc khổ nạn của Đức Kitô, rõ ràng là Phêrô đã để cho thịt và máu lên tiếng.

Phêrô tuyên xưng đức tin một cách bản lãnh. Phêrô rất xác tín. Phêrô quảng đại, ý thức trách nhiệm và sứ mạng đè nặng trên vai. Nhưng hình như cái chủ thể tuyên xưng này vẫn còn nhiều “thịt và máu”, vẫn còn nghĩ mình có một cái gì đó mà Chúa Giêsu dựa vào để chọn gọi mình.

d. Có một cách tự tin nào đó… đến đổi trở thành tự phụ tự đắc có nguy cơ làm hỏng hết mọi chuyện.

Đôi khi cái lô-gích rất người, rất đời, rất khoa học của chúng ta còn chặt chẽ quá, hoàn hảo quá, hợp lý hợp tình quá, không còn chỗ cho cái lô-gích thần linh huyền nhiệm của thập giá nữa.

Chúng ta cần được thanh luyện mỗi ngày, vì cái phàm tục thịt và máu vẫn đeo đẳng trong con người chúng ta suốt đời, len lỏi vào trong những cái đạo đức nhất, len lỏi vào ngay cả trong những lối thể hiện đức tin và loan truyền đức tin.

3. Chúng ta đi thêm một bước nữa trong hành trình thiêng liêng của Phêrô dấn thân theo Chúa Giêsu. “Ngay lúc đó có tiếng gà gáy. Ông Phêrô sực nhớ lời Đức Giêsu nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Mt 26,74-75).

a. Thảm kịch nội tâm mà Chúa Giêsu đã để cho Phêrô phải trải qua là một trong những thử thách khủng khiếp nhất mà một người có thể trải qua, khi người ấy nghi ngờ tất cả những gì đã làm nên nền giáo dục đạo đức của mình.

Phêrô tự nhủ như đang vỡ mộng: Có phải thực sự đó là vị Thiên sai mà tôi đã đặt hết niềm tin chăng?

b. Phêrô cần phải buông tất cả mọi điểm tựa nơi con người mình, buông hết máu và thịt, để có thể trở thành Đá tảng của Hội Thánh. Phêrô cần có cái kinh nghiệm vừa dễ nhất mà cũng khó nhất của cuộc sống: Đó là kinh nghiệm để cho mình được yêu thương.

Phêrô đã muốn cứu Chúa Giêsu khỏi cuộc khổ nạn, nhưng thực sự chính Chúa Giêsu đã cứu Phêrô. Ông phải hiểu rằng chính ông là người được cứu độ, là người nhận được ơn tha thứ của Chúa Giêsu, là người đầu tiên được ký thác lòng thương xót của Tin Mừng.

Cho đến đây, ông luôn tự phụ cho rằng mình là người đầu tiên làm được một cái gì. Bây giờ thì ông hiểu ra rằng, trước mặt Thiên Chúa, người ta không thể làm được gì khác ngoài việc để cho mình được yêu thương, để cho mình được tha thứ, để cho mình được cứu độ.

Phêrô đã muốn chết cho Chúa Giêsu. Giờ đây, ông thấy rằng chính Chúa Giêsu muốn chết cho ông, và cái thập giá mà ông muốn Thầy mình đừng vác lấy lại là dấu hiệu của tình yêu, của ơn cứu độ.

Phêrô phải trả giá để có được cái cảm nghiệm căn bản đó. Nó cho phép ông sau này trở thành:

-   người rao giảng Tin Mừng cứu độ,

-   người củng cố đức tin cho anh em mình,

-   người công bố tình thương tha thứ của Chúa, và trở thành Đá tảng kiên vững của Hội Thánh.

c. Kính thưa cộng đoàn,

Trong những ngày này, anh em Giám mục chúng tôi được sống chan hòa giữa sự ân cần, lo lắng, đùm bọc của Đức Thánh Cha, của Giáo triều Rôma, của các anh chị em trong đức tin ở tại Rôma này, và ở các nơi khác đang hướng vọng về các chủ chăn. Chúng ta hãy trải lòng mình ra, để được Chúa yêu thương, Hội Thánh yêu thương.

Để cho đức tin của chúng ta được thấm đẫm lòng mến. Một đức tin lão luyện, biết điều hơn. Một đức tin khiêm tốn, thâm trầm hơn. Một đức tin bén nhạy hơn trong yêu thương và phục vụ.

Chúa Giêsu sống lại đã tái sinh Phêrô trong đức tin nguyên tuyền, để từ nay, ông thực sự là Tảng Đá nền móng cho Hội Thánh, là mục tử chăn dắt đoàn chiên của Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta cũng được sinh lại mỗi ngày, trở thành bé thơ trong tình yêu Chúa Giêsu, dù ở bất cứ địa vị nào. Và cùng với Thánh Phêrô, chúng ta thưa lên thực lòng và tận đáy lòng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Amen.