Lên cao nguyên. Phần 6: Đường về: Đèo Lò-xo và sự Tự do

Thứ năm - 03/09/2020 10:41
Sáng 16-7-2020, chúng tôi tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Tân Hương, do cha Pr. Nguyễn Hữu Giải chủ tế, có các cha Giuse Lộc, cha GB. Nghiêm, cha Pr. Lợi và cha P. Luận cùng đồng tế.
-

Phụ trách phần giảng lễ, dựa vào đoạn Tin Mừng Mt 11,28-30 của ngày lễ Đức Mẹ núi Carmelô, cha P. Luận nhấn mạnh vào đức khiêm nhường. Ngài nói bí quyết khiêm nhường của Đức Maria nằm ở Bài ca Magnificat bất hủ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa!”. Tất cả mọi sự trong đời sống là do tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa. Tôi chẳng có công trạng chi.
 
-

Cha Phaolô trưng dẫn câu chuyện khiêm tốn của một linh mục: Cha cố Giuse Nguyễn Văn Lộc kể trên đường lên Mẹ Măng-Đen hôm qua rằng cách đây mấy tháng ngài đi thăm một cơ sở y tế ở Tp. Sài Gòn, có gặp một bà kia lớn tuổi người lương. Biết ngài là linh mục Công giáo, bà ta hỏi ngài đã đi hành hương Mẹ Măng-Đen lần nào chưa. Khi biết ngài chưa từng, bà ta nói “Cha nên đi lên đó cầu nguyện. Mẹ linh thiêng lắm, chính con đã được ơn!” Cha Giuse nghĩ: một lương dân loan truyền lòng mộ mến Đức Mẹ cho một linh mục. Ngài xem đó là sự lạ. Cũng đã từ lâu, cha Giuse mong ước được đến viếng Mẹ Măng-Đen một lần. Và hôm nay ngài được thỏa nguyện.

Đi sâu vào ý chính, cha Phaolô nhắc lại nội dung đoạn Tin Mừng: Chúa nói hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường. Song, Chúa là Đấng ba lần Thánh, là Đấng toàn thiện. Sự thánh thiện của Ngài làm chúng ta choáng ngợp. Ánh sáng của Ngài làm chúng ta mù lòa. Nhiều khi con người không biết phải học biết sự khiêm nhường của Ngài bắt đầu từ đâu.

Vậy, cha giảng lễ đề nghị một phương cách cụ thể để thực hành sự khiêm tốn của Chúa. Đó là làm theo 5 bước sau: Khiêm nhường biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi và tha lỗi. Người khiêm nhường trước hết cần ý thức và nhận lấy lỗi lầm của mình, rồi chân thành xin lỗi người mình xúc phạm, bước quan trọng tiếp theo là ăn năn sửa lỗi. Cuối cùng, cần noi gương Chúa trên thánh giá mà tha thứ các lỗi lầm của người anh em.

Kết thúc, cha Phaolô xác quyết, nếu mỗi người thực hành được cách khiêm nhường ấy trong đời sống, chắc chắn sẽ đạt được 4 kết quả cụ thể sau: 1- Thăng tiến mối tương quan với Chúa; 2- Thăng tiến tương quan vợ chồng; 3- Thăng tiến tương quan cha mẹ và con cái; 4- Thăng tiến tương quan với tha nhân, làm chứng cho Tin Mừng.

Sau thánh lễ, chúng tôi dùng điểm tâm và nhanh chóng thu dọn hành lý cho hành trình về miền xuôi.
 
ht67 3
 
-

7 giờ 30’ anh chị em nói lời chia tay nhau. Những cái ôm gần gũi, những cái bắt tay gắn bó, những lời nói thiết thân, những ánh mắt nuối tiếc… Tất cả làm nên một khoảnh khắc sau cùng thật đẹp và khó phai mờ của cuộc hội ngộ nhiều ý nghĩa và đượm thắm tình huynh đệ.

Đoàn xe bây giờ chỉ còn 2 chiếc: Xe Sài Gòn phải trở lui Ban Mê Thuột để về miền Nam. Còn xe Huế chúng tôi lợi được hơn 200 km từ BMT về Kontum, nên giờ chỉ cần đi một đoạn rồi xuôi đèo Lò Xo là tới Quảng Nam. Nói vậy, nhưng tài xế cho biết cũng phải hơn 3 giờ chiều mới tới Lăng Cô.

Trên xe Huế, anh chị em chúng tôi như cũ, riêng các cha thì cha Dụ ở lại BMT có việc riêng, chỉ còn cha Giải, cha Lợi, cha Nghiêm và cha Luận.

Sau khi chuẩn bị một số thực phẩm khô cho bữa trưa, vì ít quán ăn vừa ý ở dọc đường, chúng tôi lên xe điểm danh hành khách và xe chuyển bánh.

Đoạn đường từ thành phố Kontum về đèo Lò Xo khoảng gần 100 km. Như mọi khi, chúng tôi lần chuỗi dâng Mẹ, rồi chuyện trò chung riêng để quên chặng đường dài. Có nhiều chuyện vui và hay nhưng tôi lược bớt vì người ta bảo viết dài đọc chán.

Đến tầm 10 giờ thì xe bắt đầu vào khu vực đèo. Đèo Lò Xo dài hơn 20 km. Như đã nói, đây là con đèo nguy hiểm. Nguy hiểm vì nó xoắn như tên gọi và độ ngặt của các khúc cua. Lại thêm đường hẹp, dốc và các vực sâu thăm thẳm bên dưới.

Trong chuyến đi lên, xe ngang qua đây vào ban đêm nên không trông thấy gì, chỉ toàn đêm đen và lòng cậy trông phó thác. Bây giờ đi về vào ban trưa nên mới nhìn thấy rõ ràng sự ngặt nghèo và cheo leo của nó. Tuy nhiên, không như lúc tôi có dịp lên BMT cách đây mấy năm về trước, nay đường đèo thấy tốt hơn và đem lại cảm giác an toàn hơn. Người ta đang sửa sang từng đoạn đường và tăng cường các phương thế phòng hộ. Đây đó, chúng tôi thấy có nhiều lối đường dốc cụt rải cát phòng khi xe gặp sự cố khi đỗ đèo; rồi các hàng rào bằng lốp xe được sơn 2 màu trắng và đỏ nổi bật, tạo sự chú ý cho tài xế trên đường. Thêm vào đó còn có các tấm phản quang đặt dày đặc dành cho các xe chạy đêm. Nói chung, nếu lái xe cẩn trọng thì nay an toàn hơn xưa.

Nói đến ba-ri-e ngăn vực thẳm, tôi lại nhớ lời huấn giáo của cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải cách đây khá lâu, khi ngài giảng tỉnh tâm cho một nhóm cựu chủng sinh. Lúc đó có người đặt vấn đề về lề luật của Chúa và các khuôn phép của Giáo hội. Cha Phêrô giải thích Chúa ban 10 điều răn cũng là vì tình thương Ngài dành cho con người. Nếu chúng ta sống theo luật Chúa thì sẽ không sa ngã, phạm tội. Cha Phêrô nói luật lệ Chúa tựa như các hàng rào ngăn chúng ta khỏi rơi xuống vực thẳm, hay cũng như các lan can 2 bên cầu giữ chúng ta khỏi rơi xuống nước.

Ở xứ Kim Long tôi có con sông Kẻ Vạn. Đây là con sông đào thời vua chúa, từ múi cầu Bạch Hổ ra tới An Hòa, lấy nước từ Sông Hương dẫn vào các con kênh bao quanh Thành Nội.

Chuyện là, từ khu vực tôi ở sang QL 1 (đường Lê Duẫn) người ta làm một chiếc cầu nhỏ băng qua sông Kẻ Vạn, dành cho xe máy và người đi bộ, để đi cho nhanh. Song, ban đầu không hiểu sao người ta không làm lan can 2 bên. Thế là lâu lâu lại nghe có người rớt sông, đuối nước. Nhất là mấy tay nhậu say ban đêm đi qua đó. Đến khi có nhiều người chết vì rớt cầu, chính quyền phường mới xúc tiến việc sửa sang và làm thêm lan can. Từ đó không nghe ai chết nước nữa, trừ mấy vụ chán đời quyên sinh.

Trong chuyến đi vừa qua anh em 67 Huế chúng tôi có bàn cãi về đề tài Tự Do. Mà Huế thì biết rồi, đã cãi thì rất nhiệt tình và mạnh mẽ. Điều rõ ràng là bất cứ chuyện gì, một khi đã đưa ra thì tất có ý kiến khác nhau. Có người phát biểu “Tôi có quyền làm việc ấy, mà không ai có quyền ngăn cản”; hiểu là tôi có tự do. Người khác lại vin vào cớ nầy cớ kia để phản bác. Và xem ra câu chuyện chưa có hồi kết thúc…

Cơ mà nhân đây tôi cũng xin trình bày các trải nghiệm đời sống thực tế của mình về chuyện tự do. Ở đây, tôi không dùng chữ “quan điểm” hay “nhận xét”; những chữ nầy có nguy cơ đặt người ta vào cái thế bàng quan, nhiều khi vô cảm, để phân tích, lý luận cách lý thuyết trừu tượng một vấn đề liên quan đến một thực tại hiện sinh của con người (Kierkegaard) rồi đưa ra phán quyết, nhằm phục vụ một mục đích cá nhân ẩn dấu đàng sau. Tôi thích những từ “cảm nhận”, “trải nghiệm” vì nó thực tế, mang tính đồng cảm và nhân bản hơn.

Trước hết, phải thú nhận là hồi còn trẻ, không có tri thức và không có vốn sống, tôi ước mơ tự do. Tự do kiểu “hoang dã”, thích chi làm nấy. Và một ngày kia tình cờ bắt gặp câu “Tha nhân là địa ngục” của J-P Sartre, tôi đâm ra thích ông nầy. Tôi ngây thơ tưởng rằng mình là “cái rốn của vũ trụ” và tất cả phải xoay quanh “cái tôi” của mình. Tôi quên rằng nếu người khác là địa ngục của tôi thì chính tôi cũng là địa ngục của người khác. Và điều hết sức hiển nhiên là tôi không thể sống một mình. Chung quanh tôi còn có người thân trong gia đình, láng giềng, bạn hữu, đoàn nhóm… Chúng tôi dựa vào nhau mà sống, và rõ ràng là mọi người cần phải điều tiết tự do của mình để có thể sống chan hòa trong một tập thể có nhiều “cái tôi”. Ai đó có nói rằng sống là sống cùng, sống với, bởi lẽ “không ai là một hòn đảo”…

Riêng tôi, với trải nghiệm bản thân, tôi còn thêm chữ “sống nhờ”. Tôi sống nhờ người khác.

Bây giờ, chỉ cần tưởng tượng mình đang sống một mình ở đảo hoang như Robinson thôi là tôi đã sởn gai ốc, không biết mình sẽ sống sót như thế nào. Cái cảm giác cô độc giữa khung cảnh hoang vu thật kinh khủng! Kinh khủng vì khi buồn tôi không biết than thở cùng ai. Khi vui tôi không biết chia sẻ với ai. Không có ai để tôi yêu thương và cảm nhận được sự rộn ràng của con tim hạnh phúc. Không có ai để tôi ghét bỏ và trải nghiệm được sự tàn phá tâm hồn của lòng hận thù. Không có ai để tôi nhung nhớ và rồi biết quý trọng những giây phút bên nhau. Không có ai bên cạnh để thấy mình nhiều khi may mắn hơn người khác và lòng dậy lên niềm cảm thương chia sẻ. Không có ai bên cạnh để thấy có nhiều người tốt lành thánh thiện và cố gắng thăng tiến đời sống bản thân… Tóm lại, nếu không có ai bên cạnh, cuộc sống tôi sẽ không được tròn đầy và không còn ý nghĩa.

Rồi, cụ thể hơn, nếu ở một mình thì ai nấu cho tôi ăn trong khi tôi chỉ biết luộc trứng và nấu mì tôm. Ai chăm sóc khi tôi bệnh liệt giường. Ai đối ẩm ban mai bên cốc trà thơm để chuyện trò tán dốc. Ai ở bên kia lưới để cùng đánh cầu lông vận động ban chiều. Ai kể chuyện tếu để tôi được vui cười thoải mái. Ai sẽ nghe tôi nói, dù nhiều khi tôi chỉ khoác lác để cảm thấy mình đâu có thua ai…

Nói và được nghe là một nhu cầu thực sự của con người. Đã nói thì cần có người nghe. Nói mà không có người nghe thì mất hứng. Nói một mình người ta gọi là “lảm nhảm”. Nói lảm nhảm như một người điên.

Cũng lý do đó mà các cha khi về hưu dễ bị hụt hẫng vì khi ở xứ, do bổn phận, ngày nào các ngài cũng phải giảng dạy trước hàng trăm giáo dân, nay muốn nói mà không có ai lắng nghe. Sinh buồn…

Xin tản mạn thêm một chút về việc nói và nghe. Trong đời sống thường ngày con người cần lời nói để giao tiếp với nhau. Tôi dùng lời nói để thông tin về một vấn đề, để trình bày một câu chuyện, để tỏ bày nỗi lòng sâu kín… Tuy nhiên, nhiều khi tôi cũng lạm dụng lời nói để “tự sướng” và vô tình bắt người khác phải nghe những âm thanh đì đùng chát chúa. Người ta gọi kiểu nói đó là “nổ”.

Tôi trải nghiệm nhiều cách nổ. Có người bịa đặt chuyện gì đó rồi khoa trương ầm ầm cho sướng miệng. Có người khoe khoang hay liệt kê thành tích của mình để chứng tỏ “ta đây”. Cũng có người do suy nghĩ lệch lạc nên bám víu vào những thứ đeo bám bên ngoài để vinh vang tự sướng…

Tôi nhớ, lâu rồi, có lần vợ chồng tôi và một đôi ở Sài Gòn,- anh chồng là giáo viên giỏi của một trường chuyên Toán, chúng tôi đại diện một đoàn thể nọ, ra xứ Thái Hà (DCCT) ở TGP Hà Nội dự hội họp về gia đình. Chủ trì là cha Phượng, và cha Khải (nay ở hải ngoại). Trong chương trình, sau khi nghe thuyết trình, có phần các tham dự viên lần lượt giới thiệu bản thân và trình bày ít cảm nghiệm trong đời sống hôn nhân gia đình. Đến lượt mình, tôi đứng lên phát biểu, sang mục nghề nghiệp tôi nói mình không có nghề nghiệp ổn định và trong đời sống đã từng cuốc đất, làm thuê, cưa gỗ trên rừng, bán kem và chăn bò. Nhiều người quay lại nhìn, riêng cha Khải trên kia đưa ngón cái lên khích lệ. Đến giờ giải lao, vừa ra khỏi cửa, anh giáo sư đi cùng kia liền chụp lấy tôi, nhăn nhó: “Anh kể ra việc làm của mình chi vậy!?!” Tôi hiểu trong trường hợp nầy, giữa rất nhiều đoàn thể khác, mà tôi với tư cách chủ nguyền (trưởng) lại đi khai “chăn bò” như vậy thì làm mất mặt đoàn thể mình. Tôi cười và nói rằng đó là sự thật và tôi không có gì tốt hơn để nói ra…

Mặt tôi là mặt “chăn bò”, vì vậy chơi “phây” ở mục công việc và học vấn tôi bỏ trống. Bởi vì, theo kinh nghiệm, chẳng lẽ khai “chăn bò” lại làm mất mặt lây cả đám ‘friends” trên mạng ảo. Nghĩ cũng tủi cho thân phận đứa chăn bò.
 
-

Tuy nhiên, chăn bò cũng có “chính nghĩa” của việc chăn bò. Để tôi kể cho nghe:

Cháu tôi, ơn Trời, cả nội ngoại nay được 5 đứa. Đứa lớn nhất 9 tuổi, đứa nhỏ nhất 2 tuổi. Phải nói, mỗi lần chúng tập trung thì cả nhà như cái chợ, ồn ào và rối tung; lớn tuổi như tôi dễ phát khùng. Tuy nhiên, tôi vẫn thích thường ngày vui đùa, chuyện trò với chúng; thế giới trẻ thơ đơn sơ và trong sáng lắm! Thật lòng, đôi khi chúng đem lại cho tôi niềm hạnh phúc xem ra nhỏ bé, không ồn ào vang dội, nhưng nhẹ nhàng, sâu thẳm và dài lâu…

Tôi thường kể cho chúng nghe chuyện nông trang ngày trước ở miền quê ngoại. Lũ trẻ thích chuyện tắm sông, thả diều, cắt lúa, chăn bò… Có đứa hỏi: “Chăn bò là răng ôn?” Tôi trả lời “Là dắt bò ra đồng ăn cỏ”. –“Dắt răng ôn?” –“Là cầm cái roi đi sau rồi đánh đít lùa chúng đi”. –“Vui ôn hí!” –“Ừ, vui mà cực.” –“Cực răng ôn?” –“Vì mưa gió chi cũng phải ngồi cả ngày ngoài đồng, muỗi cắn.” Im lặng một lát, đến lượt tôi hỏi: “Tụi con có thích chăn bò không?” –“Dạ không, cực lắm!” –“Ừ, rứa lo gắng mà học nghe chưa, nhác học sau đi chăn bò đó.” –“Dạ!”…

Trong số 5 đứa cháu tôi, có 2 đứa vừa xong lớp Một. Hồi đầu năm, khi ngồi tập viết, cứ đôi ba dòng là chúng bỏ ra ngoài chạy chơi. Mỗi lần như vậy tôi gọi chúng vào, khích lệ “Hai đứa cố gắng học, mai mốt dạy ôn với nghe chưa.” –“Răng rứa ôn?” –“Ôn giữ bò, có đi học mô.” Chúng vâng dạ rồi ngồi viết hết trang giấy. Nay cuối năm, 2 đứa đã biết đọc, biết viết và biết làm con toán cọng, trừ. Tôi vui lắm! Vui vì các cháu tấn tới và vui vì dù gì việc chăn bò cũng có ích lợi…

Cái ‘mác’ “chăn bò” cũng giúp tôi nhiều trong đời sống hàng ngày. Ví dụ: Với tâm thế “chăn bò”, tôi luôn thoải mái tinh thần khi giao tiếp hay làm công việc gì đó, mà không phải “gồng” mình căng thẳng như những cái ‘mác’ có thế giá khác. Lỡ có sai sót gì, người ta bảo “Chà, chăn bò mà…”, ý chẳng chấp xét làm gì. Tôi cũng thích lối ví von “chén đất, chén kiểu” của giới bình dân. Khi xếp lên chạn thì tuy “chén đất” có xấu hơn “chén kiểu”, nhưng không sợ sứt mẻ. Được thế “chén đất” tha hồ lăn lóc, nhỡ có bể cũng chẳng sao vì nó biết phận mình không có gì để mất.

Lại về chuyện “nổ”, mấy ngày qua dư luận thế giới chấn động về vụ nổ kinh hoàng ở Beirut, thủ đô Lebanon hôm 4-8-2020, cướp đi gần 150 sinh mạng và làm bị thương 5.000 người. Nhiều ý kiến cho rằng nhà chức trách ở đây thiếu cẩn trọng, vô trách nhiệm, coi thường sinh mạng người dân khi lưu giữ 2.750 tấn amoni nitrat có khả năng cháy nổ trong khu vực đông dân cư.

Thế nhưng ở VN lại khác, dân tộc VN là dân tộc anh hùng, trưởng thành trên bom đạn, nên tai đã quen với tiếng …đạn bom. Cho dù nay đang là thời bình, nhưng số lượng và cường độ của các cuộc “oanh tạc” cũng không kém gì thời chiến. Bởi lẽ người người từ trên xuống dưới, từ quan to nhất đến thằng chăn bò như tôi đều “nổ” như bắp rang. Đến nỗi bây giờ nghe “nổ” chẳng còn ai quan tâm nữa, mà có nghe cũng xem như chuyện tiếu lâm để vui cười giải trí. Giải trí để quên đi những thực tế bẽ bàng của một đất nước mộng mơ. Nghĩa là, những giấc mơ là tất cả cho đất nước nầy, không có gì khác hơn, khi cuối chân trời ai đó muốn tô vẽ một màu đen ảm đạm…

Còn về chuyện tự do. Các nhà chuyên môn định nghĩa: Tự do là chịu trách nhiệm về việc mình làm, đồng thời tôn trọng tự do của người khác. Thế nên, trong một hội nhóm cần có những qui định, khuôn phép để hướng đến mục đích chung, và bảo đảm tự do của mọi thành viên đều được tôn trọng. Song cũng có những khuôn phép bất thành văn, tựa như phép lịch sự hay sự tinh tế mà một người trưởng thành biết suy nghĩ có thể cảm nhận được. Người miền Bắc có câu rằng làm việc gì cũng cần “xem thời tiết, liếc đồng hồ.” Nghĩa là xem nó có hợp thời, hợp nơi, hợp cảnh hay không. Bởi lẽ, khi chúng ta “phá rào” một đoàn thể thì tựa như đèo Lò Xo mà không có các biện pháp phòng hộ để khỏi rơi xuống bờ vực bên dưới vậy…

Haiz!... Dông dài chuyện nọ xọ chuyện kia…Chuyện tôi kể xem ra dài hơn đoạn đường từ đèo Lò Xo đến xứ Loan Lý của cha Luận.

Khoảng 3 giờ rưỡi chiều, xe về tới Nhà mục vụ Loan Lý. Chúng tôi chuyển hành lý xuống phòng và thay đồ đi tắm biển. Ngồi bó rọ trong xe suốt ngày, giờ đối diện với biển trời bao la, chúng tôi cảm thấy hết sức thoải mái và tươi hẳn lên. Thoải mái hít thở không khí trong lành. Thoải mái ngắm nhìn trời biển bao la. Thoải mái chạy nhảy vận động tứ chi. Thoải mái đón nhận từng đợt gió từ biển lớn lùa vào. Thoải mái hét la chuyện trò tùy thích. Và thoải mái ngâm mình trong làn nước của biển mặn bao la.
 
-
 
-

Thật hợp lý và hữu ích khi cuối một hành trình dài chúng tôi được cùng nhau tắm biển. Đây có thể là một liệu pháp y học-tâm lý tuyệt vời để xóa tan những mệt mỏi của cơ thể và trút bỏ những vướng mắc trong tâm trí. Bởi lẽ, ngoài việc được ngâm mình trong làn nước ấm với từng đợt sóng nhỏ như mát-xa trên cơ thể; khi đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, con người thấy mình trở nên quá nhỏ bé để có thể sa vào những ý tưởng tự kiêu. Khi hòa vào khung cảnh đất trời bao la, con người cảm thấy lòng mình cũng thênh thang rộng mở và dễ dàng bao dung thông cảm hơn. Khi chứng kiến những điều kỳ diệu của vũ trụ, con người như mơ hồ thấy được sự hiện diện vô hình của một Đấng Tạo Hóa đầy quyền năng.
 
-

Sau khoảng thời gian hơn 1 tiếng ngụp lặn vui đùa trong làn nước ấm của đại dương, chúng tôi trở về nơi tạm trú để chuẩn bị ăn tối. Tối nay có một sự kiện đặc biệt là sinh nhật của Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải.
 
-

Sáu giờ, chúng tôi qui tụ tại các bàn tiệc để tiến hành nghi thức Mừng Sinh Nhật Cha Phêrô. Trong khi mọi người đồng thanh bài hát “Happy Birthday”, một nhóm anh chị em “rước” bánh sinh nhật từ phòng khách đến đặt trước mặt nhân vật chính. Sau khi ngài thổi nến, phó đoàn Đức Long đại diện mọi người chúc mừng Vị linh mục Nguyên Bề trên TCV Hoan Thiện. Nguyên văn như sau:

“Kính thưa Cha Phêrô,
Hôm nay là một ngày rất ý nghĩa: Ngày kết thúc chuyến Hội ngộ mà cha con chúng ta đã cùng nhau sống như một gia đình, trong một hành trình dài. Và sự hiện diện của Cha và quý Cha đã làm cho chúng con nhớ lại những kỷ niệm xưa. Hành trình nầy cũng đã thúc đẩy chúng con gắn kết với nhau hơn, đồng thời cũng giúp chúng con sống đức tin mạnh mẽ hơn nhờ những cuộc thảo luận trên xe, được các Cha giải bày thấu đáo.

Hôm nay cũng là một ngày rất đặc biệt: Đó là sinh nhật của Cha. Hình như Chúa ban cho chúng con một ân huệ để niềm vui cứ kéo dài mãi. Thay mặt Gia đình 67 Huế, chúng con kính chúc Cha sinh nhật an lành. Xin Chúa ban cho Cha sức khỏe, nhiều ơn phúc để Cha luôn an vui trong đời Linh Mục. Mặc dầu Cha đã về hưu nhưng chúng con nhận thấy những gì Cha làm trong quá khứ cũng như hiện tại luôn có giá trị cao cả, và là những đóng góp quý báu cho Giáo phận và Giáo hội. Tất cả chứng tỏ Cha đã hy sinh rất nhiều.

Cuối cùng, kính chúc Cha sức khỏe, và xin Cha đón nhận những tình cảm quý mến nhất mà chúng con dành cho Cha.”

Bạn Đức Long cũng chuyển lời anh chị em 67 miền Nam kính mừng sinh nhật Cha Phêrô. Do sáng nay xuất phát gấp nên không kịp trực tiếp chúc mừng ngài.
 
-

Đáp lời, Cha Phêrô chia sẻ ngài sinh vào đêm nay 16-7 và sáng ngày mai được chính cố Cadière rửa tội. Ngài rất vui khi hôm nay được ba Cha và anh chị em mừng sinh nhật 80 tuổi. Cha Phêrô tin rằng đây là hồng ân của Chúa, và cuộc Hội ngộ cũng do Chúa quan phòng. Ngài nói tiếp:

“Con cám ơn Chúa, cám ơn ba Cha và anh chị em. Trong hành trình mấy ngày con thấy mình trẻ ra. Như cha Lộc đã nói chỗ nào có tổ chức ngài đều cố gắng tham dự để trẻ hóa con người của mình: trong tư tưởng, trong con tim và trong cơ thể. Vậy bây giờ con trẻ hơn và vui hơn. Cám ơn mọi người. Xin tiếp tục cầu nguyện để những ngày con còn sống được làm vinh danh Chúa.”

Trong tiếng vỗ tay vang dội tới tận vùng biển xa, chúng tôi nhìn thấy niềm vui trên khuôn mặt Cha Bề trên, và một chút xuyến xao nơi khóe mắt…

Sau khi xin Chúa chúc lành, mọi người nâng ly chúc mừng Hội ngộ an lành và thành công. Trên bàn, các món hải sản của vùng biển Lăng Cô đã bày dọn sẵn đang chờ thực khách cùng nhau thưởng thức.
 
-
 
-
 
-

Tiệc chia tay kết thúc Hội ngộ kéo dài đến 19 giờ 30. Mọi người chào cha sở Loan Lý và lên xe về Huế. Chúng tôi về đến nhà khoản hơn 21 giờ…

Như thế là chuyến đi Lên Cao Nguyên mừng Ngân Khánh LM cha Pr. Trần Ngọc Anh đã kết thúc. Các đoàn của mọi vùng miền đã về nhà bình an. Đây là một cuộc Hội ngộ thành công và mang nhiều ý nghĩa. Nhất là mang nhiều dấu ấn của bàn tay Chúa quan phòng. Chúng ta cứ nhìn lại mọi sự diễn ra trong cuộc Hội ngộ nầy để thấy được sự sắp đặt đầy yêu thương của Chúa. Xin kể ra 2 điều rất rõ ràng:

Một, Chúa đã dành cho chúng ta một thời gian an toàn vừa đủ để tổ chức sự kiện Mừng Ngân Khánh LM. Cha Anh nói “Cám ơn Chúa, đã thương cho lễ Tạ Ơn của mình diễn ra trót lọt. Nếu trễ hơn một chút nữa thì "hết tính" luôn.” Hai, Trong chương trình ngày 16-7, đoàn 67 Huế dự định sẽ ghé Đà Nẵng tham quan Ngũ Hành Sơn và ăn cơm trưa trước khi ra Lăng Cô. Khi gần đến, không biết bàn lui tính tới làm sao lại bỏ đi, không ghé “ổ dịch” nữa. Nếu đoàn Huế ghé Đà Nẵng ngày 16-7 thì nay không biết sao; kê khai y tế rồi cách ly phòng dịch… Chắc sinh ra nhiều chuyện phiền phức.

Xin tạ ơn Chúa là suối nguồn Tình Thương! Xin cám ơn Ngài đã ban nhiều ơn phúc cho cuộc Hội ngộ Mừng Ngân Khánh LM của Cha Anh, qua sự cọng tác của rất nhiều người.

- Cám ơn Cha Anh và Ban tổ chức đã tổ chức Thánh Lễ tạ ơn và sự kiện nầy hết sức chu đáo, đem lại nhiều điều kinh ngạc.

- Cám ơn Quý Cha, đặc biệt là Cha giáo Giuse Trần Văn Lộc, Cha BT Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Cha Aug. Nguyễn Văn Dụ, Cha GB Lê Văn Nghiêm, Cha Pr. Phan Văn Lợi đã cùng đồng hành với HT67, làm cho chuyến đi thêm ấm cúng và ý nghĩa.

- Cám ơn Cha Phêrô Lê Minh Cao, Cha Phaolô Nguyễn Luận và anh chị em Gia đình 67 các vùng miền đã hiện diện trong Hội ngộ. Những sự hiện quý báu và “có tên tuổi” trong tình thương ngàn đời của Chúa. Những sự hiện diện xác định nghĩa tình huynh đệ đậm sâu và không hề nhạt phai.

- Cám ơn các bạn Hùng Dũng, Văn Hùng, Cường và Đức đã đồng hành với GĐ 67 trong hầu hết các sự kiện lớn. Các bạn không chỉ có mặt để mang lại ý nghĩa liên kết, hiệp thông trong GĐ CCS Huế, mà như là những người anh em thân thiết, những người đồng cam cộng khổ chia ngọt sẻ bùi, những thành viên của Lớp 67. Có người đề nghị cấp “quốc tịch” 67 cho các ông nầy. Nhất là, cám ơn Hùng Dũng đã luôn có góc nhìn “nghệ sĩ” về các đối tượng và gợi lên những cảm xúc sâu lắng trong các bài viết rất hay. Cám ơn nhiếp ảnh gia Văn Hùng Lê đã theo sát và ghi lại những khoảnh khắc độc đáo trong Hội Ngộ. Nếu hỏi trong Hội ngộ ông nào được các cô các bà đeo theo nhiều nhất, xin thưa ông Hùng, vì đơn giản theo ông nầy mình mới có nhiều hình ảnh. Nếu bảo hãy chọn một biểu tượng có ý nghĩa phục vụ trong Hội ngộ, tôi xin chọn Văn Hùng vì rõ ràng bấm máy liên tục nhưng mình không có tấm hình nào; ống kính ấy luôn hướng về người khác mà thôi.

- Đặc biệt, cám ơn Quý Đức Ông và anh em 67 hải ngoại đã luôn dõi theo và nâng đỡ anh chị em 67 trong nước bằng sự quan tâm, những lời thăm hỏi, các email qua lại, và các hình thức khác, nhất là bằng lời cầu nguyện.

- Cách riêng, HT67-Huế xin cám ơn các Nhà tài trợ cho chuyến đi xuất phát từ Huế:

- Cám ơn Đức Ông Cao Minh Dung đã luôn nhớ tới anh em ở Huế, dù bận rộn hết sức với công việc trọng đại của Tòa Thánh. Cám ơn ĐÔ lại giúp cho Huế trong chuyến đi BMT lần nầy, với lời tự sự: “Vì nghĩ rằng trong tương lai, khi tuổi càng lúc càng cao, thời gian rảnh rỗi mấy khi có nhiều, hoàn cảnh và phương tiện chắc gì luôn thuận tiện để gặp nhau như bây giờ…” Thật xúc động với tình bạn không chỉ trong hiện tại, mà nghĩa tình bạn hữu trong viễn cảnh dài lâu, và đời đời!

- Cám ơn bạn An Phong. Bạn đã phải xoay sở khi gửi quà cho Huế, vì lúc đó bang Florida đang bị cách ly do Covid; các dịch vụ đều đóng cửa. Cám ơn Phong vì câu nói có vẻ đơn sơ nhưng đượm thắm tình huynh đệ: “Anh em vui mình cũng vui…” Lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của chính mình!...

- Cám ơn bạn Minh Phước. Nước Pháp đang bị dịch bệnh nặng, và docteur Minh Phước phải ở tuyến đầu của cuộc chiến chống Covid. Dù vậy, bạn Phước là người đầu tiên ở hải ngoại nhớ đến Lễ Mừng Ngân Khánh cha Anh. Rồi bao giờ cũng vậy, con người tài đức nhưng khiêm tốn và tế nhị ấy luôn muốn mình là kẻ vô danh trong số những người đáng trân trọng.

- Cám ơn bạn Vũ Quang Hà, nhà tài trợ vĩnh viễn của 67 Huế. Con người khiêm tốn, tinh tế nhưng đầy năng lực và nhiệt tình. Bạn luôn xuất hiện đúng lúc như một dấu chấm tròn trịa để kết thúc một câu chuyện hay.

- Cám ơn hai bạn Hùng Sơn và Sáu Vũ đã gửi quà và lời chúc mừng đến cha Ngọc Anh trong dịp Mừng 25 năm LM nầy. Quà cho cha Anh cũng là quà cho gia đình HT67; cũng như Lễ của cha Anh là dịp Hội ngộ của HT67 vậy. Vì đây là một sự kiện lớn mà cha Anh phải dành nhiều tâm lực và vật lực để có thể tổ chức chu đáo. Hùng Sơn luôn liên lạc với anh em qua facebook. Sáu Vũ cũng vậy, lâu lâu nhớ ghi ít chữ để anh em biết tin nhau.

- Cuối cùng, cám ơn tất cả những ai đã quan tâm và đóng góp bằng nhiều cách để cuộc Hội ngộ Mừng Ngân Khánh Lm cha Ngọc Anh được diễn ra tốt đẹp và đem lại nhiều hoa trái.

Tất cả là Hồng Ân!

Mọi sự để làm vinh danh Chúa!

Huế mùa Covid, những ngày đầu tháng 8-2020

Lê Xuân Hảo HT67
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 

Tác giả: Lê Xuân Hảo HT67

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập447
  • Hôm nay40,678
  • Tháng hiện tại774,087
  • Tổng lượt truy cập58,059,956
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây