Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Trí thức nói hiến pháp phải bảo đảm an toàn, tự do và hạnh phúc cho dân

-

-

Nhóm nhân sĩ, trí thức đề nghị Hiến pháp mới tôn trọng quyền dân chủ của dân và quyền sở hữu tư nhân về đất đai Sở hữu toàn dân về đất đai là nguyên nhân dẫn đến hàng ngàn cuộc phản đối của nông dân.
Trí thức nói hiến pháp phải bảo đảm an toàn, tự do và hạnh phúc cho dân

 
Nhóm nhân sĩ, trí thức đề nghị Hiến pháp mới tôn trọng quyền dân chủ của dân và quyền sở hữu tư nhân về đất đai
 
Sở hữu toàn dân về đất đai là nguyên nhân dẫn đến hàng ngàn cuộc phản đối của nông dân
 
Hôm qua, 72 nhân sĩ, trí thức Việt Nam kiến nghị sửa đổi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo hướng tôn trọng quyền dân chủ của dân và quyền sở hữu tư nhân về đất đai.
 
Dự thảo đang được phổ biến rộng rãi để lấy ý kiến công chúng.
 
Trong số những người ký tên vào bản kiến nghị có giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp của Vinh và hai linh mục của Tổng giáo phận TP.HCM.
 
“Chúng tôi, những người Việt Nam ký tên dưới đây, xin trình bày với Quốc hội và Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 một số kiến nghị, đồng thời mong mỏi toàn thể đồng bào trong và ngoài nước thẳng thắn nói lên ý kiến để nhân dân ta có một Hiến pháp bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ và sự phát triển bền vững của đất nước, mang lại tự do hạnh phúc cho các thế hệ hiện tại và tương lai” – các nhà trí thức nói.
 
Họ nói Hiến pháp là để bảo đảm sự an toàn, tự do và hạnh phúc của mọi người dân, hạn chế sự lạm quyền của những người cầm quyền, tạo dựng khuôn khổ cho các sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hoá diễn ra một cách an bình và hiệu quả.
 
Họ khẳng định quyền lập hiến là quyền sinh ra các quyền khác phải thuộc về toàn dân, chứ không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, kể cả Quốc hội.
 
Trong khi dự thảo quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, các nhà trí thức nói việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền.
 
Nhân dân sẽ bầu chọn ra chủ thể lãnh đạo xã hội trong các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ. Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong các cuộc bầu cử như vậy, họ nhận xét.
 
Hiến pháp của Liên Xô năm 1977 quy định ở Điều 6 vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội đã không tránh được sự sụp đổ của chế độ Xô - Viết khi không còn lòng tin của dân, họ dẫn chứng.
 
Nhóm trí thức cho biết nên cho phép cạnh tranh chính trị vì phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của Đảng Cộng sản Việt Nam trước bối cảnh hiện nay của đất nước.
 
Về quyền con người, họ nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu sửa Dự thảo theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn về Quyền Con người năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia”.
 
Họ còn yêu cầu Hiến pháp quy định thành lập một Ủy ban Quốc gia về Quyền Con người hoạt động độc lập để bảo đảm quyền con người được thực thi. “Các quyền này được ghi trong Hiến pháp mà không được thực thi nghiêm túc như hiện nay, thì việc quy định các quyền ấy cũng trở nên vô nghĩa” – họ nói.
 
Họ yêu cầu tôn trọng sở hữu tư nhân về đất đai vì chế độ sở hữu tư nhân đã tồn tại từ lâu trên đất nước ta. Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là sự sao chép Hiến pháp Liên Xô, một điều hoàn toàn xa lạ với nhân dân Việt Nam và đã gây ra rất nhiều bất ổn xã hội.
 
Họ nói dự thảo khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu là “duy trì quy định sai trái, bỏ qua những vấn đề ngày càng trầm trọng do quy định này gây ra mà hàng triệu khiếu nại, khiếu kiện về đất đai trong những năm qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm hết sức nguy hiểm”.
 
Không thừa nhận sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng về đất đai cùng tồn tại với sở hữu nhà nước là tước đoạt một quyền tài sản quan trọng bậc nhất của người dân. Đánh đồng sở hữu nhà nước với sở hữu toàn dân về đất đai là tạo điều kiện cho quan chức các cấp chính quyền tham nhũng, lộng quyền, bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp cùng trục lợi, gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân.
 
Kiến nghị lưu ý rằng lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào. Vì thế, “chúng tôi yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam” – kiến nghị khẳng định.
 
Các nhà trí thức còn đề nghị hiến pháp phải được nhân dân phúc quyết “thông qua trưng cầu dân ý được tổ chức thật sự minh bạch và dân chủ với sự giám sát của người dân và báo giới”.
 
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong thời gian ba tháng, bắt đầu từ ngày 2-1 và kết thúc vào ngày 31-3 được đánh giá là quá ngắn và dễ dẫn đến tình trạng làm một cách hình thức cho qua chuyện.
 
“Chúng tôi kiến nghị gia hạn thời gian lấy ý kiến của nhân dân đến hết năm 2013, đồng thời khuyến khích đề xuất các dự thảo khác để Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cùng toàn thể đồng bào tham khảo, so sánh, thảo luận nhằm xây dựng một bản hiến pháp phù hợp nhất cho quốc gia”.
 
Dự thảo sẽ trình Quốc hội vào tháng Năm và sau đó hoàn thiện trình Quốc hội thông qua vào tháng 10.

Nguồn tin: vietnam.ucanews.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây