Gia đình Cựu Chủng Sinh Giáo phận Huế

GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ SINH HOẠT CỦA GIA ĐÌNH CỰU CHỦNG SINH HUẾ
Từ ngày có Chủng viện của Giáo phận Đàng Trong (Chủng viện Thánh Carôlô ở Thợ Đúc 1740-1750) thì cũng có các cựu chủng sinh (CCS), vì Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít. Họ đã tích cực tham gia phục vụ Giáo hội thời cấm cách, nhất là đời Đức Cha Jean Labartette (1784-1823).

Vị Thánh cựu chủng sinh duy nhất của Giáo phận Huế là Simon Phan Đắc Hòa (1774-1840). Ngài đã tu học một thời gian trong Tiểu Chủng viện Di Loan, Quảng Trị (kỳ I: 1784-1798).

Những cựu chủng sinh đóng góp nhiều cho việc truyền giáo và xây dựng Giáo hội Việt Nam nói chung và Giáo phận Huế nói riêng, cũng đồng thời kiến tạo đất nước, để lại tiếng tăm vang lừng, là các cụ Micae Ngô Đình Khả (1857-1923) và Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài (1863-1835).
 
Hai cựu chủng sinh thời danh: Micae Ngô Đình Khả và Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài

A. Tổ chức Cựu Chủng sinh Giáo phận Huế hình thành (1959)

Hội Cựu Chủng sinh Giáo phận Huế chính thức ra đời năm 1959. Cuộc họp mặt thành lập Hội được tổ chức vào hè năm ấy tại Cảnh Dương (Phú Lộc, Thừa Thiên) và đã bầu ra Ban Điều hành gồm Hội trưởng Hoàng Ngọc Trợ và các Cố vấn: Ngô Đình Nhu, Nguyễn Thế Như, Nguyễn Thế Thoại. Những cựu chủng sinh năng nỗ trong việc thành lập Hội, tham gia Ban Điều hành và những sinh hoạt của Hội bấy giờ là các ông Nguyễn Văn Ban, Đặng Văn Thiên, Lê Quang Tung, Hồ Đắc Trong, Lê Văn Sâm, Lê Văn Bường, Hồ Ngọc Tâm, Lê Thiện Giáo, Nguyễn Văn Nghiêm, Nguyễn Ngọc Hạp…. Một số trong họ có vai vế giữa đời.

Khoảng năm 1962, tại Tiểu Chủng viện Hoan Thiện, thời cha Giám đốc PX Nguyễn Văn Thuận, Hội có tổ chức một cuộc họp mặt cựu chủng sinh hai trường An Ninh và Phú Xuân mà một số đang giữ chức vụ lớn trong xã hội.

Ở Đà Nẵng, khoảng 1959-1963, mỗi tháng Hội Cựu Chủng sinh Huế đều sinh hoạt tại nhà ông Nguyễn Văn Ban (gốc Phường Đúc, thân phụ 2 Lm Nguyễn Văn Nghi & Lm Nguyễn Quý Trọng). Thường có mặt các ông Nguyễn Văn Ban, Đặng Văn Thiên, Hồ Văn Huế, Lê Thiện Giáo, Trần Văn Trí, Đỗ Bá Cần, Lê Văn Cử, Nguyễn Cần, Bùi Văn Giải, Lê Thiện Niên, Lê Thiện Sĩ, Nguyễn Thanh Vang.

Sau ngày 30-4-1975, Hội chấm dứt hoạt động.

B. Tổ chức Cựu Chủng sinh Giáo phận Huế sau năm 1975

Sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, dòng người từ Quảng Trị, một số từ Huế và Đà Nẵng đổ về phía Nam hình thành nên 2 vùng kinh tế mới lớn là Quảng Thuận (thuộc tỉnh Ninh Thuận ngày nay) và Vĩnh Linh-Cam Ranh (thuộc tỉnh Khánh Hòa ngày nay). Trong đó có không ít gia đình Công giáo và gia đình chủng sinh Giáo phận Huế.

Sau biến cố 30-4-1975, nhiều người Việt lại ra nước ngoài định cư dưới nhiều hình thức như vượt biên, vượt biển, tỵ nạn hay đoàn tụ gia đình. Trong số đó, có nhiều linh mục và cựu chủng sinh Giáo phận Huế của 3 Tiểu Chủng viện An Ninh (từ trước đến 1953), Phú Xuân (1953-1961) và Hoan Thiện (1962-1979 [2]); tất cả khoảng 280 người gồm: Hoa Kỳ: 226 người, Canada: 16. Úc: 13, Pháp: 10, Ý: 5, Na Uy: 4, Đức: 2, Nhật: 2, Anh: 1, Bỉ: 1…

Tại một số tiểu bang hay quốc gia, ngoài lý do đồng hương, anh em Cựu Chủng sinh Huế còn vì lý do đồng môn, đã sớm quy tụ bên nhau, sinh hoạt trong tình huynh đệ. Thời gian này ở Việt Nam, Cựu Chủng sinh Huế cũng dần dần quy tụ lại thành nhóm (theo trường hoặc lớp) ở 3 vùng Thừa Thiên-Quảng Trị, Nha Trang-Ninh Thuận và Sài Gòn-Xuân Lộc.

1.  Từ các nhóm, hội theo vùng…

+ Có lẽ sớm nhất là tại giáo xứ Quảng Thuận, Ninh Thuận, khoảng năm 1980. Cựu Chủng sinh Huế quy tụ thành tổ chức nhờ những cánh chim đầu đàn là thầy Giuse Võ Quý HT62 (trở về từ Giáo hoàng Học viện Piô X, Đà Lạt, sau năm 1975) và thầy Giuse Lê Minh Công PX61 (trở về từ Đại chủng viện Huế năm 1978). Anh em hình thành một nhóm nhỏ, tích cực cộng tác với cha Quản xứ Giacôbê Bùi Chung, dấn thân phục vụ Giáo xứ để duy trì và tiếp tục nuôi dưỡng lý tưởng linh mục, đồng thời tổ chức sinh hoạt thiêng liêng chung (tĩnh tâm, xưng tội) vào các mùa phụng vụ… Lễ bổn mạng mỗi người cũng là cơ hội thuận tiện để anh em cùng ngồi lại với nhau. Đặc biệt lễ mừng kính Thánh Tôma Trần Văn Thiện (21-09) liên tục được tổ chức hàng năm với việc dự thánh lễ và vui chơi với nhau 1 ngày.
 
