Đâu là chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội?

Thứ năm - 04/06/2015 11:17

-

-
Từ lâu phụ nữ chỉ làm những việc như dạy giáo lý, chưng hoa bàn thờ, nhưng bây giờ họ là các thần học gia, nhà kinh tế học, người có chức vị ở địa phận, họ ngồi bên cạnh giám mục trong vai trò cố vấn …
Đâu là chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội?
 
Catherine Rivière (ở giữa), đại diện chuyên về mục vụ bí tích và phụng vụ của Hội đồng giám mục địa phận Lyon. Địa phận này có tỷ lệ 41 % phụ nữ ở cấp lãnh đạo, một tỷ lệ cao hơn tỷ lệ bình thường của quốc gia.
Trong cuộc thăm dò truyền thống của mình nhân dịp Lễ Hiện Xuống ở các địa phận Pháp, báo «La Croix» cho thấy tỷ lệ phụ nữ làm việc ở cấp cơ sở nhiều hơn gấp 3 lần ở cấp lãnh đạo.
 
Từ lâu phụ nữ chỉ làm những việc như dạy giáo lý, chưng hoa bàn thờ, nhưng bây giờ họ là các thần học gia, nhà kinh tế học, người có chức vị ở địa phận, họ ngồi bên cạnh giám mục trong vai trò cố vấn … Hơn bao giờ hết, không có phụ nữ là không có Giáo hội. Trong số họ đã có các bà như bà Frigide Barjot và bà Ludovine de La Rochère, họ là những người dẫn đầu các buổi xuống đường để bày tỏ thái độ chống lại dự luật «hôn nhân cho tất cả», mà đa số những người bày tỏ thái độ là người Công giáo trong các phong trào này, như thế phụ nữ không phải là không lợi hại.
 
Giữa các giám mục ở khắp nơi trên thế giới về họp Thượng Hội Đồng, họ vẫn là con số hiếm hoi có mặt trong phòng họp để nói lên tiếng nói của các cặp vợ chồng và của các gia đình. Báo La Croix mở cuộc thăm dò lớn trong các địa phận của Pháp để khẳng định điều mà cho đến nay người ta có thể nghi ngờ: đại đa số ở phần cơ sở, rất hiếm khi họ ở cấp cao. Nếu ba trong bốn giáo dân được giám mục của họ gởi đi sứ vụ là phụ nữ, thì họ chỉ chiếm một phần tư trong số các thành viên lãnh đạo.
 
Trong một vài địa phận tỷ số này là 100 % ở phần cơ sở, không có một ai ở địa vị chủ chốt, đó là các địa phận: Beauvais, Coutances, Dijon, Rouen. «Có một cái gì sai lầm trong tình trạng này, một phụ nữ được mời trong nhiều buổi họp ở địa phận đã thốt lên như trên. Rất nhiều giám mục không thấy đây là vấn đề và sự mù quáng này là một phần của vấn đề!»
 
«Chúng tôi phải thúc cùi chõ mới có một chỗ đứng»
 
Trong khi sự bình đẳng đang đi con đường của nó trong lãnh vực chính trị và trong các công ty thì trong Giáo hội, rất nhiều phụ nữ đau lòng vì họ không được đánh giá đúng hay không được tham dự để có những quyết định trong Giáo hội.
 
«Nếu tôi có may mắn làm việc cho những giám mục can đảm và có đầu óc sáng tạo trên bình diện này thì tôi cũng phải chua xót xác nhận đã có những lúc chúng tôi phải thúc cùi chõ để mình có một chỗ đứng», bà Marie-Claire Mantion, 60 tuổi, nhấn mạnh, bà là người có vị thế ở địa phận Besançon sau 36 năm làm các việc như điều hành giảng dạy và tài chánh.
 
Hàng tu sĩ là then chốt chính, điều kiện phải có để nắm được đa số các địa vị có trách nhiệm. «Chỉ bổ nhiệm linh mục trong hội đồng cố vấn giám mục, đơn giản các giám mục muốn họ là những người cộng tác thân cận nhất», ở địa phận Rouen người ta giải thích như trên. Trong giáo huấn của Giáo hội, khi nhấn mạnh đến nét đặc trưng của «ơn gọi phụ nữ» (theo Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, đó là các «con đường vô hình») thì đôi khi cũng là một cách để biện minh cho thái độ ngập ngừng không để cho phụ nữ tham dự nhiều hơn trong bộ máy quản trị. «Điều này cũng là một cái bẫy, giả bộ để tránh không để phụ nữ có những quyết định, bà Véronique Diaz, 56 tuổi nhận định, bà là chuyên gia kinh tế ở địa phận Angoulême và mẹ của năm người con. Nhưng chính là chúng tôi, trong vai trò phụ nữ, chúng tôi phải để ý hơn để đừng có trường hợp này xảy ra.»
 
Một bước tiến đáng kể nhưng chậm
 
Nói một cách rộng hơn, các địa phận không tránh được khó khăn để có được bình đẳng trong toàn thể xã hội. «Khi mới đến đây cách đây bảy năm, tôi được nhiệt tình đón nhận, bà Véronique Diaz nhận xét, bà là phụ nữ đầu tiên được nhận vào làm việc như một chuyên gia kinh tế cho địa phận Angoulême. Nhưng tôi không tránh được một vài lời nói ra nói vào và một vài nhận xét, kể cả nhận xét của các phụ nữ khác. Nếu tôi có bộ vét và mang cà vạt, có lẽ tôi có uy tín hơn!»
 
Tuy nhiên đã có những bước tiến triển đáng kể đã được vượt qua. Bây giờ đã có 12 phụ nữ có chức vị cao và cũng có một số tương đương làm việc trong ban kinh tế của địa phận, những địa vị chiến lược mà trước đây dành cho các linh mục. Với sự giảm sút ơn gọi, việc bổ nhiệm các giáo dân và việc chuyên nghiệp hóa các lãnh vực như cố vấn, đại diện hàng giám mục, người giữ trách nhiệm truyền thông càng ngày càng phải giao cho phụ nữ. Năm 2012, bà Corinne Boilley, một phụ nữ đã từng làm việc trong một công ty, đảm nhiệm chức vụ tổng thư ký phụ tá của Hội đồng Giám mục (CEF).
 
Một tiến trình không đi lui được? Dù sao cũng chậm, theo bà Marie-Jo Thiel, giáo sư phân khoa thần học Công giáo ở Strasbourg, thì bà không chờ một cuộc cách mạng. «Phải thực tế và phải hội nhập phụ nữ dần dần để họ nắm tất cả các địa vị quản trị chứ không chỉ dành riêng cho các nữ tu. Chẳng hạn nếu ngay ngày mai, chúng ta bổ nhiệm một phụ nữ ở chức vụ hồng y,  thì chẳng lợi ích gì vì bà sẽ không quản trị được, chẳng qua vì bà không có sự hợp tác.» «Cần phải có thời gian để đưa phụ nữ vào các chức vị có trách nhiệm, mà không phải chỉ đem họ vào đó chỉ để trang hoàng», một phụ nữ có trách nhiệm trong việc truyền thông của một địa phận nhận xét như trên.
 
Có cần phải áp đặt một tỷ số ngang nhau?
 
Dù cho các hội đồng giám mục tỏ ra có thiện chí thì các bất bình đẳng lớn lao vẫn còn tồn tại. Nếu trong đa số trường hợp, sự hợp tác giữa phụ nữ và hàng giáo sĩ là tốt thì tỷ lệ này thường dựa trên nhân cách của linh mục hay của giám mục. Bà Édith, một bà mẹ gia đình, đã từ lâu bà ở trong nhóm giáo lý viên của một giáo xứ Paris cho biết như trên. «Với sự xuất hiện của các linh mục trẻ, với cách tiếp cận có khuynh hướng phò giáo sĩ, họ đã đặt lại vấn đề sự hợp tác hài hòa này với các giáo dân. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi có cảm tưởng như đây là hồi kết của tôi…»
 
Có cần phải áp đặt một tỷ số ngang nhau? «Không phải đưa ra một nguyên tắc để đạt mục đích là đủ, Tổng giám mục Laurent Ulrich phản đối. Giám mục Ulrich địa phận Lille đang thử nghiệm ban «Nghiên cứu và dự án” trên “Đàn ông và Đàn bà” ở trong hội đồng giám mục. Rất nhiều linh mục cố thành lập trong giáo xứ mình một nhóm giáo dân dựa trên nền tảng ngang nhau nhưng họ không tìm đủ túc số cần thiết. Còn đối với những địa vị có trách nhiệm, tôi nghĩ chỉ có tiêu chuẩn hiệu năng là phải đứng hàng đầu.» Giáo hội luôn phải tạo uy tín trong xã hội, khuyến khích sự khác nhau và khác biệt, và Giáo hội phải sống với những tiêu chuẩn này trong chính các cơ cấu của mình.

Tác giả: Bruno Amsellem (la-croix.com). Marta An Nguyễn chuyển dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập697
  • Hôm nay157,749
  • Tháng hiện tại1,070,013
  • Tổng lượt truy cập57,171,650
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây