Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

 Trong các dịp

 Các lễ cầu hồn - an táng
Cầu hồn cho ĐTGM Phil Nguyễn Kim Điền
Lễ Giỗ 1 năm ĐHY Giuse Maria Trịnh Văn Căn
Lễ An Táng Đức Giacôbê Lê Văn Mẫn
Lễ Giỗ 100 ngày Lm PL Nguyễn Kim Bính
Lễ An táng Lm FX Nguyễn Văn Hoàng
Lễ An táng Ông GB. Cao Minh Hiếu
Lễ An táng Bà Agata

 Với Đại Chủng viện & Dòng tu

THÁNH LỄ AN TÁNG CHA FX. NGUYỄN VĂN HOÀNG

(Mc 15,33-39 / Phủ Cam, 08-08-2008)

1.       Kính thưa cộng đoàn,

Lúc ba giờ chiều ngày thứ sáu, Chúa Giêsu hấp hối và tắt thở trên thập giá. Một cái chết tức tưởi, chết đứng, chết treo giữa trời đất, không giường êm nệm ấm như người thân chúng ta qua đời. Khi sống, Chúa Giêsu không nơi gối đầu, khi chết, Người cũng không nơi tựa đầu. Trên thánh giá, Con Thiên Chúa trải qua một cơn đau đớn vật vả khủng khiếp, trong một nỗi cô đơn rợn người khôn tả, tưởng chưa bao giờ có ai như vậy, đến nỗi Người phải kêu lên não nuột: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”.

Tiếng kêu ấy không phải là tiếng kêu trách móc, càng không phải là tiếng kêu tuyệt vọng. Đây chỉ là một câu hỏi đau lòng, một câu hỏi đứt ruột của người Con, xé nát tâm can của người Cha. Mối hiệp thông giữa Chúa Giêsu và Cha Người vẫn được duy trì, nhưng như một chiếc cầu bắc qua vực thẳm. Trong cơn cùng khổ, Chúa Giêsu vẫn một lòng tín thác vào Chúa Cha nên mới kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Vẫn là Thiên Chúa của con. Và như thế, tiếng kêu này đã trở thành một lời cầu nguyện tha thiết biết bao, đồng thời cũng xót xa biết bao. Cầu nguyện trong cơn quẫn bách gian truân. Cầu nguyện giữa bóng tối mịt mù.

Nếu tại sông Gio-đăng, sau khi Chúa Giêsu lãnh phép rửa của Gioan Tẩy giả, có tiếng từ trời phán ra: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt. 3,17), thì chắc chắn tiếng đó cũng đã vang lên trên đồi Calvê, giữa sự thinh lặng của trời đất trong giờ tử nạn của Con Chúa. Trên thánh giá, Chúa Giêsu tỏ ra là người con hiếu thảo hơn bất cứ người con nào ở trần gian, vì trên thánh giá Chúa Giêsu làm vui lòng Chúa Cha hơn bao giờ hết, hoàn toàn vâng phục thánh ý Cha và hoàn toàn phó thác tận hiến trong tay Cha: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha”.

Kết quả là viên đại đội trưởng ngoại kiều và ngoại giáo thấy Chúa Giêsu tắt thở như vậy: đau đớn, vật vả, oan uổng mà không một lời oán hờn, trái lại xin ơn tha thứ cho các lý hình, ông liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”. Đây là một lời tuyên xưng đức tin thuộc loại đẹp nhất và tinh tuyền nhất trong Phúc Âm.

2.       Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang cử hành Thánh Lễ cầu nguyện cho Cha Phanxicô Xavie, trong niềm tin vào Chúa Giêsu Phục sinh sẽ cho Cha được sống lại vinh hiển.

Chúa đã hứa cho người tôi tớ trung tín được vào hưởng Nước Trời với Ngài,

Thì đây đang đứng trước mặt Chúa, đang hiện diện giữa cộng đoàn chúng ta, một người tôi trung, một mẫu Linh mục trung thành với Chúa và Hội Thánh cho đến trọn đời.

Các anh em Linh mục, tu sĩ nam nữ, và con cái giáo dân của Cha ở giáo xứ La Vang di cư (2 năm), giáo xứ Phú Hậu (22 năm), và địa sở Phù Lương (14 năm) đều có thể làm chứng Cha Phanxicô Xavie là vị mục tử có tư cách lãnh đạo và nhiều đức tính của người tôi tớ phục vụ.

Suốt 38 năm Linh mục, Cha sống hết mình cho con chiên bổn đạo, không lo gì cho bản thân mình hay gia đình mình. Ông Mệ Cha đang hiện diện đây là những nông dân nghèo khó, tần tảo. Ai có lần đến thăm ngôi nhà của Ông Mệ ở Đại Lộc thì rõ.

Cả đời Cha sống nghèo, không sắm sửa gì sang trọng, chỉ ở trong căn phòng đơn sơ, nhỏ hẹp, không có vật dụng gì nên thân.

Nhưng Cha mang một tấm lòng mục tử giàu có vô song: thương yêu con cái trong giáo xứ, không thiên vị giàu nghèo, không phân biệt giai cấp xã hội.

Như Chúa Giêsu nói: “Ta biết con chiên Ta, và con chiên Ta biết Ta”, thì Cha Phanxicô Xavie cũng biết rõ từng người trong giáo xứ, năng thăm viếng, ủi an, nâng đỡ, sửa dạy và giải hòa các cuộc tranh chấp.

Cha rất quan tâm đến việc dạy giáo lý: trực tiếp dạy cho người lớn sau mỗi Thánh Lễ sáng Chúa nhật, và trực tiếp dạy giáo lý cho trẻ em sau Thánh Lễ chiều Chúa nhật.

Các Hội đoàn được Cha chăm sóc tận tình, ngăn nắp, nền nếp: như Các Hội đoàn Khôi Bình, Huynh Trưởng, Thiếu nhi Thánh Thể… được đào luyện có tính tự chủ, tự giác và kỷ luật cao.

Còn Phụng vụ, Thánh nhạc trong giáo xứ thì rập ràng, ngăn nắp…, khiến cho cộng đoàn được sốt sắng cầu nguyện trong các nghi lễ. Mỗi người đều là ca viên, hát cộng đồng rất sống động.

Cha mang cơn bệnh trong mình trên suốt 30 năm, mà vẫn chu toàn sứ vụ chủ chăn một cách điềm nhiên, hăng say.

Trong những ngày nằm tại bệnh viện, giáo dân đến thăm, Cha hỏi: “Anh chị em đi đọc kinh, dâng lễ có đông không, nếu đi ít thì Cha buồn lắm”.

Khi cán bộ chính quyền đến thăm, Cha cũng nhắn gửi: “Xin quý vị tìm cách giải quyết cơ sở đất đai của giáo xứ, trước mặt và hai bên đường đi vào nhà thờ Phù Lương”. Đau đớn như thế mà Cha chỉ nghĩ đến con cái giáo xứ và lợi ích của giáo xứ mình.

Với tính tình ngay thẳng, bộc trực, không quanh co, có nói có không nói không, cuộc sống của Cha đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên con cái giáo xứ. Cuối cùng rồi người ta hiểu Cha hơn, yêu mến Cha hơn, và biết ơn Cha nhiều hơn.

3.       Anh chị em thân mến, 

Bên linh cữu người quá cố, chúng ta như nghe được tiếng nói gửi đến mỗi người: “Hôm nay tôi nằm đây, mai kia đến phiên ông, bà, anh, chị”; chúng ta cũng nghe lời thánh Augustinô bảo rằng: “Anh em hãy để cho sự chết làm thầy dạy anh em”. Đúng như vậy. Tham dự nghi thức khâm liệm, tham dự Thánh Lễ an táng, đi viếng nghĩa địa... là những dịp đặc biệt Chúa dùng để nhắc nhở chúng ta nhớ đến giờ chết của chính mình một cách nghiêm chỉnh, để sống tử tế hơn, sống thanh thoát hơn, sống thánh thiện hơn, như những người tôi tớ trung thành của Chúa và của Hội Thánh.

Lạy Chúa, xin mở lượng nhân từ, tha thứ hết mọi tội lỗi và đưa Cha Phanxicô Xavie sớm về hưởng nhan thánh Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.