Anh em Quảng Thuận năm 1982. Cha Bùi Chung (mang kính) ngồi giữa

Từ khoảng năm 1990, anh em Quảng Thuận và Cam Ranh hợp nhất, tạo thành nhóm Cựu Chủng sinh Huế vùng Ninh Thuận-Cam Ranh. Sự kết nối giữa anh em đang sinh sống trong cùng Giáo phận Nha Trang được củng cố và phát triển khi có nhiều người trong nhóm lãnh nhận hồng ân linh mục: Năm 1991: cha Giuse Võ Quý[3], năm 1995: các cha Phêrô Lê Minh Cao, Anrê Lê Văn Hải (Quảng Thuận), Phêrô Trần Ngọc Anh, Giuse Nguyễn Văn Nghĩa (Ban Mê Thuột), Inhaxiô Hồ Thông, GB Nguyễn Vinh, Phêrô Nguyễn Thời Bá (Cam Ranh), Giuse Lê Thiện Vang (gốc Dòng Thánh Tâm Huế)…

Năm 1998, được bầu thay thế anh Lê Minh Công PX61, anh Lê Văn Hùng HT69 làm trưởng nhóm đẩy mạnh việc nối kết huynh đệ trong vùng Nha Trang-Ninh Thuận, giữa các vùng trong nước với nhau và với hải ngoại. Việc liên lạc bắt đầu dễ dàng hơn, nhờ có điện thoại và internet, nên đã có thêm các hoạt động nhằm gắn bó anh em, khởi đầu là chương trình “Học bổng Tôma Thiện” (năm 2000) do một số cha và anh em tại Sài Gòn khởi xướng, đồng thời vùng Nha Trang-Ninh Thuận nhận trách nhiệm biên tập và phổ biến Tờ Liên Lạc (tên đầy đủ: Liên lạc Gia đình Cựu Chủng sinh Huế, đã phát hành được 20 số), phương tiện truyền thông duy nhất của Cựu Chủng sinh Huế thời bấy giờ.

+ Tại Sài Gòn, vào ngày 21-9-1981, một cuộc tưởng niệm được tổ chức trong nước mắt bi thương, trong nhung nhớ khôn nguôi về ngôi trường Chủng viện đã mất, trên một căn gác xép tại đường Tô Hiến Thành, quận 10, gần chợ Hoà Hưng. Cuộc tưởng niệm quy tụ 3 anh em chung phòng trọ, gồm Phêrô Nguyễn Huệ HT69 (sau này là linh mục Gp. Xuân Lộc năm 2000), GB Nguyễn Vinh HT69 (sau này là linh mục Gp. Nha Trang năm 1995), Nguyễn Hùng Dũng HT71, thêm Nguyễn Văn Tịnh HT68, đã rời Chủng viện trước 1975, nhưng tấm lòng luôn nặng trĩu với Nhà trường. Trong Lễ giỗ tha phương đầu tiên ở phương Nam này không có Thánh lễ, bài vị Bổn mạng, hương hoa bái tế… chỉ có một ngọn nến leo lét và bốn tấc lòng thành kính hồi tưởng… Nhưng từ đó, nhóm Cựu Chủng sinh Huế phía Nam (hay còn gọi là Nhóm Sài Gòn-Xuân Lộc) hình thành, và hàng năm đều có họp mặt, ban đầu tại các nhà riêng, sau tại các nhà thờ. Một Ban đại diện cũng ra đời để tổ chức sinh hoạt.

Những năm tiếp theo từ 1990, đời sống kinh tế có phần khấm khá hơn, thông tin liên lạc tương đối thuận tiện, nên anh em quy tụ mỗi lúc một nhiều. Một số linh mục Huế sống trong vùng cũng ưu ái đến dâng Thánh lễ và chung vui: quý cha Trần Văn Dụ, Lê Văn Ngọc, Trần Văn Lộc, Phạm Anh Thái (Dòng Phanxicô), Ngô Phục, Lê Đăng Ảnh, Đức ông Nguyễn Văn Lập… Các ngài đã sát cánh với anh em trong sinh hoạt mới này. Tiếp bước những vị cựu trào, các linh mục trẻ thuộc thế hệ đàn em đã tiếp tục kiến nghiệp cho phía Nam như: Cha Phêrô Nguyễn Huệ nhận làm linh hướng từ đầu đến tận bây giờ, cha PX Phan Chiếm (Xuân Lộc) luôn quảng đại, sẵn sàng tổ chức mọi sự kiện liên quan đến Cựu Chủng sinh Huế, cha Giuse Phạm Thọ (Phan Thiết, lớp út HT74) cũng hết lòng hết dạ với Cựu Chủng sinh Huế. Hy sinh, đóng góp nhiều cho việc phát triển, phải kể đến các anh Nguyễn Văn Tịnh HT68 (trưởng Ban Đại diện từ 1981 đến 2002), Nguyễn Thế Cường HT69, Trương Văn Minh HT71…
 
CCS Huế vùng Sài Gòn – Xuân Lộc cùng các Linh mục gốc Huế. Chụp khoảng đầu thập niên 1990
 
+ Tại Huế, từ giữa năm 1980, nhiều anh em trường Hoan Thiện lẻ tẻ đến gặp cha cựu giám đốc Phêrô Nguyễn Hữu Giải mà bây giờ trở thành Quản xứ Lương Văn kiêm đặc trách chủng sinh tại gia. Nhưng thầy trò chưa làm với nhau được gì nhiều thì từ tháng 3-1984, cha Phêrô đã bị bắt tù vì lý do tôn giáo. Từ 1990, đang khi chịu quản thúc ở nhà xứ Nguyệt Biều, cha lại tiếp tục liên lạc với Cựu Chủng sinh Huế. Những ai còn muốn tiếp tục ơn gọi thì ngài tổ chức học tập, chuẩn bị cho ngày Đại Chủng viện chính thức mở lại; những ai muốn sống đời giáo dân thì ngài củng cố tinh thần bằng cách gởi đến anh em ý lực sống trong các suy tư của chị Chiara Lubich (sáng lập phong trào Focolare) với lời ngài diễn giải, đồng thời gợi ý anh em hãy liên kết với nhau. Lúc bấy giờ các CCS niên khóa HT67 được thầy Phaolô Nguyễn Luận, bạn cùng lớp, chủ trì họp mặt hằng tháng, mỗi lần mỗi nhà và cứ xoay vần cho đến hết năm. Các niên khóa khác cũng dần dần bắt chước với những mô hình sinh hoạt hợp với hoàn cảnh của lớp mình.

Khi nhóm Cựu Chủng sinh Huế càng ngày càng đông và bắt đầu liên kết với nhau, do đó cần nơi sinh hoạt rộng rãi, thì được sự quan tâm của cha giáo Stanitlaô Nguyễn Đức Vệ (1972-1975), Quản xứ Gia Hội. Ngài đã mở cửa lòng, mở cửa nhà để anh em có nơi tìm hơi ấm. Ngôi nhà xứ ở phường Phú Cát, thành phố Huế, được anh em thường xuyên tìm đến. Tại đó, họ được thầy cũ dâng Thánh lễ, được cho ăn uống, được vui chơi chuyện trò.

Tháng 9-1994, khi thầy Nguyễn Luận (vốn đã vào ĐCV từ 1975) trở thành linh mục, thì một trong những ưu tư lớn của cha là quy tụ CCS mọi lớp. Được sự động viên hỗ trợ của cha cựu giám đốc Phêrô cùng một số bậc đàn anh như các cha Phan Xuân Thanh, Lê Văn Nghiêm, Lê Quang Quý… với sự cộng tác nhiệt thành của anh em cùng lớp HT67, cha Luận đã gặp Bản quyền Giáo phận là Đức TGM Giám quản Tông tòa Têphanô và đệ trình nguyện vọng, xin ngài cho phép thành lập Hội Cựu Chủng Sinh Huế. Đức Tổng Têphanô hài lòng và chuẩn thuận. Sáng ngày lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm 8-12-1997, Hội Cựu Chủng Sinh Huế Thừa Thiên-Quảng Trị ra đời tại Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam. Một Ban Đại diện với nhiệm kỳ 3 năm cũng được bầu ra và vị trưởng ban đầu tiên là niên trưởng Đỗ Trinh Huệ PX53…

2. … đến Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tất cả những hoạt động nói trên dẫn tới sự kiện quan trọng là việc hợp nhất các nhóm Cựu Chủng sinh Huế 3 vùng (Thừa Thiên-Quảng Trị, Sài Gòn-Xuân Lộc, Nha Trang-Ninh Thuận) bao gồm cả 3 nhà An Ninh, Phú Xuân, Hoan Thiện để chính thức thành lập Gia đình Cựu Chủng sinh Huế dịp kỷ niệm 150 năm Giáo phận Huế và 25 năm Giám mục của Đức Cha Têphanô Nguyễn Như Thể vào ngày 29-6-2000 mà anh em cũng sẽ về tham dự. Gia đình lúc đó chỉ gồm được như thế do việc liên kết với nước ngoài rất khó khăn (dù vẫn có liên lạc tin tức giữa quốc nội và hải ngoại).
 
 
Đức Tổng Têphanô và Cha Tổng Đại diện Stanislas vui mừng đón anh em phía Nam tại Tòa TGM Huế
chiều ngày 27/6/2000

Ngày 28-6-2000, tại Nhà thờ Phanxicô Xavie, lần đầu tiên có sự kiện nối vòng tay lớn, niềm vui gặp gỡ đông đảo anh em 3 vùng. Tại đây Đức TGM Têphanô đã chuẩn thuận việc hợp nhất, chính thức công nhận với tên gọi Gia đình Cựu Chủng sinh Huế, bổ nhiệm cha Phêrô Trần Văn Quí làm Tổng Đặc trách, đồng thời cho Gia đình được trở thành một trong các đoàn thể Công giáo Tiến hành của Tổng Giáo phận. Đặc trách và linh hướng vùng Thừa Thiên-Quảng Trị là cha Nguyễn Luận, vùng Nha Trang-Ninh Thuận là cha Võ Quý và vùng Sài Gòn-Xuân Lộc là cha Nguyễn Huệ. Sự kiện này được tường thuật chi tiết trong “Tờ Liên Lạc” số 1 (phát hành vào dịp này) qua bài “Về quê mẹ” của anh Lê Văn Danh HT62 và nhiều bài của những anh em khác.

Anh em cũng thống nhất lấy lễ mừng kính Thánh Tôma Trần Văn Thiện (21-09) làm Ngày Truyền Thống hàng năm. Ngoại trừ tại Tổng Giáo phận Huế, việc đăng cai tổ chức ngày này tại 2 vùng kia thường được thực hiện luân phiên tại các giáo xứ có những linh mục gốc Huế đang phục vụ. Các ngài rất tích cực, khắng khít, giúp cho mọi sinh hoạt của Cựu Chủng sinh Huế trở nên sinh động và dễ dàng. Đúng là những cột sống cho anh em. Việc sinh hoạt và kết nối thắm tình huynh đệ này ngày càng lôi kéo nhiều phu nhân và con cái tham gia. Không hổ danh là một đại gia đình!
 
Ngày Truyền Thống năm 2018 vùng Huế-Quảng Trị
 
Ngày Truyền thống 2009 vùng Sài Gòn-Xuân Lộc tại giáo xứ Bến Gỗ
 
Ngày Truyền thống 2018 vùng Nha Trang-Ninh Thuận

Ngày 26/1/2016, Đức TGM PX. Lê Văn Hồng đã bổ nhiệm linh mục Phaolô Nguyễn Luận (Gp Huế) làm Tổng Đặc trách Gia đình Cựu Chủng sinh Huế thay thế cha Phêrô Trần Văn Quí nghỉ hưu.

Ngày 23/11/2022 Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã bổ nhiệm cha Phaolô Nguyễn Văn Hiệu (Gp Huế) làm Linh hướng Gia đình Cựu Chủng sinh Huế vùng Huế-Quảng Trị thay thế cha Antôn Nguyễn Văn Thăng.

Do sự phát triển nhanh chóng và địa bàn rộng lớn, gần đây Gia đình Cựu Chủng sinh Huế vùng Sài Gòn-Xuân Lộc được đổi tên là Gia đình Cựu Chủng sinh Huế Phía Nam.

C. GIA TĂNG SINH HOẠT VÀ MỞ RỘNG THÀNH PHẦN

Được sự công nhận của Đấng Bản quyền Giáo phận, mang danh nghĩa chính thức xinh đẹp, có sự tổ chức và hợp tác chặt chẽ giữa các vùng với nhau và giữa giáo dân với linh mục vốn tự coi mình đều là cựu chủng sinh cả, Gia đình Cựu Chủng sinh Huế đã gia tăng các sinh hoạt và mở rộng thành phần.

1- Mừng Hồng ân 40 năm Hoan Thiện.

Năm 2002, cha Nguyễn Huệ HT69, anh Lê Văn Danh HT62 và anh Nguyễn Văn Tịnh HT68 ở phía Nam phát động ngày kỷ niệm “Hồng ân 40 năm Hoan Thiện 1962–2002”. Sau thời gian thư đi tin lại, Ban Đại diện 3 vùng quốc nội thống nhất chọn ngày 15-8-2002 làm ngày kỷ niệm. Thời điểm này cũng là hôm bế mạc Đại hội La Vang lần thứ 26, nên sau khi khách hành hương ra về, Gia đình Cựu Chủng sinh Huế đi vào chương trình hội ngộ vốn đã đệ trình và được Đức Tổng Têphanô chấp thuận, nhưng bất thành vì nhiều lý do khách quan. Thật đáng tiếc!

Nhưng cũng từ đó, các lớp nỗ lực tìm kiếm nhau, nhất là những bạn vùng sâu vùng xa, để mời sinh hoạt Gia đình. Tại Giáo phận, các cha cũng hiện diện với lớp mình thường xuyên hơn. HT62 có cha Phan Văn Lợi… HT65 có các cha Trần Khôi và Nguyễn Văn Cần… HT66 có các cha Trần Lương, Phan Hưng, Ngô Thanh Sơn… HT67 có cha Nguyễn Luận… HT68 có các cha Nguyễn Văn Linh, Lê Ngọc Bửu, Nguyễn Tưởng… HT69 có cha Phạm Ngọc Hoa… HT71 có các cha Hồ Thứ, Phan Văn Anh… HT72-73 có các cha Nguyễn Văn Hiệu, Phan Miên… HT74 có các cha Nguyễn Văn Thăng, Đặng Văn Nam… Các niên trưởng Lê Văn Gioang, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Cao Công, Nguyễn Xuân Tình, Lê Như Luật, Nguyễn Văn Khen… cũng thường xuyên hiện diện với đàn em trong tất cả mọi sinh hoạt.

Các niên khóa cũng bắt đầu tổ chức nề nếp, chọn ngày bổn mạng của lớp để gặp mặt dâng Thánh lễ cầu nguyện cho nhau. Lớp HT62 chọn Mẹ Thiên Chúa, lớp HT67 chọn Mẹ Vô Nhiễm, lớp HT68 chọn Mẹ Thiên Chúa, lớp HT69 chọn Thánh Giuse Thợ, lớp HT74 chọn Mẹ Đi Viếng…

2- Thâu nạp Hội CCS Huế hải ngoại
 
Đại hội Cựu chủng sinh Hải ngoại lần I tại California, Hoa Kỳ (18-09-2010)
 
Đang khi đó, tại hải ngoại – dù đã sớm quy tụ bên nhau tại một số tiểu bang, quốc gia, theo lớp hay theo trường từ sau 1975, cụ thể như Hội Cựu Chủng sinh Huế ở Nam California, Hoa Kỳ, đã được thành lập đầu thập niên 1980 với Hội trưởng đầu tiên là niên trưởng Hồ Ngọc Tâm AN41, rồi tìm đến với nhau nhất là vào những dịp phong chức linh mục, chẳng hạn cho các thầy Nguyễn Văn Chửng, Dương Quang Đức và Phùng Văn Phụng năm 2000 – anh em Cựu Chủng sinh Huế vẫn thấy cần liên kết, hiệp nhất với Giáo phận quê nhà, với 3 mái trường xưa, với những bạn học cũ tại quốc nội trong tình thân hữu, qua những sinh hoạt chung, qua những cuộc gặp gỡ, chứ không chỉ qua những tin tức đăng trên “Tờ Liên Lạc” hay thư tín riêng, nên ngày 29-9-2007, sau khi nhận được thông báo của cha Tổng Đặc trách Trần Văn Quí phát động ngày kỷ niệm “Hội ngộ 50 năm Hoan Thiện 1961-2011”, anh Nguyễn Cả PX61 ở Denver, Colorado, Hoa Kỳ, đã mạnh dạn gởi thư đến Đức Cha Têphanô, TGM Giáo phận, Đức Cha phụ tá Phanxicô Xaviê, một số Cha và anh em, xin phép thành lập Hội Cựu Chủng sinh Huế Hải ngoại với Ban Đại diện, đồng thời xin cho Hội được thành vùng thứ 4 của Gia đình Cựu Chủng sinh Huế. Đức Tổng đã hân hoan chấp thuận.

Thế là một Ban Đại diện lâm thời nhiệm kỳ 2008-2009 được bầu ra, tiếp đó là các Ban Điều hành, mỗi nhiệm kỳ 3 năm, phần lớn là anh em tại Mỹ, linh hướng là Đức Ông Giêrônimô Nguyễn Ngọc Hàm PX53. Tới nay đã có 4 nhiệm kỳ trong đó có 3 nhiệm kỳ anh Nguyễn Cả làm trưởng, với những hoạt động rất tích cực.

3- Xây Đền Thánh Tôma Thiện làng Nhan Biều.

Chương trình xây dựng Đền thánh Tôma Thiện được manh nha từ một chuyến đi Quảng Trị của anh Đặng Văn Tạo HT69. Anh đã tình cờ tìm ra dấu tích pháp trường, ngôi mộ 2 Thánh François Jaccard Phan cùng Tôma Trần Văn Thiện và nhà tưởng niệm nhỏ (do cha Claude Bonin [Ninh] quản xứ Trí Bưu và cha Laurent Guichard [Ngãi] Quản xứ Thạch Hãn xây năm 1900) ở Nhan Biều, nay rêu phong phủ đầy, xuống cấp trầm trọng. Cha GB Lê Quang Quý (Quản xứ Trí Bưu 1999-2020) bèn cùng nhóm CCS Thừa Thiên-Quảng Trị từ đó hằng năm ra Nhan Biều chạp mả, trồng một ít cây xanh, vẽ lại bản đồ địa chính, trình với sở nhà đất của tỉnh, rồi trình với Đức Tổng Têphanô mọi việc, từ diện tích khu lăng mộ đến bản thiết kế dự án xây dựng Đền. Đức Tổng chúc lành cho công việc, đồng thời đề nghị mua thêm đất để nới rộng không gian hầu thỏa mãn nhu cầu thăm viếng của khách hành hương sau nầy. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của anh em Cựu Chủng sinh Huế từ hải ngoại đến quốc nội, cộng với tài ngoại giao khéo léo của cha Lê Quang Quý trong việc tìm kiếm ngân sách, ngôi Đền Tôma Thiện và Jaccard Phan đã được xây dựng ngay trên phần đất 2 vị Thánh lừng danh đã đổ máu đào.
 
 
Ngày 21-9-2010, Đức Tổng Giám mục Giáo phận đã cử hành nghi thức làm phép và khánh thành ngôi đền, với hơn 20 linh mục Giáo phận, gần 40 anh em Cựu Chủng sinh Huế Thừa Thiên-Quảng Trị, cộng đoàn Trí Bưu và Thạch Hãn tham dự. Gia đình Cựu Chủng sinh Huế từ nay có thêm nơi để tìm về nguồn cội.

4- Mừng Hồng ân 50 năm Hoan Thiện.

Như nói trên, sau cuộc hội ngộ mừng Hồng ân 40 năm Hoan Thiện bất thành, Cha Tổng Đặc trách Trần Văn Quí cùng cha Đặc trách vùng Thừa Thiên-Quảng Trị Nguyễn Luận phát động ngày kỷ niệm “Hội ngộ 50 năm Hoan Thiện 1961-2011”. Chương trình kỷ niệm được toàn thể Gia đình Cựu Chủng sinh Huế hưởng ứng nồng nhiệt. Huế được giao nhiệm vụ đăng cai và cha Nguyễn Luận cùng anh Nguyễn Úy, trưởng Ban Đại diện từ 2008, được giao trách nhiệm tổ chức.

Những buổi họp và trao đổi giữa quý cha và Ban Đại diện các vùng liên tục tiến hành. Anh Nguyễn Thất và Nguyễn Hùng Dũng (BĐD vùng Sài Gòn-Xuân Lộc), anh Lê Văn Hùng (BĐD vùng Nha Trang-Ninh Thuận) đã cất công ra Huế họp với anh em Thừa Thiên-Quảng Trị.

Cuộc hội ngộ diễn ra từ 23-25/6/2011[4] tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, Đền thánh Tôma Thiện Nhan Biều và Trung tâm Mục vụ Giáo phận, quy tụ trên 400 tham dự viên gồm cựu chủng sinh 3 trường, 4 vùng (một số anh em hải ngoại về tham dự) với thân nhân là vợ, con và cháu, từ những cụ già 80 tuổi đến các trẻ nhỏ vài năm tuổi, trước sự hiện diện của Đức TGM Têphanô (ngày cuối) và Đức GM Phụ tá Phanxicô Xavie cùng trên 40 linh mục.
 
 
Hội ngộ Gia đình Cựu Chủng sinh Huế lần I- 2011 (50 năm Hoan Thiện)
 
Chương trình gồm Thánh lễ, rước kiệu, viếng đền, huấn từ Mục tử, chia sẻ tâm tình, trình diễn văn nghệ, tặng trao kỷ vật…. Tất cả đều đầy ắp tâm tình cảm tạ Thiên Chúa, gẫm hạnh Bổn mạng, tri ân thầy cũ, nối kết đồng môn, luyến nhớ mái trường xưa, sẻ chia bao kỷ niệm, hứa hẹn những gặp gỡ… Thật là một kỷ niệm đáng nhớ. Đây được coi như Hội ngộ Gia đình Cựu Chủng sinh Huế lần thứ I.
 
 
Hội ngộ Gia đình Cựu Chủng sinh Huế lần II – 2014
 
Trong Hội ngộ Gia đình Cựu Chủng sinh Huế lần II được tổ chức tại Trung tâm Thánh mẫu La Vang từ 22-24/07/2014, khi cha Tổng Đặc trách Phêrô Trần Văn Quí tham khảo ý kiến về định kỳ Hội ngộ, hầu hết mọi người đều tán thành việc 3 năm tổ chức một lần, vì đó cũng là niềm vui trong cuộc sống, là thang thuốc bổ cho tuổi đời còn lại. Tuy nhiên, chu kỳ 3 năm một lần có sự thay đổi vì anh em dự tính 8 năm sau, tức năm 2022 sẽ là năm kỷ niệm 60 năm Hồng ân Hoan Thiện, lúc này khí thế đang lên cao, nên Hội ngộ Gia đình Cựu Chủng sinh Huế lần III được tổ chức sớm hơn một năm, từ 18-20/07/2016 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận và Trung tâm Thánh mẫu La Vang, thời cha Tổng Đặc trách Nguyễn Luận. Sau đó dự tính năm 2019 sẽ là Hội ngộ lần III và năm 2022 sẽ lại Hội ngộ lần IV.
 
 
Hội ngộ Gia đình Cựu Chủng sinh Huế lần III – 2016
 
Kế hoạch bất thành, vì đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu từ năm 2019, nên phải đến 7 năm sau Hội ngộ Gia đình CCS Huế lần IV được tổ chức từ ngày 24-26/7/2023 tại TGP Huế. Thánh lễ khai mạc Hội ngộ lần IV được cử hành tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế vào lúc 09g ngày 25/7/2023.
 
 
Hội ngộ Gia đình Cựu Chủng sinh Huế lần IV – 2023

5. Mở rộng đến thế hệ con cháu: Nhằm tạo lớp kế thừa truyền thống giáo dục tốt lành từ các Chủng viện, Gia đình CCS Huế quan tâm bồi dưỡng đạo đức và nhân bản cho thế hệ con, cháu (nguồn tiếng Latinh “filius, filia”: gọi tắt là F1, F2 ), nên đã tạo điều kiện và cơ hội để các cháu gặp gỡ, làm quen với nhau và với sinh hoạt chung của Gia đình CCS Huế.

+ Trong nước: Hội ngộ F1 Gia đình Cựu Chủng sinh Huế lần I ngày 18+19-7-2015 được tổ chức tại Đại Chủng viện Thánh Giuse, TGP Sài Gòn, với sự tham dự gần 100 cháu từ 3 vùng trong nước cùng với một số phụ huynh. Các cháu đã bầu lên một Ban Điều hành để nối kết và điều phối công việc. Nhờ đó, đông đảo các cháu đã phấn khởi tham dự Hội ngộ Gia đình CCS Huế lần III (2016) và Hội ngộ lần IV (2023) tạo nên một Gia đình Cựu Chủng sinh Huế sinh động với nhiều thế hệ. Đồng thời các cháu đã tích cực tham gia các hoạt động của Gia đình CCS Huế như thăm viếng nhau khi hoạn nạn, cứu trợ bão lụt, quyên góp, tham dự các cuộc hội ngộ trường, lớp, và Ngày Truyền thống hàng năm, v.v… Hiện nay, linh hướng Gia đình F1 là cha FX Trần Phan Thái Bình F1/HT65, một linh mục thuộc giáo phận Nha Trang.
 

+ Hải ngoại: Họp Mặt F1 Hải Ngoại & Colfax Marathon ngày 15/5/2016 tại Denver, Colorado, được coi là sinh nhật và màn ra mắt Gia đình F1 Cựu Chủng sinh Huế tại Hải ngoại. Một “Team Joy & Hope” gồm các cháu đến từ Georgia, Tennessee, Kentucky và Colorado đã tham dự giải chạy Colfax Marathon được tổ chức hàng năm tại Denver, Colorado. Cũng trong dịp này, một Ban Điều hành Gia đình F1 tại hải ngoại được thành lập.
 
 

6.  Linh đạo: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế chọn linh đạo “Vui Mừng và Hy Vọng” của Đấng Đáng kính PX Nguyễn Văn Thuận làm kim chỉ nam cho đời sống và tích cực cỗ vũ, phố biến linh đạo này. Anh em dấn thân phục vụ Giáo hội tại địa phương nơi mình sống, đồng thời giúp nhau sống ơn gọi Kitô hữu và liên kết, chia sẻ với nhau trong tình huynh đệ.

D. NHỮNG HOẠT ĐỘNG KHÁC

Tưởng cũng nên nói đến một số hoạt động khác của Gia đình CCS Huế, đó là:

1- Những cuộc hội ngộ theo vùng:

Những cuộc hội ngộ này thì dủ dạng: lớn nhỏ, tùy dịp, quốc nội hay hải ngoại. Tạm nêu:

+ Ở hải ngoại:

– Đại hội Cựu Chủng sinh Huế lần thứ I ngày 18+19-9-2010 tổ chức tại Orange County, California, Hoa Kỳ.

– Một số linh mục và anh em Cựu Chủng sinh Huế trong và ngoài nước tham dự lễ mở án phong Chân phước cho Tôi tớ Chúa ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận ngày 22-10-2010 tại Roma, Italia.

– Lễ Giỗ 10 năm Đấng Đáng kính ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận ngày 15-9-2012 tổ chức tại Denver, Colorado, Hoa Kỳ.

– Một số Linh mục và anh em Cựu Chủng sinh Huế trong và ngoài nước tham dự lễ kết thúc điều tra án phong Chân phước cho ĐĐK ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận ngày 4+5/7/2013 tại Roma.

– Đại hội Cựu Chủng sinh Huế lần thứ II ngày 31-8 & 1-9-2013 tổ chức tại Orange County, California.

– Đại hội Cựu Chủng sinh Huế lần thứ III & Lễ Giỗ 15 năm ĐĐK ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận từ 22 đến 24-9-2017 tổ chức tại Denver, Colorado.
 
Đại hội Gia đình Cựu Chủng sinh Huế  Hải ngoại lần III – 2017 tại Denver, Colorado

+ Ở quốc nội:

– Hội ngộ Liên vùng lần 1 (Nha Trang-Ninh Thuận-Sàigòn-Xuân Lộc) Ngày Truyền thống Gia đình Cựu Chủng sinh Huế năm 2002 tại Giáo xứ Vĩnh Phước, Đồng Nai.

– Hội ngộ Liên vùng lần 2 (Nha Trang-Ninh Thuận-Sàigòn-Xuân Lộc) Ngày Truyền thống Gia đình Cựu Chủng sinh Huế năm 2004 tại Giáo xứ Quảng Thuận, Ninh Thuận.

– Hội ngộ Liên vùng lần 3 (Nha Trang-Ninh Thuận-Phía Nam) Ngày Truyền thống Gia đình Cựu Chủng sinh Huế năm 2020 tại giáo điểm Cà Ná, Ninh Thuận.

– Hội ngộ Liên vùng lần 4 (Nha Trang-Ninh Thuận-Phía Nam) Ngày Truyền thống Gia đình Cựu Chủng sinh Huế năm 2022 cũng  được tổ chức tại giáo điểm Cà Ná, Ninh Thuận.
 

– Hội ngộ Liên vùng lần 5 (Nha Trang-Ninh Thuận-Phía Nam) Ngày Truyền thống Gia đình Cựu Chủng sinh Huế năm 2023 được tổ chức tại tại giáo xứ Phước An, Ninh Phước, Ninh Thuận, thuộc giáo phận Nha Trang.
 
 
– Hội ngộ Gia đình Cựu Chủng sinh Huế thế hệ F1 lần I ngày 18+19-7-2015 chức tại Đại Chủng viện Thánh Giuse, TGP Sài Gòn, nhằm tạo lớp kế thừa truyền thống giáo dục tốt lành từ Tiểu Chủng viện.

- Hội ngộ Kỷ niệm của các lớp: Liên tục các lớp từ HT62 đến HT74 đều có tổ chức các cuộc Hội ngộ vào các dịp kỷ niệm 50 năm, 60 năm ngày nhập Chủng viện, và các lần tổ chức Hội ngộ đều quy tụ về Giáo phận Mẹ cũng như bên Mẹ La Vang.

Và nhiều cuộc họp mặt, hành hương khác….

2- Những hoạt động Truyền thông – Văn hóa:

Việc truyền thông chung của Gia đình Cựu Chủng sinh Huế từ trước đến nay gồm:

– Tờ Liên Lạc Gia Đình Cựu Chủng Sinh Huế: 20 số (2000-2011) (bản in giấy).

– Trang mạng http://cuucshuehn.net do anh Lê Văn Hùng HT69 phụ trách, khởi đầu từ năm 2011 đến năm 2024 đã có trên 60 triệu lượt người xem. Đặc biệt chuyên mục Linh đạo của trang mạng Cựu Chủng sinh Huế được website chính thức của Văn phòng Đặc trách Án phong Chân phước liệt kê như một nguồn tham khảo về Đức Cố HY PX Nguyễn Văn Thuận.
 
– Kênh Youtube Gia đình Cựu Chủng sinh Huế: Tại địa chỉ: https://www.youtube.com/channel/UC8lDXvBBxRd_TwW-NP0yS3A

– Trang facebook Gia-Đình-Cựu-Chủng-Sinh-Huế do anh Nguyễn Cả PX61 phụ trách.

– Trang facebook Gia Đình CCS Huế – Quảng Trị do anh Trần Phi Khanh HT63-64 phụ trách

– Trang facebook Gia Đình CCS Huế Phía Nam do anh Nguyễn Hùng Dũng HT71 phụ trách

– Diễn đàn Cựu Chủng sinh Huế cuucshuehn@googlegroups.com do anh Nguyễn Ấn HT72 phụ trách.

Về Văn hóa, niên trưởng Anrê Lê Thiện Sĩ AN47 đã biên soạn cuốn sách “Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận” dày 470 trang, khổ 13.5cm x 21cm do Gia đình Cựu Chủng sinh Huế phát hành nhiều ngàn cuốn, phổ biến rộng rãi khắp nơi. Được chỉnh lý và tái bản lần 4 năm 2020.

Dịp Lễ kết thúc điều tra án phong Chân phước ĐĐK ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận ngày 5-7-2013, nhiều bài ca liên quan đến Ngài đã được anh em Cựu Chủng sinh Huế sáng tác và thế hệ F1 quê nhà trình bày, thành đĩa “CD Vui Mừng & Hy Vọng”.
 

Qua gợi ý của Bà Elisabeth Nguyễn Thị Thu Hồng, năm 2020, GĐ Cựu Chủng sinh Huế đã hiệu đính và phát hành tập “Thư Luân lưu Mục vụ – Lời Giáo huấn của Chủ chăn” của Giám mục Nha Trang PX Nguyễn Văn Thuận, cũng như tập “Năm chiếc bánh và hai con cá” của ngài.

Được sự đồng ý của Văn phòng Đặc trách Án phong Chân phước cho Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận tại Rôma, năm 2021, Gia đình Cựu Chủng sinh Huế đã chuyển ngữ và phát hành tập sách “Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Con người của Niềm Hy vọng, Bác ái và Vui mừng”.

Tập sách “Kể Chuyện Về Cha”, dày 320 trang, gồm các câu chuyện kể sống động của anh em Cựu Chủng sinh Huế, những người đã được may mắn gặp gỡ, gần gũi, và thụ giáo với Đức Cố HY PX Nguyễn Văn Thuận, là nguồn tư liệu quý giá, được Gia đình Cựu Chủng sinh Huế xuất bản năm 2022, và được gửi về Ủy ban Đặc trách Án phong Chân phước cho Đấng Đáng kính tại Rôma.

