Những khoảnh khắc trống vắng trong đời sống hôn nhân

Chủ nhật - 31/08/2014 06:12

-

-
Có những khoảnh khắc mà trong đó ta cảm thấy nặng nề, mệt mỏi, bị đè bẹp và không ai hiểu nổi mình, kể cả những người thân yêu như cha mẹ, anh chị em, con cái, và bạn hữu. Những khoảnh khắc chỉ một mình ta đối diện với những gì đang xẩy ra trong nội tâm...
Những khoảnh khắc trống vắng trong đời sống hôn nhân
 
(Trình bày trong Đêm Gia Đình tại Cộng Đoàn Huntington Beach, ngày 18 tháng 7 năm 2014)
 
Có những khoảnh khắc mà trong đó ta cảm thấy nặng nề, mệt mỏi, bị đè bẹp và không ai hiểu nổi mình, kể cả những người thân yêu như cha mẹ, anh chị em, con cái, và bạn hữu. Những khoảnh khắc chỉ một mình ta đối diện với những gì đang xẩy ra trong nội tâm mà chính ta cũng không hiểu. Trong đời sống hôn nhân, những khoảnh khắc ấy xẩy ra giữa hai người phối ngẫu: Vợ và chồng.
 
A. NHẬN DIỆN TRỐNG VẮNG
 
Trong hôn nhân, trống vắng thể lý thường xẩy ra khi hai vợ chồng không sống gần nhau. Không mặt đối mặt. Không trò truyện được với nhau. Hoặc trống vắng tâm lý khi vợ chồng gần kề nhau mà không hiểu nhau, không thông cảm được với nhau. Cả hai sống trong trạng thái “Đồng sàng dị mộng”. Có ba hình thức trống vắng thường xẩy ra cho mỗi người, gồm:
 
1. Trống vắng thể lý:
 
- Vợ chồng xa nhau tự nguyện: Do công ăn việc làm vợ chồng phải vắng mặt nhau một tuần, một tháng, một năm, hay nhiều năm.
 
- Vợ chồng chia ly do tình huống bất đắc dĩ: Trường hợp những người chồng vì mệnh nước phải đi tù sau biến cố tháng 4 năm 1975, người vợ ở nhà vò võ nhớ thương chồng. Người phối ngẫu xa nhau trong thời gian tạm trú tại các trại tỵ nạn Đông Nam Á, hoặc những tháng năm chờ đợi giấy tờ bảo lãnh.
 
- Người phối ngẫu chết: Trống vắng thể lý gây nhiều ảnh hưởng nhất trong đời sống hôn nhân là sự ra đi của người chồng hoặc người vợ. Sự trống vắng đôi khi mang tư tưởng tuyệt vọng vì cho rằng mãi mãi không được gặp nhau trên cõi đời này nữa.
 
2. Trống vắng tâm lý:
 
- Sau những lần cãi vã, giận hờn: Sau mỗi lần giận hờn, cãi vã bao giờ cũng để lại một sự trống vắng. Ai thắng, ai thua? Tại sao lại có chuyện ấy xẩy ra? Một tâm lý hối hận hoặc giận hờn. 
 
- Trong thời gian căng thẳng bất hòa: Trống vắng tiếp theo những cuộc cãi vã, giận hờn chờ đợi làm hòa. Một ngày, hai ngày, ba ngày hay một tuần, một tháng, một năm. Thời gian của nặng nề, của bực bội, và khó chịu.
 
- Khi nuôi tư tưởng ngờ vực, ghen tỵ: Sự trống vắng xẩy ra sau những chờ đợi lấp đầy tình cảm của cãi vã, giận hờn, và của căng thẳng, bất hòa. Đây là cơ hội tốt làm nẩy sinh sự ngờ vực, ghen tỵ.
 
- Nạn nhân của ngoại tình: Nỗi buồn, cô đơn và trống trải khi có người chồng hoặc người vợ ngoại tình. Một khoảng cách thật khó lấp đầy bằng những tình cảm giận hờn, trách móc, và ân hận được khơi dậy do trí tưởng tượng, và tự ái.  
 
3. Trống vắng thể lý và tâm lý:
 
- Phụ nữ ở tuổi tắt kinh: Thời gian từ 40 đến 50 tuổi. Đây là thời gian của người phụ nữ với những thay đổi bất thường về tâm sinh lý và thể lý. Thời gian người phụ nữ tự cảm thấy khả năng làm mẹ của mình đang mất dần. Hoặc đó cũng là nỗi thất vọng của những phụ nữ đang chờ đợi cơ hội làm mẹ nhưng nay đang từ từ khép lại.
 
- Cha mẹ khi con cái lớn đi học xa, lập gia đình và ở riêng: Nỗi trống vắng của những người cha, người mẹ khi thấy con cái khôn lớn nay muốn xa lìa tổ ấm gia đình, muốn đi xa hoặc không còn cần đến sự săn sóc vật chất của cha mẹ như hồi còn thơ ấu. Nỗi buồn sắp sửa xa con, và sợ con sẽ quên mình.
 
- Sau khi ly thân, ly dị: Sau những quyết định ly thân hoặc ly dị là thời gian cần cho một cuộc đổi đời với những ý nghĩa rất phân vân và lo lắng. Do kinh nghiệm đổ vỡ cá nhân, thời gian này chính là lúc để nhìn lại con người và hành động đã qua với những giận hờn, bất mãn, và cay đắng.
 
- Người phối ngẫu chết: 
Nỗi mất mát lớn lao không chỉ vì từ đây không còn được thấy mặt người mình yêu. Nhưng còn là sự ân hận, đắng đót về những gì mình đã làm cho người chồng hoặc người vợ. Nỗi trống vắng này có khả năng tạo nên căng thẳng về tâm lý (post-traumatic stress disorder - PTSD). 
 
B. HẬU QUẢ CỦA TRỐNG VẰNG:
 
1. Thể lý:
 
- Mất ăn, mất ngủ: Trống vắng là cơ hội có ảnh hưởng đến sức khỏe thể lý. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”. Ăn không ngon, ngủ không yên giấc là hậu quả trước hết của buồn chán. 
 
- Nhức đầu, đau bụng, sổ mũi: Ăn không tiêu, bụng xình hơi, sổ mũi, hắt hơi là những triệu chứng kế tiếp của căng thẳng, buồn bực. Hậu quả của thời gian dài mất ngủ sẽ dẫn đến tình trạng nhức đầu và mệt mỏi.
 
- Kinh nguyệt bất thường: Sức ép của tâm lý và thể lý có ảnh hưởng đến những kích thích tố làm đảo lộn chu kỳ kinh nguyệt của người phụ. Ảnh hưởng lớn nhất nơi phụ nữ trong thời gian này về sinh lý là hội chứng lãnh cảm (frigidity). Và đây là kẽ hở có thể dẫn người chồng đến ngoại tình. 
 
2. Tâm lý:
 
Hậu quả của trống vắng của những giây phút cô đơn và buồn chán thường có những triệu chứng của trầm cảm (depression).
 
- Bực tức, cau có, khó chịu: Hậu quả tâm lý đầu tiên gây ra do những thời khắc trống trải, cô đơn là bực tức và khóa chịu. Bực tức và khó chịu với chính mình, với người phối ngẫu và với những người chung quanh. Sự bực tức, và khó chịu thường được diễn tả qua những ngôn ngữ tiêu cực, chua chát, cộc cằn và mang ý nghĩa thách thức. Ngoài ra, nó còn được diễn tả qua khuôn mặt cau có, ánh mắt bực bội và đầy giận hờn.
 
- Mất nghị lực, chán nản và buông xuôi: Nối tiếp những giây phút bực tức, cau có và khó chịu là tâm lý chán nản, và buông xuôi. Cuộc đời là một màu đen. Tương lai như bị chặn lại. Cuộc sống xem như mất hết nghị lực và muốn thả nổi. Đây là một chuỗi những tiếng thở dài, hoặc suy tư tiêu cực. Nếu sự chán nản đi xa hơn, có thể dẫn đến tư tưởng tự tử.

-  Nghi, ngờ vực: Đa nghi và ngờ vực luôn luôn là kết quả của những ý nghĩ tiêu cực. Đời sống như mất hết tự tin và không còn tin tưởng ở mình, dĩ nhiên, không còn tin tưởng nơi người chồng hoặc người vợ.
 
- Ghen tức: Là hậu quả đến sau những giây phút đa nghi, ngờ vực. Những tâm tình bị chôn nén, đè bẹp, những tư tưởng tiêu cực và những hoài nghi, lo lắng kéo dài có thể dẫn đến hoang tưởng, và tâm bệnh với hội chứng OCD (Obsessive Compulsive Disorder). Một triệu chứng bị ám ảnh và lo sợ, nghi ngờ.
  
- Liệt dương: Song song với sự thay đổi tâm sinh lý của phụ nữ trong thời gian tắt kinh, về phía nam giới cũng có những biến chuyển và đảo lộn khả năng sinh lý. Do sự giận hờn, dồn nén của vợ, và do những căng thẳng về tâm lý người chồng có thể bị xuất tinh sớm, hoặc liệt dương.   
 
3. Xã hội:
 
“Giầu vì bạn, sang vì vợ”. Ảnh hưởng xã hội trực tiếp gây ra do những trống vắng của hôn nhân đưa đến một lối sống:
 
- Mặc cảm tự ty: Vì cho rằng mình không còn giá trị, bị mọi người bỏ rơi và coi thường. Mặc cảm này được diễn tả qua thái độ co cụm, cô lập hoặc tự ngăn cách chính mình với môi trường xã hội.
 
- Tự cô lập: Do không muốn xã giao, không muốn quen ai, và cũng không muốn ai quen mình. Tự mình sống trong cái vỏ sò ích kỷ, câm nín, và nhìn đời bằng con mắt ngờ vực, ghen tỵ. Lối sống của những con đà điểu chui đầu vào cát!
 
C. ĐỀ PHÒNG VÀ TRỊ LIỆU:
                 
1. Dành thời giờ cho nhau.
 
Sống như ngày hôm nay mình còn có nhau. Một tâm lý sống thực tế và rất đời thường. Tâm lý này dựa trên nguyên tắc “Here and Now”. Ở đây và ngay bây giờ. Quá khứ đã qua, tương lai dù một giây cũng không thuộc về ta, chỉ có giây phút hiện tại là cái mà ta có thể sở hữu để sống và để bày tỏ tình yêu với người phối ngẫu.
 
Nhạc sĩ Trần Duy Đức trong nhạc phẩm “Nếu có yêu tôi” đã diễn tả tâm lý sống này. Ông viết:

 
“Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ.
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời.
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói.
Cát bụi làm sao mà biết lụy người”.
 
Trong thực thế, nhiều người chồng và nhiều người vợ đã trải qua kinh nghiệm đau đớn này. Họ đã đánh mất quá nhiều thời gian qúi giá để yêu nhau, để hạnh phúc bên nhau, và đổi lại bằng những khoảng trống vô nghĩa, lạnh lùng, và băng giá vì không ý thức được cái mình đang có và cái mình sẽ có hay muốn có. 
 
2. Chuẩn bị cho những khoảnh khắc xa nhau:
 
Không ai có thể chối bỏ hoặc trốn chạy những khoảnh khắc trống vắng trong cuộc sống. Nhưng ta vẫn có thể đề phòng, và khi nó đến biết can đảm để đối phó.
 
- Xa chồng, xa vợ: Áp dụng nguyên tắc “here and now” giúp tận hưởng những giây phút bên nhau. Điều này có thể giúp ta quên đi những giây phút phải xa nhau, vì những hình ảnh đẹp, những kỷ niệm hạnh phúc sẽ giúp cho tâm hồn thêm nghị lực đối phó với những mất mát đó. Hãy sống để khi xa chồng, xa vợ ta không phải hối hận, và để chồng hay vợ có những kỷ niệm đẹp về ta hầu vượt qua những tháng ngày xa cách, nhớ thương.
 
- Xa con cái: Dành thời giờ cho con cái. Yêu thương con cái bằng tấm lòng người cha, người mẹ đầy ắp yêu thương. Nhưng tình thương chân thành cũng đòi buộc cha mẹ phải giáo dục, và chuẩn bị cho con cái trưởng thành để chúng bước vào đời với đời sống tự lập và trách nhiệm. Cha mẹ không có quyền giữ mãi con cái cho riêng mình và ở bên mình, nhưng khích lệ chúng để chúng lớn lên bằng đời sống của mỗi đứa con. Hạnh phúc của cha mẹ là nhìn thấy con hạnh phúc. 
 
3. “Không ai là một hòn đảo” (Thomas Merton).
 
Trong tâm lý trị liệu, tính tự chủ và trưởng thành tâm lý cần thiết cho cá nhân để đương đầu với những thách đố của cuộc sống. Nhưng tinh thần xã hội lại là một sự cần thiết cho đời sống cộng đồng, vì tất cả đều có xã hội tính trong mình. Thomas Merton đã nêu lên quan điểm xã hội và tương quan xã hội khi ông viết “Không ai là một hòn đảo”. 
 
- Tham gia những sinh hoạt chung: Đây là một ứng dụng của tâm lý trị liệu cần thiết để giúp tránh đi những khoảnh khắc cô đơn, trống vắng.  Những sinh hoạt chung luôn luôn là những thời khắc tốt giúp thăng hoa ý nghĩa tích cực của cuộc sống. 
 
- Tìm kiếm những người bạn tốt: “Có được người bạn tốt là như kiếm được một kho tàng”. Người bạn tốt luôn luôn là một người cần thiết cho bất cứ ai trong đời sống xã hội. Trong hôn nhân, người bạn tốt ấy là vợ, là chồng. Và trong đời sống xã hội, người bạn tốt là người hiểu và dễ dàng thông cảm, giúp đỡ ta vượt qua những khó khăn đó. Người bạn tốt luôn luôn hiếm và khó tìm, khó kiếm.
 
- Học hỏi, trau dồi khả năng, kiến thức: “Học đến già vẫn phải học” và “Ông bẩy mươi học ông bẩy mốt”. Trống vắng là một hiện tượng xẩy ra trong đời sống của mỗi người ở bất cứ vai trò xã hội, tuổi tác, và hoàn cảnh sống nào. Nhờ học hỏi, tìm hiểu ta có thể biết nó, có thể đề phòng nó, và  khi nó xẩy tới, ta biết cách đối phó.
 
KẾT LUẬN:
 
Khi yêu nhau, kết hôn với nhau, ai cũng mong được mãi mãi bên nhau, hiểu, thông cảm, và hạnh phúc với nhau. Nhưng trống vắng, cô đơn, và buồn là những thời khắc có đó trong cuộc sống. Trong đời sống hôn nhân, những khoảnh khắc trống vắng đó là những lúc vợ chồng xa nhau: Xa nhau về thể lý và xa nhau về tâm lý. 
 
Xét về mặt tiêu cực nó có thể làm cho vợ chồng trở nên chán nản, buồn bực, cau có, mất hết nghị lực, và cũng có thể làm nhạt nhòa, tan biến tình yêu của hai người. Nhưng xét về mặt tích cực, nó chính là cơ hội để người chồng, người vợ thăng hoa ý nghĩa của hôn nhân, biết trân quí điều mình đang có, đó là tình yêu, là người chồng, người vợ đang ở bên mình.
 
(Phổ biến trên Việt Tide số phát hành ngày 22 tháng 8 năm 2014. Việt Tide và Tác giả giữ bản quyền)

Tác giả: Trần Mỹ Duyệt

Nguồn tin: www.giadinhnazareth.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập667
  • Hôm nay35,041
  • Tháng hiện tại855,700
  • Tổng lượt truy cập56,957,337
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây