Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Hình ảnh vài Hội nghị Thường niên tiêu biểu
Đón tiếp Phái đoàn HĐGM Pháp
Thư cám ơn của HĐGM Pháp
Đón tiếp phái đoàn HĐGM Hoa Kỳ
Chào mừng Đức TGM Leopoldo Girelli
Đi thăm GH Công giáo Lào và Thái Lan
Giáo Hội Công giáo Thái Lan thăm TGP Huế
Chủ sự tấn phong GM Phêrô Nguyễn Soạn
Chủ sự tấn phong GM FX Lê Văn Hồng
Chủ sự tấn phong GM VS Nguyễn Văn Bản
Lễ Tấn phong GM Phêrô Nguyễn Văn Đệ
Kim Khánh LM ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Lễ Tấn phong GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

TẤN PHONG GIÁM MỤC

Lễ Tấn Phong Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám Mục Phụ tá Giáo phận Bùi Chu (Ngày 18-01-2006)

 

+ Đức Cha chủ phong: Giuse Hoàng Văn Tiệm.

+ 2 Đức Cha phụ phong: - Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giáo Phận Hà Nội.
                                            - Đức Tổng Têphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giáo Phận Huế.

- Trọng kính Đức Tổng Giám mục Hà Nội và Quý Đức Cha,
-  Kính thưa quý Viện phụ, quý Cha Tổng Đại diện,
-  Kính thưa các vị Khách quý,
-  Kính thưa Bề trên các Dòng, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh,
-  Anh chị em giáo dân thân mến,

Hôm nay trong bầu khí trang trọng và đầm ấm, chúng ta thành kính dâng lên Thiên Chúa lòng cảm mến tri ân sâu xa, vì Người đã ban cho Giáo Hội Việt Nam một vị Giám mục mới là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Dòng Salêsiên Don Bosco, làm Giám mục Phụ tá Giáo Phận Bùi Chu.

1. Bài Tin Mừng vừa rồi đưa quang cảnh lễ Tấn phong Giám mục hôm nay về với giây phút Chúa Giêsu vào Hội đường Nadarét, long trọng công bố niềm vui và niềm hy vọng cho mọi người. Thánh sử Luca viết:

“Chúa Giêsu vào Hội đường. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi,
Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
Để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó..., và công bố năm hồng ân của Chúa.

Gấp sách lại, Chúa Giêsu nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,16-22).

Qua lời đó Chúa Giêsu xác nhận Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Người, và Thiên Chúa tấn phong Người làm Tiên tri loan báo Tin Mừng, đem niềm hy vọng đến cho muôn dân.

Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu dấn thân thực hiện sứ mệnh cứu thế.

Trọn cuộc sống, Người đã đối mặt với nhiều cái chết thể xác và nhất là cái chết tinh thần, để gieo mầm sống và niềm hy vọng vào lòng người. Người không ngừng mời gọi con người chỗi dậy và bước đi. Người không ngừng khơi nguồn cho những giờ sinh ra, cho những cuộc tái sinh, để con người sống xứng với phẩm giá của mình.

Đối với vị Ngôn sứ trẻ tuổi này, ai ai cũng có tương lai, không ai bị chôn chặt trong quá khứ buồn, dù là quá khứ tội lỗi. Người tìm cách vực dậy và đẩy họ bước tới.

Nước Trời mà Chúa Giêsu rao giảng chính là Tin Mừng về lòng cậy trông: người mù thấy được, người điếc nghe được, người què chạy nhảy được. Tin Mừng người con phung phá trở về mái ấm gia đình. Tin Mừng về người gieo giống, mùa màng chín rộ. Tin Mừng cây vả đâm chồi nở nụ. Tin Mừng rượu vui tiệc cưới. Tin Mừng nhúm men làm dậy cả thúng bột. Tin Mừng hạt cải nhỏ xíu mọc thành cây lớn sum sê lá cành. Toàn là những hình ảnh nặng chĩu tương lai chan chứa hy vọng.

2. Anh chị em thân mến,

Hôm nay trong Thánh lễ Tấn phong này, Chúa Thánh Thần cũng sẽ ngự xuống trên vị Tân Giám mục qua việc đặt tay và xức dầu thánh hiến, để ngài trở nên người kế vị tông đồ, làm Chủ chăn và được ủy thác sứ mệnh tiếp nối công việc rao giảng Tin Mừng về niềm vui và niềm hy vọng cho mọi người (x. Vat. II, CD 2b).

Xã hội chúng ta đang có những tiến bộ vượt bậc về khoa học, kỹ thuật, nhất là trong lãnh vực sinh học và thông tin. Chiến tranh lạnh chấm dứt, người ta trông đợi một thời kỳ hòa bình và phát triển bền vững được khai mở. Nhưng trên thế giới hiện nay, lại xuất hiện nhiều bất trắc và những nỗi lo sợ mới đe dọa nền văn minh nhân loại và cuộc sống chung hòa bình giữa các dân tộc. Những xung đột về văn hóa, những tranh chấp về địa giới và những cạnh tranh khốc liệt trong nền kinh tế thị trường vẫn âm ỉ tiếp diễn. Nền văn hóa sự chết, khủng bố, bạo lực, hận thù và hưởng thụ ích kỷ gieo rắc hiểm họa trên cuộc sống hằng ngày.

Nhiệm vụ của Giám mục trong bối cảnh này là lấy Tin Mừng của Chúa Kitô mà kiến tạo hòa bình, ươm gieo niềm tin và hy vọng, tác động trên tâm tư con người để họ mở rộng lòng cho sự hòa giải và tình liên đới. Trong Tông Huấn “Mục tử của đoàn chiên”, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắn nhủ rằng: “Được sức mạnh và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, vị Giám mục phải là người phục vụ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Ngài phải loan báo và mang đến cho thế giới niềm hy vọng, khởi từ việc rao giảng Tin Mừng, đặc biệt ở đâu có áp lực mạnh của một nền văn hóa chủ trương đóng kín cửa trước mọi khai mở cho Siêu Việt” (số 3).

3. Anh chị em thân mến,

Giữa thế kỷ 19, nhiều vùng ở Châu Âu trải qua cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Hàng vạn thanh thiếu niên sống lây lất vô định, không một tổ chức nào quan tâm săn sóc. Số người thất nghiệp gia tăng kéo theo sự suy đồi luân lý, nhất là nơi các tâm hồn non trẻ. Trước tình trạng nguy ngập ấy, Cha Gioan Bosco xuất hiện. Ngài là con người tin cậy vào Chúa, luôn gieo niềm hy vọng và hành động trong tin tưởng. Ngài quy tụ một số bạn trẻ, đào tạo nghề nghiệp cho họ, đồng thời với tình phụ tử chân thành, ngài dùng các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Giải tội, để từng bước thánh hóa đời sống của các em bất hạnh này. Chỉ vài năm sau, công việc của ngài lan rộng đến nhiều thành phố lớn ở nước Ý, nước Pháp, nước Bỉ, rồi lan đến tận Nam Mỹ. Hiện nay, Dòng Salêsiên Don Bosco có trên 20.000 tu sĩ, hoạt động đắc lực trong 126 quốc gia, đem đến vô vàn lợi ích cho Giáo Hội, cách riêng cho thanh thiếu niên nam nữ. Suốt lịch sử của mình, Hội Dòng đã hiến dâng cho Giáo Hội 5 vị Hồng y, 110 vị Tổng Giám mục và Giám mục, trên 11.000 Linh mục và rất nhiều Tu sĩ nam nữ (x. GHCGVN, Niên Giám 2004, tr. 324).

4. Cha Thánh Gioan Bosco vực dậy được các thế hệ giới trẻ là nhờ ngài biết lấy Tin Mừng gieo vào tâm hồn giới trẻ niềm tin cậy vào tình thương của Chúa, hướng tâm trí giới trẻ sống trong vui tươi và hy vọng, với niềm xác tín rằng, nhờ ơn trợ lực của Chúa và quyết tâm của mình, cuộc sống sẽ đổi mới. Trọng tâm công việc tông đồ của ngài là con người, tất cả những điều khác chỉ là phương tiện giúp con người đến với ơn cứu rỗi của Chúa Kitô. Đúng như lời tâm nguyện và khẩu hiệu của ngài mà Đức Tân Giám mục lấy lại để định hướng cho sứ vụ của mình, đó là: “Da mihi animas, coetera tolle”, nghĩa là: “Lạy Chúa, xin ban cho con các linh hồn; còn những thứ khác, xin Chúa cất đi”.

5. Anh chị em thân mến,

Đức Tân Giám mục được bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo Phận Bùi Chu. Sách “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục” cho biết Bùi Chu là mảnh đất đầu tiên trên quê hương đã đón nhận Tin Mừng. Đây là vinh dự lớn lao ghi nét son tươi thắm trên lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Thêm vào vinh dự đó, Giáo Phận Bùi Chu đã thấm máu đào của trên 16.000 vị chứng nhân đức tin anh hùng, và trong số 117 vị Thánh Tử đạo của Giáo Hội Việt Nam, có tới 26 vị sinh quán tại Bùi Chu và 18 vị phục vụ tại miền đất này (x. GHCGVN, Niên Giám 2004, tr. 550). Vì thế, làm mục tử ở vùng địa linh nhân kiệt Bùi Chu, Đức Tân Giám mục thừa hưởng một di sản thiêng liêng vô cùng quý báu làm nền tảng cho niềm hy vọng của mình, và làm sức bật mạnh mẽ cho các công việc thuộc sứ vụ Giám mục. Ngài sẽ hòa mình vào giòng lịch sử của Giáo Phận, phát huy niềm tin tưởng vào Chúa nơi bản thân cũng như nơi những người được trao phó cho ngài chăm sóc, để niềm tin tưởng đó tác động như chiếc neo vững chắc cắm sâu vào các tầng trời, kéo giòng lịch sử ấy ngày càng lên cao, ngày càng tỏa sáng. Chúng ta thấy hình ảnh chiếc neo ấy với trái tim nồng cháy yêu thương trên huy hiệu của vị Tân Giám mục.

6. Sứ mệnh đó rất cao cả nhưng cũng thật nặng nề. Song Chúa Thánh Thần là Đấng đã ngự xuống trên Chúa Giêsu, sẽ thánh hiến Đức Tân Giám mục, ban cho ngài sức mạnh và niềm tin mãnh liệt để cùng với Đức Giám mục Giáo Phận, ngài chu toàn trọng trách ấy. Chúa Thánh Thần cũng sẽ hướng dẫn ngài thực hiện tâm nguyện sứ vụ Giám mục của ngài, là đưa các linh hồn, nhất là giới trẻ, về với ơn cứu độ, theo gương Thánh Tổ phụ Gioan Bosco: Da mihi animas: = Xin ban cho con các linh hồn.

7. Giờ đây, chúng ta hướng lòng về Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Hiền của Giáo Hội, Mẹ chúng ta. Mười hai ngôi sao Khải huyền của Mẹ được cung kính gắn trên huy hiệu nói lên lòng Đức Tân Giám mục hằng trông cậy Mẹ Maria cách thẳm sâu, trong đời sống và sứ vụ mình.

Chúng ta tin tưởng kêu cầu Mẹ Maria, là Đấng làm cho chúng ta được sống, được vui, được cậy (kinh “Lạy Nữ vương”), đồng thời là “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”, xin Mẹ đồng hành với vị Tân Giám mục, như xưa đã luôn theo sát Cha Thánh Gioan Bosco, để phù trợ và ban nghị lực cho ngài trong sứ mệnh đem niềm vui và niềm hy vọng của Tin Mừng đến cho mọi người. Amen.