Nhằm giáo dục đời sống đạo đức và nhân bản cho thế hệ con cháu, Gia đình Cựu Chủng sinh Huế tổ chức các cuộc thi viết có thưởng cho các cháu thế hệ F1, F2 về linh đạo Vui mừng và Hy Vọng của Đấng Đáng kính Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận, về tình Cha, tình Mẹ… Các bài viết được nhiều cháu hưởng ứng tham gia, trong đó có các linh mục, tu sĩ… Các bài viết được in thành sách và đã phát hành “Tình Cha” (năm 2021), “Tình Mẹ” (năm 2023).

“Bản tin Vui Mừng và Hy Vọng” do Gia đình CCS Huế phát hành định kỳ 3 tháng 1 lần từ nhiều năm nay với sự cộng tác của Bà Elisabeth Nguyễn Thị Thu Hồng (em ruột của Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận) và một số Đức Ông, Linh mục… tính đến đầu năm 2024 đã xuất bản được 39 số.

3- Những hoạt động hỗ trợ cứu giúp:

Nhìn vào chuyên mục Ủng Hộ, Chia Sẻ trên trang mạng http://cuucshuehn.net/, từ việc cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung, dịch bệnh Covid-19, cho đến việc hỗ trợ án phong Chân phước ĐHY, Nhà Hưu dưỡng Giáo phận, giúp xây dựng Nhà thờ, Đền thánh Tôma Thiện, giúp anh em viện phí khi ốm đau và rất nhiều chương trình to nhỏ khác, con số đóng góp có thể lên đến cả triệu đôla. ((Xem chuyên mục Ủng hộ-Chia sẻ: http://cuucshuehn.net/ung-ho-hoi-ngo-2011/ung-ho/)

Đây là một hy sinh không nhỏ, là một tấm lòng quảng đại đáng trân trọng, đặc biệt từ hải ngoại và anh em trong nước phía Nam, khi mà anh em Cựu chủng sinh Huế trẻ nhất cũng trên 60 tuổi đời, đã về hưu hầu hết. Nhưng như thánh Augustinô đã nói: “Giới hạn của tình yêu là không có giới hạn”. Đặc biệt thời gian gần đây có sự tham gia nhiệt tình bằng công sức và tiền bạc của các cháu F1, F2, cũng như các thân hữu…

Ngoài ra, thương về Quê Mẹ, Đức Ông Nguyễn Quang HT72 còn xin TGP Denver “Quyên tiền truyền giáo giúp TGP Huế” (Mission Appeal of Hue’s Archdiocese) từ năm 2014 đến năm 2019, mỗi mùa hè 3-6 Giáo xứ, năm 2020 bị nạn dịch nên chương trình tạm ngưng. Đức Ông Nguyễn Ngọc Hàm PX53, Lm Đỗ Văn Viên HT63, Lm Trần Kim Bính HT68, Lm Phùng Văn Phụng HT69, Lm Dương Quang Đức HT71, Lm Hồ Khanh HT72, Lm Trương Văn Thường HT74, Lm Hoàng Thời SVD… đã lần lượt hy sinh thì giờ đến các Giáo xứ Giáo phận Denver giảng lễ, với sự cộng tác đưa đón của gia đình anh Nguyễn Cả PX61 và một số anh chị em khác, hằng năm cũng xin được vài chục ngàn đôla giúp TGP quê nhà. (Xem http://cuucshuehn.net/Ban-Tin-Noi-Bo/ Các bài tường thuật từ năm 2014 đến 2019)

Trong nước thì vào năm 2013, khi cha Giuse Hồ Thứ, HT71, Giám đốc ĐCV Huế đích thân vào phía Nam vận động xây dựng tòa nhà mới, các Cựu chủng sinh Huế là những người đóng góp đầu tiên và tích cực giúp ĐCV, bằng cách đi lạc quyên trên 40 nhà thờ ở Sài Gòn trong suốt nhiều năm. Anh Vũ Quang Hà HT67 cũng là một đại gia rất có lòng rộng rãi đối với anh em và Giáo phận. (Xem http://cuucshuehn.net/Ban-Tin-Noi-Bo/ Các bài tường thuật từ năm 2013 đến 2014)

Nối kết tình cảm với giáo xứ Trung Quán (Quảng Bình): Gia đình Cựu Chủng sinh Huế nhiều lần hành hương về giáo xứ Trung Quán, quê hương của Thánh Bổn mạng Tôma Trần Văn Thiện, đồng thời tích cực hỗ trợ giáo xứ nghèo này trong những năm bị thiên tai bão lũ cũng như việc xây dựng ngôi nhà thờ (được khởi công từ năm 2015 và khánh thành ngày 17/6/2022). Ngoài ra, Gia đình Cựu Chủng sinh Huế đã thực hiện điêu khắc tượng Thánh Tôma Thiện đưa về đặt tại giáo xứ Trung Quán. Ngày 14/7/2022, cha cựu Bề trên Phêrô Nguyễn Hữu Giải chủ sự nghi thức làm phép tượng đài, với sự tham dự của một số linh mục đến từ Huế và đông đảo anh chị em Cựu Chủng sinh Huế.
 
Tượng Thánh Tôma Trần Văn Thiện, Bổn mạng Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
đặt tại giáo xứ Trung Quán
 
Biên tập: Ban Biên sử Giáo phận Huế (Tổng hợp các bài viết của NT Lê Thiện Sĩ AN47 (về Hội Cựu Chủng sinh Huế ban đầu), Anh Nguyễn Cả PX61 (Cựu Chủng sinh Huế Hải ngoại), Anh Nguyễn Úy HT67 (Cựu Chủng sinh Huế Thừa Thiên-Quảng Trị), Anh Lê Văn Hùng HT69 (Cựu Chủng sinh Huế Nha Trang-Ninh Thuận), Anh Nguyễn Hùng Dũng HT71 (Cựu Chủng sinh Huế Phía Nam) và một số bài trên internet.)

 (Bài này có nhiều chi tiết bổ sung và cập nhật của BBT website Gia đình CCS Huế)
Facebook Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Kênh Youtube Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập146
  • Hôm nay27,715
  • Tháng hiện tại282,561
  • Tổng lượt truy cập69,757,893
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây