Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện nay là trường chuyên nổi tiếng nhất của Sài Gòn. Trước năm 1975, đây cũng là ngôi trường danh riêng cho nam sinh nổi tiếng nhất đô thành với cái tên Pétrus Trương Vĩnh Ký, là niềm tự hào của nhiều thế hệ từng học tại đây.
Ngôi trường Pétrus Ký ban đầu là một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat. Tuy nhiên như đã nhắc ở trên, Collège Chasseloup Laubat nằm ở trung tâm Sài Gòn chỉ dành cho con em người Pháp hoặc người Việt có quốc tịch Pháp, thì trường Pétrus Ký nằm ở khu vực hẻo lánh (vào thời điểm đó) là Chợ Quán, thu nhận toàn bộ là học trò người Việt, dạy từ lớp 6 đến lớp 12. Nhiều học sinh các tỉnh, sau khi xong bậc tiểu học ở quê, có thể lên Sài Gòn dự thi vào trường. Về sau, từ thời Ðệ nhất Cộng Hoà, do số học sinh tăng nhanh, muốn vào trường công lập phải qua kỳ thi tuyển sinh gắt gao, nên học sinh nào đậu vào trường là niềm hãnh diện lớn cho bản thân và cả gia đình.
Về tên gọi của trường Petrus Ký, tháng 12-1929, sau khi khánh thành tượng đồng của nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký ở công viên trước dinh Norodom (nay là dinh Độc Lập), trường chính thức mang tên là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên, nhiều người vẫn gọi tắt là Pétrus Ký và tên này được sử dụng trong gần 50 năm.
Từ thời đệ nhất cộng hoà, một số cơ sở và đất đai của Trường Pétrus Ký bị cắt xén, trưng dụng để dùng cho những cơ quan giáo dục khác.
Ba dãy lầu lớn của Trường Pétrus Ký được dùng cho ĐH Khoa học và ĐH Sư phạm. Nhà tổng giám thị Pétrus Ký được dùng làm Trung tâm Thính thị Anh ngữ, một số các nhà chức vụ khác của trường cũng được dùng cho một số viên chức Bộ Giáo dục Sài Gòn.
Tuy bị cắt xén nhiều nhưng Trường Pétrus Ký vẫn còn là một trường trung học lớn nhất dành riêng cho nam sinh ở miền Nam.
Trường Pétrus Ký là một tổng hòa công kiến trúc đẹp, gói gọn trong khuôn viên xanh, rộng rãi lên tới 8ha. Với những hàng cây cổ thụ, tháp đồng hồ hay những dãy hành lang lát gạch ca rô ẩn nấp phía dưới những mái vòm cong độc đáo được xem là những điểm nhấn đặc biệt của ngôi trường.
Có thể nói đây là tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Tây tổng hòa với nền giao thoa văn hóa bản địa Á Đông, tạo ra lối kiến trúc Đông Dương, đặc trưng cho một thời kỳ lịch sử Việt Nam.
Trước năm 1975, trường Pétrus ký dạy từ lớp 6 đến lớp 12 (đệ thất tới đệ nhất). Sau năm 1975, trường đổi tên thành Trung học cấp 2-3 Lê Hồng Phong. Nhưng từ năm học 1976-1977, trường không nhận học sinh vào lớp 6 nữa, rồi chấm dứt cuốn chiếu các lớp 7,8,9 cho tới năm 1979 thì chỉ còn là trường dạy cấp 3. Từ năm học 1980-1981, trường chính thức mang tên trường Phổ thông Trung học Lê Hồng Phong.
Mời các bạn xem lại những hình ảnh xưa của ngôi trường danh tiếng này:
Công trường xây dựng trường Petrus Ký ở Sài Gòn thập niên 1920.
Toàn cảnh trường Petrus Ký nhìn từ trên cao, thập niên 1920. Một số tòa nhà của trường thời điểm
này đang được thi công.
Cánh cổng có hai tầng (bên trái) ở mặt trước, hình ảnh mang tính biểu tượng về trường Petrus Ký.
Tiểu cảnh cây xanh ở mặt trước của trường.
Từ cổng nhìn về khu nhà chính của trường.
Sân danh dự nằm giữa các tòa nhà ở trung tâm.
Khu nội trú
Các dãy hành lang có mái che liên kết các tòa nhà của trường
Giờ tan trường vào một ngày của thập niên 1930.
Toàn quyền Philipines Davis M. Robin thăm trường Petrus Ký vào tháng 2/1931.
Giờ học môn địa lý
Bài: Đông Kha (biên soạn) – nhacxua.vn
Nguồn: https://nhacxua.vn/hinh-anh-cua-nhung-ngoi-truong-noi-tieng-nhat-sai-gon-xua-phan-1-lasan-taberd-petrus-ky-va-le-quy-don/