Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Người Việt kìm chân nhau vì tư duy chen lấn, chộp giật

Ở đây, chúng ta nên nhìn rộng ra, không chỉ là việc chen lấn, giành chỗ mà còn là tư duy chộp giật, chỉ nhìn được cái lợi trước mắt. Đơn cử như việc tham gia giao thông, nhiều người cũng tìm cách chen lấn, đi trước.
Người Việt kìm chân nhau vì tư duy chen lấn, chộp giật
'Thôi cháu còn trẻ, nhường cô đi', người phụ nữ lớn tuổi buông một câu gọn lỏn sau khi chen ngang hàng, tranh vào tiêm vaccine trước.

Tôi rất đồng cảm với nỗi bức xúc của tác giả bài viết "Tại sao người Việt hay chen lấn, giành chỗ?". Bản thân tôi cũng đã gặp phải tình huống tương tự. Ngày tôi đi tiêm vaccine mũi ba, có một anh chàng đang chuẩn bị điền thông tin thì bị một cô lớn tuổi chen ngang, tranh vào trước mà không nói năng gì. Đến khi anh kia ý kiến thì người phụ nữ mới đáp lại: "Thôi cháu còn trẻ, nhường cô đi". Anh thanh niên kia dĩ nhiên là không chịu và hai bên xảy ra tranh cãi gay gắt.

Một lúc sau, đến lượt người con của cô kia cũng lao vào tranh cãi với lý do tương tự. Được một hồi thì những người xung quanh cũng phải lao vào can ngăn để hai bên hạ hỏa. Cuối cùng người thanh niên đành "ngậm cục tức" để người phụ nữ lớn tuổi hơn vào trước. Thực tế, dù bạn là người có ý thức, nhưng rất khó để sống trong một tập thể những người vô ý thức.

Ở đây, chúng ta nên nhìn rộng ra, không chỉ là việc chen lấn, giành chỗ mà còn là tư duy chộp giật, chỉ nhìn được cái lợi trước mắt. Đơn cử như việc tham gia giao thông, nhiều người cũng tìm cách chen lấn, đi trước. Nếu xét trên phương diện cá nhân thì hành động đó có thể khiến bạn nhích thêm được vài mét tại thời điểm đó. Nhưng nếu nhìn tổng thể, khi ai cũng làm như vậy, thì sẽ khiến mỗi cá nhân bị kẹt lại lâu hơn, vì không ai chịu nhường ai.

Hay như trong kinh doanh, buôn bán, nếu bán một trái dừa với giá 10.000 đồng, thì bạn có thể chỉ lời ít. Nhưng bù lại, vì bán giá hợp lý nên bạn có thể bán được cho 10 khách, 100 khách. Nhưng ngược lại, nếu bạn ham lời trước mắt, bán với giá 50.000 đồng, cuối cùng chỉ có vài ba vị khách ghé mua vì ai cũng ngán ngẩm với kiểu 'chặt chém' của bạn. Vậy làm thế nào lợi hơn về lâu dài?

Ngay cả trong thể thao cũng vậy, thay vì chấp nhận nhìn đội bóng của mình thất bại, từng bước tích lũy kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, nếu chúng ta lại vung tiền nhập tịch cầu thủ ngoại hoặc dùng mãi một bộ khung già cỗi để đổi lấy thành tích ngắn hạn thì tương lại của bóng đá nước nhà sẽ đi đây về đâu? Để rồi đến một ngày, khi bộ khung ấy không còn nữa, đội bóng của chúng ta sẽ "mèo vẫn hoàn mèo".

Tất nhiên, mong chờ người dân tự có ý thức là chuyện rất xa vời. Ý thức chỉ được hình thành khi có sự ràng buộc của pháp luật, các quy định. Lấy ví dụ cụ thể ngay tại nước ta, khi nhà nước áp đặt những quy định đảm bảo phòng chống lây lan dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội thì dân ta chấp hành rất nghiêm túc (tuy vẫn có vài vụ bị xử phạt). Nhưng khi nhà nước gỡ bỏ các quy định đó thì tỷ lệ người chấp hành theo các quy tắc trước đó sụt giảm một cách nhanh chóng.

Nói tóm lại, ý thức chỉ được hình thành khi luật lệ thật sự mang tính răn đe. Hy vọng sự thay đổi sẽ đến từ nhiều phía để người Việt từng bước nâng cao được ý thức xã hội của mình.
Trunkslessj
https://vnexpress.net/nguoi-viet-kim-chan-nhau-vi-tu-duy-chen-lan-chop-giat-4452230.html

Nguồn tin: VnExpress.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây