Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Tái lập Đại Chủng viện Huế
Sinh hoạt Liên tu sĩ và Học viện Liên Dòng
Tái lập Dòng Cát Minh
Truyền chức 101 linh mục
Thành lập và tái lập giáo xứ
Hội thảo tôn kính tổ tiên
Một số vấn đề Văn hóa CG Việt Nam
HT Thân thế-Sự nghiệp Leopole-M Cadiere
Tháp nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam
Trung tâm Mục vụ Giáo phận Huế
Thành lập Dòng MTG Bà Rịa
Nhà hưu dưỡng giáo phận Huế
Nhà nữ tu & nhân viên phục vụ
Nghĩa trang Giám mục và Linh mục
Thánh lễ cầu cho các GM & LM đã qua đời
Hiệp Hội Gia đình Thánh Têrêxa
Gia đình Đồng Hương TGP Huế phía Nam
Hiệp Sĩ Đại Thánh Giá
Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang
 

Một số bài chia sẻ

THÁNH LỄ CẦU CHO CÁC GIÁM MỤC VÀ CÁC LINH MỤC TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ ĐÃ QUA ĐỜI (2011)

Sáng ngày 03-11-2011, Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể đã chủ tế Thánh Lễ đồng tế cầu nguyện cho các Giám mục và Linh mục đã qua đời tại Nhà Nguyện Nhà Chung. Cùng đồng tế với người cha chung của Giáo Phận có Đức Giám Mục Phụ Tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Cha Jean Baptiste Etcharren và tất cả linh mục đoàn Huế trong dịp về Tĩnh tâm tháng 11 này.

 

 

CÁC MỐI PHÚC THẬT (Matthêô 5,1-12)

Lời Chúa Giêsu rao giảng trên đồi Bát Phúc hôm nay vang dội lại nơi đồi Thiên Thai này, như để tôn vinh các bậc Tiền nhân của chúng ta đã sống chết cho Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người.

Đồng thời Lời Hằng Sống ấy nhắc nhở chúng ta là con cháu hãy nối gót Cha Ông mà sống hoà hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu.

1. Tin Mừng đem đến hạnh phúc cho những ai biết lắng nghe và đem ra thực hành những giáo huấn của Chúa Giêsu. Tin Mừng mở ra những chân trời mới bao la bát ngát, đem lại một cuộc sống rộng mở tự do, và đầy hứng khởi cho con cái Chúa trong mọi hoàn cảnh thuận cũng như nghịch.

Hạnh phúc mà Chúa Giêsu hứa ban không phải là thứ hạnh phúc dễ dãi, rẻ tiền nhưng là thứ hạnh phúc đòi phải trả giá rất đắt, trả giá bằng cách thắng vượt chính mình.

Tin Mừng lắm lúc quấy rầy chúng ta, gây phiền hà cho chúng ta, không để chúng ta ăn yên ngủ yên, nhưng đòi chúng ta đặt lại nhiều vấn đề, không cho phép chúng ta an thân trong những thói quen, những tập tục, những sở thích, những định kiến, những cách sống quá tầm thường...

Tin Mừng đến đảo lộn (lay động, thức tỉnh) những hình ảnh chúng ta có sẵn về Thiên Chúa mà không đúng đắn, không trong sáng. Tin Mừng lật ngược những suy nghĩ ngắn ngủn, những tính toán vụn vặt của chúng ta, những cách nhìn mờ đục, những nếp nghĩ quanh co trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người.

Tin Mừng bắt chúng ta phải đương đầu với những nghịch lý: nghịch lý của Nước Trời, Nước Trời đã bắt đầu ngay ở trần gian này.

2. Trong Nước Trời, chúng ta sống hạnh phúc:

a.  Hạnh phúc ngay khi nghèo khó, hạnh phúc ngay khi khóc lóc, hạnh phúc ngay khi đói khát, hạnh phúc ngay cả khi bị bách hại..., vì chính trong những hoàn cảnh xem ra bi đát như vậy, chúng ta lại cảm nhận được một nguồn suối tươi mát vọt lên từ bên trong, không những giúp ta gánh chịu những phũ phàng của cuộc sống, mà còn giúp ta biến đổi các khổ ải ấy thành những giá trị trường tồn.

Lúc đó, chúng ta đi vào quỹ đạo của Thiên Chúa, đi vào cái lo-gich nghịch lý của Người, cái nghịch lý:

- “Ai thua là thắng”,

- “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25),

- “Hạt giống mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24).

- “Ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” (Mt 23,12).

b.  Các mối phúc không phải là những lời khuyên bảo luân lý, và không có ý nêu lên những nhân đức để đáng được Nước Trời. Các mối phúc càng không phải là lời khuyến khích chúng ta sống trong khốn khổ và u sầu.

Điều mà các mối phúc công bố và cử hành: đó là tình yêu nhưng không và tuyệt đối của Thiên Chúa.

Người nghèo, người đói khát, người khóc lóc, người bị bách hại... được tuyên bố, tôn vinh là những người hạnh phúc thật sự. Họ hạnh phúc không phải do sự cực khổ đau thương của mình, nhưng hạnh phúc vì họ không coi gì ở trần gian này là đáng giá để họ bám víu vào, cậy dựa vào.

Và như vậy là họ có một tâm hồn thanh thoát để đón nhận biến cố kỳ diệu đang đến: đó là biến cố Nước Trời, biến cố Tin Mừng Chúa Giêsu.

Sở dĩ các người nghèo khó, đói khát, khóc lóc thấy mở rộng trước mắt mình những cánh cửa Nước Trời, sở dĩ họ là những người đầu tiên được mời tham dự vào niềm vui thiên sai, đó chính là vì họ được Thiên Chúa tuyển chọn bằng một tình yêu hoàn toàn nhưng không.

Nước Trời, người ta không mua được. Người ta chỉ đón nhận như một ân ban. Tất cả là hồng ân.

3. Người nghèo khó, người đau khổ, trong viễn tượng Kinh Thánh là người coi Thiên Chúa quý trọng hơn mọi sự ở đời. Họ không cậy dựa vào bất cứ điều gì ở trần gian, nhưng chỉ nương tựa vào một mình Chúa. Trong lòng họ, Thiên Chúa được đặt ở chỗ cao trọng nhất.

Họ là những người mà Cựu Ước gọi là “những người nghèo của Đức Chúa”.

Những người ấy được hạnh phúc thật, vì họ có Chúa là tất cả, Chúa là sung mãn, đầy đủ hơn mọi sự ở đời.

4. Hơn ai hết (nhất là trong giờ tử nạn) Chúa Giêsu là người nghèo khó, người hiền lành, người đau buồn, người bị bách hại...

Nhưng chính lúc đó, Ngài lại cảm thấy tràn trề hạnh phúc, vì Ngài phó thác hoàn toàn trong tay Cha: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Ngài cảm nghiệm trong bản thân mình mối phúc của kẻ mất hết mọi sự ở đời, nhưng lại được chính Chúa Cha là phần gia nghiệp quý báu vô song.

Vậy khi công bố các mối phúc, thì Chúa Giêsu muốn giới thiệu mối phúc mà chính Ngài được hưởng, vì Ngài muốn chúng ta nên giống Ngài, để cũng được hưởng thứ hạnh phúc chân chính ấy.

Ai yêu mến Ngài trên hết mọi sự, thì sẽ nếm hưởng được hạnh phúc lớn lao vào chính lúc mình trở nên nghèo nàn, trơ trọi, không được ưu đãi ở thế gian, gặp nghịch cảnh, oan khiên, không còn nơi nương tựa ở người đời, thậm chí cả nơi những người thân quen của mình.

5. Tổ tiên cha ông chúng ta, đặc biệt các Giám mục, Linh mục Giáo Phận nhà, khi ở trần gian này đã chọn một con đường, một lối sống: đó là sống theo các mối Phúc thật của Tin Mừng.

Các ngài đã đi vào vận hành của một cuộc vượt qua liên lỉ, hằng ngày:

- đi từ bóng tối đến ánh sáng.
- đi từ sự chết đến sự sống.

Các ngài đã vượt qua chính mình để hòa nhập vào sự sống của Chúa Giêsu Kitô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Các ngài đã để lại cho hậu thế chứng tá hùng hồn:

- về tình yêu nhưng không và luôn trung thành của Chúa đối với con người.
- về lòng gắn bó sắt son của họ đối với Chúa.

Đó là các Thánh nam nữ mà chúng ta mừng kính ngày hôm qua, đủ các thành phần dân Chúa: Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ và Giáo dân đã cống hiến trọn đời mình cho Chúa, góp phần làm nên sức sống và sự thánh thiện của Giáo Hội.

Đó là các bậc cha mẹ gia đình đã hy sinh âm thầm để chu toàn trọng trách làm cha, làm mẹ, trong những hoàn cảnh đôi khi rất khắc nghiệt.

Đó là các thanh niên nam nữ đã dùng tuổi thanh xuân mình mà làm cho gia đình, Giáo Hội, Giáo xứ được có một cuộc sống tươi vui và hạnh phúc.

Đó là những anh chị em già yếu, bệnh tật... dâng lên Chúa những khổ đau của mình, làm phong phú cho kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội.

6.  Xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta có những bậc tiền nhân gương mẫu, sống một cuộc đời hạnh phúc, dù gặp phải gian nan khốn khó.

Xin tri ân các vị tiền bối, cách riêng các Giám mục và Linh mục qua bao thế hệ, đã đổ mồ hôi nước mắt, đổ cả máu đào để xây dựng Giáo Hội, Giáo Phận, Giáo xứ, và đã để lại cho chúng ta một di sản lớn lao, quý báu vô giá.

Con Cháu nguyện không làm hổ thẹn (phụ lòng) các bậc Cha Ông.

Nguyện cùng nhau kề vai sát cánh gìn giữ, bảo toàn di sản Tổng Giáo Phận chúng ta, và vun đắp tài bồi ngày càng phong phú hơn, để cho mọi người được sống và sống dồi dào, sống hạnh phúc trong Chúa (Ga 10,10). Amen.