Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất của Các Kitô Hữu.

Thứ hai - 17/01/2011 08:31

Tuần Lễ Hiệp Nhất.

Tuần Lễ Hiệp Nhất.
Cao điểm của Phụng Vụ Thánh trong Tháng 1 là Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất của Các Kitô-Hữu, từ 18 đến 25-1-2011. Nghi thức cầu nguyện nầy được các Giáo Hội Kitô – Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, đồng thuận cùng nhau tổ chức.

Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất của Các Kitô Hữu

Cao điểm của Phụng Vụ Thánh trong Tháng 1 là Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất của Các Kitô-Hữu, từ 18 đến 25-1-2011. Nghi thức cầu nguyện nầy được các Giáo Hội Kitô – Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, đồng thuận cùng nhau tổ chức. Trong lịch sử của Giáo Hội Chúa Kitô đã có nhiều xích mích chia rẽ đáng tiếc, nặng nề nhất là vào thế kỷ 11 giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo; rồi thế kỷ 17 giữa Anh Giáo và Công Giáo. Dù vậy, trong các Giáo Hội, luôn luôn có tinh thần hướng về hiệp nhất từ mọi phía, nhất là từ năm 1800.

Đến năm 1908, Paul Wattson, Giáo sĩ Anh Giáo tại Hoa Kỳ, đề nghị cầu nguyện cho Hiệp Nhất trong 8 ngày, từ 18 đến 25-1: Ngày 18-1 là ngày nhớ đến sự kiện “Tông đồ Phêrô bị bắt, bị khóa vào hai cái xiềng và có lính canh giữ nghiêm nhặt. Thế mà thiên sứ đánh thức: Đứng dậy mau đi. Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông” (Cv 12: 6-11). Còn 25-1 là “Lễ Phaolô Tông đồ trở lại”. Đề nghị nầy được Giáo Hội Công Giáo nhiệt tình hưởng ứng.

Sau đó, có những qui định chung của các Giáo Hội về việc tổ chức Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô-hữu, cụ thể chủ đề và tài liệu được soạn bởi Ủy Ban hỗn hợp Quốc tế gồm Hội Đồng Đại Kết Các Giáo Hội (Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống) và Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô-hữu của Tòa Thánh tại Vatican. Các Hội Đồng cấp quốc gia và địa phương sẽ đưa các tài liệu áp dụng vào nghi thức cầu nguyện. Tiêu biểu nhất là Giáo Hội Canađa và Giáo Hội Pháp tại Lyon, luôn luôn đưa ra sáng kiến tiên phong trong sự cộng tác giữa các Giáo Hội Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống và Công Giáo.

Đặc biệt, mỗi năm việc cầu nguyện được giao cho một Giáo Hội có trách nhiệm chọn chủ đề và diễn giải áp dụng vào việc cầu nguyện làm sao cho phù hợp với tinh thần hiệp nhất. Ví dụ:

Năm 2011, Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất thứ 103 (1908-2011) được giao cho Giáo Hội tại Giêrusalem với Ủy Ban Đại Kết chuyên trách gồm có:

Đức Thượng Phụ Latinh Michel Sabbah; Đức GM Munib Youman, Giáo Hội Phúc Âm Lutêrian tại Jordanie và Trung Đông; Đức Giáo Chủ Latinh tại Giêrusalem; LM Frans Bauwen, Giáo Hội Công Giáo Rôma; LM Alexander, Chính thống Giáo Hy-lạp tại Giêrusalem; LM Jannal Khada, Đại học Bethléem; Michael Bachnam, Chính thống Syria Ankiôkia; Nora Karmida, Giáo Hội Chính thống Armênia; Josef Daher, Giáo Hội Hy-lạp Công Giáo.

Sau nhiều buổi làm việc, Ủy Ban Đại Kết Giêrusalem đã đúc kết chủ đề cầu nguyện theo gương các tín hữu Kitô trong Giáo Hội tiên khởi tại Giêrusalem hay Hội Thánh đầu tiên của Chúa Kitô:

Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện” (Cv 2: 42)

Các Kitô-hữu trong Giáo Hội Giêrusalem tiên khởi đã thực hiện hiệp nhất qua bốn việc:

- Chuyên cần nghe Lời Chúa do các tông đồ rao giảng;

- Thực hiện hiệp thông huynh đệ;

- Cử hành Bí tích Thánh Thể bằng việc bẻ bánh;

- Cùng nhau cầu nguyện.

Lời Chúa trong Sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 2:43-47) khai triển thêm những gì các Kitô-hữu làm:

Mọi người đều kính sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.

Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu.

Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.

Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho conga đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 43-47)

Trong tiến trình Cầu Nguyện có năm điều: 1. Tập họp; 2. Nghi thức tôn vinh Lời Chúa; 3. Cầu nguyện, thống hối và xin ơn bình an; 4. Cầu xin hiệp nhất Kitô-hữu; 5. Kết thúc.

Dù các giáo xứ, cộng đồng, cộng đoàn có thể dùng Lời Chúa (Thánh Thư, Phúc Âm) theo lựa chọn riêng phù hợp với nhu cầu của mỗi địa phương, nhưng Ủy Ban Đại Kết cũng gợi ý nêu lên các nguyên tắc căn bản là Các Kitô-hữu:

- Muốn hiệp nhất với nhau thì phải thương yêu nhau.

- Muốn thương yêu nhau thì phải quen biết nhau.

- Muốn quen biết nhau thì phải đến với nhau và gặp gỡ nhau.

Ủy Ban Đại Kết Giêrusalem cũng ghi lại một số kinh nghiệm tiêu biểu, như trong:

Ngày thứ nhất, hãy nhớ đến lòng can đảm của Giáo Hội tiên khởi làm chứng nhân cho Sự Thật và Công Lý. Suy niệm Tin Mừng hướng ưu tiên vào tha thứ trên cả việc dâng lễ vật:

“Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5: 23-24)

Ngày thứ hai, cộng đồng Kitô-hữu đầu tiên họp nhau vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, gồm nhiều người từ những nguồn gốc rất khác biệt nhau, cũng như ngày nay Giáo Hội tại Giêrusalem gồm nhiều truyền thống Kitô-giáo đa dạng. Nhưng, phải hiệp nhất nên một như các cành nho trên thân nho:

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái” Ga 15: 5)

Ngày thứ ba, điều căn bản của hiệp nhất là chuyên cần nghe Lời Chúa vì dù thuộc Giáo Hội nào các tông đồ (Giám mục, Linh mục) đều rao giảng Lời từ Chúa Cha ban ra, như trích thuật của Th. Gioan: “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian, con đã cho họ biết danh Cha. Cha đã ban họ cho con vì họ đã tuân giữ lời Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con” (Ga 17: 6-8)

Ngày thứ tư, hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân đức tin đã ban cho chúng ta hầu sống xứng đáng không bị gọi là “những kẻ kém đức tin” (Mt 6: 30). Muốn được thế, “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33)

Ngày thứ năm, khi tham dự bẻ bánh, các Kitô-hũu không chỉ dừng lại ở hình thức bề ngoài có thể khác nhau mà phải hướng vào chiều sâu của Phép Thánh Thể ban cho ta bánh hằng sống, như lời Chúa phán: “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và họ đã chết. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6: 58)

Ngày thứ sáu, cầu nguyện là việc thường xuyên của mỗi Kitô-hữu, nhưng khi cầu nguyện cho sự hiệp nhất cũng là lúc giúp chúng ta suy nghĩ lại để cầu nguyện như Chúa đã truyền dạy:

Xin làm cho danh thánh Cha được cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày..” (Mt 6: 9-13)

Ngày thứ bảy, hãy nhớ lời mời gọi của Đức GH. Bênêđíctô XVI: “Hỡi các giáo hữu của các giáo xứ, hỡi các cộng đồng tu viện, dòng tu, các hội đoàn, các phong trào trong Giáo Hội, hãy cầu nguyện luôn và cách riêng là khi chầu Thánh Thể long trọng, hãy cầu nguyện cho sự hiệp nhất toàn vẹn của các Kitô-hữu, con cùng một Chúa, đền thờ cùng một Thánh Thần, được hồng ân cùng một Phép Rửa và một Đức Tin.”

Ngày thứ tám, hiệp nhất là hồng ân ban cho những ai cùng thành tâm cầu nguyện hầu thực thi lời cầu xin của Đức Kitô:“Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ.. Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người nầy, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin váo con, để tất cả nên một (Ga 17: 17-21)

Trần Văn Trí (Tháng 1-2011) 

Tác giả: Trần Văn Trí

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: hiep nhat, kito huu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập646
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại951,583
  • Tổng lượt truy cập57,053,220
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây