Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Chuỗi Mân Côi trong đời sống hằng ngày. Mùa Vui.

Chuỗi Mân Côi.

Chuỗi Mân Côi.

Mẹ ơi! Khi suy ngắm mầu nhiệm truyền tin con vẫn thường tự hỏi: “Mẹ đang ở đâu, đang làm gì khi sứ thần Gáp-ri-en đến báo cho Mẹ hay ý định cực kỳ trọng đại ấy của Thiên Chúa?”

Chuỗi Mân Côi trong đời sống hằng ngày.

Mùa Vui.

(Tác giả: Trầm Tĩnh Nguyện HT68 - Ngày đăng: 10/04/2009)

"Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà" (Lc 1, 25-38) 

Mẹ ơi! Khi suy ngắm mầu nhiệm truyền tin con vẫn thường tự hỏi: “Mẹ đang ở đâu, đang làm gì khi sứ thần Gáp-ri-en đến báo cho Mẹ hay ý định cực kỳ trọng đại ấy của Thiên Chúa?”

 

Mầu nhiệm thứ 1:

TRUYỀN TIN

"Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà" (Lc 1, 25-38) 

Mẹ ơi! Khi suy ngắm mầu nhiệm truyền tin con vẫn thường tự hỏi: “Mẹ đang ở đâu, đang làm gì khi sứ thần Gáp-ri-en đến báo cho Mẹ hay ý định cực kỳ trọng đại ấy của Thiên Chúa?”

Mẹ đang ở trong một góc phòng yên tĩnh, đang đắm chìm trong những giây phút cầu nguyện thân mật với Chúa, Đấng mà Mẹ hằng thiết tha yêu mến chăng? Có lẽ khung cảnh đó thích hợp hơn đối với các tu sĩ trong các tu viện khả kính; phần con, bận rộn với một ngày sống đầy ắp những công việc thường nhật, con lại thích Mẹ cũng như con, cũng đang bận rộn với một công việc bình thường nào đó trong ngày: hoặc đang nấu cơn, đang giặt giũ, hoặc đang quét dọn nhà cửa, hay đang khâu vá những chiếc áo quần đã sờn rách… và chính lúc đó sứ thần Chúa xuất hiện. Chắc hẳn có người sẽ không dám "thích" như thế vì sợ sẽ làm giảm giá trị của việc truyền tin: "Một sự kiện trọng đại như thế mà lại diễn ra trong một khung cảnh tầm thường kia ư?"

Thưa Mẹ, theo con chính  cái tầm thường kia lại càng làm nổi bật vẻ trọng đại của sự việc, càng làm cho con người thấu hiểu hơn sự liên kết sâu xa giữa Thiên Chúa và kẻ Ngài yêu mến, bởi vì đối với những người nghĩa thiết thì đâu chẳng là nơi gặp gỡ, hà tất phải cần đến một căn phòng khách sang trọng mới hàn huyên tâm sự được ư?

Và chính trong khung cảnh tầm thường đó sứ thần đã nói lên lời chúc phúc: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”, và kế đó là trọng tâm của sứ điệp: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai…”

Mẹ ơi, con hiểu tại sao lúc ấy Mẹ bối rối thốt lên: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào…?”. Phải, Mẹ bối rối vì đã hiến dâng trọn vẹn con người và cuộc đời của Mẹ cho Thiên Chúa cốt để làm đẹp ý Ngài. Chưa bao giờ Mẹ dám nghĩ đến tước vị làm Mẹ Đấng Thiên Sai như biết bao thiếu nữ Ít-ra-en vẫn hằng mơ ước. Với Mẹ, chỉ cần ý Chúa được thực hiện thì lòng Mẹ hoan hỉ lắm rồi; còn công việc, địa vị, dù trang trọng hay tầm thường thì trước mặt Chúa cũng chẳng có ý nghĩa gì. Chính trong tâm tình khiêm hạ và tín thác đó mà Mẹ đã được sứ thần cho biết: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà…" Không còn do dự, Mẹ khiêm tốn thưa với sứ thần: "Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói."

Mẹ ơi! Trong cuộc đời của con cũng đã có biết bao lần Chúa gởi đến những sứ điệp tương tự như thế. Đó là những lúc con gặp những khó khăn, những bất ngờ trái ý. Những lúc đó, thay vì tìm xem Chúa muốn nói gì với con qua những sự kiện kia, thì con lại đâm ra cau có phàn nàn. Con không muốn làm những gì ngược với sở thích, vì thế con tìm đủ mọi lý lẽ để biện hộ cho mình: con đổ lỗi cho tất cả mọi thứ, trừ ra chính con! Ôi, thật tội nghiệp cho con, tội nghiệp cho tất cả những ai chỉ biết sống theo ý riêng của mình. Con quên rằng xưa kia Mẹ đã thưa “Xin vâng” với trọn tấm lòng. Cùng với tiếng “Xin vâng” đầy tín thác ấy, Mẹ đã gạt bỏ ý muốn của Mẹ để chọn ý Chúa làm ước nguyện của mình.

Mẹ ơi! Con vẫn hay mơ ước làm được những công việc vĩ đại vì danh Chúa, vì thế những chuyện vặt vãnh hàng ngày dễ làm con chán nản bực bội. Con mơ làm “thánh lớn” mà quên rằng cái lớn lao của sự thánh thiện không hệ tại ở việc làm nhưng hệ tại ở tâm tình khi làm nhưng việc đó: Mẹ không chỉ trở nên cao trọng vì được làm Mẹ Ngôi Hai Nhập Thể, mà có lẽ đúng hơn phải nói rằng: vì Mẹ đã đón nhận thánh ý trong mọi giờ khắc, mọi tình huống của cuộc đời, nên Mẹ đã trở nên cao trọng và được chọn làm Mẹ của Con Một Chúa Trời.

Lạy Trinh Nữ Ma-ri-a, xin dạy con biết đón nhận tất cả những gì xảy đến trong cuộc đời con với tâm tình của Mẹ khi nhận lời thiên sứ truyền tin. Xin dạy con biết cưu mang Chúa trong mọi cảnh huống của đời con bằng tiếng “Xin vâng” đầy tín thác của Mẹ ./.

 

Mầu nhiệm thứ 2:

VIẾNG THĂM

Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường vội vã…” (Lc 1,39-56)

Sau khi được sứ thần chúc phúc và loan báo sứ mạng cưu mang Con Thiên Chúa, Mẹ vội vàng đi lên miền núi, đến nhà chị họ mình là Ê-li-sa-bét, vì theo lời sứ thần cho biết thì bà – dù cao tuổi – cũng đã mang thai được sáu tháng do ý muốn tốt lành của Thiên Chúa. Mẹ vội vã ra đi, vượt qua những chặng đường dài dốc dác, lòng vừa rộn rã niềm vui vừa ái ngại cho cảnh đơn chiếc của người chị họ. Mẹ nôn nóng đến đó để chia sẻ nỗi hân hoan của bà, nỗi hân hoan mà Mẹ cũng đang ứ tràn trong lòng, và đồng thời cũng để giúp bà trong những ngày tháng mang nặng đẻ đau; những ngày tháng mà đến lượt Mẹ, Mẹ cũng phải kinh qua.

Buổi gặp gỡ hôm ấy giữa hai bà mẹ được tràn đầy ân phúc thật là một cuộc hạnh ngộ. Chinh niềm hạnh phúc khôn tả nơi Mẹ đã tràn sang bà Ê-li-da-bét, đã làm cho thai nhi trong lòng bà nhảy mừng, và dưới tác động của Thánh Thần bà cất tiếng thốt lên : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy?”. Lời chúc tụng này đã khai mở nguồn suối hân hoan nơi Mẹ. Đến lượt Mẹ, Mẹ cũng cất tiếng hát vang lời kinh cảm tạ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…”

Mẹ vui mừng, bà Ê-li-da-bét vui mừng, thai nhi Gio-an vui mừng. Niềm hoan lạc vô bờ bến tràn ngập gia đình ông Da-ca-ri-a. Như những cây đàn được đụng tới bởi bàn tay thần diệu, tâm hồn họ được Thiên Chúa đụng đến làm dậy lên những lời ca hoan hỉ khôn cùng. Chính lòng khiêm nhượng thẳm sâu, chứ không phải sự kiêu căng lố bịch, đã khiến Mẹ hát vang lời kinh ca ngợi. Không! Mẹ không là gì cả, Mẹ chỉ là nữ tì của Chúa, tất cả sự huyền nhiệm này đều do Chúa làm nên. Mẹ không thể nín lặng, không thể không tôn vinh Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng cao cả. Mẹ thật tuyệt diệu, ôi người Mẹ khiêm cung và đầy lòng biết ơn Thiên Chúa của con!

Vì sao có được nỗi vui khôn tả này? - Vì Mẹ cưu mang chính Niềm Vui của nhân loại, vì Mẹ đã không cất dấu Niềm Vui ấy cho riêng Mẹ, vì Mẹ đã quên mình để nghĩ đến bà Ê-li-da-bét, nghĩ đến những người khác cũng đang cần có Niềm Vui tuyệt đối ấy.

Còn con, con cứ những muốn mình là vỏ ốc khép kín với hạt ngọc trai chiếu sáng cho riêng mình thôi. Bên ngoài là đêm tối, là bão táp mưa sa? Thì cũng mặc! Nào có liên hệ gì đến tôi? Ôi cái tôi của con quá lớn! Nó lớn đến nỗi che mất khuôn mặt của những người chung quanh con. Họ đói, họ khổ, họ cô đơn, họ chán chường tuyệt vọng… Thì cũng mặc họ! Quá lắm thì con cũng chỉ bố thí cho họ một ánh mắt, một câu nói hoặc một ý nghĩ thương hại. Và con tự nhủ: “Như thế là mình đã thông cảm, đã chia sẻ với họ lắm rồi!”

Nhưng Mẹ ơi, có thật như thế là đã đủ chăng, khi con còn có thể làm cho họ nhiều điều hơn thế nữa: nếu con không đủ khả năng để giúp họ một chén cơm, một manh áo; thì ít ra con còn có thể thân mật nắm lấy bàn tay chai cứng vì vất vả làm lụng của họ, ít ra con còn có thể ân cần đặt tay con lên vầng trán  nóng bỏng vì cơn sốt của họ, ít ra con còn có thể gieo vào lòng họ niềm hy vọng mà họ đã đánh mất bấy lâu nay… Không, Mẹ ơi, con còn có thể làm được nhiều điều hơn thế nữa, vì con có thể giúp họ gặp được niềm hạnh phúc mà toàn thể nhân loại vẫn hằng tìm kiếm. Con còn có thể giúp họ, vì con đã biết rằng Đức Giê-su Ki-tô Con Mẹ chính là niềm hạnh phúc đó.

Nhưng Mẹ ơi, con ích kỷ quá! Con chỉ muốn giữ Chúa cho riêng mình con thôi. Con chỉ muốn an nhàn để tận hưởng cái êm đềm của “Kẻ thiết nghĩa với Chúa”! Con quên rằng: Chúa không hề kết nghĩa với những người ích kỷ!

Ôi Ma-ri-a, xin Mẹ dạy con biết nhìn đến những người chung quanh. Không phải nhìn chỉ để mà nhìn, nhưng là để mang đến cho họ một quả tim tràn đầy yêu thương, và nhất là mang đến cho họ Đức Giê-su Ki-tô Con Mẹ, như xưa Mẹ đã đến và ở lại ba tháng tại nhà bà Ê-li-da-bét ./.

 

Mầu nhiệm thứ 3:

GIÁNG SINH

Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”… (Lc 2,1-30)

Ngày trọng đại đã đến. Đấng “muôn dân thiên hạ đợi trông” sắp giáng sinh. Lẽ ra khắp thành Bê-lem, khắp xứ Giu-đê, khắp đất nước Do-thái và toàn thể dân tộc trên trái đất phải giăng đèn kết hoa, phải mở hội hoan ca để đón mừng Con Thiên Chúa giáng trần. Nhưng không, Tin Mừng Lu-ca còn cho thấy một khung cảnh trái ngược: không một ai thèm đón rước Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a. Thậm chí các chủ quán trọ còn xua đuổi các ngài vì các ngài quá nghèo. Thánh Giu-se đành đưa Mẹ Ma-ri-a ra một hang súc vật ngoài đồng để trú qua đêm. Và chính trong cái hang tồi tàn ấy Con Thiên Chúa đã ra đời. Giê-su, “con trai bác thợ mộc Giu-se”, lại không có lấy một chiếc nôi tươm tất để nằm lúc chào đời! Em-ma-nu-en, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, lại phải sinh ra trong hoang vắng quạnh quẽ! …

Mẹ Ma-ri-a cúi xuống hài nhi đang run rẩy vì giá lạnh. Mẹ chợt nhớ đến những chiếc áo quần bé nhỏ xinh xắn, mà dù nghèo, Mẹ cũng dành dụm may sắm để chuẩn bị cho con yêu dấu của mình. Mẹ tiếc đã không thể mang chúng theo vì đường đi quá xa, nhà thì chẳng đủ tiền mướn người chuyên chở. Mẹ nhìn Hài nhi Giê-su, lòng Mẹ bâng khuâng. Mẹ không thể hiểu hết cái ý nghĩa nhiệm mầu đang bao quanh người con nhỏ bé đó. Ôi, có thể như vậy sao? Con Thiên Chúa lại có thể sinh ra như một đứa trẻ đầu đường xó chợ, lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu như thế ư? Tại sao Người lại từ chối chiếc nôi của Giu-se, từ chối những bộ áo quần Mẹ đã may sắm sẵn, để rồi sinh ra nơi đây, thiếu thốn đủ mọi thứ? Người muốn trở nên một kẻ nghèo hơn tất cả những người nghèo trên trần gian này ư? Người muốn trở nên một kẻ bị bỏ rơi hơn tất cả những người bị bỏ rơi trong cuộc đời này ư?…

Mẹ không thể hiểu hết được nhưng Mẹ vẫn một niềm kính cẩn. Trong cái hang giá lạnh tồi tàn này lòng Mẹ vẫn ấm lên một niềm hạnh phúc vô biên, bài ca “Ngợi khen” hôm nào vẫn vang lên trong Mẹ. Mẹ nghèo, nhưng Mẹ đã có Hài nhi Giê-su và Mẹ tin chắc rằng có Con Thiên Chúa là có một kho báu độc nhất vô nhị, là có tất cả mọi sự. Mẹ nghèo, nhưng Mẹ lại giàu sang hơn tất cả mọi kẻ giàu sang trên mặt đất này.

Mẹ thì như thế. Còn con? Con cũng đang sống trong cảnh nghèo túng. Con vất vả lao nhọc từ sáng đến chiều để mong kiếm đủ miếng cơm manh áo, thế mà nhiều lúc vẫn thiếu trước hụt sau. Căn nhà dột nát quá! Chiếc xe cũ kĩ quá! Chiếc áo đã sờn vai, cái quần đã rách tung cả gấu, đôi dép thì mòn đến đụng gót chân! Con  muốn mua sắm một vài món đồ vặt vãnh, chỉ rẻ tiền thôi; thế nhưng, khi sờ đến ví tiền con lại ngần ngại không dám rút nó ra, vì sực nhớ rằng ở trong chỉ còn được có mấy tờ tiền lẻ! Con nghèo thật Mẹ ạ! Và con cũng nhớ nằm lòng lời Chúa Giê-su chúc phúc: "Phúc cho những ai nghèo khó…" Thế nhưng có một điều kỳ lạ là con chẳng thấy mình hạnh phúc tí nào cả. Con nghèo và con chỉ thấy khổ thôi!

Hôm nay, suy ngắm mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh, con mới nhận ra mình là một kẻ khờ dại. Con khờ dại vì con không biết đâu là ý nghĩa và giá trị của sự nghèo khó của con. Mẹ ơi! Xin Mẹ dạy con biết sống cảnh nghèo với tâm hồn nghèo khó, biết dâng lên Thiên Chúa lời kinh cảm tạ tri ân ngay cả lúc thiếu thốn cùng quẫn, biết dùng đời sống khó nghèo như đôi cánh nhẹ nâng con lên với Chúa và bay đến với tha nhân. Mẹ ơi! Xin đừng để cảnh nghèo như một vòng xích oan nghiệt trói chặt con xuống đất, đừng để sự thiếu thốn giết chết niềm Tin Cậy Mến trong con ./.

 

Mầu nhiệm thứ 4:

DÂNG CHÚA GIÊ-SU VÀO ĐỀN THÁNH

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2,22-38)

Hôm đó, tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, chẳng mấy ai để ý đến đôi vợ chồng trẻ nghèo nàn đang xếp hàng giữa đám đông tiến vào nơi hành lễ. Người chồng, nét mặt trầm tư nghiêm nghị, tay xách chiếc lồng chim là lễ vật của lớp dân nghèo túng. Còn người vợ, dáng nhu mì khép nép, âu yếm ôm chặt cậu con trai đầu lòng, chốc chốc nàng lại cúi xuống hôn nhẹ lên trán cậu. Họ bình dị quá, tầm thường quá, đến đỗi chẳng ai có thể đọc hết nỗi vui mừng trong lòng họ, cũng như chẳng ai có thể nhận ra cậu bé trai chính là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa giáng trần. Đám đông không hay biết, nhưng Giu-se và Ma-ri-a thì biết rõ con mình, vì thế cả hai đang đắm chìm trong tâm tình tạ ơn sốt mến…

Đột nhiên một ông lão hiền từ tiến đến cúi chào họ và ngỏ ý muốn ẳm bồng Hài Nhi. Ma-ri-a dịu dàng trao con cho người khách lạ. Vừa ẵm lấy Hài nhi Giê-su, mắt ông cụ ngời lên nét tinh anh rạng rỡ, ông thốt lên ời ca tụng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ…”. Nghe lời ấy, Giu-se và Ma-ri-a càng thêm niềm hoan hỉ. Thế rồi, quay sang Ma-ri-a, ông báo trước số phận con trẻ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được trỗi dậy… Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.”

Kế đó, một cụ bà cũng tiến đến ca tụng Chúa và nói tiên tri về Hài nhi Giê-su.

Mẹ ơi! Khi suy ngắm mầu nhiệm dâng Chúa Giê-su với khung cảnh tế lễ trong Đền Thờ, con liên tưởng đến hiến lễ cuối cùng, khi Đức Giê-su con Mẹ hoàn tất sứ mạng cứu chuộc loài người. Hôm nay, Mẹ âm thầm ẵm bồng Hài nhi Giê-su – nguồn hạnh phúc tuyệt đối của đời Mẹ – lên Đền Thánh để dâng Người cho Thiên Chúa… Thế rồi hơn ba mươi năm sau, Mẹ cũng âm thầm đi bên cạnh con mình lên đồi Can-vê để cùng với Người hiệp dâng lên Chúa Cha hy lễ cao vời là chính Đức Giê-su Ki-tô con Mẹ. Và rồi dưới chân thập tự cũng chính đôi bàn tay Mẹ ẵm lấy thi thể đẫm máu của Con yêu dấu đã chết vì tội lỗi nhân loại. Trong ngày Truyền Tin, Mẹ đã thưa “Xin vâng”; thì nay Mẹ sống trọn vẹn lời thân thưa đó. Mẹ không giữ lại cho riêng mình một chút gì, dù đó là người con yêu quý mà Mẹ đã khó nhọc mang nặng đẻ đau, Mẹ cũng vui lòng dâng Người cho Thiên Chúa, vì Mẹ biết rằng trước khi là con của Mẹ, Người đã là Con của Thiên Chúa. Trước khi thuộc về Mẹ, Người đã hoàn toàn thuộc về Đấng đã sai Người đến thế gian. Mẹ dâng Đức Giê-su cho Thiên Chúa để nhìn nhận rằng chỉ Thiên Chúa mới có toàn quyền trên Người. Mẹ dâng trao, dù không biết những gì sẽ xảy đến với người con chí ái.

Mẹ ơi, Mẹ quảng đại quá. Còn con, con thật khó lòng cho đi những gì mình có; và thật khó hơn nữa khi đó là tất cả những gì quý báu nhất của đời con: một mái ấm gia đình, một người thân thương, một môi trường gắn bó, một công việc thích hợp, một chỗ đứng an toàn… Làm sao có thể cho đi, khi biết rằng hiến dâng có nghĩa là sẵn sàng đón nhận tất cả những gì sẽ xảy ra sau đó? Làm sao có thể cho đi, vì cho đi là kèm theo mất mát? Con đã nghèo quá rồi! Nghèo cả vật chất lẫn tinh thần. Giờ phải dâng hiến nữa, con sẽ còn lại gì? Con sợ lắm, con không muốn, Mẹ ơi!

Thế nhưng xin Mẹ hãy dạy con biết quảng đại như Mẹ. Xin Mẹ dạy con biết dâng lại cho Thiên Chúa tất cả, vì tất cả là của Thiên Chúa trước khi là của con. Con không được giữ lại bất cứ thứ gì cho riêng mình, vì một khi giữ lại như thế con sẽ vô tình phá hỏng những gì Thiên Chúa đặt vào tay con. Nếu xưa Mẹ đã ích kỷ giữ Chúa Giê-su lại cho riêng Mẹ, thì ai sẽ mang lại ơn cứu độ cho nhân loại chúng con?

 

Mầu nhiệm thứ 5:

LẠC MẤT CHÚA GIÊ-SU VÀ GẶP LẠI NGƯỜI TRONG ĐỀN THỜ

Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết” (Lc 2,41-50)

Mười hai năm thấm thoát trôi qua, Hài nhi Giê-su năm nào nay đã thành một thiếu niên chững chạc. Vào dịp lễ Vượt Qua, Người được Thánh Giu-se và Đức Mẹ đưa lên Giê-ru-sa-lem để dự kỳ đại lễ đầu tiên trong đời. Kinh thành như muốn vỡ tung ra vì những đoàn người đông đúc từ khắp nơi dồn về. Đền thờ Giê-ru-sa-lem đầy ắp những người là người! Cuộc lễ diễn ra thật uy ngiêm và trang trọng. Lễ tan, mọi người lũ lượt kéo nhau ra về. Trong dòng thác người khổng lồ ấy, kiếm tìm nhau quả là một chuyện gay go. Vì thế mãi đến lúc chiều xuống, khi tới nơi nghỉ chân, Thánh Giu-se và Đức Mẹ mới gặp lại nhau. Không thấy Chúa Giê-su, hai vị liền tìm đến các nhóm bà con quen biết để hỏi thăm tin tức. Thế nhưng, đi hết nhóm này sang nhóm khác mà vẫn chẳng thấy Chúa Giê-su. Hốt hoảng, các ngài liền tức tốc quay trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng những thầm mong gặp Người đang trên đường về… Đã một đêm, rồi một ngày ròng rã trôi qua, người con yêu quý vẫn bặt  vô âm tín. Bóng chiều lại dần buông xuống, hai ông bà ruột đau như cắt khi nghĩ đến những bất trắc có thể xảy tới cho con mình. Tối hôm đó, cả hai không tài nào chợp mắt, chỉ trông trời mau sáng để lên đường tiếp tục tìm Chúa Giê-su.

Mẹ ơi, con hình dung ra cảnh Mẹ trằn trọc suốt canh thâu, nỗi buồn sầu bao trùm lên Mẹ. Ôi những giờ khắc thiếu vắng Chúa Giê-su sao mà nặng nề trống rỗng đến thế! Trong đêm dài vắng lặng, Mẹ nhớ đến da diết hơi thở quen thuộc của người con yêu dấu. Mới chỉ xa cách Người mấy buổi mà Mẹ tưởng chừng như thời gian trống vắng đã kéo dài tới vô tận. Mẹ đã nhận Người làm tất cả của Mẹ, nên nếu thiếu Người thì tất cả sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Mẹ phải tìm gặp lại Người, tìm gặp lại nguồn hạnh phúc duy nhất của đời Mẹ. Mẹ nhớ lại những tháng ngày êm ấm bên cạnh người con chí ái. Ôi, chuỗi ngày hạnh phúc biết bao. Bây giờ nếu phải xa cách Người mãi mãi thì những ngày tháng còn lại sẽ tẻ nhạt biết dường nào! Trong đêm tối, Mẹ khẽ nhắc tên Người: “Ôi Giê-su!”

Mẹ ơi! Tai con đã biết bao lần nghe lời nhắc nhở: “Đức Giê-su chính là sự sống của anh em”; mắt con đã bao lần đọc thấy: “Thầy là cây nho, chúng con là nhành”; miệng con đã bao lần thốt lên: “Chúa là cùng đích đời con”… Thế nhưng trong thực tế con đã sống ra sao? Con đã làm như những gì tai con nghe, mắt con đọc, miệng con tuyên xưng chỉ là những lý thuyết suông. Chúa có đó. Chúa cần thiết đó. Nhưng chỉ cần thiết trong một mức độ nào thôi! Chúa chưa phải là tất cả của con. Ngoài Chúa ra, con còn rất nhiều thứ phải kiếm tìm, phải gìn giữ nữa cơ mà! Con yêu Chúa, nhưng đồng thời con cũng yêu nhiều điều khác nữa. Thế nên chưa khi nào con thấy tim mình trống vắng cả. Thiếu Chúa thì mới chỉ là thiếu một phần thôi thì nào có hề gì!

Mẹ ơi! Xin hãy loại bỏ khỏi con tâm tình quái ác đó. Xin Mẹ dạy con biết quay quắt như Mẹ và Thánh Giu-se trên đường tìm kiếm Chúa xưa. Xin Mẹ cảnh giác con những lúc con lạc mất Chúa trong đời. Vì không có gì khốn khổ cho bằng một kẻ đã đánh mất hết phần sản nghiệp mà vẫn đinh ninh mình còn đầy đủ sung túc. Xin Mẹ đừng để quả tim con bị đánh lừa không nhận ra được những thay đổi nhỏ nhặt trong nồng độ tình yêu của con đối với Chúa.

Mẹ ơi, thật là đáng sợ khi người ta từ từ xa cách Chúa mà vẫn tưởng rằng mình còn ở cạnh bên Người! Mẹ ơi, xin Mẹ nhắc con luôn nhớ rằng: để khỏi lạc mất Chúa, con phải ra công tìm kiến Người mỗi giây phút của cuộc đời con. Và nếu nhỡ con có lạc xa Người thì xin cho con biết tốc tả kiếm tìm cho tới khi gặp lại Người như Mẹ và Thánh Giu-se đã tìm gặp Chúa trong đền thờ xưa .

Nguyên tác : Notre Dame de tous les jours - PAULA HOESL

TRẦM TĨNH NGUYỆN phóng tác 

Tác giả: PAULA HOESL. Trầm Tĩnh Nguyện phóng tác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây