CN 11 TN. Con đường thoát ách tội lỗi

Thứ bảy - 15/06/2013 00:01

-

-
Con đường để được giải thoát khỏi cảnh nô lệ, để được nên công chính, đã mở ra. Xin tạ ơn Chúa. Ước gì chúng ta trong kiếp lữ thứ này, dù khó có thể tránh lỗi lầm, nhưng luôn biết chân thành khiêm nhu hiện diện trước nhau một cách chân thành, hiện diện trước nhan Chúa cách trung thực.
CON ĐƯỜNG THOÁT ÁCH TỘI LỖI
(Chúa Nhật XI TN C – 2Sm 12,7-10.13; Gal 2,16.19-21; Lc 7,36-8,3)


 
Đề tài tội lỗi xem ra quen thuộc với tôn giáo, cách riêng với Kitô giáo. Nhiều người thời nay lại muốn chối bỏ thực tại này. Vì hễ nói đến tội là dường như làm giảm giá trị con người một cách nào đó. Sao lại cứ mãi bàn đến chuyện tiêu cực! Thế nhưng, thông tin đại chúng lại thích bám vào đề tài này để câu khách. Chuyện tốt thì ai cũng thích nhưng người ta lại thích tò mò với những gì mang tính “xí căng đan” hơn. Dù sao đi nữa, chúng ta không thể chối bỏ sự hiện diện của điều xấu giữa xã hội này, thế giới này và nhất là nơi chính bản thân mình.
 
SỰ HIỆN HỮU CỦA TỘI VÀ TÌNH TRẠNG BẤT LỰC CỦA CON NGƯỜI:
 
Tác giả Thánh Vịnh cảm nghiệm:“Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi” (Tv 50). Có đủ một chút lý trí thì con người đã thấy mình dễ nghiêng chiều với điều xấu. Cha ông ta cũng đã nhận ra hiện trạng này: “Đa thọ, đa nhục. Đa phú, đa ưu”. Càng giàu có càng thêm băn hăn, bó hó. Tuổi đời càng cao thì tội lỗi càng ngập đầy. Là Kitô hữu, chúng ta thừa nhận điều ấy. “Xin thương xót con là kẻ có tội”. Một điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Thánh Lễ và các cử hành Phụng vụ. Ngoại trừ Đức Maria, thì trong kiếp thọ tạo này, khi đã đủ năng lực chịu trách nhiệm về hành vi của mình, thì ai ai cũng đã từng phạm tội và có thể sẽ phạm tội. Quyền cao chức trọng như vua Đavit cũng có tội (x.2Sm 11-12). Ông đã phạm thứ tội đáng tử hình: giết Uria để cướp lấy vợ ông ta, bà Betsabê. Thấp cổ, bé phận hay vô danh như người phụ nữ trong bài Tin Mừng Lc 7,36-8,3 cũng có tội. Nam hay nữ đều có thể phạm tội. Thánh Phaolô thú nhận:“ Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, thì tôi lại cứ làm…Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 8,19-24)
 
Mỗi niềm tin tôn giáo đều có một phương pháp, một con đường giải thoát. Anh em Phật tử thì chọn con đường “giác ngộ, từ bi, hỉ xả”, người theo Lão Trang thì chọn con đường “vô vi”, người theo Đức Khổng thì chọn cách thế sống “chính danh, chính phận”. Kitô hữu chúng ta thì sao? Thánh Tông Đồ dân ngoại khẳng định rằng nỗ lực của con người xưa nay trước tình trạng tội lỗi của chính mình, hay của xã hội đều như chuyện muối bỏ biển. Dù tuân giữ các lề luật, dù thực thi nhiều công quả cũng không thể tự mình làm cho mình nên công chính, nghĩa là nên thanh sạch (x.Gal 2,16-18).
Tuy nhiên với Thiên Chúa, thì không có sự gì là không thể được (x.Lc 1,37). Bằng Lời mạc khải và bằng chính Ngôi Lời nhập thể, nhân loại có được con đường giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi. Đó là con đường cởi bỏ chiếc áo, cởi bỏ mặt nạ, cởi bỏ tâm hồn.
 
CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT:
 
1. Cởi bỏ chiếc áo, cởi bỏ mặt nạ để hiện diện trước mặt nhau bằng sự trung thực, hiện diện trước nhan Thiên Chúa với lòng thành thật. Đây chính là vi khiêm hạ. Đavít, dù là một quân vương vị vọng, đã chân thành nhìn nhận tội lỗi của mình trước Tiên Tri Nathan. Tôi đã phạm tội. Không một chút quanh co, lấp liếm hay bào chữa. Và Thánh vương đã tự thú nhận trước nhan Thiên Chúa con người tội lỗi của mình. “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm…Vâng con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm” (Tv 50,3.5).
 
Người phụ nữ trong bài Tin Mừng, khi can đảm bước vào nhà của một người đáng kính, với sự hiện diện của nhiều người tự cho mình là công chính, cũng đã mặc nhiên tự thú hiện trạng tội lỗi của mình. Chân thành nhìn nhận mình là kẻ có tội trong khiêm hạ là một cách thế lôi kéo tình thương tha thứ của Thiên Chúa hữu hiệu. Chúa yêu thương và nhậm lời kẻ khiêm nhu.  Chgúa Giêsu đã từng kể chuyện người thu thuế vào Đền thờ không dám ngước mặt lên chỉ biết đấm ngực thú lỗi: lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội. Anh ta ra về và được nên công chính (x Lc 18,9-14).
 
2. Cởi bỏ tấm lòng để trao dâng cho tha nhân và hiến dâng cho Thiên Chúa tất cả những gì mình là, mình có, mình gắn bó, đó là cách thế để nên trong sạch. Chúa Giêsu đã từng minh định với người biệt phái đã mời Người dùng bữa rằng: “Thật, nhóm Pharisêu các người. Bên ngoài chén dĩa thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì bên trong thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các người” (Lc 11,39-41). Chị phụ nữ vô danh tại nhà ông Simon đã hiến dâng cho Chúa Giêsu những gì quý nhất của chị để tỏ lòng yêu mến. Với người phụ nữ, nước mắt là một vũ khí lợi hại. Biết bao anh hùng đã chết chìm trong dòng nước mắt của giai nhân. Thế mà chị đã dùng nước mắt để tưới đẫm chân Chúa Giêsu. Cái răng, cái tóc là gốc con người. Với phụ nữ, giới được gọi là phe tóc dài thì mái tóc lại càng quý giá và lợi hại khôn xiết. Thế mà, chị phụ nữ lại dùng chính mái tóc mình để lau đôi bàn chân từng rong duỗi khắp các nẻo đường Palestin của Chúa Giêsu. Chỉ trong tình yêu dạt dào mới có hành vi này. Đôi môi người phụ nữ là phần thân thể được gìn giữ và tô điểm cách đặc biệt. Nó vừa là nơi biểu lộ xúc cảm cũng như trao ban tình cảm.

 Thế mà chị phụ nữ đã đặt nó trên bàn chân của Chúa Giêsu. Lại thêm dầu thơm hảo hạng nữa chứ. Một vũ khí bên ngoài hỗ trợ rất đắc lực cách đặc biệt cho nữ giới. Chị ta lại đổ trên chân Chúa. Có thể nói, vì yêu, chị phụ nữ đã trao dâng cho Chúa Giêsu tất cả. Chị đã yêu mến nhiều và đã được tha thứ nhiều.
 
Con đường để được giải thoát khỏi cảnh nô lệ, để được nên công chính, đã mở ra. Xin tạ ơn Chúa. Ước gì chúng ta trong kiếp lữ thứ này, dù khó có thể tránh lỗi lầm, nhưng luôn biết chân thành khiêm nhu hiện diện trước nhau một cách chân thành, hiện diện trước nhan Chúa cách trung thực. Càng thêm tuổi, càng thêm quyền chức, càng nhiều danh vọng, người ta càng dễ có khuynh hướng “đeo mặt nạ” với nhau và có khi “tô son” trước nhan Thiên Chúa. Thần Dữ, cha của sự gian dối, rất thích sử dụng vũ khí này để kìm chế chúng ta trong tội. Để có thể can đảm sống trung thực, ước gì có được một một môi sinh tràn đầy tình yêu khoan thứ. Chính bởi cái nhìn bất bao dung, cái nhìn thích kết án của ta một cách nào đó giam hảm tha nhân trong sự gian dối, trong sự giả hình. Ước gì chúng ta biết mở con tim, quảng đại trao dâng cho nhau, quảng đại hiến dâng cho Thiên Chúa những gì quý giá, gắn bó thiết thân để bày tỏ tình yêu thương. Không có con đường nào đẹp hơn con đường này. Vì “Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi” (1P 4,8). Và “Yêu thương thì chu toàn mọi lề luật” (Rm 14,10).

Tác giả: Lm Nguyễn Văn Nghĩa HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập772
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm769
  • Hôm nay170,282
  • Tháng hiện tại1,082,546
  • Tổng lượt truy cập57,184,183
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây