Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

 Trong các dịp

 Các lễ cầu hồn - an táng
Cầu hồn cho ĐTGM Phil Nguyễn Kim Điền
Lễ Giỗ 1 năm ĐHY Giuse Maria Trịnh Văn Căn
Lễ An Táng Đức Giacôbê Lê Văn Mẫn
Lễ Giỗ 100 ngày Lm PL Nguyễn Kim Bính
Lễ An táng Lm FX Nguyễn Văn Hoàng
Lễ An táng Ông GB. Cao Minh Hiếu
Lễ An táng Bà Agata

 Với Đại Chủng viện & Dòng tu

THÁNH LỄ AN TÁNG ĐỨC GIACÔBÊ LÊ VĂN MẪN

(12-12-2001)

1.       Anh chị em thân mến,

Thật là thích hợp trong khung cảnh trầm lắng của Thánh Lễ an táng này, bên thi hài vị mục tử hiến tế đời mình cho Chúa, chúng ta cùng nhau suy gẫm mầu nhiệm tử nạn của Chúa Giêsu.

Ngay từ đầu sách Phúc Âm của mình, Thánh Gioan viết rằng: "Ngài đã đến trong nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ làm con Thiên Chúa” (Ga 1,11-12).

Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến. Đây là món quà quý báu nhất cho trần gian. Nhưng người ta đã không đón nhận, trái lại ngờ vực, khước từ và cuối cùng đóng đinh Ngài. Các môn đệ được Ngài đào tạo thì hầu hết bỏ chạy. Vào giờ thương khó, một người trong họ còn ra mặt phản bội bằng một cái hôn giả hình.

Tất cả xem như sụp đổ hết, khi sự im lặng của Chúa Cha đè nặng trên Ngài và có vẻ bỏ mặc Ngài chết tất tưởi trên thập giá.

Đó là giờ của đêm tối dày đặc. Chúa Giêsu không còn sức chống lại đau khổ nữa và cũng không thể bảo vệ được những người bị khai trừ trong xã hội như Ngài đã làm bấy lâu nay. Vì giờ đây chính Ngài là một con người ê chề đau khổ. Ngài bị điệu ra khỏi thành Giêrusalem và bị xử tử như một kẻ tội phạm giữa các tội phạm khác. Và người ta coi mạng sống của tên giết người Baraba trọng hơn mạng sống của Ngài.

Giữa đêm đen dày đặc ấy, Chúa Giêsu bị lột bỏ áo xống, bị tước đoạt tất cả. Chỉ còn lại một điều duy nhất là mối tương quan mật thiết của Ngài với Chúa Cha, và lòng tín thác tuyệt vời mà Ngài đã từng giảng dạy. Bất chấp sự im lặng từ trời cao, Ngài biết Chúa Cha đang nghe mình, nên Ngài cầu nguyện cho các người sát hại mình và cuối cùng thì thào lời phó thác: "Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha".

Chính tình yêu, lòng tín thác và sự trung thành của Chúa Giêsu trong cái chết đã đem lại sự sống mới và ơn cứu độ cho loài người. Rõ ràng nhất là viên bách quản trở lại tuyên xưng đức tin: "Quả thật người này là Con Thiên Chúa" (Mc15,39). Còn người kẻ trộm tỏ lòng thống hối ăn năn và được Chúa Giêsu đoan chắc: "Hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi  (Lc 23,43).

2.       Anh chị em thân mến,

Đức Giacôbê đã từ biệt chúng ta, để về sống vĩnh viễn bên Chúa, sau một cuộc đời hoàn toàn dâng hiến phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh.

Ngài sinh năm 1922 tại Thạch Hãn, Quảng Trị. Thụ phong Linh mục năm 1951.

Đời Linh mục của ngài được dành phần lớn cho việc đào tạo:

Đào tạo chủng sinh: 15 năm làm Giáo sư Tiểu chủng viện Huế tại An Ninh, tại Phú Xuân và tại 11 Đống Đa.

Đào tạo các nữ tu: Đại diện Giám mục bên cạnh các Dòng nữ trong Giáo Phận: dạy dỗ hướng dẫn các nữ tu sống đời tận hiến để tôn vinh Chúa và phục vụ Hội Thánh.

Tuy không làm cha sở coi sóc giáo xứ, nhưng ngài rất thương yêu giáo dân và giúp đỡ bằng nhiều cách, nhất là trong thời gian ngài làm Giám đốc Trung tâm Bác ái (Caritas), mở trường dạy nghề, từ 1966 đến 1975.

Ngài làm Tổng Đại diện của Đức cố Tổng Giám mục Philipphê từ năm 1984.

Cuối cùng ngài làm Giám quản Giáo Phận từ 1990 - 1994.

Ngài là một bậc thầy mẫu mực, đạo đức, thánh thiện, chu toàn bổn phận một cách chi ly, ít khi sai trật giờ giấc, công việc.

Khi ở Tiểu chủng viện, ngài là thầy dạy Toán, nên con người ngài rất mực thước, ngang bằng thẳng lối.

Ngài có một chương trình sống đều đặn, khép mình vào kỷ luật khá nhiệm nhặt. Sống đời đạm bạc, khắc khổ.

Những năm tháng cuối đời, toàn thân ngài như được quê trời cuốn hút dần dần khỏi các thế sự, để hướng chốn vĩnh hằng mà ngài cảm thấy gần kề.

Ngài không còn ngó ngàng gì đến các chuyện đời đen bạc phù du. Chỉ lo sao cho được sạch tội, chuẩn bị sẵn sàng đi về nhà Cha.

Những ngày tháng cuối cùng, lòng trí ngài hoà nhập vào tâm tình của thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Philipphê: "Tôi coi mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu và kết hiệp với Người" (Pl.3,8-9).

Lòng trí ngài cũng hoà hợp với cảm nghiệm đầy xúc động của thánh Ignatiô trên con đường đi đến cái chết tử đạo: "Trong tôi chỉ còn một dòng nước hằng sống vẫn rì rào lời kêu gọi: hãy về cùng Cha".

3.       Anh chị em thân mến,

Đức Giacôbê đã ra đi trong tâm tình siêu thoát như thế đó.

Ngài để lại cho tất cả chúng ta một mẫu sống đạo đức, mực thước, đều đặn. Hằng ngày chu toàn bổn phận một cách khiêm tốn, âm thầm, đem lại bầu khí bình an cho những người chung quanh.

Chúng ta đau buồn thương tiếc.

Chúng ta đón nhận thánh ý Chúa và đội ơn Chúa đã ban Đức Giacôbê cho chúng ta, như lời thánh Ambrôsiô nói trong Thánh Lễ an táng người anh mình rằng: "Chúng con không hỏi Chúa tại sao Chúa cất ngài về, chúng con chỉ xin tạ ơn Chúa đã ban ngài cho chúng con".

Chúa ban cho mỗi người một cuộc đời để sống mà làm vinh danh Chúa và mưu ích cho tha nhân, cho Giáo Hội. Không ai sống thay cho mình được.

Số phận đời đời của mỗi người nằm ngay trong hiện tại, lúc mình còn sống.

Vậy hãy sống làm sao để cho mầu nhiệm tử nạn - phục sinh của Chúa Kitô thấm nhập dần dần vào trong bản thân mình, vào các sinh hoạt hằng ngày, vào những lo âu và hy vọng, vào những vui mừng và khổ đau của chúng ta.

Đó là sống khổ chế, bỏ mình, bỏ ý riêng mình.

Đó là sống yêu thương phục vụ theo cung cách của Chúa Giêsu.

Lời dạy của thánh Phaolô giúp chúng ta sống theo các định hướng ấy. Ngài nói: "tôi chết mọi ngày" (1Cr 15,31). "Anh em hãy giết chết những gì thuộc hạ giới trong con người anh em" (Cl 3,3.5). "Chúng tôi luôn mang trong mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Người cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi" (2Cr 4,10).

Chúng ta cũng hãy nhớ thực hành lời Chúa Giêsu dạy, mà Giáo Hội nhắc lại trong Thánh Lễ ngày thứ bảy cuối năm Phụng vụ: "Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em… Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người" (Lc 21,34-36). Amen.