Chúa nhật 24 TN C. Giải thích Lời Chúa

Thứ hai - 05/09/2016 09:29

-

-
Nhân vật chính trong câu chuyện không phải là đứa con thứ hoang đàng cũng không phải người con trưởng bất khoan dung mà là người cha giàu lòng xót thương, chính người cha là nhân vật chủ đạo nối kết hai bức tranh này thành một bức tranh bộ đôi.
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN

 
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay thắp sáng lòng Chúa xót thương dành cho những người tội lỗi.
 
Xh 32: 7-11, 13-14
 
Nhờ lời cầu bầu của ông Mô-sê, Thiên Chúa đã tha thứ tội thờ ngẫu tượng của dân Ít-ra-en.
 
1Tm 1: 12-17
 
Trong thư thứ nhất gởi Ti-mô-thê, thánh Phao-lô dẫn chứng ơn gọi Tông Đồ của mình, ơn gọi của một kẻ trước đây đã ra tay bách hại Giáo Hội, như bằng chứng lòng xót thương của Thiên Chúa trải rộng cho hết mọi tội nhân. 
 
Lc 15: 1-32
 
Trong Tin Mừng hôm nay, qua ba dụ ngôn, nhất là dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”, Chúa Giê-su mặc khải lòng xót thương của Thiên Chúa được thể hiện ở nơi việc Ngài tiếp đón cách gần gũi và thân tình những người tội lỗi.
 
BÀI ĐỌC I (Xh 32: 7-11, 13-14)
 
Trong khi ông Mô-sê còn lưu lại trên núi, dân chúng bắt ép ông A-ha-ron đúc cho họ một vị thần linh mà họ có thể thấy và sờ - loại thần linh mà các dân tộc khác phụng thờ. Sự tương phản giữa ông Mô-sê và ông A-ha-ron trong bài trình thuật này là có chủ ý: ông Mô-sê đang hầu chuyện thân mật với Đức Chúa để đón nhận những gì Thiên Chúa muốn chỉ bảo cho dân để rồi nói lại cho họ; trong khi ông vắng mặt, ông A-ha-ron tự ý quyết định mà không cần tham khảo ý muốn của Thiên Chúa.
 
Bản văn nhấn mạnh sự kiện con bê được đúc bằng bạc vàng do bàn tay con người; điều này muốn nói rằng nó giống như mọi ngẫu tượng khác, chỉ là một sản phẩm của các nghệ nhân, có miệng mà không nói, có mắt mà không thấy  (x. Tv 105: 19-20; 115: 5tt). Bản văn cũng nói đến “lễ hội” (32: 5) có thể hàm ý đến những nghi lễ cúng tế thần linh bắt chước những gì thấy ở nơi các dân tộc khác.
 
1. Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và ông Mô-sê:
 
Thiên Chúa báo tin dữ cho ông Mô-sê và ngỏ ý muốn tiêu diệt dân phản nghịch, dân mà Ngài không còn gọi là “dân của Ta” một cách thân tình nữa, nhưng là “dân của ngươi” (32: 7) một cách xa lạ. Tội này quá nghiêm trọng, đáng bị trừng phạt bằng họa diệt vong. Nhưng vì công lao khổ nhọc của ông Mô-sê nên Thiên Chúa sẽ làm nên một dân tộc lớn khác xuất phát từ ông để thừa hưởng lời hứa (32: 10).
 
2. Lời chuyển cầu của ông Mô-sê:
 
Ông Mô-sê tuy rất buồn giận dân nhưng lòng thương của ông dành cho dân khiến ông không muốn dân bị hủy diệt. Ông chuyển cầu cho dân. Ông gợi lên hai lý do để xin Chúa tha thứ cho dân. Lý do thứ nhất, tiêu diệt dân có thể khiến cho người ta hiểu lầm lòng tốt của Thiên Chúa: người Ai-cập có thể lấy cớ đó mà rêu rao rằng “chính vì ác tâm mà Thiên Chúa đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất” (32: 12). Lý do thứ hai, tiêu diệt dân thì đi ngược lại với những lời Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ: “Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa, chúng sẽ thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời” (32: 33; x. St 22: 16-18).
 
Có lẽ hai lý do này không đủ làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa cho bằng chính hành vi chuyển cầu của ông cho dân. Ông là một phàm nhân mà còn không muốn dân phải chết dù tội của dân đáng phải chịu như thế, thì Thiên Chúa lại không mở rộng lòng mà tha thứ cho dân sao? Vai trò chuyển cầu của ông Mô-sê cho toàn dân được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bộ Ngũ Thư: tại Ai-cập (Xh 5: 22-23; 8: 4; 9: 28; 10: 17), nhất là nơi hoang địa (Xh 32: 11-14, 30-32; Ds 11: 2; 14: 13-19; 16: 22; 21: 7; Đnl 9: 25-29), còn được nhắc lại ở Gr 15: 1; Tv 99: 6; 106: 23; Hc 45: 3, và tiên báo vai trò chuyển cầu của Đức Giê-su sau này.
 
3. Ông Mô-sê và dân chúng:
 
Nhưng tha thứ không có nghĩa là khỏa lấp tội trạng của dân. Sự kiện ông Mô-sê đập vỡ các tấm bia ghi khắc Luật của Thiên Chúa cho biết chính tội của dân đã phá hủy Giao Ước. Tội bất trung với Thiên Chúa dẫn đến hậu quả là không còn Luật, nói theo ngôn ngữ thời nay, con người mất đi ý thức về tội.
 
BÀI ĐỌC II (1Tm 1: 12-17)
 
Trong đoạn thư gởi Ti-mô-thê này, thánh Phao-lô nêu bật lòng Chúa thương xót từ chính kinh nghiệm của mình qua việc Thiên Chúa “đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người”, dù rằng: “trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược”. Thánh nhân nhắc lại ơn gọi của mình trên đường Đa-mát, ơn gọi của một người mà sách Công Vụ mô tả: “hằm hằm đe dọa giết các môn đệ Chúa” (Cv 9: 1) và như lời kể của chính thánh nhân được ghi lại trong sách Công Vụ: “Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà” (Cv 22: 4). Chính vì ý thức tội của mình như vậy mà thánh Phao-lô đã đặt mình là “người tội lỗi hàng đầu trong những người tội lỗi”. Nhờ đó, thánh nhân nhận ra hơn ai hết tấm lòng xót thương của Đức Giê-su dành cho thánh nhân khi Ngài “đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người”. Chính vì nhớ lại tội lỗi của mình cũng như muôn vàn ân phúc Chúa dành cho mình mà thánh nhân cảm thấy bừng cháy lên tâm tình cảm tạ tri ân với trọn một tấm lòng yêu mến và tin tưởng.
 
Thánh Phao-lô cũng ý thức rằng trường hợp của thánh nhân không là trường hợp cá biệt, bởi vì “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời”. Niềm xác tín này cũng được thánh nhân chia sẻ với các tín hữu Rô-ma: “Đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8: 32).
 
Đây cũng là tình yêu Thiên Chúa mà thánh Gioan đã gẫm suy trong thư thứ nhất của thánh nhân, trong đó thánh nhân quả quyết rằng ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân, nghĩa là những người thù địch với Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Đó là bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết là ngần nào (1Ga 4: 10).
 
TIN MỪNG (Lc 15: 1-32)
 
Việc Đức Giê-su thể hiện tấm lòng đầy xót thương của Thiên Chúa qua việc tiếp đón những người tội lỗi gây phẩn nộ từ phía những kinh sư và Biệt Phái, những người tự cho mình là thánh thiện đạo đức nên tỏ ra khinh bĩ và khai trừ những người tội lỗi.
 
Vì thế, Chúa Giê-su kể cho họ ba dụ ngôn để cho thấy rằng không ai bị loại ra ngoài sự tha thứ của Thiên Chúa, vì thế những tội nhân có thể trở thành những người con yêu dấu của Thiên Chúa nếu họ ăn năn hối cải. Thiên Chúa ước mong những tội nhân hối cải đến mức mỗi một dụ ngôn này đều kết thúc với một điệp khúc ngân vang niềm vui lớn lao trên trời khi thấy một tội nhân hối hận ăn năn. Trong ba dụ ngôn, hai dụ ngôn “con chiên lạc”“đồng bạc bị đánh mất”, thánh Lu-ca có chung với thánh Mát-thêu, chỉ duy dụ ngôn “đứa con hoang đàng” là nguồn riêng của thánh Lu-ca.
1. Hai dụ ngôn sinh đôi: “Con chiên bị lạc mất” (15: 4-7) và “Đồng bạc bị đánh rơi” (15: 8-10)
Hai dụ ngôn này được gọi là “cặp dụ ngôn sinh đôi” vì có cùng một cấu trúc đối xứng với nhau. Cả hai dụ ngôn đều bắt đầu với một câu hỏi giả thiết, một lời đáp trả khẳng định. Một cái gì đó “bị mất” (lập lại đến năm lần) mà người ta “đã tìm lại được” (sáu lần). Sau khi đã tìm lại được, người ta chia sẻ niềm vui với người chung quanh. Như vậy, cặp dụ ngôn sinh đôi này không quan tâm đến tới cách thức đã xảy ra sự mất mát; ngay cả việc tìm thấy cái đã mất cũng thuộc về quá khứ. Việc tìm kiếm ít được nhấn mạnh hơn là lời mời gọi cùng chia sẽ niềm vui cả ở dưới thế lẫn ở trên trời. Như thế, việc Chúa Giê-su thường giao du với các kẻ bị loại trừ được biện minh bởi hành động của Thiên Chúa. Và hai dụ ngôn này như muốn nêu lên cho các người Biệt Phái, các kinh sư và cả độc giả một câu hỏi: Các bạn có thể chung vui với Chúa Ki-tô khi thấy “những người tội lỗi lui tới với Đức Giê-su để nghe Ngài giảng” không?
2. Dụ ngôn: “Người Cha giàu lòng xót thương” (15: 11-32)
Đây là một trong những dụ ngôn đẹp nhất của Chúa Giê-su được nhìn nhận như một tuyệt tác truyện ngắn của thế giới. Dụ ngôn dạy cho chúng ta nhiều lần rằng Thiên Chúa là Người Cha giàu lòng xót thương (x. Mt 6: 8; Rm 8: 15; 2Cr 1: 3). Theo Đức Gioan Phao-lô II, “Tác giả Tin Mừng bàn đặc biệt về những đề tài này ở nơi lời giảng dạy của Đức Giê-su là thánh Lu-ca, và Tin Mừng của thánh nhân đã xứng đáng được gọi là ‘Tin Mừng về lòng Chúa xót thương”. Đức Thánh Cha còn nói thêm: “Điều đó có lẽ hiển nhiên nhất là trong dụ ngôn người con hoang đàng, nơi mà yếu tính của lòng Thiên Chúa xót thương được diễn đạt một cách đặc biệt rõ ràng, cho dầu từ ‘lòng xót thương’ không gặp thấy ở đây” (John Paul II, Dives in misericordia, 5).
Dụ ngôn này được trình bày như một bức tranh bộ đôi: trong bức tranh thứ nhất (15: 11-24), nhân vật chính là đứa con thứ, và trong bức tranh thứ hai (15: 25-32), nhân vật chính là đứa con cả. Trong cả hai trường hợp, người cha giữ một vai trò chủ đạo. Khi đọc dụ ngôn này, chúng ta sẽ nhận thấy có hai kết luận, hai “cao điểm”, trong đó cao điểm thứ hai là điều Chúa Giê-su nhắm đến.
 
A-Người cha và đứa con thứ (15: 12-24)
 
Trong bức tranh thứ nhất, tác giả cố ý tô thật đen cách hành xử của người con thứ để bật sáng tấm lòng nhân hậu của người cha.
 
a-Đứa con thứ hoang đàng (15: 12-20a)
 
Ngay từ đầu dụ ngôn, Chúa Giê-su giới thiệu một người cha chỉ có hai đứa con: “Người kia có hai người con”. Theo luật Do thái, người cha không được tự do phân chia gia tài của mình tùy thích, đứa con cả đương nhiên được hai phần ba, còn đứa con thứ thì được một phần ba. Một người cha phân chia gia tài cho các con khi mình còn sống để được nghỉ ngơi, đó là chuyện thường tình. Nhưng ở đây, thật vô tâm trơ tráo khi người con thứ đòi cha chia gia tài cho mình: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Người con thứ được họa nên ở đây chẳng không có gì đáng khen cả.
 
Rồi cậu bỏ nhà ra đi và “ở đó, anh ta sống phóng đảng, phung phí tài sản của mình”. Lúc đó cậu lâm vào cảnh túng thiếu đành phải chấp nhận làm đầy tớ đến mức phải đi chăn heo, những con vật mà dân Do thái coi là ô uế mà theo luật đây là công việc cấm kỵ: “Đáng nguyền rủa cho kẻ nào chăn heo”. Như vậy cậu đã xuống cho đến tận cùng cảnh ngộ khốn khổ của mình, không chỉ về phương diện vật chất mà còn cả về phương diện phẩm giá: “Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho”. Đức Gioan Phao-lô II đã giải thích: “Người con đã nhận phần gia sản cha chia và bỏ nhà ra đi để tiêu pha hoang phí ở một xứ xa xôi bằng lối ‘sống trác táng’. Theo một nghĩa nào đó, người con này là con người mọi thời đại, kể từ người đầu tiên đã làm mất gia tài ân sủng và sự công chính nguyên thủy. Như vậy có sự tương tự rất là rộng mở. Một cách gián tiếp, dụ ngôn có liên quan đến từng vụ cắt đứt giao ước yêu thương, từng vụ làm mất ân sủng và từng tội lỗi” (John Paul II, Dives in misericordia, 5).
 
Trong cảnh bần cùng tận mức này, bị cái đói giày vò, cậu mới nghĩ đến việc trở về nhà cha mình; lý do thúc đẩy cậu cất bước trở về chẳng có gì là cao thượng cả, chẳng qua chỉ vì tình thế bắt buộc thôi: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!”. Đó là nguyên do chính thúc đẩy cậu “đứng lên và đi về cùng cha”. Để đạt được mục đích của mình, cậu sẵn sàng hạ mình thú tội và cầu xin cha tha thứ. Vì thế trên đường đi, cậu đã dọn sẵn trong đầu những lời hay ý đẹp để làm xiêu lòng cha: “Thưa cha, con đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”, nhưng thực tâm chỉ vì cái đói thôi. Những điều cậu suy tính trong lòng chẳng qua chỉ là vụ lợi thôi, nhưng đây là bước khởi đầu của một cuộc hoán cải, một cuộc đổi đời, một cuộc trở về cùng cha mình.
 
b-Tấm lòng của người cha đối với đứa con hoang đàng (15: 20b-24)
 
Tấm lòng của người cha được phác họa bằng những ý tứ rất súc tích. Thái độ của người cha đối với người con thứ này khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Ông tôn trọng sự tự do của cậu và đáp ứng mọi yêu sách của cậu; thậm chí khác với thái độ của người chăn chiên và người đàn bà nội trợ, ông không lặn lội đi tìm cậu. Chính thái độ vồn vả ân cần đón tiếp cậu khi cậu trở về mới là điều dụ ngôn này quan tâm.
 
Lời ghi nhận: “Anh ta còn đằng xa, thì người cha đã trông thấy” cho thấy tấm lòng của người cha. Từ khi đứa con bỏ nhà ra đi, hằng ngày ông đứng bên khung cửa nhìn đằng xa trên con đường mà người con khuất bóng ra đi để ngóng trông bóng dáng của con ông trở về. Từ khi nhìn thấy bóng dáng thất thiểu của đứa con mình từ xa, ông “chạnh lòng thương” (động từ Hy ngữ này có một nghĩa rất mạnh: một mối cảm xúc sâu xa dâng lên tận đáy lòng), và “chạy ra ôm cổ con và hôn lấy hôn để” (cách đón tiếp vồn vả khác thường này vượt quá khuôn phép uy nghiêm của một người cha mà tập tục Đông Phương quy định). Như vậy, với tấm lòng của người cha, ông đã tha thứ cho cậu trước khi cậu ngỏ xin ông tha thứ.
 
Lời nói đầu tiên câu ngỏ với cha mình: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”, để lộ cho thấy đây là những lời cậu đã nhẫm đi nhẫm lại trong lòng không nhằm một mục đích nào khác ngoài việc đánh động tấm lòng của cha cậu để xin cha cậu đón nhận cậu như một kẻ làm thuê trong nhà, chứ thật ra chưa hẳn là những lời sám hối chân thành xuất phát tận đáy lòng của mình. Ngay cả như thế, người cha đã cắt ngang không để cho cậu nói hết những lời thú tội, để tránh cho cậu đi đến tận cùng của sự nhục nhã, nhưng cũng để cho thấy lòng tha thứ vô điều kiện của ông đối với con mình.

Còn tế nhị hơn nữa, ông không ngỏ lời trực tiếp với cậu, nhưng truyền lệnh cho các đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu”: Áo đẹp nhất của người quyền quý thay thế bộ quần áo rách tả tơi của kẻ bần cùng, chiếc nhẫn xỏ vào tay cậu để chỉ quyền bính trong xã hội, đôi dép xỏ vào chân cậu biểu hiện địa vị làm con chứ không là người làm thuê hay kẻ nô lệ nữa, bởi vì từ nay cậu không chỉ được phục hồi nhân phẩm của mình, nhưng cũng được kính trọng như một người con trước kia.
 
Ông còn coi việc người con trở về nhà cha, dù trong hoàn cảnh như thế nào, như một niềm vui lớn, phải tổ chức một bữa tiệc để cả nhà cùng chung niềm vui đoàn tụ khi ông truyền lệnh cho đầy tớ: “Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!”. Người cha nêu lên cùng một lý do như người chăn chiên và bà nội trợ trước đây: “Vì con ta… đã mất mà nay lại tìm thấy”. Hơn nữa, lý do ấy được bày tỏ một cách mới mẽ: “Nó đã chết mà nay sống lại”. Niềm vui này dễ hiểu đối với con chiên bị lạc đàn hay đồng bạc bị đánh rơi, nhưng ở đây lại làm cho chúng ta ngỡ ngàng vì tội lỗi của đứa con hoang đàng – một đề tài không có trong hai dụ ngôn song sinh trước.
 
Chắc chắn nơi cung cách hành xử giản dị và thấm thía của người cha đối với đứa con hoang đàng này, Chúa Giê-su muốn mặc khải cho chúng ta Tình Cha của Thiên Chúa. Đức hạnh của người cha trong dụ ngôn và toàn bộ cung cách ứng xử của ông bày tỏ thái độ nội tâm của ông, điều này giúp chúng ta có thể khám phá lại những nguồn mạch độc đáo của quan niệm Cựu Ước về lòng thương xót của Thiên Chúa trong một tổng đề hoàn toàn mới và rất đơn giản mà sâu xa. Người cha của đứa con hoang đàng “trung thành với tình phụ tử, trung thành với lòng yêu thương” mà ông đã luôn luôn nuông chiều đứa con của mình. Sự trung thành này không chỉ được bày tỏ ở nơi tấm lòng sẵn sàng tha thứ của ông khi dang rộng vòng tay tiếp đón đứa con hoang đàng trở về mái ấm gia đình, nhưng còn được diễn tả một cách tròn đầy hơn nữa ở nơi niềm vui khi mở tiệc ăn mừng một đứa con hư hỏng sau khi đã tan gia bại sản vì chơi bời trác táng, bữa tiệc quá hào phóng đến mức khiến người anh cả chống đối và ghen tức, vì anh đã luôn luôn ở bên cạnh cha mình và chẳng khi nào trái lệnh cha.
 
Tất cả mọi chú ý của câu chuyện đều hướng đến tình cha cao vời gây xúc động này, chứ không tấm lòng hoán cải của đứa con hoang đàng. Dụ ngôn muốn minh họa thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thiên Chúa yêu thương họ như người cha yêu thương đứa con của mình. Việc Chúa Giê-su mở rộng vòng tay đón tiếp những người tội lỗi mặc khải tấm lòng yêu thương vô bờ của Chúa Cha. Dụ ngôn này chỉ cho thấy rằng Thiên Chúa đã đến gặp gỡ nhân loại để cứu thoát họ khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi. Ơn tha thứ của Thiên Chúa phục hồi con người trong phẩm giá của mình. Ở nơi hậu cảnh của dụ ngôn này, người ta đọc thấy bí tích Hòa Giải của Thiên Chúa với con người.
 
B-Người cha và người con trưởng (15: 25-32)
 
Bức tranh thứ hai là lời mời gọi người con trưởng vượt qua thói duy luật để mở rộng tấm lòng mà đón nhận đứa em hoang đàng trong tình yêu dạt dào của cha anh. Vả lại, người cha nói với người con trưởng với một cung giọng nhất mực trìu mến thương yêu. Ông yêu thương hai đứa con mình như nhau; ông muốn giúp người con trưởng khám phá chiều kích tình yêu này. Tình phụ tử không làm tổn thương sự công bình nhưng vượt quá.
 
a-Người con trưởng bất khoan dung (15: 25-30)
 
Lòng nhân hậu của Thiên Chúa quá lớn lao đến nỗi con người không thể nào hiểu hết được như chúng ta có thể thấy ở nơi trường hợp người con trưởng, cậu nghĩ cha cậu yêu đứa con thứ quá mức, lòng ghen tức của cậu ngăn cản cậu hiểu được tình phụ tử dào dạt tuôn tràn ở nơi cha cậu. Cậu tự tách mình ra khỏi niềm vui đoàn tụ. Trong cơn giận dữ, cậu đã bộc lộ tất cả những gì mà đã bao năm cậu cố đè nén khi sống bên cạnh cha mình: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để để con ăn mừng với bạn bè”. Hóa ra đã bao năm cậu sống bên cạnh cha mình không phải trong mối thâm tình của một người con đối với cha mình, nhưng trong mối tương quan bổn phận của người đầy tớ với ông chủ.
 
Qua lời này: “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”, cậu dứt khoát đoạn tuyệt tình nghĩa anh em với đứa em ruột thịt của mình, tố cáo cha thiên vị và cuối cùng trách cha “đã giết bê béo” để ăn mừng cuộc trở về của một thằng con hoang đàng phung phí tài sản của cha. Thái độ của người con trưởng phản chiếu thái độ bất khoan dung của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư, họ đại diện cho những giá trị đạo đức của Cựu Ước, phân biệt rạch ròi sự công chính và tội lỗi. Lời trách cứ của người con trưởng về tấm lòng quá bao dung đại lượng của cha cậu đối với đưa con hoang đàng tương tự như sự bất bình của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư về cách hành xử quá thân mật của Chúa Giê-su đối với những người tội lỗi. Rõ ràng, những lời phẩn uất của người con trưởng: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh” minh họa cách sinh động cung cách sống đạo của những người Pha-ri-sêu, họ tự hào tự phụ tuân giữ nghiêm nhặt Lề Luật, kiêu hãnh mình là người công chính mà khinh chê lên án những người khác. Cũng như thái độ hằn học phẩn uất đoạn tuyệt tình nghĩa anh em với người em hoang đàng khiến chúng ta nghĩ đến thái độ của những người Pha-ri-sêu và kinh sư khai trừ những người tội lỗi.
 
b-Tấm lòng của người cha đối với người con trưởng (15: 31-32)
 
Cách hành xử của người cha đối với người con trưởng phù hợp với hình ảnh của người cha đã được phát họa trong bức tranh thứ nhất. Ở đây cũng vậy, cung cách hành xử của ông được họa nên không bằng những phong thái uy nghiêm của một người cha theo những ước lệ Đông Phương nhưng bởi tấm lòng chan chứa yêu thương của người cha đối với con của mình: “Người anh cả liền nỗi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Nếu người con trưởng không chịu vào nhà để chung niềm vui đoàn tụ gia đình, thì người cha sẵn lòng ra bên ngoài, ngồi bên cạnh đứa con của mình để năn nỉ cậu mở rộng lòng mình mà đón nhận đứa con hoang đàng của ông cũng là đứa em ruột thịt của cậu.
 
Để đáp lại những phân bua của cậu về những năm tháng tận tụy hầu hạ cha trong nhà như một người đầy tớ, người cha trả lời: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha”, như một lời nhắc khéo cho cậu hiểu rằng điều mà người cha cần là tình cha con chứ không phải là nghĩa chủ tớ. Để đáp lại lời trách cứ của cậu về một con dê con để ăn mừng với chúng bạn chỉ là niềm ước mơ, người cha trả lời: “Tất cả những gì của cha đều là của con”. Để đáp lại thái độ đoạn tuyệt tình nghĩa với người em hoang đàng của cậu, người cha trả lời: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”, như một lời nhắc khéo: thằng con hoang đàng của cha cũng là đứa em ruột thịt của con.
 
Dụ ngôn kết thúc mà không cho chúng ta biết người con trưởng có đón nhận lời khuyên của cha để rồi cùng chung vui với cha vì “em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” hay không. Liệu cậu có chịu chấp nhận đồng bàn với đứa em “nhơ bẩn” của cậu hay cứ tự dày vò mình trong cơn giận dữ của cậu? Không biết những người Pha-ri-sêu và các kinh sư có hiểu rằng nếu Thiên Chúa nhân từ, độ lượng, tha thứ những người tội lỗi đến như thế, chắc hẳn Ngài phải đầy lòng xót thương gấp bội phần đối với những ai trung thành với Ngài hay không? Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su hiểu điều này rất rõ: “Thật vui biết mấy khi biết rằng Chúa chúng ta thì công minh; Ngài lượng thứ những thiếu xót của chúng ta, và biết rõ chúng ta yếu đuối là dường nào. Vậy thì chúng ta phải sợ gì nhỉ? Chắc chắn Thiên Chúa rất mực công minh tha thứ đứa con hoang đàng với một tấm lòng nhân hậu như thế, Ngài sẽ là công minh với tôi ‘người luôn luôn ở với Người biết bao” (The Story of a Soul, ch. 8).
 
Như vậy, theo truyền thống, dụ ngôn này thường được đặt nhan đề:“đứa con hoang đàng”, nhưng phải được gọi “người cha giàu lòng xót thương” mới đúng, bởi vì nhân vật chính trong câu chuyện không phải là đứa con thứ hoang đàng cũng không phải người con trưởng bất khoan dung mà là người cha giàu lòng xót thương, chính người cha là nhân vật chủ đạo nối kết hai bức tranh này thành một bức tranh bộ đôi. Phải nói rằng đứa con thứ hoang đàng trở về nhà cha cũng như người con trưởng bất khoan dung chẳng qua chỉ để thắp sáng tấm lòng đầy xót thương của người cha. Tấm lòng của người cah này là tấm lòng phụ tử của Chúa Cha trên trời được thể hiện cách cụ thể ở nơi cách đối xử thân tình của Đức Giê-su đối với những người tội lỗi.

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập614
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm613
  • Hôm nay89,236
  • Tháng hiện tại1,024,276
  • Tổng lượt truy cập58,310,145
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây