Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


'Lịch sử sẽ không khoan dung với quyết định về Nhà thờ Bùi Chu'

Cố vấn của Ngân hàng Thế giới, Martin Rama chia sẻ quan điểm cá nhân với BBC News Tiếng Việt rằng "lịch sử sẽ không khoan dung với việc phá hủy Nhà thờ Bùi Chu", trước hạn định 13/5.
-
Người thợ mộc làng Hai Giáp đang điêu khắc kèo chuẩn bị cho Nhà thờ Bùi Chu mới. 
Ảnh: THINH NGUYEN

Mạng xã hội dấy lên nhiều ý kiến quan ngại trước tin Nhà thờ Bùi Chu, một trong những nhà thờ lâu đời và đẹp nhất ở tỉnh Nam Định với 134 năm tuổi, do "xuống cấp" nên sẽ bị "hạ giải" theo cách dùng từ của giáo phận Bùi Chu, còn dư luận thì hiểu là "dỡ bỏ" vào ngày 13/5 để xây nhà thờ mới.

Những ngày này, việc chuẩn bị tháo dỡ Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu đang được tiến hành, và các thợ mộc làng Hai Giáp đang điêu khắc kèo chuẩn bị cho nhà thờ mới.

Linh mục Joseph Trần Hưng Đạo, giám đốc Caritas Bùi Chu xác nhận với BBC rằng "chương trình đại tu theo kế hoạch thì ngày 13/5 tiến hành".

Ông cũng nói thêm: "Việc trùng tu nhà thờ thì có vấn đề gì đâu, công trình nào cũng chỉ có một khoảng thời gian của nó."

"Sửa mà đại tu nhà thờ mà không dỡ ra thì sao sửa được?"

"Công việc của Giáo hội thì ai hiểu được thì hiểu. Một vài người không đồng tình thì có thể họ không hiểu công việc phải làm."

Tin mới nhất là Cục Di sản đề nghị kiểm tra việc xây lại nhà thờ Bùi Chu và đề xuất giải pháp bảo tồn nhà thờ chính tòa Bùi Chu.

Trong khi đó, kiến trúc sư Sơn Đặng, người có kinh nghiệm với công tác trùng tu di sản ở Mỹ và Nhật Bản, nói với BBC:

"Đã có thêm các nhóm kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, chuyên gia bảo tồn ghé Nhà thờ Bùi Chu để tiến hành khảo sát sơ bộ."

"Họ đưa ra kết luận: Nền móng của nhà thờ vẫn còn tốt, không có dấu hiệu sụt lún; hệ khung cột gỗ lim kết cấu chính còn rất tốt; mái ngói vỡ khiến cho hệ vì kèo gỗ nhiều chỗ thấm nước, cần thay thế những phần đã mục hỏng; phần trần vôi rơm hai cánh cũng đã hỏng, cần làm mới hoàn toàn; tường bao mục lớp ngoài, nhưng có thể chống thấm bằng các phương pháp thi công phổ biến. Nhìn chung việc trùng tu rất dễ dàng, không có gì trở ngại về mặt kỹ thuật và cũng không có gì quá tốn kém!"

'Coi trọng di sản'

Hôm 7/5, từ Washington D.C., ông Martin Rama, Cố vấn của Ngân hàng Thế giới và là giám đốc dự án của Trung tâm Phát triển Đô thị bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nói với BBC:

"Cuộc tranh luận về việc có nên giữ lại Nhà thờ Bùi Chu hay không thường được đóng khung về mặt lịch sử, tôn giáo hay kiến ​​trúc. Nhưng cốt lõi là về kinh tế, về giá trị của di sản. Vì vậy, tôi sẽ diễn giải vụ này dưới góc độ nhà kinh tế."

"Chúng ta không biết giá trị chính xác của di sản. Giống như thực phẩm hoặc quần áo, di sản ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta, nhưng không có một thị trường nào có giá cho nó. Thường thì người ta đo lường về lượng doanh thu du lịch mà di sản có thể tạo ra. Nhưng di sản đáng giá hơn thế, bởi vì nó cũng là bản sắc, vẻ đẹp và niềm tự hào, chứ không chỉ là điểm du lịch."

"Những gì chúng ta biết là một quốc gia sẽ coi trọng di sản hơn khi người dân trở nên giàu có hơn. Khi các quốc gia tương đối nghèo, họ phải đối mặt với nhu cầu cấp bách và bị cám dỗ bởi các giải pháp thực dụng."
 
-
GPBUICHU.ORG

"Cần tốn nhiều thời gian để nhận thức di sản đạt được hiệu quả. Ngay cả ở châu Âu, nơi di sản ngày nay được bảo vệ rất tốt, các công trình đáng chú ý đã từng bị phá hủy thời thập niên 1960 và 1970."

"Tôi không nghi ngờ gì về việc Việt Nam sẽ là một quốc gia giàu có, và các thế hệ tương lai sẽ coi trọng di sản hơn thế hệ hiện tại. Sớm muộn gì trẻ em ngày nay cũng sẽ biết câu chuyện về Nhà thờ Bùi Chu. Và rồi chúng sẽ ngạc nhiên, thậm chí buồn bã, rằng thế hệ phụ huynh của chúng không yêu nhà thờ này đủ để cứu nó."

"Đây là lý do tại sao tôi viết rằng "lịch sử sẽ không khoan dung với việc phá hủy Nhà thờ Bùi Chu" trong thư ngỏ gửi Tổng giám mục Hà Nội Joseph Vũ Văn Thiên và Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, Giáo phận Bùi Chu."

"Tuy vậy, tôi không nghĩ rằng hai ngài dành thời gian trả lời thư của tôi. Tôi rất thông cảm với quyết định rất khó khăn mà họ phải đối mặt. Tôi cũng biết rằng họ vô cùng bận rộn trong những ngày này. Ngoài việc thực hiện tháo gỡ và xây lại nhà thờ, họ hiện đang phải đối mặt với các lượt thăm viếng và chất vấn. Tôi cảm thấy tiếc vì có thể mình đã thêm gánh nặng cho họ!"

"Hơn nữa, tôi tin rằng Tổng giám mục Hà Nội Joseph Vũ Văn Thiên và Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu cũng sẽ đau lòng khi thấy Nhà thờ Bùi Chu cũ trở thành cát bụi. Đây là cái nôi của Công giáo ở Việt Nam, một viên ngọc kiến ​​trúc và là trụ cột tâm linh. Tôi nghi ngờ rằng việc phải đành lòng phá hủy nhà thờ theo kế hoạch cũng sẽ gây đau lòng cho chính họ."

"Trong nhiều năm, khi là chuyên gia của Ngân hàng Thế giới làm việc tại Hà Nội, tôi đã cố gắng giúp chính phủ đưa ra quyết định nhằm tối đa hóa giá trị cho đất nước. Trong vụ việc này, quyết định bảo tồn giá trị cho đất nước thuộc về các cha. Tôi vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ có cơ hội gặp họ trực tiếp. Tôi muốn bày tỏ sự tôn trọng và lòng biết ơn của tôi với họ vì đã xem lá thư của tôi."
 
bui chu church 3
Lễ Truyền dầu tại giáo phận Bùi Chu hôm 18/4 là một trong những buổi lễ cuối cùng trước khi nhà thờ được
"đại tu" hôm 13/5. GPBUICHU.ORG

'Giải pháp thay thế'

Ông Martin Rama cũng cho biết thêm:

"Nhiều người có thể tán đồng với diễn giải của Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu về việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu. Nhưng có thể có những giải pháp thay thế tốt hơn là phá hủy công trình này."

"Tôi hiểu rằng chắc hẳn đã có lúc Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu nghiêm túc cân nhắc việc giữ lại tòa nhà thờ cũ và xây một nhà thờ mới cạnh bên. Nhưng tại thời điểm đó, giáo phận không đủ tiềm lực để có được khu đất cần thiết cho nhà thờ mới. Mọi thứ đã thay đổi. Đức cha và giáo dân không còn cô đơn nữa. Tôi tin rằng có thể huy động sự đóng góp tài chính cho nhà thờ mới."

"Các nhà kinh tế nghĩ về chi phí và lợi ích. Chi phí của nhà thờ mới sẽ thấp hơn, bởi vì xây một công trình trên khu đất trống sẽ ít tốn kém hơn so với việc phá hủy và xây lại nhà thờ trên cùng mảnh đất. Và lợi ích sẽ cao hơn, bởi vì giá trị di sản sẽ không bị mất đi. Nhà thờ cũ có thể được gia cố cho an toàn thông qua việc trùng tu, và nơi thờ phụng sẽ tăng gấp đôi."

"Chi phí cho việc này là dành để mua đất và trùng tu tòa nhà cũ, nhưng tôi tin rằng nhiều nguồn lực và thiện chí sẽ đem lại hiệu quả. Tôi đã chứng kiến ​​sự nhiệt tình của các kiến ​​trúc sư và chuyên gia yêu Nhà thờ Bùi Chu. Tôi chắc chắn rằng họ sẽ tình nguyện trợ giúp. Tôi sẽ rất vui khi làm điều tương tự."

Tôi rất mong Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu truyền đạt đến giáo dân rằng nhiều người, ở Việt Nam và nước ngoài, quyết tâm giúp đỡ nếu giải pháp cuối cùng là chọn bảo tồn nhà thờ Bùi Chu xinh đẹp."

Trước đó, Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, Giáo phận Bùi Chu được tờ Tiền Phong dẫn lời: "Việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu đã được chúng tôi lên kế hoạch cách đây 5 năm (năm 2014). Theo đó, hầu hết các tu sĩ, giáo dân và chính quyền địa phương đã đồng thuận về việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu."

"Thời gian gần đây, xuất hiện một số ý kiến trên mạng xã hội về việc đại tu nhà thờ. Tuy nhiên, đó chỉ là những ý kiến của một số người "ngoại đạo". Đối với việc này chúng tôi sẽ tham khảo, song quyết định sửa chữa trùng tu, đại tu như thế nào cuối cùng vẫn thuộc về tu sĩ và giáo dân... Việc chúng tôi đưa lên hàng đầu vẫn là bảo đảm an toàn, tiếp đó là mục đích thờ phượng, sau đó mới tính đến các giá trị khác như kiến trúc, di sản… Kế hoạch hạ giải Nhà thờ Bùi Chu sẽ được tiến hành vào ngày 13/5..."
 
Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc (Xuân Trường, Nam Định) bắt đầu được xây dựng năm 1884, bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận. Một năm sau, nhà thờ khánh thành, với chiều dài 78 m, rộng 22 m, cao 15 m, tháp cao 35 m. Từ đó đến nay, công trình được tu sửa hai lần năm 1974 và 2000.

Tác giả: Ben Ngô (BBC Tiếng Việt)

Nguồn tin: BBCVietnamese

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây