Các bài suy niệm CN 2 Phục Sinh.

Thứ sáu - 29/04/2011 09:32

---

---
Mừng kính Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta không quên cầu nguyện cách riêng cho các mục tử của mình và cho cả đoàn chiên được Chúa trao phó cho các ngài. Vì nhiều lúc, cả đoàn chiên lẫn chủ chiên cũng đang “đi đi mô”, bất an vì ngờ vực, hững hờ vì thiếu lòng mến, trốn chạy vì nhát đảm.

CỘNG ĐOÀN “KHẢ TÍN”

(Chúa Nhật II PS)

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa HT71

Có phải ngẫu nhiên chăng khi mà Phụng Vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh năm nào ta cũng nghe đọc bài Tin Mừng về chuyện “Tôma cứng lòng tin”. Hẳn chủ ý của Mẹ Hội Thánh là muốn nhấn mạnh đến vai trò của đức tin trong việc tiếp nhận mầu nhiệm Phục Sinh?  Quả thật, “người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu” (Rm 3,22). Nghi thức cử hành Bí tích Thánh Tẩy cho người lớn được khởi đầu như sau: Anh chị em xin gì cùng Hội Thánh? – Thưa con xin Đức Tin. Đức tin sinh ơn ích gì cho anh chị em? – Thưa đức tin đem lại cho con sự sống đời đời. Là Kitô hữu, chúng ta vốn chân nhận tầm quan trọng của đức tin. Tin không nguyên chỉ là nhìn nhận một sự gì đó, một ai đó mà còn dấn thân trọn vẹn cả cuộc sống theo điều mình nhận, theo người mình tin. Dù rằng đức tin là một sự đáp trả của mỗi người trong sự hiểu biết và sự tự do cá nhân, tuy nhiên đức tin còn có tính cách cộng đoàn vì ta đón nhận và sống đức tin nhờ cộng đoàn đồng thời ta còn có nhiệm vụ thông truyền đức tin cho mọi nguời (x.GLCG số 180-181).

VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐOÀN ĐỐI VỚI ĐỨC TIN

Nghe bài Tin Mừng kể chuyện về Tông Đồ Tôma ta dễ nghiêng chiều về tính cách cá nhân của đức tin là cần được kiểm chứng cách tự thân. Ai lại không thích tận mắt mình thấy, tận tay mình sờ chính Đấng Phục Sinh. Thế nhưng dẫu cho các Tông Đồ đã được cái diễm phúc ấy thì vai trò của đức tin vẫn còn đó. Sự xuất hiện của Chúa Phục Sinh luôn có cái ẩn tàng để các ngài phải vượt qua. Bởi chưng những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh không minh nhiên cách rõ ràng để các ngài được diện đối diện như sau này ở trên trời (x.1 Cr 13,12; 2 Cr 5,7). Hình dáng bên ngoài của Chúa Phục Sinh đã có đổi thay nào đó so với trước đây khiến cho Mađalêna, hai môn đệ đi làng Emmau cũng như các Tông Đồ khó nhận ra Chúa. Và rồi các Tông Đồ dù  đãthấy một điều, nhưng mãi cần phải nhận một điều khác.

Tuy nhiên điều chúng ta muốn đề cập ở đây chính là tính cách cộng đoàn của đức tin. Trước hết chúng ta cần nhìn nhận rằng thái độ “cứng lòng tin” của Tôma vừa có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về phía chủ quan thì có lẽ hành vi rời bỏ cộng đoàn của Tôma minh chứng cho điều này. Sau khi Chúa chịu khổ nạn thì các Tông Đồ đã tụ họp nhau lại ở nhà Tiệc Ly. Còn Tôma thì không biết ngài “đi đi mô?”. Cũng có thể vì sợ hãi, cũng có thể vì một lý do cá nhân nào đó, nhưng trong cái hoàn cảnh này, một hoàn cảnh xem ra bi đát, vô vọng của cả tập thể mà tự ý bỏ đi một mình thì xem ra không được ổn. Thật khó mà biện minh cho sự thiếu “đồng cam cộng khổ” của ngài “đi đi mô”.

Tách rời tập thể, tách lìa cộng đoàn thường là một trong những nguyên nhân khiến đức tin của ta ra nguội lạnh và có khi hoá khô cằn. Thực tế cho chúng ta sự thật này. Một Kitô hữu, một gia đình con cái Chúa tự ý sống tách lìa với cộng đoàn, với giáo xứ của mình thì đời sống đạo khó mà giữ được sự nhiệt thành. Ở đây, chỉ dám nhận xét bên ngoài vì chỉ có Chúa mới thấu suốt mọi tâm can bí ẩn lòng người. Tuy nhiên, ta có thể căn cứ vào số thống kê để chân nhận điều này: trong số các thiếu nhi, thiếu niên xem ra “hư hỏng” thì đa phần là không tham gia vào các lớp giáo lý hay các sinh hoạt chung của cộng đoàn. Trong các gia đình có vẻ như “nguội lạnh” đức tin thì cũng đa phần là không có gắn bó với tập thể, nếu không muốn nói là tự ý sống cô lập một mình. Kinh nghiệm nơi cả hàng tu sĩ hay linh mục cũng thế. Một cá nhân nào đó sống khép kín, bỏ cộng đoàn thì dường như đã hay đang có vấn đề và dĩ nhiên là vấn đề không được hay, không được tốt. Chính vì thế, Mẹ Hội Thánh luôn đề cao tính cộng đoàn trong việc sống đức tin của đoàn con cái. Đó là tình huynh đệ của linh mục đoàn, tính cộng đoàn của các tập thể Dòng Tu, sự liên đới trong các giáo xứ. Mục vụ cho người “di dân”, cho những người rời quê hương vì sinh kế, vì chuyện học hành…đang là một trong những nổi băn khoăn lớn của Hội Thánh nói chung và Hội Thánh Việt Nam nói riêng.

Cộng đoàn có ảnh hưởng một cách nào đó trên đức tin của chúng ta. Mặc dù ta vẫn phải tuyên xưng với công thức “tôi tin” nghĩa là đức tin luôn là một quyết định có ý thức và tự do của bản thân, thế nhưng ta đừng quên đức tin của ta được hình thành, nuôi dưỡng và củng cố trongnhờ cộng đoàn. Cộng đoàn có ảnh hưởng tích cực trên đức tin của ta và cũng có khi lại ảnh hưởng cách tiêu cực.

Thái độ cứng lòng tin của Tôma phải chăng có nguyên cớ nơi tập thể nhóm Tông Đồ, môn đệ? “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Chúng tôi đã được thấy Chúa, thế mà tám ngày sau các ngài vẫn đóng kín các cửa căn phòng, dĩ nhiên là vì sợ người Do Thái (x.Ga 20,19-26). Một lời tuyên xưng từ miệng những người mà chân tay còn run cầm cập thì khả tín làm sao được! Cần thú nhận rằng sự nhát đảm, sợ sệt của các mục tử, nhất là của nhiều đấng kế vị các Tông đồ là một trong những nguyên cớ làm sụt giảm niềm tin của nhiều con chiên.

Thật khó trở nên dấu chỉ gợi mở lòng tin, thật khó trở thành nguồn củng cố đức tin cho một ai đó, khi mà cộng đoàn đức tin không thực sự phản ánh những gì được tin nhận. Chúng ta hẳn không quên trường hợp “vị thánh sống” của người Ấn Độ, Gandhi. Mặc dù rất cảm mến Tin Mừng nhưng ông đã không đón nhận đức tin trong Hội Thánh chỉ vì sự kỳ thị sắc tộc của một cộng đoàn bấy giờ. Mẹ Hội Thánh chúng ta cũng đã từng đấm ngực thú nhận rằng chính mình là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng vô thần trên thế giới hiện nay. Phải, chính đời sống phản chứng, phản Tin Mừng của con cái Chúa đã làm nhiều người “cứng lòng tin” (x. MV số 19).

DẤU CHỈ KHẢ TÍN CỦA CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU TIÊN KHỞI :

Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung… Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy đem phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu” (Cv 4,32-35).

Những dòng Thánh Kinh thật đẹp, thật lý tưởng. Ngày nay ít có ai dám mơ tưởng chuyện như thế sẽ lại hiện thực. Mỗi thời mỗi khác. Mỗi giai đoạn phát triển sẽ có những hình thức tồn tại thích hợp khác nhau. Chắc hẳn không thể bê nguyên cái hình thức của cái thưở ban đầu “đáng mơ” ấy để áp dụng cho thời đại hôm nay. Thế nhưng cái bầu khí, cái tinh thần khả tín ấy cần được thể hiện trong các cộng đoàn con cái Chúa mọi thời, mọi nơi.

Giả như các gia đình khá giả tự nguyện đem những gì không phải là “hằng ngày dùng đủ” đặt dưới chân ông cha xứ để chia sẻ cho những gia đình đang không có “cái dùng đủ hằng ngày” thì thật đáng ước mơ. Thật đẹp thay khi các giáo xứ tương đối có “của tiêu của dùng” bớt đi chút tiêu và chút dùng cho tổ chức này nọ và đem đặt dưới chân Giám mục để ngài chia cho các xứ chưa có nơi thờ tự hoặc dân chúng ở đó đang sống ngang hay dưới mức nghèo khó. Thật lý tưởng khi các linh mục hàng tháng đem đặt dưới chân Giám mục một phần thu nhập để ngài phân phối lại cho những vị đáng được đỡ nâng. Thật đáng ước mơ khi mà Hội Dòng này không chỉ nâng đỡ Hội Dòng kia về linh đạo, về nhân sự mà còn cả về nguồn lực vật chất. Nhiều, nhiều cái thật lý tưởng và đáng ước mơ tương tự nếu được hiện thực thì sẽ là một trong những dấu chỉ khả tín có sức khơi gợi niềm tin nơi nhiều người. “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung… Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (Cv 2,42-47).

Đức Bênêđictô XVI trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” đã khẳng định bản chất của Hội Thánh được thể hiện qua ba tác vụ: Rao giảng Lời Chúa (kerygma-martyria), cử hành các Bí tích (leiturgia) và phục vụ bác ái (diakonia). Ba tác vụ này không thể tách rời nhau được. Việc phục vụ bác ái không phải là một hoạt động phụ thêm nhưng là một phần của bản chất của Hội Thánh (x.số 25). Công đồng Vatican II dạy ta rằng một trong những phương thuốc đặc hiệu chữa trị tình trạng vô thần đó là “đức ái huynh đệ của các tín hữu” (MV số 21).

MỘT VÀI CÂU HỎI TỰ KIỂM

Vì đâu tinh thần liên đới của các Kitô hữu sơ khai bị mai một dần? Có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh đổi thay chăng? Hay là do lòng người hôm nay quá ích kỷ, chỉ lo hưởng thụ cá nhân và đoàn tín hữu Kitô cũng đang ở trong vòng lốc xoáy ấy? Dẫu sao đi nữa thì ta cũng khó lòng biện minh cho việc hàng giáo sĩ quá lo cho tương lai, lo cho tuổi già về hưu. Thử hỏi đã có mấy linh mục hay giám mục chết vì thiếu thốn các điều kiện vật chất hay là ngược lại như thực tế đã cho ta thấy?

Vì đâu mà thuyết Mác-xít muốn nỗ lực xây dựng một thế giới đại đồng huynh đệ dựa trên việc tái lập đức công bằng mặc dù có nhiều điểm sai lệch, đặc biệt nơi biện pháp thực thi? (x. TĐ Thiên Chúa là Tình Yêu số 26). Phải chăng chúng ta, cộng đoàn tín hữu Kitô một nơi nào đó, một giai đoạn nào đó đã từng khép kín lòng mình trước người anh em đồng loại? Ngay hôm nay, bản thân tôi cũng dễ bị cám dỗ sống “hai phần ba” bản chất của Hội Thánh. Thú thực, là linh mục, dường như tôi tự hài lòng với việc rao giảng Lời Chúa và cử hành các Bí tích. Hai phần ba xem ra là khá lắm rồi chứ. Thế nhưng khi thiếu cái phần ba còn lại thì chẳng có gì cả. Không có đức ái thì tất cả chỉ là “phèng la, não bạt”(x.1Cor 13). Và chắc chắn đời sống của tôi đang thiếu tính khả tín.

Vì đâu mà cộng đoàn tín hữu thời sơ khai sống được đức ái cách triệt để như thế? Dĩ nhiên trên hết là nhờ ơn Chúa. Và chắc chắn có sự khả tín nơi đời sống các Tông Đồ, các môn đệ, những người đang hướng dẫn họ. Giả như các Tông Đồ sống thiếu tình bác ái hoặc các ngài sử dụng của cải không phân minh thì có lẽ tình hình Hội Thánh sơ khai khó bề được như vậy. Phận người bất toàn khó tránh được thiếu sót, sai lầm. Các ngài đã nhận ra điều này nên đã chọn thêm bảy phó tế để phụ giúp (x Cv 6,1-6). “Mạnh ở tướng chứ mạnh gì quân”. Câu nói của người xưa hẳn có phần đúng và đáng cho ta phải xét mình.

Để cộng đoàn chúng ta trở thành dấu chỉ khơi gợi đức tin, trở thành nơi xây dựng đức tin, củng cố và làm tăng trưởng đức tin, có nhiều phương thế nhưng trên hết, trước hết chúng ta phải là một cộng đoàn khả tín bằng tình bác ái huynh đệ.

+++++

TRÁI TIM NGƯỜI THẦY, TRÁI TIM HỌC TRÒ

CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA, CN II Phục Sinh

Lm Minh Anh HT71, Gp Huế

Anh Chị em thân mến,

Thiên Chúa là tình yêu, một khi đã yêu, Ngài yêu cho đến cùng.

Thật ý nghĩa khi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đấng Phục Sinh tỏ mình cho các môn đệ nhân Chúa Nhật “LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA”. Trong vài phút, chúng ta thử quan chiêm Trái Tim Giêsu, trái tim người Thầy; đồng thời cũng thoáng qua trái tim Tôma, trái tim học trò; nhờ đó, có thể hiểu được đôi chút lòng Chúa, đôi chút lòng ta.

Trái Tim Giêsu, một trái tim chan chứa yêu thương mà Tin Mừng không ngừng lặp đi lặp lại đã bao lần “Ngài chạnh lòng thương” trước cảnh cùng khốn của con người: Thấy dân chúng tất tưởi bơ vơ như chiên không người chăn, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy người ta khiêng đi chôn con trai duy nhất của một bà goá, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy những người phong cùi tiến đến từ xa, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy hai người mù đang dò dẫm lại gần, “Ngài chạnh lòng thương”... Và chắc hẳn các tông đồ, kể cả Tôma, cũng đã ít nhiều cảm nhận cái thổn thức “chạnh thương” đó nơi Thầy mình. Cũng trái tim đó, bởi đã chạnh thương cho đến cùng nên bị đâm thâu, để giọt máu sau hết và chút nước cuối cùng nhỏ xuống mà có lẽ Tôma đã chứng kiến xa xa hay ít nữa đã nghe thuật lại chiều ngày thứ Sáu hôm ấy vì ông không dám lại gần.

Trái Tim Tôma, một trái tim nhát đảm và ngờ vực. Thầy mất, không ai biết vì lý do gì, “Đi Đi Mô” rời bỏ cộng đoàn. Phải chăng trái tim Tôma đang tan nát vì thương tích, vì những vết đau dù không nhìn thấy nhưng là những thương tích có thật và đau thật. Một trái tim ngờ vực khủng hoảng đến tội nghiệp, “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”. Ôi, còn đâu bao lời tiên báo và giáo huấn của người Thầy khả ái? Còn đâu những cảm nghiệm đầy thán phục khi chứng kiến bao phép lạ của Con Đức Chúa Trời?

Thật là mỉa mai, thật là chua xót cho người môn sinh tuyệt vọng. Thật là thất đoạt, thật là vô ích cho người Thầy luống công. Sự ngã lòng của Tôma xúc phạm đến Thầy đâu kém việc bán Thầy hay chối Thầy của hai bạn đồng môn! Có khi còn tệ hơn; bởi lẽ, Giuđa và Phêrô tránh né liên luỵ đến một người sắp từ giã cõi sống trong khi Tôma lại đan tâm chối nhận một Đấng vừa trở về từ cõi chết.

Vì thế, cũng bởi “chạnh thương” nên tám ngày sau, Vị Thầy lại phải hiện ra một lần nữa và trái tim đã yêu dấu loài người quá bội đó đã biết lựa lời khôn khéo nhẹ nhàng trách yêu người học trò. Ngài dỗ dành chứ không mắng mổ, chìu chuộng chứ không phỉ báng, “Hãy đặt ngón tay con vào đây, hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Thôi, đừng cứng lòng nhưng hãy tin”.

Lạ thay, Tin Mừng không nói đến việc Tôma có sấn tới thọc tay vào lỗ đinh Thầy, đặt tay vào cạnh sườn Thầy mà trong đó cũng có một trái tim hay không. Nhưng chúng ta có thể đoan chắc, chính Đức Giêsu Phục Sinh đã một lần nữa “chạnh thương chạm đến” và băng bó trái tim thương tích của người môn sinh.

Tim đụng tim, lòng chạm lòng! Nhờ đó, bình an lại đến với tâm hồn người môn đệ; và thay vì reo lên Magnificat, Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, cách nào đó, Tôma đã phải cất cao Credo, Tôi tin! Bởi lẽ, trước tiên là phải tin, sau đó mới có thể ca khen Đấng mình tuyên xưng.

Vậy là tim chữa lành tim, lòng cảm mến lòng. Tim Thầy chữa lành tim trò, lòng Thầy khoả lấp lòng môn đệ. Nhờ lòng Thầy chạnh thương mà từ đây, lòng người môn đệ xác tín thay cho ngờ vực; yêu mến thay cho hững hờ; chứng tá, thay cho trốn chạy; và bình an thay cho bất an.

Hơn lúc nào hết, có lẽ mỗi người trong chúng ta hôm nay, dù ở đấng bậc nào, cũng đều cảm thấy cần đến lòng Chúa xót thương hơn bất kỳ ai. Vì chỉ có Chúa mới là Đấng xót thật và thương thật; chỉ có Chúa mới biết được mỗi người cần đến lòng Ngài xót thương biết bao; chỉ có Chúa là Đấng có thể chữa lành, có thể hàn gắn, có thể băng bó, có thể đem về và trao tặng bình an, một sự bình an không ai lấy mất. Vì bình an của Chúa là chính Chúa. 

Mừng kính Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta không quên cầu nguyện cách riêng cho các mục tử của mình và cho cả đoàn chiên được Chúa trao phó cho các ngài. Vì nhiều lúc, cả đoàn chiên lẫn chủ chiên cũng đang “đi đi mô”, bất an vì ngờ vực, hững hờ vì thiếu lòng mến, trốn chạy vì nhát đảm.

“Vì sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô,

xin Cha thương xót chúng con và các Linh mục”.

“Vì sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô,

xin Cha thương xót chúng con và các Linh mục”.

“Vì sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô,

xin Cha thương xót chúng con và các Linh mục”.

+++++

THÔNG BAN THẦN KHÍ

(Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai phục sinh)

Lm Inhaxiô Trần Ngà, Gx Hộ Diêm, Gp Nha Trang

Con người được sống là nhờ hơi thở của Thiên Chúa

Từ khởi thuỷ, sau khi dựng nên trời đất muôn vật, Thiên Chúa lấy bùn đất dựng nên Ađam. Mới đầu thân thể ông chỉ là một khối đất bất động, không có dấu hiệu của sự sống.

Thế rồi, Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi Ađam (Sáng thế 2, 7), tức thì Ađam bắt đầu mở mắt, cựa mình và vươn vai chỗi dậy thành một con người đầy sức sống.

Thế là nhờ hơi thở mà Thiên Chúa truyền cho, A-đam được tiếp nhận sự sống và trở thành thuỷ tổ loài người trên khắp trái đất.

Tiếc thay, con người tuyệt vời được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Người lại lâm vào vòng sa đoạ, đánh mất phẩm chất cao đẹp mà Thiên Chúa đã phú cho và phải mang lấy án phạt đời đời. Vì thế, Thiên Chúa phải thực hiện kế hoạch kiến tạo một nhân loại mới.

Giáo Hội được sống là nhờ Thần Khí, tức là Hơi Thở của Thiên Chúa

Thế rồi, “vào ngày thứ nhất trong tuần - và cũng là ngày thứ nhất trong lịch sử nhân loại mới -  nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an!" (Gioan 20, 19-22)

Kế đó, tựa như thời khởi thuỷ, Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi Ađam để thông truyền sự sống cho ông, thì nay Chúa Giê-su cũng thổi hơi trên các tông đồ đang co cụm như những thân xác không hồn để thông ban Chúa Thánh Thần cho họ: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Gioan 20, 22)

Thế là từ đây, các tông đồ bắt đầu đón nhận sức sống mới, các ông được hồi sinh, được trở nên can trường mạnh mẽ, thoát ra khỏi căn phòng đóng kín như hầm mộ u tối chôn vùi các ông suốt mấy tuần qua để ra đi khắp các nẻo đường, loan báoTin Mừng cứu độ.

Xin Chúa Giê-su tiếp tục thông ban Thần Khí cho chúng ta

Vậy mà cho đến hôm nay, sau hai ngàn năm kể từ ngày Chúa Giê-su khai sinh nhân loại mới,  vẫn còn trong ta sự ương ngạnh của Ađam, muốn sống theo dục vọng của mình bất chấp lời giáo huấn của Thiên Chúa. Vẫn còn trong ta tính ù lì khiếp nhược của các tông đồ sau biến cố Thầy Giê-su thụ nạn, tự giam mình trong phòng kín như mộ địa tối tăm. Vẫn còn trong ta con người ích kỷ chỉ biết sống cho mình, cho gia đình mình mà chưa mở ra với tha nhân và lối xóm.

Thế nên, hơn lúc nào hết, chúng ta cần Chúa Giê-su hiện đến thổi hơi truyền ban Thần Khí cho chúng ta như xưa Thiên Chúa đã thổi hơi vào hình hài bằng đất của Ađam và như Chúa Giê-su đã thổi hơi ban Thần Khí cho các tông đồ trong phòng hội, để chúng ta được hồi sinh, được vượt ra khỏi ngục tù do lòng tham lam ích kỷ dựng nên, thoát ra khỏi mộ địa do chính sự hèn yếu của chúng ta vây bọc.

Và nhờ đó, chúng ta thực sự được hồi sinh. 

Tác giả: Tổng hợp

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập584
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại912,559
  • Tổng lượt truy cập57,014,196
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây