Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

 Trong các dịp

 Các lễ cầu hồn - an táng
Cầu hồn cho ĐTGM Phil Nguyễn Kim Điền
Lễ Giỗ 1 năm ĐHY Giuse Maria Trịnh Văn Căn
Lễ An Táng Đức Giacôbê Lê Văn Mẫn
Lễ Giỗ 100 ngày Lm PL Nguyễn Kim Bính
Lễ An táng Lm FX Nguyễn Văn Hoàng
Lễ An táng Ông GB. Cao Minh Hiếu
Lễ An táng Bà Agata

 Với Đại Chủng viện & Dòng tu

LỄ GIỖ ĐỨC CỐ HỒNG Y GIUSE MARIA TRỊNH VĂN CĂN

(18-05-1991)

1.       Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang tiếp cận với sự thánh, đang gần gũi với Đấng thánh. Đây Bàn thánh, Kinh thánh, Bánh thánh, Tiệc thánh. Bí tích Thánh Thể, Hiệp dâng Thánh Lễ, Cử hành mầu nhiệm thánh. Tất cả nơi đây, lúc này đều là thánh, rất thánh, chí thánh, và phải trở nên động lực, thúc đẩy chúng ta sống thánh thiện trong cuộc sống đời thường.

Trước khi truyền phép, các Linh mục đồng tế sẽ đọc: “Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện”.

Là nguồn mạch để chúng ta đến múc lấy sự thánh thiện. Để cho mỗi Thánh Lễ, mỗi cuộc tụ họp Thánh Thể được kéo dài trong cuộc sống, làm thành một thứ phụng vụ thánh liên lỉ: đó là sống đẹp lòng Chúa, sống theo tinh thần Chúa Kitô, thực thi trung thành các đòi hỏi của Tin Mừng.

2.       Anh chị em thân mến,

a. Trong đạo Do Thái xưa kia, người ta quan niệm thánh thiện là cái gì phải tách biệt, siêu vượt lên tất cả những gì là phàm tục, vì thế họ đã đóng khung Thiên Chúa vào nơi cực thánh Đền thờ Giêrusalem, chỉ trong Đền thờ mới có sự thánh thiện, ngoài ra đều là trần tục hết. Còn chính người Do Thái, vì nghĩ rằng mình là Dân thánh, Dân dành riêng, nên cũng phải sống tách biệt khỏi các Dân khác, mà họ coi là những Dân ngoại bang tội lỗi, dần dần tạo nên một não trạng biệt phái không lành mạnh, hình thành một giai cấp, biệt phái (tách biệt) gậm nhấm đục khoét làm ung thối tất cả đời sống tôn giáo và xã hội.

b. Nhưng Đức Kitô, Đấng Thánh mà người Do Thái vẫn mong đợi từ bao thế hệ, lại không sinh ra trong thành thánh, trong nơi cực thánh đền thờ, mà trái lại Ngài đã sinh ra trong hang bò lừa, giữa cánh đồng Bêlem. Ngài đã sống hoà mình giữa đám dân Nadaret mà người Do Thái vẫn coi khinh (Ga 1,66). Ngài đã đồng bàn ăn uống với người tội lỗi (Lc 15,1-2), chọn gọi Lêvi thu thuế làm tông đồ. Ngài đã đụng vào người phong cùi, vào những xác chết... mà người Do Thái cho là “dơ bẩn”. Cuối cùng Đức Kitô Đấng Thánh đã chịu chết ngoài thành thánh, giữa hai tên trộm cướp.

3.       Anh chị em thân mến,

Đức Kitô chết ngoài thành thánh, ngoài đền thờ, để xoá bỏ mọi thứ ngăn cách. Và màn trong đền thờ đã xé ra. Từ nay không còn tách biệt giữa nơi thánh với thế giới còn lại bên ngoài. Cái chết của Chúa Giêsu đã hoà giải tất cả, đã kết hiệp lại tất cả, đã thánh hoá tất cả. Từ nay bất cứ nơi đâu có tình thương, thì ở đó có Đức Chúa Trời, ở đâu có Chúa thì ở đó có sự thánh thiện. Bất cứ người nào, vật gì, việc gì... mà có tương quan với Chúa và trở nên dấu chỉ tình thương, thì phải được coi là thánh. Trái lại tất cả những gì bị sử dụng một cách ích kỷ và làm tổn thương đến lòng mến Chúa yêu người, thì phải bị coi là phàm, là tục. Một ly nước lạnh, một manh áo vải thô, một cử chỉ thông cảm... đem chia sẻ cho người anh em trong tình bác ái huynh đệ, thì cũng thánh thiện chẳng kém gì bánh thánh chia sẻ ở bàn tiệc Chúa.

Người nào không biết nhận ra tính cách thánh thiện của chén cơm trong bữa ăn, nghĩa là không biết nhận ra đó là hồng ân của Chúa ban, là mồ hôi nước mắt yêu thương của nhiều người khác, là dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần..., không nhận biết như thế để mà dâng lời tạ ơn Chúa, cám ơn tha nhân chia cơm xẻ áo, từ bỏ những phung phí xa hoa, thì thử hỏi làm sao có thể tạ ơn cho xứng, cho thực lòng, khi được chia sẻ bánh thánh nơi bàn tiệc Chúa?

4.       Anh chị em thân mến,

Chúng ta dâng Thánh Lễ cầu nguyện:

a. Cho Đức cố Hồng Y Giuse Maria. Ngài là vị mục tử tốt lành đã hướng dẫn đoàn chiên đến đồng cỏ xanh, đến nguồn nước trong mát, đến một sự thánh thiện đơn sơ, vui vẻ, bình dân, vừa tầm tay mọi hạng người. Con đường thánh thiện mà chính ngài đã đi được tóm tắt trong khẩu hiệu ngài đã chọn để sống, đó là “Yêu thương, Vui mừng, Bình an”. Một cách nào đó, có thể nói đây là toát yếu của sự thánh thiện, vì đây là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Yêu thương, vui mừng, bình an. Một con người yêu thương, một tính tình vui vẻ, một tâm hồn bình an: đó là thánh thiện.

b. Nhớ về Đức cố Hồng Y, chúng ta không quên được bao công lao của ngài. Nhưng làm sao chúng ta có thể biết hết được, kê khai đầy đủ được những công việc lớn nhỏ của Đức cố Hồng Y, những công lao tỏ hiện hoặc thầm kín của ngài trong việc xây dựng Giáo Hội, xây dựng tình thương, niềm vui và bình an của Chúa ở trần gian.

Tuy nhiên cũng nên nhắc lại ba công trình to lớn phổ quát mà Đức cố Hồng Y đã đóng vai chính:

- Một là việc xúc tiến thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980, mà với cương vị Hồng Y ở tại thủ đô Hà Nội, ngài đã vận dụng hết khả năng để đưa đến thành công tốt đẹp.

- Hai là xúc tiến việc xin Đức Giáo Hoàng phong thánh cho 117 vị chân phúc tử đạo Việt Nam năm 1988, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn phức tạp.

- Ba là ngài đã miệt mài kiên trì dịch Kinh Thánh Tân ước và Cựu ước, bản dịch tuy chưa hoàn hảo, nhưng được cái bình dân dễ hiểu.

5.       Anh chị em thân mến,

Đức Hồng Y từ giã cõi trần đã tròn một năm. Trong Thánh Lễ an táng được cử hành năm ngoái (23-05-1990), trước tiền đường Nhà thờ Chính Toà Hà Nội, người ta thấy bức phông treo sau bàn thờ sáng hôm đó là một hoạ phẩm vẽ hình Chúa Giêsu Phục sinh, cao 10 thước, phía dưới có dòng chữ: “Ta là sự sống và là sự sống lại”.

Hôm nay cũng trong niềm tin và niềm hy vọng phục sinh ấy, dân Chúa ở Giáo Phận Huế chúng ta dâng lời cầu nguyện cho Đức cố Hồng Y, đồng thời tỏ lòng tri ân đối với ngài.

Nguyện xin Thiên Chúa toàn năng và từ bi thương xót tha tội và dẫn đưa ngài về cõi trường sinh. Amen.