Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Tái lập Đại Chủng viện Huế
Sinh hoạt Liên tu sĩ và Học viện Liên Dòng
Tái lập Dòng Cát Minh
Truyền chức 101 linh mục
Thành lập và tái lập giáo xứ
Hội thảo tôn kính tổ tiên
Một số vấn đề Văn hóa CG Việt Nam
HT Thân thế-Sự nghiệp Leopole-M Cadiere
Tháp nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam
Trung tâm Mục vụ Giáo phận Huế
Thành lập Dòng MTG Bà Rịa
Nhà hưu dưỡng giáo phận Huế
Nhà nữ tu & nhân viên phục vụ
Nghĩa trang Giám mục và Linh mục
Thánh lễ cầu cho các GM & LM đã qua đời
Hiệp Hội Gia đình Thánh Têrêxa
Gia đình Đồng Hương TGP Huế phía Nam
Hiệp Sĩ Đại Thánh Giá
Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang
 

Một số bài chia sẻ

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VĂN HOÁ CÔNG GIÁO VIỆT NAM

(24 đến 27-10-2000)

Khai mạc

"Một Số Vấn Đề Về Văn Hóa Công Giáo Việt Nam Từ Khởi Thủy Đến Đầu Thế Kỷ XX" là chủ đề của cuộc tọa đàm do Uỷ Ban Giám Mục về Giáo Dân thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Toà Tổng Giám Mục Huế tổ chức từ ngày 24.10 tới ngày 27.10.2000 tại Tòa Tổng Giám Mục Huế.

Thánh Lễ kính Chúa Thánh Thần khai mạc cuộc tọa đàm tại nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam vào lúc 6h sáng 24.10, do Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giáo Phận Huế chủ sự. Cùng đồng tế có Đức Cha P. Xavie Nguyễn Văn Sang, và 44 linh mục với sự tham dự của các tu sĩ nam nữ, chủng sinh và đại diện giáo dân của các Giáo Phận Hà Nội, Bùi Chu, Hưng Hóa, Thanh Hóa, Thái Bình, Huế, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, Kontum, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và Xuân Lộc.

Trong phần mở đầu Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể nói “Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta đưọc sinh ra trong một đất nước đầy hương sắc, với đời sống đức tin sâu sắc, phong phú góp phần vào văn hoá Việt Nam trong suốt 400 năm qua. Văn hoá của dân tộc là lắng đọng của khí thiêng, sông núi được hun đúc qua bao thăng trầm lịch sử. Đức tin Công giáo đã thăng hoa những giá trị tích cực, làm thăng hoa văn hóa dân tộc và Đức tin cần phải được hòa nhập vào hơi thở Việt Nam. Như lời của Đức Gioan Phaolô II: “Đức tin trở thành văn hóa là một đức tin được đón nhận cách sung mãn, trọn vẹn và được sống cách trung thành nhất”.

Tổng kết bế mạc

Ngày 27-10-2000, trong bài tổng kết, nhà báo Huy Thông, thành viên trong Ban tổ chức phát biểu: “Với 12 đề tài do các nhà nghiên cứu trình bày, và hơn 100 ý kiến trao đổi, thảo luận, đã phác hoạ những đường nét đầu tiên trong bức tranh hoành tráng về vấn đề văn hoá công giáo Việt Nam”. Bài tổng kết nhận định: “Có những vấn đề tưởng là xưa cũ nhiều người biết như: Chữ quốc ngữ, sách Hán Nôm công giáo, báo chí công giáo, thi ca công giáo, kiến trúc nhà thờ công giáo... nhưng mỗi người ít nhiều đều lãnh hội được những kiến thức mới và bổ ích.

Một cách cụ thể, khi tham dự buổi toạ đàm này, đối với người công giáo, chúng ta hiểu về đạo công giáo Việt Nam rõ hơn, để dấn thân trên con đường hội nhập văn hoá. Còn đối với quý vị ngoài công giáo, là dịp để quý vị hiểu đạo công giáo và người công giáo hơn để có thể nắm tay nhau, đoàn kết xây dựng xã hội công bằng văn minh”.

Giáo sư Chương Thâu, Viện Sử học Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, một thuyết trình viên phát biểu ý kiến: “Đây là một cuộc hội thảo khoa học đúng nghĩa với chất lượng cao, không kém gì các cuộc Hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Đây là một dịp may để chúng tôi, những nhà nghiên cứu ngoài công giáo được tiếp xúc với các vị thông tuệ”. Ông ghi nhận sự đóng góp to lớn của người công giáo vào văn hoá dân tộc. Đồng thời ông đề nghị: “Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nên có một trung tâm bảo tồn và sưu tập các tài liệu công giáo liên quan đến Công giáo Việt Nam, hiện đang lưu lạc khắp thế giới, hầu giúp việc nghiên cứu được dễ dàng hơn”.

SỐNG ĐẠO THEO CUNG CÁCH VIỆT NAM

(20 đến 22-04-2004)

Cuộc Hội thảo do Uỷ Ban Giáo Dân HĐGMVN và Toà Tổng Giám Mục Huế tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Giáo Phận Huế

 

LỜI TẠM BIỆT

CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

TRONG LỄ BẾ MẠC NHỮNG NGÀY TỌA ĐÀM “SỐNG ĐẠO THEO CUNG CÁCH VIỆT NAM

ĐƯỢC UBGD/ HĐGM TỔ CHỨC TẠI TÒA TOÀ GIÁM MỤC HUẾ (20 - 22.04.2004)

Trọng kính quý Đức Cha,

Kính thưa quý Cha Tổng Đại diện,

Kính thưa các vị khách quý, các vị thuyết trình viên,

Quý Bề trên Tổng quyền dòng tu,

Quý Cha Tổng thư ký các Ủy ban của Hội Đồng Giám Mục,

Kính thưa quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ,

Quý Anh chị em giáo dân tham dự hội nghị.

Trước hết, chúng con xin hết lòng cám ơn quý Đức Cha và tất cả quý vị đã mang phúc lành đến cho nhà này, cho Giáo Phận chúng con, như Chúa Giêsu đã đến trong nhà ông Gia-kêu.

Chúng con đặc biệt cám ơn Đức Cha Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dân của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn nơi này làm điểm hẹn cho cuộc tọa đàm đượm hương vị Tin Mừng và đậm đà nét dân tộc: Sống Đạo theo Cung Cách Việt Nam.

Kính thưa quý Đức Cha và quý vị,

Ba ngày gặp gỡ sắp kết thúc.

Từ khắp 25 Giáo Phận, từ nhiều tỉnh thành buôn làng, từ những niềm tin khác nhau, chúng ta đã nghe theo nhịp đập của trái tim, đã thu xếp công việc đời thường, đã mở cửa nhà ra đi lên đường tìm về hội ngộ bên nhau.

Chúng ta lắng nghe nhau, chia sẻ trao đổi, nhất là sống và cảm nhận rất nhiều. Bằng cả tấm lòng để ngỏ... cho tình yêu thương ra vào hồn nhiên.

Hình như đã có một cuộc gặp gỡ khác, rất đỗi đằm thắm và thâm trầm, chìm ẩn bên dưới những giờ phút trí tuệ của trình bày và thảo luận. Có phải là chính sự gặp gỡ ở mạch ngầm ấy đã thực sự luyến lưu mỗi thành viên chúng ta trong giây phút tạm biệt, giã từ này...

Lần kia, một ký giả hỏi về kỳ vọng của Đức cố Giáo Hoàng Gioan 23 nơi Công Đồng Vaticanô II, ngài mỉm cười trả lời: “Tôi cũng chưa biết rõ”. Thế rồi bằng một cử chỉ biểu tượng, ngài dẫn ông ta đến gần cửa sổ, mở toang cánh cửa và nói: “Ít nhất, thoáng khí hơn” (trích “40 năm Vaticanô II nhìn lại”, trang 115).

Cũng chuyện ấy, dân gian lại kể mặn mà thế này:

“Hôm ấy là một ngày mùa đông. Mùa đông bên ấy lạnh lắm nên cửa đóng kín mít. Đóng cửa kín thì căn phòng ấm áp, nhưng... có mùi. Và hôm ấy, Đức Gioan 23 tiếp kiến một vị Hồng y, Đức Giáo Hoàng ngỏ ý muốn mở Công Đồng. Vị Hồng y sửng sốt hỏi:

-Đức Thánh Cha mở Công Đồng để làm chi vậy?

-Để làm chi hả? Đây này (Ngài đứng dậy, đến mở cửa sổ cho không khí trong sạch tràn vào). Đấy, thấy chưa? Ngộp quá rồi mà!”. (trích “Nhật Ký Truyền Giáo”, Ngô Phúc Hậu).

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã mời gọi: “Hãy mở cửa ra cho Chúa Giêsu. Đừng sợ”.

Hãy mở cửa cho Ngài vào, nhưng cũng để cho Ngài ra nữa. Hãy để cho Ngài ra vào hồn nhiên mọi nhà. Hãy mở lòng mình, mở cách nghĩ, cách làm, cách sống của mình, của gia đình mình, của xứ đạo mình, của buôn làng mình, của cộng đoàn mình, của niềm tin mình... Mở ra đồng nội đón làn gió mát trong lành bên kia sông thổi về.

Lời của Đức Thánh Cha Gioan 23 gợi hứng và làm cho chúng ta an lòng: “Không phải Tin Mừng đã thay đổi, nhưng đúng hơn, chính chúng ta bắt đầu hiểu Tin Mừng hơn”.

Nhà văn nữ người Pháp A. de Rotalier đã viết những lời mà phóng viên Lê Hữu Tuấn của báo Công Giáo và Dân Tộc gọi là “Những lời vàng ngọc dành cho Huế” như sau: “... Huế là thành phố của nhân văn, thành phố của hiền triết, thành phố huyền bí đằng sau những thành quách, thành phố của mơ mộng và yên ả, quyến rũ mê hồn và hoàn toàn duyên dáng...” (CGvDT số 1450/ 26.03.2004).

Kính thưa quý Đức Cha, quý khách và tất cả quý vị,

Giáo Phận Huế chúng con cũng rất muốn ăn theo lời nhận xét ý nhị của nhà văn A. de Rotalier đối với Huế, nhưng xin thú thật lực bất tòng tâm. Vì chúng con vẫn chưa duyên dáng, vẫn còn nhiều ngổn ngang dang dở, nhiều vụng về thiếu sót trong việc tổ chức và đón tiếp quý vị.

Chúng con xin tất cả rộng tình lượng thứ cho.

Xin hết lòng cám ơn và kính chúc quý Đức Cha, quý khách và tất cả quý vị được bình an.

Trân trọng kính chào. Mong được gặp lại.